Ngày 29/6: Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, hai Đấng vĩ đại nhất của lịch sử Giáo Hội, hai kinh nghiệm thấm thía của những tâm hồn cúi sâu vào cuộc thống hối, chứa chan cảm kích vì đã được thương xót.
 

Nghe MP3

 

Dẫn vào thánh lễ

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai “cột trụ” của Hội Thánh. Trước hết chúng ta hãy dâng lên lời cảm tạ sâu sắc vì Thiên Chúa đã dùng hai Thánh Phêrô và Phaolô để xây dựng Hội Thánh và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Chúng ta hãy thể hiện một lòng tin yêu son sắt với Hội Thánh, với các Đấng kế vị Thánh Phêrô và các Tông Đồ, đó chính là sứ điệp của Lời Chúa hôm nay.

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, hai Đấng vĩ đại nhất của lịch sử Giáo Hội, hai kinh nghiệm thấm thía của những tâm hồn cúi sâu vào cuộc thống hối, chứa chan cảm kích vì đã được thương xót.

Trong tâm tình ấy chúng ta cùng nhau thành tâm thống hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Đây là những người khi còn sống ở trần gian, đã gieo trồng Hội thánh bằng máu mình; đã uống chén đau khổ của Chúa Kitô và trở nên bạn hữu của Thiên Chúa

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phê-rô và thánh Phao-lô. Chính nhờ các ngài Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Cv 12, 1-11

"Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Ðến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: "Hãy chỗi dậy mau". Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: "Hãy thắt lưng và mang giày vào". Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: "Hãy khoác áo vào mà theo ta".

Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: "Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. - Ðáp.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.

Xướng: Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 17-18

"Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 16, 18

Alleluia, alleluia! - Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

"Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Anh chị em thân mến !

Với ơn Thánh Chúa, Thánh Phêrô đã sám hối, thánh Phaolô đã được biến đổi và đã trở thành những vị cột trụ của Hội Thánh. Nhờ công nghiệp của các Ngài chúng ta tha thiết nguyện xin:

1. “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. - Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục trên khắp thế giới, giữ vững ngôi nhà Thiên Chúa đã đặt để các ngài là đá tảng, nhờ đức tin kiên vững, lòng mến tha thiết, nhờ sự hướng dẫn và cầu bầu của hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phaolô.

2. “Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai Thiên Thần cứu tôi”. - Xin cho Đức Hồng Y Phê-rô của chúng ta luôn tràn đầy Ơn Chúa, kiên trung chèo lái con thuyền Tổng Giáo phận nhờ sự cầu bầu của Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô Tông đồ.

3. “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa”. - Xin cho các Kitô hữu ngày càng thêm gắn bó với nhau, trong việc bảo vệ danh dự và vinh quang Nước Chúa trên mảnh đất này.

4. “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. - Xin cho mỗi người chúng ta nhờ ánh sáng đức tin tông truyền, xác tín vào Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của từng người và mọi người.

Kết:

Lạy Chúa, xin cho ngọn lửa tình yêu Chúa luôn bừng cháy trong toàn thể Tổng Giáo Phận chúng con, giúp chúng con biết cộng tác trong hoạt động, nâng đỡ nhau trong buồn vui, để mỗi ngày chúng con thêm xác tín về sự hiện diện của Chúa trong mọi người. Chúng con cầu xin nhờ nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này để tôn vinh danh Chúa. Xin Chúa thương nhận lời hai thánh tông đồ cầu khẩn, và ban cho chúng con được sốt sắng cử hành lễ tế tạ ơn. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Hôm nay, Chúa cho chúng con được vui mừng trong ngày lễ trọng kính hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Chúa đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ít-ra-en, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân. Như vậy, các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô, nên các ngài đáng được thế giới ngưỡng mộ và được lãnh nhận cùng một triều thiên vinh quang.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh chúng con ca ngợi Chúa và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu đáp: Con là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích thánh thể bồi dưỡng chúng con. Xin dạy chúng con sống trong Giáo Hội như các Kitô hữu đầu tiên, là chuyên cần tìm hiểu giáo lý các tông đồ, và siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, để chúng con yêu mến Chúa hết lòng và nhờ đó được đồng tâm nhất trí với nhau. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Giáo hội mừng kính hai thánh Tông Đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn.

Bản tin Zenit.org tháng 7 năm 2010 kể về " Ngục thất nơi giam hai thánh Phêrô và Phaolô: Từ tăm tối trở thành ánh sáng".

Sau một năm trời khai quật, Nhà ngục Mamertine, nơi Thánh Phêrô và Phaolô phải giam giữ trước khi bị hành hình, đã được tân trang và mở cửa lại.

Địa điểm nhà ngục nằm cạnh Quần thể Cổ Roma (Ancient Roman Forum), tạc sâu vào vách đá của đồi Capitol (Capitoline Hill) và nhìn xuống ngôi nhà dùng làm Nghị viện thời đó. Người ta vẫn tin là nhà ngục này – còn có tên gọi là Carcer Tullianum – được hoàng đế Roma Servius Tullius xây vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, gồm có hai phòng giam chồng lên nhau. Phòng giam dưới là một khoảng chật hẹp ẩm thấp, chỉ xuống được qua một lỗ hổng trên sàn phòng giam trên, được sử dụng suốt thời kỳ Cộng hoà và Đế quốc Roma để làm tù ngục giam giữ và hành quyết.

Chính tại phòng giam này viên tướng chỉ huy quân đội người Gaule là Vercingetorix bị xiết cổ chết sau trận chiến thắng của Julius Caesar, và cũng tại nơi đây, trong tù ngục âm u, Jugurtha, vua người Numidians đã bị để cho chết đói. Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Sallust một văn sĩ Roma đã mô tả nhà ngục này "sâu 12 feet, chung quang là tường và trên là mái vòm bằng đá. Khung cảnh thật ghê tởm và đáng sợ vì bị bỏ bê, tối tăm và hôi thối."

Một thế kỷ sau lời mô tả như trên của Sallust, Thánh Phêrô và Phaolô đã phải đến cư ngụ trong phòng giam dưới cực kỳ ghê tởm này, trong những ngày cuối đời trước khi tử vì đạo, bị cầm tù theo lệnh của hoàng đế Nero. Sự hiện diện của hai vị tông đồ đã chuyển biến địa điểm thất vọng này thành nơi chỗ hy vọng, khi các ngài rao giảng đức tin cho lính canh ngục là Processus và Martinianus. Hai người lính Roma xin được rửa tội, nhưng không có nước trong phòng giam để cử hành bí tích này, vì thế Thánh Phêrô dùng gậy đập trên nền phòng và nước phun ra từ tảng đá. Địa điểm nơi dòng nước của phép lạ này chảy ra nay còn được ghi nhớ nơi phòng giam dưới.

Những người giam giữ Phêrô giúp ông vượt ra khỏi nhà ngục tồi tệ này, nhưng sau khi gặp được Chúa Kitô trên con đường Appian, Thánh Phêrô quay trở lại và tự ý nhận lấy cái chết là bị đóng đinh vào thập giá tại đấu trường của Nero trên đồi Vatican.

Tuần qua, văn phòng của vị giám sát khảo cổ tại Roma loan báo rằng công việc khai quật đã khám phá ra những phần còn lại của các bích họa cho biết việc chuyển đổi nơi này thành một không gian tôn kính của người Kitô giáo đã xảy ra ngay tận đầu thế kỷ thứ 7, cùng thời gian với việc Curia (Nghị viện) được biến đổi thành một thánh đường cũng như nhiều cấu trúc khác trong khu vực Quần thể. Cuộc khai quật dõi tìm được dấu vết nhiều giai đoạn khác nhau của khu vực này, từ lúc còn là khu mỏ đá cổ cho đến khi trở thành nhà ngục cho đến lúc "biến đổi rất nhanh" thành một trung tâm tôn kính Thánh Phêrô.

Ngày nay, ngục giam này nằm dưới ngôi Thánh đường San Giuseppe dei Falegnami xây vào thế kỷ 17, nhưng địa điểm là do Tòa giám quản giáo phận Roma sở hữu và sẽ được Opera Romana Pellegrinaggi mở cửa cho công chúng vào thăm viếng có thể là từ đầu tháng 7 này. Ở đó khách hành hương có cơ hội tỏ lòng tôn kính hai thánh Phêrô và Phaolô. Hai thánh nhân đã từng nhìn ra ngoài Quần thể nơi có nhiều đền đài thờ phượng những con người phàm đã biến thành thần nhân, và các ngài đã có dũng cảm tuyên xưng Tin Mừng của Thần Chúa đã sinh hạ làm người phàm. (x.VietCatholic News, 03-7-2010).

Hai Thánh Tông Đồ: Phêrô – Phaolô, hai vì sao sáng ngời chiếu toả ánh sáng Chúa Kitô cho nhân loại.

Bài ca nhập lễ ngày Lễ Trọng hôm nay vang lên hùng tráng: "Hai vì sao sáng chói, lấp lánh trên bầu trời, ngời sáng đêm trường, rực rỡ soi đường sưởi ấm yêu thương.Hai tình yêu chiến thắng, ngất ngây trong cuộc đời,từ trái tim nồng dòng máu anh hùng ngời sáng muôn trùng". Hai Thánh Tông Đồ là hai con người xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau nhưng cùng một niềm tin, cùng một sứ mạng và cùng một vinh quang được đội triều thiên vinh hiển để trở thành hai vì sao sáng cho Giáo hội.

"Còn nhớ hôm nào người ba lần chối Giêsu. Còn nhớ ngày nào người bắt Chúa trong căm thù". Lời ca ngắn đúc kết phần một trong cuộc đời hai Ngài: chối Thầy, bắt Thầy. Nhưng cuộc đời phần hai đã viết nên những trang hào hùng oanh liệt. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối, hai Ngài cầm đuốc Tông đồ rao truyền Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho thế giới.

Đọc lại cuộc đời của hai Thánh Tông đồ để nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

1. Thánh Phêrô

Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai : cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma. Trong cuộc đời phần một của Phêrô, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác.Cuối đời của Chúa,Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14,66-72). Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mãnh đời của ông có nét chân dung thế này :Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất. - Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin ( Mt 14,31) - Lần thứ hai: Ngu tối ( Mt 15,16) - Lần thứ ba: Satan ( Mc 8,33) Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy.Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn.Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối. Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dở, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn có một tâm hồn chân thành. Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan (Ga 21,2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đếm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời. Sứ mạng theo Đức Kitrô khởi đầu từ đây khi bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục sinh đến với họ ban cho họ mẻ cá lạ lùng.Chính Đấng Phục sinh đã hỏi Ông: Phêrô, con có yêu mến thầy không? Phêrô đáp: Thưa Thầy,Thầy biềt rõ mọi sự, thầy biết con yêu mên Thầy. Sau khi Phêrô trả lời câu hỏi ấy với tất cả chọn lựa cân nhắc, Chúa nói với ông rằng: Thầy bảo cho anh biết lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là: Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào. Thế rồi Chúa bảo ông: hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao. Từ đây trên tảng đá này Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được. Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

2. Thánh Phaolô

Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, chúng ta bắt gặp một Saolô, ở Tac-xô, là người Do-thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do-thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Ga-ma-li-ên ở Giê-ru-sa-lem. Cuộc đời phần một của Phaolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Tê-pha-nô và trên đường Đa-mát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại trên đường Đa-Mat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Cuộc đời phần hai của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Sách Công vụ tông đồ kể lại: trên đường Đa-mat, Phaolô rong ruổi trên yên ngựa hăng say truy bắt các Kitô hữu thì thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì "những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay, vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu (Pl 3,7-9). Từ đó trở đi Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: "Vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu (Gal 3,27-28). Vì Đức Kitô là "tất cả mọi sự và trong mọi người" (Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời Phaolô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18; 2Cor11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những"... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi. Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình,gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng (2 Cor 11 23-27). Phaolô ra vào tù thường xuyên, có lần Ngài viết từ ngục thất cho Ti-mô-thê, người môn đệ, có khi không khỏi nao núng: "anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài".haolô không hổ thẹn" vì tôi biết tôi đã tin vào ai..." (2 Tim 1,8-12). Vì Đức Kitô "tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích" (2Tim 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình "Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành" (2 Cor 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy "chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2cor 4,8-9). Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng". (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài "tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gal 2,20). Vì Đức Kitô và vì Tin mừng thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?... Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 8,35-39).

3. Phêrô và Phaolô, tượng đài hiệp nhất.

Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy laị có những điểm tương đồng lạ lùng. Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha. Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cùng chịu tử đạo. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6. Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. "Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả", đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội (x. Làm nụ hoa trắng. ĐGM Vũ Duy Thống).

Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô đã nên hai vì sao sáng ngời, trở nên nền tảng hiệp nhất. Xin hai Ngài luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An


Tiểu sử: Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ (+ khoảng năm 67)

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Theo Lịch giỗ các thánh tử đạo (Depositio martirum) năm 354 người ta đã cử hành trọng thể lễ hai thánh Tông Đồ Rôma vào ngày 29 tháng 6 này: Mừng thánh Phaolô tại chính ngôi mộ của người trên đường Ostia và mừng thánh Phêrô tại hang toại đạo đường Appia. Tại Rôma vào thế kỷ VII, lễ này được mừng hai ngày: phần kính nhớ thánh Phaolô quả thật được dời vào hôm sau, ngày 30 tháng 6, tuy vẫn được đính kèm trong các Thánh lễ ngày 29 tháng 6. Do đó, ngày lễ hai thánh này đã được phổ biến ở Đông Phương lẫn Tây Phương. Ngày nay, Thánh lễ vọng vào ban chiều chuẩn bị cho việc cử hành lễ mừng duy nhất, kết hợp hai vị thánh Tông Đồ.

Phêrô, quê ở Bếtsaiđa, trên bờ hồ Ghênêsarét. Tên Do Thái của người là Siméon hay Simon, với biệt danh là Képhas, có nghĩa là “đá”. Tên gọi này nói lên sứ vụ Đức Giêsu giao phó cho Simon: đó là trở thành nền tảng cho Hội thánh. Theo Tertullien (thế kỷ II), thánh nhân chết vì bị đóng đinh vào thập giá và theo Origène, đầu ngài bị quay ngược trở xuống theo tập tục người Rôma khi đóng đinh các nô lệ. Các khai quật mới đây dưới vương cung thánh đường Vaticano xác nhậc các chứng cứ được lưu truyền về cuộc tử đạo của Phêrô tại Rôma (xem Clément de Rome, thư gửi các tín hữu thành Côrintô V,1-4), trên đồi Vatican khoảng năm 67; về sau, nơi đây người ta xây dựng vương cung thánh đường Constantin.

thánh Phaolô, quê tại Tarsus, ở Cilicie, ngoài tên Do Thái là Saul, ngài còn mang tên La Tinh là Phaolô. Tuy là biệt phái, xét theo lề luật, nhưng ngài đã trở lại đạo khoảng 33/35. Sau khi bị cầm tù lần thứ hai tại Rôma, có lẽ ngài đã bị chém đầu khoảng năm 67 (cũng chính Tertullien cho chúng ta biết điều này, theo lưu truyền từ xưa) tại Aquas Salvias, độ 5km về hướng nam Rôma và được mai táng trên đường Ostia, nơi đây, người ta xây vương cung thánh đường thánh Phaolô-ngoại thành.

2. Thông điệp và tính thời sự

Sách lễ đưa ra hình ảnh hai vị thánh Tông Đồ “được qui tụ để cùng chia sẻ một niềm vinh quang” và “cùng được tôn kính như nhau” (kinh Tiền Tụng).

Lời nguyện Thánh lễ vọng trích lại một câu trong sách bí tích của Vêron (số 1219): “Chính nhờ các ngài mà Hội thánh Chúa đã đón nhận các lợi ích do ân sủng Chúa đem lại, nghĩa là nhờ lời giảng dạy của các ngài. Cũng thế, lời nguyện hiệp lễ lại nhắc lại điều này: “Lạy Chúa, Chúa đã dùng các lời giảng dạy của các thánh Tông Đồ mà soi sáng lòng tin của các tín hữu.” Chủ đề này được lặp lại trong lời nguyện chính lễ, ghi nhận rằng “Chính nhờ các ngài mà Hội thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin”. Đức tin do các Tông Đồ giảng dạy được bày tỏ qua các nét độc đáo nơi cộng đoàn tiên khởi của Giáo Hội Giêrusalem, ở đó các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng (Cv 2,42). Kinh Tiền tụng thực hiện một tổng hợp thần học về tính tông truyền này, khi nêu bật các khía cạnh bổ túc lẫn nhau nơi hai vị thánh Tông Đồ. Các ngài đã xây dựng Hội thánh duy nhất bằng các đoàn sủng khác nhau. “Bởi lẽ Cha cho chúng con vui mừng trong ngày lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Cha đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin; Thánh Phêrô thiết lập Hội thánh tiên khởi cho người Ítraen, thánh Phaolô là thầy giảng dạy cho muôn dân biết Tin Mừng cứu độ.”

Cuộc tử đạo của thánh Phêrô và thánh Phaolô vẫn luôn là dấu chỉ hợp nhất của Hội thánh ở mọi thời, như thánh Augustinô ghi nhận qua Bài đọc - Kinh sách: “Một ngày kính chung cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ. Nhưng hai vị xưa kia chỉ là một. Thánh Phêrô đi trước, rồi thánh Phaolô theo sau. Đối với chúng ta, ngày lễ chúng ta cử hành hôm nay là một ngày thánh, vì đã được ghi bằng máu của các Tông Đồ. Chúng ta hãy quí chuộng đức tin, đời sống, công lao khó nhọc và những khổ hình của ngài, quí chuộng những lời các ngài tuyên xưng, những điều các ngài rao giảng.

Enzo Lodi

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...