CN30 TN-B - Khánh Nhật Truyền Giáo

“Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 47-48)

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – B
KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 

 

Mc 10, 46-52


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm B

 

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.

Dẫn nhập Thánh lễ:

Anh chị em thân mến!  Bài đọc thứ nhất ngôn sứ Giêrêmia đã nói tiên tri về Sion, về GiêrusaỊem, vì bất trung sẽ bị thất thủ. Tuy nhiên, ngôn sứ lại nói những điều đầy hy vọng cho tương lai của dân Chúa. Thiên Chúa sẽ cứu, sẽ giải thoát dân và ký kết với dân một giao ước mới. Dân sẽ được giải thoát và được hạnh phúc. Ngôn sứ cũng loan báo thời cứu chuộc, thời mà “kẻ đui mù, què quặt, người mang thai…” cũng được chữa lành, cứụ thoát. Và bài Tin Mừng nói tới một người mù tên là Bactimê được chữa lành giúp chúng ta hiểu điều quan trọng là: ơn khai sáng tâm linh là ơn cần thiết cho hết mọi người. Có ơn khai sáng tâm linh chúng ta mới nhận ra Đấng mời gọi chúng ta và chúng ta mới nhìn ra con đường phải đi, công việc phải làm. Cuộc đời Kitô hữu chúng ta, đã có biết bao lần chúng ta mù tối, không thấy đường để rồi sa vào vòng tội lỗi. Giờ đây chúng ta cúi đầu ăn năn xin Chúa tha thứ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gr 31, 7-9

“Ta sẽ lấy lòng từ bi dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! Hãy hò hét vào đầu các Dân ngoại, hãy cất tiếng vang lên, ca hát rằng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu dân Chúa là những kẻ sống sót trong Israel”.

Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây.

Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim là trưởng tử của Ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng: Khi Chúa đem những người từ Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. 

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng.” Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. 

Xướng: Lạy Chúa, hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. 

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. 

Bài Ðọc II: Dt 5, 1-6

“Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi như Aaron.

Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 46-52

“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật, là Sự sống và là Sự Sáng. Chúng ta hãy xin Chúa ban ánh sáng và sức mạnh, để mỗi ngày mỗi nhận ra Chúa rõ hơn và mạnh dạn đi theo Chúa

1. “Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt kẻ đui mù, què quặt trở về”.— Xin hình ảnh Chúa Giêsu đầy lòng thương xót đậm nét nơi các vị Chủ chăn, để sự quảng đại và yêu thương của các ngài, khai sáng những tâm hồn tội lỗi, giúp họ nhận ra sự tươi đẹp của sự thiện, mà bước đi trong ánh sáng cứu độ.

2. “Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc”.- Xin Chúa nâng đỡ niềm tin các tín hữu, để giữa bóng đen cuộc đời, họ không chán nản thất vọng, nhưng trung kiên đến với Chúa, bằng đời cầu nguyện và hi sinh.

3. “Lạy con vua David xin thương xót tôi”.- Cùng với lời kêu là niềm cậy trông mạnh mẽ của người mù. Xin Chúa thương xót, an ủi những người bệnh tật, nhất là những người mù lòa, giúp họ chấp nhận cuộc sống trong niềm vui phó thác.

4. “Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến với Chúa Giêsu ”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ, biết sống siêu thoát để đến với Chúa, bằng tất cả tâm tình mến yêu. Nhờ đó, chúng ta sẽ được chữa khỏi cảnh mù lòa thiêng liêng, mà nhận biết tình trạng yếu hèn tội lỗi, để đi theo Chúa trong con đường từ bỏ, khiêm tốn dưới ánh sáng của tình yêu và chân lý.

Chủ tế: Lạy Cha, trước những khám phá kỳ diệu của khoa học kỹ thuật, con người hiện đại đang bị mù tối trong sự kiêu căng, tự mãn, không cần có Thiên Chúa, khống chấp nhận sự hiện hữu của Ngài. Xin Chúa thức tỉnh lương tâm chúng con, để chúng con nhận ra sự hạn chế của trí khôn nhân loại trước sự khôn ngoan vô bờ của Thiên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.

Hoặc đọc:

Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

Người mù
Sưu tầm

Đêm nọ, có một người mù đến thăm bạn. Khi về, người bạn sáng mắt tặng cho anh ta một chiếc đèn lồng theo thói quan của người Nhật thời xưa. Thế nhưng anh mù bèn nói: Tôi không cần đèn, vì đối với tôi, tốt và sáng cũng như nhau. Nhưng người bạn trả lời: Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái, thì người khác có thể chạy đụng vào anh, anh nên cầm đi. Nghe hợp lý, anh mù ra về vời chiếc đèn lồng trên tay. Đi được một quãng, đột nhiên anh bị một người đụng phải. Với vẻ tức giận anh nói: Bộ anh không thấy chiếc đèn của tôi đó sao? Người kia liền đáp: Đèn của anh tắt rồi.

Với câu chuyện này, anh mù tưởng mình thấy, còn người kia thì không thấy chiếc đèn. Thế nhưng chính anh mới không thấy rằng đèn mình đã tắt. Con người tưởng mình thấy được nhiều chuyện nhưng lại quên hay cố tình quên nhiều cái mình không thấy.

Từ những ý tưởng trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Anh mù mang tên gọi Bartimê, có nghĩa là con của ông Timê: nghề nghiệp ăn xin, địa chỉ cư trú là lề đường thành Giêricô. Anh vừa nghèo nàn lại vừa tàn tật. Và dưới mắt người Do Thái thì đó là dấu chỉ bị Chúa trừng phạt, vì tội lỗi của bản thân hay vì tội lỗi của cha ông thuở trước. Anh bị bỏ rơi và sống bên lề xã hội. Người ta không cho anh nói ngay cả khi anh lên tiếng kêu cầu Chúa giúp đỡ.

Như thế người Do Thái tưởng rằng mình thấy rõ anh, nhưng thực ra họ lại không thấy mình bị sai lầm, không thấy nhu cầu sáng mắt của anh vượt trên những đồng tiền bố thí. Còn anh mù, tuy không trông rõ vạn vật nhưng lại thấy được chiều sâu của con người. Anh thấy Chúa Giêsu là con vua Đavít là Đấng Messia. Anh thấy quyền năng của Ngài có thể giúp đõ anh một cái gì khác hơn là tiền bạc. Và như thế có một sự trái ngược: người mù đã thấy được nhiều cái mà người sáng mắt không thấy.

Chúng ta có thể phân biệt hai loại mù. Mù thể xác và mù tâm hồn. Mù thể xác thì không thấy được vạn vật, còn mù tâm hồn thì đa dạng hơn, chẳng hạn như không hiểu được những gì cần phải hiểu, không khao khát sự công chính và ơn cứu độ. Không phân biệt đâu là chân thiện mỹ… Và trên tất cả, đó là không thấy mình đang sống như người mù. Có mắt mà không nhìn và có nhìn thì cũng chẳng thấy.

Với chúng ta những người Kitô hữu cũng thế: đừng thấy người nào siêng năng đi lễ đọc kinh, ăn ngay ở lành mà đã vội cho là đủ. Đừng thấy buổi lễ rình rang với trống kèn inh ỏi thì cho rằng lễ đó trang trọng, đạt yêu cầu. Đừng thấy Giáo Hội là một tổ chức chặt chẽ, nhà thờ và tháp chuông được xây cất, vội cho rằng đạo đang được phát triển. Nhưng phải như anh mù xin cho mình được thấy, thấy rõ hơn, thấy chính xác hơn: thấy Đức Kitô là Đấng cứu độ, để rồi như anh mù rời bỏ vệ đường, dứt khoát, tìm đến với Ngài. Mặc dù chúng ta là những người có cặp mắt sáng về thể xác, nhưng biết đâu lại mù loà về tâm hồn, cho nên cùng với người mù qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta hãy kêu cầu: Lạy Chúa, xin thương xót con và cho con được sáng.

LÒNG TIN CỦA ANH ĐÃ CỨU CHỮA ANH!
(Chúa Nhật XXX TN B) - Lm Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

Trong văn thơ có thể loại được gọi là “huề vốn” nghĩa là có nói cũng không thêm gì. Một ví dụ: “Đứng bên này sông thấy bờ bên kia sông. Bơi qua bờ bên kia thì thấy bờ sông bên này. Bơi ra giữa sông, hụp đầu xuống thì không thấy bờ sông nào”. Đã là người thì không một ai đành cam chịu cảnh mù lòa khi còn khả năng làm sáng đôi mắt. Cũng chẳng một ai thấy dễ chịu khi đang sáng mắt mà bị chê trách là đui mù. Xin cũng được dùng kiểu nói “huề vốn” để vào thẳng vấn đề, đúng hơn là để luận bàn đôi điều về điều gọi là “thấy”. Ai là người đang bị mù? Thưa đó là những người không thấy.

Đó là những ai không thấy người anh chị em mình đang túng cực, nghèo khổ mong kiếm cho được dăm ba chục ngàn mỗi ngày để sinh sống, chưa kể nếu có người thân phải cưu mang. Đó là những ai không thấy người anh chị em của mình đang bị bóc lột sức lao công do bởi những người lắm tiền, nhiều quyền trong xã hội. Đó là những ai không thấy anh chị em của mình đang bị đối xử bất công do bởi những người nắm quyền bất nhân hay do bởi các luật lệ bất minh. Đó là những ai không thấy nền giáo dục nước nhà đang loay hoay trong ngõ cụt vì những cơ chế phi lý, lạc hậu, lỗi thời… Đó là những ai không thấy con thuyền của một vài Giáo Hội địa phương xem ra đang vất vả lướt sóng không nguyên chỉ vì bão tố thế gian mà còn có thể vì quá nặng nề với các “lễ hội” bên ngoài, để rồi dù không phải là xao lãng, nhưng chưa xem trọng nghĩa vụ sống yêu thương, làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý, loan truyền Tin mừng… Đó là…

Thế nhưng căn cứ vào đâu để xác định rằng ai đó đã và đang không thấy? “Phản ứng hay hiệu ứng” là một trong những biểu hiện cho biết là ai đó đang còn thấy. Với người hấp hối hay người gặp một sự cố nặng về thể lý thì người ta thường lấy đèn soi vào mắt hay một kiểu cách vẩy ngón tay sát mắt nạn nhân để xem phản ứng đôi mắt của họ. Khi thấy được vẻ đẹp một cánh hoa, hay một quang cảnh kỳ lạ thì người ta không thể không có phản ứng cho dù có thể mỗi người một cách khác nhau. Một cái thấy được gọi là thấy, khi và chỉ khi đối tượng được thấy gây được một hiệu ứng nào đó nơi người thấy nó. Cũng thế, chúng ta chỉ có thể gọi là thấy, khi những điều đập vào mắt chúng ta làm phát sinh trong chúng ta những tâm tình như vui, buồn, hoan hỷ, giận dữ, đồng cảm, đồng thuận hay bất bình, phẫn nộ…

Nếu làm thống kê thì con số người không thấy có lẽ là rất ít. Dù không thể đòi hỏi cách tuyệt đối, nhưng thử hỏi trong số những người được gọi là có thấy thì được bao nhiêu phần trăm là thấy đúng sự vật hiện tượng, thấy đúng bản chất của đối tượng như nó là? Mỗi khi đã thấy rõ, thấy đúng thì người ta sẽ dễ có phản ứng chính xác, hợp lý và cả hợp tình. Một nguy hiểm và cũng là vấn đề cần đặt ra, đó là chúng ta chỉ thấy cách phiến diện, một chiều mà cứ tưởng rằng mình thấy đúng, thấy rõ. Vì thế các phản ứng của chúng ta nhiều khi vừa thiếu chính xác, lại vừa thiếu lý, thiếu tình. Dù rằng với phận phàm hèn, không một ai dám to gan cho rằng mình có thể thấy đúng, chính xác cách hoàn toàn, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta có thể lơ là việc tìm cách để thấy các sự vật, hiện tượng ngày một đúng đắn và chính xác hơn, vì đây là một tiền đề không thể thiếu để có được những phản ứng hợp tình và đạt lý.

“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Câu nói của Chúa Giêsu với anh mù Bactimê trong ngữ cảnh bài Tin Mừng đề cập trực tiếp đến thái độ cậy trông của anh Bactimê vào tình yêu và quyền năng của Người. Và thái độ cậy trông ấy được thể hiện bằng việc anh ta cương quyết gặp Chúa Giêsu bất chấp mọi trở ngại. Tuy nhiên câu nói ấy cũng cho chúng ta chiếc chìa khóa giải quyết vấn nạn thấy. Để có thể thấy và thấy đúng thì cần có lòng tin. Chúng ta dễ đồng thuận với nhau về sự thật này nếu chấp nhận rằng tin là nhìn với cái nhìn của Thiên Chúa. Thế nhưng lại phải tự hỏi với nhau rằng khi nào thì chúng ta đang nhìn với cái nhìn của Thiên Chúa? Quả thật, để tìm được câu trả lời khả dĩ có tính thuyết phục thì không mấy dễ. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta biết rằng những ai ở trong ân sủng, tức là có sự kết hiệp mật thiết với Chúa thì sẽ biết cách nhìn như Chúa nhìn. Trong vấn đề này, các nhà tu đức chỉ dạy chúng ta kế sách tuyệt với đó là hãy chuyên chăm cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh này của con, Chúa sẽ thấy sự kiện, vấn đề này ra sao?”. Qua đời sống cầu nguyện, nỗ lực kết hiệp với Chúa thì ta sẽ biết nhìn như Chúa nhìn.

Một kinh nghiệm dân gian có thể nói là khá chính xác: “Con chim sắp chết hót tiếng bi ai. Con người sắp chết nói lời lẽ phải”. Để nói được lời lẽ phải, thì người cận kề với cõi đời sau hẳn đã thấy được chân tướng các sự vật hiện tượng cách nào đó. Tin Mừng cho ta hay trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu luôn hướng về cái giờ của Người, đó là giờ mà Người sẽ bỏ thế gian này mà về cùng Cha bằng cái chết trên thập giá. Và đây chính là một trong những chìa khóa giúp Chúa Giêsu nhìn thấy các sự vật hiện tượng theo cái nhìn của Cha trên trời, để rồi có được những cách thế phản ứng thuận ý Cha, đẹp lòng Cha (x.Mt 3,17; Mc 1,11).

Vì sao còn có những phản ứng chưa thấu lý và đạt tình nơi Kitô hữu, giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ? Một trong những nguyên nhân đó là vì ta chưa thấy đúng sự vật hiện tượng. Vì sao ta chưa thấy đúng sự vật hiện tượng? Vì ta chưa biết nhìn như Chúa nhìn. Chưa biết nhìn như Chúa nhìn, ngoài những lý do khách quan thì rất có thể vì ta chưa thực sự gắn bó thiết thân với Chúa và cũng ít nghĩ đến cái giờ ta rời bỏ thế gian.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Dẫn vào Thánh lễ

Hôm nay là Khánh nhật Truyền giáo. Hội Thánh dành riêng để cầu nguyện cho việc truyền giáo. Đồng thời nhắc nhở chúng ta về bổn phận cầu nguyện, đặc biệt cho việc truyền giáo. Truyền giáo là bản chất của Hội Thánh, vì thế mỗi Kitô hữu có trách nhiệm và bổn phận truyền giáo, nghĩa là đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người.

Giờ đày trong tâm tình sốt mến, chúng ta cùng ăn năn thống hối để dâng Thánh lễ.

Ca nhập lễ

Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa muôn dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc; vì Chúa hùng vĩ và rất đáng ngợi khen.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, xin hãy nhìn đến cánh đồng đầy lúa chín và đoái thương sai thợ gặt đến rao giảng phúc âm cho muôn loài, để dân Chúa được lời hằng sống qui tụ và được thần lực các bí tích thúc đẩy, biết tiến bước trên đường cứu độ và bác ái. Nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con….

Bài Ðọc I: Is 60, 1-6

Trích sách Tiên Tri Isaia.

Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.  Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.  Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.  Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.  Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.  Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-5

Ðáp: Âm thanh họ truyền khắp địa cầu.

Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. – Ðáp.

2) Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1Tm 2,1-8

Trích Thư Thánh Phaolô Tông Ðồ Gửi Tín Hữu Timôthê.

Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật. Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ — và tôi nói thật, chứ không nói dối — làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật.

Vậy tôi muốn nam nhân cầu nguyện mọi nơi thì giăng lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài đọc sau đây:

Bài Ðọc II: Cv 1, 3-8

Trích sách Công Vụ Tông Ðồ.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19-20

Alleluia, alleluia! – Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16,15-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.

Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe”.

Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:

Phúc Âm: Lc 24, 44-53

Khi hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông. Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này. Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, chúng ta được mời gọi nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, tin tưởng và phó thác nơi Người trong mọi hoàn cảnh đời sống. Giờ đây chúng ta dâng lên Người những lời khẩn nguyện, xin Người trở thành bạn đồng hành trong cuộc đời của chúng ta.

1. Chúng ta cầu nguyện cho các mục tử của Giáo Hội, để các ngài chu toàn sứ mạng Chúa đã trao phó, trong tinh thần dấn thân phục vụ, ngõ hầu bày tỏ cho mọi người lòng nhân hậu của Chúa.

2. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà truyền giáo đang nỗ lực đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Xin cho những ai chưa biết Chúa được biết Chúa nhờ lời rao giảng và nhờ chứng tá đời sống của các nhà truyền giáo.

3. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ, biết tôn trọng thiên luật mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm khảm mỗi người, nhờ đó họ trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da và trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa.

4. Chúng ta cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, kiên vững trong đức tin, quảng đại trong đức ái, nhẫn nại trong niềm hy vọng, nhờ đó đời sống của chúng ta trở thành chứng tá về sự hiện diện của Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin lắng nghe lời cầu nguyện của chúng con. Xin Thần Khí Chúa giúp chúng con biết chung tay xây dựng một thế giới công bằng, bác ái và huynh đệ hơn. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến dung nhan của Ðức Kitô Ðấng đã hiến thân làm giá cứu chuộc mọi người, để nhờ Người, từ đông sang tây, danh Chúa được ngợi khen nơi các dân tộc và khắp mọi nơi một của lễ duy nhất được hiến dâng lên Chúa uy linh. Nhờ Ðức…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Các con hãy dạy dỗ cho muôn dân, tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho các con. Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được hồng ân cứu chuộc bổ dưỡng, chúng con nài xin Chúa, nhờ ơn cứu độ muôn đời trợ giúp, cho đức tin chân thật luôn luôn tăng trưởng. Nhờ Ðức Kitô…

Suy niệm
 

ĐƯỢC RỬA TỘI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI

SUY NIỆM LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

“Được rửa tội và được sai đi, Giáo Hội Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”, đó là chủ đề cho tháng Mười năm nay, được Đức Thánh Phanxiccô tuyên bố là “Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường”.  Mục đích của Tháng truyền giáo ngoại thường là giúp các tín hữu thấy tính thời sự và cấp thiết của công cuộc loan báo Tin Mừng, vì lời Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi loan truyền Tin Mừng vẫn mang tính thời sự. Công đồng Vantican II khẳng định: “Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội lữ hành”. Tuy vậy, trong suy tư và thực hành của số đông những người Công giáo, khái niệm “Truyền giáo” thực sự ít được để ý đến. Làm thế nào để hâm nóng nơi mỗi người tín hữu tinh thần truyền giáo, là căn bản của đời sống Kitô hữu? Đó là một trong những băn khoăn của Giáo Hội, của Đức Thánh Cha và của những vị chủ chăn ở mọi cấp độ.

Khái niệm “được sai đi” gắn liền với Bí tích Thanh tẩy. Bởi lẽ Bí tích này trao cho chúng ta ba sứ mạng quan trọng: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Chính vì thế, người giáo dân không được giữ lối suy nghĩ cũ kỹ trước đây coi việc truyền giáo là của “nhà tu” hoặc của một số người được tuyển lựa. Mỗi tín hữu đều có bổn phận thực thi sứ mạng này, tùy hoàn cảnh, khả năng và điều kiện của mình. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, một nữ tu sống trong Đan viện Các-men, không bao giờ ra ngoài và không tiếp xúc với ai. Tuy vậy, thánh nữ có tinh thần truyền giáo, qua những ước ao cháy bỏng để “đem Thánh giá đi trồng tại mọi miền đất trên thế giới” như lời Thánh nữ đã viết. Vì vậy, Thánh nữ cộng tác vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội bằng lời cầu nguyện. Nhiệt huyết truyền giáo được thể hiện qua những lời cầu nguyện sốt sắng và những hy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Vì lẽ đó, Thánh Têrêsa được đặt làm Bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với Thánh Phanxicô Xaviê, là người rảo khắp vùng Á châu để rao giảng Tin Mừng. Qua việc chọn Thánh Têrêsa làm Bổn mạng các xứ truyền giáo, Giáo Hội khẳng định với chúng ta: hiệu quả của công cuộc truyền giáo không chỉ đến từ những hoạt động bên ngoài, mà còn đến từ lời cầu nguyện và những thao thức làm cho Chúa Giêsu được mọi người nhận biết.

Nhìn lại thực tế các cộng đoàn tín hữu Công giáo tại Việt Nam, một tác giả đã nhận định: “Giáo dân tự hài lòng và an tâm với những sinh hoạt và tổ chức nội bộ, chưa ý thức vận dụng những thuận lợi sẵn có này cho công cuộc truyền giáo. Các linh mục chuyên chăm việc mục vụ hơn là truyền giáo, ưu tiên lo cho giáo dân hơn là đi tìm lương dân, hoạt động nghiêng về điều hành hơn là mở rộng, quản lý hơn là khám phá, suy nghĩ theo lối mòn hơn là tư duy cải biến, chuộng an thân hơn là dấn thân” (Trích bài viết của Lm G.B Trương Thành Công trong buổi gặp gỡ tại Vinh từ ngày 21-23/8/2019 do UB LBTM của HĐGM VN tổ chức). Quả vậy, hầu hết nơi các cộng đoàn và các cá nhân, chúng ta hài lòng với một tổ chức ổn định trong giáo xứ, nên ít để ý tới việc “đi ra các vùng ngoại biên” như Đức Thánh Cha mời gọi.

“Tháng truyền giáo ngoại thường” đã đến phần cuối và sẽ kết thúc. Tuy vậy tinh thần truyền giáo gắn liền với đời sống đức tin của người Kitô hữu. Cũng trong bài viết được nêu trên đây, tác giả nêu ba bước trong lộ trình truyền giáo cho lương dân: tiếp cận, xây dựng yêu thương và kể lại những điều may lành Chúa làm cho bản thân, như chứng từ chân thực về đức tin và vào sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Phương pháp này nhằm tạo sự thân thiện đối với anh chị em không cùng tôn giáo, không mang tính chiêu dụ nhưng khiêm tốn và chân thành trình bày đức tin của mình cho người khác.

Điều cần phải thực hiện trước hết khi nói đến truyền giáo, đó là xây dựng gia đình bền vững trong đức tin và trong tình yêu thương. Một gia đình tốt sẽ có sức lan tỏa sức mạnh truyền giáo đến môi trường xung quanh. Tình nghĩa vợ chồng, mối tương quan hài hòa giữa anh chị em và các thế hệ con cháu… tất cả là một chứng từ hùng hồn và hiệu quả cho đời sống đức tin. Khởi đi từ gia đình, chúng ta liên hệ đến khái niệm “gia đình” rộng lớn hơn, tức là giáo xứ, vì giáo xứ là một gia đình lớn gồm nhiều gia đình nhỏ hợp lại. Tình liên đới hiệp thông nơi cộng đoàn giáo xứ là một trong những điều kiện căn bản để thực thi sứ mạng truyền giáo. Tiếc thay đây đó còn tồn tại những chia rẽ nghiêm trọng nơi các cộng đoàn, như phản chứng của Tin Mừng và làm méo mó hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô. Những hoạt động từ thiện nhằm giúp những người cơ nhỡ, dù là người đồng đạo hay anh chị em lương dân, đều diễn tả sinh động đức Ái là cốt lõi của Tin Mừng và giúp mọi người nhận ra các tín hữu là con của Cha trên trời.

“Có một thuộc tính không thể thiếu đối với những người bước vào đời sống tông đồ. Một điều tối quan trọng và thiết yếu, đó là họ phải có đời sống thánh thiện, Bởi vì ai rao giảng Thiên Chúa thì bản thân họ phải là một người của Thiên Chúa…” (Maximum Illud, số 26). Sự thánh thiện của mỗi chúng ta là điều cần thiết để Tin Mừng của Chúa được lan tỏa trong cuộc sống hôm nay. Đó cũng là điều mỗi người phải thực hiện trước hết, nếu muốn trở nên tín hữu đích thực và những thừa sai loan báo Tin Mừng.

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 16, 15-20)

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Suy niệm

Hàng năm, vào ngày Chúa nhật thứ ba trong tháng 10, Mẹ Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho việc truyền giáo, một công việc như gắn liền với mọi sinh hoạt của Giáo hội, hơn nữa, đó cũng là bản chất của Giáo hội Công Giáo. Nhắc tới việc truyền giáo, nhiều người chỉ dừng lại một suy nghĩ, đây là công việc của các Giáo sĩ, các Tu sĩ và các nhà truyền giáo đặc biệt, thế nhưng, đọc lại bài Tin Mừng của ngày lễ đặc biệt này, chúng ta nghe lại lời mời của Đấng Phục Sinh trước khi về trời, đã nhắn gởi các môn đệ của Ngài là các Tông đồ, và chúng ta hôm nay, những môn đệ của Đức Giêsu, để biết rằng, việc truyền giáo là bổn phận của mọi người, vì thế, những ai được gọi là Kitô hữu sẽ tiếp bước các Tông đồ, đi vào giữa lòng thế giới, để gieo niềm vui và hy vọng, để làm tan chảy mọi oán hờn, để xây dựng tình gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa trong cộng đoàn, giữa cuộc sống xã hội hôm nay.

Sau khi bị đoạn tuyệt với Thiên Chúa, tổ tiên con người bước đi trong bóng đêm của tội lỗi và sự chết, chặng đường phía trước đầy những thử thách, đặc biệt là những cạm bẫy của tội lỗi. Thế nhưng, khi đuổi con người ra khỏi mối tình thân thiện, Thiên Chúa không từ bỏ con người, Ngài đã hứa sẽ cứu thoát con người, đưa con người ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi, trở thành con người tự do. Các tiên tri đã loan báo về ngày của Chúa đang đến gần, ngày cứu độ muôn dân luôn trông đợi. Tiên tri I-sa-i-a đã nối tiếp lời tiên báo đó với tâm tình an ủi, khích lệ mọi dân tộc, hãy đứng lên, hãy cố gắng đợi trông: “Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”. Dân Do-thái được coi là dân riêng của Thiên Chúa, vì thế, họ có trọng trách giới thiệu cho muôn dân biết về ơn cứu độ của Thiên Chúa, họ phải biến đổi cuộc đời họ như một ngọn đèn sáng, một gương sống thực sự, để họ nhận ra đó là dấu chỉ hướng về ngày cứu độ, ngày đầy tràn niềm vui cứu độ.

Khi tuyển chọn những người cộng sự viên cho mình trong hành trình truyền giáo, thánh Phaolô luôn nhắc nhở mỗi người phải ý thức trọng trách lớn lao, đó là giới thiệu ơn cứu độ cho mọi người, ơn cứu độ đó đến từ Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ trung gian duy nhất của con người: “Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật”. Trở thành người môn đệ của Đức Giêsu tất nhiên đó phải là người loan Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, vì thế, bất cứ ai được gọi là môn đệ của Đức Giêsu, thì trách vụ đầu tiên là loan báo niềm vui cứu độ cho mọi dân tộc, loan báo tin vui đó không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cả cuộc đời, bằng gương sống mỗi ngày, đặc biệt là bằng một tình yêu vô vị lợi.

Sứ mạng của Đức Giêsu khi bước vào trần gian là đem tình yêu thương của Chúa Cha đến cho con người qua việc cứu họ thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Bởi đó, trước lúc được Chúa Cha đưa về trời, Đức Giêsu thấy còn bao nhiêu con người chưa nhận biết Thiên Chúa, chưa được ghi tên trong gia đình của Ngài, vì thế, Ngài mời các Tông đồ lên đường, nối tiếp sứ vụ của Ngài, đem tin vui và ơn cứu độ đến cho muôn dân trải qua mọi thời đại: “Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Một lời mời rất trang trọng nhưng không kém phần khẩn thiết, bởi Ngài thấy rằng: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”. Một thao thức lớn của Đấng Cứu Thế ngày xưa và cũng là thao thức của Mẹ Giáo hội hôm nay, trước một thế giới đang tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và sống thực dụng này.

Đọc lại lời mời của Đấng Cứu Thế, chúng ta thấy nội dung không gởi cho một ai đó cụ thể, nhưng là gởi tới cho tất cả những ai được gọi là môn đệ của Đức Giêsu. Người môn đệ là người đã nhận lãnh bí tích Thanh tẩy, đã trở thành chi thể trong thân thể huyền nhiệm là Đức Giêsu Kitô. Do đó, lời mời lên đường sẽ đi cùng với người môn đệ trong suốt hành trình đức tin và cuộc sống. Lên đường là bỏ lại đằng sau những gì gắn bó với bản thân hàng ngày, chấp nhận thiệt thòi và mạnh dạn vượt qua mọi trở ngại khác. Đồng thời, trong từng bước chân của người loan tin vui đó, cần phải biết nói gì, nói với ai một sứ điệp gì đó liên quan đến cuộc đời của mỗi người.

Hiện diện giữa lòng Giáo hội hôm nay là Chúa Thánh Thần, người môn đệ cần đủ can đảm và khiêm tốn để lắng nghe tiếng nói và sự hướng dẫn của Ngài không, bởi Ngài là đấng kiến tạo sự hiệp nhất và hoàn thiện tình yêu nơi tâm hồn mỗi người. Lắng nghe và hiểu sứ mạng của mình rồi, người môn đệ cần mạnh dạn lên đường, đi vào giữa lòng thế giới, để loan Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Có nhiều cách để nói về Tin Mừng đó chứ không đơn thuần là những giáo điều, những bài giáo huấn sặc mùi lý thuyết và hình thức.

Đồng hành với những người nghèo trong hoàn cảnh hiện tại của họ là một chứng từ rất sống động, chia sẻ với họ mọi khó khăn và thiếu thốn, giúp đỡ những người bệnh nhân qua việc dừng chân bên giường bệnh với một cái nắm tay ấm áp, dòng chảy của tình yêu sẽ từ trái tim người môn đệ, chảy vào tâm hồn lạnh cóng của họ vì thiếu thốn tình người. Ngồi lặng lẽ bên những gia đình bất hạnh trong sự cảm thông, cùng khóc với người khóc, cùng vui với người vui, cùng đau với người đau, là những việc người môn đệ hôm nay có thể và nên thực hiện, để tha nhân cảm nghiệm dòng chảy tình yêu đó khởi đi từ Thiên Chúa, ngang qua Thập giá tình yêu, tuôn đến tâm hồn và gia đình họ.

Để có thể mạnh dạn lên đường và có thể làm bất cứ việc gì, giúp xây dựng tình người trong mầu nhiệm hiệp thông với Đức Giêsu, người môn đệ cần có một trái tim nồng ấm của tình yêu. Có thể nói yếu tố đầu tiên để lên đường của người môn đệ là tình yêu, không có tình yêu làm sao có động lực để dấn thân, không có tình yêu làm sao có sức mạnh để phiêu lưu vào tâm dịch, không có tình yêu làm sao có thể chăm sóc và an ủi những bệnh nhân đang mang những căn bệnh nguy hiểm, chết chóc, không có tình yêu, không thể ngồi lại trong căn nhà rách nát của người nghèo và bệnh tật đâu. Tình yêu mạnh hơn sự chết, tình yêu mạnh hơn mọi yếu tố khác của thế gian. Để có một tình yêu mãnh liệt, người môn đệ của Đức Giêsu, cần kết nối với Thầy Chí Thánh của mình hàng ngày, hàng giờ trong tĩnh lặng và khiêm tốn. Chính trong phút giây đó, trái tim người môn đệ sẽ ngập tràn tình yêu tự hiến, tình yêu quảng đại và tình yêu phục vụ, giúp họ hân hoan cất cao tiếng hát của người ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Tình yêu, Chúa đã chấp nhận đi vào thế giới con người để giải thoát con người và cứu độ con người trong quyền năng của Thiên Chúa, xin giúp chúng con ý thức tâm tình từ bỏ, dám hy sinh, biến cuộc đời mình như là một nhịp cầu tình yêu, để cho ơn cứu độ của Thiên Chúa được tuôn chảy đến với mọi gia đình, mọi dân tộc và mọi tâm hồn. Chúa đã yêu con người đến cùng, yêu cho đến chết và chấp nhận cái chết vì yêu, xin dạy chúng con biết yêu mến Chúa nơi tha nhân và qua tha nhân, để phục vụ, trân trọng và cảm thông với anh chị em trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Amen.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...