Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm C   Dẫn vào thánh lễ Anh chị em thân mến! Trong cuộc sống chúng ta có nhiều câu hỏi: Tôi phải làm gì để có tiền? Tôi phải làm
 

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Trong cuộc sống chúng ta có nhiều câu hỏi: Tôi phải làm gì để có tiền? Tôi phải làm gì để học giỏi? Tôi phải làm gì để dành được địa vị Giám đốc? V.V., và có rất nhiều câu hỏi mà chúng ta đặt ra cho mình cũng như cho người khác khi nhu cầu đòi hỏi...Nhưng có lẽ chưa một ai trong chúng ta tự hỏi mình: “ai là anh em của tôi? ” như người thông luật trẻ hôm nay.

Đức Giêsu kể ra dụ ngôn về người Samaria nhân hậu và Người đã dạy nhà thông luật làm như người Samaria.

Trong Thánh Lễ này Chúa Giêsu chính là “Người Samaria nhân hậu”, đã thể hiện tình yêu qua hiến tế mầu nhiệm trên bàn thờ Thập Giá. Với lòng thống hối ăn năn, chúng ta hãy bước theo Đức Kitô để cùng Người, dâng lên Thiên Chúa Hy Lễ Tạ ơn hôm nay, hầu xứng đáng thông phần sự sống viên mãn của Người.

Ca nhập lễ

Phần tôi, nhờ công chính, tôi sẽ được nhìn thấy thánh nhan Chúa, tôi sẽ được no thoả khi Chúa tỏ bầy sự vinh quang của Chúa

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Ðnl 30, 10-14

"Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: 'Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?' Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: 'Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?' Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (c. 33).

Xướng: Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con. 

Xướng: Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. 

Xướng:  Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. 

Bài Ðọc II: Cl 1, 15-20

"Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

"Ai là anh em của tôi?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:

"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải yêu thương mọi người, như Chúa đã yêu đến nỗi hy sinh tính mạng vì yêu. Đó cũng chính là điều kiện để vào hưỏng sự sống đời đời trong Nước Chúa. Với tâm tình yêu mến tri ân, chúng ta dâng lời nguyện xin.

1. “Lời ở nơi miệng các ngươi” - Xin cho các Mục tử trong Hội Thánh, luôn đặt đức ái làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, biết quảng đại đáp ứng mọi nhu cầu của con người, qua chứng từ đời sống, các ngài dẫn nhiều linh hồn về với Chúa.

2. “Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người" — Xin cho các tín hữu ngày thêm gắn bó với Chúa, bằng việc thực thi giới luật yêu thương cách cụ thể, để họ trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng giữa lòng xã hội.

3. “Ai là anh em tôi?” - Xin cho các tổ chức từ thiện trên thế giới, được nhiều người mặc lấy tâm tình của người Samaria nhân hậu, để nơi đói nghèo khổ cực được nâng đỡ; các vết thương vì chiến tranh hận thù bạo lực được băng bó hàn gắn bằng tình bác ái huynh đệ.

4. “Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật”,- Xin cho những người chối bỏ Hội Thánh biết chân nhận rằng: Chúa Kitô đã thiết lập Hội Thánh để phục vụ con người và là đường chắc chắn đưa loài người đến với Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin ngọn lửa tình yêu Chúa luôn bừng cháy trong chúng con, giúp chúng con biết thông cảm, chia sẻ, nâng đỡ nhau trong mọi nỗi buồn vui cuộc sống, đề mỗi ngày chúng con thêm xác tín về sự hiện diện của Chúa trong mọi người. Chúng con cầu xin.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa thành tâm cầu nguyện và dâng lên Chúa lễ vật này; xin thương đoái nhìn và làm cho trở nên của ăn bổ dưỡng giúp chúng con vững bước trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa thiên binh. Ôi đại vương và Thiên Chúa tôi. Phúc cho những ai trú ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời.

Hoặc đọc:

Chúa phán: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy".

Lời nguyện kết lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con mỗi khi cử hành bí tích này được hưởng dồi dào ơn cứu độ. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Bài suy niệm Chúa nhật XV thường niên – năm C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10, 25-37)
 
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:
 
"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
 
Suy niệm
 
Mỗi lần nhắc đến lề luật, chúng ta thường nghe nói về luật Môisen, một bộ luật được người Do-thái coi như là khuôn vàng thước ngọc, để giúp con người giữ được mối tương quan tốt với Giavê Thiên Chúa. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, khi đi vào trong lịch sử nhân loại, Ngài đã canh tân bộ luật đó và gồm tóm lại trong hai điều: hãy thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi, đồng thời, ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi. Dù đã được canh tân, nhưng người Do-thái vẫn coi bộ luật cũ của họ như những nấc thang đưa tới trời. Dù được coi là quy chuẩn, nhưng có những lúc họ thấy lúng túng trước sự khắt khe và thiếu rõ ràng của bộ luật, ngay cả một Luật sĩ vẫn ở trong tình trạng đó.
 
Trở lại với bài đọc 1 trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta nghe tác giả sách Đệ Nhị Luật trình bày lời nhắc của Môisen trước khi họ đi qua sông Giodan vào đất hứa. Ông đề nghị họ xác định lại niềm tin của mình để được hưởng sự chăm sóc của Giavê: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi”, Môisen mong muốn đưa dân đi vào trong hành trình đức tin mới, chỉ tin thờ một Thiên Chúa duy nhất, đó là con đường để được sống đời đời, bên cạnh đó, ông cũng hướng dẫn họ giữ tương quan với tha nhân bằng việc yêu thương, tôn trọng nhau. Đó được coi là khuôn vàng thước ngọc để mỗi người được đi vào đất hứa, được coi là phần thưởng dành cho ai tuân giữ lề luật.
 
Trong lá thư của thánh Tông đồ dân ngoại gởi giáo đoàn Colôsê, Ngài nhấn mạnh cho các tín hữu biết về tình liên đới giữa con người với nhau khi cùng chung một niềm tin. Khởi đi từ mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã dùng cái chết và dòng máu của mình, để liên kết đôi bên thành một dân tộc. Từ đây, “Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài”. Có thể nói rằng, nhờ mầu nhiệm tử nạn của Đức Giêsu, mọi dân tộc dưới bầu trời này trở thành anh chị em với nhau và ở trong một gia đình của Thiên Chúa. Thánh nhân muốn nhấn mạnh để tất cả cùng giúp nhau tìm về với cội nguồn của mình là Thiên Chúa, nơi đó, họ tìm lại được chính mình và tìm lại được anh chị em của mình.
 
Qua hai bài đọc, chúng ta có thể nhận thấy các giới răn của Thiên Chúa không chỉ đề cập đến niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng còn hướng mỗi người về tương quan với con người, với tha nhân. Ngay từ thời Cựu ước, dù đang sống trong giai đoạn với niềm tin đa thần, nhưng Môisen đã dần đưa họ trở về với niềm tin độc thần, để họ luôn tìm thấy nơi Thiên Chúa chỗ đứng của mình và cũng là nơi họ được chăm sóc, được che chở. Bước sang thời Tân ước, Đức Giêsu đã đưa cộng đoàn tới một niềm tin độc thần rõ rệt, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, ngoài ra không có thần nào khác. Ngài còn mở ra cho họ biết Thiên Chúa đó là Cha, còn Đức Giêsu là Con và bên cạnh còn có Thánh Thần. Mỗi ngôi vị sẽ đồng hành và chăm sóc họ để họ trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Ngài còn hướng dẫn họ biết về tương quan tình người không kém phần quan trọng, để từ đây, họ có thể ngang qua tha nhân tìm thấy Thiên Chúa.
 
Câu chuyện người Samaritano nhân hậu được coi là một hiện trạng trong đời sống tôn giáo ngày xưa cũng như hôm nay. Lề luật của Thiên Chúa từ ngàn xưa vẫn mãi là thế, mến Chúa yêu người luôn được coi là kim chỉ nam cho người tín hữu sống hài hoà trong tương quan giữa Thiên Chúa và tha nhân. Thế nhưng, cuộc đời không phải lúc nào cũng là vậy, con người vẫn coi tương quan giữa mình với Thiên Chúa là một tương quan mô phạm, không có một tương quan nào có thể sánh được. Vì thế, khi đề cập đến giới răn thứ hai là yêu người như chính mình, không ít người đã chối từ. Họ chỉ chấp nhận một con đường duy nhất để họ được sống đời đời là tin vào một Thiên Chúa duy nhất, còn con đường thứ hai ngang qua tha nhân, chỉ là một yếu tố phụ tuỳ. Với quan niệm đó, không thiếu những người đã coi tha nhân như người xa lạ, như kẻ ngoại bang, lắm lúc còn như kẻ thù. Ngay cả những tư tế, các thầy Lêvi cũng còn đi vào vết xe đổ đó, nên sự hiện hữu của tha nhân bên cạnh họ, nhất là khi tha nhân gặp tai nạn, bất trắc, thì đó là một gánh nặng, một thách đố.
 
Sống trong một thế giới mà vật chất và địa vị luôn được đề cao và coi trọng, ngược lại, phẩm giá con người bị coi rẻ rúng, hạ đẳng, liệu rằng giới răn yêu người có trở thành một món hàng xa xỉ hay chỉ còn tồn tại trên trang giấy, còn trong thực tế, giới răn này đã bị khai tử rồi chăng? Nếu nhìn thẳng vào tận đáy tâm hồn con người, chúng ta phải chấp nhận một điều, dù như thế nào, trong mỗi con người vẫn còn một trái tim bằng thịt với những nhịp đập của tình yêu cho đi. Để các giới răn của Thiên Chúa đi vào trong cuộc sống của người tín hữu, mỗi người cần có một trái tim nhạy bén, nhạy bén với những nỗi đau của tha nhân, nhạy bén với những bất hạnh của anh chị em. Mỗi người cũng cần có một trái tim biết quan tâm, khi biết quan tâm đến tha nhân, mỗi người mới có thể tạm dừng công việc lại, ngồi bên cạnh tha nhân, chia sẻ với họ về những mất mát, những tổn thương và những hụt hẫng trong cuộc sống. Mỗi người cũng cần có một trái tim chung thuỷ, nhờ sự chung thuỷ đó, con người luôn gần bên nhau để yêu, để mến, để hy sinh, để phục vụ và để sống cho nhau và vì nhau.
 
Đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì đều cần đến mối tương quan đầu tiên là với Thiên Chúa. Ngài là chủ tể cuộc đời mỗi người, nếu không có Ngài trong hành trình làm người, sao chúng ta có thể tồn tại và hơn nữa được gọi là con Thiên Chúa được. Mối tương quan thứ hai đó là với tha nhân, mỗi cá vị luôn có tính xã hội, và không ai là một hòn đảo giữa đại dương, do đó, mỗi người cần sống cho, sống cùng và sống với tha nhân mỗi ngày, và sống với nhau bằng trái tim thực sự chứ không hình thức câu nệ hay lệ thuộc vào lề luật, truyền thống và sĩ diện cá nhân. Có ý thức được điều đó, hình ảnh người Samaritano mới thực sự gần gũi và như là một hình ảnh lý tưởng cho người môn đệ Đức Kitô hôm nay.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con hãy yêu thương tha nhân như chính mình, xin cho chúng con học nơi Chúa bài học tình yêu, để dám cho đi mà không tính toán, dám yêu mà không đòi đền đáp. Chúa muốn chúng con hãy giữ các giới răn của Chúa để nên môn đệ của Chúa, xin cho mỗi người luôn tìm thấy sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân, đặc biệt là những người bất hạnh. Chúa yêu chúng con và đã chết vì chúng con, xin cho mỗi người luôn sẵn sàng đón nhận sự khác biệt nơi tha nhân, để cùng phục vụ Giáo hội, phục vụ Nước Trời và phục vụ các linh hồn. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh


Người Samaria nhân từ
Sưu tầm

Câu chuyện về người Samaria nhân từ làm cho tôi liên tưởng tới những sự việc vốn xảy ra thường ngày.

Chẳng hạn một người bất ngờ bị trúng gió, hay bị một tai nạn nào đó, đang nằm quằn quại bên vệ đường. Kẻ qua người lại, xúm đến coi xem rồi bỏ đi và tặc lưỡi:

- Thật tội nghiệp.

Thế nhưng, chỉ có một người đã vội vã đi gọi xe cứu thương và đưa kẻ bất hạnh ấy vào bệnh viện. Thiên hạ hỏi xem anh ta có phải là bà con họ hàng với kẻ gặp nạn hay không, thì anh ta đã trả lời:

- Tôi không có họ hàng bà con chi cả. Thế nhưng, tôi chỉ biết việc cần phải làm ngay bây giờ là lo cấp cứu cho người ấy.

Vậy trong số những người chứng kiến, ai là người công giáo, ai là người đã sống tinh thần của Chúa hơn cả?

Tôi xin thưa đó là người đã vội vã đi gọi xe cứu thương.

Hằng ngày chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu chuyện đớn đau và buồn phiền xảy ra ngoài đường phố cũng như nơi khu xóm. Hằng ngày chúng ta cũng được nghe nói đến những tai ương hoạn nạn xảy ra ở chỗ này hay ở chỗ kia trên thế giới. Tuy nhiên, thái độ của chúng ta vẫn chỉ là thái độ thờ ơ và dửng dưng, thái độ của kẻ mũ ni che tai, hơi đâu mà để ý đến. Đó là chuyện bên tây, bên tàu chứ có phải là chuyện của mình đâu mà lo.

Tác phong của chúng ta vẫn chỉ là tác phong của kẻ "cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại". Chúng ta chỉ biết lo cho bản thân mình, gia đình mình, họ hàng mình, phe nhóm mình mà thôi. Và chúng ta cảm thấy được bình an thư thái, chẳng có tội lỗi chi cả, vì chúng ta không ăn gian, không nói dối, không giận hờn, không thù ghét, không cướp của, không giết người.

Thế nhưng, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy: yêu thương không chỉ dừng lại ở những tiếng "không" lạnh lùng ấy, nghĩa là không được bằng lòng với khía cạnh tiêu cực ấy, mà còn phải bước vào khía cạnh tích cực, nghĩa là phải làm gì cho những người mình thương mình mến chứ.

Khi đọc kinh cáo mình, chúng ta đã thú nhận những tội đã phạm nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Vậy những điều thiếu sót ấy là gì? Tôi xin thưa chính là những điều chúng ta phải làm mà đã không làm.

Nghĩ xấu, nói hành, ăn trộm, giết người... đó là những việc làm tội lỗi ai cũng biết. Thế nhưng, không dạy bảo con cái, không giúp đỡ cha mẹ, không bố thí cho người nghèo, không thăm viếng người đau yếu khi có thể... đó là những việc thiếu sót và cũng là lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Chúng ta cần phải thành thật thú nhận trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người để xin ơn tha thứ.

Dưới một góc cạnh nào đó, chúng ta có thể định nghĩa người Kitô hữu không phải chỉ là những người có Đức Kitô trong tâm hồn, mang Đức Kitô trong cuộc sống, mà hơn thế nữa, người Kitô hữu còn phải là người nhìn nhận Đức Kitô trong mọi người, coi những vui mừng và những hy vọng, những buồn phiền và những lo lắng của người khác là của chính mình. Chia sẻ những đớn đau và những khát vọng của anh em mình. Coi những vấn đề của người khác là của chính mình và tìm cách giải quyết. Đó mới là yêu người như mình ta vậy.

Vì thế, đừng chỉ sống đạo theo luân lý cá nhân, nhằm cái lợi cho riêng mình, mà còn phải có ý thức xã hội, nhằm cái lợi cho người khác nữa.

Chẳng hạn khi mở máy truyền hình vào ban tối, thì cần nghĩ ngay đến người láng giềng đang cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi. Khi đổ rác thì đừng đổ xuống dòng sông vì phải nghĩ ngay đến phép vệ sinh công cộng. Khi rước kiệu, thì đừng giăng hàng chiếm trọn cả mặt đường khiến cho bao nhiêu xe cộ bị kẹt cứng. Trong lúc đi rước, họ lâm râm đọc kinh và hát xướng. Họ tưởng thế là làm sáng danh Chúa cũng như làm sáng danh mình mọi đàng, đang khi ở hai đầu dân tài xế, lơ xe và còn biết bao nhiêu hành khách đang lên tiếng chửi bới họ và rất có thể cũng đang chửi bới đạo.

Hãy biết tế nhị giúp đỡ những người chung quanh, đó là cách thức làm chứng cho Chúa giữa lòng cuộc đời, bằng không, danh hiệu Kitô hữu của chúng ta cũng sẽ bị mai một với những phiền toái do chính chúng ta gây ra.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...