Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Năm C   Nghe MP3:    Ca nhập lễ Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của
 

Nghe MP3: 

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Cả ba bài đọc Chúa Nhật XXIV thường C hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta một cái nhìn về Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Thật thế, trong bài đọc I khi dân Do Thái đúc bò vàng để tôn thờ như Thiên Chúa của mình, chính ông Moisen cũng nổi giận khi xuống núi thấy cảnh tượng ấy và ông đã đập bể Bia Đá, thế mà chỉ một lời cầu xin của ông “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Ngài đe dọa phạt dân”( Xh.32,14).

Qua bài đọc II Thánh Phaolô tông đồ cũng chứng tỏ Thiên Chúa là Đấng thương xót khi Ngài nói “dù trước kia cha là kẻ phạm thượng, bắt bớ và kiêu căng nhưng cha được Thiên Chúa thương xót” (lTim.l,13a). Đến bài Tin Mừng Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn để diễn tả lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy mở lòng đón nhận lời yêu thương và ơn thánh của Chúa hôm nay, và hãy hối hận vì chúng ta chưa biết sống yêu thương, tha thứ và nhân ái với anh chị em.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Xh 32, 7-11. 13-14

"Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: "Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập". Chúa phán cùng Môsê: "Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại".

Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: "Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: "Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời. Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi". Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 17 và 19

Ðáp: Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng cha tôi (Lc 15, 18).

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. 

Xướng:  Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. 

Xướng:  Lạy Chúa, xin mở môi con, miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung. 

Bài Ðọc II: 1 Tm 1, 12-17

"Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Cha cảm tạ Ðấng đã ban sức mạnh cho cha là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào cùng với đức tin và đức mến trong Ðức Giêsu Kitô.

Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời.

Danh dự và vinh quang (xin dâng về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 15, 1-10 {hoặc 1-32}

"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng".

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy, Tôi bảo các ông: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

{Người lại phán rằng: "Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha'. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó'.

"Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'".}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi chúng ta sa ngã. Chúa ban ơn thánh nâng đỡ chúng ta chỗi dậy. Khi chúng ta xa lìa Chúa, Chúa chờ đợi chúng ta trở về... Với tâm tình của một người con yếu đuối, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện sau đây :

1. “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Ngài đe dọa” - Xin cho mọi người biết ăn năn thông hối và đổi mới cuộc đời của mình, để xứng đáng lãnh nhận nguồn hồng ân Thiên Chúa ban cho.

2. “Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi ” - Xin cho hàng Giáo sĩ và các Kitô hữu biết quan tâm và năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, để góp phần làm cho Hội Thánh ngày càng thăng tiến và thánh thiện.

3. “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” - Xin cho những người đang sống trong bế tắc, thất vọng, bệnh tật, khổ đau và bất hạnh, biết đặt trọn niềm tin vào Chúa là Cha nhân từ và tìm được nguồn ủi an nơi chính Ngài.

4. “Ông chạy lại ôm choàng lấy nó và hôn nó hồi lâu ” - Xin cho các tín hữu đã qua đời được hưởng lòng từ bi và thương xót của Chúa.

Chủ tế: Chúa phán : “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”. Xin Chúa cho mỗi người chúng con qua sự cầu nguyện liên lỉ, qua công tác tông đồ và qua những việc làm bác ái chúng con, sẽ lôi kéo nhiều anh chị em trở về với Chúa và Giáo Hội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Suy niệm Chúa nhật 24 Thường niên – năm C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 15, 1-10) {hoặc 1-32}
 
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.
 
Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
 
“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
 
{Người lại phán rằng: “Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha'. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
 
“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó'.
 
“Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'“.}
 
Suy niệm


Tình thương vẫn mãi là một yếu tố giúp con người xích lại gần nhau, tha thứ cho nhau và đón nhận nhau, ngay cả những khác biệt, ngay cả sự hận thù cũng phải nhường chỗ cho tình thương, và khi con người sống với nhau bằng tình thương, thì Thiên Chúa như đang hiện diện giữa mọi người trong những cử chỉ, thái độ sống khởi đi từ tình thương.
 
Là con người, ai cũng có những phút giây yếu lòng, sa ngã hay cảm thấy thất bại trong cuộc sống. Trong những khoảnh khắc đó, con người như thu mình trong vỏ ốc của sự mặc cảm, tự ti, lắm lúc họ như không còn hiện hữu trong thế giới nữa. Người Do-thái ngày xưa trong hành trình về đất hứa, đã quay lưng lại với Giavê, đi tìm cho mình những thần linh khác để giúp đỡ họ trong cuộc sống. Dù được Giavê tỏ bày về sự hiện diện của Ngài trong hành trình đó, đặc biệt Ngài đã cúi xuống, mời họ lên núi Sinai để ký kết một giao ước, Giavê Thiên Chúa sẽ chọn dân tộc Israel làm dân riêng của Ngài, đổi lại, họ chỉ được tin nhận một Thiên Chúa duy nhất và thờ phượng Ngài trong mọi nơi mọi lúc và trong suốt cuộc đời, thế mà, họ đã bội phản, đã chọn con đường khác để khước từ tình thương của Giavê. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại. Trước sự bội phản là thế, Thiên Chúa vẫn tín trung, vẫn yêu thương họ, dù có những lúc Ngài đã nổi giận, nhưng rồi tình thương đã làm nguôi dịu mọi cơn thịnh nộ, rồi Ngài lại tiếp tục đồng hành với họ mỗi ngày. Tình thương luôn mạnh mẽ hơn mọi khí cụ khác, Thiên Chúa không bao giờ để cho hận thù chia rẽ giữa Ngài với dân riêng, nhưng luôn để cho tình thương ngự trị và hàn gắn những vết thương tâm hồn bởi sự yếu đuối và bất tín của con người.
 
Lời tự tình của thánh Phaolô một lần nữa cho chúng ta thấy sức mạnh của tình thương từ Thiên Chúa. Ngài không chấp nhận thua sự ngỗ nghịch của con người, trái lại, Ngài đã dùng sức mạnh của tình thương, cảm hoá tâm hồn một chàng thanh niên với một trái tim rực cháy tình người. Nhờ sức mạnh của tình thương Thiên Chúa, Phaolô trở thành nhịp cầu kết nối mọi tâm hồn của mọi con người bằng sức mạnh của tình thương. “Trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào cùng với đức tin và đức mến trong Ðức Giêsu Kitô”. Từ một chàng thanh niên nhiệt thành với lề luật, anh ta lên đường loại bỏ những ai không tôn trọng lề luật của tiền nhân. Trên hành trình đó, chàng ta đã bị Đấng Tình Thương chinh phục và đưa vào một hành trình mới, trong hành trình đó, chàng thanh niên Saolê trở thành chứng nhân của tình thương chứ không phải của lề luật, sức mạnh của tình thương giúp Saolê luôn gắn bó với Đấng đã chết vì yêu và nay đã sống lại.
 
Đấng mà Phaolô đã làm chứng bằng cả cuộc đời đó đã đưa con người trên thế giới này xích lại gần nhau bằng tình thương, nhờ tình thương, cử chỉ tha thứ như là nhịp cầu để tất cả đón nhận nhau như anh em một nhà. Những dụ ngôn Đức Giêsu gởi đến cho chúng ta trong tuần lễ 24 thường niên, là những dấu chỉ của tình thương và sức mạnh của tình thương đó không dừng lại bất cứ đâu, nhưng là vượt qua không gian và thời gian, vượt qua cả những kỳ thị đảng phái, vượt qua cả những bất đồng về tôn giáo, chính trị và mọi khía cạnh khác của cuộc sống, đưa mọi người đến với nhau trong tình người. Câu chuyện người chăn chiên bỏ 99 con trong hoang địa để đi tìm chỉ 1 con lạc đàn, cho chúng ta thấy được sức mạnh của tình thương thế nào. Dù giá trị chẳng là bao 1/100 nhưng người mục tử dám mạo hiểm bỏ lại sau lưng cả đàn để lên đường tìm 1 con đi lạc. Tình thương của người mục tử không dừng lại nơi giá trị vật chất, cũng không dừng lại nơi uy tín của bản thân, nhưng đã vượt lên tất cả, để làm sao tìm lại được con chiên tội nghiệp kia. Từng bước trong sức mạnh của tình thương, dụ ngôn người phụ nữ có 10 đồng bạc, bị rơi mất 1 đồng, bà bỏ lại sau lưng mọi lắng lo cuộc sống, để làm sao tìm cho bằng được đồng bạc bị mất, và khi tìm lại được, bà ta vui mừng và mong niềm vui đó được chung chia và nhân đôi vì đã tìm được đồng bạc bị mất. Với nấc thang giá trị là 1/10, người phụ nữ bỏ công việc, bỏ đi những gì giúp bà sống còn vào ngày mai, để đi tìm đồng tiền thất lạc. Giá trị của 1 đồng tiền không là bao, nhưng nó có thể giúp con người làm được nhiều việc khác, vì thế, vì lợi ích nó giúp bà, nên bà quyết tâm tìm cho bằng được để dùng nó giúp đỡ tha nhân và giúp bà vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc đời.
 
Câu chuyện người cha nhân hậu một lần nữa cho chúng ta thấy Thiên Chúa thi thố tình thương của Ngài cho con người không bao giờ tính toán, không bao giờ mong đền đáp. Người con cả ở trong nhà nhưng tâm hồn anh ta thì xa cha mình, anh ta chỉ làm việc như một người làm công, chăm sóc cho cha như một người giúp việc, bởi anh ta luôn tính toán hơn thiệt với cha trong mọi công việc. Một con người ích kỷ, một con người còn sống nặng nề trong vật chất và toan tính của thế gian. Dù có thế nào, người cha vẫn sẵn sàng nhường lại tất cả cho anh ta, chỉ mong anh một điều là đón nhận người em tội lỗi trở về. Hình ảnh đó thật xúc động nhưng cũng đầy tính nhân văn. Là anh em trong một mái ấm gia đình, người anh cả đã để cho những giá trị vật chất giết chết tình anh em, làm mờ nhạt đi tình gia đình, tình cha con trong một mái ấm đã bị đánh đổi bởi những giá trị ảo. Đau khổ cho người cha khi thấy tình anh em trong gia đình bị đem ra so sánh với những giá trị của vật chất. Còn lại người con thứ, đua đòi ăn chơi, suy nghĩ bồng bột, tuổi trẻ non người non dạ, đã để mình bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội, chay theo những trào lưu thiếu đạo đức và nhân văn, đánh mất nhân tính và phẩm giá con người. Không có gì có thể so sánh được với nỗi khổ đau của người cha bất lực nhìn con mình ngụp lặn trong vũng bùn tội lỗi, chết chóc. Trước sự cố gắng chỗi dậy và trở về, người cha đã để lại sau lưng mọi nỗi đau, dang rộng vòng tay đón nhận người con tội lỗi trở về. 1/1 là giá trị của một con người, là giá trị của tình thương, là giá trị của tình người.
 
Để tìm được một khái niệm về tình thương đúng nghĩa ngay hôm nay thì quả là một thách đố lớn, bởi trên lý thuyết, trên bình diện lý luận với nhau, con người nói về tình thương rất mạnh mẽ, rất thuyết phục và đậm chất nhân văn, nhưng thực tế thì không là vậy, để mong được tha thứ, cần có những điều kiện, để mong được đón nhận, cần có những lợi ích cá nhân, để có được những lời khen tặng về chủ đề yêu thương, người ta sẵn sàng tạo những vỏ bọc cho nó, tất cả chỉ là vì lợi ích cho cá nhân hay một nhóm người nào đó, còn tình thương thực sự, tình thương đến từ tình người, tình thương vô điều kiện, thì quả thực rất ít ỏi và hiếm thấy, bởi con người hôm nay thích dùng vật chất để đo lòng tốt con người. Vấn nạn đó có hiện hữu trong các gia đình không? Chắc không tránh khỏi, bởi ngay cả tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng, vẫn mang ít nhiều những điều kiện đi kèm và những lợi lộc cho hiện tại. Nếu là thế, đâu còn là giá trị của tình thương, và đâu còn sự tha thứ cho nhau đến từ tình thương. Nếu bóng dáng của tình thương đã biến mất trong gia đình, thì làm sao tìm được hơi ấm của tình người, làm sao tìm được sự tha thứ giữa các thành viên trong gia đình đó. Nỗi đau của các gia đình trẻ hôm nay là đang đối diện với những thách đố như thế, liệu rằng sự hy sinh có còn tồn tại trong gia đình nữa hay đã biến mất vì không còn hữu dụng.
 
Có những câu chuyện thương tâm xảy ra trong cuộc sống hiện tại, như anh em giết nhau vì tấc đất, mái nhà, chị em bỏ nhau vì chia chác của cải không đều, con cái không chấp nhận sự hiện diện của cha mẹ trong gia đình vì luôn quấy rầy và là một gánh nặng. Tất cả có phải khởi đi từ một nền giáo dục không còn đặt giá trị con người lên hàng đầu, thiếu những chương trình huấn luyện con người trưởng thành với những giá trị nhân văn. Bên ngoài vẫn không thiếu những khẩu hiệu này kia, nhưng thực chất chỉ vì lợi ích nhóm nên đã bỏ qua những giá trị căn bản để làm người. Nếu con người không được quan tâm như thế thì tình thương còn là một yếu tố căn bản tồn tại trong tâm hồn con người, hay chỉ còn là một mớ lý thuyết. Tình thương, sự tha thứ, lòng vị tha chỉ còn tồn tại trên sách vở, trên lý thuyết, còn trong cuộc sống thì nó phải trả những giá rất đắt, thậm chí còn bị cho là bất thường, là những chuyện nực cười, bởi xã hội đo giá trị con người bằng tiền bạc.
 
Lạy Chúa, Chúa yêu con người bằng một tình yêu vô điều kiện, và Chúa muốn con người hoạ lại câu chuyện tình yêu đó bằng cuộc sống và mọi tương quan tình người. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết lấy tình thương là nhịp cầu kết nối với mọi người, để sự tha thứ luôn là bạn đồng hành với chúng con. Chúa đã chấp nhận cái chết trên thập giá để nhân loại nhận ra Thiên Chúa là tình yêu, xin cho mỗi người chúng con, với danh xưng là Kitô hữu, biết chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống, ngay cả những mất mát, thiệt thòi, để cho tình yêu thương luôn hiện diện trong cuộc sống của nhân loại. Chúa yêu chúng con bằng tình yêu muôn thưở, xin cho chúng con yêu Chúa bằng tình yêu chân thành và khiêm tốn mỗi ngày. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh


THÀ YÊU LẦM CÒN HƠN BỎ SÓT
(Chúa Nhật XXIV TN-C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Các bài đọc của Chúa Nhật XXIV TN C, cách riêng bài Tin Mừng có vẻ khá quen thuộc với Kitô hữu, nhất là với những người chuyên chăm tham dự Thánh Lễ và xem trọng phần Phụng Vụ Lời Chúa. Thánh Kinh trình bày về tình yêu của Thiên Chúa thật phong phú và đa dạng. Tuy nhiên cũng có thể khẳng định rằng những dòng Tin Mừng theo thánh sử Luca ở chương XV mà Giáo Hội cho trích đọc một phần trong Thánh Lễ Chúa Nhật này quả là một mạc khải gây “chưng hửng” cho không chỉ nhiều người biệt phái năm xưa mà còn cho cả chúng ta hôm nay, dĩ nhiên là nếu chúng ta biết “suy đi nghĩ lại” như Mẹ Maria và biết đặt mình vào chính ngữ cảnh khiến Chúa Giêsu phán dạy những lời ấy.

Ngữ cảnh: Giêsu thành Nagiarét, một vị tôn sư đầy quyền năng trong lời giảng dạy cũng như trong hành động (x.Mt 7,29; Mc 6,2), một người được dân chúng mến mộ tôn xưng vào hàng ngôn sứ (x.Mt 16,13-15)…, Người không chỉ chuyên chăm chữa lành bệnh tật cho dân chúng và xua trừ ma quỷ ra khỏi những người chúng ám, Người còn giảng dạy các chân lý về Nước Trời và mời gọi người ta hoán cải ăn năn. Thế mà Người lại thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với những quân hại dân hại nước là “bọn thu thuế” và “phường bán thân nuôi miệng”. Bá nhân bá tánh, mười người trăm ý, chuyện miệng tiếng người đời thì làm sao lường cho xuể. Cũng thế, việc một số người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm, xầm xì và bình phẩm chuyện Chúa Giêsu thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với người thu thuế và phường “tội lỗi” thì cũng không là vô cớ. Ngài Giêsu đã không từng giảng dạy rằng chớ có làm cho người ta vấp phạm đấy ư. Ngài còn mạnh miệng cho rằng nếu ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn thì thà cột cối đá vào cổ người ấy mà liệng xuống biển còn hơn. Tuy nhiên chúng ta đừng quên cớ vấp phạm ở đây là cái nguyên nhân xấu. Còn những dữ kiện gây thắc mắc, gây tranh luận, gợi thao thức là việc khác hoàn toàn. Chính Chúa Giêsu đã từng ví Người là viên đá vấp cho nhiều người, đúng như lời tiên tri Simêon loan báo dịp cha mẹ Người đem Người lên Giêruslem để làm lễ tiến dâng theo Lề Luật (x.Lc 2,33-35).

Nguyên cớ gây thao thức: Tình yêu đón nhận mọi sự hạn chế, mọi sự bất toàn. Khi nghe đọc bài Tin Mừng về dụ ngôn người con hoang đàng hay đã được sửa lại là dụ ngôn người cha nhân hậu hoặc đã từng được đề nghị là dụ ngôn người con ganh tị, thì đã từng một thời Kitô hữu được gợi ý là tập trung vào hình ảnh người con phung phá hoang đàng để nhận biết thân phận tội lỗi của mình để rồi sám hối, ăn năn. Cũng đã từng có lúc người ta tập trung vào hình ảnh người con cả của câu chuyện để mời gọi Kitô hữu cảnh giác với sự ganh tương đố kỵ như trường hợp một số người biệt phái ngày xưa, hoặc biết phản tỉnh với lối sống “người thì bên trong mà lòng thì bên ngoài”. Vì lắm khi chúng ta tuy mang danh con cái Chúa, nhưng chỉ là “hữu danh vô thực”. Và đây chính là trọng tâm của câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Tuy nhiên xin được tập chú vào tình yêu bao la của người cha nhân hậu với một vài thiển ý.

Nói đến sự bao la của tình yêu Thiên Chúa, một số đấng bậc có vẻ như ngại ngần vì cho rằng sẽ làm cớ cho đoàn tín hữu sống ỉ lại. Và rồi số vị ấy thích đề cao sự công thẳng của Thiên Chúa hơn. Một số vị khác thì phân vân như đứng giữa ngã ba đường khi vừa nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa vừa nói đến sự công thẳng của Người. Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng và cũng là Đấng công bình vô cùng. Khởi đầu triều đại giáo hoàng của mình Đức Bênêđictô XVI qua Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu đã nhấn mạnh hiện thực này: Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại chúng ta một cách như chống lại sự công minh của Người (x.số 10).

Người cha trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã rộng tay chia gia tài cho các con. Ông chia gia tài cho đứa con mở miệng kêu xin và chia cho cả đứa con không xin. Ông ta quả là liều lĩnh và bất chấp các tình huống có thể xảy ra. Ông chẳng thể lường đứa con thứ kêu xin sẽ sử dụng gia tài ra sao. Ông cũng chẳng biết đứa con còn lại không xin vì không dám xin hay vì không muốn xin. Không lưỡng lự, ông đã chia cho cả hai.

Chắc chắn người cha nhân hậu ít nhiều dự đoán được tình cảnh bi đát của đứa con đi hoang. Khi đã sống bất hiếu, vô đạo thì thế nào cũng gặp quả báo. Thế mà ông cứ ngày ngày ngóng trông đứa con “bất hiếu và hỏng hư” quay gót trở về. Lòng của ông vẫn ắp đầy niềm hy vọng sẽ có ngày thấy con mình “đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Một vài chuẩn bị như áo đẹp, nhẫn quý, con bê béo là một minh chứng cho niềm hy vọng ấy. Và kìa, nó đây rồi, nó đã trở về. Nó về vì thương cha già này hay là chỉ xót cho cái bụng rỗng của nó? Không sao cả, tình yêu không cần đặt điều kiện. Đứa con lớn đang ở trong nhà mà lòng như kẻ ăn người ở, ông cũng đón nhận hết tình. Không sao cả, rồi sẽ đến lúc nó hiểu rằng mọi sự của ông là dành cho nó, đã thuộc về nó, vì mọi sự của cha đều là của con (x.Lc 15,31).

Đã yêu thì không ngồi chờ người mình yêu hoàn thiện rồi mới đón nhận. Đón nhận người mình yêu cả trong sự hạn chế lẫn bất toàn của người mình yêu thì mới là tình yêu đích thực vô cầu, vô vị lợi, nghĩa là chỉ vì người mình yêu. Thánh tông đồ dân ngoại khẳng định chân lý này khi nói rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ban ơn tha thứ cho chúng ta, đưa chúng ta về làm con cái Thiên Chúa ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch, nghĩa là ngay khi chúng ta đang còn trong cảnh tình tội lỗi.

Xin đừng sợ bị lợi dụng, chẳng thà yêu lầm còn hơn bỏ sót. Xin đừng ngồi chờ tha nhân hoàn thiện rồi chúng ta sẽ yêu thương. Chính tình yêu của chúng ta, một tình yêu vô điều kiện mới là động lực giúp tha nhân nên hoàn thiện. Đồng thời cũng chính tình yêu ấy sẽ giúp chúng ta hoàn thiện vì chúng ta đang ngày càng nên giống Cha, Đấng hoàn thiện ở trên trời, Đấng cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,45).    

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Cây táo và miếng vải trắng

(Trích trong 'Niềm Vui Chia Sẻ')

Richard Pidell có viết một câu chuyện ngắn nhan đề: "Đứa con trai của một ai đó" (Somebody's son). Câu chuyện mở đầu với một cậu bé tên là David bỏ nhà ra đi sống bụi đời. Vì khổ quá, không chịu nổi, cậu bèn viết một lá thư gửi về nhà cho mẹ bày tỏ niềm hy vọng được ông bố cổ hủ tha thứ cho cậu và chấp nhận cậu làm con trở lại. Lá thư như sau: "Mẹ kính mến, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà. Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo hồng ở miếng đất cạnh nhà chúng ta". Vài ngày sau, David lên tàu hỏa đi về. Trong lúc tàu hỏa lao nhanh đến nhà thì hai hình ảnh cứ liên tục hiện ra trong trí cậu ta: khi thì trên cây táo có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng cột một miếng vải trắng nào. Tàu hỏa càng tiến gần nhà, trái tim David càng đập nhanh hơn. Không bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra ở khúc quẹo, nhưng David không dám tự mình nhìn tới vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó. Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói: "Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không? Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cây táo. Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây táo đó có một miếng vải trắng không nhé".

Khi tàu hỏa rầm rập lướt qua cây táo, David nhìn chăm chăm về phía trước. Đoạn run run giọng, cậu hỏi người đàn ông: "Thưa ông, có một miếng vải trắng nào treo ở cành cây táo đó không?" Ông ta sửng sốt trả lời: "Ồ, nầy cậu bé, cành cây nào ta cũng thấy có một miếng vải trắng cả!"

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây từng phút. Tình yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Người con hoang đàng trong Tin Mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh và sai mở tiệc ăn mừng.

Phải, Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta. Đối với Chúa, mỗi người chúng ta đều đáng kể, không thể có gì khác thay thế được. Mỗi con người là như một con chiên trong đàn, phải được chăm sóc như nhau, không được để thất lạc. Chính mươi chín con chiên yên lành không làm nguôi lòng thương đối với một con chiên lạc. Thiên Chúa cũng cuống quýt như một bà già nghèo đánh mất một đồng bạc quý. Phày hì hục moi móc mọi ngóc ngách trong nhà để tìm cho bằng được. Như người cha già, con mình đã hư quá thể mà trong lòng vẫn lo lắng không nguôi, vẫn không thôi chờ đợi đến mỏi mòn, cho đến lúc ôm lại đứa con vào lòng và rạo rực vui sướng không gì kìm hãm được và cả Thiên đàng cũng vui lây, vui sướng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại hơn cả vui sướng vì chính mươi chín người lành thánh không cần sám hối ăn năn.

Thiên Chúa rất khác chúng ta. Đối với Ngài, mỗi con người là như một khúc ruột của mình. Ngài thương mỗi người, để ý chăm sóc mỗi người như chỉ có một không hai trên đời. Nếu chúng ta lỡ lạc đường, Ngài tạo mọi điều kiện để ta có thể trở về. Và điều kiện duy nhất Ngài đòi hỏi là tin vào tình thương tha thứ của Cha để mà dám trở về. Sự trở về của con chiên lạc đem lại niềm vui cho người mục tử nhiều hơn niềm vui có chín mươi chính con ở lại trong đàn.

Thưa anh chị em,

Đến đây, đáng lẽ dụ ngôn về người cha nhân hậu đã có thể kết thúc rất đẹp với nỗi vui mừng của người cha. Nhưng Chúa Giêsu lại nối thêm cái đoạn cuối về người con cả. Chúng ta cũng nên dừng lại một chút với thái độ của người con cả để hiểu hết ý Chúa muốn dạy chúng ta qua dụ ngôn nầy.

Người con cả là một người con chí thú làm ăn ở nhà với cha, nhưng xem ra quan hệ với cha không được thân mật, thẳng thắn. Tuy ở nhà với cha nhưng lòng vẫn xa cách. Và kết quả là người con cả đã không hiểu và không chấp nhận nổi cách xử sự của cha đối với đứa em của anh vừa trở về. Do đó, thay vì nhập tiệc chia vui với cha và với em, người con cả đã dừng lại ở cửa, tự mình đứng ở thể tách biệt với gia đình sum họp.

Người con cả ở đây tiêu biểu cho nhóm người Biệt phái Pharisêu trong dân Do Thái. Họ tưởng rằng họ trung thành với Thiên Chúa và đáng được Chúa thương, có quyền hưởng gia tài, rồi khinh bỉ các dân ngoại và những hạng người mà họ cho là tội lỗi. Thì ra, Tin Mừng hôm nay là một Tin Mừng đối với người tội lỗi sám hối trở về, nhưng đồng thời lại cũng là một lời cảnh cáo đối với những người "ở trong nhà", những người tưởng mình đạo đức, tốt lành. Người con cả, bao nhiêu nămm ai cũng tưởng là ngoan ngoãn tốt lành lắm. Đến ngày em của anh hồi sinh và trước niềm vui vô bở của người cha, anh đâm ra hậm hực, bực tức... thì ra bề ngoài anh ngoan, nhưng nội tâm của anh thì cay nghiệt, tù túng, đầy những ghen tị, sát phạt. Cả anh nữa, anh cũng chẳng hiểu thế nào là lòng thương xót. Cuối cùng anh không muốn bước vào lòng thương xót đó. Anh chưa gặp được Thiên Chúa. Anh vẫn ở ngoài ơn cứu độ.

Dụ ngôn cho thấy, người cần trở lại hơn hết chính lạ người con cả, người con vẫn ở nhà với cha nhưng lòng thì không ở cùng với cha.

Anh chị em thân mến,

Hãy tin vào tình thương yêu vô bờ bến của Thiên Chúa mà trở về với Ngài, nếu chúng ta lỡ lạc đàng, sa ngã. Và hãy khoan dung tha thứ cho những người anh chị em, nếu chẳng may có ai trượt chân vấp ngã. Phải tìm đến với người anh chị em đó để giúp họ trở lại với Chúa là Cha yêu thương. Đừng có thái độ lên án, loại trừ như thái độ của người con cả trong dụ ngôn. Trái lại, hãy vui mừng vì đã giúp được một người anh em gặp lại niềm vui cứu độ. Hãy coi thái độ khoan dung, quảng đại yêu thương tha thứ của người cha trong dụ ngôn là hình ảnh của lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta biết đối xử với những người anh em như Chúa đã đối xử với chính chúng ta.

"Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót con, và lấp đầy trái tim con tình yêu tha thứ của Chúa.

Con là đứa con thứ đã bỏ nhà ra đi rồi lại trở về. Con cảm ơn Chúa đã đón nhận lại con.

Và con cũng là người con cả đã từng khư khư không chịu tha thứ cho anh chị em con như Ngài đã tha thứ cho con. Vậy xin Chúa hãy chạm vào trái tim con với tình yêu tha thứ của Ngài.

Để rồi sau khi an nghỉ trong cõi chết, con sẽ thức dậy trước thánh nhan Ngài mãi mãi cùng với anh chị em từng được con tha thứ lỗi lầm". Amen.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...