Lễ Sinh nhật Đức Maria

“Bà đã thụ thai bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần”. (Mt 1, 1-16. 18-23)

Lễ Sinh nhật Đức Maria


Mt 1, 1-16.18-23

 
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Lễ Sinh nhật Đức Maria

Dẫn vào Thánh Lễ

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Maria là một thụ tạo ưu tuyển mà Thiên Chúa đã tiền định, để được sinh ra hầu làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

Thời gian viên mãn đã đến, Thiên Chúa sai Con Một của Ngài sinh dưới chế độ lề luật, sinh bởi một Trinh Nữ, để ứng nghiệm lời Chúa đã phán qua miệng tiên tri: “Này đây một Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi là Emmanuel = Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Quả vậy, Đức Maria thật diễm phúc và xứng đáng được ca tụng, vì Mẹ đã sinh ra Mặt Trời Công Chính là Đức Giêsu Ki-tô Chúa chúng ta.

Giờ đây, chúng ta thật lòng thông hối, để cùng với Mẹ, chúng ta dâng lời chúc tụng Thiên Chúa trong thánh lễ mừng kính Sinh Nhật Mẹ hôm nay, để nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, chúng ta đến với Chúa Giêsu trong Thánh lễ này.

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy hân hoan mừng lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã sinh ra mặt trời công chính là Đức Kitô. Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, ngày sinh nhật của Ðức Giêsu Con Một Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay ngày sinh nhật của Thánh Mẫu Người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc, và cho chúng con hưởng bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a

“Ðến khi người nữ phải sinh, sẽ sinh con”.

Trích sách Tiên tri Mikha.

Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Rm 8, 28-30

“Những kẻ Chúa đã biết trước thì Người đã tiền định họ”.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành. Họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Nhưng những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; và những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 12, 6ab. 6cd

Ðáp: Con sẽ hớn hở vui mừng trong Chúa

Xướng: Xin chớ để kẻ thù con hân hoan vì con quỵ ngã: bởi con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa.

Xướng: Xin cho lòng con hân hoan vì ơn Ngài cứu độ; con sẽ hát mừng Chúa, vì Ngài ban ân huệ cho con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người có phúc và rất đáng mọi lời ca tụng, vì Mẹ đã sinh ra Mặt trời Công Chính là Ðức Kitô, Chúa chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 1-16. 18-23

“Bà đã thụ thai bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít, con của Abraham.

Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Ðavít.

Ðavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng Bà, là người công chính, không muốn tố giác Bà, nên mới định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; Bà sẽ sinh hạ một Con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng:

“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Mt 1, 18-23

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng Bà, là người công chính, không muốn tố giác Bà, nên mới định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; Bà sẽ sinh hạ một Con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng:

“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ sự: Anh chị em thân mến! Hiệp thông với niềm vui chung của Hội Thánh mừng ngày sinh nhật của Đức Maria hôm nay, chúng ta xin Mẹ chuyển cầu lên Chúa những tâm tình ước nguyện sau đây:

1. “Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa” –  Xin cho Hội Thánh luôn biết tin tưởng, phó thác vào sự hướng dẫn, che chở của Mẹ trên đường tiến về Thiên Quốc, nhất là biết bắt chước những nhân đức của Mẹ.

2. “Tôi sẽ hớn hở vui mừng trong Chúa” – Xin cho mọi người biết nghe theo lời Mẹ răn bảo, biết sám hốì và canh tân cuộc sông để đem lại hoà bình cho thế giới và niềm vui cho tâm hồn.

3. “Mẹ đã sinh ra trong cảnh đơn sơ khó nghèo”. – Xin cho những người nghèo khổ biết theo gương Mẹ, sổng tinh thần nghèo khó của Nước Trời, hầu xứng đáng chia sẻ sự giầu sang của Thiên Chúa trên nơi vĩnh cửu mai sau.

4. “Vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần” – Xin cho các bạn trẻ trong giáo xứ chúng ta, siêng năng dự lễ và rước lễ để đem Chúa vào môi trường sông của mình.

Chủ sự: Lạy Cha nhân ái, việc Đức Maria chào đời như rạng đông báo hiệu mặt trời Công Chính là Đức Giêsu Kitô. Xin nhận lời chúng con khẩn nguyện, để cùng Mẹ, chúng con luôn là những chứng nhân giới thiệu Cha cho mọi người, Cha là Đấng Hằng Sông và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Con Một Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại, ước gì Người ban ơn trợ giúp chúng con. Xưa khi người giáng sinh, đức đồng trinh của Thánh Mẫu đã không vì thế mà bị tổn thương, nhưng đã được thánh hiến. Nay ước gì Con Một Chúa cũng giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và làm cho chúng con trở thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Ðức Mẹ: “trong ngày lễ…”.

Ca hiệp lễ

Này đây một trinh nữ sẽ hạ sinh một Con Trai, Người sẽ cứu dân mình khỏi tội.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh tìm được sức mạnh trong thánh lễ chúng con đang cử hành. Xin cho chúng con cũng tìm được niềm vui trong ngày mừng sinh nhật Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Chính Người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng và ơn cứu độ là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Lễ Sinh Nhật Đức Maria
Linh Tiến Khải

Sau khi tìm hiểu lịch sử lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta cũng đã tìm hiểu lịch sử và chỗ đứng của Kinh Mân Côi trong cuộc sống Kitô hữu, đặc biệt là trong cuộc đời các Thánh. Tiếp tục trình bầy các lễ còn lại về Đức Mẹ, hôm nay chúng ta tìm hiểu lễ Sinh Nhật Đức Maria.

Liên quan tới biến cố Đức Maria sinh ra Đức Hồng Y Ildefonso Schuster, Tổng Giám Mục Milano, đã viết một trong những trang ý nghĩa như sau: “Như Evà đầu tiên đã được rút ra từ cạnh sườn của Ađam, cũng thế Đức Maria tất cả rạng ngời sự sống và sự vô tội, sáng chói và vô nhiễm, bước ra từ trái tim của Ngôi Lời vĩnh cửu, là Đấng do công trình của Chúa Thánh Thần, như phụng vụ dậy chúng ta, muốn chính Người nhào nặn thân thể và linh hồn ấy một ngày kia phải dùng làm nhà tạm và đền thờ cho Người. Mẹ là bình minh loan báo ngày đã mọc lên đàng sau các ngọn đồi vĩnh cửu; Mẹ là chồi thần bí nảy sinh từ gốc Giêssê đáng kinh; Mẹ là con sông mới vọt ra từ thiên đàng và sắp tưới gội toàn thế giới; Mẹ là tấm khăn biểu tượng được trải trên mặt đất để đón sương điềm lạ; Mẹ là Evà mới, nghĩa là sự sống và là Mẹ của các người sống, mà trong ngày này sinh ra cho những kẻ đã có Evà như là mẹ của tội lỗi và của cái chết” (I. Schuster, Liber sacramentorum, Marietti, Torino. Edd. divv. VIII, in fine).

Đức Maria là “ngôi sao báo trước mặt trời và là cung lòng của Thiên Chúa nhập thể”. Biến cố Đức Maria sinh ra được diễn tả một cách tổng kết trong điệp ca Benedictus Kinh Thần vụ của ngày lễ: “Việc Mẹ sinh ra, hỡi Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, đã báo trước niềm vui cho toàn thế giới: từ Mẹ đã sinh ra mặt trời công chính, là Chúa Kitô Chúa chúng con: Người đã cất án phạt và đã đem tới ân sủng, đã chiến thắng cái chết và ban lại cho chúng ta sự sống”.

Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria là một thời sự gây kinh ngạc, bởi vì nó trực tiếp gắn liền với đề tài Chúa Kitô ánh sáng, là một đề tài rất cổ xưa (Giustino, Apl., I,57) và đã được phát triển sau đó, đặc biệt bởi các giáo phụ thuộc thế kỷ thứ IV. Và nó đã được đào sâu trong các tuần lễ phụng vụ quốc gia. Chẳng hạn tuần lễ phụng vụ tại Pescara, trung Italia năm 1977, về đề tài “Chúa nhật ngày của Chúa và Chúa của các ngày”. Kết qủa nó là một đề tài tu đức cũng như đề tài mục vụ, bởi vì nó gắn liền mật thiết với đề tài phục sinh. Hoc giả J. A. Jungmann so sánh cuộc sống của Kitô hữu, coi phục sinh như biến cố của qúa khứ, với một loại hiện hữu khó hiểu, trong đó các thực tại Kitô như bị che kín bởi một làn sương dầy đặc. Trái lại, cuộc sống của Kitô hữu đặt để mầu nhiệm phục sinh vào trung tâm sự hiện hữu của mình, học giả Jungmann so sánh nó với “một cuộc tạo dựng mới, bị xâm chiếm bởi ánh sáng rạng ngời của buổi sáng ngày phục sinh.

Trong phụng vụ lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ liên tục được đặt để trong tương quan với ánh sáng: nếu Chúa Kitô là “mặt trời công chính”, thì Mẹ Maria là bình minh, là ngôi sao báo trước mặt trời, là điểm khởi hành, là cung lòng của Thiên Chúa nhập thể.

Lịch sử cứu độ có một “dẫn nhập” và đẫn nhập đó có tên là Maria: lời nguyện thánh lễ Sinh Nhật Đức Mẹ nói rõ điều đó: “Chức làm mẹ của Đức Trinh Nữ ghi dấu khởi đầu ơn cửu rỗi của chúng con”.

Chính ý niệm này về Đức Maria như là khởi đầu ơn cứu độ của chúng ta đã khiến cho dân chúng đốt các đống lửa lớn trong đêm ngày mùng 7 rạng ngày mùng 8 tháng 9, chẳng hạn như tại đền thánh Đức Mẹ Loreto ở miền trung Italia, để soi sáng các đường phố và quảng trưởng, hầu diễn tả niềm tin yêu của tín hữu đối với Mẹ Maria Ngôi Sao báo trước Mặt Trời, như ở Mitello Val di Catania, nơi có đền thánh kính Đức Bà Ngôi Sao.

Thế chúng ta có các dữ kiện lịch sử và thần học nào chứng minh cho ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ không? Cần phải nói ngay rằng khác với trường hợp của ngày sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả được thánh sử Luca kể lại trong Phúc Âm chương 1,57-66, sách Phúc âm không cho chúng ta biết gì về ngày sinh của Đức Mẹ.

Tài liệu đầu tiên kể lại ngày sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria là mạo thư “Phúc Âm của thánh Giacôbê”, cho biết Đức Maria sinh ra tại Giêrusalem, tại nơi, trên đó trong các năm 400 tới 600 người ta nói tới một vương cung thánh đường dâng kính Đức Mẹ gần hồ tắm Bếdatha có năm hành lang trong thành cổ, ở mạn bắc Đền Thờ Giêrusalem. Sau năm 603 Đức Thượng Phụ Sofronio khẳng định rằng đây là nơi Đức Mẹ đã sinh ra. Sau đó ngành khảo cổ đã xác nhận truyền thống này. Vương cung thanh đường được xây trên ngôi nhà của hai ông bà Gioakim và Anna, thân phụ và thân mẫu của Đức Mẹ, và là nơi Đức Trinh Nữ đã chào đời.

Lễ sinh Nhật Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria đã bắt đầu bên Đông Phương, và chắc hẳn là tại Giêrusalem vào thế kỷ thứ V, nơi lưu giữ truyền thống sống động tin rằng có căn nhà nơi Đức Maria đã chào đời. Ngày lễ hẳn đã nảy sinh từ việc thánh hiến một nhà thờ cho Đức Maria gần hồ Bếdatha có năm hành lang, để kỷ niệm biến cố này. Và các truyền thống này gắn liền với đền thánh hiện nay kính thánh Anna, thân mẫu Đức Maria.

Tại sao lại mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ vào ngày mùng 8 tháng 9? Lễ này được cử hành vào ngày mùng 8 tháng 9 chắc hẳn bởi vì Mẹ Maria giữ nhiệm vụ là khởi đầu công trình cửu độ, vì thế thật là thích hợp cử hành sinh nhật của Mẹ vào đầu năm của Giáo Hội theo tác phẩm Monologium Basilianum. Có một chuyện mạo thư tựa đề “De ortu Virginis” Về ngôi vườn của Đức Trinh Nữ, cho rằng thánh Anna thân mẫu Đức Maria thụ thai vào đầu tháng 5 và chỉ sau bốn tháng mang thai đã cho con chào đời.

Tài liệu đầu tiên về lễ sinh nhật Đức Mẹ xem ra là một bài thánh thi của Romano il Melode, là người chuyên chép thánh thi giữa các năm 536-566. Thánh thi kể lại ngày sinh nhật Đức Trinh Nữ theo Phúc Âm thánh Giacôbê, và đề cập đến sự kiện ngày lễ được cử hành long trọng. Bên Đông phương lễ này mau chóng có tầm quan trọng lớn. Năm 701 Đức Giám Mục đảo Creta đã viết bốn bài giảng về lễ này (PG 97, 1046-1110).

Bên Tây phương lễ sinh nhật Đức Mẹ được du nhập vào hồi thế kỷ thứ VII. Bên Pháp chúng ta thấy lễ được nói đến trong lịch của Sonnatius là Giám Mục thành Reims giữa các năm 614-631. Tại Roma tác phẩm Sacramentario gelasiano (II, 54; ed. Mohlberg, nn. 1016-1019), ghi lại ba lời nguyện của thánh lễ. Tác phẩm Liber pontificalis (ed. Duchesne, I,376), thuộc hậu bán thế kỷ thứ VII, coi nó như đã có, và kể lại rằng Đức Giáo Hoàng Sergio I người Siro-siciliano, cai trị Giáo Hội giữa các năm 687-70i, muốn rằng lễ được cử hành với một cuộc rước kiệu đi từ nhà thờ thánh Adriano cho tới đền thờ Đức Bà Cả, y như cho các lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, lễ Truyền Tin và lễ Đức Mẹ ngủ.

Từ thế kỷ thứ XI lễ sinh nhật Đức Mẹ ngày càng có tầm quan trọng hơn nữa, đến độ có tuần bát nhật đi trước. Đây là điều đã được Đức Giáo Hoàng Innnocenzo IV thiết định năm 1243 theo sau một lời khấn hứa do các Hồng Y đưa ra trong Mật nghị Hồng Y đoàn năm 1241, khi các Hồng Y bị hoàng đế Federico II giam giữ trong vòng ba tháng trời. Năm 1378 Đức Giáo Hoàng Gregorio XI thiết định buổi canh thức vào hôm trước, sau này chính Đức Giáo Hoàng cử hành lễ trọng thể.

Song song trong lãnh vực nghệ thuật người ta cũng thường thấy có hàng loạt các bức khảm đá mầu diễn tả sinh nhật Đức Mẹ. Điển hình như loạt bức khảm đá mầu rất đẹp do ông Pietro Cavallini vẽ mẫu cho vương cung thánh đường Đức Bà Trastevere ở Roma trong hai thế kỷ XIII-XIV, rồi bức tranh nổi tiếng “sinh nhật Đức Maria”, của vị thầy chuyên thực hiện các bức tranh về cuộc đời Đức Mẹ khoảng năm 1460, được giữ trong viện bảo tàng tranh ảnh ở Monaco.

Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria đã được thiết định vào ngày mùng 8 tháng 9 trước thời Đức Giáo Hoàng Sergio I đã không bị điều kiện hóa bởi lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày mùng 8 tháng 12. Vì ý niệm về Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội đã chỉ có mãi sau này. Nhưng chính lễ sinh nhật Đức Mẹ lại điều kiện hóa lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày mùng 8 tháng 12.

Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ là lễ của sư tràn đầy và vơi nhẹ, vì nó được mừng bắt đầu vào mùa thu, nghĩa là sau cái nóng bức của mùa hè, khi khí hậu mát mẻ và dễ chịu hơn, và khi nho và nhiều thứ trái cây khác bắt đầu chín mọng. Do đó lễ Sinh Nhật Đức Mẹ diễn tả hai ý niệm rất đẹp: thứ nhất là ý niệm về sự “tràn đầy viên mãn của thời gian” và ý niệm sự vơi nhẹ mà Mẹ Maria đếm đến cho loài người. Là thụ tạo tuyệt vời được Thiên Chúa tuyển chọn từ đời đời để trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế biến cố Đức Maria chào đời mở màn cho việc thực hiện công trình cứu cuộc của Thiên Chúa. Trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolo diễn tả thời điểm quan trọng biến cố Chúa Giêsu Kitô nhập thể như sau: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4). Nhưng trước khi Chúa Cứu Thế có thể sinh ra, đã phải có ngày Mẹ của Người là Đức Trinh Nữ Maria chào đời, đã phải có ngày Sinh Nhật của Mẹ. Vì vậy có thể nói thời gian viên mãn ấy đã bắt đầu với biến cố Đức Maria chào đời. Mẹ vào đời để bắt đầu hiện thực chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Mẹ là nước mát từ Trời đổ xuống trên trái đất khô cằn nứt nẻ vì tội lỗi của loài người, để cùng Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ lại biến nó trở thành vườn địa đàng, nơi ngày ngày Thiên Chúa gặp gỡ và chuyện vãn thân tình với con người.

(Thánh Mẫu Học bài số 375)

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU
(Lễ Kính Sinh Nhật Đức Maria)

Trong niên lịch phụng vụ Công giáo có ba đấng được kính sinh nhật cách trọng thể đó là Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Gioan Tẩy Giả. Khi kính nhớ sinh nhật một ai đó cách trọng thể thì nói lên sự tôn kính, tình yêu mến, lòng biết ơn đối với người ấy và qua đó nhìn nhận công ơn to lớn người ấy đã dành tặng cho đời cho nhân loại. Không ai lại đi kính nhớ sinh nhật của một bạo vương hay một nhà độc tài, dù rằng có đó nhiều nhà độc tài tìm đủ cách bắt người kính nhớ sinh nhật của mình nhưng thường là khi quyền chức còn đủ đầy và khi sự thật chưa phô bày.

Hôm nay ngày 8/9 giáo hội Công giáo kính nhớ sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, Giêsu Kitô. Bài Tin Mừng giáo hội cho đoàn tín hữu nghe trích đọc khá dài tường thuật gia phả của Chúa Giêsu theo thánh sử Matthêu (Mt 1,1-16.18-23). Theo văn hóa Đông phương thì dòng tộc tổ tiên có vai trò rất quan trọng đối với đời người hậu duệ con cháu. Chính vì thế việc gìn giữ gia phả là điều việc khó có thể sơ suất. Tuy nhiên vì theo chế độ phụ hệ nên gia phả thường chú trọng phía nội tộc. Thánh sử Matthêu như không là ngoại lệ khi tường thuật gia phả Chúa Giêsu thì dẫn ra một dãy các tên tuổi khởi đi từ Abrraham đến Giuse, người cha nuôi của Chúa Giêsu.

Với chủ ý nói lên sự chuẩn bị đủ đầy của Thiên Chúa, thánh sử Matthêu đã phân chia gia phả Chúa Giêsu thành ba phần mỗi phần có 14 đời. Trong dãy danh sách các tiên tổ của Chúa Cứu Thế lại xuất hiện tên của bốn người phụ nữ được xem là tổ mẫu của Người. Đó là bà Ta-ma, bà Ra-Khap, bà Rút và bà Bét-sa-bê (vợ của ông U-ri-gia).

Cả bốn bà đều là người gốc lương dân. Bà Ta-ma là con dâu cả của ông Giuđa, con ông Giacob. Chồng chết bà đã giả làm gái điếm ăn ở với ông cha chồng mà có con nối dõi. Bà Ra-Kháp thì đáng tội hơn vì là một cô gái điếm đã bán đứng dân tộc để cứu lấy mạng sống mình. Bà Rút là một góa phụ lương dân theo mẹ chồng về Israel sinh sống đã ăn ở với một trưởng tộc để có con. Còn bà Bét-sa-bê thì khỏi nói, đã ngoại tình với vua Đavít, lại còn thông đồng với vua giết chồng là Uria.

Phải chăng tự nguyện làm cháu con của các tổ mẫu này, Chúa Kitô muốn liên đới với tất cả mọi người, đặc biệt với những người tội lỗi. Chắc hẳn dưới ánh sáng đức tin chúng ta tin nhận chân lý này. Tuy nhiên ân sủng vẫn không loại trừ các yếu tố tự nhiên. Tạ ơn Thiên Chúa đã an bài cho Đấng làm người có một người mẹ tuyệt vời là Đức Maria.

“Phúc đức tại mẫu”. Cô thôn nữ Maria là mẫu mực của mọi mẹ hiền. Ngay từ thuở niên thiếu Maria đã đồng cảm với số phận bi đát của quê hương dân tộc đang trong cảnh nô lệ đế quốc Rôma. Tự nguyện sống cuộc đời son sẻ là một trong những cách thế mẹ chọn để góp phần lễ hy sinh hầu khẩn sinh Đấng Thiên Sai mau đến cứu thoát dân tộc. Khi nghe sứ thần truyền tin với sứ mệnh làm mẹ Đấng Cứu Thế thì Maria đã can đảm hiến dâng cả mạng sống mình để thực thi thánh ý. Mẹ không chỉ vuông tròn sứ mạng làm ngôi sao mai báo trước mặt trời công chính xuất hiện cứu đời mà hiệp dâng trái tim vẹn tuyền bị đâm thủng bởi thanh gươm huyền nhiệm vào công trình cứu độ của con mình từ Nagiarét đến tận đỉnh đồi Gôngôta. Đức Maria chính là người mẹ phúc đức hơn mọi người nữ (x.Lc 1,42). Bởi đức tràn trề của một người mẹ mà nhân loại tội nhơ đã được diễm phúc hưởng nhận hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban từ ngàn xưa.

Mừng kính sinh nhật của Mẹ, chúng ta nguyện noi theo người môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu ngày xưa đón Mẹ về nhà mình nghĩa là vào cuộc đời của mình. Và điều làm đẹp lòng Mẹ nhất cũng là quà tặng sinh nhật quý giá nhất đó là hãy lắng nghe và thực hành lời Mẹ truyền năm xưa tại tiệc cưới Cana: “Ngài, Giêsu biểu gì thì hãy làm theo” (Ga 2,5).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...