Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C

Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C   Dẫn vào Thánh Lễ Anh chị em thân mến! Cùng với các môn đệ, chúng ta đang sống trong những ngày sau cái chết của Chúa Ki-tô và cùng
 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Cùng với các môn đệ, chúng ta đang sống trong những ngày sau cái chết của Chúa Ki-tô và cùng với các ngài, chúng ta đang sống và sinh hoạt vào thời điểm sau biến cố Phục Sinh, đó là vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, vốn được xem là ngày đoàn tụ của các Ki-tô hữu tiên khởi.

Đồng thời đó cũng là ngày đặc biệt mà Đấng Phục Sinh chọn để hiện diện giữa một cộng đoàn còn non trẻ để chia sẻ với họ niềm vuii Phục Sinh, đồng hành với họ trong việc cử hành Lời Chúa và nghi lễ bẻ bánh, và sau cùng là sai họ đi rao giảng Tin Mừng cho nhân loại. 

Nhân loại đang trong cuộc hành trình đức tin, nhiều cạm bẫy và đầy cam go. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi để xứng đáng cue hành mầu nhiệm vượt qua này.

Ca nhập lễ

Như trẻ sơ sinh, anh em hãy ao ước sự thiêng liêng không phôi pha, để nhờ đó anh em lớn lên trong ơn cứu độ - Allêluia.

Hoặc đọc:

Anh em hãy nhận lãnh niềm vui vinh quang của anh em, hãy tạ ơn Chúa, Đấng đã kêu gọi anh em vào nước trời - Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 5, 12-16

"Số người tin vào Chúa ngày càng gia tăng".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều việc phi thường trong dân, và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn; nhưng không một ai khác dám nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài. Số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng, đến nỗi họ mang bệnh nhân ra đường phố, đặt lên giường chõng, để khi Phêrô đi ngang qua, ít nữa là bóng của người ngả trên ai trong họ, thì kẻ ấy khỏi bệnh. Ðông đảo dân chúng ở những thành phụ cận Giêrusalem cũng tuôn đến, mang theo bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Mọi người đều được chữa lành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 22-24. 25-27a

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". 

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, nên chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. 

Xướng: Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến; từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. 

Bài Ðọc II: Kh 1, 9-11a, 12-13. 17-19

"Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, anh em của chư huynh, đồng phần chia sẻ sự gian truân, vương quyền và kiên nhẫn trong Ðức Giêsu Kitô, tôi đã ở đảo Patmô vì lời Chúa và vì làm chứng Ðức Giêsu. Một Chúa Nhật nọ, tôi xuất thần và nghe phía sau tôi có tiếng phán lớn như tiếng loa rằng: "Hãy viết những điều ngươi thấy vào sách và gởi đến bảy giáo đoàn ở Tiểu Á". Tôi quay lại để xem coi tiếng ai nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa bảy chân đèn bằng vàng đó tôi thấy một Ðấng giống như Con Người, mặc áo dài và ngang lưng thắt một dây nịt bằng vàng. Vừa trông thấy Người, tôi ngã xuống như chết dưới chân Người; Người đặt tay phải lên tôi và nói: "Ðừng sợ, Ta là Ðấng trước hết và là Ðấng sau cùng, Ta là Ðấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khoá sự chết và địa ngục. Vậy hãy viết những gì ngươi đã thấy, những điều đang xảy ra và những điều phải xảy ra sau này".

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-31

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sau khi sống lại, Chúa Ki-tô đã hiện ra nhiều lần, nhiều nơi và với nhiều người khác nhau để củng cố Đức tin của họ. Hôm nay, nghe lại việc Chúa hiện ra với Tôma, một nhân vật đặc biệt được Chúa quan phòng, để nên chứng nhân đáng tin cho hậu thế, chúng ta cùng nhau dâng lời nguyện xin:

1. “Không một ai khác dám nhập bọn với các Tông Đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài”- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa, dù đang phải sống trong bối cảnh đầy thử thách gian nan và bất lợi của thời đại này, biết kiên vững sống trọn vẹn niềm tin vào Chúa Phục Sinh, và trung thành theo Đức Kitô đến cùng.

2. “Ta là Đấng hằng sống, Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời”.- Xin Chúa thương khơi lại niềm tin cho mọi thành phần dân Chúa nhân dịp lễ Phục Sinh, để mọi thành viên trong Hội Thánh biết chiếu giãi niềm tin yêu và hy vọng của mình giữa thời đại điên đảo này.

3. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” - Xin cho các nhà rao giảng biết noi gương các Thánh Tông đồ, bằng cách nhiệt tâm hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng, và can đảm đương đầu với những thách đố của thời đại.

4. “Tôma Vỉ con đã xem thấy Thầy nên con mới tin” - Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta trở nên chứng tá của Người, bằng sự cải thiện không ngừng đời sống bản thân, và tích cực dấn thân xây dựng xã hội trần thế ngày càng tốt đẹp hơn.

Chủ tế: Lạy Đức Giê-su Kitô Phục Sinh, Chúa đã sống lại để khơi lại niềm tin cho chúng con. Xin Chúa ban thêm Đức Tin cho chúng con, để dù gặp thách đố và đau khổ đến đâu, chúng con vẫn một lòng gắn bó với Chúa, với hy vọng sau này, chúng con sẽ được sống lại vinh quang cùng Chúa, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con (và đặc biệt là của những anh chị em tân tòng) Chúa đã cho mọi người chúng con được đổi mới nhờ đức tin và nhờ bí tích thánh tẩy, xin cũng dẫn đưa chúng con tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng Phục Sinh I

Ca hiệp lễ

Con hãy xỏ ngón tay vào đây, hãy nhìn xem những vết đinh, và đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin - Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ðức Kitô là Ðấng đã chết và sống lại để ban sự sống đời đời cho thế gian. Cúi xin Chúa làm cho ân huệ quý báu này được tồn tại mãi trong tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Suy niệm của Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. Ga 20, 19-31
 
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".
 
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"
 
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
 
Suy niệm

Hoà chung vào niềm vui Phục sinh của toàn thể nhân loại, chắc mỗi người chúng ta cũng có những cảm nhận rất riêng về biến cố Phục sinh này, một biến cố có thể làm thay đổi cuộc đời của nhiều người, lắm lúc có cả chính mình trong số đó. Chúa nhật 2 Phục sinh còn được dành riêng để kính nhớ lòng thương xót của Đức Giêsu, Chúa chúng ta, bởi lòng thương xót đó mà chúng ta được cứu độ, được yêu thương và được chăm sóc mỗi ngày qua Thánh lễ, qua các bí tích.
 
Các trình thuật về biến cố Phục sinh từ các bản văn Tin Mừng cho chúng ta nhiều góc nhìn về việc Chúa phục sinh đang hiện diện trong thế giới, trong cuộc đời và trong mỗi công việc, mỗi hành động và mỗi ơn gọi nơi từng cá nhân. Bà Maria Madala đã nhận ra Chúa phục sinh là Thầy mình qua lời Thầy gọi tên Bà, tên mỗi người là một gia sản quý báu của mỗi cá nhân, và khi ai gọi tên của mình là lúc chúng ta biết được sự gần gũi và thân thiện giữa hai cá nhân đó. Thầy gọi tên bà: Maria, bà lên tiếng đáp lời. Tiếng gọi đó đã giúp bà nhận ra người đang đối diện với mình không phải là ma quỷ mà là Chúa Phục sinh, là Thầy mình. Còn hai môn đệ chán chường bỏ anh em, bỏ cộng đoàn về quê tìm kế sinh nhai, đã nhận ra Chúa phục sinh khi Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Tâm tình cầu nguyện cử chỉ bẻ bánh và trao cho hai ông của Chúa Giêsu là một hành động khác người, bởi đó là hành động đến từ sự tôn trọng, yêu thương, đồng hành và chia sẻ, họ chỉ tìm gặp được những tâm tình đó khi phục vụ nhau, khi tôn trọng nhau và cùng nhau xây dựng gia đình Thiên Chúa nơi trần gian nhờ mầu nhiệm Phục sinh. Người còn hiện ra với các ông khi cùng nhau cầu nguyện trong phòng. Sống hiệp thông và cầu nguyện với nhau và một dấu chỉ cho mọi người thấy Chúa phục sinh đang hiện diện giữa họ, bởi ở đâu có hai hoặc ba người cầu nguyện nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ. Chúa phục sinh đã hiện diện nơi cộng đoàn cầu nguyện đó, để đón nhận của lễ, để hiệp thông cầu nguyện và để hướng dẫn chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha. Người còn hiện ra với các môn đệ khi các ông trở lại với công ăn việc làm cũ của mỗi người, đó là đánh cá. Trên mặt biển, họ thấy Người nhưng họ tưởng là ma. Sợ hãi, nhát đảm là những cảm xúc ập đến khi câu chuyện đó xảy ra. Thế nhưng, Người đã trấn an họ: Thầy đây, đừng sợ. Và rồi Người đã ở bên cạnh họ, mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh đã chép về Người như thế nào? Cùng ăn cùng uống với họ, để họ vượt ra khỏi nỗi sợ đó là ma quỷ, một nỗi sợ đến từ sự hoài nghi.
 
Tất cả những lần hiện ra đó, giúp cho các môn đệ vững tin hơn về việc Thầy mình đã sống lại. Người hiện diện mọi nơi, mọi lúc và trên mọi nẻo đường cuộc đời. Vậy mà, các ông vẫn còn hoài nghi và âu lo. Trước nỗi sợ hãi bao phủ đó, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra, đứng giữa các ông và ban cho họ sự bình an của Chúa phục sinh. Hơn nữa, Người còn cho họ xem tay và cạnh sườn Người. Đây là một dấu hiệu đặc biệt của Chúa phục sinh, không phải sau khi sống lại, tay chân Người đẹp hơn, dễ thương hơn, hay sau khi ra khỏi mồ, thân thể Người sáng láng hay có nhiều thay đổi hơn, nhưng Người muốn cho các môn đệ hiểu rằng, Người đang hiện diện với anh em lúc này cũng là Đấng đã chịu treo trên thập giá, đã chết và đã được an táng trong mồ đá lạnh kia. Và xa hơn nữa, Đức Giêsu, Đấng đã sinh ra trong hang đá, đã sống ẩn dật tại Nazareth, đã lên đường rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, mọi dân, cũng là Đức Kitô, đấng đã được Chúa Cha phục sinh nhờ quyền năng của Thánh Thần. Hai con người ấy chỉ là một dù có hiện diện cách này hay cách khác.
 
Thái độ hoài nghi của các môn đệ về việc Chúa phục sinh cũng là chuyện dễ hiểu thôi, dù được loan báo trước, dù đã chứng kiến mọi phép lạ Chúa làm trong thời gian họ đồng hành với Người, nhưng với biến cố Phục sinh của Người, các môn đệ vô cùng ngạc nhiên và lúng túng. Nhìn vào tay và cạnh sườn thì đúng là Thầy mình, nhưng sao hôm nay Thầy mình lại hiện diện với anh em cách đặc biệt quá, có khi nào đó là ma quỷ không? Chúa phục sinh đã củng cố niềm tin của các môn đệ với những dấu chứng thực sự, với những sinh hoạt thường ngày mà các ông đã thấy nơi một Đức Giêsu lịch sử và nay lại gặp nơi một Đức Kitô phục sinh.
 
Mỗi ngày, chúng ta được nghe Lời Chúa trình bày về những ngày sống tại thế của Đức Giêsu, những sinh hoạt, những giáo huấn của Người, và chúng ta biết cũng như tin Người đã hiện diện trong lịch sử nhân loại, nhưng trong mùa Phục sinh, Lời Chúa trình bày cho chúng ta về sự hiện diện đặc biệt của nhân vật đó, những giáo huấn và những lời mời của Người cách khác lạ, và chúng ta cũng hoài nghi phần nào đó về nhân vật ấy như các môn đệ thôi. Sự hoài nghi đó đã được xua tan bởi ánh sáng của Thần Khí, Ngôi Ba Thiên Chúa đã hiện diện giữa gia đình nhân loại để củng cố niềm tin cho nhân loại, đặc biệt cho những ai đã từng sống, từng ăn uống và từng được chứng kiến mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Rồi từ đó, Thần Khí đã sai họ lên đường, loan báo Tin Mừng Phục Sinh với lời chứng là cuộc đời của họ, là những gì mắt thấy tai nghe trong thời gian là môn đệ Người. Hãy lên đường cùng loan Tin Mừng Chúa phục sinh.
 
Lạy Chúa, sau khi ban bình an phục sinh cho các môn đệ, Chúa đã mời họ lên đường báo tin vui Phục Sinh cho anh chị em. Xin cho chúng con khi được chung chia niềm vui Phục sinh với các môn đệ, cũng mau mắn lên đường trong loan báo tin vui đó cho anh chị em, cho thế giới. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi tất cả mọi người, để gia đình của Chúa luôn là nơi mọi người gặp gỡ và sống tình hiệp thông với nhau. Xin cho chúng con cũng biết cố gắng phục sinh con người và những cá tính của mình, để trở nên chi thể trong thân thể sống động và mầu nhiệm của Đức Kitô phục sinh. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh


MỘT NỀN TẢNG CỦA ĐỨC TIN: LÒNG THƯƠNG XÓT
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Hằng năm, vào Chúa nhật II mùa Phục Sinh, chủ đề đức tin lại được nhấn mạnh, đặc biệt qua bài Tin Mừng thánh Gioan tường thuật về dữ kiện thường được gọi là “sự cứng lòng tin” của tông đồ Tôma. Là tín hữu Kitô, chúng ta dễ dàng chân nhận rằng đức tin tiên vàn là hồng ân do Chúa ban tặng. Tuy nhiên phía con người cần thiết phải có sự đáp trả. Để đáp trả hay nói cách khác là để tiếp nhận hồng ân Chúa ban tặng dĩ nhiên cần có một vài cơ sở hay nền tảng nào đó. Xin được chia sẻ một vài nền tảng mà con người thường dựa vào đó để đón nhận hồng ân đức tin.

1. Một dấu hiệu đổi thay, mang tính tích cực nơi những người được gọi là có đức tin, những người loan báo Tin Mừng: Xin đừng tiên thiên trách cứ tông đồ Tôma vì không chịu tin lời chứng của anh em đồng môn rằng Chúa đã sống lại. Các cửa vẫn đóng kín, nghĩa là anh em vẫn còn sợ người Do Thái (Ga 20, 19), thì lời chứng của anh em làm sao khả tín. Tin Mừng ghi rõ là một tuần sau khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các Ngài thì các cửa của căn nhà vẫn đóng im ỉm. Chẳng có gì đổi thay cách tích cực thì đừng mong thuyết phục được ai. Sách Công Vụ Tông đồ tường thuật rằng chính nhờ sự đổi thay trong cách sống của các Kitô hữu tiên khởi đã làm nhiều người mến phục và gia nhập cộng đoàn. Cũng là những con người bình thường, thế mà giờ đây họ lại sống quảng đại yêu thương cách chân thành: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu… Và Chúa cho cộng đoàn ngày mỗi có thêm những người được cứu độ” (Cvtđ 2, 44-46). “Lời nói gió bay, gương bày lôi kéo”.

2. Tính duy lý được thoả mãn nhờ các kiểm chứng kiểu duy thực nghiệm: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Là “cây sậy biết suy tư” (Pascal), chúng ta cần nhìn nhận vai trò quan trọng của trí khôn, ngay cả trong việc tiếp nhận hồng ân đức tin. Nói đến đức tin là nói đến một sự quy thuận của lý trí trước một thực tại tuy rằng “siêu lý” tức là vượt quá tầm lý luận của trí khôn nhưng không “phi lý”. Vai trò của lý trí vẫn có đó trong các hành vi của đức tin.
Các nhà thần học, cách riêng các nhà thần học kinh viện vốn đề cao vai trò của lý trí trong việc nhận biết Thiên Chúa. Các phương pháp tổng hợp, diễn dịch hay loại suy chính là những công cụ sắc bén và hữu hiệu của trí khôn để đạt đến những điều mới lạ. Và ngay cả trong lãnh vực đức tin, các phương pháp trên đã góp phần thật đáng kể.

Tuy nhiên dù được kiểm chứng hay kiểm nghiệm thì sự thoả mãn của trí khôn vẫn còn đó sự hạn chế, đặc biệt trong lãnh vực đức tin, một lãnh vực vượt quá tầm luận lý con người. Tạ ơn Chúa và cám ơn thánh Tông đồ Tôma. Khi Chúa Phục Sinh ngỏ lời với ngài trong lần hiện ra sau đó: “Đặt ngón tay con vào đây và nhìn xem tay Thầy…”, thì Tôma đã không thực hiện yêu cầu đặt ra trước đó với anh em. Đức tin không phải là kết quả của một quá trình cân, đong, đo, đếm. Đến đây chúng ta mới hiểu câu nói của Đấng Phục Sinh: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 28). Nếu chỉ đặt nền tảng trên luận lý thì quả là còn nhiều khó khăn phải vượt qua để đến với đức tin.

3. Cảm nhận mình được Chúa hiểu và Chúa thương yêu mình: đây chính là nền tảng vững vàng và căn bản để đón nhận hồng ân đức tin. Một niềm tin dựa trên nền tảng là chính hiện sinh của bản thân mình tức là cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa thì vừa sâu đậm vừa vững bền. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn Chúa Nhật II Phục Sinh làm ngày đặc biệt để các tín hữu Công giáo tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa. “Lòng thương xót” là một hạn từ cách riêng chỉ về “tình yêu của Thiên Chúa” với hai phẩm tính đan xen không thể tách rời đó là “quyền năng” và “nhân hậu từ bi”.
Đây chính là cảm nghiệm của tông đồ Tôma khiến ngài bật ra lời tuyên xưng đức tin. Mình yêu sách, mình ra điều kiện trước anh em, thế mà Thầy chí thánh vẫn biết. Thầy quyền năng, thông suốt mọi sự thế mà Thầy vẫn yêu thương, không trách mắng, lại còn muốn cho mình được thoả mãn yêu sách. Tôma cảm nhận sự thông biết của Thầy và nhất là cảm nhận tấm lòng của Thầy. Chính vì thế ngài đã không thực hiện theo yêu sách đề ra, nhưng đã vội vàng quỳ xuống và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28).

Cuộc đời của nhiều vị thánh như chị Têrêxa Hài đồng Giêsu hay như Mẹ Têrêxa thành Cancutta minh chứng cho ta thấy điều này. Các Ngài không chỉ nhận ra các dấu hiệu đổi thay mang tính tích cực đó đây mà chính các Ngài đã góp phần dệt xây các dấu hiệu ấy cách hăng say và hữu hiệu. Các Ngài thường có trí khôn vững vàng với sự luận suy sắc bén. Thế nhưng các cơn cám dỗ về đức tin thường được gọi là đêm tối đức tin vẫn đến với các Ngài, có khi rất dữ dội và dai dẳng. Chính nhờ cảm nghiệm được Chúa hiểu, được Chúa yêu thương đã giúp các Ngài kiên trì vượt qua chước cám dỗ khủng hoảng đức tin.

Tổ chức các Thánh lễ long trọng tôn vinh “lòng thương xót” của Thiên Chúa là điều chính đáng. Thực hành các giờ lần hạt kính “lòng thương xót” Chúa là điều nên làm. Tuy nhiên chính khi biết nỗ lực góp phần làm cho tha nhân gần xa cảm nhận lòng thương xót của Chúa nơi các nghĩa cử và cung cách sống của chúng ta thì đó mới thực là điều phải đạo, đạo của những người thực danh là Kitô hữu. Và chắc chắn khi ấy hạt giống đức tin sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


TÔMA
Sưu tầm


Sau một cuộc giao tranh ác liệt, giữa bao xác chết ngổn ngang trên trận địa, người ta tìm thấy bức thư của một người lính Nga, đã ngã gục dưới bom đạn. Bức thư ấy có một nội dung hết sức lạ lùng về lòng tin của một thanh niên đã từng lớn lên và được giao dục theo chủ nghĩa vô thần. Anh đã nhận thấy Thiên Chúa thực sự hiện hữu khi nhìn lên bầu trời lấp lánh ánh sao. Anh không chỉ tin vào Ngài trong đầu óc anh, nhưng trái tim anh đã thực sự rung động khi anh viết những hàng chữ sau đây để thân thưa với Chúa:

“Lạy Chúa, Chúa có nghe thấy tiếng con hay không? Con chưa hề nói chuyện với Chúa bao giờ. Nhưng hôm nay con cảm thấy cần phải chào hỏi Chúa. Con biết rằng ngay từ thời còn thơ ấu, người ta đã không ngừng lặp đi lặp lại với con rằng: Không có Chúa. Ngài chỉ là một câu chuyện hoang đường. Và con đã tin thật điều đó. Cho đến những năm tháng khôn lớn, con cũng chưa bao giờ để ý hoặc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên. Chỉ đến ngày hôm nay, con mới nhận ra vẻ đẹp này. Con lặng lẽ chiêm ngắm bầu trời với muôn ngàn tinh tú. Và con biết rằng Chúa thực sự hiện hữu”.

Từ mẩu tâm sự trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay với niềm tin của Tôma. Thực vậy, Đức Kitô Phục sinh đã chiếu cố đặc biệt tới ông khi hiện ra. Chính nhờ vậy mà lòng tin của ông đã được chuyển biến, để rồi ông đã thưa lên: Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi. Còn chúng ta thì sao?

Dĩ nhiên là chúng ta không có may mắn như Tôma, là được chiêm ngắm Chúa nhãn tiền. Hiện thời, chúng ta là những người đi trong sương mù. Đức tin của chúng ta còn nhiều hồ nghi, còn nhiều thắc mắc, còn nhiều trăn trở. Nhưng có lẽ vì thế mà đức tin của chúng ta có một giá trị to lớn như lời Chúa đã xác quyết: Phúc cho những ai không thấy mà tin. Mặc dầu chúng ta không nhìn thấy Chúa, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra những dấu ấn của Ngài trong thiên nhiên, như người lính Nga đã nhận ra Ngài khi chiêm ngắm bầu trời lấp lánh ánh sao. Với trí khôn, khi nhìn ngắm trật tự lạ lùng cùng với những kỳ công trong vũ trụ, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa và chúng ta có thể xác quyết người là một con vật có tôn giáo. Đồng thời thiên nhiên là một cuốn sách vĩ đại, trong đó, mỗi trang, mỗi dòng đều nói cho chúng ta biết về Chúa.

Chính vì thế, chúng ta hãy xin Chúa củng cố niềm tin nhỏ bé của chúng ta, nhờ đó chúng ta sẽ nhận biết Ngài qua Kinh thánh cũng như qua thiên nhiên.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...