Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm C     Nghe MP3:    Dẫn vào thánh lễ Anh chị em thân mến! Sau khi dùng những dụ ngôn về lòng thương xót, để trả
 

Nghe MP3: 

 

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Sau khi dùng những dụ ngôn về lòng thương xót, để trả lời cho những chỉ trích của người Biệt Phái và Kinh Sư, về việc Người ân cần tiếp rước những kẻ tội lỗi. Giờ đây, Chúa Giêsu trở về với các môn đệ, để trao đổi với các ông một số chủ đề liên quan đến sự khôn khéo trong việc đối nhân xử thế và vấn đề tiền của. Chúa Giêsu bắt đầu trao đổi với các môn đệ về dụ ngôn người quản lý bất lương. Bài học Chúa muốn dạy là phải khôn khéo và mạo hiểm, phải dùng sáng kiến và tài sản để tạo cho ta một tương lai trong Nước Chúa. Chúa dạy phải quyết định cho nhanh và quả quyết đối với đời sống thiêng liêng. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan, để sử dụng những của cải phi nghĩa đời này, ngõ hầu mang lại những ơn ích và công nghiệp đời sau. Muốn được vậy, giờ đây chúng ta gột rửa tâm hồn khỏi những bịn rịn tiền bạc, bằng lòng thống hối ăn năn để dâng Thánh lễ hôm nay cho đẹp lòng Chúa.

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Am 8, 4-7

"Chống lại những kẻ lấy tiền mua người nghèo".

Trích sách Tiên tri Amos.

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: "Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát". Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã thề rằng: "Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 4-6. 7-8

Ðáp: Hãy ngợi khen Chúa, Ðấng nâng cao kẻ túng thiếu (c. 1a & 7b).

Xướng: Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. 

Xướng: Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa... và Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất. 

Xướng: Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. 

Bài Ðọc II: 1 Tm 2, 1-8

"Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13}

"Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: {"Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: 'Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa'. Người quản lý nghĩ thầm rằng: 'Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ'.

"Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi'. Rồi anh hỏi người khác rằng: 'Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm giạ lúa miến'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi'. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

"Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}

"Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

"Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy hiệp lời cầu xin để tâm hồn chúng ta được tràn đầy ơn thánh Chúa, giúp chúng ta biết khôn khéo xử dụng những ơn lành Chúa ban, hầu mưu ích cho chúng ta cũng như cho toàn thể Hội Thánh :

1. “Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo” - Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục được tinh thần siêu thoát, luôn trung thành thi hành thừa tác vụ của mình, là rao truyền đức tin và chân lý, để qua các ngài, con người thêm xác tín về một Nước Trời siêu việt đang hình thành giữa lòng nhân loại.

2. “Cha khuyên con hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người ” - Xin cho các Kitô hữu khi miệt mài lo toan những nhu cầu vật chất, vẫn luôn quan tâm phát triển đời sống nội tâm, hầu Thiên Chúa mãi mãi là ông chủ độc nhất, luôn chiếm hữu và điều khiển tâm hồn họ trong từng phút giây.

3. “Anh hãy tính sổ việc quản lý của anh” - Xin cho những người nghèo khó và thất nghiệp có công ăn việc làm xứng hợp với nhân phẩm, và cho những người giầu có biết nhận ra bổn phận mình đối với những người nghèo, sẵn sàng giúp đỡ cách quảng đại, để kiếm cho mình những người bạn hữu đích thực trong đời sống mai sau.

4. “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ” - Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta đừng vì những mưu tính lợi lộc vật chất, mà quên đi nhu cầu chính đáng cho đời sống tâm linh của mình.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quản lý tốt những ân huệ mà chúng con đã nhận lãnh, để nhờ đó ân sủng Chúa sinh hiệu quả tốt đẹp và dồi dào nơi chúng con, giúp chúng con luôn tín trung phụng thờ và xứng đáng trở nên những tôi tớ đích thực của Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

CỦA CẢI HAY THẦN TÀI?
(Chúa Nhật XXV TN C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
“Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8,7). Vì sao Thiên Chúa lấy danh mình mà thề những lời đanh thép như thế? Ngôn sứ Amos đã cho chúng ta biết cái lý do. Đó là vì sự gian ác bất công của một số người giàu có trong xã hội nước Israel thời bấy giờ. Tính chất gian ác của sự bất công mà họ gây ra thật đáng lên án vì nạn nhân chính là những người nghèo khổ, cô thân, kém phận. Số phận của các nạn nhân này được ví không hơn gì đôi dép. “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy đứa cùng khổ” (Am 8,6).

Đọc Thánh Kinh, đặc biệt những lời từ miệng của Con Thiên Chúa làm người, chúng ta nhận ra chân lý này: hình như Thiên Chúa dễ khoan dung về những lầm lỗi mà con người xúc phạm đến Người, nhưng Người có vẻ rất bất bình trước những điều gian ác mà con người gây ra cho nhau, nhất là cho những người nghèo hèn, thấp cổ bé phận. Nhân chuyện ông Phêrô hỏi rằng khi có người anh em xúc phạm đến mình thì phải tha thứ cho họ mấy lần thì Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về “một người mắc nợ mà không có lòng thương xót (x.Mt 18,23-35).

Anh “không có lòng thương xót này” mắc nợ đức vua những mười ngàn yến vàng thế mà chỉ với hành vi sấp mình bái lạy và xin khất nợ một kỳ hạn thì đã được đức vua tha bỗng tất cả số nợ khổng lồ. Mức nặng nhẹ của một lỗi hay tội có thể tăng hay giảm tùy vào đối tượng mà hành vi lỗi tội ấy xúc phạm. Theo góc nhìn này thì quả thật mọi hành vi lỗi tội của con người xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng là Chúa Tể càn khôn, thì đều “to lớn và nặng nề” khó bề đền trả được như món nợ “mười ngàn yến vàng” minh họa. Thế mà ông vua trong câu chuyện dụ ngôn xem ra hào phóng cách khác thường. Tuy nhiên khi nghe biết chuyện cái anh “trúng số độc đắc” này lại thiếu lòng thương xót với người bạn vốn mắc nợ anh ta vỏn vẹn chỉ trăm đồng, thì đức vua đã đổi ngược thái độ cách dứt khoát với anh ta và sai gia nhân bắt tống giam anh này vào ngục cho đến khi trả hết món nợ kếch xù kia.

Tình yêu thật có nhiều điều như nghịch lý. Nhiều đấng bậc mẹ cha dễ dàng bỏ qua nhưng lầm lỗi mà con cái xúc phạm đến bản thân mình nhưng dường như không thể chịu nỗi cái cảnh chúng hành khổ, đày đọa những đứa anh em, chị em kém may mắn. Sau khi xác định giới luật tình yêu là mến Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn và yêu thương tha nhân như chính mình, thì Chúa Giêsu đã không lấy việc cầu nguyện hay dâng lễ vật vào Đền Thờ để minh họa, nhưng đã đưa ra hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, người đã có lòng thương xót một nạn nhân đi từ Giêrusalem về Giêricô bị bọn cướp trấn lột và đánh nguy kịch, bằng cách chăm sóc giúp đỡ nạn nhân cách tận tình mà không chút tính toán thiệt hơn (x.Lc 10,25-37).

Khi nghe câu chuyện dụ ngôn về người quản gia bất lương, chắc chắn ít ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng Chúa Giêsu dạy chúng ta bắt chước sự ranh ma của anh quản gia ăn gian tiền bạc của ông chủ. Chắc chắn sau khi biết được kế ma mãnh của anh này thì dù có chép miệng khen, nhưng rồi thế nào ông chủ cũng sẽ trừng trị anh ta đích đáng. Nội dung chính của câu chuyện dụ ngôn nằm ở câu kết luận: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9).

Chúng ta cần phải xác định rõ hạn từ “tiền của bất chính”. Chắc chắn Chúa Giêsu không bao giờ dạy chúng ta sử dụng những thứ tiền của kiếm được cách bất chính, bất lương hay phi pháp. Thế thì phải hiểu như thế nào đây. Không ngại ngần để khẳng định rằng “Tiền Của bất chính” ở đây phải được hiểu là một mãnh lực xấu. Hầu hết các bản dịch Kinh Thánh đều ghi là “the Mammon of unrighteousness” hay nghĩa tương đương. Nhưng cũng có một vài bản dịch dùng hạn từ “Worldly Wealth” hay “Base Wealth”. Hạn từ “Mammon” nhắc nhớ chúng ta sự thật này: Khi của tiền được tôn phong lên hàng thần thánh thì chắc chắn trở thành một thế lực bất chính. Chúa Kitô đã cảnh báo: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). “Vai mang bị bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm”. Khi đã đặt niềm tin vào sức mạnh của tiền bạc thì người ta dễ bị cám dỗ không chỉ lao mình vào những hành vi bất nhân, thất đức mà còn bị cám dỗ tự phong thần phong thánh cho bản thân mình.

Thánh Phaolô khẳng định rằng mọi sự thuộc về chúng ta. Chúng ta thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Không gì hơn là hãy trả của cải vật chất về đúng vị trí của nó. Nó là của cải chứ không phải là thần tài. Biết dùng của cải, tiền bạc để làm phát triển tình tương thân tương ái là một trong những phương thế sử dụng của tiền cách hữu ích cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay và ngày sau. Nhiều tín hữu phân trần với các vị mục tử rằng: Với chúng con, vấn đề không phải là ở chỗ sử dụng mà là ở khâu tìm kiếm tiền bạc. Đây là một vấn nạn mang tính hiện sinh. Khi của tiền đi vào bằng con đường bất chính thì sự thường nó sẽ đi ra bằng con đường bất nghĩa, bất lương. Chính vì thế sẽ không thừa nếu chúng ta tự đặt câu hỏi: Tôi tìm kiếm của tiền vì mục đích gì? (để làm gì?) và tôi đang kiếm tìm của tiền theo cách thế nào? có chính đáng, hợp pháp, công minh không? Cũng xin đừng quên xem xét cách thế sử dụng tiền bạc của chúng ta. Dù thuộc quyền sở hữu của mình nhưng nếu chúng ta sử dụng của cải cách hoang phí thì cũng lỗi đức công bình và dĩ nhiên đáng bị kết án cách nghiêm minh.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Suy niệm Chúa nhật 25 thường niên – C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13})
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: {“Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: 'Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa'. Người quản lý nghĩ thầm rằng: 'Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ'.
 
“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi'. Rồi anh hỏi người khác rằng: 'Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm giạ lúa miến'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi'. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.
 
“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}
 
“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?
 
“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.
 
Suy niệm

Mỗi ngày, con người đối diện với muôn vàn áp lực từ cuộc sống, những áp lực đó lắm lúc làm cho con người mỏi mệt phần nào, nhưng nguy hiểm hơn là làm cho con người mất khả năng phân biệt đâu là thực, đâu là giả, đâu là tốt và đâu là xấu. Tất cả làm cho cuộc sống con người mất dần sự tin tưởng lẫn nhau, tin tưởng vào chính mình và tin tưởng vào cuộc sống luôn.
 
Từ thời các Ngôn sứ, dân Do-thái đã bày mưu tính kế để buôn gian bán lận, họ còn dựa vào lề luật để tính toán làm sao có nhiều lợi tức, làm sao có nhiều của cải, mà bỏ quên đi giá trị của lề luật. “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Ngày Sabath luôn được coi là một ngày thánh, ngày dành riêng cho Giavê, ngày mọi người dân phải dâng lễ cho Giavê để được tha tội và được bình an, thế mà họ đã lạm dụng ngày đó để buôn bán sinh lợi cách gian xảo. Họ còn mượn danh Giavê để làm sao túi tiền của họ ngày càng lớn, địa vị trong xã hội của họ ngày càng vững chắc, điều mà họ quên mất đó là đã tục hoá những lề luật do chính Giavê truyền dạy họ phải tuân giữ, đặc biệt là ngày Sabath. Có thể nói ngay từ thời đó, dân riêng của Giavê đã thay thế hình ảnh một Giavê yêu thương trong sự nghiêm khắc, một Giavê đang chăm sóc họ trong mọi sinh hoạt, trong từng nhịp sống. Trong tâm trí và cuộc sống của người dân Do-thái đã cách nào hình thành khái niệm người đầy tớ phò cùng lúc hai ông chủ, vừa Thiên Chúa, vừa tiền của. Trước thái độ sống bất nhất như thế, Giavê đã lên tiếng: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng”.
 
Trong những ngày ở xa người đồ đệ của mình, thánh Phaolô đã gởi trọn tâm tình của Ngài vào những lá thư, nơi đó, ngài nói với Timôthê đừng chấp nhất sự gian mãnh của tha nhân, đừng nổi giận với tính lừa đảo của những người anh em bên cạnh, một hãy cầu nguyện cho họ, hãy giúp họ có đủ ơn thánh để sửa đổi từ cách suy nghĩ, cho đến thái độ sống mỗi ngày. Lời khuyên thật chân thành và ấm áp tình thiêng liêng đã được gởi đến cho chúng ta trong tuần lễ 25 thường niên này, và đó cũng là lời nhắc cho người tín hữu Kitô, hãy sống với nhau không phải dựa trên của cải, dựa trên địa vị xã hội, hay quyền bính nhưng hãy sống với nhau như là những anh em trong Đức Kitô. “Cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch”.
 
Nếu một ai đó được tín nhiệm và được giao phó trông coi tài sản của một gia đình khá giả hay một cộng đoàn, một tập thể lớn, thì một phần dựa trên tài cán, năng lực của người đó, nhưng sự trung tín của con người đó luôn là yếu tố quan trọng nhất. Họ không bị đánh gục bởi sức mạnh của tiền bạc, của cải, họ không bị sa ngã bởi sự giàu có của người chủ, họ cũng không bị mua chuộc bởi sự phung phí của những người được thừa hưởng tài sản. Họ luôn lấy chữ tín làm đầu, luôn coi tiền của vật chất chỉ là phương tiện chứ không là cứu cánh cuộc đời của con người. Câu chuyện người quản lý bất lương được đề cập đến trong bài Tin Mừng là một ví dụ cụ thể. Anh ta không tham lam, không bớt xén tiền bạc của ông chủ, anh ta cũng không dùng tiền của ông chủ để mua chức tước hay địa vị cho mình trong xã hội, nhưng anh ta biết dùng tài sản của chủ nhân để mua tình người, mua bạn hữu. Sự khôn ngoan của thế gian trong anh ta được Đức Giêsu khen ngợi, nhưng Ngài lên án sự ma mãnh của chàng quản lý đó, vì anh ta đã làm hao hụt tài sản của chủ nhân. Nếu là một người tham lam, khi nghe tin ông chủ sẽ đuổi việc, anh ta sẽ ôm lấy một khối tài sản và ra đi trong đêm tối, sẽ tìm cho mình sự an toàn trong tương lai, đàng này, anh ta đã hành động ngược lại, mua lấy bạn hữu bằng tài sản của chủ nhân. Sự khôn ngoan của con cái thế gian là thế, còn sự khôn ngoan của con cái sự sáng thế nào? Thiên Chúa trao cho mỗi người 5 nén bạc, 2 nén bạc hay 1 nén tuỳ theo khả năng mỗi người, chúng ta đã sử dụng, đã quản lý những nén bạc đó thế nào khi với điều kiện, với hoàn cảnh sống và với ơn gọi hiện tại của mỗi người. Hình ảnh một người đầy tớ làm tôi hai chủ luôn được coi là kẻ bất lương, bởi anh ta luồn cúi trước mặt hai ông chủ: thế gian và Thiên Chúa. Hai điểm đến ngược nhau hoàn toàn, hai mục đích cuộc đời đó không cùng ở trên một con đường mà ngược nhau, thế mà không thiếu bao người tín hữu Kitô đã chọn để làm đầy tớ cho cả hai ông chủ đó.
 
Sự trung tín trong cuộc sống, đặc biệt trong đời sống tôn giáo, là một yếu tố khá quan trọng để niềm tin được thăng tiến và trưởng thành theo thời gian. Nhưng để có được yếu tố đó, người tín hữu cần minh định rõ ràng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, đặc biệt trong những biến cố trọng đại trong cuộc đời. Đi vào trong mỗi gia đình, chúng ta thấy yếu tố trung tín luôn được đề cao, bởi đời sống hôn nhân luôn cần sự trung tín, chính yếu tố này giúp tình yêu vợ chồng ngày càng mặn nồng và ấm áp hơn. Sự trung tín còn là động lực giúp vợ chồng vượt qua những khó khăn cuộc sống, đặc biệt là trong công ăn việc làm hàng ngày. Sự trung tín còn là một tấm gương của cha mẹ để giáo dục con cái. Mỗi ngày, con cái tiếp xúc với nhiều con người, nhiều vấn đề từ cuộc sống, đặc biệt là những trào lưu mới. Chúng nó bị cuốn vào đó và khi trở về gia đình, không tìm thấy những gì chúng mong muốn, do đó, chúng dễ dàng lừa dối cha mẹ để cùng chúng bạn, chạy theo những trào lưu sống mới của tuổi mới lớn, và chúng không biết có nhiều chiếc bẫy đang giăng sẵn phía trước cuộc đời của chúng.
 
Trong đời sống tu trì cũng không thiếu những phút giây thất tín với Thiên Chúa qua những lời khấn. Khiết tịnh, vâng lời và khó nghèo là những lời khấn giúp các Tu sĩ trung thành với Thiên Chúa và với Hội dòng, thế nhưng, họ là những con người sống giữa đời nhưng không được hoà tan, vì thế, ít nhiều vẫn bị cám dỗ thất tín với lời hứa. Từ những phương tiện cho cuộc sống như điện thoại, máy tính, cho đến những phương tiện khác, luôn lôi cuốn họ vào cuộc chơi, do đó, nguỵ biện với những gì đang có luôn là nguyên nhân dẫn đến thất tín. Bên cạnh là vâng lời bề trên và khiết tịnh. Quả thực hôm nay, tất cả những gì giúp con người trải nghiệm cuộc sống đều có trên điện thoại, vì thế, lắm lúc đã làm cho tâm hồn người Tu sĩ chao đảo, xao động vì những hấp lực của thế gian. Có phải những phút giây đó đang đưa người Tu sĩ đến chỗ làm tôi hai chủ, vừa thế gian vừa Thiên Chúa hay sao?
 
Bậc sống nào cũng có nhiều thách đố, ơn gọi nào cũng lắm truân chuyên, bản chất con người thì yếu đuối, dễ sa ngã, cuộc sống thì muôn nẻo lối đi, vạn bước đường về, ai dò được tương lai, Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng những chọn lựa của con người, Ngài cho con người khối óc và lý trí để nhận định, để suy xét và để có những chọn lựa phù hợp với bản thân và đem lại những giá trị tinh thần lớn lao, thế nhưng, sống giữa một thế giới quá nặng nề về thực dụng và vật chất, làm sao con người có thể trung tín với niềm tin, với ơn gọi và với Thiên Chúa, chủ tể cuộc đời của mình được. Thiên Chúa đợi chờ nơi con người sự chân thành sám hối và trở về khi biết mình sa ngã, biết mình bất tín. Sự trở về của Phêrô đã được đón nhận và được tha thứ, sự trở về của Maria Madala được đón nhận, được tha thứ, và sự trở về của Phaolô được đón nhận, được tha thứ, và tiếp theo là sự trở về của bản thân, mong được đón nhận và được tha thứ.
 
Lạy Chúa, biết bao lần con đã sa ngã, đã phạm tội và đã bất tín với Chúa, xin đón nhận nơi con sự chân thành sám hối và trở về với Chúa. Ngài như một người cha luôn đợi chờ đứa con ra đi trở về, xin tha thứ và đón nhận con như người con hoang đàng trong gia đình của Ngài. Chúa luôn mong muốn con người được ở mãi trong nhà của Cha là Thiên Chúa, nhưng con người lạm dụng tự do của mình, khước từ tình yêu đó và đã hơn một lần ra đi, xin đừng chấp tội con khi con trở về với Chúa trong phận người tội nhân, để con cố gắng sửa đổi chính mình, đứng lên trong vòng tay của Chúa và được cùng với anh chị em tham dự bàn tiệc gia đình của Chúa trên trời. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Sử dụng tiền bạc
Sưu tầm

Đoạn Tin Mừng sáng này có vẻ khó hiểu, vì thế tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện:

Có một anh lính ba gai, không bao giờ làm hài lòng về cấp chỉ huy của mình là một ông đại tá. Mỗi lần trình diện thì hoặc là giày còn bẩn, súng chưa lau, hay tới chậm mất mấy phút. Hôm đó anh được xả trại và được tự do đi chơi cho tới 8 giờ tối. Vào lúc 7g45 anh vẫn còn lang thang ngoài phố. Bất ngờ anh trông thấy chiếc xe của ông đại tá. Định rẽ vào một con hẻm nhưng không kịp. Ông đại tá dừng xe trước mặt anh và nói:

- Đúng 8g anh phải trình diện tôi tại bộ chỉ huy, bằng không sẽ bị 3 ngày cấm cố.

Anh lính suy nghĩ thật mau. Chỉ còn 15 phút nữa. Đi bộ thì không kịp, đón xe thì không có. Lập tức anh chạy theo chiếc xe của ông đại tá. May thay chiếc cốp phía sau vẫn còn mở. Thế là anh vội nhảy lên và chui tọt vào trong. Ông đại tá cho xe chạy vòng vòng qua mấy ngã đường rồi trở về doanh trại. Nhưng khi xe vừa dừng lại thì anh lính cũng nhảy xuống và trình diện ông đại tá. Ông đại tá bèn khen:

- Anh đã hành động khôn ngoan, tôi tha phạt cho anh, từ nay trong mọi hoàn cảnh, anh cũng hãy hành động khôn ngoan như thế.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng đã kể lại một câu chuyện tương tự như thế. Tên quản lý thực là một kẻ trộm cắp. Chúa Giêsu không ca tụng sự gian tham của hắn, nhưng khen ngợi hắn đã hành động một cách khôn ngoan, và rồi Chúa đi đến kết luận: Không phải chỉ con cái thế gian, mà cả con cái sự sáng cũng phải tỏ ra thận trọng và khôn ngoan như vậy. Rồi Chúa cũng chỉ cho chúng ta cách thức để hành động khôn ngoan, đó là hãy dùng tiền bạc vật chất, hãy dùng tất cả những gì chúng ta có để tạo lấy những bạn hữu sẽ giúp chúng ta vào Nước Trời.

Để hiểu được điều đó, tôi xin kể tiếp một mẩu chuyện nữa: Ông chủ vườn chôm chôm giàu có, sáng nọ thấy hai em nhỏ đứng ngoài cổng nhìn vào một cách thèm thuồng. Ông là người yêu trẻ nên cho gọi hai em đến và bảo:

- Hai em cứ việc vô vườn ăn, nhưng không được đem trái nào ra.

Trước khi các em đi về, ông đã khám túi và hài lòng vì không thấy một trái chôm chôm nào cả. Nhưng ông lấy làm lạ vì thấy hai em đi theo bờ dậu, cúi xuống như lượm một cái gì đó. Đoán được mưu của hai em, ông cho gọi lại và hỏi. Hai em bèn phải thú thực rằng mình có ném mấy quả ra ngoài hàng rào, để rồi sẽ lượm về cho em. Ông khen hai em đã hành động khôn ngoan và cho phép hai em đem những quả chôm chôm ấy về. Hai em nhỏ là chúng ta. Ông chủ vườn là Thiên Chúa. Thửa vườn là thế gian. Những trái chôm chôm là những sự tốt lành chúng ta có được như tiền bạc, cơm gạo, áo quần... Những sự ấy chúng ta không thể đem theo khi từ giã cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta có một cách để hành động, chúng ta có thể ném ra ngoài hàng rào những cái chúng ta đang có, nghĩa là chúng ta chia sẻ phần tiền bạc vật chất cho những kẻ nghèo khó. Điều đó Chúa không cấm mà còn khuyến khích chúng ta nữa. Nếu chúng ta hành động khôn ngoan, chúng ta sẽ trở thành bạn hữu của Chúa và chúng ta sẽ tìm thấy ở trên trời tất cả những gì mà trong cuộc sống trần gian chúng ta đã ném qua hàng rào, bằng cách cho đi để phục vụ và giúp đỡ những người chung quanh.

Để kết luận, chúng ta có thể nhớ lại lời Kinh Hoà bình của thánh Phanxico Assie: Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...