Chúa đi đâu, chúng con biết đường rồi

Vâng, hôm ấy trong khung cảnh bữa Tiệc ly. Đức Giê-su nói với các môn đệ, rằng: “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

Chúa Nhật V - PS - A 
Chúa đi đâu, chúng con biết đường rồi

tbd 060523a


Trong những ngày còn tại thế, một ngày nọ, khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ “đi tới các làng xã vùng Cesara Philipphe”, Ngài đã hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Nghe thế, Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Ðấng Kitô”.

Thầy là Đấng Ki-tô. Đúng, nhưng đó không phải là điều Đức Giê-su muốn công bố cho mọi người biết. Hôm đó, “Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.”

Không-được-nói-với-ai-về-Người là bởi, không ai có thể nói chính xác về mình hơn là chính mình nói. Vì thế, Đức Giê-su đã có nhiều lần công bố “Ngài là ai”. Chỉ tiếc rằng, những gì Ngài công bố về chính mình, người nghe, nhất là nhóm kinh sư và những người Pha-ri-sêu lại “dán nhãn” cho Ngài là “kẻ lộng ngôn”.

Đức Giê-su đã nói gì mà những kẻ đối nghịch Ngài lại tuyên bố rằng Ngài là kẻ lộng ngôn! Thưa, chỉ là hai chữ “Ta là…”

Chỉ là hai chữ “Ta là”, thế nhưng, khi được kết hợp với cách nói “ẩn dụ”, thì chẳng có gì là lộng ngôn cả. Trái lại, nó làm nổi bật lên mối liên quan về tình yêu thương, lòng thương xót, và hơn hết đó là sự cứu độ của Đức Giê-su đối với thế gian này. 

Bảy lần Đức Giê-su đã nói “TA LÀ”. “Ta là bánh hằng sống. Ta là sự sáng của thế gian. Ta là cửa của chiên. Ta là người chăn chiên tốt lành. Ta là sự sống lại và là sự sống. Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Ta là cây nho thật.”

Nếu đi vào chi tiết về những lời giảng dạy tiếp theo sau những lời công bố nêu trên, chúng ta sẽ nhận ra, Ngài quả thật là hiện thân về một “Thiên Chúa là tình yêu”.

Thì đây, khi công bố: “Ta là bánh hằng sống, là bánh ban xuống bởi trời. Ta là bánh trường sinh, ai ăn sẽ sống muôn đời. Đây Mình Ta chính là của ăn, và Máu Ta thật là của uống. Người ăn bánh này không còn đói khát chi, người uống máu này sẽ được trường sinh”, chẳng phải là Đức Giê-su xác thực rằng: “(Ngài) đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ (Ngài) mà được cứu độ”, đó sao!

Nổi bật nhất, đó là vào đêm cuối cùng, trước khi bị phản bội bởi Giuda Iscaroit, để rồi là cái chết trên thập giá tại Golgotha, cũng chỉ là hai chữ “Ta là”, Đức Giê-su đã phá tan màn đêm u tối đang bao phủ lên tâm hồn các người môn đệ của mình. Ngài nói: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống.”

Vâng, hôm ấy trong khung cảnh bữa Tiệc ly. Đức Giê-su nói với các môn đệ, rằng: “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

“Xao xuyến”… Đó, đó là điều không ai lại không hơn một lần đối mặt. Mà thật là vậy. Trước việc một người thân yêu “ra đi”, có ai trong chúng ta lại không nghẹn ngào xao xuyến: “Người đi, một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.”

Hôm ấy, các người môn đệ của Đức Giê-su xao xuyến. Xao xuyến về việc Đức Giê-su đã loan báo, rằng: “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.”

Nếu Hàn Mặc Tử khi đối diện cảnh “người đi” đã khiến cho ông “dại khờ”, thì đối với các môn đệ, các ông lại tỉnh táo hơn, tỉnh táo hơn với những câu hỏi rất thiết thực.

Vâng, ông Si-môn Phê-rô hỏi rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Và, Đức Giê-su đã trả lời rằng: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được.” Không-thể-theo-đến-được, nhưng Đức Giê-su không dấu diếm các ông, điều Ngài sẽ làm cho các ông.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã thổ lộ với các ông rằng: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về lại với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

Các môn đệ có thấu hiểu lời Thầy Giê-su! Vâng, không thấy thánh sử Gio-an nói gì. Chỉ thấy ông Tô-ma lúng túng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường”!

Đức Giê-su xua tan những lo lắng và bối rối của các ông qua những lời đàm đạo chân tình. Ngài đã nói rõ nơi các ông sẽ đến, Ngài còn vẽ ra một “sinh lộ”, một “con đường” cho các ông đi: “Chính Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

Ông Philipphe, bây giờ là tới lượt ông thắc mắc: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Không nản chí trước những yêu cầu của môn đệ mình, Đức Giê-su có lời giải thích: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphe, anh chưa biết Thầy ư? “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha… Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14, 9-10).

Có thể nói, câu trả lời của Đức Giêsu như một “gạnh nối” nối kết “Trời và Đất”. Nó đã phá vỡ sự ngăn cách giữa con người và Thiên Chúa, sự ngăn cách mà xưa kia nguyên tổ Adam và Eva đã gây ra. Và hơn nữa, nó đã xoá tan những ưu tư phiền muộn, những lo lắng và bối rối về sự ra đi của Đức Giê-su.

Vâng, Đức Giê-su chỉ còn ở với các môn đệ một-ít-lâu-nữa-thôi. Ngài “phải lên Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.”

Hôm ấy, Đức Giê-su khẳng định: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy, bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.”

**
Các môn đệ có tin lời Đức Giê-su nói? Thưa có. Và vì thế, các ông đã làm được những việc Đức Giê-su (đã) làm. Tông đồ Phê-rô như điển hình. Ngài tông đồ trưởng đã “chữa lành một người què từ khi lọt lòng mẹ… đi lại được” ngay tại “cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp” (x.Cv 3, 1-8).

Các môn đệ đã tin lời Đức Giê-su nói, và vì thế, các ông đã “còn làm những việc lớn hơn nữa”, đó là: “Tại Giê-ru-sa-lem số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6, 7).

Nhắc lại niềm tin của các tông đồ để làm gì? Thưa, là để nói tới niềm tin của mỗi chúng ta hôm nay, rằng: niềm tin của mỗi chúng ta đang được đặt nơi đâu!”
 
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên rằng, Đức Giê-su đã có lời khuyến cáo: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (x.15, 5).

Ví mình là cây nho, và chúng ta là cành, Đức Giê-su có lời khuyên rằng: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

Do vậy, hãy đặt niềm tin vào Đức Giê-su. Hãy tin Đức Giê-su “Chính là con đường, là sự thật, và là sự sống.”

Thầy là… Ta là… đó là một lời tuyên bố, một lời tuyên bố mà chúng ta phải hiểu rằng: “mãnh liệt, chính tôi và chỉ là tôi, là thế.” Chỉ mình Đức Giê-su “là con đường duy nhất”.

Không có con đường nào khác đưa ta về Nước Trời. Không có con đường nào khác dẫn ta đến với Chúa Cha. Vâng, chúng ta cùng nghe lại lời Thầy Giê-su tuyên phán: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”

Tông đồ Phê-rô, trước Thượng Hội Đồng tại Giê-ru-sa-lem, cũng có lời khẳng định: “Ngoài Người ra (Đức Giê-su), không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (x.Cv 4, 12).

Độc quyền chỉ mình Đức Giê-su: “Là đường”.

Và, Đức Giê-su còn là “sự thật.” Một sự thật mà không ai có thể phủ nhận. Trong bài giảng, một bài giảng mà hôm nay chúng ta quen gọi là “Bài giảng trên núi”, Ngài đã nói lên sự thật, (chúng ta có thể gọi đó là lẽ thật), và lẽ thật đó khiến cho ngày xưa cũng như ngày nay, ai nghe đến cũng phải sững sờ: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”

Do đó, có thể nói, chính Đức Giê-su với luật pháp của Thiên Chúa, đã đem đến cho nhân loại lẽ thật duy nhất cho sự công bình. Đức Giê-su nói rằng: “Thầy đến… là để kiện toàn” (Mt 5, 17).

Cuối cùng, Đức Giê-su “là sự sống”. Trong bài thuyết giảng về “vị Mục Tử nhân lành”, Đức Giê-su tuyên bố: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được. Nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy.”

***
Vâng, như vậy, chúng ta đã biết được Đức Giê-su – Ngài con đường duy nhất dẫn đến Nước Trời. Ngài là lẽ thật duy nhất cho việc thưc thi công bình. Ngài là nguồn gốc của sự sống thuộc thể lẫn thuộc linh.

Những gì Ngài đã làm cho các môn đệ xưa, thì nay Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta. Xưa, Ngài đã xóa tan những ngày đen tối phía trước của các môn đệ, thì nay, Ngài cũng luôn mời gọi chúng ta: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho các con được yên nghỉ.”

Thế nên, nếu chúng ta có phải mệt mỏi và gánh nặng bởi sự khủng hoảng kinh tế, bởi nạn thất nghiệp tràn lan, bởi những sự dữ mà Satan và con cái chúng gây ra, v.v… Đừng xao xuyến! Hãy đến cùng Giê-su. Bởi vì, Ngài đã hứa: “Dù khi con đi trong trũng bóng chết. Con sẽ chẳng sợ tai họa nào. Vì Chúa ở cùng con; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi con.” (Tv 23, 4).

Đối diện trước cám dỗ của danh vọng, của tiền bạc, của quyền bính ư! Đừng xao xuyến! Hãy đến cùng Giê-su. Ngài sẽ cho chúng ta biết được lẽ thật, rằng: “Được cả thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì.”

Bị cám dỗ bội phản lời thề thủy chung! Hãy hành động như ông Giuse (con Gia-cóp) đã hành động, đó là: “từ chối, không chịu nghe… chạy trốn và ra ngoài” (St 38, 7…12).

Người xưa có nói: “All roads lead to Rome - Đường nào cũng về La Mã”. Thế nhưng, với chúng ta, để “về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” thì chỉ có một con đường, một con đường mang tên Giê-su, mà thôi.

Thánh Lễ chính là nơi chúng ta sẽ tìm thấy con đường mang tên Giê-su. Trong Thánh Lễ, chúng ta sẽ tìm được “Sự Thật” qua những lời Kinh Thánh. Trong Thánh Lễ, chúng ta sẽ nhận được “Sự Sống” qua Bí Tích Thánh Thể.

Tìm thấy con đường mang tên Giê-su, tìm thấy sự thật, tìm thấy sự sống… Vâng đó chính là tiền đề để chúng ta có thể cất tiếng thưa với Chúa Giê-su, rằng: “Chúa đi đâu, chúng con biết đường rồi.”

Petrus.tran

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...