Chúa Nhật XXI Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XXI Thường Niên - Năm C    Nghe MP3:   Ca nhập lễ Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời tôi. Lạy Chúa tôi, xin cứu vớt người bầy tôi
 

 Nghe MP3:  

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời tôi. Lạy Chúa tôi, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa. Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Căn cứ vào ba bài đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa, Chúa Nhật XXI mùa thường niên năm C hôm nay, chúng ta thấy có hai vấn đề chính yếu, đó là ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và nỗ lực con người cần phải có.

Tuy nhiên, theo lời Chúa Giêsu mạc khải trong bài Phúc Âm, thì hình như vấn đề cứu độ không phải chỉ cần Thiên Chúa muốn cứu độ và con người nỗ lực đáp ứng là xong, là đủ. Mà còn phải được Chúa mời gọi và ban ơn, con người mới có thể đạt được ơn cứu độ vì Chúa nói: “các ngươi hãy gắng qua cửa hẹp mà vào”, và lời khác nữa “Ta bảo cho các ngươi biết, nhiều người sẽ cố vào mà không được”. Như thế cần phải sống đức tin Chúa sẽ thấy thiện chí và quyết tâm của chúng ta và trợ giúp chúng ta đạt lý tưởng.

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để lựa chọn đúng con đường dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ con đường rộng, con đường thênh thang, bằng lòng thống hối ăn năn mọi lỗi lầm của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Is 66, 18-21

"Chúng dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán: "Ta đã biết các việc làm và tư tưởng của chúng; Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt nơi chúng một dấu lạ, Ta sẽ sai một số trong những người được giải thoát đến các dân ngoài biển, bên Phi châu và Lyđia, là những dân thiện xạ, đến Ý-đại-lợi và Hy-lạp, đến những hòn đảo xa xăm, đến với những kẻ chưa nghe nói về Ta, và chưa thấy vinh quang của Ta. Chúng sẽ rao giảng cho các dân biết vinh quang của Ta, sẽ dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến như của lễ dâng cho Chúa, họ cỡi ngựa, đi xe, đi võng, cỡi la, cỡi lạc đà, đến núi thánh của Ta là Giêrusalem, khác nào con cái Israel mang của lễ trong chén tinh sạch vào nhà Chúa, Chúa phán như thế. Trong những dân đó, Ta sẽ chọn các tư tế, các thầy Lêvi: Chúa phán như vậy". Vì chưng lời Chúa rằng: Cũng như Ta tạo thành trời mới, đất mới đứng vững trước mặt Ta thế nào, thì dòng dõi ngươi và danh tánh các ngươi sẽ vững bền như vậy".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Xướng: Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Ðáp.

Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 12, 5-7, 11-13

"Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: "Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con". Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí. Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt. Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ, hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy. Vì thế, anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời. Ðường anh em đi, anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 22-30

"Người ta sẽ từ đông chí tây đến dự tiệc trong nước Chúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy biết lợi dụng mọi hoàn cảnh, nhất là những khi gặp trái ý hay thử thách, như những phương tiện để thánh hóa bản thân và mưu cầu phần rỗi cho các linh hồn biến nó thành lời cầu xin.

1. “Ta đến qui tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ”- Xin cho các vị Chủ chăn một lòng nhiệt thành lo việc xây dựng Nước Chúa, để các ngài luôn tìm những phương thế hữu hiệu, giúp dân Chúa và mọi người sống đúng tinh thần bát phúc.

2. “Trong khi được sửa dậy anh em hãy bền chí”- Xin cho các tín hữu, dù phải vướng bận với những công việc trần thế, cũng không quên nhiệm vụ phải bồi dưỡng đức tin, để họ sống xứng đáng là những chứng nhân của Tin Mừng cứu độ.

3. “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong Nước Chúa” - Xin cho các nhà truyền giáo khi khai mở tâm trí con người, biết sẵn sàng đón nhận mọi mầu da sắc tộc, để đưa họ về tin nhận giáo lý của Chúa.

4. “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp” - Xin cho những người tội lỗi ơn đức tin và can đảm, để họ không ngã thua trước những quyến rũ của dục vọng, nhưng biết dứt khoát đi vào con đường hẹp, để mai ngày được dự tiệc thánh nơi quê trời.

Chủ tế: Lạy Chúa, cửa hẹp là cửa của niềm tin và là chính Đức Giêsu Kitô, chúng con phải qua mà vào quê trời, xin ban ơn giúp chúng con biết dùng thời gian và ân huệ Chúa ban, để sông theo tinh thần Chúa đòi buộc. Nhờ đó, khi thời gian chấm dứt, chúng con được phúc đón nhận vào Nước Hằng Sống, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã dùng hiến lễ duy nhất của Ðức Kitô để quy tụ một đoàn con đông đảo; xin thương tình ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, do kết quả việc Chúa làm, địa cầu được no phỉ, để từ trong đất, con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỷ lòng người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng trọn vẹn ơn cứu chuộc Chúa đã thương ban, để chúng con ngày thêm mạnh sức và hăng say nhiệt thành. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Suy niệm Chúa nhật 21 Thường niên – C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 13, 22-30)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”.
 
Suy niệm
 
Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít người sẽ được cứu độ? đó là sự trăn trở của các môn đệ khi họ đi theo Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu, Đấng Cứu độ. Tuần lễ 21 Thường niên trở về, Mẹ Giáo hội mời gọi con cái dừng lại bên lề cuộc sống để đặt lại vấn đề đức tin của mình, đặc biệt niềm tin đó có thực sự tích cực và đang lớn dần theo thời gian và hoàn cảnh hiện tại không?
 
Ngay từ thời ngôn sứ Isaia, Ngài đã mang trên vai sứ mạng loan báo tin vui cho toàn thể nhân loại: “Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt nơi chúng một dấu lạ, Ta sẽ sai một số trong những người được giải thoát đến các dân ngoài biển, bên Phi châu và Lyđia, là những dân thiện xạ, đến Ý-đại-lợi và Hy-lạp, đến những hòn đảo xa xăm, đến với những kẻ chưa nghe nói về Ta, và chưa thấy vinh quang của Ta”. Lời ngôn sứ hé lộ cho chúng ta phần nào kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, Ngài muốn tất cả hiện diện trong ngôi nhà của Ngài là Nước Trời, Ngài không muốn một ai đứng ngoài ơn cứu độ của Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể và tử nạn của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu. Thiên Chúa đang từng ngày dàn trải tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa trên khắp mặt địa cầu, trên khắp mọi dân, từ đời này trải qua đời kia, từ bến bờ này tới bến bờ kia như lời vịnh gia đã ngợi ca. Ơn cứu độ của Thiên Chúa cũng không đóng khung trong phạm vi một dân tộc, một đất nước nào, nhưng ơn cứu độ đó có sự góp mặt của những kẻ chưa nghe nói về Thiên Chúa, và chưa một lần thấy vinh quang của Ngài.
 
Để được cứu độ, con người phải chấp nhận đi vào con đường Thiên Chúa đã dọn sẵn, đó là con đường thanh luyện bản thân, đó là con đường hẹp, đường giúp mình luôn ý thức về thân phận yếu đuối và tội lỗi, đường dẫn con người đi trong niềm tin của một tạo vật, trên con đường đó không có bóng dáng của tính tự mãn, không có bóng dáng của tính kiêu căng và cũng không có bóng dáng của sự hững hờ. Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con”. Tác giả thư gởi tín hữu Do-thái đã gợi nhắc cho chúng ta rằng, Thiên Chúa không phải là một người cha hững hờ, càng không phải là một người thầy quá nghiêm khắc, Ngài yêu thương con người và từng ngày sửa dạy con người, để họ nên hoàn thiện như Cha trên trời là đấng hoàn thiện. Cách sửa dạy của Thiên Chúa không phải là những lời xu nịnh hay tâng bốc nhưng là nghiêm khắc trong chia sẻ, là cứng rắn trong tình thương, tất cả hướng về sự trưởng thành và hoàn thiện của con cái để được ở lại mãi mãi trong ngôi nhà của Thiên Chúa tình yêu.
 
Trước sự nghiêm nghị của Đức Giêsu, trước những lời dạy đầy uy lực của Ngài, các môn đệ chưa thể hiểu được sự răn dạy như thế để làm gì, Ngài chỉ mong một điều từ nơi con người là hãy biết vận dụng sự tự do Thiên Chúa dành cho họ, để chọn lựa con đường cho mình đi trong hành trình đức tin. Ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ giúp con người chiến thắng sự ác và hiện thân của nó qua sự cộng tác của con người. Có những hiện thân sự ác con người không thể chiến thắng nỗi đó là sự chết vĩnh cửu, chính lúc con người bất lực, Thiên Chúa đã ra tay, Ngài sai người con duy nhất của Ngài tới cứu độ con người bằng chính giá máu của Con Thiên Chúa làm người. Cái chết của Con Thiên Chúa là một cái chết tự nguyện, tự nguyện vì yêu con người và muốn con người không bị hư mất đời đời, nhưng để được đi vào trong sự sống đời đời của Thiên Chúa, cần có sự cộng góp của con người. “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được”.
 
Cuộc sống hôm nay có muôn màu muôn vẻ, có người luôn đi tìm Thượng Đế, có người luôn truy tìm sự thiện, và cũng không thiếu những người dõng dạc tuyên bố tôi là người vô thần. Tất cả đến từ một xã hội thực dụng, thần linh hay Thượng Đế không liên quan gì tới tôi, chỉ có vật chất, địa vị xã hội và quyền bính mới đem lại cho con người giá trị và chỗ đứng trong thế giới này. Tuyên bố mình là vô thần cũng đồng nghĩa với một quá khứ đã đi tìm Thượng Đế và chấp nhận sự hiện hữu của Ngài, để rồi sau đó phủ nhận sự hiện hữu đó hoặc che lấp sự hiện hữu đó để cái tôi và chủ nghĩa cá nhân được lên ngôi và như là thượng đế trong thế giới này, bên cạnh đó cũng không thiếu những người luôn hững hờ với đời sống tôn giáo, có Thiên Chúa hay không cũng chẳng sao, có tôn giáo hay không cũng chẳng đem lại cho tôi lợi lộc gì, làm sao mỗi ngày tôi được hưởng thụ tất cả những nhu cầu cuộc sống và trải nghiệm mọi thú vui của trần thế, vậy là đủ. Đó là một khuynh hướng mới trong xã hội hôm nay và đang len lỏi vào trong các mái ấm gia đình, đặc biệt là các gia đình Kitô giáo. Khuynh hướng này đang len lỏi vào các cộng đoàn, các xứ đạo và chen vào trong mọi sinh hoạt tôn giáo của người Kitô hữu nữa. Phục vụ là một nghĩa cử rất đẹp trong đời sống của các tín hữu, thế mà, vì ảnh hưởng ít nhiều của chủ nghĩa dửng dưng tôn giáo mà tinh thần phục vụ bị lệch lạc và có những lúc trở nên méo mó vì đã bị tục hoá. Nếu như con người luôn ý thức tinh thần phục vụ sẽ giúp cho mình tiết chế mọi đòi hỏi của bản thân, nâng cao tinh thần hiệp nhất và xa hơn là giúp nhau vượt qua những thách đố như là cửa hẹp, thì tinh thần đó luôn được đề cao và luôn được tôn trọng, thế nhưng, mọi cái như đang đảo chiều vì một xã hội mà khoảng cách từ con người đến con người ngày một gần lại nhưng khoảng cách từ trái tim đến trái tim ngày một xa dần và tưởng như không thể xích lại được nữa vì sự dửng dưng và vô cảm của con người.
 
Gia đình luôn được coi là một tế bào của xã hội và Giáo hội, là một tế bào cần có nhựa sống để nuôi nó và giúp nó phát triển, nhưng nhựa sống đó hôm nay đã bị ô nhiễm, bị đầu độc bởi những nguồn cung cấp nhựa sống đó không còn sự tinh ròng, không còn là những dưỡng chất cần thiết mà chỉ còn lại những cặn bã của sự ô nhiễm, thì làm sao có những tế bào khoẻ mạnh làm thăng tiến một thân thể, làm phát triển một cộng đoàn. Cửa hẹp vẫn mãi là một điều phi lý khi con người ngụp lặn trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ. Không ai chấp nhận phải tiết chế hay phải hy sinh những nhu cầu, những món hàng đặc biệt, để sống trong sự khổ hạnh và đạm bạc. Chính vì thế, muốn tìm nơi các gia đình một chút hy sinh của mỗi thành viên, thì đó quả là một khó khăn thực sự, đó là chưa nói đến chấp nhận mài giũa để có được những con người mới theo tinh thần Tin mừng.
 
Là những cộng đoàn sống ơn gọi dâng hiến, cửa hẹp luôn là lời mời mỗi thành viên đón nhận và vượt qua, nhưng thử hỏi, các thành viên đó được sinh ra, được lớn lên và được giáo dục trong một môi trường xã hội dửng dưng với tôn giáo, xem nhẹ những giá trị Tin Mừng, và ngụp lặn trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ đó, liệu rằng con đường hẹp có thực sự là một thách đố hay chỉ còn tồn tại trên những trang giấy, còn đi vào đời sống chung, đó là một điều xa xỉ và khó có thể đón nhận và tiết chế bản thân, để từng ngày, từ cách suy nghĩ cho đến thái độ sống, mỗi thành viên luôn là một hòn đá chấp nhận để mài giũa tròn trĩnh, đem lại nhiều lợi ích cho đời, cho người và cho Thiên Chúa. Dù biết ơn gọi nào cũng cao quý và cũng đem lại nhiều lợi ích cho con người trước mặt Thiên Chúa, nhưng thử hỏi khi chấp nhận dấn thân vào cuộc phiêu lưu của mỗi ơn gọi, mỗi người có dám từ bỏ tất cả, từ bỏ cả bản thân, từ bỏ những đòi hỏi của nhu cầu sống, để hoàn toàn mới với một hành trình mới không? Hay chỉ là chấp nhận nín thở qua sông để rồi sau đó lại tìm cách sở hữu tất cả những gì mình đang cần hiện tại và thiếu hụt trong quá khứ. Lời mời cố gắng qua cửa hẹp của Đức Giêsu sẽ vang lên như một tiếng kêu vô vọng giữa một hoang địa của sự dửng dưng và trong một sa mạc tiêu thụ và hưởng thụ, vậy ai sẽ được cứu độ đây và tôi có được cứu độ khi tôi cũng đang lần mò và chấp nhận tan biến trong vòng xoáy của một xã hội nghiêng chiều về vật chất và thiếu sự cảm thông tình người.
 
Lạy Chúa, đã bao lần Chúa lên tiếng vì sự cứng lòng và vô cảm của con người, để mong họ sám hối và thay đổi cuộc đời, xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức lời nhắc của Chúa luôn là khung cửa hẹp, để đưa chúng con tới Nước Trời. Chúa đã hướng dẫn cho con người con đường đem đến sự sống vĩnh cửu đó là sống tiết độ, luôn làm chủ cuộc đời, đừng để tục hoá trong thế giới vật chất này, xin giúp mỗi người chúng con luôn biết tìm Chúa khi lầm đường lạc lối, cũng như khi bế tắc giữa cuộc đời, để chúng con luôn thấy ánh sáng từ Lời Chúa soi dẫn giúp chúng con tới tìm thấy con đường về trời là yêu thương, là phục vụ và biết tôn trọng lẫn nhau trong tình Trời. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh

CỬA HẸP
(Chúa Nhật XXI TN C) - Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Thoạt nghe đến từ cửa hẹp người ta nghĩ ngay đến những gian truân, khó khăn, vất vả. Sự liên tưởng này không sai, nhưng người ta có thể lầm khi chỉ dán mắt vào độ hẹp của cánh cửa mà quên nhìn thực tại đằng sau nó. Đó là Nước Trời, là vương quốc của tình yêu, là hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta cần phải tự hỏi rằng Thiên Chúa ban hạnh phúc vĩnh cửu, vương quốc Nước Trời cho những ai? Thật dễ dàng trả lời đó là cho tất cả những tạo vật mà Người dựng nên, các loài hữu hình và vô hình mà trong đó có loài người chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình được tạo dựng.

“You get what you pay” (tiền nào của nấy). Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự gắng công nỗ lực. Và chắc chắn để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực gắng công càng nhiều hơn gấp bội. Có nhiều cách thế cũng như lãnh vực phải gắng công để đạt hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng trong tất cả những sự gắng công ấy thì việc nỗ lực trở nên “con người” là một nỗ lực nền tảng, không thể thiếu. Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời cho con người thì có thể nói cách không thể sai lầm rằng những ai đích thực là con người thì sẽ được hưởng nhận hạnh phúc ấy.

Theo nhãn quan này thì việc bước qua cửa hẹp chính là những cố gắng để trở nên con người như thuở ban đầu được tạo dựng. Trước khi Ngôi Lời nhập thể, dù được ánh sáng Thiên Chúa soi dẫn qua vũ trụ thiên nhiên và đặc biệt qua tiếng lương tâm, nhưng con người khi tìm cách trở nên chính mình, trở nên con người, thì vẫn một cách nào đó còn mò mẫm như đi trong đêm tối. Các hiền triết cổ đại thường mời gọi đồng loại ưu tiên cho việc “biết mình”. Biết mình là cái biết nền tảng để thành nhân. Đến thời viên mãn với mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thì chân dung và căn tính “con người” đã được mạc khải cách toàn hảo nơi chính Đức Giêsu Kitô. “Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” là “Trưởng tử giữa các loài thọ tạo” (x.Cl 1, 1). Lần giở các trang Tin Mừng, chúng ta cùng xem Chúa Kitô đã trình bày chân dung “con người” như thế nào.

Con người được tạo dựng có nam có nữ (x.Mc 10, 6): Con người là loài được dựng nên chứ không phải tự mình mà có hay hiện hữu cách ngẫu nhiên. Dữ kiện phái tính một cách nào đó khẳng định tính hữu hạn và tính hướng tha của con người. “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Nhiều thi nhân ví von cuộc đời như là quá trình tìm kiếm cái phần nửa của bản thân mình. Hội Thánh dạy rằng con người là hữu thể hướng đến tha nhân và hướng về Tuyệt Đối. Như thế bước qua cửa hẹp là nỗ lực làm chủ khuynh hướng tìm mình cách vị kỷ cũng như làm chủ sự tự mãn, tự cao cho mình hoàn hảo hay toàn năng.

Con người là loài có thể xác nên có các nhu cầu ăn uống nghỉ ngơi… (x.Mt 11, 19). Tuy nhiên con người còn có linh hồn thiêng liêng làm linh động thân xác. Mặc dù có sự góp phần không thể thiếu của thân xác, nhưng chính linh hồn qua các cơ năng luận suy, phán đoán, chọn lựa mới làm nên giá trị tốt, xấu, đúng sai của các hành vi. Vì không phải những gì bên ngoài vào trong con người làm cho con người ra ô uế mà chính những gì bên trong phát xuất ra… (x.Mt 15, 11). Bước qua cửa hẹp là nỗ lực thanh luyện linh hồn đồng thời dùng linh hồn để hướng dẫn và làm chủ thân xác.

Lề luật hay ngày Sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người có ra vì ngày Sabbat hay vì lề luật (Mt 12, 8; Mc 2, 28). Khi sống thành bầy đoàn, loài vật giành giật và duy trì địa vị thống trị của chúng chủ yếu bằng sức mạnh của cơ bắp. Dĩ nhiên khi đã già yếu thì vị trí thống trị của chúng bị đe dọa và đến lúc nào đó bị tước đoạt bởi cá thể khác mạnh hơn. Con người thì nhờ có lý trí đã biết vận dụng lề luật để duy trì quyền uy và sự thống trị của mình. Là sản phẩm do tay con người lập nên, lề luật đã được khách quan hóa thành ý chỉ của thần minh, thành mệnh lệnh của trời, để rồi một cách có chủ ý, phục vụ quyền lợi cho những người làm nên lề luật ấy. Như thế, một cách nào đó con người đã tự phong thần phong thánh cho bản thân. Khi bắt người khác tuyệt đối quy phục lề luật mình làm ra thì mình đã nô lệ hóa tha nhân bằng chính ý chí chủ quan của mình. Bước qua cửa hẹp chính là nỗ lực cởi bỏ những ràng buộc khiến ta và tha nhân trở thành nô lệ cho sản phẩm của con người, để đưa chính mình và tha nhân trở thành những chủ nhân thực sự đối với các thực tại trần thế theo thánh ý Thiên Chúa truyền ngay tự buổi đầu thuở tạo dựng (x.St 1, 26; 2, 20).

Con Người đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mc 10, 45). Đến thế gian này, một trong những sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa đó là mạc khải cách đủ đầy và hoàn hảo căn tính của con người, vốn là loài được dựng nên, là hình ảnh của Thiên Chúa. Nét khác biệt và sự trỗi vượt của loài người trên các loài thọ tạo hữu hình không chỉ được thể hiện bằng trí khôn, một khả năng giúp con người ngày càng phát triển mọi mặt, mà còn được thể hiện qua ý chí tự do. Các loài vật bậc thấp khi yêu thích sự gì thì bị thôi thúc chiếm hữu nó bằng mọi giá. Trái lại tình yêu nơi con người lên đến đỉnh cao nơi động thái dâng hiến. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu tự hiến thân vì người mình yêu (x.Ga 15, 13). Bước qua cửa hẹp là gột bỏ những rào cản khiến chúng ta không thể yêu thương tha nhân bằng sự tự hạ và dâng hiến, bằng sự quên mình để phục vụ như Chúa Kitô đã yêu thương (x.Ga 13, 34).

Chúng ta đã nhân danh Chúa mà giảng dạy, mà cử hành hay tham dự các bí tích, mà làm phép lạ… nhưng nhiều khi có thể sẽ bị Chúa nói là đã làm những điều gian ác, nên Chúa không biết chúng ta. Tuy nhiên nếu chúng ta thực sự đã làm người thì Chúa Kitô phải biết và sẽ đón nhận chúng ta vì chính Người vào trần gian này là để làm người. Vào qua cửa hẹp chính là sự nỗ lực gắng công từng ngày gột bỏ những gì khiến chúng ta không còn là con người hoặc làm chân dung con người nơi chúng ta bị biến dạng. Một vài điều cần gột bỏ đó là sự tự cao, tự đại cho mình toàn năng, toàn hảo hay toàn tri; đó là sự vụ lợi ích kỷ; đó cũng là những ý đồ thống trị tha nhân bằng sức mạnh của quyền lực, thế quyền và lẫn thần quyền, bằng các thể chế luật lệ phi nhân, bất hợp lý do chính mình dựng nên để phục vụ cho quyền lợi của bản thân mình, tập thể của mình…

 

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


VÀO KHUNG CỬA HẸP
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Trong mùa thi vào đại học vừa qua, có nhiều bạn học sinh đã bị chứng suy dinh dưỡng, mất ngủ, thậm chí bị tâm thần. Lý do là các bạn phải học rất nhiều, phải phấn đấu để được vào đại học. Đại học hiện tại là một khung cửa hẹp. Trường lớp có ít mà số lượng sinh viên mỗi năm mỗi tăng. Thế nên các học sinh phải hết sức phấn đấu mới được vào.

Cảnh các thí sinh chen chúc trước các cổng trường đại học làm tôi nhớ đến bài Tin Mừng hôm nay. Ai muốn vào Nước Trời cũng phải đi qua khung cửa hẹp.

Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.

Trước hết phải phấn đấu hạ mình xuống. Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên. Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao. Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng. Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình. Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để đi xuống. Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất. Phải phấn đấu để phục vụ anh em. Như lời Chúa dậy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11). “Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối” (Lc 14,10). “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26). “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15).

Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại. Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra. Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn. Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm. Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ. Phải phấn đấu để trở nên nghèo. Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi. “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Chúa Giêsu.

Cửa này thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thày, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã để bị đối xử như một đại tội phạm. Người đã bị vùi dập xuống tận bùn đen.

Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ. Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.

Chúa Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Người phấn đấu hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết “từ bỏ mình, vác thập giá mình”mà theo Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Cửa Nước Trời rất hẹp. Bạn có thấy mình còn cồng kềnh không?

2) Bạn thấy mình cần phải từ bỏ những gì để có thể gọn nhẹ tiến qua cửa hẹp?

3) Tuần này bạn sẽ phấn đấu làm gì để từ bỏ mình?

4) Chúa Giêsu đã làm thế nào để đi vào khung cửa hẹp?

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...