Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm C   Dẫn vào Thánh Lễ Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh: Matta và Maria. Hình ảnh bận rộn,
 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh: Matta và Maria. Hình ảnh bận rộn, lo lắng của Matta cũng chính là của mỗi người chúng ta. Suốt một ngày sống từ lúc thức giấc cho đến khi lên giường ngủ, thậm chí cả trong giấc ngủ, mỗi người chúng ta cũng đang lo lắng, băn khoăn về nhiều chuyện. Do đó, có thể nói, lời cảnh tình của Đức Giêsu đối với Matta, cũng chính là đang nói với mỗi người chúng ta: “con lo lắng bốì rối về nhiều chuyện, chỉ có mội sự cần mà thôi”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hồi tâm để nhìn lại cuộc sống của mình. Thiên Chúa không bảo chúng ta đừng suy nghĩ, lo lắng, nhưng Ngài mời gọi chúng ta đặt lại bậc thang giá trị. Chúng ta cần ưu tiên chỗ việc lắng nghe và gặp gỡ Chúa, để dễ dàng giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống, và nhất là tâm hồn chúng ta sẽ luôn được bình an một sự bình an không ai lấy mất được. Vậy chúng ta hãy loại ra khỏi lòng trí những lo lắng trần thế, và xin lỗi Chúa vì sự bất trung, bất hiếu của chúng ta, để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: St 18, 1-10a

"Ðối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Ðấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Ðấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Ðấng đã ghé vào nhà con". Các Ðấng ấy nói: "Như ông đã ngỏ, xin cứ làm".

Abraham liền vào lều, và bảo Sara rằng: "Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng". Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Ðấng. Chính ông đứng hầu các Ðấng dưới bóng cây.

Ăn xong, các Ðấng hỏi Abraham rằng: "Sara bạn ông đâu?" Ông trả lời: "Kìa, bạn con ở trong lều". Một Ðấng nói tiếp: "Ðộ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa? (c. 1a)

Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. 

Xướng: Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. 

Xướng: Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. 

Bài Ðọc II: Cl 1, 24-28

"Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Ðấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 38-42

"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Suy niệm Chúa nhật XVI thường niên - năm C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10, 38-42)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".
 
Suy niệm
 
Trong những tuần vừa qua, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta về hình ảnh người môn đệ của Đức Giêsu, một người môn đệ được chọn đi gặt lúa trên cánh đồng của ông chủ là Thiên Chúa, người môn đệ đó cần có một đời sống quân bình, vừa là người có đầy Chúa trong tâm hồn, để đem bình an đến cho mỗi người và mọi nhà, vừa là người biết quan tâm, tôn trọng và yêu thương tha nhân. Người môn đệ đó sẽ giới thiệu với thế giới về một Thiên Chúa nhân từ, luôn trung tín với con người, luôn yêu thương con người và yêu cho đến cùng. Hôm nay, Chúa nhật thứ 16 thường niên, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta về người môn đệ đó sẽ sống với tha nhân như thế nào trên cánh đồng truyền giáo.
 
Trở về với bài đọc 1 trong sách Sáng thế, tác giả giới thiệu cho chúng ta về cuộc gặp gỡ giữa các Thiên Thần của Thiên Chúa với tổ phụ Abraham. Cuộc gặp gỡ giữa đại diện của Thiên Chúa và con người. Trong cuộc gặp đó, tổ phụ dân riêng của Thiên Chúa đã thể hiện tinh thần phục vụ thật trọn vẹn. “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Ðấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Ðấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Ðấng đã ghé vào nhà con". Các Ðấng ấy nói: "Như ông đã ngỏ, xin cứ làm”. Ông Abraham đã đón tiếp, đã chuẩn bị tất cả những gì gia đình ông có để thiết đãi các vị đại diện của Thiên Chúa, bởi ông cho rằng, tiếp đón các vị đại diện là tiếp đón Thiên Chúa đến với gia đình của mình. Chính thái độ tiếp đón và phục vụ đó, các vị đại diện đã đem đến cho gia đình ông sự bình an của Thiên Chúa và đặc biệt là một món quà tinh thần là một đứa con trai. Chắc hẳn ông Abraham không nghĩ rằng ông sẽ nhận được điều gì đó khi đón tiếp đại diện của Thiên Chúa, ông chỉ thực hiện bổn phận của một người đầy tớ trung tín mà thôi. Và từ đó, ông và gia đình đã được Thiên Chúa trọng thưởng, một phần thưởng xứng đáng cho những ai đón tiếp Thầy. “Ðộ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”.
 
Lời bộc bạch của vị tông đồ dân ngoại với cộng đoàn Côlôsê cho chúng ta một góc nhìn mới về tinh thần phục vụ của người môn đệ Đức Giêsu. Thánh Phaolô, dù được gọi muộn màng, như đứa con sinh sau đẻ muộn, nhưng thánh nhân luôn ý thức về ơn gọi của mình để trong từng bước hành trình, thánh nhân luôn thi hành trách vụ đó cách viên mãn. “Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Ðấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người”. Từng ngày sống và trong từng công việc, thánh nhân luôn tâm niệm rằng, ơn gọi của mình vẫn là một hồng phúc lớn lao mà Đấng Phục Sinh đã ban tặng và thánh nhân luôn tự nhận mình là người phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Hội thánh. Một sự khiêm tốn đủ, một sự chân thành cần thiết và một lòng yêu mến Giáo hội mãnh liệt đã thôi thúc thánh nhân đến với mọi dân tộc, mọi thành phố, mọi con người, dù có phải đối diện với nhiều khó khăn. Người môn đệ của Tin Mừng sẽ là vậy khi họ đang ở giữa thế giới, trong lòng dân tộc và đi sâu vào mọi sự phát triển của con người. Vì thế, họ cần có một tinh thần mạnh mẽ nhưng khiêm tốn, cần có một trái tim đủ nóng nhưng quảng đại, cần có một sự quyết tâm trong đức ái để lên đường.
 
Dừng chân bên cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và gia đình Martha, để được chứng kiến niềm vui của mỗi người trong nhà, và bên cạnh là câu chuyện của người môn đệ phải có trong đời phục vụ. Đức Giêsu ghé thăm gia đình cô Martha, đây là một cuộc thăm viếng bình thường, nhưng vì tính hiếu khách, gia đình cô ta đã đón tiếp Chúa cách trọng thị. Bữa cơm gia đình chắc được chuẩn bị chu đáo, những gì quý giá nhất trong nhà sẽ được dùng để tiếp khách, và chắc chắn niềm vui gia đình sẽ dạt dào khi Chúa ghé thăm. Cũng từ cuộc thăm viếng này, chúng ta thấy bộc lộ những yếu điểm của người môn đệ Chúa, dù kính trọng và mong Chúa ghé thăm nhà, nhưng cô Martha khi phục vụ Chúa đã bộc lộ tính ganh tị, sự ích kỷ của mình với ngay người em gái mình là cô Maria: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nếu làm một phép so sánh nhỏ, chúng ta có thể thấy được rằng sự hiện diện của Chúa trong gia đình làm sao sánh được với những mệt nhọc trong việc phục vụ Chúa được. Thế mà, tiếc cho cô Martha, cô đã coi việc phục vụ lớn bằng sự hiện diện của Chúa trong gia đình, để rồi cô không dám quên mình, không dám hy sinh, không dám bỏ bớt cái tôi ích kỷ của mình để phục vụ Chúa tốt hơn. Phải chăng từ cuộc gặp gỡ này, chúng ta có thể thấy được những đòi hỏi của Chúa nơi người môn đệ, phải phục vụ trong sự quên mình, trong sự từ bỏ cái tôi ích kỷ nhỏ nhoi, để đem lại cho tha nhân niềm vui và hạnh phúc, đặc biệt là giúp họ nhận biết, hôm nay gia đình họ được Chúa ghé thăm và ở lại với mọi người. Bên cạnh đó, cũng cần phải biết lắng nghe việc phục vụ của mình đến từ đâu, từ khát mong được phục vụ, hay đến từ tính toán hơn thiệt, chính lúc lắng nghe là lúc chúng ta biết lúc nào cần phải dừng lại, lúc nào cần phải phục vụ tận tình hơn. Niềm vui của gia đình Martha là có Chúa đến thăm. Vậy, trong lúc phục vụ Chúa, có cần phải nghỉ ngơi để lắng nghe những gì vị khách đặc biệt đó mong muốn, có cần phải nghỉ ngơi để lắng nghe những thiếu sót của mình và hoàn thiện như thế nào cho xứng hợp.
 
Trong xã hội hôm nay, người Kitô hữu được mời đi vào đó để phục vụ Thiên Chúa qua tha nhân. Niềm vui cũng không thiếu mà thất bại cũng không ít. Lời Thầy nhắc: các con hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành như con chim bồ câu. Quả thực, mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, người môn đệ cần phải có sự khôn ngoan, để có được sự khôn ngoan đó, cần có đời sống cầu nguyện chuyên sâu, thì mới có thể đong đầy được bình an của Thiên Chúa trong tâm hồn. Từ đó, họ sẽ gặp được sự khôn ngoan của Thánh Thần trong đời phục vụ. Người môn đệ cũng cần có sự chân thành và khiêm tốn đủ, nếu khiếm khuyết những góc cạnh đó, việc phục vụ trở nên lệch lạc và mục đích cuối cùng sẽ không bao giờ đạt được.
 
Trong tổ ấm gia đình, nơi tinh thần phục vụ luôn là tâm điểm của mỗi người, người chồng, người vợ, con cái trong nhà, sẽ luôn là đối tượng cho người khác phục vụ. Tinh thần phục vụ trong gia đình cần có dáng dấp của Tin Mừng, có dáng dấp của sự hy sinh, phải là phục vụ trong khiêm tốn, chứ không mang màu sắc của những “Osin thời đại”. Thế nhưng, không thiếu những lần chúng ta bắt gặp nơi các gia đình một tinh thần phục vụ theo tính gia trưởng. Phải gọi đó là sự hầu hạ hơn là phục vụ, bởi người này phải hầu hạ người kia, kẻ nhỏ phải hầu hạ người lớn. Từ đây, hình ảnh và cung cách phục vụ đó được áp đặt vào trong mọi tương quan con người, và ngay trong việc phục vụ các linh hồn, phục vụ Giáo hội, phục vụ Thiên Chúa và ẩn hiện màu sắc tính toán hơn thiệt và ganh tị lẫn nhau, ngay cả những người được coi là mẫu mực.
 
Mẫu mực ở đây được hiểu theo nghĩa rộng hơn là có chức, có quyền. Vì có chức, có quyền, nếu để nên giống Đức Giêsu hơn, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ vẫn mãi là hình ảnh đẹp để nên giống Thầy. Thế nhưng, mấy ai đã làm được điều đó, và thay vào là các đầy tớ phải rửa chân cho chủ nhân, cho những người quyền thế. Nếu trong các cộng đoàn sống ơn gọi luôn tâm niệm tinh thần phục vụ là nên giống Thầy Chí Thánh, chắc sẽ không còn những lời nhỏ to xì xầm trong bàn ăn, trong mọi sinh hoạt. Tính toán hơn thiệt, luồn cúi để được tiến thân vẫn mãi là câu chuyện muôn thưở, nghe miết thành bình thường trong mỗi cộng đoàn, nơi mà tinh thần phục vụ của Đức Giêsu luôn được coi là khuôn vàng thước ngọc.
 
Với một xã hội thực dụng luôn tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, tinh thần phục vụ có phải là một việc làm xa xỉ không? Khi mỗi người luôn được đề cao và cái tôi vẫn mãi lớn lên cùng năm tháng, chính lúc này, tinh thần phục vụ lại cần được cổ võ để tìm lại giá trị của con người, một tạo vật mang hoạ ảnh của Thiên Chúa. Chính trong bối cảnh xã hội đó, người Kitô hữu cần phải mạnh dạn thể hiện tinh thần phục vụ cách vô vị lợi hơn, bởi khi thế giới muốn gạt bỏ Thiên Chúa, chúng ta cần phải đưa Ngài trở lại ngôi nhà của Ngài ở trần gian là mái ấm các gia đình, là các cộng đoàn sống ơn gọi và xa hơn là ngôi nhà chung của nhân loại.
 
Lạy Chúa Giêsu, để dạy chúng con sống tinh thần phục vụ, Chúa đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Xin cho chúng con biết bắt chước Chúa, cúi xuống rửa chân cho anh em bằng tinh thần phục vụ vô vị lợi. Chúa đã đón nhận cái chết để cứu độ chúng con, xin cho mỗi người luôn can đảm đóng đinh cái tôi của mình và thập giá của Chúa, để chúng con phục vụ nhau trong tình bác ái và chân thành. Chúa đã sống lại để đưa chúng con vào Nước Trời, xin cho mỗi người luôn cố gắng để phục vụ anh chị em của mình, để họ nhận biết quê hương đích thực là Nước Trời. Amen.
 
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...