Tin Mừng Chúa Nhật XXVI Thường Niên - Năm B

MÙA THƯỜNG NIÊN Chúa Nhật Tuần XXVI Năm B Bài Ðọc I: Ds 11, 25-29 "Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri". Trích sách Dân Số. Trong những ngày ấy,

MÙA THƯỜNG NIÊN
Chúa Nhật Tuần XXVI Năm B


Bài Ðọc I: Ds 11, 25-29
"Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri".

Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy.
Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: "El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại". Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: "Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi". Ông Môsê đáp lại rằng: "Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. - Ðáp.
3) Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy. - Ðáp.
4) Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 5, 1-6
"Của cải các ngươi bị mục nát".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.
Ðó là lời Chúa.

Allluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: " Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 37-42. 44. 46-47
"Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ai là môn đệ đích thực của Ðức Kitô? Ðó là người sống theo tinh thần của Ngài. Tinh thần ấy được Ðức Giêsu nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay:
- Không kỳ thị chia bè phái. Vì chân lý không độc quyền thuộc về một người nào.
- Vì danh Ðức Giêsu, một công việc nhỏ mọn cũng có giá trị.
- Tinh thần từ bỏ của người môn đệ. Phải sẵn sàng từ bỏ những gì làm mất hạnh phúc vĩnh cửu, dù xem ra thân thương nhất.

NẠN ĐỘC QUYỀN
(Chúa Nhật XXVI TN B) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
Độc quyền kinh doanh sản xuất, độc quyền phân phối, buôn bán, độc quyền lãnh đạo đất nước, độc quyền làm việc thiện, độc quyền phụ trách công tác giáo dục… Con người xưa lẫn nay đều dễ vướng vào chước cám dỗ độc quyền. Khi đã nắm độc quyền dù ở lãnh vực nào đi nữa thì vị thế, vai trò của chúng ta là như bất khả xâm phạm, chưa kể trong nhiều lãnh vực, khi đã được độc quyền thì lợi ích của chúng ta luôn được bảo đảm. Đằng sau những thứ độc quyền ấy, có một thứ độc quyền chủ yếu chi phối tất cả, đó là độc quyền chân lý, nghĩa là chỉ riêng mình ta mới đúng và như thế những ai khác ta hay ngược với ta đều là sai lạc.

Xưa dân Do Thái đúc con bò vàng trong hoang địa không phải là muốn bỏ Thiên Chúa để tôn thờ sản phẩm do tay mình làm nên. Nhưng thực ra họ muốn làm một cái bệ, cái ngai bằng hình con bò để Thiên Chúa ngự. Từ đây khi họ đem cái ngai hình con bò ấy đi đâu thì buộc Thiên Chúa phải đi theo đấy. Thế là họ đã nắm được Thiên Chúa, thần của các thần, chúa của các chúa, nghĩa là họ đã độc quyền được Đấng toàn năng.

Cám dỗ độc quyền còn thể hiện nơi các sinh hoạt của con người dưới nhiều hình thức như thuốc gia truyền, môn võ bí truyền, nhãn hiệu, thương hiệu, bằng sáng chế, phát minh… Có nhiều thứ độc quyền xem ra hữu lý nhằm để bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, quyền tác giả… Tuy nhiên từ việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng người ta cũng dễ dàng bị cám dỗ ganh tương đố kỵ và tìm cách loại trừ những ai có quyền lợi tương đồng như mình bằng nhiều hình thức.

Khi Đức Chúa ban Thần khí cho cả những người không đến Lều Hội Ngộ, Giosuê đã xin Môsê ngăn cấm họ. Giosuê đã ngỡ ngàng trước câu trả lời Môsê: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần khí của Người trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11,29). Chắc chắn Môsê muốn nhắc bảo Giosuê rằng chớ nên độc quyền ân ban của Đức Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn tự do như gió trời, muốn thổi đâu thì thổi (x.Ga 3,8).

Người hành xử bằng sự độc đoán, độc quyền, chuyên chế vốn thường canh cánh trong lòng nỗi lo sợ kẻ khác tranh quyền, tranh lợi. Nguyên việc người ta như mình hay ngang hàng với mình họ cũng không chịu nỗi huống là qua mặt mình hay hơn mình. Lòng ganh tương, đố kỵ xui khiến chúng ta tìm đủ lý do, đủ mọi cách thế để kìm hãm tha nhân, dìm kẻ khác xuống hoặc ít ra là ngăn cản không cho người ta phát triển hay tiến lên. Thánh Giacôbê khẳng định “Ở đâu có ganh tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa” (Gc 3,16). Điều xấu xa, tồi tệ nhất đó là cả người ganh tương và người bị đố kỵ, cả hai đều bị hạn chế phát triển và khó có thể làm được sự gì tốt đẹp cách đúng nghĩa.

“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Ngài Gioan nêu một lý do xem ra có phần hữu lý. Nhưng đằng sau hai từ chúng ta, không biết thầy Giêsu có được bao nhiêu phần, nhưng phần của tập thể nhóm Mười Hai và cách riêng phần của ngài Gioan thì không nhỏ. Ẩn sâu dưới sự độc quyền chính là sự kiêu ngạo, tham danh, hám lợi. Chỉ có ta hay phe nhóm chúng ta mới là duy nhất đúng, vì thế chỉ có ta hay phe ta mới có quyền giáo dục, mới có quyền lãnh đạo… và rồi chỉ có ta, phe ta mới được hưởng lợi lộc và được tôn vinh. Đã từng có thời, Kitô hữu chúng ta cũng rơi tình trạng độc quyền chân lý. Chỉ có chúng ta, người Công Giáo mới nắm được sự thật, còn ngoài ra đều là tà đạo hay lạc đạo. Hậu quả của thái độ độc tôn, độc quyền thật đáng ghê sợ mà lịch sử đã minh chứng mà đáng kể là những cuộc chiến tranh, những sự đàn áp bất công, loại trừ tha nhân cách này cách khác… Đã sám hối và thú lỗi cách minh nhiên, thì chúng tin chắc rằng trong tương lai sẽ chẳng còn xuất hiện những bước chân của đoàn quân thập tự hay các phiên tòa xử người dị giáo.

Biết rằng muốn được hạnh phúc đích thực và trường tồn thì phải qua Chúa Kitô, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x.Ga 14,6). Thế mà Chúa Giêsu đã nói với Gioan: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40). Lời khẳng định của Người giúp ta xác quyết rằng cho dù chân lý là duy nhất nhưng vẫn có đó nhiều ngõ lối để tiếp cận. Hạnh phúc Nước Trời chỉ có một, nhưng Thiên Chúa có nhiều cách thế để ban chính mình cho nhân loại mọi thời và mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu trong chuyện dụ ngôn ngày thế mạt đã minh họa sự thật này. Ngay cả những người tự nhận là khi sinh thời đâu có biết Người, thế mà họ cũng “ủng hộ” Người, nghĩa là tiếp bước theo Người và sống cho Người, để rồi đáng được hưởng phúc muôn đời (x.Mt 25, 31-46).

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Một trong những chước cám dỗ mà ta cần xin Chúa cứu đỡ, đó là mặc cảm tự tôn. Tự tôn là một hình thái của kiêu ngạo. Khi mặc cảm tự tôn được hỗ trợ bằng chút thế, chút lực thì người ta sẽ tìm cách giữ độc quyền trong hành động và sẽ độc đoán trong phán quyết. Độc quyền, độc đoán là một lối sống, một cung cách hành xử của kẻ độc tài và hệ quả tất yếu là những hành vi độc ác. “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Lịch sử cho thấy chưa từng có kẻ độc tài nào đem lại điều tốt đẹp cho con người, cho xã hội, mà toàn là những sự xấu xa, tồi tệ, vì đã là kẻ độc tài thì ít nhiều cũng là người ác độc. Dù rằng vẫn có một vài ý kiến không đồng thuận, nhưng người ta cũng thấy có lý phần nào khi gần đây đã đưa lên phim ảnh để gợi lên sự tương đồng giữa nhà độc tài Hitler với nạn dịch chết người HIV- AIDS.

Xin được lưu ý điều này: cầu nguyện không phải là bắt Chúa làm theo ý chúng ta, nhưng để chúng ta nhận biết ý Chúa mà nỗ lực thực hiện. Nạn “độc quyền” là một trong những nguyên nhân làm cho con người sa ngã và nhân loại sẽ lầm than trong sự băng hoại nhiều phương diện. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một hình thái độc tôn, độc quyền. Thời gian gần đây, Đức Phanxicô và Hồng Y Bộ trưởng Bộ Giáo Sĩ cũng đã thú nhận rằng nó là một nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều điều băng hoại trong Giáo hội. Ngoài việc cảnh giác và khử trừ  sự độc tôn, độc tài nơi bản thân, thì bạn, tôi, chúng ta cần làm gì để hạn chế và tiến dần đến chỗ loại bỏ những hình thái độc quyền, độc tôn trong Giáo hội và những cơ chế độc tài phi nhân, bất chính ngoài xã hội? Hãy chặt chúng đi! Hãy móc chúng đi! Đây là mệnh lệnh mang tính sống còn, không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho những kẻ bé mọn là những người luôn được Thiên Chúa ưu ái.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.


GHEN TỨC
Sưu tầm

Qua phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta ghi nhận hai nhân vật, đó là Giôsuê và Gioan. Cả hai nhân vật này đều có chung một thái độ, đáng cho chúng ta suy nghĩ, đó là lòng ghen tức.

Nhân vật thứ nhất là Giôsuê. Ông đã được Maisen tuyển chọn, đặt đứng đầu quân đội, để dẫn đưa dân Do Thái băng qua sa mạc cát nóng, cũng như vượt qua sông Giócđan, tiến vào miền đất hứa, chiếm lại phần lãnh thổ của cha ông ngày trước. Thế nhưng, Giôsuê đã ghen tức vì hai ông Eđát và Mêđát được ơn nói tiên tri. Bởi đó, Giôsuê đã xin Maisen ngăn cản, nhưng Maisen đã không làm theo lời Giôsuê nài xin, yêu cầu.

Nhân vật thứ hai là Gioan. Ông là vị tông đồ trẻ tuổi và được Chúa Giêsu yêu mến. Thế nhưng, khi nhìn thấy những người khác nhân danh Chúa Giêsu, Thày mình, mà trừ quỉ, có lẽ Gioan cũng đã có một chút ghen tức và đã ngăn cấm họ, hầu bản thân mình và phe nhóm của mình được độc quyền. Và như chúng ta đã thấy: Chúa Giêsu đã không chấp nhận quan niệm ấy

Từ thái độ của Giôsuê và của Gioan, chúng ta chúng ta có thể rút ra một định nghĩa: ghen tức là thái độ buồn sầu khi người khác được may mắn và vui mừng khi họ gặp phải rủi ro hay tai ương hoạn nạn. Nếu xét mình, chúng ta sẽ thấy đó chính là phản ứng thường tình của mỗi người chúng ta. Một người bạn thành công, chúng ta cảm thấy bực bội, rồi từ đó chúng ta đi nói hành nói xấu người bạn ấy. Thôi thì đủ mọi chuyện, thượng vàng hạ cám. Chúng ta ghen tức, nhưng chúng ta đâu có ngờ tới những hậu quả tai hại của nó.

Thực vậy, người có tính ghen tức không bao giờ được hạnh phúc cả. Tâm hồn luôn buồn bực vì thua kém bè bạn vì những sự không đâu. Người bạn có bộ quần áo mới cũng làm cho chúng ta buồn. Người bạn được thiên hạ khen cũng làm cho chúng ta bực. Và nhiều khi thái độ ghen tức của chúng ta sẽ trở thành đề tài cho người khác chê cười. Chẳng hạn có hai ông mù đi ăn xin. Ông này nghe người ta bảo ông kia hát hay thì bực bội lắm. Vào một buổi sáng, ông này nghe thấy tiếng hát của ông kia, liền mon men lại gần rồi cũng gân cổ lên để mà hát. Ông nào cũng hát thật to để cho người đi đường biết rằng mình hát hay. Thế nhưng, ai đi qua cũng đều lắc đầu ngao ngán và nói: rõ thật đồ điên.

Thái độ ghen tức còn có thể dẫn đến những tội lỗi nặng nề khác nữa, chẳng hạn như nói hành nói xấu, bỏ vạ cáo gian, thậm chí đến cả tội giết người. Vì thế, ghen tức đã được liệt vào trong bảy mối tội đầu, là như những căn nguyên sinh ra mọi tội lỗi khác.

Như chúng ta đã biết: Giuse được Giacóp yêu thương khiến cho các người anh ghen tức, nhất là khi Giuse kể lại những giấc mơ của mình. Nào là những bó lúa của các anh vây quanh và sụp lạy bó lúa của Giuse. Nào là mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao sụp lạy Giuse…Từ thái độ ghen tức ấy, những người đã anh tìm cách giết hại Giuse như bỏ Giuse xuống giếng cạn và sau cùng đã bán Giuse cho phường lái buôn Ismaen đang trên đường đi xuống Ai cập. Rồi lấy áo choàng của Giuse nhúng vào máu chiên mà đem về báo cho Giacóp biết là Giuse đã bị thú dữ ăn thịt.

Những người biệt phái cũng đã ghen tức với Chúa Giêsu, nên họ đã cáo gian Chúa trước tòa án Philatô và đã đóng danh Ngài vào thập giá!

Để dứt bỏ thái độ ghen tức, chúng ta hãy hòa mình vào nếp sống của người khác: vui niềm vui của họ, buồn nỗi buồn của họ. Hãy bắt chước thánh Gioan Tiền Hô, đã không ghen tức khi thấy ảnh hưởng của mình bị giảm sút, trong khi uy tín của Chúa Giêsu mỗi ngày một gia tăng. Trái lại, ông đã nói:

- Tôi phải nhỏ đi, còn Ngài phải lớn lên. Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài.

Hãy để cho Chúa được lớn lên trong chúng ta. Hãy trở nên như đầy tớ phục vụ người khác. Hãy thực thi lời thánh Phaolô trong cuộc sống thường ngày, đó là hãy vui cùng người vui và hãy buồn với người buồn.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...