Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C

Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C Dẫn vào Thánh Lễ Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay là một đoạn trích trong bài từ biệt của Đức Giêsu, tuyên bố đã khởi đầu Giờ
Dẫn vào Thánh Lễ


Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay là một đoạn trích trong bài từ biệt của Đức Giêsu, tuyên bố đã khởi đầu Giờ Người được tôn vinh, qua việc Tử Nạn và Phục Sinh đúng theo ý định của Chúa Cha. Sau đó Đức Giêsu ban cho các môn đệ một điều răn mới là “hãy yêu như Thầy đã yêu”. TÌNH YÊU ấy chính là dấu chỉ để người ngoài nhận biết ai mới thực là môn đệ của Người.

Lời mời gọi “hãy yêu như Thầy đã yêu” quả là một thách đố lớn cho chúng ta là những môn đệ của Ngài. Yêu đến tận cùng và yêu tất cả mọi người trong trật tự, như Chúa đã làm sẽ giúp chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi làm người và làm môn đệ của Chúa.

Vậy, mỗi người chúng ta phải ý thức và can đảm sống theo gương mẫu và lời dạy của Chúa là từ bỏ chính bản thân tội lỗi của chúng ta.

Ca nhập lễ

Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu; Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt muôn dân - Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử; xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn: này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Cv 14, 20b-26

"Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin, mà rằng: "Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa". Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab

Ðáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. 

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. 

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. 

Bài Ðọc II: Kh 21, 1-5a

"Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: "Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi". Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: "Này đây, Ta đổi mới mọi sự".

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 13, 34

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 13, 31-33a. 34-35

"Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

"Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! “Di chúc” của Chúa Giê-su: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Với quyết tâm cố gắng thực thi điều răn mới của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:  

1. “Các Ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các Ngài” - Xin cho các vị Chủ chăn biết noi gương Đức Kitô, luôn làm hiển danh Thiên Chúa Cha bằng chính cuộc sống thánh thiện, quảng đại, hi sinh, hầu có thể chu toàn trách vụ mưu cầu ơn cứu rỗi cho muôn người.

2. “Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ"  - Xin cho các tín hữu biết điểm tô vẻ đẹp rạng ngời của một Kitô hữu, bằng sự mến thương không gian dối, để thế giới tìm thấy nơi họ câu trả lời thỏa đáng về tình yêu Chúa Kitô cho con người.

3. “Mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau” - Xin cho nhân loại biết loại trừ mọi tranh chấp, hận thù, chia rẽ, để cùng nhau dựng xây một thế giới yêu thương và an bình.

4. “Các con hãy yêu thương nhau”. - Xin tình yêu Chúa hiệp nhất mọi người trong giáo xứ chúng ta, để tất cả biết cùng hướng về việc đại kết, mà sẵn sàng thông cảm tha thứ cho nhau, giúp nhau sống giới luật yêu thương một cách tích cực và chân thành.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giới luật yêu thương của Chúa thấm nhiễm trong tâm hồn chúng con, giúp chúng con luôn nhớ được tình thương nhưng không Chúa ban, để chúng con biết trao ban cách quảng đại. Nhờ đó, chúng con thực sự là dấu chỉ và là lời mời gọi nhiều người về với Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa sẽ thực hiện trong thánh lễ này một cuộc trao đổi kỳ diệu là làm cho bánh và rượu chúng con dâng tiến trở nên Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, để chúng con được thông phần thiên tính của Chúa. Xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với chân lý chúng con tin nhận. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán: "Thầy là cây nho thật, các con là nhành, ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái" - Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ 5 PHỤC SINH NĂM C - Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 13, 31-33a. 34-35)
 
Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.
 
“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.
 
Suy niệm
 
Chủ đề tình yêu vẫn mãi là một chủ đề được quan tâm nhiều trong cuộc sống của mọi thời đại và ngay cả các tôn giáo cũng luôn lưu tâm đến khía cạnh này với góc nhìn của chính tôn giáo đó. Giáo hội Công giáo được Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa thiết lập, nên Ngài cũng hoạ lại bức tranh tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày của mọi tín hữu, với những nét đặc trưng của Kitô giáo.
 
Khởi công xây dựng các giáo đoàn thưở ban đầu, Chúa Thánh Thần, qua cuộc đời và lời chứng của các Tông đồ, đặc biệt là thánh Phaolô, đã đặt để trong tâm hồn và cuộc đời của các tín hữu, tinh thần hiệp thông và yêu thương nhau trong tình huynh đệ. “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nỗi gian truân ở đây gồm cả tinh thần lẫn thể lý. Với tinh thần, họ phải từ bỏ những ý riêng, từ bỏ cả những quan niệm truyền thống của tiền nhân về một Thiên Chúa nghiêm khắc, ghen tuông, để thay thế vào đó là một Thiên Chúa nhân từ, luôn yêu thương, luôn tha thứ và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên của mình. Với thể lý, họ phải chịu bắt bớ, ghét bỏ, bị loại trừ khỏi cộng đoàn và bị kết án bởi thiếu thiện cảm và khinh miệt. Họ đón nhận tất cả những gian truân đó trong sự gắn bó, cầu nguyện và chia sẻ với nhau dưới sự hướng dẫn của các Tông đồ, đặc biệt là Chúa Thánh Thần.
 
Hình ảnh cộng đoàn huynh đệ của sách Khải huyền phần nào cho chúng ta thấy được những khó khăn trong đời sống hiệp thông với nhau. Họ phải nhận chịu những đau khổ đó vì danh Chúa, vì tình yêu thương nhau, vì tình người trong cộng đoàn của Thiên Chúa, do đó, họ đã được Thiên Chúa trọng thưởng. Và “Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Để hoạ lại được bức tranh tình yêu của Thiên Chúa trong mỗi cộng đoàn, cần có sự ý thức trưởng thành đến từ tình yêu. Người tín hữu không chỉ yêu bản thân, yêu gia đình, yêu những người thân cận, họ còn được yêu cầu phải yêu thương cả những ai bắt bớ và ghét bỏ họ. Chính lúc họ thực hiện giới răn đó của Con Thiên Chúa, họ được ở bên cạnh Thiên Chúa như ngày xưa Chúa Cha luôn ở bên cạnh người Con yêu quý của Người là Đức Giêsu.
 
Lời mời của Đức Giêsu gởi đến cho các môn đệ trước khi về trời là “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau”. Giới răn đó là nét đặc trưng của Kitô giáo, đến nỗi người ta đã gọi các cộng đoàn Kitô giáo thưở ban đầu là đạo yêu thương, khi các tín hữu thực hiện giới răn này cách trọn vẹn. Thầy yêu thương anh em được hiểu từ chỗ đứng của các môn đệ. Từ địa vị là môn đệ, là người học trò, Đức Giêsu đã nâng họ lên là bạn hữu, được ngồi bên cạnh Ngài, chứ không còn phải là Thầy trên, trò dưới, khi chỗ đứng được nâng lên, các môn đệ còn được nhận từ bàn tay Thầy tấm bánh bẻ ra, chén rượu ngon trao tận tay mỗi người, cử chỉ của sự chăm sóc và quan tâm đến từng người. Đi xa hơn nữa, các môn đệ còn tận mắt chứng kiến cái chết oan khiên của Thầy mình, một cái chết các ngài không thể hiểu được theo cách nhìn của thế gian, nhưng đó là một cái chết của người yêu thí mạng vì người mình yêu. Khởi đi từ cuộc đời của Thầy chí thánh, các môn đệ thấy sự chăm sóc, dạy dỗ, quan tâm của Thầy dành cho từng người, từng thành phần trong cộng đoàn, các ông chưa thể hiểu nổi tại sao Thầy mình lại mắng trách các Luật sĩ, các Biệt phái, bởi họ là những người lãnh đạo tôn giáo. Chính vì mắng trách vậy, Đức Giêsu muốn họ ý thức về chỗ đứng của mình là những người hướng dẫn cộng đoàn về đời sống tinh thần, thế mà họ lại sống giả hình giả nghĩa với mọi người. Do đó, Đức Giêsu đề nghị họ thay đổi lại cách sống của mình cho xứng hợp, đó là dấu chỉ Ngài yêu thương họ, không muốn họ ngụp lặn trong tội lỗi và sự chết. Ngay cả với Phêrô cũng thế, Ngài yêu thương ông nhiều, nhưng khi cần, Ngài vẫn quở trách ông nặng lời, thậm chí gọi ông là Satan, bởi Ngài không muốn ông có lối suy nghĩ theo thế gian, có cách sống giả dối và hình thức, Ngài muốn ông hãy nên gương sáng cho các anh em, cho cộng đoàn giáo hội mà Ngài sẽ thiết lập và trao cho ông chăm sóc.
 
Tình yêu thương đến từ Thiên Chúa là một tình yêu vô vị lợi, hoàn toàn sống cho người mình yêu, cho tha nhân. Thiên Chúa mất gì và được gì khi yêu thương con người. Thiên Chúa chỉ thiệt thòi chứ không được gì từ con người. Vì yêu thương, Ngài đã hiến thân Người Con duy nhất cho con người, rồi khi người con đó đi vào lịch sử nhân loại, Người Con đó đã sống hết tình Chúa và tình người với con người. Người Con đó đã chấp nhận cái chết để diễn tả cho con người thấy được giá trị của tình yêu đến từ Thiên Chúa, là một tình yêu vô vị lợi, là một tình yêu không đòi đền đáp, là một tình yêu hy sinh đến cùng. Trước khi rời khỏi thế gian, Đức Giêsu còn muốn những ai là môn đệ của Ngài hãy hoạ lại bức tranh đó trong cuộc đời của mình, và trong cộng đoàn mình hiện diện.
 
Là một gia đình, cộng đoàn đức tin, mỗi thành viên nơi gia đình hãy luôn ý thức gia đình không phải là nơi tranh cãi, mà là nơi cảm thông và tha thứ, gia đình không phải là nơi ai hơn ai mà là nơi hy sinh cho nhau, sống cho nhau và chết cho nhau. Có như thế, gia đình mới là một cộng đoàn sống tình yêu thực sự đến từ Thiên Chúa tình yêu, và mọi thành viên thực sự là những môn đệ của Thiên Chúa tình yêu. Người chồng, người vợ có dám từ bỏ cái tôi và sự nhỏ nhen của mình để sống cho người mình yêu, người mình thương thực sự chưa? Lắm lúc chỉ sống bằng mặt mà không bằng lòng, chỉ coi gia đình là quán trọ, là chỗ nghỉ chân sau một ngày làm việc. Con cái nơi gia đình đã sống tình yêu thương với nhau như các chi thể trong một thân thể thực sự chưa? Hay chỉ là tranh chấp, chỉ là kẻ hơn người thua, kẻ bị khinh, người được trọng? Con cái với cha mẹ cũng thế, lắm lúc được yêu thương, được chiều chuộng nên chỉ đòi hỏi để hưởng thụ, chỉ sống thụ động trong gia đình, chưa bao giờ dám sống cho cha mẹ, cho anh chị em, chỉ biết yêu bản thân mình, sống cho bản thân mình. Đó thực sự là những môn đệ của Thầy Chí Thánh đúng như Thầy mong muốn chưa?
 
Bên cạnh gia đình là những cộng đoàn nhỏ sống chung với nhau noi gương các Tông đồ xưa. Khi đến từ muôn phương với những khác biệt vùng miền, khác biệt phong tục, khác biệt màu da, ngôn ngữ, những thành viên đó được Thầy Chí Thánh đề nghị loại bỏ những định kiến theo thế gian để sống chung với nhau, cùng nhau xây dựng cộng đoàn thành một gia đình yêu thương, giúp nhau nên thánh. Đó là những con đường nên thánh đến từ những cộng đoàn khác nhau, và với những con người khác nhau cùng giúp nhau nên thánh. Ý muốn của Thầy là thế, nhưng các môn đệ đã thực hiện được là bao. Tranh chấp địa vị, quyền lực, xu nịnh người có trách nhiệm để được an phận và an toàn là điều đã và đang xảy ra nơi những cộng đoàn như thế. Dấu hiệu của tình yêu không còn chỗ đứng nơi trái tim của mỗi con người nơi cộng đoàn, chỉ còn lại là nỗi đau của sự chia rẽ, chỉ còn lại là vết thương rỉ máu của ghét ghen và loại bỏ nhau. Từ đó, thay vì cùng nhau vẽ lại bức tranh tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì họ đã xoa lên đó những nắm bùn đen của tội lỗi và hận thù, vẽ lên đó những nét đậm của sự tranh chấp. Bức tranh đó còn bị phủ bóng trên những cộng đoàn giáo họ, giáo xứ bởi những xu thế xã hội hôm nay. Chủ nghĩa cá nhân, sự hưởng thụ cuộc sống là những xu thế tác động mạnh lên người môn đệ Kitô khi họ đang phân vân đứng giữa đôi dòng nước. Sẽ chọn con đường nào cho mình đây, là hưởng thụ, là sống sung túc trong nhung lụa của địa vị, quyền lực hay chấp nhận những thiệt thòi, những mất mát cho bản thân, để sống cho tha nhân và phục vụ tha nhân. Tất cả những vấn nạn đó đang ngày càng làm cho người môn đệ Đức Kitô khó có thể đưa ra quyết định nếu không có sự hướng dẫn của Thánh Thần. Cầu nguyện và tìm sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần vẫn mãi là một phương thế hữu hiệu giúp người môn đệ sống theo ý Thầy mong muốn. Và điều cuối cùng là ai dám bỏ những khoảng thời gian cần thiết để cầu nguyện đây, và ai dám dừng cuộc sống mình lại để tìm sự trợ giúp đến từ Chúa Thánh Thần?
 
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Ngài đã hy sinh vì yêu thương chúng con. Cái chết của Ngài là đỉnh cao của tình yêu tự hiến, tình yêu Thiên Chúa. Xin cho mỗi người chúng con luôn hướng về Thánh giá để thấy được giá trị của tình yêu Thiên Chúa yêu chúng con thế nào và để chúng con hoạ lại tình yêu đó trong đời sống và ơn gọi của mỗi người. Xin cho chúng con hãy biết cho đi mà không tính toán, hãy biết hy sinh mà không mong không đợi gì hơn là được sống trong nhà Thiên Chúa ngay từ hôm nay. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh


NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG
(Chúa Nhật V Phục Sinh C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Có thể nói rằng Kitô hữu chúng ta vốn không xa lạ gì với giới răn mới mà Chúa Kitô truyền lại: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34). Nói đến Kitô giáo, cách riêng Công giáo, người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu ông bà tiên tổ truyền dạy là “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta.

Trong thực tế, cách thế yêu thương cũng có năm bảy đường. Có người chủ trương yêu là cho roi cho vọt, lại có kẻ nghiêng chiều việc thương là cho ngọt cho ngào. Trong đời con cái Chúa cũng không thiếu người sống và hành xử cách khác nhau và nhiều khi như nghịch nhau mà vẫn cho rằng mình đã và đang yêu thương “như Chúa Kitô yêu thương”. Chính vì thế, việc lật mở và lần theo các trang Tin Mừng để xét xem Chúa Kitô đã yêu thương như thế nào là điều mà Kitô hữu cần thực hiện liên lỉ.

Có thể còn nhiều bất cập, nhưng xin mạo muội có một cái nhìn về tình yêu Chúa Kitô đã dành cho nhân loại chúng ta theo tiêu chí “toàn diện và lưỡng diện” như sau:

1. Chúa Kitô yêu thương con người cả phần hồn lẫn phần xác. Khi yêu thương, Chúa Kitô không chỉ chữa lành bệnh tật phần xác như cho kẻ què được đi, người câm nói được, người mù sáng mắt, người phung hủi được sạch… mà Người còn xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi… Chúa Kitô không chỉ ban lời hằng sống mà còn dùng quyền năng để nuôi đám đông dân chúng mà Tin Mừng tường thuật là có lần đến những năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ và có lần khác thì bốn ngàn người đàn ông (x. Lc 7, 22; Mt 14, 13-21; Mc 6, 30-44; Lc 9, 10-17; Ga 6, 1-15).

2. Chúa Kitô quan tâm săn sóc con người cả đời này lẫn đời sau. Khi thi ân giáng phúc cho đám đông dân chúng no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá xong, thì sau đó Người mời gọi họ hãy lo tìm kiếm lương thực đem lại sự sống trường sinh, đó là tin vào Người là Đấng mà Chúa Cha sai đến (x.Ga 6, 26-29). Mặc dù biết rằng con người không thể sống mãi ở đời này, Chúa Kitô vẫn thương bà góa nghèo thành Naim, nghĩ đến cảnh côi cút của bà, để rồi ra tay uy quyền cho người con trai duy nhất của bà được sống lại để phụng dưỡng mẹ già (x.Lc 7, 11-17).

3. Chúa Kitô vừa khoan dung tha thứ cho người có tội nhưng vừa kiên quyết diệt trừ tội lỗi và lên án các gương mù, gương xấu, đặc biệt khi chúng gây dịp tội cho những người bé mọn. Khi cứu sống người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang, Chúa Kitô đã không kết án chị ấy nhưng lại nghiêm nghị dạy rằng: Hãy về và đừng phạm tội nữa! Trên thập giá, dù khẩn xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại mình vì họ lầm chẳng biết, nhưng trước đó Chúa Kitô vẫn đã từng nhiều lần kết án những người làm gương mù gương xấu, gây cớ vấp phạm cho những người bé mọn, thậm chí Người đã từng dùng những lời gay gắt như kiểu nguyền rủa: “Khốn cho các ngươi…!” (x.Mt 18, 5-9; Ga 8, 11; Mt 23, 1-36; Lc 11, 37-54). Và Người cũng đã từng bện dây thừng thành roi để đánh đuổi những người vô tình hay hữu ý biến Đền thờ thành hang trộm cướp, thành nơi buôn bán (x.Ga 2, 13-17; Lc 19, 45-46; Mc 11, 15-17; Mt 21, 12-13). Như thế, cần khẳng định rằng Chúa Kitô vừa giáng phúc thi ân không ngơi nghỉ, nghĩa là làm điều tích cực, nhưng Người cũng vừa hết mình chiến đấu với sự dữ, nghĩa là khử trừ những hiện tượng tiêu cực, xấu xa.

4. Khi yêu thương, Chúa Kitô sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn, đau khổ xảy đến cho mình, nhưng Người luôn tìm cách bảo vệ, gìn giữ những kẻ Chúa Cha đã ban cho Người khỏi những sự dữ (x.Ga 10, 28; 17, 11-12; 18, 8-9). Người sẵn sàng đón nhận lời vu cáo, nhưng vẫn công bố lời chân lý trước cả thần quyền lẫn thế quyền (x.Mt 26, 59-66; Ga 18, 33-38).

Yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta quả là không dễ. Chúng ta đã nghe rằng một nửa sự thật chưa hẳn là sự thật thế mà nhiều khi chính ma quỷ cám dỗ chúng ta trình bày một nửa sự thật hầu để che đậy hoặc hợp pháp hóa một sự giả dối. Một cách tương tự theo nghĩa loại suy thì khi yêu thương nhau “như Chúa Kitô yêu thương” mà chỉ một vế hay một phần thì có thể chúng ta chưa thực sự yêu thương và cũng có thể chúng ta đang bị ma quỷ cám dỗ che đậy “sự vị kỷ” cách tinh tế mà nhiều khi bản thân chẳng biết, chẳng hay.

“Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pharisiêu! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ” (Lc 11, 42). Tình trạng “gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà” vẫn có đó nơi nhiều người tưởng rằng mình đang thực thi giới răn mới của Chúa Kitô, trong khi chỉ sống yêu thương cách phiến diện (x.Mt 23, 24). Mong sao không một ai trong chúng ta phải hứng chịu lời khiển trách của Chúa Kitô ngày xưa: “Khốn cho các ngươi, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản” (Lc 11, 52), vì chúng ta không chỉ sống mà còn giảng dạy giới răn mới của Chúa Kitô một cách không toàn vẹn.

Để kết thúc những dòng chia sẻ trên, xin được bổ sung một tiêu chí để kiểm chứng xem chúng ta đã thực sự giữ giới răn mới của Chúa Kitô như thế nào, vì rất có thể chúng ta đang yêu thương theo kiểu cách của mình mà không như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Đó là khi yêu thương nhau, chúng ta đã cúi xuống trong sự hạ mìnhbỏ mình chưa? (x.Ga 13, 1-17; Pl 2, 5-11).

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Yêu thương
(Trích trong 'Sợi Chỉ Đỏ')

Chắc hẳn nhiều người có biết chuyện thánh nữ Maria Goretti. Maria Goretti là một thiếu nữ đẹp: Vừa đẹp người vừa đẹp nết. Nhưng gia đình thì nghèo: Không có nhà riêng để ở, phải ở chung nhà với gia đình của anh chàng Alexandre. Hàng ngày mẹ và các anh của Goretti ra đồng làm ruộng, Goretti ở nhà lo việc nội trợ và giữ em. Anh chàng Alexandre từ lâu đã đem lòng yêu cô gái Goretti và cũng đã vài lần dụ dỗ Goretti cùng mình trao đổi những cử chỉ yêu đương, nhưng Goretti luôn từ chối. Một hôm Alexandre đang làm ruộng ngoài đồng, nhưng biết Goretti ở nhà một mình nên lấy cớ đau bụng để trở về nhà. Về đến nhà Alexandre giả bộ nhờ Goretti vào phòng hắn lấy cái áo đứt nút đơm lại giùm. Cô gái ngây thơ có tính hay giúp đỡ tưởng thật nên đã đi vào. Alexandre lại một lần nữa đề nghị chuyện ái ân. Goretti vẫn từ chối. Khi ấy vì đam mê đã làm cho lý trí mù quáng. Alexandre dùng dao đâm túi bụi 17 nhát vào mình Goretti và chạy trốn. Sau đó anh của Goretti sinh nghi từ ruộng trở về thấy em gái mình sắp chết, anh thề sẽ trả thù. Nhưng Goretti tha thiết xin anh hãy tha cho hắn. Cuối cùng Goretti chết và Alexandre bị cảnh sát bắt giam. Một đêm kia anh thấy Goretti hiện ra với mình và tặng cho mình những cánh hoa mầu trắng và mầu đỏ. Từ đó Alexander ăn năn sửa mình, nên được khoan hồng trả tự do trước khi hạn tù chấm dứt. Alexandre còn được vinh dự tham dự lễ phong thánh cho thánh nữ Maria Goretti.

Có thể xem câu chuyện trên là một câu chuyện tình. Nhưng trong chuyện ấy có hai thứ tình: tình của Alexandre đối với Goretti là một thứ tình yêu thấp hèn; còn tình yêu của Goretti đối với Alexandre là một thứ tình yêu cao đẹp. Nếu dùng từ ngữ của bài Tin Mừng hôm nay, thì tình yêu của Alexander là tình yêu kiểu cũ, còn tình yêu của Goretti là thứ tình yêu kiểu mới.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyên bảo chúng ta hãy yêu thương nhau. Thực ra tình yêu là chuyện vĩnh cửu, kể từ khi có mặt con người trên trái đất này thì cũng đã có tình yêu. Cho nên nếu Chúa Giêsu chỉ bảo người ta thương yêu nhau như người ta đã từng yêu thương nhau từ trước tới giờ thì lời khuyên dạy của Chúa là thừa và vô ích. Nhưng lời Chúa không thừa, không vô ích, vì Chúa không dạy người ta thương yêu nhau kiểu cũ, mà là thương yêu nhau kiểu mới. Thế nào là yêu thương kiểu cũ, và thế nào là yêu thương kiểu mới? Tự nhiên là con người biết thương và biết ghét; thương người vừa ý mình và ghét kẻ trái ý mình. Đó là yêu thương kiểu cũ. Sách Lêvi trong bộ Cựu ước dạy một thứ tình yêu thương cao hơn: đó là đừng thù oán ai, nhưng hãy yêu thương mọi người như yêu thương chính mình. Đó là yêu thương kiểu khá mới. Còn trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy một tình yêu thương cao hơn nữa: không phải chỉ yêu người như yêu mình, mà phải yêu người như Chúa đã yêu. Đó là yêu thương kiểu mới nhất. Kiểu yêu thương mới nhất là yêu người theo kiểu Chúa đã yêu. Vậy Chúa đã yêu như thế nào? Có vài chi tiết trong bài Phúc âm giúp ta hiểu rõ hơn cách yêu thương của Chúa:

Chi tiết thứ nhất là câu "Khi Giuđa đi rồi": Giuđa đi để thực hiện âm mưu bội phản bán Thầy. Lúc đó lẽ ra Chúa phải chua chát cho tình nghĩa thầy trò, thế mà là lúc Ngài chan chứa yêu thương.

Chi tiết thứ hai là câu "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy": nếu không yêu thương thì không phải là môn đệ của Chúa.

Qua những chi tiết trên, ta hiểu được rằng yêu thương như Chúa đã yêu là yêu thương chính lúc người thường không thể yêu, yêu thương chính cái điều mà người thường không thể yêu, và yêu thương những người mà người thường không thể yêu. Hơn nữa, người môn đệ Chúa bó buộc phải yêu thương như thế thì mới xứng đáng là môn đệ Chúa. Ta hãy trở lại chuyện thánh nữ Maria Goretti. Yêu thương của Alexander là yêu thương kiểu cũ, bởi vì Alexander chỉ yêu thương theo sự thúc đẩy của bản tính, của tính dục. Khi tình dục không được thoả mãn thì quay ra thù ghét và giết chết Goretti. Còn yêu thương kiểu Goretti là yêu thương kiểu mới: yêu thương chính kẻ giết mình, yêu thương chính lúc đau đớn sắp chết, yêu thương để tha thứ và để cứu vớt Alexander. Chúa muốn chúng ta yêu thương theo kiểu mới đó. Không phải Chúa chỉ muốn, mà Chúa còn truyền như một giới răn "Thầy ban cho chúng con một giới răn mới".

Chúng ta sẽ thực hiện giới răn mới ấy ra sao? Có một tác giả kia khi viết bài suy gẫm về bài Phúc âm này, đã đề nghị một số việc như sau là làm hoà với những kẻ ghét mình, là cầu nguyện cho kẻ ghét mình, là làm tươi hồng môi trường sống của mình bằng những việc phục vụ và bằng những lời nói tạo đoàn kết yêu thương.

Thiết tưởng đó là những việc rất cụ thể mà chúng ta phải cố gắng làm để thực hiện tình yêu thương kiểu mới mà Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...