Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Lễ Đức Mẹ Mân Côi     Nghe MP3 Ca nhập lễ Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và con lòng Bà gồm

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

 

 

Nghe MP3

Ca nhập lễ

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và con lòng Bà gồm phúc lạ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin cho chúng con biết thật Ðức Kitô con Chúa đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Thánh Mẫu Ma-ri-a chuyển cầu, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".

Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại:"Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn". Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa:"Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".

Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: "Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8

Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi

Xướng: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

Xướng: Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

Xướng: Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

Xướng: Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12. 17-19

"Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 28

Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin biến đổi đời sống chúng con cho xứng hợp với hiến lễ này, và giúp chúng con biết để tâm suy gẫm những mầu nhiệm cuộc đời Con Một Chúa hầu đáng hưởng những phúc lộc người đã hứa ban. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng Ðức Mẹ: "trong ngày lễ...".

Ca hiệp lễ

Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai, và đặt tên là Giêsu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, chúng con vừa cử hành bí tích Thánh Thể để tuyên xưng Ðức Kitô Con Một Chúa đã chịu chết và sống lại. Xin cho chúng con biết cùng chịu đau khổ với người, hầu đáng được hạnh phúc cùng người sống lại vinh hiển. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Suy niệm Lễ Mân Côi của Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 26-38)
 
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
 
Suy niệm
 
Chúa nhật 27 thường niên năm nay, Mẹ Giáo hội cho phép chúng ta mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi. Thông thường, Lễ Đức Mẹ Mân Côi được mừng kính vào ngày 07 tháng 10 hàng năm, nhưng năm nay được kính trọng thể vào ngày Chúa nhật trước. Đó là niềm vui lớn lao cho đoàn con khi được cùng Mẹ Mân Côi dâng lên Chúa Cha tâm tình biết ơn và tri ân.
 
Mỗi lần nhắc đến lễ Mân Côi, chúng ta thường được mời gọi hướng về kinh Mân Côi, chuỗi Mân Côi. Đây là lời kinh khởi đi từ lời chào của sứ thần Gabriel khi gặp Mẹ Maria trong biến cố truyền tin. Lời chào đó làm toát lên sự thánh thiện của Mẹ đã được Thiên Chúa đón nhận từ những hy sinh, từ những cố gắng của bản thân Mẹ, hơn nữa, những ngày tháng trong cuộc đời của Mẹ, luôn dành cho Thiên Chúa, từ những giờ cầu nguyện chìm đắm trong sâu thẳm, cho đến việc học hỏi Thánh Kinh, chuyên chăm tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Tất cả cộng góp lại thành những chuỗi việc lành dâng lên Giavê Thiên Chúa. Lời chào của sứ thần còn mạc khải cho thế giới biết về tình thương của Thiên Chúa viên mãn thế nào, khi cho con người cộng tác vào công trình cứu độ thế giới. tình yêu thương đó như nguồn mạch tuôn trào đến mọi tâm hồn, mọi gia đình, trong đó có Đức Maria, người nữ nhỏ bé trong ngôi làng hẻo lánh Nazareth.
 
Lời kinh Mân Côi cũng là một lời cầu xin chân thành, khiêm tốn của đoàn con dâng lên Mẹ khi Mẹ được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Đấng Cứu Độ nhân loại. Mẹ được hiệp thông với Con mình trong mầu nhiệm cứu độ, nên Mẹ trở nên đấng trung gian để chuyển cầu và van xin cho con cái khi tất cả đang ở chốn quê người đất khách này. Ý thức về phận người dễ rơi vào chốn cực hình, đoàn con Mẹ ngày đêm khấn xin Mẹ giúp cho mỗi người luôn ý thức về sự yếu đuối của mình, sự mong manh của phận người và thân phận dễ sa ngã trước những cám dỗ của ma quỷ. Đoàn con luôn tin vào tình thương của Mẹ dành cho mỗi người và mọi người, do đó, lời kinh Mân Côi vẫn mãi là một lời cầu xin đẹp nhất và dễ thương nhất của con cái dâng lên Mẹ Maria.
 
Bài Tin Mừng trong Thánh lễ này tường thuật lại biến cố truyền tin của Mẹ Maria. Sứ thần Gabriel xuất hiện, mang theo một sứ điệp của Chúa Cha, loan tin cho Đức Maria, Mẹ đã được Thiên Chúa Cha chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Một tin vui cho Mẹ, một tin vui cho nhân loại, một niềm hy vọng lớn lao cho con người, họ sẽ không phải chết đời đời, nhưng sẽ được cứu độ nhờ Chúa Cha hôm nay thực hiện lời hứa năm xưa. Hình ảnh sứ thần ghé xuống một căn nhà khiêm tốn trong vùng quê xa xôi đưa chúng ta về hình ảnh một Thiên Chúa cúi xuống thăm viếng gia đình nhân loại khi họ đang ngụp lặn trong chốn lầm than của tội lỗi. Hôm nay, Thiên Chúa cúi xuống, ghé thăm dân người đang chìm đắm trong tội lỗi và sự chết, hết hy vọng và vui mừng được sống đời đời. Thiên Chúa đã cúi xuống cảm thông với phận người mong manh và yếu đuối, để nâng con người lên, đưa tới một chỗ đứng mới trước mặt Ngài, đó là được đón nhận làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, đó là bản tính của Thiên Chúa. Tình yêu của Ngài đạt tới sự viên mãn và tròn đầy, tình yêu đó vượt trên tất cả mọi giá trị của tình yêu con người. Vì thế, Ngài đã thông chia cho con người tình yêu viên mãn đó qua mầu nhiệm nhập thể, để từ đây, con người, trước là cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu thương con người, trong đó có bản thân như thế nào, sau nữa là Ngài muốn cho con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, đó là được sống đời đời. bởi thế, Ngài đã đi vào lịch sử của con người, đã sống với, sống cùng con người, rồi cuối cùng chết cho con người.
 
Đức Maria đã đón nhận niềm vui đó trong sự ngỡ ngàng cộng thêm một chút bí ẩn, nhưng từng ngày trong cuộc đời Mẹ, và qua từng biến cố, Mẹ đã hiểu được phần nào tình yêu Thiên Chúa dành cho Mẹ nói riêng và cho nhân loại nói chung, bao la biết chừng nào. Phần thưởng lớn lao Thiên Chúa dành cho người khiêm tốn và sống trong niềm tin yêu chân thành biến tâm hồn Mẹ đầy Chúa, đầy hồng ân của trời cao, Mẹ đã không cất giấu cho riêng mình, Mẹ cũng không kiêu căng hay tự mãn khi được Chúa Cha yêu thương cách đặc biệt, nhưng Mẹ đã hành động theo sự tác động của tình yêu, đó là chia sẻ, đó là trao ban, đó là cảm thông và đó là hy sinh.
 
Sau biến cố truyền tin, Mẹ vội vã lên đường, đến một gia đình ở vùng quê hẻo lánh hơn, để thăm gia đình người chị họ, đó là gia đình Giacaria. Thái độ vội vã và đầy cố gắng của Mẹ như là một hình ảnh cho các nhà truyền giáo hướng về. Mẹ biến cung lòng mình thành ngôi nhà tạm cho Con Thiên Chúa trú ngụ, và Mẹ cùng với Con Thiên Chúa ghé thăm gia đình nhân loại mà đại diện là gia đình ông Giacaria đó. Mẹ ra đi trên một chặng đường heo hút và đầy hiểm nguy, Mẹ chấp nhận mọi rủi ro để được thăm viếng, Mẹ để lại đằng sau mọi lo toan của bản thân, để cảm thông, để chăm sóc và để chia sẻ với người chị họ trong hoàn cảnh cuộc đời không mấy may mắn. Đó cũng là hình ảnh một Thiên Chúa khước từ ngai vàng trời cao, lên đường đến với gia đình nhân loại đang gặp nhiều khó khăn, đang gặp nhiều đau khổ trong cuộc đời. Con Thiên Chúa đến với nhân loại trong một chặng đường nhiều rủi ro và hiểm nguy. Bị truy bắt, bị khước từ, bị tấn công dồn dập khi sống công khai, bị chất vấn, bị công kích vì dám nói sự thật, bị ghét bỏ vì dám xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, trong khi đó, gia đình nhân loại đang ngập chìm trong tội lỗi, trong sự chết, vậy mà họ lại khước từ đấng mang đến cho họ sự sống đời đời, họ đã mất liên lạc với Giavê Thiên Chúa sau khi nguyên tổ phạm tội, vậy mà họ lại kết án đấng mở đường cho họ đến với Thiên Chúa, và họ đã đóng đinh Đấng đem đến cho họ sự thánh thiện của trời cao, và chấp nhận trở thành kẻ phản bội Thiên Chúa.

Mừng lễ Mẹ Mân Côi, Mẹ Giáo hội mời gọi con cái đi lại những chặng đường khổ đau và vinh quang của Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm cứu độ nhân loại. Những lời kinh dung dị đó có thể giúp mỗi người con của Mẹ có tâm hồn dịu dàng hơn sau những lo toan, những áp lực, những nỗi đau đang gặm nhấm trong cuộc đời, tất cả như được tắm gội trong dòng nước mát từ kinh Mân Côi, rồi từ đó, được mời gọi đi vào trong chiều sâu của tình yêu cứu độ, nơi đó, con người được gắn chặt mình vào mầu nhiệm đau khổ của Con Thiên Chúa, được ngụp lặn trong niềm vui của mầu nhiệm phục sinh, nơi đó, con người tìm lại được chính mình và tìm thấy chỗ đứng của mình trong gia đình của Thiên Chúa. Lời kinh đó còn giúp đỡ cho bao người khổ đau, cho bao người bất hạnh, đặc biệt cho các linh hồn. Nếu như mỗi ngày, lời kinh đó theo chân chúng ta đi vào thế giới, đi vào nhà máy, đi vào công xưởng, đến trường học và có mặt trên mọi nẻo đường của thế giới, chắc sẽ không còn bóng dáng của chiến tranh, không còn bóng dáng của hận thù và cũng không còn bóng dáng của tội lỗi. Chỉ tiếc một điều là đoàn con của Mẹ chưa thực sự yêu mến lời kinh Mân Côi, chưa thực sự yêu mến Mẹ Maria, để cùng Mẹ cầu nguyện mỗi ngày và mọi ngày trong cuộc đời, dù họ đang sống trong ơn gọi gia đình hay đang sống trong ơn gọi tận hiến.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trăn trối người mẹ yêu dấu của mình lại cho nhân loại, để Mẹ yêu thương, chăm sóc và cùng với nhân loại cầu nguyện, xin cho mỗi người chúng con biết cùng với Mẹ cầu nguyện mỗi ngày cho Giáo hội, cho con cái của Mẹ đang sống cũng như đã qua đời. Chúa luôn dành cho Mẹ những hồng ân đặc biệt trên trời cao bởi Chúa là con yêu dấu của Mẹ, xin đón nhận những lời cầu nguyện, những lời kinh của chúng con dâng lên, bởi chúng con là anh em cùng một Mẹ với Chúa, cậy vào công nghiệp và sự hy sinh của Mẹ Maria, xin Chúa nhận lời nguyện cầu của chúng con hôm nay và cho đến giờ lâm tử. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh


MẸ MÂN CÔI: NGƯỜI DẪN LỐI VỀ TRỜI
(Chúa Nhật kính Mẹ Mân Côi) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Nói đến cha thánh Gioan Maria Vianey, hẳn chúng ta ít nhiều nghe kể về một chuyện như  giai thoại của vị linh mục ngày đầu về nhận xứ. Vì không biết đường đến nhà thờ, cha Vianey bèn hỏi một em bé: Bé ơi, chỉ cho cha con đường đến Nhà Thờ xứ này đi, rồi cha sẽ chỉ cho bé con đường về trời. Em bé đáp ngay: Xạo quá ông cha ơi, con đường đến nhà thờ mà ông còn chưa biết thì đường về trời ông làm sao biết được.

Cậu nhóc xem ra có lý lắm chứ. Con đường về trời quá xa xôi, thậm chí có khi là xa vời vợi thì làm sao biết được. Không ai có thể lên trời nếu không phải là người đã từ trời xuống hay là đã thực sự đến đích nghĩa là đã về trời. Trong niềm tin, chúng ta khẳng định rằng một người trong nhân loại đã thực sự về trời cách trọn hảo chính là Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu độ cũng là Mẹ của chúng ta. Bước chân của Mẹ đã đến đích là Nước Trời vì Mẹ là người đã dõi theo chân Giêsu, Con của Mẹ cách chính xác nhất.

Đã về trời với Người Con dấu yêu, Giêsu, nhưng tấm lòng của Mẹ vẫn mãi canh cánh với đoàn con nhân loại đang còn lữ thứ là những người con mà Mẹ đã chính thức đón nhận khi đứng dưới chân thập giá năm xưa (x.Ga 19,26-27). Để dẫn đưa bước chân đoàn con nhân loại thẳng hướng về trời, thì Mẹ đã thương trao tặng một cẩm nang “chỉ thiên” đó là tràng chuỗi mân côi. Tràng chuỗi mân côi với các mầu nhiệm vui, thương, mừng và gần đây Đức cố giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thêm năm sự sáng chính là những điểm mốc trên quãng đường Mẹ đã dõi theo Giêsu để về trời hưởng hạnh phúc viên mãn.

Cuộc đời là một chuyến đi. Kiếp người là một cuộc lữ hành. Nói đến chuyện lữ hành, chuyện đi lại, người ta liên tưởng đến chuyện giao thông. Người dân nước Việt, đặc biệt tại các thành phố lớn đã phần nào chứng nghiệm sự vất vả và lộn xộn của việc giao thông hiện nay. Ngoài một vài nguyên nhân dễ thấy như hệ thống hạ tầng là đường xá, cầu cống nhỏ hẹp, hư hỏng… hay các nguyên nhân nằm trong tâm thức người tham gia giao thông đó là thiếu tôn trọng kẻ khác, đặt lợi ích của mình lên trên hết… thì người ta cũng phải nhìn nhận sự thật này, đó là luật lệ giao thông của chúng ta còn bất cập, các quy hoạch làm đường, cách thế phân luồng, những bảng biểu chỉ dẫn giao thông… còn thiếu tính khoa học, hợp lý và đồng bộ, nghĩa là việc hướng dẫn giao thông ở tầm vĩ mô còn bị hạn chế. Ngay tại các nước tiến tiến, dù đã có những bảng biển hướng dẫn cụ thể, rõ ràng với chữ, số lớn dễ đọc dễ thấy, thế mà vẫn có người lạc lối, lầm đường. Dĩ nhiên sự thường, đó là những người say sưa hoặc bất cẩn, cũng có thể là những người bị hạn chế khả năng nhìn do tuổi tác hay bệnh tật…
 
“Trên con đường về quê, mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai?” Một ca từ kính Mẹ Maria đã từng bị nhận định là sai thần học, nay đã được đổi thành: “Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ…”. Cùng đi với Mẹ, đúng hơn là được Mẹ cùng đi thì ta không sợ lạc lối, lầm đường. Tràng chuỗi mân côi không nguyên chỉ là cuốn cẩm nang hướng dẫn đường về trời mà Mẹ trao cho chúng ta như một vật hay một cuốn sách nhưng đó là một cách thế vừa dịu dàng mà hiệu quả để về trời, vì Mẹ Maria đang cùng chúng ta bước đi.
Những lần Mẹ hiện ra gần đây như ở Fatima, khi các trẻ bé Gianxinta, Phanxiô và Luxia lần chuỗi thì các em đã thấy Mẹ cùng đọc kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh và khi các em đọc các kinh Kính Mừng thì Mẹ im lặng, lắng nghe. Khi chúng ta chào: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc…”, thì Mẹ hiện diện với chúng ta. Có người mẹ nào khi con cái chào kính mà lại tránh mặt làm ngơ! Và khi chúng ta thực tâm và chuyên chăm xin Mẹ “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” thì chắc chắn Mẹ phải nhậm lời.

Chuyện lạc lối hay lầm đường của hành trình làm người là chuyện không hiếm, thậm chí là nhan nhản vì “nhân bất thập toàn” và “đa thọ thì đa nhục”, tuổi đời càng cao thì lầm lỗi càng nhiều. Tháng mân côi lại về, đặc biệt trong ngày kính Lễ Mẹ mân côi, chúng ta thành tâm dâng lên Mẹ tâm tình cảm mến tri ân, vì món quà vô giá Mẹ đã trao tặng là tràng chuỗi mân côi, một phương thế tuyệt hảo dẫn lối chúng ta về trời. Các nhà tu đức không chỉ ví von tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin Mừng tóm gọn mà còn xác nhận rằng tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin Mừng cho mọi người, mọi hoàn cảnh. Trẻ bé cũng có thể thân thưa: Kính mừng Maria… Người già cũng có thể cầu: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời… Người dân dã, ít học cần lần chuỗi mân côi hay vị bác học như Louis Pasteur cũng cần lần chuỗi hạt để biết cách thế về trời.

Là Kitô hữu Công giáo, có thể nói rằng không một ai là không yêu mến, tôn kính Mẹ Maria. Lòng tôn kính, mến yêu Mẹ đích thực như lời dạy của Hội Thánh “phải thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ” (GH 67). Một trong những cách thế yêu mến Mẹ và noi gương các nhân đức của Mẹ đẹp lòng Mẹ nhất đó là lần chuỗi mân côi. Khi lần chuỗi mân côi chúng ta hãy sốt sắng suy ngắm các mầu nhiệm mà Mẹ đã dõi bước theo chân Chúa Giêsu năm xưa và hãy nhớ rằng Mẹ cũng đang song hành với chúng ta.

Một thực tiễn trong Giáo Hội Công giáo đó là các vị quyền cao chức trọng mấy đi nữa, các vị uyên bác thần học thâm sâu mấy đi nữa thì đến khi tuổi đà xế bóng, dường như luôn “kè kè” tràng chuỗi mân côi bên mình. Tín hữu Công giáo lại có thói quen đạo đức rất tốt là thường đặt vào tay những người quá cố tràng chuỗi mân côi. Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ, con luôn vững tin, con luôn an bình…

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI - SỢI DÂY YÊU THƯƠNG

(Kn 3,9-15.20; Cv 1, 12- 14; Lc 1,26-38)

Một linh mục đã kể câu chuyện như sau: buổi tối nọ, có cuộc điện thoại mời ngài đến một bệnh viện gần đó để xức dầu cho một bệnh nhân. Người bệnh là một bà cụ già trạc tuổi 80. Khi đến nơi, cụ đang trong cơn nguy kịch. Vì thế, tay bên trái thì chằng chịt dây truyền nước và thuốc vào cơ thể, nhưng tay còn lại thì cụ không rời tràng hạt Mân Côi.

Vị linh mục nói tiếp: “Tôi có thể ví Tràng chuỗi Mân Côi như là sợi dây truyền mà Mẹ đang truyền nước và thuốc tâm linh vào trong cuộc đời của mỗi chúng ta để tăng thêm sinh lực, nhất là đức tin, cậy, mến nơi Thiên Chúa như Mẹ”.

Hôm nay, mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng sự kết hiệp mật thiết sâu xa của Mẹ Maria nơi Thiên Chúa, cũng như cảm nghiệm được tình mẫu tử nơi Mẹ Maria với con cái.

1. Cuộc đời Mẹ luôn hướng về Thiên Chúa

Có lẽ không ai là người Việt Nam lại không biết bài hát “Xin Vâng” của linh mục nhạc sĩ Kim Long! Bài hát này được gợi hứng từ chính đoạn tin Mừng Lc 1,26-38 mà chúng ta vừa nghe.

Qua bài hát này, chúng ta nhận thấy cuộc đời Mẹ là một cuộc đời xin vâng.

Khởi đi từ việc Mẹ xin vâng lời Thiên Chúa truyền dạy qua thiên sứ: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Chính nhờ lời xin vâng này mà Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại.

Từ đây, Mẹ đã hoàn toàn vâng lời Thiên Chúa cách tuyệt đối. Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu độ này cách trung thành. Nói cách khác: Thiên Chúa có thể tùy nghi sử dụng Mẹ như một nữ tỳ khiêm hạ đầy lòng mến để phục vụ cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa trên và trong nhân loại. Hình ảnh và thái độ của Mẹ Maria trong bài Tin Mừng hôm nay khác hoàn toàn với hình ảnh và thái độ của Evà trong thời Cựu Ước.

Nếu một Evà muốn sống tự do và sử dụng tự do để chống đối lại Thiên Chúa, thì với một Maria, Evà của Tân Ước đã sử dụng tự do để quy phục Thiên Chúa.

Nếu một Evà ham quyền, háo danh trong sự kiêu ngạo, thì với Mẹ Maria, một con người khiêm nhường, và hoàn toàn đón nhận thánh ý Chúa và ra sức làm cho ý Chúa được nên trọn trong thân phận nữ tỳ của Người.

Một Evà là mẹ của chúng sinh, nhưng đã gieo rắc tội chết cho nhân loại, thì với Mẹ Maria, Evà mới, Mẹ đã trở thành Mẹ của một thế hệ mới, thế hệ được ngụp lặn trong ân sủng, tình thương và sự sống nhờ lời xin vâng tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa.

Trong suốt cuộc đời của Mẹ, lời xin vâng ấy được lặp lại rất nhiều, có thể nói là liên lỷ đối với Thiên Chúa qua việc gắn bó với Đức Giêsu - Con của Mẹ.

Từ khi trẻ Giêsu còn thơ ấu đến lúc trưởng thành, từ làng quê Nazareth đến đỉnh đồi Canvê... Mẹ luôn hướng về con của Mẹ như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Mẹ vui niềm vui của Đấng Cứu Thế. Buồn nỗi buồn của Đấng Cứu Chuộc. Cùng lo lắng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Con Chí Ái của Mẹ đang thi hành.

Chính sự kết hiệp với Con Chí Ái của Mẹ cách liên lỷ như vậy, nên Mẹ đã trở thành người phi thường khi can đảm đứng dưới chân thánh giá để đồng công cứu chuộc với Đức Giêsu.

Có thể nói: từ khi đón nhận lời xin vâng, Mẹ đã tuyệt đối trung thành với lời tâm huyết thủa ban đầu. Vì thế, dù vui, buồn, sướng, khổ, Mẹ luôn tin tưởng phó thác và cậy trông nơi Thiên Chúa. Cả cuộc đời Mẹ được dệt nên bản tình ca “Xin Vâng” để thánh ý của Thiên Chúa được nên trọn.

Khi gắn bó với Thiên Chúa như vậy, chắc chắn Mẹ được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Hơn nữa, vì Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa, mà Người Con ấy cũng là Thiên Chúa, nên Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Bởi vậy, trước mặt Thiên Chúa, Mẹ Maria là Nữ Hoàng Thiên Quốc, Thiên Chúa sẽ sẵn sàng đáp lại lời cầu xin của Mẹ cho con cái của mình.

2. Mẹ Maria luôn hướng về con cái

Người Công Giáo chúng ta thật hãnh diện và vui mừng vì có một người Mẹ luôn luôn yêu thương con cái của mình hết mực.

Tin Mừng và Giáo Huấn của Giáo Hội đã vén mở cho chúng ta thấy tình mẫu tử tuyệt vời ấy nơi Mẹ Maria.

Chẳng hạn như: Mẹ đã lên đường viếng thăm và giúp đỡ bà Êlisabét một thời gian; hay như việc Mẹ lên tiếng kêu cứu Đức Giêsu ra tay cứu giúp gia chủ tại tiệc cưới Cana khi trong tình trạng thiếu rượu.

Hơn nữa, chúng ta thật vinh phúc vì được chính Đức Giêsu trao phó cho Mẹ Maria dưới chân thập giá qua thánh Gioan. Và, hình ảnh thật thắm đượm tình Mẹ - con giữa Mẹ Maria với Giáo Hội lúc sơ khai, đó là Mẹ đã cùng với các môn đệ quây quần bên nhau nơi nhà Tiệc Ly để cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Giáo Hội.

Những hình ảnh đó cho thấy sự kết hợp mật thiết của Mẹ dành cho con cái chốn trần gian.

Một trong những biến cố quan trọng cho thấy Mẹ uôn dõi theo con cái của mình đang lữ thứ chốn trần gian và sẵn sàng ra tay bênh đỡ khi con cái gặp hiểm nguy, đó là:

Vào năm 1571, lúc đó, anh em Hồi Giáo đang làm một cuộc viễn chinh nhằm chinh phục thế giới về cho mình. Họ đi từ Trung Đông sang Á Châu rồi Ấn Độ và đổ bộ đến Âu Châu. Tới đâu, thì nơi đó trở nên hoang tàn, chết chóc đến tang thương. Điểm cuối cùng mà họ nhắm tới, đó là nước Ý, nơi đó có thủ đô của Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo Hoàng. Họ muốn san bằng và phá hủy hết tất cả những dấu tích của Giáo Hội. Vì thế, đội quân viễn chinh đã chuẩn bị đầy đủ vũ khí và một đội quân tinh nhuệ đã sẵn sàng chiến đấu.

Trước tình trạng nguy hiểm đó, họa Hồi Giáo đang đến gần, Đức Giáo Hoàng Piô X rất vững niềm trông cậy, ngài đã giữ được bình tĩnh và phát động chiến dịch cầu nguyện với kinh Mân Côi để xin Đức Mẹ cứu giúp.

Kết quả thật bất ngờ! Quân Hồi Giáo bỗng dưng bị suy yếu đến lạ thường, và cuối cùng, trái tin Mẹ đã toàn thắng. Con cái Mẹ hân hoan ca mừng chiến công hiển hách do tình thương của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.

Biến cố này rơi vào đúng ngày 7-10, vì thế, ngày này được dâng kính Đức Mẹ Maria dưới tước hiệu Mân Côi.

3. Mỗi người chúng ta hãy gắn bó cuộc đời mình nơi Mẹ Maria

Mỗi khi mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ Maria trong việc gắn bó, vâng phục Thiên Chúa. Chính nhờ sự gắn bó với Thiên Chúa cách tuyệt đối như vậy, mà Mẹ đã trở thành Đấng Đầy Ân Sủng để chuyển cầu cho chúng ta.

Mặt khác, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm tình yêu thương của Mẹ Maria với Giáo Hội và từng người chúng ta. Khi chiêm ngắm như vậy, chúng ta hãy noi gương Mẹ để cũng biết sống xót thương anh chị em mình như Mẹ đã thương xót chúng ta.

Cuối cùng, lời mời gọi yêu mến Mẹ Maria cách thiết thực mà Giáo Hội không ngừng tha thiết nhắc lại chính lời Mẹ nhắn gửi khi xưa: “Hãy tôn sùng Mẫu Tâm Mẹ, ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi”.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con xin tạ ơn Cha đã ban cho chúng con một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria. Xin cho chúng con biết yêu mến Mẹ, noi gương Mẹ và thực hành Lời Chúa cách tuyệt đối trong sự vâng phục như Mẹ khi xưa. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...