Tin Mừng Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm C   Ca nhập lễ Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu
 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin...

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Loan báo Tin Mừng cho thời đại hôm nay, một thời đại đang bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dụng, đánh giá mọi sự theo lợi nhuận thì quả là không dễ, nhưng cho dù có khó khăn, thì mỗi người chúng ta vẫn phải loan báo cho mọi người biết về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Đó cũng là điều mà Đức Giêsu đã làm khi Người trở lại quê hương Nagiareth.

Sứ mạng rao giảng không chỉ được trao cho các Tồng Đồ, nhưng còn cho cả chúng ta, những người đã chịu phép Rửa Tội. Được trở nên sứ giả Tin Mừng, đòi hỏi chúng ta phải biết vâng phục, can đảm, bác ái, hầu chúng ta có thể can trường, làm được như Chúa Giêsu đã làm khi Người nói sự thật, bị người ta trục xuất, đưa ra đồi cao, tìm cách xô Người xuống vực thẳm, nhưng Người đã rẽ qua mặt họ mà đi. Bởi vì vinh quang chỉ thuộc về những ai chịu đau khổ với Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Gr 1, 4-5, 17-19

"Ta sẽ đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong thời vua Giosia, lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc.

Vậy phần ngươi, ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Ðừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cậy cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15ab và 17

Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (c. 15a).

Xướng: Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời; theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu.

Xướng: Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Ðá Tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con thoát khỏi tay đứa ác. 

Xướng: Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa. Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con, con đã luôn luôn cậy trông vào Chúa. 

Xướng: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 31 - 13, 13 (bài dài)

"Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo cho anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khôn ngoan; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát mọi của cải tôi có để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.

Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 13, 4-13

"Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biết mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có lời ban sự sống. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 4, 21-30

"Chúa Giêsu, như Êlia và Êlisê, không phải chỉ được sai đến với người Do-thái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?"

Và Người nói với họ: "Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: 'Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!' Ðiều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'". Người nói tiếp: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria".

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến làm sứ giả của Chúa, chính Người đã đem đến cho chúng ta Tin Mừng, và đã trao cho chúng ra tiếp tục sứ mệnh đó, vì Thiên Chúa muốn cứu rỗi hết thảy mọi người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.

1. “Ta truyền dậy cho ngươi đừng run sợ trước mặt họ” Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa được tràn đầy ơn sủng của Chúa, để các ngài mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng, không sợ những lời đe dọa hay bắt bớ, nhưng nhiệt thành với sứ vụ.

2. “Tôi chỉ bảo cho anh em một con đường hoàn hảo nhất”,— Xin cho mọi người đang dấn thân rao giảng Tin Mừng, theo gương các vị thừa sai tiền bối, yêu thương các linh hồn, luôn kiên vững trong ơn gọi và sẵn sàng đương đầu với mọi thách đố của thời đại.

3. “Không một tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương mình”.- Xin cho các Kitô hữu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, nên nhân chứng cho Chúa Kitô cả nhũng khi bị ngược đãi tại môi trường sinh sống của mình.

4. “Mọi người căm phẫn trục xuất Người ra khỏi hội đường. ” -Xin cho các người làm việc tông đồ giáo dân, can đảm chấp nhận những phản trắc trong khi thi hành nhiệm vụ trong giáo xứ.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để từ đáy tâm hồn chúng con tuân phục và say mê Lời Chúa, nhờ đó chúng con trở thành những sứ giả can đảm loan báo tin vui của Chúa, Đấng hằng sống và hiển tri muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN của Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 4, 21-30)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”

Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!’ Ðiều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông’”. Người nói tiếp: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.
 
Suy niệm

Chúa nhật thứ 4 trở về trong niềm vui của những ngày cuối năm âm lịch, như là lời nhắc cho mỗi người tín hữu, bước vào năm mới với ơn gọi của mình, với hoàn cảnh sống, hãy là những ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa, của Tin Mừng cứu độ.
 
“Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”. Quả là một lời than xem ra phũ phàng và xót xa cho ơn gọi sứ giả của Tin Mừng cứu độ. Sau những ngày lên đường đến với muôn dân, Đức Giêsu trở về quê quán, thăm hỏi gia đình, bạn hữu và mọi người, sau đó, Ngài cùng với họ vào hội đường, chung chia bàn tiệc thiêng liêng vào mỗi ngày Sabath. Nơi đó, Ngài được đọc lời Thiên Chúa qua bản văn của Ngôn sứ Isaia. Qua bản văn đó, Ngài nhìn ra sứ mạng của mình rõ nét hơn với sự hướng dẫn của Thánh Thần, Ngài phải lên đường, đến với muôn dân, đặc biệt là những người bất hạnh. Thế nhưng, khi Ngài gợi mở cho mọi người biết đó cũng là ơn gọi của họ, họ đã lên tiếng phản đối, bởi gốc gác của Ngài chỉ là con ông thợ mộc quèn trong làng nghèo thôi. Dầu vậy, chúng ta cũng tìm hiểu thêm về sứ mạng của Ngài, để từ đây, ơn gọi mỗi người rõ nét và trở nên sinh động hơn, dù có những lúc bị khinh miệt và chối từ.
 
Trong vai trò là một con người, Đức Giêsu từng ngày khám phá sứ mạng của mình là thực hiện chương trình Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ơn gọi đó được xác nhận từ biến cố Ngài chịu phép rửa của Gioan. Sứ mạng đó là đem ơn cứu độ cho nhân loại qua mọi thời và mọi nơi. Thế nhưng, chỉ vì gia đình thuộc tầng lớp nghèo đói trong xã hội, nên sứ điệp của Ngài bị chối từ, không có trọng lượng nào trong cộng đoàn, thậm chí bị khinh miệt chỉ vì cái nghèo. Họ nghĩ rằng muốn chuyển tải một sứ điệp nào, người nói phải là người có uy tín trong cộng đoàn, là người có gia thế trong xã hội, có địa vị trong hội đường nữa, mới có thể thuyết phục được người khác đón nhận sứ điệp của mình. Đức Giêsu đã gặp thất bại ngay từ những ngày đầu của sứ mạng đặc biệt. Thất bại đó không làm chùn bước Ngài, càng gặp chống đối, càng gặp thất bại, Đức Giêsu càng lên dùng nhiều phương cách khác nhau để mở đôi mắt của họ thấy được tình thương của Chúa Cha, mở đôi tai của họ để nghe được tiếng nói của Thánh Thần và mở trái tim của họ để cảm nghiệm được hơi ấm của tình trời. Phương cách cuối cùng Đức Giêsu đã thực hiện đó là đón nhận cái chết để diễn tả tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa dành cho con người.
 
Với hình ảnh một Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu đã hiểu được tham vọng của con người. Dù được chọn là một dân riêng, được hướng dẫn, nuôi dưỡng qua bao thế hệ, nhưng họ chưa nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Tương quan giữa Thiên Chúa và dân riêng của Ngài luôn là một tương quan Cha – Con với nhau. Thiên Chúa cúi xuống đón lấy con người từ hố sâu tội lỗi vươn lên, hơn thế nữa, Ngài đã đi vào trong lịch sử con người để hòa mình vào nhịp sống của con người, để cảm thông và chia sẻ, để song hành và yêu thương. Thế nhưng, thay vì được con người tin nhận và tôn thờ, Thiên Chúa đã bị con người khước từ, thậm chí đã đóng đinh chính người Con duy nhất của Người trên thập giá. Một ngôn sứ sẽ không được đón nhận nơi gia đình của các gia nhân.
 
Hiện trạng đó nay còn tiếp diễn trong thế giới này, Con Thiên Chúa vẫn bị khinh miệt, bị chê bỏ, bị loại trừ trong chính con người mang danh Ngài là Kitô hữu khi họ muốn tìm một thế lực thực dụng có thể đem đến cho họ địa vị, quyền lực và của cải vật chất, còn với Thiên Chúa, có thể chỉ là một nhu cầu, một phương tiện đáp ứng mọi cái lúc cần thiết. Thiên chúa hôm nay còn được ở lại trong mỗi gia đình nữa không hay chỉ là một vị khách bất đắc dĩ trong các gia đình, đặc biệt là gia đình Kitô giáo, vì Ngài luôn quấy rầy họ, làm phiền họ. Giữa các xứ đạo, người tín hữu còn thực sự là chọn Thiên Chúa làm lẽ sống cho mình, hay chỉ chọn công việc của Chúa để phục vụ, để mưu cầu lợi ích cho cá nhân và gia đình. Thiên Chúa còn được đón tiếp thực sự nơi mỗi xứ đạo như là người bạn, như là người anh, người chị hướng dẫn họ sống tốt ơn gọi làm người giữa đời, sống tốt ơn gọi sứ giả tin mừng trong hiện tại nữa không? Có những lúc vô tình, chúng ta đã loại trừ Con Thiên Chúa nơi cộng đoàn khi khinh miệt những đóng góp, những chia sẻ của những anh chị em giáo dân. Dù hoàn cảnh bản thân hay gia đình họ ra sao, nhưng họ muốn trái tim họ có chỗ dừng chân cho Thiên Chúa, vậy mà chúng ta đã đóng cánh cửa đó, ngăn cấm Thiên Chúa đến với tha nhân.
 
Cộng đoàn là mái ấm gia đình thứ hai của ơn gọi dâng hiến. Nơi đó hội tụ những con người tội lỗi, cá tính, để giúp nhau nên thánh và hoàn thiện ơn gọi làm người. Trong mái ấm đó, mỗi người được Thánh Thần hướng dẫn với những công việc khác nhau, những trách vụ khác nhau, và cả những hy sinh khác nhau, thế nhưng, mỗi thành viên đã thực sự đón nhận ơn gọi ngôn sứ của mỗi thành viên cộng đoàn cách chân thành, hay chỉ là sự ganh tị, hiềm khích và nhận chìm lẫn nhau, để tiến thân, để thống trị và để phân biệt đẳng cấp? Nếu một ngày nào đó, Đức Giêsu ghé thăm cộng đoàn, liệu rằng Ngài có lên tiếng: Tại sao các ngươi lại khinh bỉ Ta? Họ là anh chị em của Ta đó, chúng ta sẽ trả lời cho Ngài thế nào?
 
Lạy Chúa Giêsu, bước vào lịch sử nhân loại, Ngài đã bị khước từ, bị truy đuổi và xua đuổi, bởi con người chỉ muốn ngụp lặn trong tham vọng, trong tính ích kỷ và ganh tị, chưa mong bước vào thế giới của sự thật, công lý và tình thương. Xin Chúa giúp mỗi người luôn thấy được sự hữu hạn của mình, để đón nhận tha nhân, xin giúp chúng con biết ý thức khi đón nhận tha nhân là đón nhận Thiên Chúa làm người. Chúa làm người để chúng con được làm con Thiên Chúa, xin giúp mỗi người nhận ra được mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là để đưa chúng con ra khỏi bóng đen tội lỗi và sự chết, từ đó, Ngài sẽ dẫn chúng con vào quê hương đích thực của mỗi người là Nước Trời. Amen.

 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh

SỐ PHẬN NGÔN SỨ
(Chúa Nhật IV TNC) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
Đã là Kitô hữu thì thảy đều được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương giả. Lướt cái nhìn qua ba sứ vụ ấy thì sứ vụ tư tế xem ra được kính nể hơn cả. Sứ vụ vương giả tuy có nhiều vất vả nhưng lại được trọng kính một cách nào đó. Còn sứ vụ ngôn sứ thì có lẽ hẩm hiu nhất.

Làm ngôn sứ là nhân danh Chúa và thay mặt Chúa mà trình bày ý, lời của Chúa cho đồng loại. Lời Chúa là lời tình yêu, nhưng cũng là lời chân lý. Chính vì thế mà Lời Chúa được ví như thanh gươm hai lưỡi phân rẽ tâm hồn con người. Ngay lời của con người, nếu là lời của sự thật, thì cũng đã dễ mất lòng. Phận người chúng ta xem ra công ít mà tội nhiều. Mặt tốt cũng có, việc lành cũng có, nhưng chẳng đáng là bao so với mặt tồn tại và những lỗi lầm. Và thế là người ta thật khó chấp nhận khi sự thật về con người mình bị phơi bày.

Ngôn sứ là người thường nói những lời khó nghe. Vâng lệnh Thiên Chúa để nói lời tình yêu mà cũng là lời sự thật, quả là một sứ vụ đầy cam go. Hình như các ngôn sứ khi được Chúa kêu mời thi hành sứ vụ, thì thường run rẩy hoặc tìm cách thoái thác. Quả thật chuyện “chưa được mạ thì má đã sưng” là chuyện xưa nay không hiếm. Nói lời sự thật cho nhau, nhất là cho những người đang nắm quyền cao, chức trọng, thì biết bao nguy hiểm rình chờ ập xuống đầu, xuống cổ, không biết khi nào. Thế mà Chúa vẫn cứ bảo với ngôn sứ: “Người hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ, nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn” (Gr 1, 17).

Đã là ngôn sứ thì phải nói lời sự thật. Đây không chỉ là sứ mạng mà còn là cái giá của hạnh phúc người sứ ngôn. Nếu không nói thì chính sứ ngôn sẽ nhận lấy tại họa từ chính Thiên Chúa: “chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ”. Nếu người ngôn sứ mà không nói cho kẻ gian ác biết điều gian ác nó đã phạm, khiến nó phải chết trong sự gian ác của nó, thì chính Thiên Chúa sẽ đòi nợ máu nó nơi người sứ ngôn (x.Ed 3, 18).

Vấn đề thật lắm oái ăm và thật nhiêu khê, khi nói lời sự thật mà đó là những sự không hay, không tốt có đụng chạm đến những người chức cao quyền lớn thì rất dễ bị quy chụp là phản động, là gây chia rẽ, là vạch áo cho người xem lưng, là… Và số phận các sứ ngôn từ trước đến nay dường như chẳng khác nhau bao nhiêu, chẳng hạn như Êlia, Giêrêmia, Gioan Tẩy Giả… thảy đều có kết cục chẳng sáng sủa chút nào.

Tuy nhiên làm sao để phân định rằng khi nào thì một ngôn sứ nói lời chân lý do Chúa phán truyền? Bởi chưng, cũng vẫn có đó nhiều sứ ngôn giả hiệu, chỉ nói những điều mình muốn nói, cho dù nhiều lúc đó là sự thật, nhưng không phải do Chúa ra lệnh nói. Chúng ta đừng quên, thần dữ cũng đã từng xui khiến nhiều người nó ám, mở miệng tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng Messia và Chúa Kitô đã ngăn cấm chúng (x.Mc 1, 21-28; Lc 4, 31-37).

Dĩ nhiên, đã là ngôn sứ chính hiệu thì phải nói những gì Chúa phán dạy. Những gì Chúa phán dạy luôn hướng đến điều tốt đẹp. “Đã nhổ thì phải biết trồng”; “Đã đập phá thì phải biết dựng, biết xây” (x.Gr 1, 10; 18, 7-10). Ngôn sứ chính hiệu thì sau khi phê phán những điều tiêu cực, những mặt hạn chế, những lỗi lầm của con người, của xã hội, thì luôn đề ra giải pháp khắc phục và biện pháp sửa sai.

Như thế, mục đích của sứ ngôn khi nói lời sự thật thì luôn nhằm điều thiện hảo cho người nghe. Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô rằng để mọi hành vi của chúng ta có giá trị thì phải xuất phát từ một tấm lòng đầy đức mến. “Giả như tôi được ơn nói tiên tri (làm ngôn sứ), và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13, 2). Tình mến ở đây phải là tình yêu như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Tình yêu thương đích thực được biểu hiện qua việc chúng ta làm tất cả chỉ vì hạnh phúc người mình yêu mến, trong sự liên đới đến cùng. Thánh tông đồ dân ngoại đã từng thốt lên: “Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên” (2Cr 11, 29).

Một ngôn sứ của Chúa thì phải nói lời Chúa dạy. Lời Chúa dạy luôn là lời tình yêu, lời sự thật. Khi đã nói lời sự thật, dù rằng khởi đầu bằng những hiện thực chẳng hay chẳng tốt về tha nhân hay xã hội nhưng được kết thúc bằng những phương thế giúp nhau hoán cải, đổi thay, thăng tiến. Ngôn sứ của Chúa thì luôn chân thành mong ước điều tốt đẹp cho cả người mình phê phán hay góp ý. Và dĩ nhiên một trong những hệ quả dù không mong cũng thường xảy đến đó là thập giá.

Giêrêmia đã phải hứng chịu nhiều nỗi truân chuyên khi làm kiếp “tứ phía kinh hoàng” (x.Gr 20, 4). Đó là thân phận con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt. Và ngay cả những người đồng hương của ngài, dân Anathốt, cũng đã đe dọa làm hại tính mạng ngài (x.Gr 11, 19-21). Số phận của Vị Đại ngôn sứ là Giêsu Kitô cũng không hơn gì. Khi thẳng thắn nói cho người đồng hương biết về tính phổ quát của ơn cứu độ, tức là tình yêu của Thiên Chúa không dành riêng cho một ai, một dân tộc nào, một xứ sở nào, thì Chúa Giêsu đã phải đón nhận sự phẫn nộ, đúng hơn là sự cuồng nộ của dân Nagiarét. Sự ích kỷ đã làm cho tâm hồn người dân Nagiarét lúc bấy giờ ra mù quáng. Ăn không được thì đập bỏ, chứ không cho kẻ khác hưởng nhờ chăng? Dù sao đi nữa thì thái độ cuồng nộ đến nỗi bắt Chúa Giêsu đem lên núi để xô Người xuống vực cho chết là một thái độ không thể hình dung, nhưng lại là sự thật.

Một vài nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng Chúa Giêsu có hai lần về Nagiarét. Một lần thì Người được tung hô, đón nhận, và lần khác thì bị tẩy chay, ngược đãi. Thế nhưng, việc thánh sử Luca kể liền một mạch hai thái độ trái ngược của người đồng hương Chúa Giêsu cũng nhắc nhớ cho ta thấy rõ lòng người rất dễ đổi trắng thay đen, khi sự ích kỷ, nhỏ nhen ngự trị. Sau này dân thành Giêrusalem cũng thế. Trước thì hoan hô, chúc tụng Con vua Đavit, thế mà sau đó mấy ngày lại giơ cao nắm đấm, la gào: “đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá” (x.Mt 21, 9; 27, 23).

Làm tất cả vì hạnh phúc người mình yêu, nói lời sự thật cho mình yêu và rồi sẵn sàng đón nhận sự ngược đãi, bách hại trong sự khoan dung, tha thứ, chính là chân dung ngôn sứ thật. Tuyên phán những sự may lành thì không khó, nhưng khi phải nói những điều chẳng hay, để giúp nhau thay đổi thì quả là chẳng dễ chút nào, nhất là khi sự chẳng hay ấy lại liên hệ đến những người có thể làm hại chúng ta cách này cách khác. Tuy nhiên đã là Kitô hữu thì tất thảy chúng ta đều phải làm sứ ngôn cho Thiên Chúa. Đây là một sứ mạng không thể khước từ hoặc cố tình xao nhãng hoặc tìm cách biện bạch để bỏ qua. Ước gì không một ai trong chúng ta, cách riêng các mục tử trong Giáo hội, phải hứng chịu lời tuyên án của Thiên Chúa khi Người đòi nợ máu của người gian ác trên mình, vì đã không chu toàn sứ mạng ngôn sứ: nói lời tình yêu và nói lời sự thật.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Thành kiến
Sưu tầm

Với thành kiến sẵn có đối với những người da đen, bà Anna cho họ là những kẻ lười biếng, trộm cắp, nghiện ngập, độc ác và giết người không gớm tay. Bà luôn lưu ý những nơi mình đi qua và mỗi lần thấy bóng dáng một người da đen là bà lánh sang nơi khác. Một hôm bà vừa bước vào thang máy thì một bóng người da đen to lớn cùng bước vào đóng ngay cửa lại làm bà không thể trở lui, bà chết điếng người và té xỉu. Tỉnh dậy nơi nhà thương, bà rất lấy làm hổ thẹn khi biết được rằng chính người da đen cùng đi trong thang máy với bà là một ca sĩ nổi tiếng tên là Vicky. Anh được mọi người mộ mến và chính anh đã đỡ bà khi té xỉu và đưa đến nhà thương.

Thành kiến làm chúng ta ra mù quáng không thể nhận diện được thực tại về những người chúng ta gặp thường ngày một cách đúng sự thật. Những người làng Nagiarét thời Chúa Giêsu cũng mắc phải khuyết điểm như bà Anna. Sau thời gian rao giảng tại Capharnaum, Chúa Giêsu trở về quê hương Nagiarét và rao giảng tại hội đường. Dân chúng biết rõ nguồn gốc nhân trần của Ngài nên nói: Người này không phải là con ông thợ mộc Giuse hay sao? Họ đã nghe biết những sự lạ Ngài thực hiện tại Capharnaum, những sự lạ chứng minh nguồn gốc thần linh, Ngài là con Thiên Chúa được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu rỗi con người. Bởi vậy, những thành kiến không cho phép những họ nhìn xa hơn. Họ bị giới hạn trong cảm nghĩ trần tục của họ, muốn Ngài thực hiện những sự lạ để hưởng lợi. Họ không thể vượt qua khía cạnh trần tục, khía cạnh vật chất ích kỷ để có lòng tin vào Chúa. Vì thế họ đã bị Chúa nhắc khéo nhớ lại chuyện xưa đã xảy ra trong cuộc đời của tiên tri Elia và Elisêô, đó là trường hợp của bà góa tại Sarepta và tướng Naaman người Syria. Lời nhắc khéo của Chúa làm cho họ bực tức và chống đối. Họ đem Ngài lên nơi cao để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết. Quả thật, thành kiến đã làm cho họ mù quáng và dẫn đến những hành động điên rồ như vậy.

Nhưng thử hỏi chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta tin thờ Đức Kitô nào đây? Một Đức Kitô chỉ làm phép lạ để thỏa mãn những nhu cầu ích kỷ của riêng mình? Hay một Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài? Làm thế nào để chứng thực trong đời sống là chúng ta đã tin vào một vị Thiên Chúa làm người để cứu rỗi chúng ta? Không có cách nào khác ngoài con đường bác ái yêu thương trong cuộc sống thường ngày.

Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những thành kiến ngăn cản chúng ta nhìn thấy Chúa đến với dung mạo con người nơi những người anh chị em, nơi những biến cố của cuộc sống. Vì thành kiến, chúng ta đã không nhận ra điều tốt nơi những người anh chị em và vì không nhận ra những điều tốt ấy, thì làm sao chúng ta có thể nhận ra Chúa thực sự hiện diện nơi họ được.


 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...