Chúa Nhật XXXI Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XXXI Thường Niên - Năm C     Nghe MP3:  Ca nhập lễ Lạy Chúa, là Thiên Chúa tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là
 

Nghe MP3: 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Dẫn nhập Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Một phép lạ chữa lành hay một cuộc trở lại đặc biệt đối với Đức Kitô, không chỉ có nghĩa là những hành vi đơn giản về lòng thương xót, nhưng còn mang tính cách tiên tri, từ vị Tiên Tri số một là Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, cuộc trở lại của Giakêu đọc lên cho chúng ta nghe một giáo huấn đẹp về lòng thương xót của Thiên Chúa, về chỗ đứng của người tội lỗi trong chương trình cứu độ, về chiều kích mầu nhiệm mà cửa tâm hồn nào mở ra đón nhận Đức Kitô đều có thể đạt tới.

Chúng ta có thể cho rằng: Giakêu con người tội lỗi nhưng chúng ta cũng thật bất xứng muôn nghìn lần, nhưng Chúa đã mở đường đến với chúng ta, cho chúng ta tham dự vào phần phúc muôn đời, miễn là chúng ta biết mau lẹ đáp lại tiếng Chúa.

Vì thế, giờ đây chúng ta hãy can đảm đi ngược dòng đời như Giakêu bằng lòng thống hối ăn năn, để đón nhận Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Kn 11, 23 - 12, 2

"Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật".

Trích sách Khôn Ngoan.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.

Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.

Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào! Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (x. c. 1).

Xướng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. 

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. 

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

Xướng: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. 

Bài Ðọc II: 2 Tx 1, 11 - 2, 2

"Danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Anh em thân mến, nhân về ngày trở lại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày Chúa gần đến.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 1-10

"Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sự lưu tâm và lòng yêu thương chân thành sẽ là khí cụ sắc bén nhất để cải hóa người khác. Chúng ta hãy thực hiện để đưa nhiều người về cho Chúa. Muốn được thế chúng ta dâng lời cầu xin :

1. "Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật” - Xin cho các Mục tử sống gắn bó với Chúa, để công tác mục vụ, lời giáo huấn và cuộc gặp gỡ của các ngài với mọi người, sẽ là lời mời gọi và là sức mạnh thần linh lôi cuốn con người đến với Chúa.

2. “Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em” - Xin cho các tín hữu, biết sống trọn vẹn vai trò chứng nhân Chúa Kitô giữa lòng thế giới, để đời sống của họ không cản trở, nhưng làm cho nhiều người vào trong Hội Thánh Chúa.

3. “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ” - Xin cho lời Chúa phán thể hiện nơi mọi tâm hồn trong giáo xứ chúng ta, để máu Chúa Kitô đổ ra không nên vô ích nhưng đem lại ơn cứu độ.

4. “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”- Xin cho các tội nhân biết mau mắn chỗi dậy trước mọi trở ngại, do chính bản thân hay ngọai cảnh, để mau mắn trở về với Chúa trong một quyết định can trường và quảng đại.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin hãy đến nhà linh hồn chúng con, để sự hiện diện của Chúa là năng lực biến đổi chúng con nên thánh đức, cho mọi người nhận ra đời sống mới nơi chúng con, mà ca ngợi Thiên Chúa và tin vào ơn cứu độ, Chúa hằng sống hiển và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin....

Suy niệm

Đổi đời
Sưu tầm

Trong cuộc sống, có nhiều người đã thoát xác, đã đổi đời một cách bất ngờ để trở nên tốt lành và thánh thiện.

Phanxicô Borgia đã từ bỏ chức vị tại triều đình khi đứng trước thi thể rữa thối của hoàng hậu Isabella. Phanxicô Xaviê đã trở nên một vị tông đồ Á châu chỉ vì lời Kinh Thánh mà Ignatio không ngừng nhắc đến mỗi khi gặp gỡ: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích lợi chi. Magueritte de Cortone đã xa lìa nếp sống tội lỗi và trở nên một vị thánh trước cái chết của người tình. Và ngày hôm nay, ông Giakêu cũng đã thực hiện một cuộc đổi đời, một cuộc thoát xác như thế.

Thực vậy, khi trèo lên cây sung để nhìn xem Chúa Giêsu, có lẽ ông chỉ muốn thoả mãn tính tò mò của mình cứ chẳng có nghĩ ngợi xa xôi gì. Thế nhưng thật bất ngờ là sự việc tưởng như vô nghĩa này đã đưa ông đi rất xa, đánh dấu một khúc quanh, mở ra một huyết mới có tính cách quyết định toàn bộ cuộc đời của ông.

Từ đó chúng ta nhận thấy Chúa thường đến với chúng ta, thường bước vào cuộc đời chúng ta một cách bất ngờ, bằng những con đường đầy bí ẩn, hầu dẫn chúng ta tới những nơi thật xa lạ. Ngài luôn chủ động, đưa ra sáng kiến và chọn lựa chúng ta như lời Ngài đã phán: Không phải các con chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con.

Phần chúng ta là phải nắm lấy cơ hội một cách đúng lúc, chấp nhận sáng kiến của Chúa và cùng bước đi với Ngài trên nẻo đường Ngài đã mở ra. Điều quan trọng đó là đừng lỡ hẹn với Ngài. Bởi vì cơ hội bỏ qua sẽ không bao giờ trở lại.

Nếu như ngày hôm nay, ông Giakêu không muốn xem thấy Chúa hay không đón nhận Ngài đến thăm nhà ông, thì có lẽ đã chẳng xảy ra sự gì, để rồi ông mãi mãi vẫn là một người thu thuế, mải mê làm giàu một cách bất chính. Thế nhưng ngày hôm nay, một con đường mới đã mở ra cho ông, một cuộc sống mới đã bùng lên trong ông và một con người mới được khai sinh nơi cõi lòng ông. Cuộc đổi đời của ông đã diễn ra tức khắc và triệt để.

Tức khắc bởi vì ông không xin được gia hạn, được trì hoãn, và bởi vì ông biết rằng nếu không thực hiện ngay hôm nay, ngay lúc này thì cũng sẽ chẳng bao giờ thực hiện được.

Triệt để bởi vì ông sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả của cuộc hoán cải: chia tài sản cho người nghèo túng, đền bù gấp bốn cho những thiệt hại mình đã gây nên. Cuộc hoán cải nào cũng có cái giá phải trả. Có sẵn lòng trả thì mới là hoán cải thực sự.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã quyết tâm trở lại với Chúa biết bao nhiêu lần, nhưng có lẽ chưa một lần chúng ta đã trở lại thật sự với Ngài. Phải chăng, vì sợ phải trả cái giá đắt ấy mà chúng ta cứ còn trì hoãn, và thoái thác mãi.


Suy niệm Chúa nhật 31 mùa Thường niên – Năm C  
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh   

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 19, 1-10)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.
 
Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".
 
Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".
 
Suy niệm
 
Khi những ngày cuối của năm phụng vụ đang dần trôi qua, Mẹ Giáo hội mời gọi con cái hãy nhìn nhận lại hành trình đức tin của bản thân, để thấy những lầm lỗi, những thiếu sót đối với Thiên Chúa, với tha nhân. Trong hành trình đó, rất nhiều lần chúng ta đã nhận lãnh hồng ân từ tình thương của Thiên Chúa, nhưng vô tình chưa tạ ơn hay chưa thực sự khiêm tốn đủ, để nhận ra phận người mong manh cần được tha thứ, cần được yêu thương và cần được cứu độ.
 
Là con người ai cũng mang trên mình sự thiếu hụt thánh thiện công chính ngay từ lúc hiện hữu, do đó, mỗi ngày sống, rất dễ ảnh hưởng mọi khuynh hướng từ thế gian, từ những trào lưu của tuổi trẻ, cho đến những triết lý hiện sinh của xã hội, mọi thứ đang tác động vào cuộc sống của con người, dễ đưa con người ra khỏi quỹ đạo của tình yêu, xa dần khung cảnh ấm áp và hạnh phúc của tình yêu. Bởi thế, lầm lỗi luôn là nỗi ám ảnh của con người. Trước nỗi ám ảnh đó, tác giả sách Khôn Ngoan đã khơi lên ngọn lửa hy vọng từ Thiên Chúa, “Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa” để con người có thể nhận thấy ánh sáng cuối đường hầm, hầu thay đổi cuộc đời, thay đổi thái độ sống và hơn nữa cố gắng mỗi ngày để hoàn thiện ơn gọi của mình. Tia hy vọng đó như ngọn hải đăng đưa con người trở về với bến bờ tình yêu là Thiên Chúa, giúp họ đủ nghị lực để đối diện với những thách đố trong cuộc sống. Thiên Chúa vẫn mãi đợi chờ con người để tha thứ, để yêu thương và để cứu độ, tình yêu đó chắc đủ lớn để lôi kéo con người trở lại với quỹ đạo tình yêu đến từ Thiên Chúa.
 
Mỗi ngày, những cố gắng của con người từ thái độ sống, như là một bông hoa hé nở trong một vườn hoa. Sự cố gắng đó luôn được ghi nhận từ Thiên Chúa, tình yêu và phúc lành sẽ là động lực giúp họ thay đổi những gì chưa hoàn thiện trong cuộc đời. Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Thexalonica đã sống tình hiệp thông cùng anh chị em trong giáo đoàn, khi từng ngày họ đang cố gắng xây dựng tình người, tình huynh đệ cộng đoàn. Lời động viên của thánh nhân, như là sợi dây vô hình kết nối mọi thành viên lại trong sức mạnh của tình yêu. “xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô”. Thánh nhân ý thức về thân phận con người từ bản thân đã hơn một lần lầm lỗi, đã được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và đồng hành, vì thế, ngài khuyên con cái các cộng đoàn hãy khiêm tốn trở về với Thiên Chúa, cố gắng sửa đổi thái độ sống, tất thảy sẽ được Thiên Chúa yêu thương, ghé thăm cuộc đời và chúc lành mỗi ngày.
 
Hành trình tình yêu của Thiên Chúa có những đổi thay thật ngoạn mục. Khi con người tưởng như mọi sự đã bế tắc, Thiên Chúa đã hành động. Câu chuyện Đức Giêsu ghé thăm nhà ông Giakêu trong bài tin mừng là một minh chứng cho hành trình tình yêu đó. Ông Giakêu là một viên đội trưởng đội thu thuế tất sẽ có nhiều mâu thuẫn với cộng đoàn, với mọi người chung quanh, thế nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn con người đó, sự thiện vẫn âm thầm hoạt động, tạo cho hoạt động bên ngoài của ông không dừng lại như quan niệm của cộng đoàn. Sự thiện đó đã thôi thúc ông đi tìm con người đặc biệt mà dư luận rất quan tâm, đó là Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa. Ông Giakêu đã tìm mọi cách thế để có thể chiêm ngắm khuôn mặt của Thiên Chúa nơi con người đặc biệt đó, và ông đã được thấy, dù phải trèo lên một cây sung bên đường: “Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé”. từ trên cây sung, ông không chỉ thấy được khuôn mặt của Đấng Cứu Độ, nhưng ông còn được nhiều hơn nữa, đó là ánh mắt của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là tha thứ, là khoan dung, là nhân từ, là quan tâm.
 
Ông Giakêu đã bắt gặp một ánh mắt thật đặc biệt, đó là ánh mắt của tình yêu. Qua ánh mắt đó, ông cảm thấy ông như một người yêu của Thiên Chúa, mọi suy nghĩ, mọi trăn trở bấy lâu của ông về cuộc đời như tan biến mất bởi ánh mắt đặc biệt đó, ông vẫn được Thiên Chúa yêu thương, ông vẫn còn chỗ đứng trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Còn niềm vui nào lớn cho bằng khi thấy mình vẫn còn được Thiên Chúa cho ở trong ngôi nhà tình yêu của Ngài. Hạnh phúc quá, vui sướng quá. Rồi ông còn thấy một ánh mắt khác nữa loé lên từ đôi mắt của Đức Giêsu, đó là ánh mắt tha thứ. Làm nghề thu thuế không thiếu những suy nghĩ, những tính toán hơn thiệt và cả những lần trục lợi bất chính, nhưng từ ánh mắt đó, ông nhận thấy mọi lỗi lầm bấy lâu nay ông trót phạm đã được tha thứ, bởi ông vẫn là con cháu Abraham, con cái Thiên Chúa khi ông thành tâm trở về tìm kiếm Ngài. Có niềm vui nào lớn cho bằng khi một tội nhân nhận được sự tha thứ, xa cách Thiên Chúa trong suy nghĩ và thái độ sống, dửng dưng và vô tâm với tha nhân bấy lâu, đã làm cho lương tâm ông chai cứng và trơ trẽn, thế mà, hôm nay mọi sự đã đổi thay, một làn gió mát thổi qua tâm hồn khô cứng, làn gió của sự tha thứ đã biến đổi ông thành một người đặt Thiên Chúa là cùng đích và cứu cánh cuộc đời, chứ không còn là của cải, địa vị và quyền bính thế gian như trước. Từ trên cây sung, ông được Con Thiên Chúa gọi tên và mời xuống, hơn nữa, Ngài còn muốn ghé lại thăm nhà, thăm gia cảnh. Thầy ơi, hạnh phúc cho con quá, con đâu mơ ước được vậy, thế mà Thầy lại ghé thăm nhà, đem phúc lành và bình an của trời cao cho gia đình con. Thiên Chúa đã quảng đại với con người, làm sao con người có thể khước từ lòng quảng đại đó. Ông Giakêu đã đặt giá trị tình Trời lên trên tất cả mọi giá trị về vật chất gia đình ông có, hơn nữa, ông còn dùng mọi của cải, tiền bạc ông có để mua lấy Nước Trời từ sự quan tâm của Con Thiên Chúa làm người.
 
Không chỉ là tình yêu, là sự tha thứ, là sự quan tâm, ông Giakêu còn nhận được ánh mắt của lòng nhân từ. Bấy lâu nay ông luôn bị ám ảnh bởi sự xa lánh của cộng đoàn, chỉ vì miếng cơm manh áo, ông đã tiếp tay cho những người lính Roma, nên ông đã bị loại trừ khỏi cộng đoàn, thế mà, khi bắt gặp cái nhìn của Đức Giêsu, ông thấy ẩn hiện trong đó ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa. Ngài vẫn luôn đón nhận ông vào trong gia đình của Thiên Chúa nếu như ông ước ao, Ngài ghé thăm nhà nếu như ông vẫn còn mang khát vọng đó trong cuộc sống, Ngài tha thứ mọi tội lỗi cho ông nếu như ông vẫn chân nhận thân phận yếu đuối và tội lỗi của mình. Ôi thật hạnh phúc và vui sướng cho cuộc đời với bao ước mong, tất cả nay đã thành hiện thực, được gặp Đấng Cứu Thế, được gặp Con Thiên Chúa làm người và được gặp một người bạn đặc biệt trong cuộc đời. “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham”. Đức Giêsu đem ơn cứu độ, đem bình an và sự tha thứ của Thiên Chúa đến cho gia đình ông Giakêu, bởi ông đã tin, ông đã khao khát được gặp Thiên Chúa và khao khát được làm người thực sự. Chắc sẽ không còn niềm vui nào lớn cho bằng niềm vui được Con Thiên Chúa ghé thăm, ban bình an cứu độ và sự tha thứ cho mỗi người, cho gia đình. Và chắc chắn đó cũng là niềm mong ước của mỗi người hôm nay.
 
Gia đình được gọi là một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn yêu thương bởi nơi đó, nếu như các thành viên luôn mong gặp gỡ một Thiên Chúa làm người trong mỗi người giữa gia đình. Khi mọi thành viên cùng yêu thương, cùng tha thứ và cùng quan tâm lẫn nhau, điều kỳ diệu đó ắt sẽ tới và Thiên Chúa sẽ hiện diện giữa họ, chúc lành, ban bình an và tình yêu trời cao cho mỗi người, từ đó, gia đình được êm ấm, được hạnh phúc, và mọi người sẽ là một ngọn nến sáng của sự quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Tiếc thay, nhiều gia đình chưa thực sự mang trong mình khát vọng được gặp gỡ và có sự hiện diện của Con Thiên Chúa giữa cộng đoàn nhỏ bé này, họ hướng gia đình tới một cứu cánh theo kiểu thế gian, đó là địa vị, đó là quyền bính, đó là vật chất và của cải thế trần. Tất cả những giá trị đó chỉ là phương tiện giúp con người ngày càng hoàn thiện chứ không thể nào là cứu cánh cuộc đời được, thế mà họ đã đảo lộn những giá trị đó cách mù quáng. Gặp gỡ Thiên Chúa không phải là đợi chờ, không phải là mua bán nhưng là phải cố gắng kiếm tìm, phải cố gắng mở cánh cửa tâm hồn và gia đình cho Ngài ghé thăm. Các gia đình hôm nay có thực sự tin nhận một Thiên Chúa duy nhất không hay còn có những vị thần không tên ẩn hiện đâu đó trong mọi sinh hoạt của gia đình? Họ có thực sự ước mong được Thiên Chúa ghé thăm gia đình và đem niềm vui trời cao cho mỗi thành viên trong gia đình không? Và các gia đình hôm nay có thực sự tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài trong mọi sinh hoạt hiện tại và tương lai của gia đình chưa? Hay chỉ tìm kiếm những giá trị ảo và những vị Thiên Chúa do họ nhào nắn để phục vụ mọi lợi ích của họ hàng ngày. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đến tất sẽ đem tình yêu cho con người, cho các gia đình, nếu như mỗi gia đình luôn dành chỗ nhất trong cộng đoàn nhỏ bé này cho Ngài, tất sẽ có sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn mỗi thành viên và giữa gia đình.
 
Sống ơn gọi tận hiến là một con đường đi tìm gặp Thiên Chúa. Khát vọng tìm gặp Thiên Chúa trong các thành viên mỗi cộng đoàn có thực sự thôi thúc họ lên đường đi tìm kiếm Thiên Chúa, hay chỉ là một công thức, một tấm áo khoác lên trong cuộc đời. Ông Giakêu gặp được Con Thiên Chúa khi ông dám bước ra khỏi mọi sinh hoạt cuộc đời, dám bước ra khỏi cái cao ngạo của bản thân và dám bước ra khỏi sự thấp kém của chính mình theo nghĩa tinh thần, thì ông mới gặp được Ngài. Sống trong các cộng đoàn là một cơ hội để bước ra khỏi những ham muốn của kiếp người, cố gắng bước vào những chỗ đặc biệt trong tinh thần phục vụ để tìm gặp Đấng Cứu Thế. Tất cả như là những cơ hội vàng, thế nhưng, được bao nhiêu người thành tâm tìm kiếm tình yêu Thiên Chúa trong ơn gọi và linh đạo của mình, có bao người cố gắng tìm gặp Ngài nơi những anh chị em mình đang phục vụ và có được bao người sau khi gặp Con Thiên Chúa dám mời Ngài ghé thăm cộng đoàn, ghé thăm hội dòng của mình, hay chỉ cố gắng chiếm đoạt cho riêng mình mà thôi? Sự hiện diện của Thầy Chí Thánh giữa gia đình, giữa cộng đoàn, sẽ làm thay đổi mọi suy nghĩ, mọi thái độ sống và mọi tương quan huynh đệ trong cộng đoàn, trong hội dòng, như ngày xưa Ngài đã làm thay đổi tất cả trong gia đình Giakêu. Ai sẽ là những người dám ra đi, dám từ bỏ, dám gởi lời mời Con Thiên Chúa đến ghé thăm gia đình, ghé thăm cộng đoàn và ghé thăm hội dòng khi cùng với ông Giakêu đi tìm Đấng Cứu Thế?
 
Lạy Chúa Giêsu, khi xuống thế làm người, Chúa đã đem tình yêu trời cao xuống cho những ai thành tâm thiện chí kiếm tìm Chúa. Xin cho mỗi người chúng con mặc lấy tâm tình của ông Giakêu, dám ra đi tìm kiếm Chúa, dám thưa với Chúa sẽ từ bỏ mọi quyến rũ của thế gian, để dành tất cả cho Thiên Chúa và tha nhân. Chúa đã ghé thăm gia đình ông Giakêu và đem ơn cứu độ cho gia đình bởi họ cũng là con cháu Abraham, xin cho chúng con biết mở lời để mời Chúa đến ghé thăm ngôi nhà tâm hồn mỗi người, ghé thăm gia đình mỗi người, ghé thăm cộng đoàn và hội dòng mỗi người, để tất cả được hưởng tình yêu, sự bình an và hạnh phúc của trời cao. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 

NHỜ CHÚA ĐẾN
(Chúa Nhật XXXI TN C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Xưa lẫn nay, nhiều nơi trên thế giới, hạng người bán thân nuôi miệng thường được gắn liền với hạng người dắt mối, bảo kê được gọi là ma cô. Trong khi nhóm trước kiếm tiền bằng thân xác mình thì nhóm sau lại kiếm tiền trên thân xác kẻ khác. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy nhóm người thu thuế thường được gắn liền với phường bán thân nuôi miệng. Dưới cái nhìn này thì người thu thuế chẳng khác gì phường ma cô mà còn tệ hại hơn nhiều vì họ kiếm tiền trên xương máu của nhiều người, đó là không chỉ thu thuế để phục vụ cho đế quốc cai trị mà còn thường thu quá mức ấn định để làm giàu cho mình.

Thánh sử Luca là một lương y thì có lẽ nhiều người biết. Nhưng trong số các con bệnh của ngài ngày xưa phải chăng có nhiều người thu thuế, thì ít ai dám khẳng định. Thế mà dường như thánh sử có vẻ đề cao tình thương của Thiên Chúa trên nhóm người này. Vừa mới tường thuật câu chuyện dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện để cảnh tỉnh thói tự cao tự đại của người biệt phái và ngược lại khen ngợi sự khiêm nhu chân thành của người thu thuế xong thì lát sau đó ngài tường thuật hành vi hoán cải rất “anh hùng” của ông Giakêu, một thủ lãnh các người thu thuế.

Thử hỏi vì sao hay nhờ đâu mà ông Giakêu có sự đổi thay xem ra ngoạn mục như vậy? Chắc hẳn việc đổi thay của Giakêu không phải là hành vi bột phát cách ngẫu hứng. Tin Mừng tường thuật rằng: “Ông Giakêu đã tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Đây là một khao khát có thể nói là cháy bỏng mang tính bức thiết đối với ông đến nỗi ông đã không e ngại về cái thân thế, vai vế như là ngược với tầm vóc của mình để rồi leo lên một cây sung. Chọn được một cây sung nằm trên con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua thì quả là đã có sự tính toán. Như thế chúng ta có thể luận suy rằng những lời giảng dạy và việc làm của Chúa Giêsu đã đánh thức lương tri của ông Giakêu khiến ông phải không ngừng suy xét về thái độ sống cũng như những việc làm của ông. Tâm hồn ông Giakêu được ví như mảnh đất đã được cày xới đang chờ hạt giống gieo xuống.

“Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Với một thân hình thấp bé và thế nào cũng mập mạp vì là người giàu có, lại ở trên cây cao thì thế nào ông Giakêu cũng tìm cách ẩn mình dưới những tàng lá cây sung. Thế mà Chúa Giêsu vẫn thấy ông và Người lại gọi đích danh của ông. Nếu Giakêu là một thiếu nhi thì chắc sẽ giật mình té xuống đất không chừng vì cảnh tình như bị bắt quả tang tại trận cách bất ngờ.

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại  hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả… (Tv 139). Có thể ông Giakêu không thuộc, nhưng ông đang cảm nghiệm cách sâu xa lời Thánh Vịnh trên đây. Dù có trốn biệt ở đáy âm ty hay bay lên chốn cao xanh cũng không thể “khuất được thánh nhan”. Thánh giáo phụ Âugustinô cũng có cảm nghiệm này: “Chúa biết con hơn cả con biết con”.

Chúa biết mỗi người chúng ta. Chúa biết chúng ta chỉ là tro bụi. Thế mà Chúa biết không phải để  loại bỏ nhưng để gắn bó. “Hôm nay, tôi phải lưu lại nhà ông”. Một lời ngỏ với đôi bàn tay tin tưởng chìa ra và cả với một tấm lòng khoan dung nhân hậu. Tình yêu của Thiên Chúa vượt quá tầm luận lý của con người. Cụ thể, nhiều người lúc bấy giờ đã xầm xì bàn tán lẫn thắc mắc: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Có phải chúng ta xứng đáng, rồi Chúa mới ngự vào hay nhờ Chúa ngự vào thì chúng ta mới nên xứng đáng? Câu hỏi quả không khó để trả lời. Cả tầng trời cao xanh này hay bất cứ chốn cung điện nguy nga sơn son thếp vàng nào cũng chẳng thể xứng đáng làm nơi Thiên Chúa ngự. “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…” Mẹ Giáo hội đã lấy lại lời của viên đại đội trưởng Rôma ngày nào để cho đoàn tín hữu thân thưa trước khi hiệp Lễ hầu nhắc nhớ mọi người sự thật này: Không một ai trên trần gian này xứng đáng để Thiên Chúa ngự vào. Nhưng trái lại, ở đâu có Thiên Chúa ngự đến thì ở đó sẽ trở nên xứng đáng. Giakêu đã nên xứng đáng là nhờ Chúa Kitô đoái thương ngự đến.

Sự thật này đã được minh chứng bằng quyết định vừa anh hùng vừa quảng đại của Giakêu: “Thưa Ngài, đây nửa phần tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Quả thật không phải vì cảnh vật lung linh rực rỡ mà mặt trời mọc lên, nhưng nhờ mặt trời mọc lên nên cảnh vật mới trở nên rực rỡ lung linh. Một sự đổi thay thật ngoạn mục. Trong tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Abraham là tổ phụ, là cha của các kẻ tin. Lòng tin của Giakêu đã cứu chữa ông. Lòng tin của ông vào tình yêu của Giêsu đã khiến ông được chữa lành và nên mạnh mẽ trong đức công bình lẫn trong tình bác ái.

Những sự tốt đẹp diệu kỳ xảy ra là nhờ Chúa đến. Chúa đã đến với con người, với từng người, nhưng Người vẫn đứng ngoài cửa và gõ. Ai nghe tiếng Người và mở cửa thì Người sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa với họ (x.Kh 3,20). Vấn đề đặt ra là chúng ta có mở cánh cửa tâm hồn với khát mong thay đổi như Giakêu chăng? Dĩ nhiên khát mong thay đổi ấy cần được đốt nóng bằng niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Đấng “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

Xin cùng nhau trả lời những câu hỏi sau:

1. Bạn, tôi, chúng ta có tin Chúa yêu thương chúng ta hết lòng không?

2. Bạn, tôi, chúng ta có tin Chúa có thể làm mọi sự tốt lành cho chúng ta không?

3. Bạn, tôi, chúng ta có thực lòng muốn thay đổi, muốn nên tốt hơn, nên thánh thiện hơn bằng việc đón Chúa đến ở cùng?

Tiếp nhận Chúa qua Lời của Người, qua các Bí tích, qua các Đấng bậc trong Giáo hội dẫu rằng có đó nỗ lực gắng công, tuy nhiên tiếp nhận Chúa qua người anh chị em bé mọn, nghèo hèn, cô thế đang sống quanh ta mới thực sự là vấn đề.
 

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...