Chúa Nhật XX Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XX Thường Niên - Năm C   Nghe MP3:    Ca nhập lễ Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người
 

Nghe MP3: 

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! “Thầy đến để đem lửa xuống thế gian”. Lửa đây chính là sứ mạng cứu độ của Chúa, là ngọn lửa tình yêu mà Người muốn dùng để thanh tẩy, đốt nóng và làm cho bừng cháy lên ơn cứu độ của Người. Và Người khắc khoải biết bao để “lửa ấy vẫn cháy mãi lên” thiêu hủy những cằn cỗi, thanh lọc những ô nhơ, làm ấm lại cõi lòng băng giá và soi sáng con người trên bước đường tìm kiếm sự thật. Chúa muốn ngọn lửa tình yêu mà Người đã từng đem đến trần gian mãi mãi được thắp sáng lên trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Người yêu thương ta như đối tượng của tình yêu Người, mặc dù chúng ta vô ơn, bội phản hay quay lưng lại với tình yêu đó. Người kêu gọi từng người chúng ta hãy tiếp nối sứ mạng đem lửa thắp sáng khắp thế giới, bằng chính cuộc sống chứng nhân của mỗi người trong mọi hoàn cảnh.

Giờ đây chúng ta hãy thành tâm để đón nhận ân sủng và bình an của Chúa Giêsu trong việc cử hành Mầu nhiệm Thánh này.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Gr 38, 4-6. 8-10

"Ngài đã sinh ra tôi làm người bất thuận sống trên vũ trụ".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: "Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ". Vua Sêđêcia phán rằng: "Ðấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì". Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn.

Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: "Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn". Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: "Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2. 3. 4. 18

Ðáp: Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ phù con (c. 14b).

Xướng: Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu.

Xướng: Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi. 

Xướng: Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ cậy trông vào Chúa. 

Xướng: Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Ðấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ. 

Bài Ðọc II: Dt 12, 1-4

"Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 49-53

"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đã hơn hai ngàn năm qua Đức Kitô đã đem Tin Mừng đến cho nhân loại, bằng chính lửa tình yêu qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người hầu biến đổi bộ mặt địa cầu, dù gặp rất nhiều những chống đối, nhưng Người đã thắng thế gian. Với lòng tôn kính tin tưởng chúng ta dâng lời cầu xin.

1. “Đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết”- Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục được sự khôn ngoan và sức mạnh, để các ngài luôn bình tĩnh, dũng cảm chấp nhận mọi nghịch cảnh và cả cái chết vì thi hành nhiệm vụ hướng dẫn đoàn chiên.

2. “Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta”- Xin cho các Kitô hữu ý thức được bổn phận của những người con, đã được thánh hiến qua Bí tích Rửa Tội, là phải làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha mà tôn thờ yêu mến và suy phục.

3. “Thầy không đến đem bình an, nhưng đem chia rẽ”.- Xin cho những người đang trên đường tìm về Chân Lý được ơn dũng mạnh, để họ sẵn sàng chấp nhận những đối kháng, thù nghịch của cả những người thân.

4. “Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên”- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, luôn được lòng sốt mến và hăng say lo việc tìm kiếm Nước Trời.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho lửa tình yêu mà Chúa đem xuống thế gian bùng cháy nơi mỗi người chúng con, để chúng con luôn khắc khoải cứu rỗi muôn người như Chúa. Nhờ đó, chúng con biết tận dụng mọi cơ hội, để mưu tìm phần rỗi cho các linh hồn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

LỬA CHÁY – SỰ THẬT TỎ BÀY
(Chúa Nhật XX TN C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
“Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51). Thoạt nghe những lời trên của Chúa Giêsu hẳn nhiều người giật mình. Một tôn sư lỗi lạc, một vị đại ngôn sứ, một Đấng Thiên sai mà tuyên phán những lời ấy thì thật chướng tai, khó nghe. Là người, ai cũng đều khát mong được sống trong an bình. “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” là một sự thật hầu như hiển nhiên. Thế thì chúng ta phải hiểu nội hàm lời tuyên bố của Chúa Giêsu trên đây như thế nào?

Để hiểu đúng và tương đối chính xác lời một ai đó thì cần thiết phải xem xét ngữ cảnh khi người ấy nói. Tin Mừng thánh Luca tường thuật ngữ cảnh trước đó là việc Chúa Giêsu khử trừ một tên quỷ câm ra khỏi người bị nó ám và người câm nói được (x.Lc 11, 14-23). Tiếp đến Người tuyên bố rằng ai nghe và giữ lời Thiên Chúa mới là người có hạnh phúc thật. Rồi Người tự cho mình hơn cả Ngôn sứ Giona khi thẳng thắn công bố sự thật. Tiếp đến Chúa Giêsu nói về sự nhận thức như là ánh đèn dẫn lối chúng ta đi (x.Lc 11, 37-36). Sau đó Người khiển trách nhiều người Pharisiêu và nhiều nhà thông luật đã sống và hướng dẫn kẻ khác trong sự lầm lạc cho dù biết họ  sẽ tức tối tìm cách hãm hại Người (x.Lc 11, 37-54).  Rồi Người khuyến dụ các môn đệ đừng sợ và hãy can đảm công bố sự thật (x.Lc 12, 1-12), đừng lo thu tích của cải đời này nhưng hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và luôn sống trong tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng là chu toàn bổn phận với nhưng người được giao phó cho mình chăm nom (x.Lc 12, 13-48).

Trong ngữ cảnh này, Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên!” (Lc 12, 49). Có thể khẳng định ngọn lửa mà Chúa Giêsu đem xuống thế gian chính là ánh sáng chân lý như lời Người khẳng định với Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37).

Ánh sáng chân lý đã bừng lên thì sự thật, sự giả, điều tốt, điều xấu sẽ được phân biệt rõ ràng. Ánh sáng chân lý đã chiếu soi thì sự thiện hảo nhất thời, chóng qua và hạnh phúc đích thực, vĩnh tồn sẽ được biện phân. Cảnh mập mờ của buổi thời hỗn mang sẽ bị xoá dần và con người chúng ta cần phải chọn lựa dứt khoát. Chọn lựa là hy sinh. Đau đớn là chuyện thường tình khi phải bỏ cái này để chọn cái kia, nhất là khi cái này đã từng gắn bó với mình và nó chưa hẳn là xấu.

Sự xâu xé trong tâm hồn luôn có đó khi chúng ta phải chọn lựa giữa điều lành và điều dữ, giữa một điều tốt và một điều tốt hơn, giữa hạnh phúc nhất thời và hạnh phúc vĩnh cửu. Bị giằng co, bị xâu xé là một lẽ rất tự nhiên vì điều tốt hơn chưa thực sự ở trong tầm tay và hạnh phúc vĩnh cửu vẫn đang còn ở phía chân trời xa. Đây chính là sự chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn đề cập.

Ai đến với tôi mà không từ bỏ cửa nhà, ruộng nương, cha mẹ, vợ con… và không vác thập giá mình thì không thể làm môn đệ của tôi (x.Lc 14, 26-27). Dù là một lối nói kiểu so sánh nhưng Chúa Giêsu đã thẳng thừng đưa ra một đòi hỏi có tính triệt để rằng phải chọn Người trên hết và trước hết. Tất cả chỉ vì lý do này: Người chính là Thiên Chúa thật, nhờ Người mà mọi được tạo thành. Dĩ nhiên khi đã can đảm chịu xâu xé, chịu bắt bớ để chọn Người làm Thầy và làm Chúa của mình, chúng ta sẽ lại nhận được mọi sự như trên cách gấp bội và nhất là sự sống trường sinh (x.Mc 10, 28-30).

Lửa đã cháy lên. Ánh sáng đã đến thế gian, Sự thật đã được tỏ bày. Vấn đề còn lại là sự chọn lựa của chúng ta. Chọn lựa là phải hy sinh. Thiện hảo nào cũng có giá của nó. Để có thể sống trong bầu khí tự do và dân chủ thì rất nhiều người đã can đảm đương đầu với bạo quyền và dĩ nhiên chấp nhận sự bách hại. Để có thể thoát khỏi vòng nô lệ của thần dữ thì có đó nhiều cam go, sóng gió cần phải vượt qua. Dù là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban cho, nhưng hạnh phúc vĩnh cửu dứt khoát không phải là thứ hàng hoá rẻ tiền.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Suy niệm Chúa nhật 20 Thường niên – C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 12, 49-53)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.
 
Suy niệm
 
Chúa nhật thứ 20 thường niên trở về cũng là lúc mỗi người tín hữu được mời gọi phân định lại cách rõ ràng hành trình đức tin và thái độ sống hàng ngày của mình. Để có thể chọn lựa đúng đắn, mỗi tín hữu cần hiểu biết về Thiên Chúa như thế nào, Ngài không phải là một vị thần linh hiện diện trong thế giới để đáp ứng mọi nhu cầu của con người, nhưng Ngài hiện diện bên cạnh là để giúp con người sống hoàn thiện ơn gọi, biết chọn lựa những giá trị nào đưa bản thân đến với Thiên Chúa trong sự trọn hảo, biết chọn lựa con đường nào đi đến với tha nhân theo tinh thần Tin Mừng.
 
Cuộc đời của người môn đệ Thiên Chúa luôn là cớ vấp phạm cho thế gian, bởi họ nhìn nhận thái độ sống của người đó không hướng tới tham vọng bản thân, nhưng luôn hướng về sự thiện và ích lợi cho mọi người. Do đó, cuộc đời của Ngôn sứ Giêrêmia là một minh họa, ông đã giúp đỡ cho bao người chung quanh nhận ra giá trị Chân – Thiện – Mỹ và đặc biệt là giúp họ tìm lại giá trị con người trước mặt Giavê, vì thế, ngôn sứ Giêrêmia đã bị ghét bỏ, bị vu oan và bị vứt xuống giếng hận thù của con người. “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hòa bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”, sự ghen tị đã đẩy người công chính đến chỗ phải thiệt thòi, phải chết trong tủi nhục, đau thương, nhưng không vì thế mà ông bị lãng quên, sự thật vẫn luôn có sức mạnh của nó, chính sức mạnh vô hình đã trả lại cho ngôn sứ Giêrêmia sự công bằng và sự sống. “Vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết”. Người công chính vẫn mãi là người được Thiên Chúa yêu thương và cứu sống.
 
Tình thương của Thiên Chúa luôn là động lực giúp con người đứng lên trong cuộc sống thăng trầm này. Tác giả thư gởi giáo đoàn Do-thái đã gợi nhắc lại tâm tình đó, để mỗi người trong các cộng đoàn giáo hội sơ khai, dám chấp nhận những thua thiệt, những khổ đau tinh thần, can đảm sống và làm chứng cho chân lý và tình yêu. “Chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta”. Bao cám dỗ, bao khổ đau, hơn nữa là bao hấp dẫn từ cuộc sống đang lôi kéo người tín hữu xa dần những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân văn Kitô giáo, họ như đang đứng giữa hai sự chọn lựa cho cuộc đời, hoặc nghiêng chiều về sự thiện, hoặc trở thành tín đồ của bóng tối. Vì vậy, họ được mời đứng lên xông pha trong cuộc chiến chính nghĩa đó, để được sống trong hơi ấm và sức nóng của tình thương Thiên Chúa.
 
Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”. Khao khát của Con Thiên Chúa làm người là ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi được cháy mãi và cháy mãi trong thế giới lạnh cóng này nhờ những trái tim và đôi tay quảng đại của con người. Quả là một khát vọng đáng cho chúng ta suy nghĩ, khát vọng đó không đem lại cho Thiên Chúa một lợi ích nào, nhưng đem lại cho con người bao nhiêu giá trị tinh thần. Ngọn lửa Ngài đem xuống thế gian là tình thương, là tình người, là sự bao dung, là tinh thần phục vụ và cuối cùng là sự hy sinh cho người mình yêu. Những món quà đó tuy nhỏ bé và giản đơn nhưng có một giá trị nội lực vô cùng lớn lao mà thế gian khó có thể lãnh hội, vì vậy thế gian tìm đủ mọi thủ đoạn, mọi kế sách để có thể giết chết tất cả những giá trị tinh thần của những món quà đó. “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ”. Lời Đức Giêsu xem ra nghịch nhĩ quá, tại sao trong sứ mạng đặc biệt vậy, Ngài lại đem đến cho con người sự chia rẽ thay vì hiệp nhất, tại sao Ngài không đem đến cho nhân loại sự bình an của trời cao, mà đem đến sự bất an cho bao người vậy? Chắc chắn không là như thế, bởi giáo lý và sứ mạng của Ngài là chân lý, là sự thật, là sự sống, chỉ bởi nhân loại hôm nay không yêu mến chân lý, sống thiếu sự thật, thậm chí thoả hiệp với gian dối và chỉ mong tìm kiếm sự sống tạm bợ của trần gian thôi.
 
Nhìn vào bức tranh các gia đình hôm nay, chúng ta có thể giật mình bởi có biết bao chia rẽ đang ngấm ngầm ẩn hiện, vì cái tôi ích kỷ, vì chủ nghĩa cá nhân, vì đua đòi theo xu hướng của xã hội, tương quan giữa các thành viên trong gia đình không còn được ấm áp và gần gũi như bản chất của một gia đình. Chen vào đó là sức mạnh tiềm ẩn của tiền bạc của cải, là ước mơ một tương lai sáng lạn, đã tác động vào những giá trị của chân lý, của tình thương, của sự thật và sự sống con người. Chính những yếu tố đó đã gây ra chia rẽ trong gia đình, giữa các thành viên với nhau và làm cho nền tảng gia đình, đặc biệt các gia đình Kitô giáo, bị rạn nứt và là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ, vợ chồng, cha mẹ, con cái mỗi người một phương.
 
Ngọn lửa Đức Giêsu mang đến không chỉ cho các gia đình mà cho tất cả mọi người, mọi ơn gọi khác nhau, nếu nhìn từ bên ngoài đời sống tu trì là một bức tranh thật hoàn mỹ, nhưng nếu bước qua ngưỡng cửa đó, tính bất toàn và tham vọng của chất người vẫn tồn tại giữa các cộng đoàn và trong mỗi thành viên. Mỗi cộng đoàn đều ước mong ngọn lửa tình hiệp nhất đó cháy sáng và toả lan đến mọi thành viên, nhưng chỉ dừng lại là ước mơ, bởi tính tham lam của một tạo vật vẫn hoành hành và lắm lúc làm tan nát tình người, làm sụp đổ tình hiệp nhất trong hội dòng và làm tổn thương đến cả Giáo hội.
 
Nỗi đau của Con Thiên Chúa làm người vẫn mãi rỉ máu trong trái tim của Ngài khi còn chứng kiến bao sự chia rẽ ngay trong gia đình của mình, giữa đoàn con của Ngài và giữa các tôn giáo với nhau, tất cả chỉ vì chưa mạnh dạn đổ thêm dầu cho ngọn đèn cuộc đời sáng lên, nóng lên và tan chảy cho cuộc đời. Khởi đi từ gia đình, tình hiệp nhất và tính nhân văn của con người được quan tâm, được giáo dục và được trân trọng, chắc nền tảng gia đình sẽ vơi đi những nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn của Thiên Chúa và của con người. Nỗi đau đó đang cần được chữa lành từ nỗ lực và cố gắng của con người khi chấp nhận bỏ bớt cái tôi và tính ích kỷ đang tiềm tàng trong cuộc đời.
 
Lạy Chúa, ước mong cho ngọn lửa tình mến được cháy lên mỗi ngày của Chúa sẽ thành hiện thực khi mỗi chúng con mạnh dạn bước qua cái tôi của mình, xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày nên giống Chúa trong lời nói, việc làm và thái độ sống. Chúa đến để xây dựng một gia đình của Ngài giữa thế giới, đó là một gia đình hiệp nhất và yêu thương, xin Chúa giúp chúng con luôn tìm thấy nơi gia đình của Chúa sự bình an của trời cao và nhận ra con đường về trời được hình thành nhờ những hy sinh của bản thân cho tha nhân. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh


Lửa

Ta đem lửa xuống trần gian và chỉ mong cho lửa ấy bừng cháy lên.

Nhìn vào một ngọn lửa, chúng ta ghi nhận được những gì? Có thể là chúng ta đã ghi nhận được nhiều thứ lắm, nhưng tôi chỉ xin giữ lại nơi đây hai điểm đó là ánh sáng và sức nóng.

Ánh sáng được dùng để làm gì, nếu không phải là soi chiếu mà phá tan tăm tối. Sức nóng được dùng để làm gì, nếu không phải là để sưởi ấm những người lạnh giá và đốt cháy những gì nhơ nhớp.

Chúa Giêsu đem lửa xuống trần gian và lửa ấy chính là bản thân Ngài và Phúc Âm của Ngài. Ngài đã rao giảng Tin Mừng để soi chiếu cho những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, để sưởi ấm cho những tâm hồn giá băng cũng như để thiêu huỷ mọi tội lỗi của nhân loại.

Tuy nhiên Ngài cũng đã mời gọi mỗi người chúng ta hãy tiếp tay với Ngài để cho sứ mạng của Ngài được chóng hoàn tất. Chính vì thế mỗi người chúng ta cũng phải là một ngọn lửa truyền nóng và chiếu sáng cho những người chung quanh bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương.

Thực vậy, đời sống của chúng ta phải nóng bằng cách có sự thánh thiện, có ơn Chúa ở trong mình, đồng thời đời sống chúng ta cũng phải sáng bằng những gương mẫu gây ảnh hưởng tốt cho người chung quanh. Chúng ta đừng bao giờ để cho ngọn lửa ấy phụt tắt trong tâm hồn và trong cuộc đời. Đó là điều Chúa Giêsu luôn mong mỏi nơi mỗi người. Chúng ta có thể gọi thánh Phaolô, thánh Phanxicô là những tâm hồn lửa. Tại sao thế? Vì các ngài đã thực sự có Chúa trong tâm hồn và hăng say đem Chúa đến cho những người chung quanh.

Để kết luận, tôi xin kể lại câu chuyện của một tâm hồn đầy lửa, đó là Ozanam, vị sáng lập hội Bác ái Vinhsơn, mới 17 tuổi mà đã trở thành một tông đồ nhiệt thành bênh vực cho Chúa.

Vào năm 1843, thành phố Paris bị xáo trộn bởi những cuộc cách mạng. Đạo Công giáo bị đe doạ, các cơ sở bị cướp phá. Năm ấy Ozanam đang học luật. Dầu còn thanh niên, cậu đã dùng ngòi bút và việc làm để phản công. Cậu siêng năng đọc Phúc Âm và rước lễ. Cậu được thụ huấn với một giáo sư nổi tiếng đó là Ampère về mặt học thức cũng như về mặt đạo đức. Cậu mạnh mẽ bênh vực Giáo Hội. Cùng với Ozanam, các sinh viên trước kia rụt rè lo sợ bao nhiêu thì nay lại nhiệt thành và hăng say bấy nhiêu. Các giáo sư cũng phải kiêng nể. Cậu tổ chức những buổi diễn thuyết, những cuộc nói chuyện làm sống lại một bầu khí đạo đức. Về phía dân chúng, cậu đã cùng 6 anh em khác lập hội Bác ái Vinh sơn để giúp đỡ những người nghèo túng. Năm 18 tuổi, cậu đã thề hứa: Nhất quyết hy sinh đến hiến mạng sống mình vì dân nghèo. Ozanam đã trở nên một ngọn lửa của Đức Kitô. Giáo Hội hôm nay cũng cần nhiều tâm hồn tông đồ hăng say như Ozanam.

Hãy trở nên một ngọn lửa sưởi ấm bằng đời sống thánh thiện và đạo đức. Hãy trở nên một ngọn lửa chiếu sáng bằng những hành động bác ái và yêu thương.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...