CN 29 TN-B - Lễ Xin Ơn Chữa Lành

Người này là ai mà cả gió lẫn biển đều vâng lệnh Người. (Mc 4, 35-41)

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – B
THÁNH LỄ TRONG THỜI GIAN ĐẠI DỊCH

 
Có thể cử hành lễ này, theo luật chữ đỏ của phần Thánh lễ và Lời nguyện cho những nhu cầu khác nhau, trong mọi ngày, trừ những ngày lễ Trọng, các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, những ngày trong Bát nhật phục sinh, ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, Thứ Tư lễ Tro và các ngày Tuần Thánh.
 
Ca nhập lễ   Is 53, 4
Chúa đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta, chính Người đã gánh vác những đau khổ của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa là nơi chúng con ẩn náu khi gặp hiểm nguy, là Đấng chúng con tìm đến trong cơn hoạn nạn; chúng con tin tưởng nài xin Chúa thương nhìn đến những người đang đau khổ, cho kẻ đã qua đời được nghỉ yên, và an ủi những ai đang ưu phiền, xin Chúa chữa lành các bệnh nhân và ban bình an cho người đang hấp hối, xin ban sức mạnh cho các nhân viên y tế, ơn khôn ngoan cho các nhà lãnh đạo và lòng can đảm để đến với mọi người trong yêu thương, nhờ đó chúng con được cùng nhau tôn vinh Danh thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, trong cơn gian nan nguy khốn, chúng con dâng lên Chúa hiến lễ này, xin Chúa thương nhận và dùng quyền năng làm cho những của lễ này trở nên nguồn ơn chữa lành và mang lại bình an cho chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Ca hiệp lễ    Mt 11, 28

Chúa phán: Hãy đến với tôi, hỡi tất cả những ai lao nhọc và gánh nặng, tôi sẽ bổ sức cho.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con linh dược đem lại sự sống đời đời, xin cho chúng con nhờ bí tích này, được vui mừng lãnh nhận ơn chữa lành trọn vẹn trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện trên dân chúng

Lạy Chúa, Chúa bảo vệ những ai trông cậy vào Chúa, xin chúc lành, gìn giữ, che chở và hướng dẫn đoàn dân Chúa đây, để khi thoát khỏi tội lỗi và mọi tấn công của địch thù, dân Chúa luôn mãi sống trong tình yêu Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
 

BÀI ĐỌC

Bài đọc I     Ac 3, 17-26
Thật tốt đẹp khi biết lặng thinh đợi trông ơn Chúa cứu độ.

          
Bài trích sách Ai ca

17  Linh hồn tôi không còn được bình an, tôi đã quên mất niềm hạnh phúc.

18   Tôi nói: “Vinh dự và hy vọng của tôi ở nơi Chúa đã tiêu tan không còn nữa”.

19   Xin Chúa nhớ đến sự nghèo khổ, cảnh lang thang phiêu bạt và những nỗi cay đắng của con.

20   Tôi cứ nhớ mãi điều đó và tâm hồn tôi tan nát hao mòn.

21   Nhưng tôi luôn còn hy vọng, vì điều tôi vẫn ghi nhớ trong tâm hồn:

22   đó là lòng Chúa thương xót không hề chấm dứt, và lòng từ bi Chúa không bao giờ vơi cạn,

23   nhưng vẫn mới hoài vào mỗi sáng ngày, và đức thành tín của Người vô cùng cao cả.

24   Hồn tôi kêu lên: “Chúa là gia nghiệp của tôi, nên tôi luôn trông cậy nơi Người”.

25   Chúa đối xử tốt lành với những kẻ trông cậy Chúa, với những tâm hồn luôn kiếm tìm Người.

26   Thật tốt đẹp khi biết lặng thinh đợi trông ơn Chúa cứu độ.

      Đó là Lời Chúa
 
Thánh vịnh đáp ca    Tv 79, 2ac+3b. 5-7 (Đ. 4b)

Đ.    Lạy Chúa, xin tỏ nhan thánh Chúa, và chúng con sẽ được cứu độ.
 
2ac  Lạy Đấng chăn dắt Israel, xin lắng nghe, lạy Đấng ngự trên các vệ thần, xin tỏ hiện,

3b  xin biểu lộ quyền năng của Chúa, và xin đến cứu độ chúng con.     
                                                                                              
Đ.


5    Lạy Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, tới bao giờ Chúa còn thịnh nộ, không nghe lời cầu khẩn của dân Ngài?

6    Cơm bánh Ngài nuôi chúng con chỉ là nước mắt, và nước uống Ngài ban là dòng lệ tuôn trào.

7    Chúa để mặc chúng con cho lân bang chống đối, để quân thù đàm tiếu cười nhạo chúng con.                 
                                                            
Đ.


Hoặc: Rm 8, 31b-39

Dù sự chết hay sự sống cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Bài trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma

     Anh em thân mến,

31b Nếu Thiên Chúa phù trợ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?

32   Người không dung tha chính Con của Người, nhưng đã trao nộp Con vì tất cả chúng ta, lẽ nào Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao?

33   Ai sẽ tố cáo những kẻ Thiên Chúa chọn? Chẳng lẽ là Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta nên công chính?

34   Ai sẽ kết án chúng ta? Chẳng lẽ là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang chuyển cầu cho chúng ta?

35   Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Có phải là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay bắt bớ, gươm giáo chăng?

36   Như có lời chép: “Chính vì Ngài mà ngày ngày chúng con phải chết, chúng con như những con chiên bị mang đi giết”.

37   Nhưng trong tất cả những điều ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta.

38   Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay quỷ thần, dù hiện tại, tương lai hay bất cứ quyền lực nào,

39   dù chiều cao, chiều sâu, hay bất cứ thụ tạo nào, cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Đó là Lời Chúa
 

Thánh vịnh đáp ca     Tv 122, 1-2a. 2bcd (Đ. 3a hoặc 2cd)

Đ.           Xin xót thương chúng con, lạy Chúa, xin xót thương.

Hoặc: Mắt chúng con hướng nhìn lên Chúa, tới khi nào được Chúa xót thương.

1    Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Đấng ngự trên các tầng trời.

2a   Như mắt gia nhân nhìn vào tay ông chủ.
                                                
Đ.


2bcdNhư mắt nữ tỳ nhìn vào tay bà chủ, mắt chúng con cũng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa, tới khi nào được Chúa xót thương.
                                                                                         
Đ.


Câu xướng trước Tin Mừng hoặc Alleluia    2Cr 1, 3b-4a

Chúc tụng Chúa Cha đầy lòng thương xót và là Thiên Chúa của mọi niềm an ủi, là Đấng ủi an chúng ta trong mọi nỗi gian truân.

Tin Mừng    Mc 4, 35-41
Người này là ai mà cả gió lẫn biển đều vâng lệnh Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô

35   Ngày hôm ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy sang bờ bên kia”.

36   Rời đám đông dân chúng, các ông chở Người đi vì Người đang ở dưới thuyền; có nhiều thuyền khác cùng theo Người.

37   Một trận cuồng phong nổi lên, những lớp sóng ập vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước.

38   Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ; các môn đệ đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”

39   Người đứng dậy quát nạt gió và phán với biển: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngưng, biển lặng như tờ.

40   Người nói với các ông: “Sao các con nhát sợ thế? Các con chưa có đức tin sao?”

41   Bấy giờ các ông kinh sợ và nói với nhau: “Người này là ai mà cả gió lẫn biển đều vâng lệnh Người?”

Đó là Lời Chúa


Suy niệm:

 

THIÊN CHÚA MÃI ĐỒNG HÀNH VỚI NHÂN LOẠI
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


(Chúa Nhật cầu bình an qua cơn đại dịch)

Lời Chúa Giáo hội dọn cho chúng ta nghe trích đọc trong Chúa Nhật mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đặc biệt xin ơn bình an trong thời gian đại dịch Côvid 19 này khởi đi từ bài đọc thứ nhất trích sáng Ai ca. Hai từ ai ca như đã nói lên khá rõ về nội hàm muốn trình bày là lời ca bi ai của con người dâng lên Thiên Chúa. Cuộc đời con người nhuốm đầy sự khổ ải. Anh em Phật tử xem đời là bể khổ dâu. Dù không quá bi quan nhưng Kitô hữu vẫn chân nhận thực tiễn như lời Chúa Giêsu đã từng nói: “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Chuyện đời cha ông chúng ta kinh nghiệm: “Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí”.

Cảnh khổ ải mà nhân loại đang phải vất vả long đong hôm nay đó là đại dịch Côvid 19. Nỗi khổ đau không dừng lại ở những người vướng phải con virus corona trong khi tuổi đã già hoặc có mắc bệnh nền mà còn cả nơi nhiều người thân của họ. Cảnh khổ đau còn lan qua cả xã hội với nỗi lo sợ canh cánh bên mình không biết khi nào mình dính phải virus. Nỗi khổ càng tăng lên nơi này nơi kia vì sự đình trệ các mối tương quan xã hội, đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là nhiều kiểu cách “chống dịch” thiếu khoa học, thiếu tình người. Và nhiều chuyên gia tâm lý còn cảnh báo về nỗi khổ của con người đang và sẽ gánh chịu lâu dài được gọi tên là hệ quả côvid và hậu côvid: tâm thần căng thẳng (stress); sự trầm uất…

Trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch, Kitô hữu luôn được mời gọi hãy gắn bó với Thiên Chúa. Cách riêng trong cơn khốn khó của cảnh đại dịch này chúng ta cần phải đặt niềm tin và sự phó thác vào bàn tay đầy quyền năng và tình yêu của Đấng mà chúng ta tuyên xưng là Cha. Giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc bài Tin Mừng tường thuật câu chuyện các tông đồ đang lâm cơn khốn khó trên biển hồ vì sóng to gió lớn và khi họ cầu cứu Thầy Giêsu thì Người đã ra tay uy quyền che chở họ bằng cách truyền phán cho gió yên, biển lặng (x. Mc 4,35-41).

“Người là ai mà cả gió và biển đều vâng lệnh Người?” Đã theo Thầy chí thánh một thời gian khá lâu, đã từng chứng kiến quyền năng của Thầy trên bệnh tật và các thần ô uế, thế mà giờ đây khi thấy Thầy truyền cho gió trời, sóng biển yên lặng thì các tông đồ vẫn kinh ngạc đến sững sờ. Thầy là ai mà có quyền lực trên cả giới tự nhiên? Chỉ đến sau biến cố phục sinh của Người thì các tông đồ mới xác tín Thầy là Thiên Chúa thật, Con Một của Cha trên trời, là hình ảnh của Đấng dựng nên vũ trụ đất trời.

Chúng ta vốn dễ sững sờ trước quyền năng phi thường của những ai đó. Thế nhưng nhiều khi chúng ta ít kinh ngạc trước tấm lòng của người này người kia. Các tông đồ kinh ngạc vì thấy Thầy phán một lời gió biển liền yên lặng. Sao các ngài không kinh ngạc vì dù thuyền chồng chành, nước đã ập vào thuyền, thuyền sắp chìm mà Thầy vẫn ngủ say? Chắc hẳn một lúc nào đó sau này, các tông đồ mới cảm nghiệm tấm lòng yêu thương vô bờ của Thầy. Vì yêu thương nhân loại đang khốn khổ tư bề vì bệnh tật, vì quỷ ám, vì thiếu người giảng dạy, Thầy Giêsu đã vất vả lao nhọc ngày đêm đến độ không còn thời giờ ăn uống và nghỉ ngơi, thậm chí người thân lầm tưởng Người đã mất trí. Sóng to gió lớn, nước tràn vào thuyền, thuyền  sắp chìm, nhưng Đấng đã tự nguyện ôm lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của nhân gian vẫn đang “ngủ say như chết”, tất thảy chỉ vì quá lao tâm và tổn sức. Chân dung Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót đã nên hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô.

Cùng với thánh Phaolô tông đồ mong sao chúng ta có được sự xác tín rằng: “Không, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” (Rm 8,39). Cùng với tác giả Thánh Vịnh chúng ta xác tín rằng nếu không yêu thương chúng ta thì Thiên Chúa dựng nên chúng ta làm gì. Nếu không yêu thương thế gian thì sao Người lại phó ban chính Người Con Một cho thế gian? Thiên Chúa là Tình Yêu. Người cũng là Đấng quyền năng vô cùng. Thế thì tại sao biết bao lời khẩn cầu trong cơn đại dịch như vẫn chưa thấu tới tai Người? Trong lịch sử nhiều triết gia đã vì hiện tượng này nên đã chọn quan điểm “vô thần”, chẳng hạn như Jean-Paul Satre, Albert Camus…

Thiên Chúa mãi hiện diện với nhân trần. Khi sai Con Một vào trần gian trong kiếp người thì hẳn Người muốn tỏ bày thánh ý rằng Người muốn chúng ta, tạo vật cao trọng nhất trong các loài hữu hình vốn đã được dựng nên theo hình ảnh của Người hãy làm cho Danh Người cả sáng như Đức Giêsu, Đấng luôn tự xưng là Con Người. Và nếu có chút niềm tin chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Đấng Toàn Năng và đầy lòng xót thương nơi nhiều tâm hồn đang quảng đại hiến thân vì tha nhận trong cơn đại dịch này. Không chỉ là hình ảnh các quan chức Chính phủ xông xáo nơi này nơi kia, các y bác sĩ ở tuyến đầu hay các tình nguyện viên mà có đó nhiều nhà khoa học miệt mài lo nhân loại trong các phòng thí nghiệm âm thầm, có đó nhiều tâm hồn bé mọn với những việc nhỏ nhặt vô danh qua việc vệ sinh, khử trùng và có đó rất nhiều người hy sinh cùng với lời khẩn nguyện chân thành... Tất cả là vì một cuộc sống bình yên cho nhân loại vượt qua cơn đại dịch.

Vững tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, bạn và tôi, chúng ta làm được gì để cho Danh Cha cả sáng, để cho tha nhân cảm nhận rằng Thiên Chúa mãi đồng hành với nhân loại, đặc biệt trong những hoàn cảnh khổ đau như Chúa Giêsu ngày xưa ở cùng các môn đệ? Bằng thái độ và hành động cụ thể ước gì chúng ta có thể nói như thánh tông đồ dân ngoại rằng: Tôi sống mà không phải là tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20).


Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm B


Mc 10, 35-45


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm B

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Con người sống trong xã hội thường nghĩ tới danh vọng, chức quyền để được điều khiển người khác. Ngay cả các Tông Đồ là những người được Chúa dạy bảo, hướng dẫn, đào tạo. Thế mà các ông vẫn tranh dành ảnh hưởng.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXIX cho thấy rõ quan điểm của họ hoàn toàn trái ngược với mạc khải của Chúa, thay vì để được phục vụ thì họ phải phục vụ người khác.

Giờ đây trong tâm tình sốt mến, chúng ta cùng ăn năn thống hối để dâng Thánh lễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 53, 10-11

“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).

Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.

Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. 

Xướng: Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16

“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 35-45 (bài dài)

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Mc 10, 42-45

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tếAnh chị em thân mến! Để có những tâm hồn thiện chí, tự nguyện hiến thân làm thợ gặt đến khắp cánh đồng truyền giáo. Chúng ta hãy tạo điều kiện và cầu xin:

1. “Nếu ngươi hiến thân làm lễ vật đền tội, ngươi sẽ thấy một dòng giống trường tồn” – Xin ban thần trí khôn ngoan và sức mạnh trên các vị Chủ chăn, để các ngài luôn hăng say, kiên trì trong công cuộc làm cho Nước Chúa được hiển trị khắp nơi.

2. “Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta”,- Xin cho cấc tín hữu ý thức được hồng ân đã lãnh nhận qua bí tích Thánh Tẩy, để họ sống trọn vẹn vai trò ngôn sứ, tư tế và vương gỉa trong đời sống chứng nhân giữa lòng xã hội.

3. “Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng đề phục vụ” – Xin cho các nhà lãnh đạo quốc gia ý thức Lời Chúa hôm nay, để họ biết đem tài sức mình mà phục vụ cho con dân được an cư lạc nghiệp.

4. “Thầy ban sự sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người“.- Xin Chúa khai quang tâm trí mọi người trong giáo xứ chúng ta, để với sự hoạt động của ơn Chúa, và sự cố gắng của mỗi người, chúng ta sẽ được hưởng ơn cứu độ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con một tinh thần ham mê học hỏi chân lý, tích cực cầu nguyện, sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh trong đời sống Kitô hữu, để nhiều người được dẫn vào đường cứu độ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy Niệm

LÀM ĐẦY TỚ

(Chúa Nhật XXIX TN B) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

Đọc Tin Mừng, ta thấy dường như duy chỉ có trường hợp hai anh em nhà Giêbêđê (hay chính người mẹ của hai ông này) đến xin Chúa Giêsu cho xí phần tả hữu khi Chúa được vinh quang, theo mộng tưởng của hai vị là Chúa sẽ làm vua. Dù rằng mười vị còn lại có biết chuyện này, vì các vị đã tức tối ra mặt, nhưng không thấy vị nào mon men đến xin xỏ Thầy một chức vị nào đó cho sau này. Có thể đây là một lý do: Điều xin thì chưa chắc được nhưng điều không xin thì lại phải bị gánh chịu. “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống, phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (Mc 10,39-40).

Phen này đúng là thua to, hai vị nhà Giêbêđê im hơi lặng tiếng đủ nói lên tâm trạng của các vị. Thực ra không phải hai vị mà cả nhóm Mười Hai đã lầm. Cái lầm căn bản của cả nhóm đó là mong sẽ được có chức vị cao trọng ngoài xã hội, và dĩ nhiên sẽ được hưởng vinh hoa phú quý khi đi theo Thầy Giêsu. Vị tôn sư người Nagiarét đủ đầy quyền năng trong lời nói lẫn hành động hẳn phải là Đấng Thiên Sai, nếu không thì cũng là một đại ngôn sứ. Với uy quyền cả thể như thế, chắc chắn Người sẽ giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ ngoại bang và sẽ được phong làm vua. Ngay cả trước khi Chúa về trời thì các ngài cũng còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cvtđ 1,6).

Cả nhóm Mười Hai lầm thì cũng dễ hiểu vì các ngài chưa được nghe lời khẳng định của Thầy trước mặt Philatô rằng Người là vua nhưng nước Người không thuộc về thế gian này (x.Ga 18,33-38). Nơi con người, song hành với tính xã hội thì có đó bản năng thống trị. Ở giữa một tập thể, người ta có khuynh hướng tìm cách làm đầu kẻ khác. Dẫu sao đi nữa, làm đầu con tôm cũng hơn là làm đuôi con rồng. Dù lớn hay bé, khi đã được làm đầu thì không chỉ sẽ được kính trọng mà còn được cung phụng. Vì thế, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy đây là một chủ đề thường xuyên trở thành nguyên cớ tranh luận giữa tập thể nhóm Mười Hai.

“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,44). Lời khẳng định của Chúa Giêsu là một mệnh lệnh. Cả nhóm Mười Hai hôm ấy và cả chúng ta hôm nay, chẳng ai chối cãi hay biện bạch. Thế nhưng, thực tế minh chứng cho thấy chúng ta vẫn còn đặt để mệnh lệnh ấy trên giấy cách nào đó. Không riêng gì người theo Chúa, quý vị nắm trọng trách ngoài xã hội cũng khẳng định rằng chính quyền là đầy tớ nhân dân. Thế mà chuyện đầy tớ ăn trên ngồi trước, còn các ông chủ thì khép nép tìm các hạt cơm thừa; đầy tớ thì chễm chệ ghế salon nệm dày, sở hữu nhà cao cửa rộng còn ông chủ lại vất vưởng trong các căn chòi ọp ẹp… đã trở thành “chuyện tử tế” của một thời và hình như là của nhiều thời, nhiều nơi.

Có thể có nhiều lý do để biện minh về việc các ngài đầy tớ sở hữu cũng như sử dụng các phương tiện sang trọng. Các vị ấy cần có phương tiện thích ứng để làm đầy tớ tốt hơn, hữu hiệu hơn. Các vị ấy không chỉ cần có tác phong tương xứng, mà còn cần có những cái bên ngoài như y phục, đồ dùng, phương tiện đi lại… cách nào đó cho phù hợp với vai vế hay chức vụ đảm nhận mà thôi (noblesse oblige). Đây không phải là lời biện minh, nhưng là lời giải thích khá hữu lý và hợp tình. Thế thì đâu là dấu chỉ một người làm đầu đang thực sự làm đầy tớ?

Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta một dấu chỉ bằng chính cuộc sống, cung cách hành động của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Có thể nói việc hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho muôn người là bằng chứng của việc làm đầy tớ. Tác giả thư Do Thái triển khai việc làm đầy tớ qua hình ảnh vị Thượng Tế biết “cảm thương” nỗi yếu hèn của nhân loại (x.Dt 4,13). Ngôn sứ Isaia lại tiên báo việc làm đầy tớ bằng hình ảnh người tôi tớ trung thành chịu đau khổ để gánh lấy hậu quả tội lỗi con người (x.Is 53,10-11).

Số người được làm đầu con rồng trong Giáo hội hay ngoài xã hội quả là không nhiều, nhưng số người làm đầu con tôm, tôm to, tôm vừa, tôm bé hay các loại tép thì đếm không xuể. Có một vài người thuộc quyền của chúng ta, dưới quyền của chúng ta, trong trách vụ của chúng ta thì chúng ta đang được đặt làm đầu. Đó là đàn chiên chúng ta đang chăn dắt, đó là con cái mà ta đã sinh thành, đó là nhóm học sinh ta đang dạy dỗ, đó là những người cô thân, bé phận ngoài xã hội hay trong Giáo hội, đó là những người yếu đuối, tội lỗi đang cần chúng ta nâng đỡ, dìu dắt, chỉ lối, dẫn đường… Như thế, có thể nói hầu hết chúng ta đã được đặt làm đầu. Đã làm đầu thì phải làm đầy tớ.

Lịch sử cho thấy rằng những người “làm đầu” ngoài xã hội cũng như trong Giáo hội, nếu xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn hay đã từng kinh qua nhiều gian khổ thì thường dễ “làm đầy tớ” cách thực sự và đúng nghĩa hơn. Quả thật, để thực sự làm đầy tớ, tiên vàn cần phải có sự đồng cảm, đồng thân, chung phận một cách nào đó. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta khi “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-11).

Xã hội có ngày càng công bằng, văn minh, thịnh vượng hay không, Giáo hội có ngày càng tinh tuyền, thánh thiện hay không, chắc hẳn phụ thuộc rất nhiều vào việc những người đứng đầu có thực sự sống tôn chỉ “làm đầy tớ nhân dân”, “làm tôi tớ của đàn chiên” hay không. Mong sao tôn chỉ ấy không dừng lại ở khẩu hiệu hay ở các bài phát biểu hùng hồn, nhưng được hiện thực hóa bằng việc làm và thái độ sống của những người làm đầu. Ngoài việc các đầy tớ phải hiến dâng mạng sống vì chủ, thì có thể nói một trong những tiêu chí để thẩm định các vai vế chủ - tớ có chính hiệu không, thì hãy xem các ông chủ tức là người dân, các con chiên, có được phép và được quyền mạnh dạn mở miệng nói lên suy nghĩ, nhận định của mình hay trình bày các nhu cầu chính đáng của mình trước các vị “đầy tớ” hay không, và dĩ nhiên không thể thiếu sự chân thành lắng nghe của các vị này.

Chúa nhật tuần lễ thứ 29 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 10, 35-45).

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Suy niệm

Con người luôn mong muốn tìm gặp sự thiện, điều tốt lành. Đức Giêsu xuất hiện trong vai trò là Đấng Cứu Thế, đã giới thiệu cho con người con đường tới Đấng Toàn thiện là Thiên Chúa. Bước vào con đường đó không phải để chiếm đoạt quyền bính, để tích góp nhiều của cải hay có trong tay địa vị giữa cuộc sống, nhưng bước vào con đường đó là phải từ bỏ, phải cúi xuống, phải phục vụ và hy sinh. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 29 thường niên gợi lên hình ảnh người bộ hành trên hành trình tìm về với Thiên Chúa, sẽ là người trở nên rốt hết, trở nên nhỏ bé và hủy mình ra không. Đức Giêsu, người khởi xướng hành trình đó, đã vâng lời Chúa Cha, đã từ bỏ ngai vàng thiên quốc, xuống làm người, trở nên một con người như bao người, ngoại trừ tội lỗi, đã cúi xuống và trở nên đầy tớ cho mọi người. Vì thế, Ngài đã được trọng thưởng trên trời, và hôm nay, Ngài mời chúng ta bước vào hành trình đó trong tâm tình cúi xuống phục vụ.

Cuộc đời của tiên tri I-sa-i-a là một bức tranh kiểu mẫu về người tôi tớ phục vụ sẽ như thế nào. Ông đã vâng lời Thiên Chúa, lên đường trong sứ vụ mới, đối diện với muôn vàn thăng trầm, khổ đau và hiểu lầm cũng như bắt bớ. Trải qua những tháng ngày như thế, tiên tri I-sa-i-a cách nào đó nhìn ra hình ảnh người tôi tớ đau khổ trong vòng tay Thiên Chúa ra sao: “Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn”. Trong tâm tình phục vụ và hy sinh, ông cảm thấy như ngụp lặn trong hạnh phúc của Thiên Chúa ngang qua đau khổ và nhiều thăng trầm giữa cuộc đời. Và đó cũng là tâm tình gởi đến cho các môn đệ Đức Giêsu đang đối diện với một xã hội thực dụng và đầy những hấp lực của thế gian.

Chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giêsu đã để lại trong tâm hồn bao nhiêu người tâm tình cúi xuống và phục vụ tha nhân như thế nào. Tác giả thư gởi tín hữu Do-thái là một trong số những người đã cảm nghiệm điều đó khi ông viết lên trong lá thư rằng: “Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi”. Một Đức Giêsu cúi xuống và hy sinh, không đi tìm vinh quang cho mình, không đi tìm địa vị cho bản thân, chỉ với một mong muốn duy nhất là quy tụ mọi con cái về cùng một mái ấm gia đình của Thiên Chúa, Ngài đã trở nên nghèo khó, trở nên nhỏ bé và trở nên người đầy tớ phục vụ anh chị em để dẫn đưa họ về trời vinh quang.

Tranh giành địa vị và quyền bính trong cuộc sống, vẫn mãi là một vấn nạn gây ra bao chia rẽ, bao hận thù và chiến tranh, bao đau khổ và chết chóc giữa gia đình nhân loại. Câu chuyện về hai người con ông Zê-bê-đê được tác giả thánh Mac-cô ghi lại, là một vấn nạn hiện hữu giữa cộng đoàn môn đệ của Đấng Cứu Thế. Thầy mình thì cúi xuống, hy sinh để phục vụ, trò thì muốn tìm địa vị và quyền bính, hai thái cực, hai quan niệm sống trái ngược nhau: “Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Mong muốn được chỗ nhất bên cạnh Thầy hôm nay và ngày mai, là ước mơ không chỉ của hai ông mà hầu như là cả nhóm môn đệ, vì thế, các ông đã tranh luận gắt gao, đã nảy ra xung đột  nội bộ. Câu chuyện này chắc chưa chấm dứt vào thời đó, nhưng nó âm thầm đi theo dòng chảy của lịch sử con người và lịch sử Giáo hội. Đây là một vấn nạn không thể chấp nhận được đối với Đấng Cứu Thế, Đấng đã trở nên con người, và hơn nữa đã cúi xuống phục vụ con người cho đến chết. Ngài nói cho các môn đệ hiểu phần nào mục đích Ngài đi vào thế gian là để cứu độ con người, chứ không đi tìm địa vị và vinh quang: “ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. 

Mỗi lần nhận được một thông điệp hay một tông thư của Đức Giáo hoàng, chúng ta thấy Ngài nhận mình là tôi tớ của mọi tôi tớ. Một thái độ cúi xuống như Thầy Chí Thánh. Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa, là một gia đình của người nghèo, nơi đó con người được tôn trọng và yêu mến như nhau, nơi đó, có bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ tha nhân cách này cách khác, chứ Giáo hội không ban phát địa vị, Giáo hội không tìm vinh quang trong quyền bính và cũng không mong được ngồi chỗ này, chỗ kia theo kiểu thế gian. Giáo hội đang tìm mọi cách để phục vụ con người, đặc biệt là các bí tích, là Thánh lễ, và những quyền tối thiểu của con người. Dù bên ngoài có vẻ giống một tổ chức của xã hội, nhưng Giáo hội là ngôi nhà của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài đang hướng dẫn Giáo hội đi trong ánh sáng của đức tin và Lời Chúa, đặc biệt trong một thế giới luôn suy tôn vật chất, địa vị và quyền bính.

Thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau của con người, Giáo hội dành những lời cầu nguyện đặc biệt và những Thánh lễ đầy niềm tin, để cầu nguyện cho con cái, cho các bệnh nhân, cho các Bác sĩ, nhân viên y tế và bao nhiêu người khác đang là nạn nhân của đại dịch Cô-vid. Nếu không cúi xuống, nếu không sống tâm tình của Thầy Chí Thánh, chắc hẳn Giáo hội không thể chia sẻ với tha nhân những đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Đó là những bài học Thầy Chí Thánh đã dạy dỗ Giáo hội khi Ngài thiết lập. Và hôm nay, Đức Giêsu mong muốn Giáo hội hãy cúi xuống phục vụ anh chị em đau khổ, nghèo đói và bệnh tật, phục vụ các linh hồn trong tâm tình tôn trọng, yêu thương và cảm thông. Đó cũng là tâm tình của ngày Chúa nhật 29 thường niên này, với một thánh lễ sốt sắng và chân thành, Giáo hội tin rằng Thiên Chúa sẽ nguôi cơn thịnh nộ, lau khô mọi giọt lệ và xoa dịu mọi nỗi đau của nhân loại, tha thứ mọi lầm lỗi cho các linh hồn, không phân biệt tôn giáo, màu da hay chủng tộc, đưa họ về gia đình của Thiên Chúa là Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từ bỏ vinh quang trời cao đến với con người vì yêu thương, để cứu độ con người trong tâm tình phục vụ và hy sinh tất cả, xin cho chúng con luôn tâm niệm bài học phục vụ của Chúa, luôn thực hành những gì Chúa dạy cho người môn đệ đích thực là cúi xuống, là hy sinh, là phục vụ. Chúa đã được Chúa Cha trọng thưởng sau khi chu toàn bổn phận của người đầy tớ trung thành, xin Chúa cũng trọng thưởng cho những ai đã phục vụ anh chị em của mình, cách này cách khác, để họ được sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa ngay từ hôm nay, và mai ngày trên nước trời. Amen.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...