Tin Mừng Chúa nhật XII Thường niên - năm B

Mùa Thường Niên Chúa nhật tuần XII - năm B Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả   Lễ Vọng Bài Ðọc I: Gr 1, 4-10 "Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết
Mùa Thường Niên
Chúa nhật tuần XII - năm B

Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả



 
Lễ Vọng

Bài Ðọc I: Gr 1, 4-10
"Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc". Và tôi đã thưa lại: "A, a, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít".
Nhưng Chúa phán cùng tôi rằng: "Ngươi đừng nói: "Con là con nít", vì ngươi sẽ đi đến với những kẻ Ta sẽ sai ngươi đi, ngươi sẽ nói mọi điều Ta sẽ truyền dạy ngươi nói. Ngươi đừng sợ họ, vì Ta sẽ ở với ngươi để bảo vệ ngươi". Chúa phán như thế.
Và Chúa giơ tay sờ miệng tôi mà nói với tôi rằng: "Ðây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Ðây hôm nay Ta ban quyền cho ngươi trên các dân tộc và trên các vương quốc, để ngươi lật đổ và đập phá, phân tán và tiêu diệt, xây dựng và vun trồng".
Ðó là lời Chúa. 
 
Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15 và 17

Ðáp: Từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con (c. 6b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con; xin ghé tai về bên con và giải cứu. - Ðáp.
2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. - Ðáp.
3) Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con từ hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu con, Chúa là Ðấng bảo vệ con; con đã luôn luôn trông cậy vào Chúa. - Ðáp.
4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài. - Ðáp.
 
Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 8-12

"Chính ơn cứu rỗi này là đối tượng các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em yêu mến Chúa Giêsu Kitô, dù không thấy Người, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Người, bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.
Chính ơn cứu rỗi này là đối tượng các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu, khi các ngài tiên báo về ân sủng dành cho anh em: các ngài đã tìm xem coi trong thời gian nào, hoặc hoàn cảnh nào Thần Trí của Ðức Kitô chỉ cho các ngài biết phải tiên báo những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Ðức Kitô. Các ngài được mạc khải cho biết rằng các ngài không phải phục vụ chính mình, mà là cho anh em, trong những gì đã được loan truyền cho anh em hiện nay, do những kẻ rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của Thánh Thần từ trời được sai xuống, Ðấng mà các thiên thần cũng ước ao nghiêng mình chiêm bái.
Ðó là lời Chúa. 
 
Alleluia: Ga 1, 7; Lc 1, 17

Alleluia, alleluia! - Ông đến để chứng minh về sự sáng; để chuẩn bị cho Chúa một dân tộc hoàn hảo. - Alleluia. 
 
Phúc Âm: Lc 1, 5-17

"Vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Dacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.
Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương, đang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ thiên thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Giacaria thấy vậy thì hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông.
Nhưng thiên thần nói với ông rằng: "Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc con trẻ sinh ra. Vì trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men; sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ này sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Êlia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị sẵn sàng".
Ðó là lời Chúa.

Lễ Chính Ngày

BÀI ĐỌC I:   Is 49, 1-6 
"Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc".

Trích sách Tiên tri Isaia. 
Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: "Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi". Và tôi thưa: "Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa". 
Và bây giờ Chúa là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người và quy tụ Israel chung quanh Người, tôi được vinh hiển trước mặt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh tôi, Người đã phán: "Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta đã ban cho đến tận bờ cõi trái đất". 
Đó là lời Chúa. 
 
ĐÁP CA:  Tv 138, 1-3. 13-14ab. 14c-15

Đáp: Con ca ngợi Chúa, vì con được tạo thành cách lạ lùng (c. 14a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, Chúa đã thử con và đã nhận biết con: Chúa nhận biết con khi con ngồi và khi con chỗi dậy. Từ lâu, Chúa đã hiểu biết các tư tưởng của con: Chúa thấu suốt đường lối của con rồi.    - Đáp.
2) Tâm can con thuộc quyền sở hữu của Chúa; Chúa đã nhận lãnh con từ khi con còn trong lòng mẹ. Con ca ngợi Chúa vì con được tạo thành cách lạ lùng; các việc Chúa làm thật là kỳ diệu.    - Đáp.
3) Chúa đã am tường linh hồn con; các xương con không giấu kín trước mặt Chúa, lúc con được tạo thành cách âm thầm, khi con được dệt trong lòng đất.    - Đáp. 

BÀI ĐỌC II:   Cv 13, 22-26 
"Gioan rao giảng việc Chúa Kitô sắp đến".

Trích sách Tông đồ Công vụ. 
Trong những ngày ấy, Phaolô nói: "Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta". Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước, khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: "Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người".  
Đó là lời Chúa. 
 
ALLELUIA:  Lc 1, 76

Alleluia, alleluia! - Hỡi con trẻ, con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước mặt Chúa để dọn đường cho Người. - Alleluia. 
 
PHÚC ÂM:  Lc 1, 57-66. 80

"Nó sẽ gọi tên là Gioan".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 
Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan". Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. 
Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó".  Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.  
Đó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM:

CHẤT VẤN
(Chúa Nhật XII TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Hai từ “chất vấn” xem ra ít gây thiện cảm hơn là các từ “hỏi” hay là “đặt vấn đề”. Dù là đặt vấn đề hay đặt câu hỏi hay chất vấn thì mục đích nhắm đều là để được sáng tỏ một vấn đề nào đó mà người chất vấn chưa nắm rõ hay chưa đồng thuận. Dĩ nhiên ở các xã hội độc tài, chuyên chế thì ít có ai dám to gan chất vấn người cầm quyền, vì sợ mang vạ vào thân. Lại có những thể chế muốn chứng tỏ rằng có sự dân chủ nên “cho phép” người ta chất vấn nhưng thực chất vẫn không muốn người bị trị có quyền chất vấn.

Nhân dịp mẹ Hội Thánh dọn cho đoàn tín hữu bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng trong Chúa Nhật XII TN B, xin đặt câu hỏi là chúng ta có được phép chất vấn Thiên Chúa không? Một trận cuồng phong trên biển cả xem ra là chuyện thường tình của giới tự nhiên. Thế nhưng, khi gió lớn, sóng to ập vào thuyền của tôi, thì đó không còn là chuyện bình thường. Những tai ương, hoạn nạn, dịch bệnh do thiên tai hay do nhân họa vẫn mãi là những sự dữ đối với những người trực tiếp hay gián tiếp gánh chịu. Chúng ta có quyền hỏi Thiên Chúa không hay chúng ta có nên đặt vấn đề không, nhất là những vấn đề liên quan đến sự dữ?

Trước vấn nạn sự dữ thì dường như không chỉ khó hiểu mà còn khó chấp nhận. Người làm sự lành mà phải gánh sự dữ thì vẫn có đó trước mắt chúng ta, không riêng gì mình ông Gióp thuở nào. Về vấn đề này, sách Gióp và Cựu ước nói chung, thường có câu trả lời rằng như chiếc bình sành không thể và không có quyền chất vấn người thợ gốm, thì con người trong kiếp thụ tạo hữu hạn không có quyền chất vấn Thiên Chúa, Đấng dựng nên vũ trụ vạn vật, dựng nên con người từ hư vô. Ông Gióp cuối cùng đã biết phận để rồi “lấy tay che miệng” (x.G 40,4) và “xin rút lại những gì đã nói” (x.G 42,6).

Tân ước lại cho chúng ta một cái nhìn có vẻ như ngược lại nhưng thực ra là bổ túc, là hoàn thiện cái nhìn của Cựu ước. Đến thế gian, Chúa Kitô không ngại ngần trước các vấn nạn người ta đặt ra. Người còn gợi ý để cho các môn đệ chất vấn bằng việc đặt câu hỏi trước. “Người ta bảo Con Người là ai?... Còn các con, các con bảo thầy là ai? (Mt 16,13). Các tông đồ, các môn đệ đã không ngại ngần “chất vấn” Thầy chí Thánh. “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 38). Chúa ơi, Chúa ở đâu khi con đang trong cảnh khốn cùng? Con biết Chúa không vui thích gì khi con người phải khổ, phải chết, thế mà sao cái khổ, cái chết vẫn mãi đe dọa chúng con? Sao con làm người trong cái hình hài này, ở một thời đại, một hoàn cảnh không chút gì thuận lợi? Tại sao những người độc tài, độc quyền, độc ác cứ mãi nhởn nhơ trong nhung lụa? Nhiều câu hỏi tại sao thỉnh thoảng lại đến mà như không có lời giải đáp, đúng hơn là khó làm thỏa lòng thỏa trí chúng ta.

Điểm tới của những lời chất vấn là lòng tin. “Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Dù như khiển trách, nhưng Chúa Giêsu đã biết các môn đệ vốn có lòng tin vào Người nhưng lòng tin ấy đang còn non yếu. Không tin vào Thầy thì cớ sao các ngài lại đánh thức Thầy dậy để xin cứu giúp. Đức tin không phải là một thực tại đã hoàn thành mà là một quá trình dấn thân. Niềm tin của Kitô hữu là tiến trình bước theo Đức Kitô. Tiến trình ấy không luôn trơn tru, thẳng tắp, kiểu thuận buồm xuôi gió. Có khi nó chững lại vì gặp vật cản, có khi chệch hướng, thậm chí có lúc bị giật lùi. Những câu hỏi, những lời chất vấn xuất hiện là một trong những động lực hay là cách thế để ta vượt qua vật cản, chỉnh hướng và tiến lên. Như thế, các câu hỏi hay những lời chất vấn trở thành một phương thế củng cố niềm tin, thanh luyện đức tin.

Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thời làm Hồng Y đã từng khẳng định: “Chúng ta đã học biết, đã sống, và đàng khác chúng ta đã thấy đức tin được xây dựng hết sức hoàn hảo và được hệ thống hoá quá đáng, tới độ người ta không còn dễ dàng đến được với đức tin nữa. Vậy tôi nghĩ rằng chúng ta cần một thứ cách mạng đức tin, theo một nghĩa phức hợp. Trước hết chúng ta cần đến một cuộc cách mạng này để có được lòng can đảm nói ngược lại với những xác tín tổng quát” (Muối cho đời – trang 42). Khi trên ngai giáo hoàng, mở đầu cho tập sách “Đức Giêsu thành Nagiarét”, ngài cũng thẳng thắn và sẵn sàng đón nhận những ý kiến “chống lại” những “tìm hiểu” của ngài về “diện mạo của Chúa” (x. Phần I - trang 31).

Chúa Kitô không ngần ngại trước những lời chất vấn của người Do Thái và các câu hỏi của các môn đệ, vì nhờ chúng mà căn tính và sứ mạng của Người ngày càng được tỏ bày, và qua đó đức tin của nhiều người được hình thành và vững mạnh. Quả thật, chẳng có ai dám to gan cho rằng mình đã nắm trọn chân lý hay đã vững vàng trong đức tin. Thế mà đã có lúc chúng lại ngại ngần và có khi lại sợ người đồng đạo, sợ người “ngoại đạo” chất vấn niềm tin của chúng ta. Cần thú nhận rằng chính chúng ta cũng rất ngại ngùng chất vấn niềm tin của mình, đúng hơn là đặt vấn đề về một vài nội hàm của đức tin vì sợ rằng sẽ có nguy cơ lạc đạo hay bị gán ghép là rối đạo. Trong tình bạn thì các câu hỏi hay những lời chất vấn là chuyện thường tình như lẽ đương nhiên. Chúng chỉ là bất thường trong mối quan hệ chủ tớ. Chúa Kitô đã khẳng định Người không muốn chúng ta làm người tôi tớ mà là bạn hữu (x.Ga 15,15).

Chúa Kitô mãi là dấu hỏi cho con người đến tận cùng lịch sử. Hiện nay, chúng ta chỉ thấy lờ mờ như trong gương, sau này chúng ta sẽ thấy Người như chính Người là. Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy (x.1Cor 13,12). Chính vì thế, vị trí, vai trò của những câu hỏi luôn còn đó. Và một trong những vai trò chính yếu của chúng là dẫn chúng ta đến với niềm tin. Mỗi khi chúng ta không còn biết đặt vấn đề thì rất có thể là chúng ta đang ở trong tình trạng “cuồng tín” hay là vô tín. Khi chúng ta ngần ngại tha nhân đặt vấn đề hay chúng ta thấy khó chịu khi tha nhân, khi người dưới quyền chất vấn chúng ta thì có lẽ chính chúng ta đang có vấn đề. Một trong những vấn đề thật khó chối cãi, đó là chúng ta chưa thực sự tin vào sự ngay chính của bản thân hay của công việc mình đang thực hiện. Và một điều khá chắc chắn nữa, đó là người ta cũng chưa tin vào chúng ta. Mong sao những lời sau đây của ngài Hồng Y J.Ratzinger mà nay là Đức Bênêđictô XVI có điều kiện thành hiện thực: “Chúng ta phải có can đảm đứng lên chống lại cái được coi như chuẩn mực cho con người vào cuối thế kỷ XX này, và tái khám phá đức tin nguyên tuyền” (Muối cho đời – trang 43).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột



ƠN GỌI NGÔN SỨ
(Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy giả) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa!” (Lc 7,26). Chúa Giêsu đã minh định về ơn gọi và sứ mạng của Gioan Tẩy giả. Mừng lễ sinh nhật của một ai đó, người ta không chỉ kỷ niệm cái ngày người đó chào đời mà còn nhìn nhận sứ mạng cao cả mà người đó đã thực hiện cho đời, cho con người. Không một ai đi mừng sinh nhật của một gian thương, một bạo vương hay một nhà độc tài… Hội Thánh long trọng mừng ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả cũng vì lẽ ấy. Thánh nhân đã đảm nhận vuông tròn sứ mạng cao cả, đem ích lợi cho nhân loại vô vàn. Một trong những sứ mạng Ngài đã đảm nhận ấy là chu toàn chức vụ sứ ngôn.

Hình ảnh người ngôn sứ: Ngày nay người ta thích dùng từ ngôn sứ hơn là tiên tri như trước đây. Hai từ tiên tri rất dễ khiến người ta liên tưởng đến những vị nói chuyện tương lai. Còn ngôn sứ là người nói thay Giavê Thiên Chúa, nói lời nhân danh Thiên Chúa. “Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân… Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì ngươi cứ nói… Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi… để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng.” (Gr 1,5-10).

Lời Chúa chính là ánh sáng xóa diệt tối tăm, là lưỡi gươm sắc bén phân rẻ tâm hồn. Thiên Chúa sẽ làm cho miệng lưỡi ngôn sứ nên như gươm sắc bén, làm cho ngôn sứ nên như mũi tên xuyên thủng tâm hồn (x.Is 46,2). Do đó, việc nói lời Thiên Chúa quả là không mấy dễ, và cuộc đời ngôn sứ sẽ không được yên ổn chút nào. Lịch sử ơn cứu độ minh chứng cho ta sự thật này.

Ông bà Giacaria - Isave đã vượt qua lề thói của dòng tộc là đặt tên cho con trẻ như tên bố. “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. Bà Isave đã can đảm nói lời Thiên sứ truyền cho chồng trước đây. Khi họ hàng làm hiệu hỏi Giacaria đặt tên cho con trẻ là gì, ông đã xin tấm bảng và ghi: “Tên cháu là Gioan”. Một người cha và một người mẹ đã trung thành với lời Chúa truyền đã sinh nên một người con đích thực là ngôn sứ, người nói lời của Thiên Chúa.

Gioan Tẩy giả còn hơn cả một ngôn sứ. Lời xác nhận của Chúa Giêsu không chỉ nói lên vai trò dọn đường cho Đấng Thiên sai của thánh nhân, không chỉ nói lên cái vinh dự của thánh nhân được làm người giới thiệu Con Chiên Thiên Chúa cho nhân trần, mà còn khẳng định thánh nhân đã chu toàn việc nói lời Chân lý. Chân lý thì chói chang. Sự thật thì dễ mất lòng. Thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại nói lời sự thật cho người đương thời. Không quanh co, không né tránh, không làm dịu bớt để cho dễ được chấp nhận.

Với đám đông dân chúng đang muốn trấn an lương tâm bằng một vài nghi thức thanh tẩy bên ngoài, Ngài đã thẳng thừng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các ngươi cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc 3,7-8). Và việc sinh hoa quả tốt lành ấy được Ngài cụ thể hóa: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có của ăn thì cũng hãy làm như vậy” (Lc 3,11).

Thánh nhân không chỉ nói nguyên tắc chung chung mà còn trực tiếp với từng hạng người và cả với từng đối tượng, cho dù đó là những kẻ quyền thế, vị vọng, đang lắm chức, đang đầy quyền. Với quân nhân, Ngài bảo họ: Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy bằng lòng với số lương của mình. Với nhóm người thu thuế, Ngài cảnh báo họ không được thu thuế quá mức ấn định. Với cả vua Hêrôđê, Ngài thẳng thừng khiển trách ông về tội ác loạn luân, vì ông này đã cướp vợ của anh mình (x.Lc 3,10-20 ).

Con người, nhất là những người đang có thế, có chức, có quyền chẳng dễ gì đón nhận lời sự thật, khi sự thật ấy lại phô bày cái hạn chế, sự thiếu sót và lỗi lầm của họ. Vì thế số phận các sứ ngôn hầu như không mấy có hậu theo cái nhìn của phàm nhân. Bị bắt bớ, bị lưu đày, và ngay cả bị giết chết, đó là số phận của người nói lời Thiên Chúa. Êlia, rồi Giêrêmia, rồi Gioan Tẩy giả và ngay cả vị Đại Ngôn Sứ Giêsu Kitô đều chung số phận. Chúa Giêsu đã lấy lời Thánh kinh để minh định sự thật này: “Ta sẽ sai các Ngôn sứ và Tông đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa…” (Lc 11,49-50).

Cho dù khó khăn luôn rình chờ, cho dù gian nguy luôn có thể xảy đến, nhưng đã là ngôn sứ thì phải nói lời của Thiên Chúa, phải nói điều Chúa chỉ dạy. Là Kitô hữu, chúng ta đã được thông dự vào một trong ba chức vụ của Đức Kitô đó là chức vụ ngôn sứ từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Là tu sĩ, là linh mục hay giám mục, thì trách vụ làm ngôn sứ càng phải được quan tâm chu toàn cách đặc biệt hơn. Có thể chúng ta vẫn đọc lời Chúa, vẫn giảng dạy lời Chúa, nhưng chưa hoặc không là ngôn sứ chính hiệu. Quả thật trong lịch sử vẫn có đó nhiều sứ ngôn giả hiệu, khi chỉ nói những lời dễ nghe, những lời a dua, phủ dụ lòng người, nhất là để lấy lòng kẻ có quyền, có chức hoặc vì sợ bị bách hại, bị mất thế, mất lợi, mất quyền.

Tuy nhiên điều tinh tế mà ma quỷ cám dỗ chúng ta xưa lẫn nay, đó là vẫn nói lời của Chúa nhưng chỉ theo cách thế chung chung. Hoặc chúng ta cũng nói lời Chúa nhưng viện cớ là bác ái là tôn trọng, là để có hiệu quả mong muốn, nên ta đã vô tình hay cố ý làm dịu sự sắc bén của Lời. Chưa kể có trường hợp ta chỉ dám nói cách “thầm thì” có thể vì muốn giữ thể diện người nghe theo đòi hỏi của đức ái, nhưng cũng rất có thể vì sợ bị ngược đãi mà không dám nói công khai điều phải nói, theo đòi hỏi của công ích. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng (Mt 10,27). Chúng ta đừng quên đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu về việc rao giảng lời Chúa.

Xin Thánh Gioan Tẩy Giả cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta can đảm làm sứ ngôn của Chúa cách tận tụy và trung thành. Giêsu đã từng cảnh báo: “Ai xấu hổ vì tôi và vì lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9,26). Không làm tròn phận ngôn sứ, chắc hẳn số phận đời đời của chúng ta đang bị đe dọa. Một sự thật không ngoa chút nào. Cách riêng, xin cho các mục tử trong Giáo hội biết ghi khắc lời dạy của Thánh Công Đồng Vaticanô II qua Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống các Linh mục: “Các Linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm”… Phải trình bày Lời Chúa không phải cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống.” (số 4). Mong sao sẽ chằng còn những lời giảng thuyết và những lá thư “chung”, kiểu “‘chung chung”, nói ở đâu cũng đúng, nói ở thời điểm nào cũng ít sợ sai, nhưng lại không nhằm nói với ai cả.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 

Làm chứng cho ánh sáng

Gioan hỡi, Ngài là Môsê mới, bởi Ngài đã thấy Chúa, không phải bằng hình tượng, nhưng trong ánh rạng ngời.

Gioan hỡi, Ngài là Giôsuê mới, Ngài đã chẳng qua sông Giođan, từ bờ này sang bên bờ nọ, nhưng vói nước sông Giođan, Ngài đã đưa nhân loại từ thế giới này sang một thế giói khác.

Gioan hỡi, Ngài là Samuel mới, Ngài đã chẳng xức dầu cho Đavid làm vua, nhưng Ngài đã làm phép rửa cho Con Vua Đavid. Gioan hỡi, Ngài là Đavid mới, Ngài chẳng bị truy bắt bởi hôn quân Saun, nhưng lại bị Hêrôđê sai giết.

Gioan hỡi, Ngài là Êlia mói, được nuôi trong hoang địa, không phải bởi bánh mì do quạ đen mang tới, nhưng bởi châu chấu với mật ông do Thiên Chúa ban cho.

Gioan hỡi, Ngài là Isaia mới, Ngài đã chẳng nói rằng: "Này đây một trinh nữ, sẽ thụ thai và sinh hạ", nhưng Ngài đã công bố ngay trước mặt toàn dân: "Này đây người trinh nữ đã sinh hạ Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian."

Gioan hỡi, người được Thiên Chúa chọn, Ngài thật là diễm phúc, vì Ngài đã đặt tay trên Vị Thầy Chí Thánh, và Ngài đã nắm giữ ngọn lửa mà ánh sáng chói chang khiến cả các thiên thần cũng rùng mình run sợ! Ngài chính là sao mai, soi đường cho nhân gian, thấy ban mai đích thực.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...