Sinh nhật thánh Gioan Baotixita

“Nó sẽ gọi tên là Gioan”. (Lc 1, 57-66. 80)

Nghe MP3




Ca nhập lễ

Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến để chứng minh về sự sáng, và chuẩn bị cho Chúa một dân tộc hoàn hảo.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay toàn thể Hội Thánh cử hành lễ kính Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài là vi tiên tri đặc biệt: vị tiên tri cuối cùng, vị tiên tri trung gian nối kết giữa Cựu ước và Tân ước. Ngài đã thi hành sứ vụ thật nghiêm túc bằng cuộc sống khắc khổ, khẩn thiết rao giảng sự thống hối để chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận ơn cứu độ; sẵn sàng chịu tù đầy và chết vì lẽ công chính, và khiêm tốn phục vụ Đức Kitô như chính Ngài đã nói: “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”.

Thánh lễ giờ đây thúc đẩy chúng ta noi gương anh dũng kiên cường của Thánh Gioan Tẩy Giả, để chúng ta được trở nên chứng nhân cho Đức Kĩtô trong thời đại hôm nay. Đó cũng là điều mà chúng ta tỏ lòng mến yêu và kính trọng vị Đại Tiên Tri của Đức Kitô. chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi để cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Gioan Tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Ðức Kitô. Xin rộng ban cho các tín hữu được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin hướng dẫn họ bước vào con đường cứu độ và bình an. Chúng con cầu xin...

Bài đọc I: Is 49, 1-6

“Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”.

Và bây giờ Chúa là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người và quy tụ Israel chung quanh Người, tôi được vinh hiển trước mặt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh tôi, Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta đã ban cho đến tận bờ cõi trái đất”. Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 14c-15

Đáp: Con ca ngợi Chúa, vì con được tạo thành cách lạ lùng 

Xướng: Lạy Chúa, Chúa đã thử con và đã nhận biết con: Chúa nhận biết con khi con ngồi và khi con chỗi dậy. Từ lâu, Chúa đã hiểu biết các tư tưởng của con: Chúa thấu suốt đường lối của con rồi. 

Xướng: Tâm can con thuộc quyền sở hữu của Chúa; Chúa đã nhận lãnh con từ khi con còn trong lòng mẹ. Con ca ngợi Chúa vì con được tạo thành cách lạ lùng; các việc Chúa làm thật là kỳ diệu. 

Xướng: Chúa đã am tường linh hồn con; các xương con không giấu kín trước mặt Chúa, lúc con được tạo thành cách âm thầm, khi con được dệt trong lòng đất. – Đáp.

Bài đọc II: Cv 13, 22-26

“Gioan rao giảng việc Chúa Kitô sắp đến”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô nói: “Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”. Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước, khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Đó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 76

Alleluia, alleluia! – Hỡi con trẻ, con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước mặt Chúa để dọn đường cho Người. – Alleluia.

Phúc âm: Lc 1, 57-66. 80

“Nó sẽ gọi tên là Gioan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ.

Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel. Đó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay Hội Thánh mừng lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Ngài đã được Chúa chọn để làm tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Cùng với ông bà Giacaria và Isave, chúng ta hãy chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa và hân hoan dâng lời nguyện xin.

1. “Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn ở trong lòng mẹ" Xin cho các vị Thừa Sai trong Hội Thánh luôn ý thức ơn gọi của mình và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, để muôn dân nhận biết và mến yêu phụng sự Chúa.

2. “Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giầy của Người”.- Xin cho dân Chúa được theo gương khiêm nhường của Thánh Gioan Tiền hô, sống và thi hành vai trò Chúa dùng để vinh danh Chúa.

3. “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”.- Xin cho mọi Kitô hữu hằng nhớ đến tên thánh đã được nhận ngày chịu Phép Rửa Tội, mà cung kính, kêu cầu các ngài nâng đỡ, trong đời sông đức tin.

4. “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào, vì quả thực bàn tay Chúa đã ở với nó".- Xin cho các thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta luôn được cha mẹ và những nhà giáo dục chăm sóc dậy dỗ trong tình yêu thương, để các em được lớn lên trong sự thánh thiện và khôn ngoan.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã dùng Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng và loan báo Đức Kitô: Đấng cứu độ thế giới. Xin cho chúng con sống xứng đáng với ơn gọi kitô hữu của mình, hầu trở nên nhân chứng đích thực của Chúa bằng đời sống bác ái yêu thương và phục vụ mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con đặt lễ vật này trên bàn thờ Chúa để long trọng mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan, vị tiền hô, đã loan báo Ðấng Cứu Ðộ trần gian khi người sắp đến, và giới thiệu khi người xuất hiện. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con. Chúng con ca ngợi những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi thánh Gioan Tiền Hô. Chúa đã thánh hiến người và cho người được vinh dự đặt biệt giữa các người thế. Chưa sinh ra người đã nhảy mừng khi Ðấng Cứu Ðộ trần gian ngự đến. Lúc chào đời người đã đem lại nhiều niềm vui. Người là vị ngôn sứ duy nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Ðức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Hơn nữa, trong dòng sông Gio-đan, Người đã làm phép rửa cho Ðấng thiết lập bí tích thánh tẩy để thánh hoá mọi người. Sau cùng, người đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Ðức Kitô. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Chúa uy linh cao cả mà không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Do lòng từ bi của Thiên Chúa chúng ta, mà Đấng từ trời cao đã xuống viếng thăm chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa vừa bổi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc Chiên Thiên Chúa. Xin cho Giáo Hội đang hoan hỷ mừng ngày sinh của thánh Gioan Tẩy Giả được nhận biết rằng Ðức Kitô là Ðấng làm cho Giáo Hội được tái sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm
 

Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu (25.12), Sinh nhật của Đức Maria (8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6) .

Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt việc mừng Sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

Gioan được sinh ra kỳ diệu và ơn gọi cũng kỳ diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

1. Sinh nhật kỳ diệu

Thánh Luca đã nói tới ngày sinh với những dấu hiệu kỳ diệu của Gioan "Nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời" (Lc 1,14).

a. Dacaria bị câm 

Thân phụ của Gioan bị câm vì nghi ngờ lời Truyền tin của Sứ Thần đang khi ông dâng hương trong đền thờ theo phiên của mình (Lc 1,5- 23).

b. Khỏi Tội Nguyên tổ

Bà Isave có thai được 6 tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm, vừa nghe lời của Đức Maria chào thì thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong dạ mẹ (Lc 1,41) và được đầy tràn Thánh Thần (Lc 1,15). Hồng ân này được Giáo hội hiểu là Gioan đã khỏi tội nguyên tổ, một ân huệ cao cả mà ngoại trừ Đức Maria, cả nhân loại không ai có được.

c. Son sẻ mà có con

Hai ông bà Dacaria và Isave là người công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ lại không con, vì Bà Isave là người hiếm hoi, cả hai đều đã cao niên (Lc 1,6- 7).

Vậy mà Bà đã sinh con "Bà sinh hạ một con trai, nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà" (Lc 1,57-58). Trong Cưụ ước cũng có những bà mẹ sinh con kỳ diệu như vậy. Bà Sara mẹ Isaac (St 11,30;21,1- 7). Bà Rebecca mẹ của Esau và Giacop (St 25,21- 26). Bà Rakhel mẹ của Giuse (St 29,21; 30,22- 24). Bà Anna mẹ của Samuel (1Sm 1,2- 20).

d. Tên Gioan và hết câm

Gioan sinh được tám ngày, chịu cắt bì và đặt tên là Dacaria nhưng bà mẹ lên tiếng "Không, phải đặt tên cháu là Gioan". Một tên gọi thật lạ lùng khiến mọi người kinh ngạc vì trong họ hàng của bà không có ai tên đó cả. Khi Dacaria viết tên Gioan trên tấm bảng tức thì miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm và nói lại được như trước kia (Lc 1,59- 65).

Mọi biến cố đều kỳ diệu từ khi cưu mang cho đến lúc sinh ra của Gioan vì "Quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em" (Lc 1,66).

Sinh nhật Gioan kỳ diệu cũng đúng thôi vì Gioan sẽ lãnh nhận một ơn gọi kỳ diệu là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

2. Ơn Gọi kỳ diệu

a. Ngôn sứ Isaia loan báo

"Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa" (Is 40,3- 5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.

b. Ngôn sứ Malakia tiên báo

"Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu" (Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27). Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

c. Sứ Thần Truyền Tin xác nhận

Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria, đứng bên phải hương án, xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả "Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa" ( Lc 1,17).

e. Thân phụ Dacaria

Dưới tác động của Thánh Thần, Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng "Benedictus" về ơn gọi của người con trai mình "Hài Nhi hỡi, con sẽ đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1,76- 77).

f. Gioan khẳng định

Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do-thái về việc thanh tẩy, tại Enon, gần Salem thuộc miền Giuđê, chính Gioan đã xác nhận ơn gọi của mình: "Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài" (Ga 3,28).

Qua sinh nhật và ơn gọi kỳ diệu của Gioan, Thiên Chúa đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương, bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn, dân chúng lầm than, Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân.

Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành, bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: "Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả" (Lc 7,28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống. Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế. Đức Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi, cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Bởi lẽ "Nếu thế gian đã ghét Thầy, thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian" (Ga 15,18 - 19).

Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa. Gioan đã sống vai trò ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

Người Kitô hữu chúng ta không cần phải làm được những chuyện kỳ vĩ như Gioan hay như các Thánh Tử Đạo, nhưng với tư cách ngôn sứ chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu. Với tư cách là Tẩy Giả, chúng ta có thể góp một chút bột giặt tình yêu tha thứ để làm sạch tấm chăn môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những thứ bụi bẩn rác rưới ích kỷ, vụ lợi, hưởng thụ sa đọa, ghen ghét hận thù, dối trá lọc lừa. Và như thế chính là góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.

Cuộc đời Gioan Tẩy Giả luôn mãi là tấm gương cho chúng ta. Không chỉ rao giảng bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống. Chúng ta được mời gọi sống lý tưởng của Gioan: Ngài phải lớn lên, còn tôi phải lu mờ đi.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An


Tiểu sử: Ngày 24/06: Sinh nhật thánh Gio-an Baotixita


1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả bắt nguồn từ Tây Phương, có từ thế kỷ IV và nhanh chóng phổ biến trong các thế kỷ sau. Chúng ta biết rằng từ thế kỷ XVI, tại Rôma, trước ngày đại lễ, người ta tổ chức ăn chay cách long trọng và có một Thánh lễ vọng được dâng tại phòng rửa tội của thánh Đường Latêranô (xem Sách bí tích của Vêrone). Thời trung cổ, các linh mục dâng ba Thánh lễ vào ngày này. Nghi thức Phụng Vụ mới đã làm cho lễ vọng có được bầu không khí ngày lễ trọng và được cử hành vào ban chiều.

Lễ này đi trước lễ Giáng Sinh sáu tháng, do tham chiếu vào bản văn Tin Mừng Luca (1,36) và sau lễ Truyền Tin ba tháng. Từ thế kỷ III, vài thần học gia dựa trên khuynh hướng biểu tượng ví Đức Kitô như là mặt trời để quan tâm đặc biệt đến các chí điểm trong lịch sử Cứu độ. Như thế, họ cho rằng Gioan Tẩy Giả có lẽ được hình thành trong dạ mẹ vào ngày thu phân và sinh ra nhằm ngày hạ chí, bởi vì từ thời điểm hạ chí các ngày bắt đầu ngắn đi, trong khi từ đông chí, các ngày lại dài ra. Các Giáo hội theo nghi thức Byzantin cử hành lễ Bà Êlisabét thụ thai thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24 tháng 9. Có một sự đối ngẫu giữa việc Chúa Giêsu sinh ra vào mùa đông, và việc Gioan Tiền Hô sinh ra vào mùa hè. Hai ngày sinh nhật này thường là dịp cho người dân tổ chức các lễ hội truyền thống, như đốt pháo hoa dịp lễ thánh Gioan. Các giờ kinh Phụng Vụ mừng lễ sinh nhật thánh Gioan bằng mười tám điệp ca và các bài đọc lấy từ Kinh thánh, không kể các thánh thi riêng.

Tại Canađa, thánh Gioan Tẩy Giả được mừng và tôn làm “thánh bảo trợ riêng của những người dân Canađa gốc Pháp.”

2. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh lễ lễ vọng và chính lễ đều nhấn mạnh đến hai chủ đề trọng yếu trong các bản văn Tin Mừng. Trước mắt chúng ta, Gioan Tẩy Giả được trình bày như vị Tiền Hô của Đấng Mêssia (lời nguyện lễ vọng) và như ngôn sứ loan báo cuộc giáng lâm của Đức Ki-tô mà người gọi là “Con Chiên toàn thắng tội lỗi” (lời nguyện hiệp lễ lễ vọng và chính lễ).

Kinh Tiền tụng Thánh lễ nhắc đến cuộc đời và sứ vụ của vị Tiền Hô. Kinh mở đầu bằng cách nêu lên những lý do tại sao lễ này lại quan trọng hơn ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ, vì lễ của Đức Mẹ chỉ là lễ kính chứ không phải lễ trọng. Các lý do chính là những điều kỳ diệu đã được thực hiện nơi Gioan Tẩy Giả. Bởi lẽ trong các con cái loài người, chính người đã được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến để dọn đường cho Chúa đến. “Chưa sinh ra, người đã nhảy mừng khi Đấng Cứu Độ trần gian ngự đến. Lúc chào đời, người đã đem lại nhiều niềm vui. Người là vị ngôn sứ duy nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Đức Ki-tô là Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Hơn nữa, trong dòng sông Giorđan, người đã làm phép rửa cho Đấng thiết lập bí tích Thánh Tẩy để thánh hóa mọi người. Sau cùng người đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô.” Gioan Tẩy Giả không tự mãn khi rao giảng sự sám hối vì nước Thiên Chúa đang ở ngay bên. Nhưng ngài cũng loan báo rằng Đức Kitô đang hiện diện ở giữa mọi người. Do đó, người còn hơn cả ngôn sứ nữa (Mt 11,9). Gioan là một chứng nhân anh dũng đến độ đổ máu đào nhưng lòng khiêm hạ khiến ngài đứng tách biệt: Ngài phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi (Ga 3,30). Ngài xử sự như người tôi tớ, vì người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng (Ga 3,29). Trong Bài giảng được Bài đọc - Kinh sách, thánh Augustinô đã lập một bản đối chiếu giữa Đức Kitô và Gioan Tẩy Giả. Trước câu hỏi mà Gioan cho các môn đệ của mình hỏi Đức Kitô: Thầy có thật là Đấng phải đến không ...? Đức Giêsu trả lời: Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (Mt 11,2-6) Gioan không chỉ loan báo và chỉ cho thấy Đấng Mêssia, mà còn ủng hộ Người nữa.

Enzo Lodi

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...