Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C

Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C    Nghe MP3:  Dẫn vào Thánh Lễ Anh chị em thân mến! Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: Hãy tuân giữ lời Thầy: Đức Giêsu
 

 Nghe MP3: 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Tin Mừng hôm nay gồm hai phần:

Hãy tuân giữ lời Thầy: Đức Giêsu khuyên các Tôn Đồ hãy chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng cách tuân giữ Lời Người dạy, để nhờ đó sẽ được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Hứa ban bình an: Đức Giêsu hứa ban bình an cho cá Tông Đồ, một thứ bình an thực sự và nội tâm. Do đó, các ôn đừng bốì rối sợ hãi khi thấy bị bắt bớ, bách hại bên ngoài xảy ra. Đức Giêsu cũng hứa sẽ ở lại với các Tông Đồ cách thiêng liêng vô hình mãi mãi.

Đức Giêsu ban bình an là quà tặng riêng của Người cho các môn đệ, để họ không còn phải sợ hãi bất cứ một điều gì, mà vững tin, phó thác vào tình yêu và sự trợ giúp đầy yêu thương của Chúa Giêsu Phục Sinh và của Chúa Thánh Thần.

Ca nhập lễ

Các ngươi hãy rao truyền lời hân hoan, và người ta sẽ nghe, hãy rao truyền tới tận cùng trái đất rằng: Chúa đã giải phóng dân Người - Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, trong những ngày vui này xin cho tất cả chúng con biết đem lòng sốt sắng mừng Ðức Kitô phục sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con và làm cho chúng con được đổi mới. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 15, 1-2. 22-29

"Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này.

Bấy giờ các Tông đồ, kỳ lão, cùng toàn thể Hội thánh chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thơ viết như sau:

"Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5-6 và 8

Ðáp: Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. 

Xướng: Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

Xướng: Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. 

Bài Ðọc II: Kh 21, 10-14. 22-23

"Người chỉ cho tôi thấy thành thánh do Thiên Chúa từ trời gởi xuống".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, Phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 23-29

"Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".

Ðó là lời Chúa.

Ghi Chú: Khi cử hành Lễ Thăng Thiên vào Chúa Nhật tới, thì trong Lễ Chúa Nhật VI Phục Sinh hôm nay có thể đọc Bài đọc II và Bài Tin Mừng của Chúa Nhật VII Phục Sinh.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lời Chúa hôm nay tha thiết mời gọi chúng ta hãy tuân giữ Lời Chúa, đặc biệt là giới luật yêu thương, để chúng ta xứng đáng đón nhận sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi. Điều đó cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng nguyện xin:

1. “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác” - Xin Chúa ban sự khôn ngoan và thánh thiện trên các vị Chủ chăn, để giáo huấn của các Ngài luôn được tôn trọng và vâng giữ, hầu duy trì được mối giây hiệp nhất trong Hội Thánh.

2. “Thầy đi rồi Thầy trở lại với các con”. - Xin cho các tín hữu luôn nhớ đến ngày quang lâm hồng phúc của Chúa, để họ chuẩn bị bằng niềm mến tin, sự cậy trông và lòng trung thành tuân giữ các điều Chúa dạy.

3. “Thầy ban bình an của Thầy cho các con”, - Xin cho khát vọng sống hòa bình của con người được thể hiện, thức tỉnh lương tâm những người đầy tham vọng điên cuồng, để họ chỉ mưu tìm những gì đem lại an vui và hạnh phúc cho nhân loại.

4. “Ai tuân giữ Lời Thầy thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy”, - Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, biết sẵn sàng chấp nhận giáo huấn của Chúa qua mọi biến cố", để chúng ta sẽ được sống trong nguồn ơn cứu độ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con sự bình an của Chúa, đó là sự bình an của tâm hồn trong sạch, ngay thẳng, sẵn sàng đón nhận sự gọt dũa của Thánh Linh, để chúng con không bao giờ xao xuyến, nhát đảm lùi bước trước những đòi hỏi của ơn thánh trong đời sống Kitô hữu của chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với lễ vật chúng con tiến dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin cũng ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy, Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ khác, để Ngài ở với các con đến muôn đời - Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – NĂM C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 14, 23-29)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".
 
Suy niệm
 
Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã ở lại bên cạnh các môn đệ của mình một thời gian để an ủi, khích lệ và đồng hành với các ông, bởi Ngài biết rõ sự yếu đuối nhưng lại đầy tham vọng trong mỗi con người nói chung và nơi mỗi người môn đệ của Ngài nói riêng. Ngài muốn họ hãy thực hành những giáo huấn của Ngài, đó cũng là lời Chúa Cha hướng dẫn họ ngày một nên hoàn thiện giống Ngài. Và khi họ hoàn thiện, Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ đến và ở lại với họ trong cuộc đời.
 
Bài đọc 1 trong sách tông đồ công vụ, chúng ta thấy những hoạt động của Chúa Thánh Thần trong giai đoạn đầu của Giáo hội. những suy nghĩ, những toan tính theo kiểu thế gian vẫn ẩn hiện trong cách suy nghĩ và những hoạt động của các Tông đồ. Sự phận biệt trong cộng đoàn ngày càng sâu rộng, lề luật và phong tục trở thành những chướng ngại vật để Tin Mừng được loan báo và gia đình Thiên Chúa được hiện diện. Do đó, các Tông đồ trăn trở từng ngày, tìm phương thế để xây dựng cộng đoàn trong tình hiệp nhất và tôn trọng lẫn nhau. Sau những ngày gặp gỡ, các ông đã lên tiếng: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải”. Từ đây, chúng ta thấy được những dấu chân của Chúa Thánh Thần rõ ràng hơn trong Giáo hội. Mọi biến cố, mọi sinh hoạt và mọi giáo huấn của Giáo hội, luôn là tiếng nói của Thánh Thần và của Thiên Chúa Ba Ngôi chứ không phải của con người. Biết bao lần thế giới hoang mang, nghi hoặc về sự hiện diện của Thánh Thần trong lòng Giáo hội. Sự hoang mang đó không chỉ xuất hiện hôm nay, nhưng đã có từ thời các Tông đồ.

Khi có Thánh Thần hiện diện giữa Giáo hội, chúng ta không sợ bất cứ điều gì, dù đó là sự chia rẽ, dù đó là sự sụp đổ hay bắt bớ, bởi đó là gia đình của Thiên Chúa, là ngôi nhà có Thiên Chúa ngự trị. Bài đọc 2 từ sách khải huyền cho chúng ta thấy sự vinh quang của thành trì có Thiên Chúa hiện diện. Đó là một thành phố đầy ánh sáng của Thiên quốc, đầy vinh quang của Thiên Chúa, không có bất kỳ một thành trì nào trên trần gian này có thể so sánh được. Từ đây, chúng ta có thể hiểu được rằng, bất cứ ở đâu, khi có Thiên Chúa hiện diện thì thế gian không thể phá bỏ, không thể xoá hết dấu tích được, bởi đó là ngôi nhà của Thiên Chúa. Ngài hiện diện đó với con cái, Ngài hiện diện đó để làm hiển lộ tình yêu của Thiên Chúa qua sự quan tâm và chăm sóc của chính Thiên Chúa.
 
Khi lên đường rao giảng Tin Mừng công khai, đã bao lần Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài, nào là bị bắt bớ, nào là bị đánh đòn, nào là bị bỏ tù, nào là bị đóng đinh, nào là bị giết chết, nhưng Ngài sẽ sống lại. Các ông không thể hiểu nỗi những lời đó, bởi thực tế, trong suy nghĩ của các ông, bao anh hùng dân tộc, bao vị lãnh tụ đất nước, khi cố gắng giải phóng một dân tộc, thống nhất một đất nước, họ thường hứa cho những ai trung thành với họ những địa vị, những chức tước, những bổng lộc và cả những quyền bính, chứ không ai giống Thầy mình, trong suy nghĩ và những người đi theo các anh hùng dân tộc luôn là một tương lai sáng ngời, một niềm hy vọng trào tràn cho cuộc đời. Ngược lại, các môn đệ của Đức Giêsu thì chỉ đối diện với đau khổ, với bắt bớ, với tù đày, với chết chóc, tương lai không có chút hy vọng và cuộc đời không có chút nắng bình minh. Các ông đã làm một phép so sánh nhỏ trong suy nghĩ của mình về những lời hứa của Thầy mình, với những lời hứa của các anh hùng dân tộc, do đó, các môn đệ hoang mang, tâm hồn thì xao xuyến, sợ hãi. Nếu như Thầy đi vào cuộc khổ nạn, chết và sống lại, rồi về trời, thì làm sao các ông có thể đảm nhận nổi những công việc lớn lao là xây dựng một gia đình hiệp nhất cho Thiên Chúa, là kết nối mọi tâm hồn của anh chị em lại thành một cộng đoàn hiệp nhất. Lời trấn an của Đức Giêsu: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con”. Không chỉ Thầy mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến và ở lại với con người. Có dân tộc nào, đất nước nào được các vua chúa ở lại trong gia đình, trong cộng đoàn của họ đâu, có nơi đất nước nào được Con Thiên Chúa ở lại bên cạnh và đồng hành như cộng đoàn Giáo hội? Có những chứng nhân nào được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn sẽ nói gì và sẽ làm gì trong sứ vụ của họ đâu?

Phương thế duy nhất để các môn đệ tránh được sự hoang mang và sợ hãi đó là sống theo lời dạy của Thầy Chí Thánh. Lời dạy của Thầy cũng là lời dạy của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy đi vào thế gian này. Bất cứ ai thực hành và sống theo lời dạy của Đức Giêsu, sẽ được Chúa Cha đến và ở lại trong người đó. Vì thế, các môn đệ, sau khi chứng kiến Thầy mình được cất nhắc lên trời, họ trở về với cuộc sống thường ngày, nhưng không sống như thế gian, họ quy tụ thành những cộng đoàn huynh đệ, phục vụ lẫn nhau và giúp nhau cầu nguyện, bẻ bánh và nâng đỡ nhau khi gặp những khó khăn trong cuộc sống. Sự chân thành và tôn trọng nhau giúp họ phát triển các cộng đoàn của mình thành một đại gia đình của Thiên Chúa, nơi đó không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, không phân biệt Do Thái hay ngoại kiều, tự do hay nô lệ, bởi tất cả họ là những con người, là con cái của Thiên Chúa.

Trở lại với các cộng đoàn xứ đạo hôm nay, đó cũng là một đại gia đình của Thiên Chúa nhưng thực sự họ đã sống tinh thần của Thầy Chí Thánh hướng dẫn chưa hay chỉ sống theo cách suy nghĩ và tính toán của thế gian. Sống theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa là luôn tìm và thực hiện những gì Ngài dạy, là luôn lấy giá trị của tình yêu làm nền tảng để xây dựng cộng đoàn, chứ không vì vụ lợi, không vì địa vị, chức tước hay quyền lực để thống trị nhau. Chỉ có sự khiêm tốn và tôn trọng nhau mới là cánh cửa đưa mỗi chúng ta đi vào gia đình của Thiên Chúa. Và trong gia đình đó, tinh thần phục vụ vẫn mãi là kim chỉ nam cho việc phát triển cộng đoàn.
 
Biết bao cộng đoàn đang dựa trên mô hình của các cộng đoàn giáo hội sơ khai để phát triển. Họ quy tụ nhau trong tình thương mến và sống với nhau như thành viên trong một gia đình. Nếu Lời Chúa được coi là thức ăn tinh thần cho các cộng đoàn đó và là kim chỉ nam cho sự phát triển, thì các thành viên trong các cộng đoàn đó đang giúp nhau trở thành môn đệ của Đức Kitô phục sinh, và ngược lại, nếu chỉ vì địa vị, chỉ vì quyền lợi cá nhân, chỉ vì phân biệt vùng miền, phân biệt về trí thức, thì hệ quả tất yếu của cộng đoàn đó chỉ là sự chia rẽ, là những gương mù, gương xấu cho tha nhân. Dù biết thế và được hướng dẫn thế, nhưng không thiếu những cộng đoàn hôm nay đang đối diện với sự chia rẽ và hận thù, để lại những vết thương lòng đau xót.

Đón Chúa phục sinh trong niềm vui của trời cao và bình an của Thiên Chúa, nhân loại như được hồi sinh, cuộc sống thêm nhiều sắc màu và trách vụ trở thành niềm vui phục vụ. Chia tay với Thầy khi Thầy về trời không làm cho người môn đệ chán nản hay thối lui, nhưng là niềm hy vọng và là động lực giúp mỗi người lên đường làm chứng về một Thiên Chúa yêu con người. Ai tin vào Tin Mừng đó, sẽ được về trời và được ở bên cạnh Chúa Cha như Thầy Chí Thánh của mình.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con những phương thế để sống với nhau như một gia đình của Thiên Chúa, xin giúp chúng con can đảm loại bớt cái tôi và sự ích kỷ của mình, để sống với, sống cho và sống cùng anh chị em. Chúa dạy chúng con hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, đừng sợ hãi, xin giúp chúng con luôn lấy Lời Chúa là nguồn sống và ánh sáng chỉ đường cho cuộc đời, để mỗi người luôn là một ngọn nến nhỏ của tình yêu trong thế giới đầy bóng đen của tội lỗi và sự chết. Chúa dạy chúng con hãy đợi chờ Thánh Thần, để Ngài hướng dẫn và đồng hành trong cuộc sống, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua Mẹ Giáo hội, qua cộng đoàn và đặc biệt là luôn dành một chỗ trong tâm hồn của mình cho Ngài ở lại. Amen.

 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh

THÁNH THẦN VÀ CHÚNG TÔI
(Chúa Nhật VI PS C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Hạnh phúc thiên đàng là đây. Có Thiên Chúa ở cùng là điều mà Kitô hữu hằng khát khao. Trong Thánh lễ, điệp khúc: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha” được cất lên những bốn lần: trước nghi thức khởi đầu Thánh lễ, trước khi đọc Tin Mừng, trước Kinh Tiền Tụng và trước khi chúc lành kết lễ. Có thể khẳng định rằng việc tuân giữ lời Chúa Kitô chính là chìa khóa để có hạnh phúc đích thực. Nội hàm của lời mà Chúa Kitô muốn nói ở đây chính là “tin vào Thiên Chúa và tin vào Người”, đồng thời thực hành “giới răn mới” mà Người long trọng truyền dạy (x.Ga 13, 34-35; 14,1).

Cần thú nhận rằng nhiều lúc chúng ta thật khó phân biệt ý lời của Chúa Kitô với ý lời của người phàm. Ngay thánh Phaolô tông đồ cũng đã từng thú nhận rằng “hiện nay chúng ta thấy lờ mờ như thấy qua tấm gương” (x.1Cr 13, 12). Chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Đấng mà Chúa Kitô ban tặng, sẽ giúp chúng ta hiểu đúng ý lời của Chúa Kitô để thực thi. “Thánh Thần và chúng tôi quyết định: Không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm” (Cv 15, 28-29). Đây là lời công bố chính thức của Công đồng Giêrusalem, Công đồng đầu tiên của Hội Thánh thời các Tông đồ. Câu tuyên bố của các Tông đồ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” một cách nào đó cho ta thấy trong quyết định ấy có phần của Thánh Thần và có phần của các ngài. Phần của Thánh Thần dĩ nhiên là chân lý tuyệt đối, còn phần của các tông đồ ít nhiều bị điều kiện hóa và khó tránh khỏi sự bất cập hoặc hạn chế mặt này, mặt kia. Vấn đề là chúng ta cần phân biệt đâu là phần của Thánh Thần và đâu là phần của các Tông đồ.

Tính bất cập, tương đối và bị điều kiện hóa của quyết định do phía các tông đồ có thể nói là đã lộ rõ khi các ngài dạy: “Kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết”. Chưa nói gì đến niềm tin còn bất cập về máu huyết của Do Thái giáo xưa, ở đây, chúng ta thấy các Tông đồ đã đưa ra một giải pháp mang tính thỏa hiệp, giải quyết tình thế. Để xây dựng sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu gốc lương dân và gốc Do Thái giáo, đặc biệt qua các bữa ăn, các Tông đồ đã truyền giữ tập tục kiêng cử về huyết cũng như thịt thú chết ngạt. Nhiều người dân Việt vốn thích món “tiết canh” chắc là phải bỏ mình lắm lắm! Còn về việc ăn thịt cúng thì chắc hẳn các Tông đồ không quên lời dạy của Thầy năm xưa: “Những gì bên ngoài vào trong con người thì không làm cho họ ra ô uế?” (x.Mc 7, 14-23). Sau này chính Thánh Phaolô cũng đã từng minh định với tín hữu Côrintô rằng ăn thịt cúng hay không thì chẳng sao cả, miễn là đừng gây cớ vấp phạm cho những người đang còn non kém về lòng tin (x.1Cr 8, 1-13).

Chúng ta cùng xem xét phần Thánh Thần chỉ dạy.

- Không đặt gánh nặng lên vai người anh em: Một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến thế gian là giải thoát con người khỏi vòng nô lệ thần dữ. Tiếp tục và hoàn thành sứ mạng của Chúa Kitô, Thánh Thần đã giải thoát chúng ta khỏi ách nặng nề của “chế độ lề luật”, khỏi “tinh thần nô lệ” mà việc bãi bỏ luật cắt bì của Cựu Ước là một điển hình. Từ đây, người Kitô hữu được mời gọi đến với Thiên Chúa trong tư cách những người con. Nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa “Abba” - “Cha ơi” (x.Rm 8, 14-17).

Nhiều người đã xem Công đồng Vaticanô II như là một Lễ Hiện Xuống mới. Sở dĩ có cái nhìn này vì người ta không chỉ thấy Giáo Hội đã để cho Thánh Thần thúc đẩy mình ra khỏi tháp ngà cố thủ, để đến với thế giới mà còn thấy Giáo Hội đã gỡ bỏ nhiều ách nặng nề bấy lâu nay đang đè trên vai, trên cổ mình, khiến đoàn dân Chúa khó có thể sống tinh thần nghĩa tử với Thiên Chúa và khó sống tinh thần huynh đệ với nhau cách thực sự. Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động cho đến ngày Chúa Kitô lại đến (x.Kh 22, 17). Như thế, chắc hẳn vẫn còn đó nhiều gánh nặng đang kìm giữ chúng ta trong tinh thần nô lệ mà chúng ta cần phải gỡ bỏ cho nhau. Để được vậy, chúng ta, đoàn tín hữu, từ con chiên đến các mục tử, hãy tích cực mở rộng tâm hồn để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần, và dĩ nhiên, trên hết, trước hết cần phải biết nhạy bén với lời chỉ dạy của Thánh Thần qua các dấu chỉ thời đại.

- Tinh tuyền hóa niềm tin vào Thiên Chúa và lành mạnh hóa tương quan với nhau: Ẩn sâu dưới quyết định rằng phải kiêng ăn thịt đã cúng cho ngẫu tượng thì chúng ta nhận ra chân lý là “phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (x.Mt 4, 10; Lc 4, 8). Và qua lời truyền dạy rằng “tránh gian dâm” hay như một vài bản dịch khác là “không được kết hôn bất hợp luật”, thì chúng ta không chỉ thấy đó là một chỉ dẫn luân lý thuần túy trong đời hôn nhân, mà còn nhận ra một chân lý trong tương quan đồng loại, đó là tôn trọng quyền lợi của nhau trong sự hài hòa và trật tự khách quan. Cần phải tôn trọng, tuân giữ trật tự khách quan này ngay từ trong cái tế bào của xã hội, cái nền tảng của đời sống nhân loại đó là “hôn nhân – gia đình”.

Mạc khải đã nên trọn vẹn và hoàn hảo nơi cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô. Một trong những sứ mạng của Chúa Thánh Thần là giúp chúng ta hiểu đúng lời mạc khải. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu lời Chúa Kitô đã long trọng tuyên bố năm xưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” (Mt 22, 37-40).

Đã là người ai cũng mong đạt được hạnh phúc. Nhiều người có niềm tin và Kitô hữu chúng ta lại còn khát khao hạnh phúc vĩnh cửu. Và điều kiện như tất yếu để có hạnh phúc vĩnh tồn đó là thực thi lời của Chúa Kitô. Để thực thi lời của Chúa Kitô thì cần phải hiểu đúng lời của Người. Thực tế vẫn có đó sự lẫn lộn giữa lời của người phàm và lời của Đức Kitô. Không gì hơn hãy khẩn xin Chúa Thánh Thần ngự đến. Thánh Thần đã được ban tặng. Vấn đề còn lại là xin cho chúng ta có thái độ thức tỉnh và khiêm nhu để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần mà thôi.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Chơi trò hoà bình

Sưu tầm

Một ông nhà văn ngồi trên ghế đá công viên, đưa mắt quan sát nhìn xem mấy em nhỏ đang chơi đùa với nhau nơi thảm cỏ. Ông lên tiếng hỏi:

- Này các em, các em đang chơi trò gì thế?

Các em trả lời:

- Chúng cháu đang chơi trò chiến tranh. Chúng cháu đang chơi trò đánh nhau.

Nghe thế, ông hơi cau mặt, gọi các em lại và giải thích:

- Tại sao các em lại cứ thích chơi trò chiến tranh, chơi trò đánh nhau. Chiến tranh và đánh nhau thì có gì là tốt đẹp. Vậy tại sao các em lại không chơi trò hoà bình.

Cả bọn tụm đầu vào nhau và bàn tán. Thấy chúng đón nhận ý kiến của mình, ông nhà văn mỉm cười hài lòng và bước đi. Tuy nhiên, chưa bước đi được bao xa, các em đã đuổi theo và hỏi:

- Bác ơi! Chơi trò hoà bình là như thế nào? Chúng cháu không biết.

Phải, làm sao các em có thể chơi trò hoà bình, trong khi các em chỉ thấy người lớn chơi trò chiến tranh. Làm sao các em có thể chơi trò hoà bình, trong khi trên báo chí, truyền thanh và truyền hình, các em chỉ thấy hình ảnh những người lớn bắn giết nhau. Làm sao các em có thể chơi trò hoà bình, trong khi tại gia đình các em chỉ thấy các anh các chị và đôi khi ngay cả cha mẹ cũng lớn tiếng cãi cọ và mắng chửi lẫn nhau, nhiều lúc còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau nữa.

Rồi trong thực tế, bầu khí người lớn tạo ra để cho các em được phát triển, không phải là một bầu khí hoà bình, mà là một bầu khí chiến tranh. Đến bao giờ người lớn mới thực tâm tìm phương thế giải quyết những mâu thuẫn, những bất đồng với nhau. Mỗi ngày trên thế giới, người lớn đã bỏ ra hằng tỷ mỹ kim cho việc nghiên cứu và trang bị vũ khí, đang khi đó có tới tám trăm triệu người sống trong cảnh nghèo đói và túng thiếu, có tới hơn sáu trăm triệu người mù chữ. Chỉ có bốn trong số mười em sinh ra là được cắp sách đến trường cho hết bậc tiểu học. Và cứ mười em được sinh ra trong cảnh cơ hàn, thì đã có hai em bị chết đói trong năm đầu tiên.

Thế giới người lớn phải bắt tay ngay vào việc loại trừ chiến tranh, nếu họ muốn cho các em thiếu nhi noi gương họ mà chơi trò hoà bình. Đồng thời, phương thức để loại trừ chiến tranh và xây dựng hoà bình, không gì hữu hiệu hơn cho bằng sống tinh thần hoà giải.

Thực vậy, hoà bình chỉ là kết quả đương nhiên của việc hoà giải mà thôi. Chúng ta phải hoà giải với Thiên Chúa bằng việc sám hối ăn năn và lãnh nhận ơn tha thứ. Đồng thời chúng ta còn phải hoà giải với anh em bằng việc lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Chính vì thế, trong đêm giáng sinh, các thiên thần đã hát vang trên cánh đồng Bêlem:

- Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Và sau khi sống lại, lúc hiện ra với các môn đệ, sau lời chào chúc bình an, thì lập tức Chúa Giêsu đã trao ban cho các ông quyền cầm buộc và cởi mở. Hay nói đúng hơn, Ngài đã trao ban cho các ông quyền tha thứ, quyền hoà giải:

- Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.

Để kết thúc, chúng ta hãy cùng nhau ghi nhớ và suy gẫm lời kinh Hoà bình của thánh Phanxicô Assisi:

- Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...