Tin Mừng Chúa Nhật VII Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật VII Thường Niên - Năm C   Chúa Giêsu đưa ra huấn lệnh quan trọng nhất và tuyệt vời nhất là yêu thương thù địch. Đây là một giới luật xem ra nghịch với sự suy

Chúa Giêsu đưa ra huấn lệnh quan trọng nhất và tuyệt vời nhất là yêu thương thù địch. Đây là một giới luật xem ra nghịch với sự suy nghĩ và quan niệm của con người muôn thế hệ, sống yêu thương là gặp Chúa, vì Chúa là tình yêu. Sống hận thù là chối bỏ Đức Kitô. Là môn đệ của Đức Giêsu không thể sống con đường nào khác ngoài việc thể hiện lòng yêu thương

 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu đưa ra hai cách hành xử: một là hành xử dựa trên mặt công bình không tình thương của phường tội lỗi, và hai là hành xử dựa trên luật yêu thương của môn đệ Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đến thế gian không để thiết lập một mớ những nguyên tắc, một hệ thống luân lý hầu bóp nghẹt dân chúng. Chúa đến trước hết là vén mở tình yêu của Thiên Chúa và đưa con người vào mối quan hệ tình yêu với Chúa Giêsu.

Và Chúa Giêsu đưa ra huấn lệnh quan trọng nhất và tuyệt vời nhất là yêu thương thù địch. Đây là một giới luật xem ra nghịch với sự suy nghĩ và quan niệm của con người muôn thế hệ, sống yêu thương là gặp Chúa, vì Chúa là tình yêu. Sống hận thù là chối bỏ Đức Kitô. Là môn đệ của Đức Giêsu không thể sống con đường nào khác ngoài việc thể hiện lòng yêu thương. Để hồi tâm, chúng ta hãy xét xem mình đã thi hành giới luật yêu thương được bao nhiêu? Chúng ta cùng thành tâm hối lỗi...

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Chúa cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

"Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay".

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Ðavít rằng: "Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai". Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: "Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?" Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: "Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót. (c. 8a).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. 

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. 

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. 

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 45-49

"Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 27-38

"Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lòng từ bi nhân hậu của Chúa luôn đổ xuống trên tất cả mọi người không phân biệt một ai. Chúng ta cùng cảm tạ và dâng lời cầu xin.

1. “Adam mới thì có thần trí ban sự sống”. Xin cho Hội Thánh ngày càng làm lan rộng thêm giới luật yêu thương của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất.

2. “Chúa trao đức vua vào trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay” - Xin cho các Kitô hữu thực hành đức bác ái Kitô giáo, thấm nhập vào mọi sinh hoạt của con người, để muôn người nhận ra họ là môn đệ Chúa Giêsu.

3. Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đừng xét đoán thì khỏi bị xét đoán”. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, dứt khoát từ bỏ tật xấu hay xét đoán bất công người khác, vì không ai là người hoàn toàn vô tội trước mặt Chúa, là Đấng vô cùng thánh thiện.

4. “Đừng kết án thì các con khỏi bị kết án”.- Xin cho mọi người biết chân thực trong lời nói, đừng dùng miệng lưõi mà vu oan giáng hoạ cho ai, vì đó cũng là một cách giết người không súng đạn và gươm đao.

Chủ tế: Lạy Chúa, thánh Phaolô đã nói: “Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật” Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp chúng con có thể chân thành yêu thương hết thảy mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính tiến dâng lễ vật này, để tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, để lễ tế hôm nay đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Lạy Đấng Tối Cao, tôi sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, và sẽ đàn ca danh Chúa.

Hoặc đọc:

Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô- Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai ăn bánh này; giờ đây xin nhớ lại lời hứa mà ban cho chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin...

Suy Niệm

 

YÊU THƯƠNG

(CN VII TN C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Khi nói đến Phật giáo thì người ta nghĩ ngay đến cụm từ “từ bi – hỉ xả”, nói đến Khổng giáo thì không thể không liên tưởng đến “trung dung – chính danh chính phận, nói đến Lão giáo thì phải nói đến “vô vi” còn khi nói đến Công giáo thì người ta thường nhấn mạnh đến “công bình - bác ái”. Có thể nói đó là những nét đặc trưng của từng tôn giáo để người ta phân biệt. Đã từng hỏi bà con tín hữu rằng bác ái là gì thì dễ thường được câu trả lời là yêu thương. Tuy nhiên khi hỏi rằng nếu chỉ hiểu yêu thương theo nghĩa luân lý thì có khác gì tổ tiên ông cha dạy chúng ta “thương người như thể thương thân” hay “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” thì chắc chắn còn đó nhiều tín hữu Kitô không thể trả lời cách rõ ràng và chính xác dĩ nhiên là cách tương đối mang tính khả tín.

Có thể trả lời không sợ sai lầm rằng bác ái là yêu thương nhau nhờ, trong, với và như Chúa đã yêu thương chúng ta, đặc biệt qua Đức Kitô, Con một Thiên Chúa đã làm người. Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật VII TN C mà Giáo hội cho trích đọc, cách riêng qua bài đọc thứ nhất trích Sách Samuel quyển thứ nhất (1Sam 26, 2.7-9.12-13.22-23) và bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 6, 27-38) trình bày tiến trình yêu thương cách cụ thể khởi đi từ mặt tiêu cực đến động thái tích cực.

- Yêu thương theo nghĩa tiêu cực là không làm hại tha nhân. Các triết gia và hiền giả xưa đã từng khuyên dạy điều này. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Khổng Tử); “Điều gì anh ghét chịu đựng thì đừng làm cho bất cứ ai” (Philô); “Những gì khiến anh bực bội bởi tay người khác gây ra, thì đừng làm những sự ấy cho tha nhân” (Socrates). Ông Tobia cha cũng khuyên dạy cậu Tôbia con: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4, 15).

Bài đọc thứ nhất trích Sách Samuel tường thuật câu chuyện Đavít trong một tình huống thuận lợi tình cờ có thể giết chết Saolê nhưng ông đã không ra tay mặc dầu khi ấy Saolê đang lùng giết ông. Lý do mà Đavit đưa ra để ngăn không cho Abisai giết vua Saolê là vì Saolê là người đã được Thiên Chúa xức dầu.

- Yêu thương theo nghĩa tích cực là nỗ lực thực thi điều tốt, điều tốt nhất cho tha nhân theo khả năng và hoàn cảnh của mình bất kể họ là người thân hay kẻ lạ, là người dễ thương hay là đáng ghét, là người yêu thương mình hay là kẻ đang thù ghét mình và làm hại mình. Chúa Giêsu truyền dạy: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, và hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Để làm nổi rõ chân lý này Chúa Giêsu đã dùng lối nói ngoa ngữ nghĩa là nói quá đi như “ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6, 1-27-30). Và lý do Chúa Giêsu đưa ra để đòi hỏi chúng ta phải sống yêu thương cách tích cực và đến cùng đó là vì tất cả mọi người dù là công chính hay tội nhân đều là con cái của Thiên Chúa, Đấng nhân hậu từ bi, là Cha toàn năng chí ái. Động thái yêu thương theo nghĩa tích cực này được tóm lại trong lề luật vàng mà Chúa Giêsu đã khẳng định là trọng tâm của mọi lề luật và lời các ngôn sứ: “Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31; x.Mt 7, 12).

Vấn đề đặt ra là làm sao ta có thể vượt qua tâm lý tự nhiên thường tình để yêu thương kẻ đang thù ghét ta, để làm ơn cho những người đã hãm hại ta cách bất công và vô cớ? Thiết nghĩ rằng chỉ có niềm tin được thể hiện qua việc rèn luyện nhân đức và nhất là biết nhìn vào Chúa Giêsu để biết sống yêu thương đúng cách thế phù hợp với từng đối tượng theo từng hoàn cảnh. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu không chỉ bày tỏ tình yêu khi động viên khích lệ người yếu đuối, cùng khổ, khi nhân hậu tha thứ người có tội biết khiêm nhu mà cả khi Người nghiêm khắc vạch trần những sai lầm của nhiều vị lãnh đạo trong Do Thái giáo hay cả vua Hêrôđê thì cũng là yêu thương họ muốn làm ơn cho họ.

Hội Thánh Công giáo đã cụ thể hóa đạo yêu thương trong kinh “Thương người có mười bốn mối: Thương xác bảy mối – Thương linh hồn bảy mối”. Yêu thương không chỉ là biết cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống… mà còn phải biết răn bảo kẻ có tội, mở dạy kẻ mê muội… Vấn đề là chúng ta phải biết áp dụng mối yêu thương nào cho đối tượng nào, hoàn cảnh nào cho phù hợp với cả tấm lòng son. Để thực hiện lý tưởng này chắc chắn cần phải có sự xác tín và cảm nghiệm sâu xa về tình Cha trên trời được thể hiện qua Đấng làm người là Giêsu Kitô, đồng thời không thể thiếu sự luyện tập sống yêu thương quảng đại cách tiệm tiến cụ thể từng ngày.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột



Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 7 thường niên C của Lm Pet Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Lc 6, 27-38
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
 
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
 
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".
 
Suy niệm
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, một sĩ quan người Đức bị thương nặng, không thể qua khỏi, trên giường bệnh, anh nói với y tá là anh muốn gặp một người Do Thái gấp, người y tá đã đi mời một chàng thanh niên Do Thái, anh ta đồng ý đến gặp viên sĩ quan người Đức. Trên giường bệnh, viên sĩ quan đã cầm tay người thanh niên Do Thái và nói rằng: tôi là một sĩ quan người Đức, tôi đã cầm đầu một nhóm binh sĩ người Đức và tàn sát một ngôi làng người Do Thái trên dưới 300 người, nay tôi đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, tôi xin gởi đến anh, là một người đại diện cho dân tộc Do Thái, một lời xin lỗi chân thành và trân trọng nhất của tôi, vì những lỗi lầm tôi và những thuộc hạ của tôi đã gây ra cho người Do Thái. Người thanh niên nghe lời đó, dù tay trong tay nhưng anh ta không thể nói lên một lời nào, anh lẳng lặng bỏ tay viên sĩ quan ra và bước ra khỏi phòng trong sự im lặng bí ẩn.
 
Câu chuyện của viên sĩ quan Đức mong muốn được tha thứ trước lúc lâm chung để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về nhân sinh quan của cuộc đời. Là người chiến thắng, ai cũng muốn tỏ vẻ anh hùng, ức hiếp tha nhân, khinh dễ đồng loại, họ lấy thế của kẻ chiến thắng để bắt nạt và thậm chí loại bỏ những ai đang cản bước tiến của họ, để rồi một ngày nào đó, quay đầu trở lại, thấy sau lưng mình làm một nghĩa trang. Lúc đối diện với cái chết, người sĩ quan mới thấy được sự mong manh của con người, đâu phải ai chiến thắng cũng bất tử, đâu phải ai giàu có cũng trường sinh bất lão. Anh sĩ quan khi nhận ra bài học trường đời đó thì đã muộn, nhưng anh ta nghĩ rằng dù muộn màng vẫn còn chút cơ hội để làm điều gì đó trước khi nhắm mắt ra đi thanh thản tâm hồn. Nhưng việc làm của anh chưa được cảm thông và đón nhận vì nỗi đau của người thất bại, của người đã chứng kiến người thân bị giết bỏ, bị hãm hiếp và bị đối xử như súc vật, những hình ảnh đó in đậm trong tâm trí họ, đến nỗi lời xin lỗi dù có một sức mạnh vô hình, nhưng không xóa được ký ức cuộc đời.
 
Thầy Giêsu mời các môn đệ và chúng ta hãy học bài học tha thứ mà chính Thầy đã thực hành trước, khi bị treo trên thập giá. Ngài không nhìn vào việc làm của con người nhưng Ngài nhìn vào giá trị của con người, dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng họ là một sinh vật được Tạo Hóa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, mang hơi thở và sự sống của Thiên Chúa, họ được Chúa Cha yêu thương và đã hứa sẽ cứu độ họ thoát khỏi sự chết, thoát khỏi gọng kìm của tội lỗi. chính những giá trị tinh thần đó đưa con người đến chỗ được cảm thông, được đón nhận, được tha thứ, để rồi từ đó, con người hãy học bài học ý nghĩa của Thầy Chí Thánh Giêsu.
 
Trong xã hội tiến bộ hôm nay, hầu như mọi giá trị đều được định mức trên vật chất và tiền của. Trong đó có cả giá trị của một con người. Họ xét đoán, họ định giá, họ kết luận đúng – sai dựa trên số lượng vật chất của cải. Những giá trị đó có làm nên một con người trưởng thành không? Những giá trị đó có đưa con người tới chỗ trường sinh bất lão không? Tất cả chỉ là phù vân, tất cả chỉ là ảo tưởng. Để trở nên một con người đúng nghĩa, ai cũng được mời sử dụng lý trí để biện phân đúng – sai; phải – trái thế nào chứ không thể xét đoán theo bản năng tự nhiên của con người. Có vậy, tha thứ mới là một phương thế giúp con người nhận ra anh chị em của mình, nhận ra giá trị con người nơi tha nhân, nhận ra được tương quan của con người với con người không đến cách ngẫu nhiên nhưng được khởi đi từ tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Để có thể nói được hai tiếng tha thứ không phải là một việc đơn giản, dù đó là Cha Mẹ hay anh chị em trong gia đình. Với những người bên ngoài gia đình thì khá dễ dàng, nhưng với những người chúng ta mang ơn thì vô cùng khó. Còn với những người không có thiện cảm với chúng ta thì hai tiếng này trở nên xa xỉ và không tưởng. Vậy, Lời Chúa mời gọi mỗi người hãy tha thứ cho nhau có trở nên khả thi trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta không? Hay đó chỉ là những từ sáo rỗng và hình thức, ngay cả trong đời sống cộng đoàn, dòng tu thì hai từ này lắm lúc cũng trở thành sáo ngữ, bằng mặt chứ nhất định không bằng lòng. Lời khấn vâng lời vẫn mãi là một thách đố cho các Tu sĩ hôm nay, những tác động từ xã hội, từ cuộc sống hiện đại lắm lúc đặt người Tu sĩ trước những chọn lựa khó khăn, bên cạnh đó còn rơi vào tình trạng xét đoán lẫn nhau, vạch lá tìm sâu trong đời tu trì, Thầy ơi! chúng con khó có thể thực hiện điều Thầy mong muốn nơi chúng con.
 
Lạy Chúa, tha thứ là nhịp cầu đưa chúng con đến với nhau và đến với Thiên Chúa, có tha thứ cho tha nhân, chúng con mới nhận được sự tha thứ từ Thiên Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết gạt bỏ những thành kiến, những ích kỷ để trước là đừng báo thù, sau là biết tha thứ, cảm thông và đón nhận nhau như anh chị em trong một gia đình. Chúa tha thứ và đón nhận chúng con là con cái, xin cho chúng con học bài học đó và đưa vào trong sinh hoạt, trong đời sống, trong công ăn việc làm và cả trong đời dâng hiến, để chúng con làm cho hình ảnh của Thiên Chúa ngày một sống động trong mỗi con người chúng con. Amen.
 

Lm Pet Trần Bảo Ninh

Luật yêu thương

a. Lời Chúa hôm nay dễ hiểu nhưng khó thực hành

Luật yêu thương không phải thời Chúa Giêsu mới có. Luật này đã được nói tới từ lâu nhưng nó mới chỉ có tính cách tiêu cực.

Hillel một trong những Rabbit nổi tiếng của Do Thái, đã trả lời cho người đến xin ông ta dạy cho mình biết tất cả luật pháp chỉ trong thời gian anh ta có thể đứng cò cò trên một chân, ông bảo:

“Điều gì đáng ghét cho ngươi thì ngươi đừng làm cho kẻ khác, đó là tất cả luật pháp, các sự khác chỉ là giải thích”.

Philô, một vĩ nhân Do Thái sống tại Alexandria đã nói: “Điều gì anh ghét thì đừng làm cho bất cứ ai”.

Socrates, một nhà hùng biện Hi lạp nói: “Những gì khiến anh bực bội do kẻ khác gây ra cho mình, thì anh cũng đừng làm những sự ấy cho kẻ khác”.

Các triết gia của phái khắc kỷ có một nguyên tắc căn bản hơn: “Điều gì anh không muốn kẻ khác làm cho anh thì anh đừng làm cho ai khác”.

Khi người ta hỏi đức Khổng Tử rằng: “Có lời nào có thể làm luật thực tiễn cho cả đời sống con người không?”. Cụ trả lời: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.

Tóm lại, tất cả các hình thức trên đều là tiêu cực. Dù không phải dễ để giữ mình đừng làm các điều đó, và cũng vô cùng khó khi chúng ta phải ép mình làm cho kẻ khác điều mà chúng ta muốn họ làm cho mình.

Nhưng tới thời Chúa Giêsu thì luật yêu thương đã có một khuôn mặt mới. Nó có tính cách tích cực hơn: “Hãy làm cho kẻ khác những điều như chúng ta muốn kẻ khác làm cho chúng ta.” (Lc 6,31)

Tại Newban (Châu Úc), mẹ Têrêsa có mở một nhà nội trú dành cho các thanh thiếu niên nghèo. Một lần kia, mẹ gặp thấy một thanh niên đang bị đánh đập tàn nhẫn, toàn thể mình mẩy anh ta bầm tím. Mẹ thấy cần phải gọi cảnh sát đến để điều tra và khi cảnh sát đến hỏi anh: “Ai đã đánh anh?” thì người thanh niên này nhất định không chịu trả lời các câu hỏi. Cuối cùng, cảnh sát phải chịu thua anh và bỏ ra về. Lúc đó, mẹ Têrêsa mới ôn tồn hỏi anh:

- Sao con không khai người đánh đập con với cảnh sát?

- Thưa mẹ, - cậu ta trả lời - nếu con khai ra thì người đó sẽ bị trừng phạt và rồi những đau khổ của người đó cũng sẽ không thể làm giảm đi nỗi đau khổ của chính con!

Có lẽ phải can đảm lắm mới có được cách ứng xử như vậy. Nào có ai muốn khổ cho mình đâu….Vậy thì đừng làm cho người khác. Ai mà lại không muốn cho mình được yên hàn bình an, hãy cố mà làm cho người khác như vậy. Đó là điều Chúa muốn.

b. “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. (Lc 6,31)

Lời Chúa chẳng có gì khó hiểu.

Ông chủ cửa hàng bán thú nuôi mang tấm biển “Tại đây bán chó con” đóng lên cửa ra vào.

Một cậu bé xuất hiện bên dưới tấm biển hỏi:

- Ông định bán những chú chó con này bao nhiêu ạ?

- Cũng tùy, từ 30 - 50 đô-la, cháu ạ.

Cậu bé thò tay vào túi móc ra một ít tiền lẻ:

- Cháu chỉ có 2 đô-la và 37 xu. Ông cho phép cháu ngắm chúng nhé.

Người chủ mỉm cười, huýt sáo ra hiệu. Năm chú chó lơn tơn chạy ra, có một con chậm chạp theo sau. Ngay lập tức cậu bé chỉ vào chú chó khập khiễng:

- Con chó nhỏ ấy làm sao thế ạ?

- Bác sĩ bảo rằng xương chậu nó bị khiếm khuyết nên phải khập khiễng, què quặt suốt đời.

- Đây chính là con chó cháu muốn mua – cậu bé tỏ vẻ rất thích thú.

- Không, ta nghĩ cháu không nên mua nó. Còn nếu cháu thật sự thích nó thì ta tặng cho cháu đó.

Cậu bé hơi bối rối, nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng, rồi chìa tay đáp:

- Cháu không muốn được ông tặng. Nó cũng đáng giá như những con chó khác và cháu sẽ trả đủ tiền cho ông. Đây là 2 đô-la 37 xu và cháu sẽ đưa ông thêm 50 xu mỗi tháng đến khi nào đủ tiền.

- Cháu không nên mua con chó này. Nó không thể chạy nhảy vui đùa với cháu như những con chó khác – người chủ tỏ vẻ phản đối.

Cậu bé lặng lẽ đưa tay kéo ống quần lên, để lộ chiếc chân trái bị teo cơ đang được nâng giữ bằng một khung kim loại. Nhìn lên người chủ, nó dịu dàng nói:

- Cháu cũng đâu thể chạy nhảy vui đùa, và con chó này cần một ai đó thông cảm với nó ông ạ!

Nhìn lại cuộc đời của Chúa ta thấy Chúa đã không chỉ nói suông nhưng những điều Ngài dạy thì Ngài đã làm trước.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

là Lời Chúa, Lời linh thiêng, Lời uy quyền, Lời hằng sống,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...