Chúa Nhật XXXIV - Chúa Kitô Vua - Năm C

Chúa Nhật XXXIV thường niên - Chúa Kitô Vua vũ trụ - Năm C   Ca nhập lễ Con chiên bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh
 

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quangvà chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh mừng kính trọng thể lễ Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ Người là Thượng Đế và là Đấng tác tạo nên chúng ta, nên mọi việc chúng ta làm đều quy hướng về Người và làm cho danh Người được cả sáng trên trần gian. Khi long trọng mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta mong đợi ngày hồng phúc, ngày Chúa của chúng ta vinh quang ngự đến, xét xử mọi người chúng ta. Vì thế, từng giây phút chúng ta phải sẵn sàng và chuẩn bị tâm hồn để đón rước Vua của chúng ta, ngự đến trong giờ sau hết của đời chúng ta. Ngày xét xử đó có thể là ngày hạnh phúc, vui mừng và vinh quang nhưng cũng có thể là ngày tăm tối, khóc lóc và nghiến răng.

Chúng ta cũng bình tâm lại để soi xét lại cuộc đời mình vì thiếu sót và lầm lỗi, vì bao đam mê và vương vấn trần tục để xứng đáng lãnh nhận ơn Thánh Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin...

 Bài Ðọc I: 2 Sm 5, 1-3

"Họ xức dầu phong Ðavít làm vua Israel".

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng: "Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: 'Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel'".

Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ðavít làm vua Israel.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. 

Bài Ðọc II: Cl 1, 12-20

"Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Ðấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavid tổ phụ chúng ta đã đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 23, 35-43

"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người Này Là Vua Dân Do Thái".

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa tạo dựng thế giới với mong muốn con người được hạnh phúc, no ấm, bình an và yêu thương nhau. Thế nhưng, qua bao thế kỷ, con người vẫn sống trong chiến tranh, hận thù, nghèo khổ và tội lỗi. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện :

1. “Họ xức dầu phong David làm vua Israel” - Xin cho các vị Mục tử biết noi gương Chúa Kitô vua tình thương, rao giảng vương quyền Người bằng sự tha thứ và phục vụ yêu thương.

2. “Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người” - Xin cho mọi thành phần dân Chúa luôn can trường trước những thử thách đau thương của cuộc đời, đồng thời biết thăng hoa cuộc sống. Nhờ đó, họ biết tích cực kiến tạo một thế giới tốt đẹp cho trần thế, để sửa soạn cho Nước Trời vĩnh cửu.

3. “Các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu” - Xin cho các nhà lãnh đạo các Quốc Gia nhận biết vương quyền Chúa, để họ biết tôn trọng sự thật, dẹp tan những tham vọng bạo tàn, hầu xây dựng một thế giới hòa hiệp và an bình, trong đó mọi người được tự do sống niềm tin của mình.

4. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” - Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết nhận Chúa là vua an bình của gia đình mình, biết biến đổi mình thành những chứng nhân tình yêu trong cuộc sống hôm nay, hầu góp phần kiến tạo Nước Đức Kitô đang hình thành giữa lòng thế giới.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua chiến thắng, là Vua hòa bình, là Vua yêu thương! tất cả chúng con là của Chúa, và muốn thuộc về Chúa. Xin giúp chúng con ở đời này biết đặt niềm tin cậy vào Chúa, để mai sau được cùng Chúa hưởng vinh quang bất diệt trong nhà Chúa Cha, Chúa là đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã xức dầu hoan lạc tấn phong Con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con làm linh mục đời đời và làm vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hoà giải và tinh tuyền, người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Chúa là Ðấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cữu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Kitô Vua

Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái đang mong chờ một vị vua sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Lamã. Chính vì thế, sau phép lạ bánh hoá nhiều, họ đã tôn Chúa Giêsu lên làm vua, nhưng Ngài lại rút lên núi một mình.

Rồi trước câu hỏi của Philatô: Ông có phải là vua không? Chúa Giêsu chỉ đáp lại: Ông nói đúng. Và Ngài đã chết với bản án: Giêsu Nagiarét, vua dân Do Thái.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy: Ngài là một vị Vua, không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không binh đội và không bờ cõi. Một vị vua nghèo túng và khổ đau, một vị vua bị lăng nhục, bị nguyền rủa. Và đặc biệt, Ngài là một vị vua nhân hậu.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy, chính vào lúc Ngài hấp hối trên thánh giá giữa những lời sỉ nhục và thách thức của các thủ lãnh và lính tráng, thì tiếng nói của anh trộm lành bất ngờ vang lên. Anh ta chấp nhận hình phạt: Chúng ta chịu như thế này thật là đích đáng vì xứng với việc chúng ta đã làm. Rồi anh tuyên xưng sự vô tội của Chúa Giêsu: Còn ông này, ông có làm điều gì trái đâu.

Điều lạ lùng hơn nữa là anh đã tuyên xưng vương quyền của Ngài, khi mà mọi sự dường như đã sụp đổ: Khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng. Trong cái nhìn của anh, thì cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là một dấu chấm hết, anh vẫn tin có ngày Ngài sẽ đến trong nước của Ngài và anh hy vọng mình sẽ được dự phần vào ngày đó.

Và Chúa Giêsu đã ban một ơn trọng đại vượt quá lòng anh mong ước: Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.

Đức giám mục Bossuet đã chú giải như sau: Hôm nay, quả là nhanh biết mấy. Ở với Ta, quả thân tình biết bao. Trên thiên đàng, quả là nơi hạnh phúc vĩnh cửu. Như thế anh trộm lành là người đầu tiên được hứa ban ơn cứu độ. Kẻ gian phi lại là người trước hết được hưởng hoa trái của cái chết trên thập giá.

Tất cả những việc ấy đều nói lên lòng nhân hậu của Vua Giêsu đối với những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Vị vua bị đóng đinh đã bắt đầu cuộc chinh phục của Ngài trên các tâm hồn. Và sau khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, thì viên đội trưởng đã nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa và đã đấm ngực ăn năn.

Chúa Giêsu là một vị vua khác thường, Ngài không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Chúng ta cần ngắm nhìn Ngài trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng tha thứ.

Với những hành động bác ái và yêu thương, cho dù là tầm thường và nhỏ bé, chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Đức Kitô. Mừng lễ Đức Kitô Vua, chúng ta hãy hạ bệ những thần tượng giả mạo, để cho Ngài chiếm hữu từng khoảng khắc cuộc đời, và ngự trị trong cõi lòng chúng ta.

DÂN VI QUÝ
(Chúa Nhật XXXIV TN C - Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
Hằng năm, vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội hiệp với toàn thể vũ hoàn suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô, Người Con chí ái của Thiên Chúa (x.Cl 1,16). Khi suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ, Giáo Hội muốn khẳng định chân lý mà thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Côlôxê, đó là mọi sự trên trời cùng dưới đất đều được Thiên Chúa tạo thành nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô. Chúa Kitô không chỉ là nguyên lý và là cứu cánh của mọi hiện hữu mà Người còn là khuôn mẫu của mọi vật mọi loài, vì người là Trưởng tử của mọi loài thọ sinh.

Loài người là loài cao trọng nhất trong các loài thọ tạo hữu hình. Thánh Kinh minh định chân lý này qua việc bàn bạc của Thiên Chúa trước khi tạo dựng con người và sự lao nhọc của Thiên Chúa khi dựng nên con người, trong khi các loài thọ tạo khác thì Thiên Chúa chỉ phán một lời thì liền “có như vậy”. Sự cao trọng của con người còn được khẳng định khi được dựng nên “giống hình ảnh” của Đấng Tạo Thành và được trao quyền làm chủ vũ trụ vạn vật (x.St 1,26-29). Hình ảnh của Đấng vô hình nay đã được mạc khải cách hoàn hảo và rõ nét nơi chính Đức Kitô (x.Cl 1,15). Qua các bài đọc của Chúa Nhật XXXIV TN C mà Giáo Hội cho trích đọc chúng ta nhận ra khuôn mẫu, lẽ sống mà Đức Kitô tỏ bày đó là hiện hữu cùng và hiện hữu cho.

“Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23). Khi vào trần gian, Đức Kitô đã mạc khải cho nhân loại chúng thấy ý nghĩa của các hiện hữu là hiện hữu trong tương quan. Mọi thụ tạo, nhất là loài người, không ai là một hòn đảo. Ta chỉ là ta trong tương quan với người. Có người thì mới có ta. Trong mối tương quan gia đình dòng tộc, cha ông chúng ta có câu ngạn ngữ rất tượng hình: có con rồi mới có cha, có cháu rồi mới có ông, có bà.

Mối tương quan “cùng-với” này vừa nói lên sự tuỳ thuộc vừa nói lên sự liên đới giữa các hiện hữu. Nhiều muông thú hay vật nuôi như chim, gà, mèo, chó…, khi được nuôi riêng một mình thì chúng vẫn phát triển thành chúng, trái lại, con người không thể lớn lên, phát triển thành người cách đúng nghĩa khi sống một mình. Hiện tượng “người rừng” đó đây, không có khả năng nói, không có khả năng giao tiếp với đồng loại… là một minh chứng. Chúng ta làm người, chào đời, có mặt ở trần gian này là nhờ ai đó và với ai đó. Vì thế có thể nói rằng một trong những mục đích và ý nghĩa nền tảng của sự hiện hữu của con người đó là sống cùng, sống với và sống cho.

Cả cuộc đời của Đức Kitô trên trần gian, rõ nét nhất là quãng thời gian rao giảng Tin Mừng và đích điểm là cái chết trên thập giá khẳng định cho chúng ta về mục đích ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Đức Kitô là Đấng đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cv 10,38). Và chính Người đã minh định rõ ràng: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Trên đỉnh đồi Gôngôta, dù có thể tự cứu mình khỏi án hình thập giá, nhưng Chúa Kitô đã không tự cứu mình. Dù không tìm cách tự cứu mình thế mà Người đã hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho người bị treo bên phải Người, đồng thời xin Chúa Cha tha cho những người đang phỉ nhổ, hành hạ và giết mình mà trong số đó chắc chắn có cả người gian phi bị treo bên trái Người (x.Lc 23,39-43).

“Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Một vị minh quân đúng nghĩa là người lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. Hình ảnh vị minh quân này đã được Chúa Kitô thể hiện bằng vị mục tử nhân lành sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đàn chiên và vì từng con chiên một. Xuất thân từ một người chăn chiên, Đavít đã được chọn gọi để làm vua Israel. Dù còn nhiều thiếu sót và lỗi lầm tày trời, nhưng Đavít chính là một hình ảnh tiên báo cho vị Mục Tử Nhân lành, vị Vua Công chính là Đức Kitô, Đấng đã dùng tình yêu của mình để dẫn đưa mọi thụ tạo, nhất là loài người về với sự thật căn bản: chúng ta là loài thụ tạo, chúng ta sẽ chỉ là mình khi hiện hữu đúng với thánh ý Đấng Tạo Thành đó là sống cùng và sống cho tha nhân.

Dõng dạc trước Philatô, Chúa Kitô minh nhiên công bố: “Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Và sự thật ấy được tỏ bày cách hoàn hảo bằng một Con Người chịu treo trên thập giá, với trái tim bị đâm thâu, hầu đưa toàn thể nhân loại đi lên và những ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời (x.Ga 3,14-15), đồng thời làm cho muôn vật muôn loài được hòa giải với Thiên Chúa (x.Cl 1,20).

Suy tôn Chúa Kitô là Vua tức nhìn nhận quyền tối thượng của Người trên đời chúng ta, là đón nhận lẽ sống, quy luật hiện hữu mà Người đã ban ra. Chúng ta có thể nhận ra quy luật ấy qua lời khẳng định của Chúa Kitô: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy… (Mc 8,34-38; Mt 16,24-28; Lc9,23-27). Và đến ngày tận thế, chính Đấng là Vua Vũ Trụ, khi “ngự trên ngai vinh hiển của Người” sẽ thẩm xét chúng ta dựa trên tiêu chí là thái độ sống cùng, sống cho tha nhân của chúng ta, đặc biệt cho những người anh em “bé mọn” (x.Mt 25,31-46).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Đức Kitô Vua
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 23, 35-43)
 
Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người Này Là Vua Dân Do Thái”.
 
Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
 
Suy niệm
Chúa nhật cuối cùng của một năm Phụng vụ, Mẹ Giáo hội mời gọi con cái hướng về Thiên Chúa như là một vị Vua, vị Vua của một vương quốc, nơi đó chỉ có công lý và thái bình hiển trị, chỉ có tình yêu và bình an ngập tràn, chỉ có hạnh phúc và sự sống đời đời cùng hiện hữu.
 
Theo cách suy nghĩ của loài người, thì tước vị vua được dành cho một người lãnh đạo toàn dân, cai trị một đất nước và là người lo lắng mọi nhu cầu cho con dân của mình. Hình ảnh vị vua oai phong, có trong tay binh lực, có trong tay tài sản lớn lao, có trong tay đất nước giàu mạnh, có trong tay một dân tộc đông đảo, luôn là một hình ảnh dễ thấy trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Dân Do Thái cũng không phải là ngoại lệ, họ đã cầu xin Giavê Thiên Chúa ban cho họ một vị vua, để hướng dẫn họ. Lời thỉnh cầu đó được chấp nhận, Thiên Chúa đã cho họ vua Saolê, rồi sau đó, vua Saolê thất sủng với Thiên Chúa, Ngài lại chọn Đavid, một chàng thanh niên trẻ trung thay thế Saolê làm vua Israel. Câu chuyện trên được tác giả sách Samuel quyển thứ 2 kể lại, và đây là một bước ngoặt mới trong lịch sử của dân tộc Do Thái: “Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ðavít làm vua Israel”. Đavid được coi là một vị vua đem lại cho dân Do Thái và đất nước họ nhiều hạnh phúc, bình an và thịnh vượng, đặc biệt trong mọi sinh hoạt tôn giáo. Ông được coi là người thay mặt Giavê hướng dẫn dân chúng thực hiện mọi nghi lễ phụng tự và sống tâm tình tôn giáo tròn đầy với Giavê. Hình ảnh vua Đavid như báo trước vị vua của vương quốc tình yêu, vị vua đem lại cho nhân loại niềm vui vĩnh cửu và niềm hy vọng cho cuộc sống hôm nay.
 
Hình ảnh vị vua hoà bình, vị vua tình yêu được khắc hoạ rõ nét và trở nên sống động hơn nơi con người Đức Giêsu. Dù không được ở bên cạnh và sống với Thầy Chí Thánh, thánh Phaolô cảm nghiệm được từ Đấng đã yêu thương ngài ngay từ lúc ngài chưa biết Đấng phục sinh là ai. Do đó, trong lá thư gởi tín hữu thành Colosê, thánh nhân mời gọi cộng đoàn hướng về quê hương đích thực của mình là Nước Trời, hình ảnh vương quốc đó được khởi đi từ Đấng phục sinh: “Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất”. Đức Giêsu, dù có trải qua bao thăng trầm, trong đó có cả thất bại nơi trần thế, Ngài đã đón nhận tất cả bởi Ngài đang xây dựng một vương quốc cho Thiên Chúa Cha, đó là vương quốc tình yêu. Dù khởi đầu từ trần thế, nhưng vương quốc đó không thuộc về thế gian, dù có bị thế gian ghét bỏ, nhưng vương quốc đó vẫn tồn tại và từng ngày trở nên nguồn sống cho bao người.
 
Đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa được hiển lộ khi người Con duy nhất của Thiên Chúa chấp nhận bản án bất công và bị treo trên thập giá. Hình ảnh vị vua đầy uy quyền và giàu sang cùng với một vương quốc thịnh vượng, là hai hình ảnh chợt đến trong suy nghĩ mỗi người trong ngày lễ hôm nay. Thế nhưng, bài Tin Mừng không điểm những nét son đó, mà giới thiệu một vị vua bị treo trần trụi trên thập giá, một vương quốc như đang bị đe doạ xoá sổ, chỉ vì ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Khi được Philatô tra hỏi, ông là ai, Đức Giêsu không ngần ngại tuyên bố: “Đúng như ông nói, Ta là Vua”, một vị vua sống giữa những kẻ bất hạnh, một vị vua không có nơi gối đầu, một vị vua không có ngai vàng và cũng không có hoàng bào: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người Này Là Vua Dân Do Thái”. Quả là một điều gì đó khác thường, trong cái khác thường đó, hình ảnh một vị vua hiền hoà, nhân hậu và giàu tình thương đang ngự trị giữa muôn người. Ngài là chủ lịch sử, là Đấng sẽ xét xử muôn dân, thế nhưng hôm nay, ngài bị con người treo trên thập giá giữa những tội nhân vậy sao, quả đó là một thất bại lớn của vị vua các dân các nước. Cách nhìn của con người đó là một thất bại, nhưng với Thiên Chúa, đó là đỉnh cao của tình yêu, nơi thập giá đó, Đức Giêsu giới thiệu về một vương quốc mới, vương quốc do Chúa Cha thiết định, trong vương quốc đó, mọi người đều được đón nhận và được yêu thương. Vương quốc đó còn là nơi dành cho các tội nhân khi biết chấp nhận phận người tội lỗi như người trộm bên phải, sẽ được Ngài đưa vào trong vương quốc của Ngài ngay tức khắc. Còn gì hạnh phúc và vui mừng khi chấp nhận những đau khổ về thể xác trong phút chốc, để rồi sau đó được chìm ngập trong hạnh phúc và bình an của Thiên Chúa. Đức Giêsu giới thiệu vương quốc của Thiên Chúa sẽ là nơi dành cho ai biết sám hối, biết thay đổi cuộc đời và biết tin nhận Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử của con người. Vương quốc Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta là vương quốc của hoà bình, vương quốc của tình yêu, vương quốc của chân lý và sự sống. Chính trong vương quốc này, con người được thực sự hoà sự sống của mình vào sự sống của Thiên Chúa, chính trong vương quốc này, con người mới thực sự được ở trong ngôi nhà của mình.
 
Khát vọng được ở trong vương quốc của Thiên Chúa là khát vọng của tất cả mọi người, và đó cũng là một khát vọng chính đáng. Hãy trở lại với đỉnh đồi Canvê, người trộm bên phải sau khi chấp nhận thân phận mình là tội lỗi, đã sống sai sự thật và chân lý, anh ta đã được Vua tình yêu đưa vào vương quốc của Ngài ngay tức khắc, khi anh ta thưa với Ngài một lời cầu rất chân  thành và thống thiết: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Một lời hứa thật chắc chắn, thật ý nghĩa, chắc anh tội nhân đó không nghĩ mình được yêu thương như thế, mình được thứ tha cách nhanh chóng như vậy, anh bàng hoàng, sửng sốt vì ngay lúc đó, anh được vinh dự trở thành công dân chính thức của vương quốc tình yêu, vương quốc của hoà bình và vương quốc của chân lý và sự sống. Một lời cầu chân thành và thống hối đã đưa người tội nhân ra khỏi vũng lầy chết chóc, để đi vào vương quốc sự sống, vương quốc tình yêu, tất cả khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa.
 
Ngày nay, người ta đang tôn thờ chủ nghĩa tương đối, họ coi tất cả chỉ là tương đối, thậm chí Thiên Chúa cũng chỉ là tương đối. Vì thế, đời sống tôn giáo được đánh đồng như một nhu cầu của cuộc sống, chứ không phải là mối tương giao giữa con người với thần thánh, với Thượng Đế, với Thiên Chúa. Với lối suy nghĩ như thế, làm sao con người hôm nay chấp nhận được nghịch lý một con người gục đầu trên thập giá trong sự tuyệt vọng, cũng là lúc được tôn vinh là vua, làm sao con người hôm nay chấp nhận một vị vua quỳ xuống rửa chân cho các đồ đệ được, làm sao con người hôm nay chấp nhận một vương quốc trong đó thần dân là những tội nhân, là những người bất hạnh và khổ đau được ưu tiên, được yêu nhiều hơn. Một nghịch lý đến từ ngày lễ tôn vinh Đức Giêsu Kitô là Vua hôm nay.
 
Với những nghịch lý đó, mỗi tín hữu Kitô trong ơn gọi của mình, có chấp nhận một giáo lý đến từ vị vua đó, để phục vụ vô vị lợi, để sống cho, sống cùng và sống với anh chị em của mình ngày một chân thành, đặc biệt với những người thiếu thốn, khổ đau và bất hạnh. Cũng từ ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối, niềm tin sẽ trở nên mong manh và nông cạn, khi tài năng và điều kiện sống được đặt ngang hàng với niềm tin. Đó cũng là những nghịch lý trong hoàn cảnh hôm nay. Ơn gọi gia đình và trong mỗi tổ ấm, còn chấp nhận sự hiện diện của vua tình yêu là Thiên Chúa giữa gia đình mình nữa không? Hay chỉ là những nghi thức bên ngoài thôi chăng? Ơn gọi dâng hiến còn là để trở nên giống Thầy Chí Thánh phục vụ anh chị em theo linh đạo của mỗi hội dòng, hay nơi các cộng đoàn đó. Câu chuyện tranh giành ảnh hưởng, địa vị và quyền bính đang gặm nhấm tình huynh đệ, tình gia đình thiêng liêng, rồi sau đó, mọi câu chuyện tới hồi kết là những thiệt thòi cho ai sống đúng với ơn gọi, với linh đạo và với tinh thần Tin Mừng, bởi họ không có điều kiện về vật chất và khả năng hạn chế. Chắc chắn lúc đó, một bóng hình đang ẩn hiện bên cạnh những con người nhỏ bé, đau khổ đó là Đức Giêsu, Vua tình yêu, Ngài đang lắng nghe những lời nguyện cầu chân thành và thống thiết nơi những con người tội lỗi đó.
 
Lạy Chúa Giêsu, Vua tình yêu, chính lúc Ngài gục đầu thất bại trên thập giá, là lúc Ngài được tôn là Vua. Xin cho mỗi người chúng con biết đón nhận những thành công cũng như những thất bại, lắm lúc tủi nhục giữa cuộc đời, để được vào trong vương quốc của Ngài. Khi Chúa đón nhận lời cầu xin chân thành từ người tội nhân, anh ta đã được đi vào trong vương quốc tình yêu của Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra phận người của mình là một tội nhân, để được Chúa tha thứ và đón nhận vào vương quốc của Ngài. Lạy Chúa, xin nhớ đến con là một tội nhân trước mặt Chúa và tha nhân. Amen.
 

Linh mục Phêrô Trần Bảo Ninh

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...