Chúa Nhật XXII Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XXII Thường Niên - Năm C    Nghe MP3:    Ca nhập lễ Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì
 

 Nghe MP3: 

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Theo Đức Giêsu thì trong xử thế chúng ta cần khiêm tốn, khiêm tốn thực sự chứ không phải chỉ giả vờ, vì chẳng ai yêu thích kẻ kiêu căng, cao ngạo. Với Thiên Chúa thì chúng ta lại càng phải khiêm tốn hơn nữa, vì Thiên Chúa luôn “hạ kẻ kiêu ngạo xuống mà nâng kẻ khiêm nhường lên”. Nếu suy nghĩ kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng mình chẳng có gì để kiêu căng! Mọi sự chúng ta có, chúng ta đều nhận được từ Thiên Chúa, từ Hội Thánh và cả xã hội! Nên thái độ thích hợp nhất là thái độ khiêm cung và biết ơn. Muốn học sống khiêm nhường, chúng ta phải chạy đến với Đức Giêsu là Đấng tự hạ tự hủy hoàn toàn, tuy Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể. Chính Người đã chẳng mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” đó sao ? Vì thế, chúng ta hãy hạ mình xuống giục lòng thống hối ăn năn, khiêm nhường xin ơn tha thứ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: Hc 3, 19-21. 30-31

"Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa".

Trích sách Huấn Ca.

Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.

Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 67, 4-5ac. 6-7ab. 10-11

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần (x. c. 11b).

Xướng: Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Ðấng ngự giá qua hoang địa. 

Xướng: Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. 

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. 

Bài Ðọc II: Dt 12, 18-19. 22-24a

"Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-14

"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay chúng ta sum họp trong thánh đường này, để nhớ lại những hồng ân Thiên Chúa đã thương ban trải dài suốt dòng lịch sử của Dân Tộc Việt Nam, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và những ước nguyện thiết tha:

1. “Con hãy thi hành công việc con cách hiền hòa” - Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa biết hội nhập với môi trường xã hội hiện tại, để cung cách sống và phương thức làm việc của các ngài, biểu lộ cho thế giới thấy hình ảnh của Đức Kitô bình dị và khiêm tốn.

2. “Anh em hãy tiến đến núi Sion là thành trì của Thiên Chúa” - Xin cho các tín hữu, đặc biệt những người giầu có sẵn sàng đóng góp cho công trình xây dựng của Hội Thánh, và quan tâm đến những thành phần nghèo khổ để quảng đại giúp đỡ họ.

3. “Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất” - Xin cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, và dùng quyền cai trị của mình mà làm cho dân nước được an cư lạc nghiệp.

4. “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàng tật, què quặt, đui mù” - Xin cho mọi gia đình trong giáo xứ chúng ta biết nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo khó, bất hạnh hơn mình.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin thương chấp nhận ước nguyện cộng đoàn chúng con vừa dâng lên. Xin cho chúng con ý thức thân phận mình chỉ là hư vô, những gì chúng con có là do tình thương Chúa ban, để chúng con dễ chấp nhận tha nhân với những ưu khuyết điểm. Nhờ đó, giáo xứ chúng con sẽ triển nở theo đúng ý Chúa. Chúng con cầu xin ...

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Suy niệm Chúa nhật XXII Thường niên – Năm C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 14,1.7-14)
 
Một ngày Sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: Họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời thì hãy ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
 
Suy niệm
Mỗi khi nhắc đến hai từ Phục vụ, chúng ta đều liên tưởng đến hình ảnh người giúp việc trong các gia đình với tên gọi là Osin. Người giúp việc này phải làm mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, phục vụ tất cả các thành viên trong gia đình đó. Dù họ là một con người, nhưng phẩm giá của họ như bị giảm nhẹ bởi công việc của họ đang làm là một người phục vụ, một người giúp việc. Tuần lễ 22 thường niên trở về, chủ đề phục vụ lại được nhắc đến như là một ơn gọi, như là một con đường để nên thánh và cũng là con đường dẫn tới trời cao. Vậy có phải giữa cuộc sống của xã hội và lời mời gọi của Tin Mừng có gì đó đi ngược lại lẫn nhau và đó cũng là thách đố cho các tín hữu là Đức Giêsu Kitô.
 
Trở lại với bài đọc 1 từ sách Huấn ca, tác giả như đang gợi nhắc lại tâm tình sống đơn sơ, chân thành. Lời mời đó tuy rất đời thường, nhưng đem lại cho những ai biết lắng nghe một sức mạnh nội lực, giúp họ sống đúng với giá trị của mình, đúng với vị thế của mình trước mặt Thiên Chúa và mọi người. “Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa”. Đâu phải làm lớn là có thể sai khiến và bắt nạt những người thuộc hạ của mình được, nhưng hãy là người khiêm tốn trong địa vị được cất nhắc và đặt để, từ đó có thể giúp đỡ tha nhân và đồng hành với họ trên đường nhân đức và sẽ được Thiên Chúa quý mến và trọng thưởng. Lời nhắc trên luôn vang vọng trong hành trình làm người của mỗi người, nhưng thử hỏi mấy ai nghe được lời mời đó để sống đúng với giá trị của mình, sống đúng với chức vụ được trao phó và sống đúng với tương quan giữa bản thân với những người liên quan đến công việc và ơn gọi. Và nếu là thế, thì đó có phải là những người đang đi ngược lại với lời mời của Thiên Chúa, đi ngược lại với những giá trị của Nước Trời, và họ đang khước từ tấm vé vào cõi phúc đời đời sao?
 
Lời mời gọi sống chân thành một lần nữa được tác giả thư gởi tín hữu Do-thái nhắc lại khi đề cập đến đích điểm cuộc đời của con người. Điểm đến đó không phải là cõi chết đời đời, nhưng là thành đô của Thiên Chúa trên thiên quốc. “anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu”. Lời nhắc của tác giả thánh đưa chúng ta tới một niềm hy vọng cho bất cứ ai ước mong được nên thánh, con đường nên thánh đó khởi đi từ sự chân thành và phục vụ. Sống chân thành với nhau trong một xã hội hôm nay không phải là một sự giản đơn, nhưng có thể nói là một thách đố vô cùng lớn. Khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, cái tôi trong mỗi người lớn hơn cả nước trời, thì sự chân thành với nhau trong cuộc sống có thực sự là một yếu tố cần và phải có hay chỉ là hình thức và công thức sáo rỗng để lừa bịp và để nịnh hót lẫn nhau. Bên cạnh đó, tinh thần phục vụ cũng là một đòi hỏi dấn thân và can đảm từ bỏ những góc cạnh xù xì trong cuộc đời của mình, để được gọt dũa và mài nhẵn những cá tính không có lợi cho bản thân và tha nhân.
 
Chọn chỗ nhất trong đám tiệc, trong hội đường luôn được quan tâm nhiều trong xã hội thời Chúa Giêsu, bởi mọi thứ đều đến từ lề luật, mà lề luật luôn tuân thủ một trật tự từ trên xuống, vì vậy, chỗ ngồi bất cứ nơi đâu cũng luôn là điểm chú ý cho mọi người. Nhưng không phải chọn chỗ nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là người thiếu khiêm tốn và chân thành, nhưng chọn đúng chỗ và đúng với công việc cũng như trọng trách được trao phó để ngồi vào đó, mới là sự chân thành, mới là sống phục vụ. Những người lãnh đạo tôn giáo trong cộng đoàn Do-thái luôn đề cao vị trí của chỗ ngồi, từ hội đường đến đám tiệc, bởi họ nghĩ rằng chỉ họ mới xứng đáng ngồi vào đó, còn tất cả chưa xứng đáng và không xứng đáng. Chúa Giêsu muốn nhắc cho họ rằng, không phải chỗ ngồi đó nói lên giá trị con người, nhưng là người biết nhận ra mình là ai và những việc làm của mình có thực sự chân thành, khiêm tốn đủ, cũng như biết phục vụ lẫn nhau trong cuộc sống mới nói lên tất cả giá trị của một con người.
 
Lớn lên trong một gia đình chỉ vỏn vẹn hai hay ba anh chị em, những người con đó được chăm chút, được giáo dục và được nâng niu như những ông hoàng bà chúa. Và trong một xã hội mà các gia đình trẻ đều có một mẫu số chung là thế, chắc chắn sẽ cho ra đời một thế hệ chỉ biết ăn trên ngồi trước, chỉ biết sai khiến và chỉ biết hưởng thụ những mồ hôi và công sức lao động của người khác, chứ không dám trải nghiệm sự chân thành hay sống tinh thần phục vụ tha nhân như lời mời của Tin Mừng được. Nếu một xã hội tồn tại những công dân như thế, liệu rằng những giá trị của Tin Mừng có tồn tại được không, hay bị tiêu diệt từ trong trứng nước rồi. Sống khiêm tốn, sống là hãy phục vụ lẫn nhau có còn là những giá trị nhân văn trong tương quan tình người nữa không hay chỉ là một mớ từ sáo rỗng được nhắc lên bỏ xuống thành những công thức, chứ không thể nào trở thành những giá trị hiện thực để con người qua đó nhận ra nhau là anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa.
 
Bước vào trong mỗi gia đình, chúng ta khó có thể tìm lại được những giá trị của tinh thần phục vụ lẫn nhau giữa các thành viên. Sự ồn ào của xã hội, những cuộc chạy đua của địa vị và công ăn việc làm, đã tác động lên ý chí và lý trí của con người hôm nay. Khái niệm phục vụ luôn được đặt trang trọng trên các tủ thờ, và phủ đầy những lớp bụi cuộc đời, nó không còn được áp dụng vào trong mọi sinh hoạt của gia đình, bởi nơi đó, mỗi thành viên đang cố gắng tìm cho mình một khung trời rất riêng để sống, để trải nghiệm những giá trị hưởng thụ của một con người. Hình ảnh người chồng phục vụ người bạn đời của mình như đã lui vào dĩ vãng. Hình ảnh người vợ phục vụ chồng đang chuyển dần sang vị thế của một người giúp việc. Bởi hết giờ nhưng chưa hết việc, hết việc nhưng chưa hết tình, hết đời nhưng chưa hết tình yêu. Tìm lại sự khiêm tốn giúp đỡ của con cái dành cho cha mẹ trong các gia đình cũng là một trăn trở bởi quá bận rộn với công ăn việc làm, với tương lai và sự nghiệp, nên họ vô tình quên mất đạo làm con – phục vụ và giúp đỡ cha mẹ khi tuổi đã già, lưng đã cúi xuống theo dòng thời gian.
 
Rảo qua những cộng đoàn sống tận hiến, chúng ta vẫn thường nghe bài hát đời phục vụ văng vẳng vang lên đâu đó như là một lời nhắc, nhưng đi vào trong mọi khía cạnh của đời sống chung, tìm kiếm một chút tinh thần phục vụ đúng nghĩa thì quả là một điều xa xỉ và lắm lúc vô vọng. Chấp nhận sự thật để sửa mình quả là một điều rất khó, nhưng đó là sự thật, vì thế, nếu như nơi một cộng đoàn sống chung đang giúp nhau nên thánh, dám can đảm đón nhận sự thật là sự thiếu hụt khiêm tốn, thiếu hụt tinh thần phục vụ đúng nghĩa, thì mới mong tìm gặp được bóng dáng của người môn đệ Đức Giêsu. Giáo lý và tinh thần của Đức Giêsu đem đến cho nhân loại như một đóm lửa gần tàn bởi nó quá mong manh, Ngài ước mong cho nó cháy lên để sưởi ấm các gia đình, sưởi ấm nhân loại khi tất cả đang ngụp lặn trong cái lạnh giá tình người và tình liên đới gia đình.
 
Sống khiêm tốn và phục vụ lẫn nhau luôn là lời mời gọi khẩn thiết của Tin Mừng, lời mời đó có lúc trở thành nghịch lý trong đời sống của các tín hữu. chấp nhận sự thật đó và sửa đổi từ bản thân, đến gia đình và cộng đoàn còn là một bước thử thách dài, đòi hỏi sự dấn thân của mỗi người và mọi người. con người tự mình khó có thể toại nguyện với những gì Thiên Chúa muốn, chúng ta cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, bởi Ngài là Thần Chân Lý, là Sự Thật và là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Xin Ngài hãy đến, hồn con đang mong chờ Ngài.
 
Lạy Chúa Giêsu, những bài học về tình người Ngài gởi lại cho chúng con với ước mong mỗi người đón nhận và sửa đổi, xin giúp chúng con luôn ý thức sự thiếu hụt thánh thiện của mình, để sửa đổi và uốn nắn cuộc đời nên hoàn thiện hơn. Chúa đã chấp nhận đi vào chỗ rốt hết của người phục vụ khi cúi xuống rửa chân cho các đồ đệ, xin giúp mỗi người chúng con cố gắng phục vụ nhau trong sự kính trọng và yêu thương, để nơi đó, chúng con được lớn lên từng ngày trong tình người và tình thương của Chúa. Amen.

Lm Pet. Trần Bảo Ninh

 
TÔI LÀ NGƯỜI KHIÊM TỐN NHẤT TRẦN GIAN
(Chúa Nhật XXII TN C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Xưa lẫn nay và đến muôn đời, người khiêm tốn đều đáng được người đời mến phục, kính yêu. Trái lại, kẻ kiêu ngạo thì đều bị chê trách. Nếu họ là người quyền cao, chức trọng thì người ta có thể sợ, nhưng không hề kính chút nào. Sách Huấn ca cho ta những lời dạy thiết thực: “Con ơi… càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3,18.20.28).

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXII TN C hôm nay tường thuật chuyện Chúa Giêsu nhân thấy nhiều người thích chọn chỗ nhất trong bữa tiệc nên đã lên tiếng dạy về đức khiêm nhường. Chắc hẳn Chúa Giêsu không muốn dạy chúng ta sống khiêm nhượng kiểu “ống điếu”, tức là cố tình hạ mình xuống để được người ta nâng lên. Với kiểu nói ngoa ngữ như ngụ ngôn, Chúa Giêsu đã làm nổi rõ cái hậu quả rất khác biệt giữa người khiêm tốn và kẻ kiêu ngạo. Vậy thế nào là khiêm tốn đích thực đây? Không gì hơn hãy nhìn vào cuộc đời, thái độ sống của Giêsu Kitô, Đấng đã minh nhiên mời gọi hãy học cùng Người vì Người hiền lành và khiêm nhượng (x.Mt 11,28-30). Qua cuộc đời của Đấng Cứu Độ, chúng ta có thể nói rằng khiêm tốn là nhìn nhận sự thật, sống trong sự thật và làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,37).

Sự thật thứ nhất: Nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta có đều là do bởi lãnh nhận. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Người bởi Chúa Cha mà ra và mọi sự Người có đều do Cha ban tặng (x.Ga 7,29; 16,28; 17,1-26). Vì sao có nhiều người ngông cuồng, tự cao tự đại? Xin thưa rằng trên hết, trước hết là vì họ vô tình hay chủ ý quên mất sự thật này: họ được tạo thành chứ không phải tự mình mà có. Nếu giả như họ xác tín rằng ngay chính sự sống và những khả năng, chức phận, những thành quả hay công nghiệp của họ đều do bởi đã lãnh nhận, thì chắc chắn sẽ không có lý do gì để lên mặt, để tự mãn trong cao ngạo hay cuồng ngông.

Sự thật thứ hai: Nhìn nhận rằng chúng ta chỉ thực sự là mình nếu biết sống và hoạt động theo ý Đấng tạo nên chúng ta. Chúa Kitô nhiều lần khẳng định rằng Người đến thế gian này không phải làm theo ý riêng mà để chu toàn thánh ý Chúa Cha (x.Ga 6,38; 7,17). Người nhìn nhận việc thực thi thánh ý Chúa Cha chính là lẽ sống của Người. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Khi đã tin nhận rằng những gì chúng ta đang là, đang đều do bởi đã lãnh nhận từ ai đó thì việc sử dụng sự sống mình, các khả năng của mình theo ý người ban tặng là lẽ tất yếu đương nhiên. Một trong những ý nghĩa của cuộc đời con người đó là sống cho tha nhân, sống vì tha nhân. “Con Người đến thế gian này không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20,28).

Khi truyền bảo những người dọn tiệc đãi khách thì đừng mời những người thân quen, chức cao quyền lớn, mà hãy mời những người tàn tật, đui mù, nghèo hèn… chắc chắn Chúa Giêsu muốn dạy người đương thời và chúng ta mọi thời rằng những gì chúng ta đang có như của cải, quyền uy đều do đã lãnh nhận và phải sử dụng chúng theo thánh ý Cha trên trời, Đấng muốn chúng ta phải yêu thương nhau một cách vô vị lợi, không chút tính toán thiệt hơn. Thể hiện tình yêu với những người nghèo hèn, bé mọn là một cách thế sống tình yêu vô vị lợi cách rõ nét.

Trong một dịp tĩnh tâm, một linh mục bạn thân dí dỏm: “Thưa các cha, con đây học hành kém cỏi, khả năng thì hạn chế. Tóm lại, tài thì mọn và đức cũng kém, cái gì cũng xin thua các cha, may ra có đức khiêm tốn thì trỗi vượt tất cả. Con thành thật thú nhận mình khiêm tốn nhất trần gian”. Quả thật, dù là giám mục hay linh mục, dù là tu sĩ hay giáo dân trong bậc hôn nhân, đang độc thân hay góa bụa, dù có chút địa vị hay chỉ là hạng “phó thường dân”, hết thảy chúng ta đều vướng phải cái tội của tổ tiên đó là sự kiêu ngạo. Sự kiêu căng ở đây chủ yếu không phải là thái độ cao ngạo, hống hách cách hịch hỡm đáng ghét, nhưng chính là tình trạng xa rời sự thật. Tên cám dỗ của vườn địa đàng thuở nào đã khiến tiên tổ và cả chúng ta mọi thời quên mất sự thật là chúng ta vốn là loài thụ tạo (x.St 3,1-7). Hữu ý hay vô tình lãng quên sự thật này thì chúng ta dễ lầm tưởng rằng những gì tốt đẹp chúng ta đang là, đang có là do chính bàn tay chúng ta làm nên. Đây chính là căn nguyên của sự kiêu ngạo đáng trách và cũng đáng phạt.

Trong hỏa ngục rất có thể có những người rộng rãi bố thí cho người nghèo. Cũng rất có thể có nhiều người đã từng làm nhiều phép lạ, những người giảng dạy các chân lý cao sâu… nhưng chắc chắn sẽ không hề có bóng dáng một người sống khiêm nhu, biết nhìn nhận và sống trong sự thật. “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm… Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,41-42). Khi biết nhìn nhận sự thật, người gian chịu treo bên phải Chúa Giêsu năm nào đã nhận được thành quả của sự khiêm nhu: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Khiêm nhường
Sưu tầm

Tối hôm ấy, ông nhà văn quyết định đem vợ và 4 đứa con của mình đi xem phim tại một rạp hát. Khi họ đến thì trong rạp mới chỉ có sáu người. Và khi họ bước vào thì cả sáu người trong rạp đều đứng lên vỗ tay. Ông nhà văn mỉm cười đáp lễ. Sau khi ngồi vào chỗ, ông nhà văn bèn quay sang bà vợ và nói: - Có lẽ họ đã nhận ra anh vì hình ảnh của anh được đăng trên báo và những tác phẩm của anh được quảng cáo một cách rộng rãi.

Ngay lúc đó, có một chàng thanh niên tiến đến bắt tay ông. Ông nhà văn bèn hỏi: - Làm sao anh nhận ra tôi.

Thế nhưng, chàng thanh niên đã trả lời:

- Tôi chẳng hề biết ông là ai cả. Sở dĩ chúng tôi vỗ tay khi ông và gia đình bước vào rạp là vì viên quản lý rạp hát đã bảo: Nếu không có thêm bốn khán giả cho đủ mười người thì ông ta không thể chiếu xuất phim này.

Câu chuyện trên làm cho chúng ta nhớ tới lời Chúa qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, bởi vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Ông nhà văn là một người nổi tiếng, cho nên cũng chỉ là điều thường tình, khi ông nghĩ rằng chàng thanh niên đến bắt tay ông đã nhận ra ông là ai. Và khi hay chàng thanh niên ấy cho hay chẳng hề biết ông là ai, thì tôi không hiểu phản ứng của ông nhà văn như thế nào? Hụt hẫng và chới với, hay là chấp nhận giới hạn nhỏ bé và khiêm tốn của mình.

Vậy sự khiêm tốn là gì? Chúng ta phải sống thế nào mới được gọi là người khiêm tốn? Phải chăng khiêm tốn là tự hạ mình xuống và cho rằng mình kém cỏi? Phủ nhận những giá trị đích thực của mình hay giảm thiểu nó đi?

Tôi xin thưa: Không phải là như thế. Đức khiêm tốn mang một chiều kích sâu xa và tốt đẹp hơn thế nhiều. Khiêm tốn không phải chỉ là ít nghĩ về mình, mà hơn thế nữa còn là không nghĩ gì về mình hết. Riêng với chúng ta, những người Kitô hữu, khiêm tốn cũng có nghĩa là trở nên giống hệt như Chúa, Đấng đã từng nói: Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng... Và Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vu và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Như vậy khiêm tốn có nghĩa là bắt chước sống như Chúa, không sống cho riêng mình, nhưng sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ, không phải cho bản thân và lợi ích riêng của cá nhân, mà là cho người khác và những nhu cầu của họ.

Trong mối liên hệ với Chúa cũng như với người khác, chúng ta hãy sống khiêm tốn, từ trong tư tưởng, lời nói đến việc làm, nhờ đó mà chúng ta sẽ được người khác yêu mến và hơn nữa được chính Chúa chúc phúc. Bởi vì càng khiêm tốn, thì chúng ta cùng trở nên cao cả và càng được Chúa yêu thương.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...