Chúa Nhật XXVI Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XXVI Thường Niên - Năm C   Ca nhập lễ Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và
 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phúc hay họa không phải bởi của cải, nhưng chính là bởi người sở hữu của cải, bởi cách sống và cách sử dụng của cải đó: có biết chia sẻ và phân phối của cải ấy cách công bằng và bác ái không?

Dụ ngôn người phú hộ và Lazarô mô tả một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất gần mà lại rất xa, hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Nhà phú hộ dư ăn dư mặc, Lazarô nghèo nàn đói lả. Hai con người ấy thật gần nhau trong khoảng cách, cách nhau có cái cổng, một cái cổng luôn khép kín như lòng người giầu có, nhưng họ lại thật xa nhau trong tình người.

Nhìn vào gương người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay và người ăn xin ngồi chờ những mẩu bánh vụn từ bàn ăn của người phú hộ rơi xuống, chúng ta hãy tưởng tượng còn biết bao Lazarô trên thế giới cũng đang chờ đợi sự hảo tâm và chia sẻ của mỗi người chúng ta, là những người may mắn hơn họ. Người tín hữu đúng nghĩa là người luôn biết chia sẻ hơn là chiếm hữu cho bản thân. Chúng ta hãy thành tâm thống hối về những việc làm lãng phí, vô ích; và những tính toán hẹp hòi, ích kỷ đối với những người nghèo khổ đang cần đến lòng tương trợ và yêu thương của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin....

Bài Ðọc I: Am 6, 1a. 4-7

"Các ngươi đã mê đắm và ca hát, giờ đây các ngươi bị lưu đày.

Trích sách Tiên tri Amos.

Ðây Chúa toàn năng phán: "Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Ðavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa (c. 2a).

Xướng: Chúa là Ðấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. 

Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục; Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. 

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. 

Bài Ðọc II: 1 Tm 6, 11-16

"Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng. Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô, lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà đến thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra, Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy hay có thể xem thấy: (kính chúc) vinh dự và quyền năng cho Người muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 19-31

"Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

'Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này'. Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được'.

Người đó lại nói: 'Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này'. Abraham đáp rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'. Người đó thưa: 'Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải'. Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nghèo khổ chưa hẳn là một cái tội, nhưng giàu sang có thể là mối nguy, cả đời này lẫn đời sau. Chúng ta cầu xin Chúa cho mọi người trên thế giới biết sống với nhau trong tinh thần chia sẻ, tương trợ và yêu thương.

1. “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quí ở Sion và tự kiêu trên núi Samaria” - Xin cho người giầu có và nhiều tài sản, biết nghe lời cảnh cáo của tiên tri Amos, mà từ bỏ con đường sa đọa dâm đãng, để chia sẻ cho những người đồng loại nghèo khó, nợ nần và túng thiếu.

2. “Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin” - Xin cho mọi người tông đồ giáo dân thể hiện đức tin qua tinh thần siêu thoát đối với vật chất, và yêu thương giúp đỡ những người bần cùng.

3. “Có một nhà phú hộ kia...ngày ngày yến tiệc linh đình” - Xin cho mỗi người chúng ta đừng bao giờ làm ngơ trước những nỗi khó khăn và khốn khổ của những người xung quanh, nhưng luôn luôn sẵn sàng ra tay trợ giúp, để đời sau chúng ta xứng đáng hưởng lòng Chúa nhân từ, xót thương.

4. “Người hành khất...ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống” - Xin cho các gia đình trong giáo xứ biết sống tiết kiệm, để đóng góp và chia sẻ với những anh chị em nghèo, thiếu thốn, hầu góp phần xây dựng một giáo xứ đầy tình yêu thương, hiệp nhất và thịnh đạt.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng, nhân ái, Chúa mời gọi chúng con góp phần vào công cuộc hoàn thiện thế giới. Xin cho giới răn yêu thương của Chúa luôn sáng ngời qua những việc làm tốt đẹp và nhân ái của chúng con để thế giới dồi dào sự hiệp nhất, chứa chan lòng quảng đại và tràn ngập tình yêu thương. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.

Hoặc đọc:

Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Suy niệm Chúa nhật 26 thường niên – C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 16, 19-31)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:
 
'Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này'. Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được'.
 
Người đó lại nói: 'Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này'. Abraham đáp rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'. Người đó thưa: 'Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải'. Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'“.
 
Suy niệm

Tình người vốn dĩ là một tương quan chỉ có thể tìm thấy nơi con người, bởi trong đó có một sợi dây vô hình kết nối con người với con người, tạo nên sự gần gũi không chỉ ngay hôm nay mà còn có giá trị tới cuộc sống mai sau. Sống bên cạnh nhau, thậm chí trong một gia đình, trong một cộng đoàn, ai ai cũng dửng dưng, cũng vô tâm và ích kỷ, liệu rằng có tìm được nơi gia đình, nơi cộng đoàn đó hơi ấm của tình người, hơi ấm của tình huynh đệ gia đình không? Quả là một sự kết nối linh thiêng giúp con người ngày càng hoàn thiện giá trị của chính mình.
 
Lời nhắc của Tiên tri Amos trong bài đọc 1 không chỉ dừng lại là lời trách móc, nhưng sẽ là một lời kết án những ai sống dửng dưng, sống vô cảm, sống thiếu tình người, dù công việc hàng ngày mỗi người mỗi khác. “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Ðavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”. Tạo Hoá cho con người hiện hữu trong thế giới này không chỉ đơn độc nhưng có nam, có nữ, và có thể nói họ hiện hữu có tính cộng đoàn, để nâng đỡ, để bổ trợ cho nhau khi mỗi người còn có những khiếm khuyết trong cuộc đời. Thế nhưng, có ai ý thức được điều đó, có mấy ai nhận ra được tính liên đới nơi bản thân, để giúp đỡ nhau, để bổ trợ cho nhau. Bởi thế, Giavê Thiên Chúa sẽ nổi giận và sẽ trừng phạt những ai luôn cho mình là tín đồ của chủ nghĩa hưởng thụ trong sự phục vụ của tha nhân. Và suy nghĩ đó nay đang hoành hành trong thế giới được cho là tiến bộ, là văn minh và là tôn trọng giá trị của con người.
 
Thánh Phaolô đã ý thức được tình liên đới huynh đệ của con người luôn là một yếu tố cần thiết để hoàn thiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, nên thánh nhân đã nhắc nhở người con, người học trò, người đồng môn của mình là thánh Timôthêô, hãy sống sao cho xứng với danh xưng là người học trò của ngài: “Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng... con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà đến thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra, Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy hay có thể xem thấy”. Quả thực, để được gọi là con của Thiên Chúa, ai cũng phải tuân giữ giới răn của Ngài là thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất là yêu thương tha nhân như chính mình. Chính lúc con người thi thố tình yêu trong cuộc sống, là lúc họ đang mở những con đường cho Thiên Chúa đến với họ và tha nhân, bởi Thiên Chúa là tình yêu, nơi nào có tình yêu, nơi nào có tình người, nơi đó có sự hiện diện của Ngài.
 
Câu chuyện về người phú hộ và người nghèo Lazarô được thánh Luca kể lại trong bài Tin Mừng Chúa nhật 26 thường niên, là một điển hình cho sự thiếu vắng tình người. Trong những ngày sống trên trần gian, khoảng cách giữa người phú hộ và anh chàng nhà nghèo đó rất gần, đến nỗi mỗi lần có yến tiệc trong gia đình nhà phú hộ là anh chàng nhà nghèo này có mặt ngoài cổng để chờ được nhặt những mẫu bánh vụn bị vứt ra, miếng thịt dư thừa rơi xuống, để ngốn cho đầy bụng, nhưng không được, vì những chú chó của nhà phú hộ đã dành mất phần. Khoảng cách giữa con người ngày càng xa đi, và giá trị con người ngày càng bị phân biệt, người nghèo và người giàu khó có thể tìm được một sự cảm thông và chia sẻ: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy”. Sự xuất hiện của Con Thiên Chúa và những bài giáo huấn của Ngài có phải đang cổ vũ cho sự phân hoá giàu nghèo hay không? Chẳng lẽ con người đến từ Thiên Chúa và được coi là anh chị em với nhau, nay lại bị phân biệt đẳng cấp giàu nghèo và khinh dễ lẫn nhau vậy sao? Thiên Chúa với bản chất là tình yêu, Ngài không bao giờ đánh mất bản tính của Ngài nơi con cái, nhưng chính con cái của Thiên Chúa, khi hiện hữu trong thế giới này, với những giá trị tinh thần Tạo hoá đặt để trong khối óc và con tim, đã chia rẽ lẫn nhau, đã phân chia cấp bậc và đối xử với nhau cách tàn nhẫn như thế. Tất cả đến từ cách lý luận theo kiểu thế gian, tôi sống, tôi làm việc và tôi được hưởng thụ những gì tôi làm ra, những gì tôi sở hữu và những gì tôi sẽ có trong tay. Họ đã quên đi một điều lớn lao như là trách nhiệm, là bên cạnh họ còn rất nhiều anh chị em đang thiếu thốn, không phải vì lười biếng, không phải vì vô dụng, cũng không phải vì muốn dựa dẫm, nhưng hoàn cảnh sống hiện tại của họ không thể nào xoay chuyển được, sự nghèo khổ và đói kém đó là do sự bóc lột và chèn ép của chính anh chị em của họ.
 
Có thể nói khi cuộc sống về thể lý của con người ngày càng phát triển thì cuộc sống về tinh thần ngày càng sa sút, bởi ảnh hưởng rất lớn từ chủ nghĩa hưởng thụ và dửng dưng. Nếu con người hôm nay ý thức được tình liên đới giữa con người với con người quan trọng như thế nào, và có tính quyết định cho bản thân đi vào sự sống đời sau, chắc chắn họ sẽ nhận ra được sự hiện diện của tha nhân bên cạnh mình, thế nhưng, họ đã không ý thức được điều đó bởi tấm màn của chủ nghĩa hưởng thụ đã che kín đôi mắt của những người giàu có. Phía trước cuộc đời của họ chỉ có cái tôi của mình, chỉ có duy nhất sự sống thể lý của mình, ngoài ra, không có ai là anh chị em trong gia đình chung là gia đình Thiên Chúa. Nếu vậy, có phải những người giàu có đang mang trong mình một trái tim bằng đá, một tâm hồn vô cảm, một vòng tay luôn khép kín bởi sự ích kỷ. Tạo Hoá cho con người quản lý mọi thứ trong công trình tạo dựng của Ngài, Ngài muốn họ luôn ý thức trách vụ đó để làm việc, để sống và để chia sẻ, đó là lúc họ làm cho trái tim mình thổn thức bởi sự thiếu thốn và đói nghèo của anh chị em mình. Khi con người dùng của cải mình có với sự cho phép của Tạo Hoá, họ có thể xây dựng một sự liên đới tình người trong cuộc sống, xây dựng được một gia đình huynh đệ của Thiên Chúa với sự cảm thông và chia sẻ.
 
Ngày hôm nay, chủ nghĩa hưởng thụ đó đang len lỏi vào những ngõ ngách của các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ. Chủ nghĩa đó tác động lên ý thức của mỗi người, nên họ chỉ biết sai khiến, chỉ biết ra lệnh và chỉ biết tiêu xài mà thiếu đi sự cảm thông, thiếu đi sự chung góp mọi cái cho gia đình, cho tổ ấm, để rồi khoảng cách từ trái tim đến trái tim giữa vợ và chồng không còn ngắn dần mà ngày càng xa dần, xa dần. Trái tim họ không còn trăn trở với những khó khăn của người bạn, người yêu trong gia đình nữa, mà chỉ còn biết có bản thân. Ngay cả con cái cũng thành nạn nhân cho sự vô cảm và dửng dưng đó. Chúng chỉ biết thừa lệnh làm việc và phục vụ, thiếu đi sự đồng hành và và hy sinh đến từ cha mẹ của chúng. Tất cả những yếu tố đó lớn dần theo thời gian, và gia đình trở thành một quán trọ trần gian không hơn không kém.
 
Khi một ai đó dám từ bỏ tính tham – sân – si để lên đường theo lời mời gọi của Thiên Chúa, chắc họ sẽ loại bỏ được những yếu tố đó trong cuộc sống, và sẽ cùng chung chia một đời sống mới, đời sống cộng đoàn. Nơi đó, có sự chia sẻ, nơi đó có sự quan tâm lẫn nhau và nơi đó không còn sự vô cảm hay tính dửng dưng nữa. Quả thực đó là một thiên đường hạ giới, nhưng sự thật không là như thế, dẫu biết rằng, là con người tất sẽ còn nhiều giới hạn, và sống chung với nhau là giúp nhau hoàn thiện bản thân bằng việc mài giũa những góc cạnh xù xì của cá tính, nhưng thực tế, lắm lúc những yếu tố rất con người kia còn hoành hành dữ dội hơn và nặng nề hơn, tất cả đến từ chủ nghĩa hưởng thụ, vì quyền bính, vì sĩ diện và vì tham vọng quá lớn của con người. Khoảng cách về thể lý giữa các thành viên trong cộng đoàn có thể rất gần như cổng nhà ông phú hộ với hoàn cảnh của anh chàng Lazarô, nhưng khoảng cách từ tâm hồn đến tâm hồn của các thành viên thì quá xa, thậm chí còn xa hơn khoảng cách từ tâm hồn ông phú hộ đến tâm hồn người nghèo kia, bởi trong tâm hồn, trong sâu thẳm con người của họ chưa thực sự có sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, họ không dám để cho tình yêu ngự trị tâm hồn họ thì làm sao họ có thể chia sẻ tình yêu đó cho tha nhân, cho các thành viên trong cộng đoàn, cho mọi người chung quanh.
 
Dửng dưng và vô cảm có thể nói là những yếu tố gây ra cái chết về tình người, tình huynh đệ. Lắm lúc con người thời nay đã tôn thờ nó như một ông hoàng, và để nói điều khiển cuộc đời của mình, vậy tình người làm sao có thể tồn tại được khi chủ nghĩa vô cảm đang xây cao những pháo đài giữa tương quan tình người?
 
Lạy Chúa, Ngài là tình yêu vô thuỷ vô chung, Ngài muốn mở những nhịp cầu cho tình yêu đó đến với mọi tâm hồn, mọi gia đình, xin cho chúng con được trở nên nhịp cầu đó, trở nên những chiếc máng cho tình yêu Thiên Chúa tuôn chảy vào trong thế giới này. Chúa mong muốn những hạt giống tình yêu đơm bông kết trái khởi đi từ tình người, xin cho chúng con cố gắng góp một phần nhỏ của mình bằng việc từ bỏ sự vô cảm, tính dửng dưng, để chúng con đến với tha nhân bằng tình người, bằng tình thương và bằng tình Chúa. Amen.
 
Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tiền
Sưu tầm


Cách đây mấy năm, một nguyệt san xuất bản tại Luân Đôn có yêu cầu độc giả đưa ra một định nghĩa về tiền bạc và cho biết độc giả nào đưa ra câu định nghĩa hay nhất sẽ được trọng thưởng. Toà soạn đã nhận được hàng ngàn câu định nghĩa khác nhau và đây là câu định nghĩa đã trúng giải nhất: Tiền bạc là giấy thông hành đại đồng, với nó chúng ta có thể đi bất cứ nơi đâu trên thế giới này ngoại trừ lên thiên đàng là không được. Với nó, chúng ta có thể mua sắm mọi sự, trừ hạnh phúc là không thể được.

Thật là một câu định nghĩa chí lý, nó diễn tả một sự thật mà chúng ta thường quên, hay biết mà giả điếc làm ngơ không muốn nghĩ tới và cũng không muốn nghe nói tới. Nó cũng giúp giải thích lý do tại sao người giàu tiền bạc và của cải vật chất lại khó được ơn cứu độ hay thường đánh mất đi ơn cứu độ của mình.

Từ câu định nghĩa trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay và chúng ta nhận thấy: Ladarô không phải vì nghèo mà được vào thiên đàng, còn ông phú hộ không phải vì giàu mà bị sa hoả ngục. Đúng thế, Ladarô được hạnh phúc chắc hẳn là vì anh đã không oán trách và mất đi niềm tin của mình vào Thiên Chúa, dù phải sống trong cảnh khốn cùng. Còn ông phú hộ đã đánh mất ơn cứu độ chỉ vì ông ta đã sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình và ăn chơi hưởng thụ đến độ không còn nhìn thấy hay giả bộ không nhìn thấy để khỏi phải trợ giúp cho Ladarô.

Và như thế tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa hoàn toàn khác xa với tư tưởng và đường lối của người đời, bởi vì người đời coi danh vọng, tiền bạc và thành công là bảo đảm của ơn cứu độ để rồi không cần và không trông đợi gì nơi Thiên Chúa nữa. Trong khi đó, đối với Thiên Chúa thì chỉ có người nghèo, người biết sống theo quan niệm của Ngài, người có được cái nhìn của Ngài mới là những cộng sự viên cần thiết mà thôi. Chỉ có người biết sống theo tình thần nghèo khó, nghĩa là luôn ý thức những hạn hép và bất toàn của mình, không tự cứu rỗi được, nên phải mở rộng cõi lòng đón nhận ơn Chúa, cậy dựa vào lòng thương xót của Ngài là được cứu rỗi.

Và trong ý nghĩa đó, người có nhiều tiền của cũng có thể là người nghèo và được cứu độ vì đã biết sống theo tinh thần của Chúa, liêm chính trong công ăn việc làm, quảng đại chia sẻ tiền bạc vật chất cũng như tinh thần cho anh em. Đồng thời kẻ không có một đồng xu dính túi cũng vẫn có thể là người giàu vì tâm hồn bất chính, ích kỷ và kiêu căng, cậy dựa vào sức riêng của mình không cần đến Chúa và ơn thánh của Ngài. Bởi đó hãy hoán cải ngay từ bây giờ bởi vì giây phút hiện tại mới thực là quan trọng, nó chính là thời điểm duy nhất chúng ta có thể sống như chúng ta muốn và xây dựng cho tương lai vĩnh cửu một cách hữu hiện nhất, vì ngày mai phải được bắt đầu từ ngày hôm nay.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...