Chúa Nhật XXX Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XXX Thường Niên - Năm C   Nghe MP3:     Ca nhập lễ Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của
 

Nghe MP3: 

  

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.

Dẫn nhập Thánh lễ:

Anh chị em thân mến! Tuần trước Chúa Nhật XXIX Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện trong tinh thần kiên trì và phó thác. Hôm nay Chúa Nhật XXX TN năm C, Chúa muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta phải cầu nguyện với lòng khiêm tốn như người thu thuế và xác nhận con người được công chính là nhờ chương trình của Chúa, chứ không phải do công lao của mình. Nhìn lại bản thân của mỗi người, chúng ta chỉ là một tạo vật nhỏ bé trong vũ trụ bao la, một con người với biết bao lầm lỗi, có làm được điều gì tốt lành thì cũng là do ơn Chúa ban. Chính nhờ lòng khiêm tốn mà lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Thiên Chúa xót thương và nhận lời. Chúng ta cùng  cúi đầu chân thành nhìn lại những thiếu xót, những lầm lỗi, thiết tha dâng lên Chúa tấm lòng tan nát khiêm cung, xin Chúa xót thương tha thứ để xứng đáng cử hành các Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Hc 35, 15b-17. 20-22a

"Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây".

Trích sách Huấn Ca.

Chúa là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van.

Nỗi hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Ðấng Tối Cao đoái nhìn. Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 17-18. 19 và 28

Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).

Xướng: Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. 

Xướng: Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. 

Xướng: Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. 

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 16-18

"Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 9-14

"Người thu thuế ra về được khỏi tội".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy luôn nhớ mình chỉ là hư vô, để trong mọi sự, chúng ta biết hoàn toàn lệ thuộc và qui hướng vào Chúa, như nguyên nhân và cùng đích của chúng ta. Hiệp với toàn thể Hội Thánh chúng ta tha thiết khẩn nài Chúa chấp nhận những ước nguyện của chúng ta :

1. “Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường lọt vào tận các tầng mây” - Xin cho Đức Hoàng, các Giám mục, các Linh mục luôn ý thức trách nhiệm đặc biệt của các ngài, là dâng lời cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh và xã hội, cần thực hiện trong tinh thần khiêm tốn để Chúa lắng nghe.

2. “Cha đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin” - Xin cho các Kitô hữu luôn noi gương Thánh Phaolô tông đồ, nhìn nhận phận yếu hèn của con người, mà biết gắn bó với Đức Kitô để được trung thành trong đức tin và bước theo Chúa đến cùng.

3. “Ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống” - Xin Chúa thức tỉnh lương tâm các nhà lãnh đạo các Quốc Gia, để họ bớt kiêu căng, chấm dứt chạy đua vũ trang và biết dùng tiền của, sức lực mà kiến tạo một thế giới thịnh vượng và an bình

4. “Xin thương xót tôi là kẻ có tội” - Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, nhận thức được tình trạng tội lỗi của mình như người thu thuế, để mau mắn canh tân cuộc sống trong tâm tình khiêm tốn, cậy trông và yêu mến chân thành.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giúp chúng  con biết xử dụng muôn hồng ân Chúa ban, trong tâm tình biết ơn và tránh những tư tuởng, hành vi tự mãn, tự tôn hoặc những mặc cảm tự ti buồn tủi, để chúng con luôn là dấu chỉ của niềm vui, sự hiệp nhất và phục vụ chân thành. Chúng con cầu xin….

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.

Hoặc đọc:

Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời...

Suy niệm

THẬT ĐÁNG THƯƠNG!
(Chúa Nhật XXX TN C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Giêsu Nagiaret quả là một tôn sư không chỉ to gan mà còn quá bạo phổi. Pharisiêu, một nhóm người được xem là đạo hạnh, đáng trọng kính theo cái nhìn của người đương thời, thế mà bị đem ra để đối trọng với thế bại trận trước phường thu thuế đáng khinh, đáng phỉ nhổ. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (một người thuộc nhóm Pharisiêu và người kia thì làm nghề thu thuế) mà Chúa Giêsu kể chắc hẳn khiến nhiều người lúc bấy giờ tức anh ách.

Người ta thường khuyên nhau rằng viết thì phải lách, dạy thì phải dỗ, nghĩa là nhẹ nhàng, từ tốn thì sẽ đạt hiệu quả, còn cứ nói, cứ viết trực diện theo kiểu thẳng tàu ruột ngựa thì khó mà đạt kết quả như ý mà nhiều khi còn chuốc lấy thất bại. Thế nhưng, tư tưởng của Thiên Chúa thì vượt quá tư tưởng nhân loại chúng ta, đường lối của Người cũng hoàn toàn khác xa đường lối của chúng ta. Bỏ trời cao, xuống thế gian này “để làm chứng cho sự thật”, Chúa Kitô không ngại ngần tỏ bày những chân lý thoạt nghe qua rất đỗi “chối tai”. Một chân lý được tỏ bày khi mà người nói đã sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả xấu xa hay tồi tệ xảy đến cho mình thì chân lý ấy quả là quan trọng và cần thiết biết bao cho người nghe. Và cái chân lý của câu chuyện dụ ngôn “hai người lên đền thờ cầu nguyện” đã được thánh sử Luca nói rõ: “Khi ấy, Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê kẻ khác” (Lc 18,9). Và người số người này sẽ không được nên công chính (x.Lc 18,14). Xin cùng xét xem đôi nét “đáng thương” của ngài biệt phái trong câu chuyện dụ ngôn.

Trước hết chúng ta cần khẳng định rằng “công trạng” hay có thể nói là “đức độ” của vị biệt phái quả là đáng khâm phục, vì vượt xa đức độ cũng như công trạng của nhiều người. Giữ mình khỏi những hành vi xấu xa như trộm cắp, ngoại tình và những việc bất chính cũng đã là một nỗ lực rất đáng khen. Vị biệt phái này còn ăn chay mỗi tuần hai lần trong khi luật Do Thái chỉ buộc ăn chay một ngày trong năm đó là ngày Lễ chuộc tội. Vị này cũng đã dâng một phần mười tất cả các khoản thu nhập để tỏ lòng kính sợ Chúa, tạ ơn Chúa (x.Đnl 14,22-23), để nuôi hàng Tư tế, các thầy Lêvi, những người ngoại kiều, cô nhi quả phụ (x.Đnl 14,28-29; 26,10-11). Và việc thưa trình với Thiên Chúa những gì mình đã làm cũng là chính đáng và hợp luật (x.Đnl 26,12-15). Dù không quá đáng ghét, nhưng vị biệt phái “đạo đức” này vẫn là “kẻ đáng thương” như thánh sử Luca nói từ đầu câu chuyện dụ ngôn.

- “Kẻ đáng thương!”: Với thế dáng đứng thẳng của vị biệt phái mà câu chuyện dụ ngôn kể nói lên sự lầm tưởng của ông ta. Khi vị biệt phái tự hào cho mình là người công chính thì ông lầm tưởng rằng những gì ông đạt được là do bởi công sức và đức độ của mình. Phận bình sành, lọ đất mà dám lên mặt với người thợ gốm sao? Vị Pharisiêu này  đứng thẳng mà không nhìn lên Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên ông ta từ cõi hư vô. Ông lại còn nhìn ngang nhìn ngửa, nhìn trước nhìn sau để chứng tỏ công trạng của mình. Ông đã dùng người anh em thu thuế đứng đằng sau làm tấm bình phong để tự tôn mình lên.

Biết bao lần chúng ta đã đặt mình vào tình trạng “kẻ đáng thương” hay “đồ đáng thương” vì lầm tưởng về các khả năng hay công trạng mình đang có. Vì cái lầm này khiến chúng ta quên đi chân lý nền tảng đó là ngay sự hiện hữu của chúng ta ở đời này là do lãnh nhận. Quả thật chẳng có một ai trong nhân loại đã bỏ ra chút công sức hay của tiền để được làm người, để được chào đời. Nếu ý thức và chân nhận sự sống, sự hiện hữu của mình là do lãnh nhận thì chúng ta sẽ chẳng có lý do gì để tự cao, tự đại về những thành quả hay thành công đạt được cách này cách khác, mặt này, mặt kia. Thánh Phaolô khẳng định : “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? (1Cr 4,7). Nếu Chúa không nâng đỡ thì không ai có thể tồn tại và phát triển. Không có ơn Chúa thì chúng ta sẽ chẳng làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Sự lầm lẫn khiến người biệt phái đã xa rời sự thật nền tảng này.

- “Người được xót thương”: Dữ kiện người thu thuế không dám tiến gần chính điện, cũng không dám ngước mặt lên trời muốn khẳng định thái độ khiêm nhu nhìn nhận sự bất xứng, bất toàn của anh. Anh lại còn đấm ngực thú nhận thân phận tội lỗi của chính mình. Với thái độ khiêm nhu, người thu thuế đã sống trong sự thật. Và sự thật đã giải thoát anh (x.Ga 8,32). Anh ra về và được nên công chính, nghĩa là đã được Chúa xót thương.

Có phải Thiên Chúa không thương xót người biệt phái chăng? Có thể trả lời cách không sợ sai lầm rằng Thiên Chúa xót thương hết thảy mọi người. Vị biệt phái không nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ vì ông ta không thấy mình cần được xót thương. Nước mưa từ trời tuôn đổ xuống nhưng cái nắp chai không được mở ra thì chai vẫn mãi rỗng không. Khi khiêm hạ nhìn nhận sự thật của mình, người thu thuế đã mở rộng tấm lòng và ông đã đón nhận được tình xót thương của Thiên Chúa.

Tác giả Thánh Vịnh khẳng định rằng Thiên Chúa nhậm lời kẻ nghèo hèn khẩn xin (x.Tv 33). Những tâm hồn tan nát khiêm cung là những người biết nhìn nhận sự thật. Chẳng phải họ có công trạng gì hơn người khác nhưng hoàn cảnh bi đát đau thương là một điều kiện thuận lợi để họ sống trong sự thật, đó là loài người tuy cao cả nhưng lại mong manh và bất toàn. Trái lại, một khi chúng ta thành công hoặc đạt được những kết quả mặt này mặt kia thì chúng ta dễ bị cám dỗ sinh tự mãn, tự kiêu. Người tự kiêu, tự mãn không chỉ lên mặt coi thường tha nhân mà vô tình hay hữu ý còn bất cần cả Thiên Chúa.

Giúp nhau nhìn nhận sự thật: “chúng ta là loài được dựng nên; sự sống, các khả năng của chúng ta là do lãnh nhận”, và giúp nhau can đảm sống trong sự thật: “chúng ta vốn mỏng manh và bất toàn”, chính là một phương thế tuyệt hảo đưa nhau ra khỏi tình cảnh “kẻ đáng thương” để trở thành “người được xót thương”. Nói như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đó là sống bác ái trong chân lý bằng việc nói lời sự thật trong tình thương. Thiết nghĩa rằng đây là một phương thế truyền giáo đẹp lòng Chúa Kitô, vì chúng ta dõi theo chân Người, Đấng đã từng khẳng định trước Philatô rằng mình bỏ trời xuống thế gian là để làm chứng cho sự thật và chỉ có sự thật mới giải thoát nhân loại chúng ta (x.Ga 18,37).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Suy niệm Chúa nhật 30 mùa Thường niên – Năm C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 18, 9-14)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
 
Suy niệm
 
Bước vào tuần lễ thứ 30 mùa Thường niên, Phụng vụ Lời Chúa mời chúng ta trở lại với tâm tình tôn giáo của chính mình, đặc biệt là tâm tình thờ phượng Thiên Chúa mỗi ngày. Câu chuyện trong bài Tin Mừng Chúa nhật này trình bày tâm tình tôn giáo của hai con người, một người Biệt phái, một người thu thuế, đại diện cho hai thành phần trong cộng đoàn, hơn nữa, còn nói lên tinh thần sống đạo của con người thời nay với hai cách trái ngược nhau.
 
Tâm tình khiêm tốn vẫn mãi là một nét đẹp trong cuộc đời của mỗi người, do đó, trong đời sống tôn giáo của con người rất cần đến tâm tình đó. Hình ảnh của một con người khiêm tốn được tác giả sách Châm ngôn đề cập đến rất nhẹ nhàng nhưng rất ý nghĩa. “Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Ðấng Tối Cao đoái nhìn”. Lời cầu nguyện của họ luôn được Thiên Chúa quan tâm, luôn được Ngài đón nhận khởi đi từ tâm tình khiêm tốn đó. Của lễ đâu quan trọng cho bằng tấm lòng, Thiên Chúa đợi chờ nơi con người một tâm tình chân thành và khiêm tốn, để Ngài ban ơn, để Ngài giữ gìn và để Ngài bảo vệ. Nếu mỗi ngày tâm tình này được song hành với những lời cầu nguyện từ niềm tin và lòng mến, chắc nhân loại sẽ vơi đi bao nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần, nhưng vì tham vọng và ích kỷ, nên nhân loại vẫn mãi đắm chìm trong những nỗi niềm của tội lỗi.
 
Khi con người nhận ra được sự trống trải trong cuộc sống khi không có Thiên Chúa, và họ chạy đến với Ngài để tìm sự bình an, tất họ sẽ gặp Ngài đang đợi chờ như người cha đang chờ đợi đứa con trở về. Tâm tình của thánh Phaolô khi trở về với Thiên Chúa trong sự khiêm tốn, đã được Thiên Chúa đón nhận, rồi từ đó, cuộc đời của Ngài bước sang một trang mới và hình ảnh Thiên Chúa luôn ẩn hiện trong từng bước chân cuộc đời của Ngài. Cảm nghiệm được hồng ân đó, thánh nhân đã chia sẻ với thánh Timôtheu trong lá thư gởi cho người đồ đệ thân tín: “Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời! Amen”. Tâm tình khiêm tốn của một con người được yêu luôn làm hài lòng Đấng đang yêu mến mình. Thánh Phaolô luôn thấy mình được may mắn, được yêu và được giải thoát khỏi mọi sự dữ trong cuộc đời, tất cả khởi đi từ sự khiêm tốn và chân thành.
 
Câu chuyện trong bài Tin Mừng được thánh Luca ghi lại từ bài giáo huấn của Đức Giêsu để lại cho chúng ta nhiều tâm tình sống đạo mỗi ngày. Hai nhân vật xuất hiện trong bài Tin Mừng là một người Biệt phái và một người thu thuế. Cả hai là những thành phần được quan tâm trong xã hội, một người thuộc nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo, am tường lề luật, sống nghiệm nhặt và là những người hướng dẫn cộng đoàn sống tâm tình tôn giáo. Còn người kia là thành phần làm việc cho đế quốc trong ngành thuế, bị cộng đoàn xa lánh và khinh dể. Thế nhưng, khi cả hai bước vào đền thờ, họ đã ý thức mình là con người cần đến sự nâng đỡ của Thiên Chúa, tiếc thay, cách trình bày tâm tình tuỳ thuộc của bản thân vào Thiên Chúa thì trái ngược nhau. Người biệt phái khởi đầu với lời tạ ơn rất chân thành, nhưng sau đó, ông ta kể lể về những gì bản thân đã làm được, đã tích góp được, điều đặc biệt là ông ta coi thường tha nhân, khinh dể người khác, cho mình thánh thiện, công chính và tha nhân là những thành phần xấu xa, tội lỗi: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Thái độ phân biệt và khinh dể đó là nguyên nhân dẫn đến lời cầu nguyện của ông ta không được Thiên Chúa đón nhận. Còn người thu thuế kia, dù đã và đang nhận chịu nhiều lời thị phi từ mọi người, bởi đó chỉ là kế sinh nhai, nhưng không vì thế mà ông ta chai lì với tội lỗi, trái lại, ông luôn chân nhận sự yếu đuối và tội lỗi của mình, từ thẳm sâu tâm hồn, ông luôn trăn trở với sự bất toàn của mình, để rồi khi trình bày với Thiên Chúa, ông chỉ biết thưa lên: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Tâm tình khiêm hạ của người thu thuế đã được Thiên Chúa đón nhận và lời cầu nguyện của ông ta cũng được chấp nhận. Hai con người cùng vào đền thờ cầu nguyện, cùng đến với một Thiên Chúa tình yêu, cùng đến với một người cha, nhưng tâm tình mỗi người khác nhau và lời cầu nguyện của họ cũng khác nhau, do đó, khi ra về, người thì được Thiên Chúa đón nhận và chúc lành, kẻ thì bị từ chối và không được chúc lành. Hình ảnh và tâm tình của hai nhân vật trên đang phản ánh tâm tình sống đạo của con người hôm nay, lắm lúc mặc lấy chức vị là Kitô hữu, nhưng không thiếu những người đã đảo lộn những giá trị tinh thần trong cuộc sống, thay vì những lề luật là phương tiện và bảng chỉ dẫn cho con người đến với Thiên Chúa thì họ coi đó là cứu cánh, thay vì tìm đến với Thiên Chúa là cứu cánh, họ đã biến Ngài thành phương tiện để đạt được mục đích cuộc đời. Thay vì cầu xin Thiên Chúa chấp nhận con người tội lỗi và yếu đuối của mình để được tha thứ và yêu thương, thì họ đòi hỏi Thiên Chúa phải chứng nhận cho những công việc đó, để họ trở thành người công chính và được cứu độ.
 
Sống trong một xã hội mà vật chất, quyền bính luôn được đề cao thì tâm tình khiêm tốn luôn bị liệt vào hàng thứ yếu và lắm lúc không cần thiết. Bởi xu hướng đó đang thấm nhập vào cuộc sống của con người, trong đó có người Kitô hữu, nên trong mọi sinh hoạt của các tín hữu, phần nào ít nhiều bị ảnh hưởng là điều tất yếu. Là một người có địa vị và của cải dư dật, làm sao tôi có thể đón nhận và làm bạn với những người nghèo khổ và bệnh tật được? Là một người tri thức, làm sao tôi có thể lắng nghe và cảm thông với những người thất học và tri thức ngắn được? Tất cả những yếu tố đó đã và đang ăn sâu vào trong suy nghĩ của người tín hữu Kitô. Do đó, khi đến với Thiên Chúa, họ cũng mang theo tư tưởng đó, trình bày với Thiên Chúa và yêu cầu Ngài chấp nhận để họ được công chính, được cứu độ. Hơn nữa, họ còn bước qua những đau khổ và thiếu thốn của tha nhân để đến với Thiên Chúa như một người công chính. Những con người đó đang đi vào vết xe đổ của người biệt phái năm xưa, người đã bị Thiên Chúa từ chối lời cầu xin. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những con người còn ý thức về thân phận của mình trước mặt Thiên Chúa, sống khiêm tốn với tha nhân, đặc biệt với Thiên Chúa, không kể lể, không so đo, không tính toán, không vụ lợi, luôn biết mình, biết người để sống tử tế từng ngày.
 
Xã hội là như thế tất sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến trong mọi sinh hoạt của gia đình. Là cha là mẹ, là vợ là chồng, mỗi người có một ơn gọi riêng và trách vụ riêng được mời gọi và trao phó, có bao người ý thức được điều đó để sống phó thác vào một Thiên Chúa tình yêu, một người cha hết mực yêu thương con cái của Ngài, hay chỉ biết than thở, chỉ biết đòi hỏi, nếu làm được việc gì cho tha nhân, tức khắc yêu cầu Thiên Chúa ký nhận vào sổ để thành người công chính và đạo đức. Đời sống tôn giáo là con đường giúp con người tiếp cận Thiên Chúa và giúp họ nhận ra chính mình, thế nhưng, con người đã biến đó thành phương tiện để đạt được cứu cánh là thoả mãn sự ích kỷ của bản thân.
 
Trong đời sống dâng hiến cũng không thiếu những người biệt phái kiêu căng đang ẩn hiện đâu đó, lắm lúc chỉ vì một chút tham vọng mà sẵn sàng khinh thường những thành viên bên cạnh, hoặc có một chút tài năng để phục vụ tha nhân, thì đã dùng chính khả năng đó để chì chiết và khinh dể người khác. Đau khổ nhất trong đời dâng hiến là luôn thực hiện tham vọng của người nào đó mà bản thân không còn thời giờ để sống tâm tình tu trì, không còn thời giờ để sống với Chúa, hơn nữa là không còn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong ơn gọi sống cộng đoàn và trong tha nhân.
 
Trong dòng chảy của Giáo hội cũng không thiếu những con người mang trong mình suy nghĩ của người biệt phái trên, họ đòi hỏi, yêu sách Thiên Chúa phải đáp ứng những khó khăn trong đời sống phục vụ, để được trải nghiệm cuộc sống theo phong cách của thế gian. Cũng không thiếu những chứng nhân Tin Mừng sống phản chứng giữa lòng nhân loại, để lại những vết thương lòng luôn chảy máu. Nếu như mỗi thành viên trong gia đình giáo hội luôn mặc lấy tâm tình của người thu thuế là khiêm tốn, là biết cúi mình trước tình thương của Thiên Chúa, chắc chắn thế giới này sẽ im tiếng súng, các bệnh viện bớt đi rất nhiều các bệnh nhân, các nhà trẻ mồ côi sẽ ít dần và không còn những nghĩa trang thai nhi mọc lên với những nấm mồ lạnh cóng tình người, tình gia đình.
 
Lạy Chúa Giêsu, vâng lời Chúa Cha, Ngài đã xuống trần gian để cứu độ nhân loại trong sự khiêm tốn, Ngài muốn gởi đến cho chúng con bài học của sự khiêm tốn cần có trước mặt Chúa Cha, để được yêu thương và tha thứ. Xin cho mỗi người chúng con, luôn biết cố gắng chấp nhận sự yếu đuối và bất toàn của chúng con, để mỗi người sống khiêm tốn hơn với Thiên Chúa và tha nhân. Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của người thu thuế bởi ông ta chỉ biết cúi đầu cầu xin trong phận người tội lỗi, xin giúp mỗi người chúng con học bài học khiêm hạ đó, để biết cúi đầu trong phận người tội lỗi, để được Chúa đón nhận lời cầu xin mỗi ngày, hầu giúp chúng con sống bình an trong vòng tay của Chúa. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Con mắt
Lm. Vũ Đình Tường

Mắt là đèn soi cho chúng ta. Mắt giúp quan sát, nhìn sự việc. Có người ví von mắt là cửa sổ của tâm hồn. Rất nhiều trường hợp hai người cùng quan sát một sự việc, cùng dùng mắt kết quả nhìn khác nhau. Trường hợp hai người nghe cùng câu chuyện do một người kể, kết quả nhận định khác nhau. Tai, mắt hay ngũ quan không nắm vai trò chủ động trong mọi quyết định. Mắt thấy, tai nghe là bước mở đường cho bước kế tiếp đưa đến phán đoán. Khi phán đoán tai mắt đóng góp bao nhiêu phần trăm?

NHÌN KHÁC NHAU

Điều chắc chắn hầu như mọi biến cố quan trọng trong đời mỗi người nhìn một cách khác nhau, nhận định sự việc khác nhau mặc dù họ nhìn chung một sự kiện, nghe cùng một câu chuyện, do một người kể nhưng phán đoán mỗi người mỗi khác. Mắt giúp quan sát, nhìn đi nhìn lại cũng chỉ rõ bên ngoài, không thấu suốt nội tình, bên trong. Phán đoán dựa vào quan sát bên ngoài để đoán những gì bên trong đưa đến kết quả có thể là đúng cũng có thể sai. Bởi vì đoán nên không thể quả quyết. Khi quả quyết thì không còn đoán. Nếu đoán thì không thể xác quyết vì có thể còn những chuẩn đoán chính xác hơn, hợp lí hơn.

XÉT MÌNH

Phúc âm đưa ra trường hợp hai người cầu nguyện trong đền thờ. Một được Chúa nhận lời; một không. Cả hai cùng xét mình, nhìn lại cách ăn, nết ở trong thời gian qua. Trong thánh điện kết quả xét mình của hai người đối nghịch nhau.

Một đứng thẳng, ưỡn ngực cầu nguyện; một cúi mặt, đấm ngực ăn năn.

Một đứng gần gian cung thánh; một xa tít cuối đền thờ.

Một tự hào ăn ngay, ở lành; một hối hận vì tội đã phạm.

Một vỗ ngực tự xưng công chính giữ trọn luật; một đấm ngực ăn năn xin Chúa xót thương.

Cả hai đều nhìn vào chính mình, nhận xét về chính mình, cầu nguyện trong đền thờ. Người tự nhận là tội nhân được tôn vinh; người tự tôn vinh bị hạ xuống.

HAI NGỘ NHẬN

Tự nhận mình công chính là một ngộ nhận lớn, bắt nguồn từ kiêu hãnh, tự phụ. Thực thi đức ái và giữ trọn luật là nhiệm vụ chung mọi thành phần trong xã hội, không trừ ai. Làm xong, làm tốt nhiệm vụ được coi là công dân tốt. Trong Giáo Hội họ là người đầy tớ khôn ngoan và trung thành. Hoàn thành nhiệm vụ không biến ta thành công chính. Ta trở nên công chính nhờ Đức Kitô. Nói theo ngôn ngữ Phúc âm hôm nay ta được công chính hoá nhờ lòng thương xót Chúa.

'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi'.

Nhờ thành tâm thống hối, đấm ngực ăn năn sấp mình trước Thánh Nhan xin chúa thương xót để trở nên công chính. Như thế công chính hoá không phải do tài năng con người tự kiếm mà là đặc ân Chúa ban do khiêm nhường, thống hối, thành tâm và tạ ơn.

Khiêm nhường là con đường mở thêm lối đi dẫn ta đến cùng Chúa, đưa ta tới tha nhân. Kiêu ngạo là con đường một chiều, không ngã rẽ. Đường dài mấy cũng có cuối đường. Như thế kiêu ngạo là con đường cụt, đường dẫn đến sự chết. Người đi đường cụt bị tắc nghẽn nơi cuối đường. Không lối thoát.

Ngộ nhận thứ hai của ngưòi tự nhận công chính là soi mói, buôn điều. Không biết đang đi trên đường cụt. Đến khi nhận ra đã cuối ngày. Kiêu ngạo, tự phụ che mất đường công chính. Tôn mình lên cao đến nỗi chỉ nhìn thấy người, còn mình thì không. Dùng quá nhiều thời gian kháo chuyện thiên hạ. Hãy nghe anh ta nói: 'con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia'.

Trong lời cầu anh nhắc đến tạ ơn. Tạ ơn chân thành luôn đi với khiêm tốn. Thiếu lòng thành việc tạ ơn chỉ là môi mép. Người tự phụ không cần Chúa vì tin vào khả năng mình.

Nhắc đến việc tốt lành: ăn chay mỗi tuần hai lần và công đức mười phần trăm mức thu nhập.

Không thấy anh nhắc đến việc thương người nghèo, cho kẻ đói ăn, khát uống. Không nhắc đến thăm người đau yếu bệnh tật. Những người này không có trong đời của anh có lẽ vì 'con không như bao kẻ khác'

PHÚC HỌA

Ngộ nhận xảy ra cho mọi thời đại. Thiếu cẩn trọng phúc biến ra hoạ, rơi vào ngộ nhận.

Thay vì đi xét mình, xét tội mình thì kháo tội người, buôn điều, chỉ trích, phê bình người khác. Tưởng như thế là giúp người, làm đẹp lòng Chúa. Lỗi lầm dễ mắc phải, xét tội người khác, cáo lỗi người khác tưởng làm như thế là làm phúc, giúp người trở về đường ngay nẻo chính.

Chê người là tự phong cho mình hay hơn.

Nói xấu người là tự cho mình tốt hơn.

Chỉ trích người là tự nhận mình đúng, người sai.

Làm thế là tự hại chính mình, đang chích cho mình liều thuốc Pharisiêu.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...