Tin Mừng Chúa Nhật I mùa Chay - Năm C

Chúa Nhật I mùa Chay - Năm C Ca nhập lễ Nó sẽ kêu cầu Ta, và Ta sẽ nhậm lời nó. Ta sẽ cứu gỡ và làm cho nó được vinh dự, Ta sẽ cho nó được sống lâu dài. Dẫn vào Thánh

Ca nhập lễ

Nó sẽ kêu cầu Ta, và Ta sẽ nhậm lời nó. Ta sẽ cứu gỡ và làm cho nó được vinh dự, Ta sẽ cho nó được sống lâu dài.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!

Mùa chay được bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro, và kéo dài 40 ngày, nhắc lại 40 năm dân Chúa đi qua sa mạc để vào đất hứa. Thời gian 40 ngày còn nhắc nhở cho ta việc ăn chay đền tội. Nên mầu sắc phụng vụ trong Mùa Chay là mầu tím tượng trưng cho tâm tình ăn năn, sám hối. Đây là dịp để người tín hữu kiểm điểm lại mối liên hệ trước mặt Chúa và xét lại mức thang giá trị của mỗi người : những gì là quan trọng trước mặt Chúa và quan trọng hơn trong cuộc sống người tín hữu.

Trong Cựu ước các tiên tri như Môsê, Elia, Gioan Tẩy Giả cũng ăn chay 40 ngày trước khi thi hành sứ vụ. Chính Chúa Giêsu mà Tin Mừng hôm nay thuật lại cũng đã ăn chay 40 ngày trước khi bắt đầu cuộc sống công khai và Người đã bị ma quỉ cám dỗ về cơm bánh, danh vọng và quyền uy.

Thực tế trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường hay “sa chước cám dỗ” của ma quỷ thế gian và xác thịt! Vì thế, trước khi cử hành Mầu Nhiệm Thánh, chúng ta thành tâm thú nhận mọi tội lỗi và thiếu sót của mình, để được ơn tha thứ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Ðức Ki-tô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ðnl 26, 4-10

"Dân được chọn tuyên xưng đức tin".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Thầy tư tế nhận của đầu mùa từ tay ngươi và đem đặt trước bàn thờ của Chúa là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ nói trước mặt Chúa là Thiên Chúa rằng: "Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạvà bắt chúng con làm việc nặng nhọc. Chúng con đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con, đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này, một xứ chảy sữa và mật. Và vì thế, lạy Chúa, giờ đây con dâng tiến Chúa những của đầu mùa, hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho con". Ngươi sẽ đem đặt nó trước mặt Chúa là Thiên Chúa ngươi và sấp mình trước tôn nhan Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 90, 1-2. 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy ở cùng con trong lúc gian truân (x. c. 15b).

Xướng: Bạn sống trong sự che chở của Ðấng Tối Cao, bạn cư ngụ dưới bóng của Ðấng Toàn Năng. Hãy thưa cùng Chúa: Chúa là chiến luỹ, nơi con nương náu, lạy Chúa con, con tin cậy ởNgài. 

Xướng: Tai nạn không đến gần được bạn, và oan ương không bén mảng tới nhà bạn ở. Vì Chúa ra lệnh cho các Thiên Thần Ngài săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường.

Xướng: Chư vị đó bồng bế bạn trên tay, để bạn khỏi vấp chân vào đá. Trên mình hổ mang, rắn lục bạn bước đi, bạn đạp chân trên sư tử và giao long. - Ðáp.

Xướng: Vì người quý mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời, Ta sẽ ở cùng người trong lúc gian truân, Ta sẽ cứu gỡ và làm vinh dự cho người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 10, 8-13

"Kẻ tin tưởng tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Thánh Kinh nói gi? Lời ở kề trong miệng và trong lòng người. Ðó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi. Vì Thánh Kinh đã có nói: "Hễ ai tin vào Người sẽ không phải hổ thẹn". Bởi lẽ không có sự phân biệt người Do-thái và Hy-lạp: Vì là cùng một Chúa của mọi người, Ngài rộng rãi đói với tất cả mọi người khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4,4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Lc 4, 1-13

"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nơi hoang địa Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỉ. Chúng ta cũng hãy lui vào hoang địa của tâm hồn, để nhờ Chúa Thánh Thần tác động mãnh liệt, chúng ta có thể chiến thắng những đam mê của đời người tín hữu. Chúng ta hãy khiêm tốn nguyện xin:

1. “Khi ấy Chúa Giêsu được... Thánh Thần đưa vào hoang địa ...và chịu ma quỷ cám dỗ”.- Xin Thần Khí Chúa luôn xuống tràn đầy trên các vị Chủ chăn, để với tình yêu và nhờ sự khôn ngoan Chúa hướng dẫn, các Ngài có thể nhận ra mọi âm mưu của ác thần nhằm tác hại Hội Thánh

2. “Và Chúa đã nghe lời chúng tôi”.- Xin cho các Kitô hữu biết chân thành tìm kiếm Chúa trong mùa chay tịnh này, để họ ham thích học hỏi Lời Chúa, hầu ứng phó kịp thời với những nguy cơ làm lung lạc đời sống đức tin của họ.

3. “Tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi”.- Xin cho các tội nhân không thất vọng trước những lầm lồi của mình, nhưng biết can đảm tìm về với Chúa là Đấng ban ơn giúp họ chiến thắng mọi đam mê dục vọng.

4. “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài” - Xin cho những người giầu có trong giáo xứ chúng ta ý thức rằng: họ không thể đạt được hạnh phúc thật nếu họ chỉ bám víu vào những vật chất mau qua, và phải qui hướng chúng vào việc phụng sự Chúa.

Chủ tế:  Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chiến thắng các cám dỗ của ma quỉ bằng việc hoàn toàn lệ thuộc vào thánh ý Chúa Cha và quyết liệt chống lại ác thần. Xin cho chúng con sống khiêm tốn, tín thác tuyệt đối vào Chúa, để chúng con hưởng nhờ ơn cứu chuộc, Người là Thiên Chúa hằng sống.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay là Chúa Nhật đầu mùa chay thánh, chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và thương biến đổi chính cuộc đời chúng con thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh, và khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ: để khi cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn trong sạch, chúng con có thể tới dự lễ Vượt Qua muôn đời. Vì thế, hiệp với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa, mà tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Người ta không sống nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thương lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, làm cho đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết. Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Ðức Ki-tô là bánh trường sinh đích thực, và biết lấy lời Chúa làm lương thực hằng ngày. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Bài Suy Niệm Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm C của Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Lc 4, 1-13
 
Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.
 
Suy niệm

Hàng năm, khi Mùa chay trở về, mùa mỗi người được mời gọi đi vào chiều sâu nội tâm, để nhìn ra con người thực của mình, nhìn ra những cám dỗ bản thân đối diện hàng ngày, để chiến đấu, để chiến thắng và để tránh xa. Bởi vậy, câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa được gởi đến cho chúng ta như là những gợi ý về những cám dỗ đời thường mỗi người đã, đang và sẽ gặp. Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ nhờ dựa vào sức mạnh của Lời Chúa trong sự mạc khải của Thánh Thần, còn chúng ta có can đảm dựa vào Lời Chúa, trong mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, để chiến đấu, để chiến thắng và để đón nhận ơn cứu độ mỗi ngày không?
 
Cơn cám dỗ đầu tiên Người đối diện là cơm bánh. Chắc ma quỷ không dừng lại nơi chén cơm miếng bánh hàng ngày nhưng chúng còn muốn dắt con người chạy theo vật chất, theo thời đại kinh tế thị trường. quan niệm có tiền là có tất cả, có tiền là mua được tất cả, ngay cả hạnh phúc gia đình và cá nhân cũng thế. Và đó là sự thật. Sự thật đó có đúng với Lời Chúa dạy không? Ma quỷ vẫn dùng Lời Chúa để cám dỗ chúng ta và chúng ta đã chấp nhận sự thật đó nên không thiếu những lúc con người đã bỏ ngoài tai những giá trị tinh thần, để chạy theo những giá trị vật chất. Tiếc thay, sự thật ma quỷ dùng lời Chúa để minh họa đó là một sự thật chỉ đúng có một nửa. Thế giới không thiếu những người có trong tay tiền bạc quá nhiều, của cải  tràn lan, nhưng thử hỏi tiền bạc đó có mua được sự sống không, tiền bạc đó có mua được hạnh phúc gia đình không, tiền bạc đó có mua được nước trời không và tiền bạc đó có mua được linh hồn cho mình không? Dù biết hàng ngày chúng ta vẫn cần cơm bánh, cần tiền bạc để sống và cần của cải để làm phương tiện cho cuộc sống, nhưng đó chỉ là một nửa của vấn đề của cải thôi bởi tiền bạc và của cải không là điều thiết yếu cho sự tồn tại của con người.
 
Cơn cám dỗ thứ hai Chúa Giêsu đối diện là quyền bính. Ngày nay, cứ có quyền lực trong tay chúng ta có thể giải quyết được mọi vấn đề. Quyền lực luôn đi theo sự tồn tại của con người, luôn đi theo sự phát triển của con người, lắm lúc con người lầm tưởng có quyền là có thể làm được tất cả, có thể điều khiển tất cả. Nhưng đó chỉ là một nửa của sự thật thôi. Để phát triển xã hội đâu phải lúc nào cũng cần quyền bính, để phát triển con người, đâu phải lúc nào cũng cần quyền lực, và để có một gia đình hạnh phúc, đâu cần phải có quyền lực, và để xây dựng một xã hội tiến bộ, có phải quyền lực là yếu tố cần thiết nhất không? Bao nhiêu nhà độc tài có quyền lực tuyệt đối trên thế giới nhưng liệu họ có mang đến cho thế giới hạnh phúc và phồn thịnh không? Dầu biết sự thật ma quỷ dùng Lời Chúa để nói với chúng và về sự thật và sự thật đó chỉ đúng một nữa, nhưng chúng ta vẫn chấp nhận nó như là chân lý tuyệt đối.
 
Cơn cám dỗ thứ ba Chúa Giêsu đã đối diện liên quan đến thời đại chúng ta đó là cậy dựa vào sự tiến bộ của con người. Từ khoa học, từ y học, từ kỹ thuật công nghiệp và mọi lãnh vực của cuộc sống, con người tưởng rằng những phương tiện đó sẽ giúp con người bất tử, giúp con người thỏa mãn mọi nhu cầu, ngay cả nhu cầu tâm linh, vì họ cho rằng, cho người đâu cần phải dựa dẫm vào thần linh, đâu cần phải tùy thuộc vào Thượng đế nữa, con người tự thân có thể giải quyết được tất cả. Và sự thật đó chỉ là một nửa của sự thật mà ma quỷ nhắm tới. Bao nhiêu tiến bộ của khoa học hôm nay chúng ta chứng kiến, cách đây 20 năm, đó chỉ là viễn tưởng, chỉ là thần thoại thôi, vậy mà hôm nay tất cả thành sự thật, thành phương tiện giúp con người tiến bộ hơn.
Với những cơn cám dỗ ma quỷ đưa ra dụ dỗ Chúa Giêsu, tất cả đều khởi đi từ Lời Chúa trong Kinh thánh. Nếu chúng ta không cẩn thận để đặt những câu chuyện Kinh thánh trong mạch văn của chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng hiểu sự thật của Lời Chúa có một nữa. Nếu đi theo đường hướng đó, vô tình chúng ta hiểu sai Lời Chúa và áp dụng Lời Chúa vào đời sống mỗi người theo cách ma quỷ đã gợi ý qua các cơn cám dỗ trên.
 
Từ nơi gia đình, tiền bạc, của cải vật chất lắm lúc vẫn được coi là cứu cánh, là yếu tố quan trọng nhất, nhưng khi có trong tay mọi thứ đó, liệu rằng gia đình có còn hạnh phúc đủ nữa không? Tình yêu vợ chồng còn chung thủy và mặn nồng nữa không? Khi có dư dật tiền bạc, liệu rằng tình người, tình gia đình có được tôn trọng và gìn giữ như là những giá trị thiêng liêng nữa không? Và khi quyền bính được mặc định nơi mỗi thành viên gia đình, thì còn lại nơi đó tình thương và sự tha thứ nữa không? khi quyền bính được đề cao thì còn tinh thần phục vụ và cảm thông với nhau trong một tổ ấm nữa không? Và khi tiện nghi cuộc sống đầy đủ, thì còn cần đến sự quan phòng của Thiên Chúa nữa không? Khi tiện nghi cuộc sống giải quyết mọi nhu cầu của con người, thì sức mạnh của tình yêu từ Thiên Chúa hiện hữu qua tha nhân có còn được coi trọng và đáng tôn vinh nữa không?
 
Và rồi những cơn cám dỗ đó có len lỏi vào đời sống cộng đoàn lớn nhỏ, để lại những vết thương lòng luôn rỉ máu nơi đấng sáng lập cộng đoàn. Kinh tế thị trường vẫn có cách len lỏi vào đời sống chung, để rồi gây ra sự phân biệt địa vị, phân biệt giàu nghèo giữa cộng đoàn. Bao nhiêu thành viên cộng đoàn đã ra đi trong nước mắt vì tủi nhục của con nhà nghèo, vì gia đình thiếu thốn nên bị khinh dễ, bị coi thường. bao nhiêu cộng đoàn tan rã chỉ vì kẻ được trọng, người bị khinh vì tiền bạc, của cải gia đình. Bên cạnh đó, quyền bính cũng đã làm cho linh đạo cộng đoàn bị lệch lạc, chỉ vì tham quyền cố vị, chỉ vì muốn khẳng định mình là tài giỏi, là người học thức nên phải là người điều khiển tất cả, phải là người chỉ huy chứ không phải là người phục vụ. Cũng vì quyền bính, bao nhiêu câu chuyện đau thương làm cho hình ảnh Đức Giêsu nơi cộng đoàn bị xóa mờ và thay vào đó là hình ảnh của Bề trên. Rồi các phương tiện, các nhu cầu khác cũng được chú ý, cũng được quan tâm, phải có cho bằng chị bằng em, phải có cho ra vẻ là đấng tu trì, là người Tu sĩ. Một lúc nào đó, mọi phương tiện đó sẽ thành chướng ngại ngăn cản con người gặp gỡ và trò chuyện với Thiên Chúa hàng ngày.
 
Người Kitô hữu mỗi ngày được mời sống theo Lời Chúa, bởi Lời Chúa là ánh sáng soi đường cho con, nhưng phải đọc và hiểu Lời Chúa dưới ánh sáng của Thánh Thần qua Mẹ Giáo hội, lắm lúc con người đã đọc và nghe Lời Chúa rồi hiểu một nữa tâm tình sống, dẫn đến sự lệch lạc trong đời sống đức tin và luân lý, đặc biệt là trước mỗi lúc chúng ta thực hiện công việc gì để giúp đỡ tha nhân đến với Thiên Chúa. Ma quỷ đã cám dỗ Chúa trước sứ mạng cứu thế và nay chúng vẫn tiếp tục thủ đoạn đó, nên chi mỗi người cần tỉnh thức và gắn bó với Mẹ Giáo hội để được hướng dẫn và sống theo ánh sáng Lời Chúa.
 
Lạy Chúa, Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi. Mỗi ngày con vẫn cần ánh sáng và ngọn đèn đó, xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, để Ngài hướng dẫn chúng con hiểu Lời Chúa hơn và đi trong ánh sáng của Tin mừng. Xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức sự hữu hạn của mình, đừng tự cao, tự đại nhưng luôn biết khiêm tốn khi được sống trong gia đình Giáo hội. Amen.

 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh


SỰ TINH RANH CỦA THẦN DỮ
(Chúa Nhật I Mùa Chay C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6, 13). Lời cầu xin cuối trong kinh Lạy Cha mà Chúa Kitô dạy khẳng định hai sự thật mà chúng ta phải không ngừng cảnh giác đó là thần dữ và chước cám dỗ. Cám dỗ loài người có thể nói là việc chính yếu của thần dữ. Đã là Satan thì chước mưu cám dỗ không thể không tinh ranh, ma mãnh. Khởi đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô đã phải đương đầu với các chước cám dỗ của Satan trong hoang địa mà cả ba Tin Mừng nhất lãm đều tường thuật dù có một vài tiểu dị nhưng đều đồng quy về nội dung.

Lấy điều xấu để cám dỗ thì rất dễ bị nhận diện. Vì thế ma quỷ thường lấy điều tốt để làm cái mồi nhử để cám dỗ người ta. Nó cám dỗ người ta tìm cách thủ đắc điều tốt bằng những phương thế không chính đáng và trái với đường lối của Thiên Chúa. Một quy tắc luân lý mà Hội Thánh Công giáo khẳng định và những ai có lương tri ngay thẳng thì đều đồng thuận đó là “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Không thể chấp nhận lối biện luận là hễ nhắm mục đích tốt thì có thể dùng mọi phương tiện, nhưng chỉ được phép dùng những phương tiện tốt, hoặc ít ra là không xấu. Xưa kia Satan đã lấy việc phân biệt sự lành sự dữ, vốn là một điều tốt để cám dỗ nguyên tổ loài người. Nhưng nó đã cám dỗ nguyên tổ phân định lành dữ, tốt xấu theo tiêu chí của mình chứ không phải theo thánh ý của Thiên Chúa. Đây là sự ma mãnh, tinh quái của thần dữ và nó đã thắng Ađam-Eva.

Với Chúa Kitô thì Satan vẫn dùng chước mưu ấy. Có thể khẳng định rằng nó thừa biết sứ vụ cứu độ của Đấng Thiên Sai. Ma quỷ không dại gì cám dỗ Người khước từ sứ vụ cứu độ nhân loại, nhưng nó chỉ cám dỗ Người chọn con đường cứu độ cách dễ dàng theo ý riêng Người chứ không theo thánh ý Chúa Cha. Xưa kia ma quỷ cám dỗ tiên tổ loài người chủ yếu ở lãnh vực đức tin, tức là nơi cái nhìn, ở sự nhận thức về tính chất tốt xấu, lành dữ của sự vật hiện tượng. Với Chúa Kitô thì ma quỷ tấn công cách toàn diện cả ba nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến. Theo tường thuật chung của ba Tin mừng nhất lãm thì thứ tự như bị đảo ngược lại.

1. Đức mến: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá thành bánh đi”. Có thực mới vực được đạo chứ. Chu cấp lương thực, của cải vật chất cho người ta là một hành vi yêu thương cách thiết thực và cụ thể. Với quyền năng của mình, Chúa Kitô thừa sức thực hiện điều ấy. Sự tinh ranh của ma quỷ ở chỗ nó cám dỗ Chúa Kitô yêu thương con người cách phiếm diện, nói nôm na là chỉ lo cho người ta về phần xác. Con người không phải là linh hồn cũng không phải là thân xác mà là thực thể xác hồn duy nhất. Nếu chỉ yêu phần xác hay chỉ phần linh hồn mà thôi thì không phải yêu thương con người. “Người ta sống không nguyên nhờ bởi cơm bánh mà còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra”. Chúa Kitô đã lật tẩy mưu mô của thần dữ khiến nó phải câm miệng.

2. Đức cậy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy lên nóc Đền thờ Giêrusalem mà gieo mình xuống, chắc chắn Thiên Chúa sẽ sai thiên thần đỡ chân ông” (x.Lc 4, 9-10). Nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và nếu Người là Cha nhân hậu thì Người phải lo lắng cho chúng ta mọi sự tất tần tật và không thể nào để chúng ta phải lâm cảnh bĩ cực, khốn khổ. Và như thế hạnh phúc vĩnh cửu đã nằm trong túi áo chúng ta cho dù chúng ta không xin và cũng chẳng tìm kiếm. Theo viễn kiến này thì con người đã nắm được Thiên Chúa trong tầm tay. Ỷ lại vào tình cha mà bắt cha làm theo ý mình thì người con đã hữu ý hay vô tình đặt mình lên trên người cha. Trật tự bị đảo ngược thì sinh ra hỗn độn. Loài người chúng ta dù đã được nhận làm con Thiên Chúa nhưng vẫn là loài thụ tạo. Chúng ta phải thực thi thánh ý Thiên Chúa chứ không thể buộc Thiên Chúa làm theo ý mình.

3. Đức tin: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Ma quỷ đã khôn khéo cám dỗ Chúa Giêsu thoả hiệp với nó để đạt thành công nhanh chóng. Quả thật sức mạnh của đồng tiền, của quyền lực vốn thật khó cưỡng. “Có tiền thì mua tiên cũng được. Chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Những câu nói trên phần nào phản ảnh hiện thực ấy. Thoả hiệp với quyền lực trần gian để đạt mục tiêu tốt, chẳng hạn như để được dễ dàng sinh hoạt tôn giáo… là một trong những chước cám dỗ mà Giáo Hội chúng ta mọi thời phải đương đầu và lich sử minh chứng rằng đã không lần chúng ta sa chước cám dỗ để rồi phải ăn năn, xin lỗi.

Trong hoang mạc, Chúa Giêsu đã đánh bại ma quỷ nhưng nó vẫn chưa chịu bó tay. Tin Mừng tường thuật rằng nó rút lui và chờ dịp khác. Ma quỷ tiếp tục tấn công Chúa Giêsu không chỉ suốt ba năm Người rao giảng tin mừng, mà cả đến những giờ khắc trong vườn cây dầu và phút giây Người hấp hối trên thập giá. Dĩ nhiên với Chúa Giêsu thì ma quỷ đã thất bại hoàn toàn nhưng còn với môn đệ của Người thì sao đây?

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Ước gì lời cầu xin này luôn nhắc nhớ chúng ta cẩn trọng với sự tinh ranh, ma mãnh của Satan để rồi biết tỉnh thức cầu nguyện luôn như lời Chúa Giêsu nói với ba môn đệ thân tín trong vườn cây dầu.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Tinh thần sa mạc

Trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã vào trong sa mạc, và suốt 40 đêm ngày, Ngài đã ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.

Và như chúng ta đã biết, sa mạc là một vùng đất bao la, hoang vắng, không cây cối, không nhà cửa, không người và cũng không vật. Chỗ nào cũng chỉ là bãi cát mênh mông. Chúa Giêsu đã cầu nguyện và ăn chay trong sa mạc như thế. Hết sức thanh vắng, hết sức khó nghèo. Với thái độ từ bỏ tối đa, với niềm tin cậy và phó thác tuyệt đối. Tinh thần sa mạc như thế là điều chúng ta cần phải thực hiện trong cuộc sống của chúng ta, để nhờ đó chúng ta xứng đáng lãnh nhận ơn sủng của Chúa.

Hình như chúng ta cũng có được đôi chút kinh nghiệm về chuyện này. Chẳng hạn có những lúc chúng ta như bị đẩy vào một sa mạc tinh thần như khi chúng ta bị cô đơn. Có những lúc chúng ta tự tạo ra một sa mạc tinh thần như khi chúng ta sống nội tâm. Thời gian trong sa mạc tinh thần là những tháng ngày thuận tiện để suy nghĩ, cầu nguyện và trút bỏ cái tôi cũ kỹ. Mặc dù nhờ cầu nguyện và chay tịnh trong tinh thần sa mạc, chúng ta có thể tập được nhiều thói quen tốt, có thể uốn nắn sửa đổi lại nhiều khuyết điểm hay là có thể nghĩ tới Chúa nhiều hơn, thế nhưng chúng ta vẫn phải tỉnh thức. Bởi vì chính lúc ấy ma quỷ sẽ quan tâm đến chúng ta nhiều hơn.

Cơn cám dỗ dành cho chúng ta, tuy vẫn giống như các cám dỗ của Chúa Giêsu, nhưng sẽ được hiện đại hoá. Kẻ cám dỗ chúng ta không phải là quỷ dữ, mà rất có thể là chính lòng nhiệt thành của chúng ta. Nội dung của cám dỗ không phải là những gì phàm tục sống sượng, nhưng lại là những đề nghị có vẻ đạo đức. Mục đích đưa ra không thấy ghi trong 7 mối tội đầu, nhưng lại nằm trong cả một chương trình đạo đức lớn.

Chẳng hạn thay vì bị cám dỗ biến đá thành bánh, thì chúng ta sẽ được khuyến khích ham muốn một thứ quyền lực kinh tế nào đó, với hy vọng để mở rộng Nước Chúa. Thay vì bị cám dỗ quỳ lạy ma quỷ để nắm trọn quyền cai trị thế giới, thì chúng ta sẽ được khuyến khích thoả hiệp với một thế lực xã hội nào đó để có được một thứ quyền lực chính trị với hy vọng sẽ dễ bảo vệt và phát triển quyền lợi Giáo Hội. Thay vì bị cám dỗ nhảy từ đỉnh cao đền thờ xuống, mà không hề hấn gì nhờ quyền phép thiêng liêng, thì chúng ta sẽ được khuyến khích hăng say phô trương quyền lực thiêng liêng, với hy vọng xây dựng uy tín cho đạo của mình. Tất cả chỉ nhằm làm sáng danh Thiên Chúa của tôi và Giáo Hội của tôi.

Trong những trường hợp như vậy, nếu chúng ta không cầu nguyện và ăn chay trong tinh thần sa mạc như Chúa Giêsu đã làm, thì chúng ta sẽ không dễ dàng nhận ra đâu là những chước cám dỗ và đâu là những phương thế phải dùng để đối phó với những cám dỗ ấy.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...