CHUYỆN CỦA LÁ


CHUYỆN CỦA LÁ
(suy tư tháng các đẳng linh hồn)



 
 
Giao mùa là khoảnh khắc đẹp nhất mà đất trời đem lại. Hình như tâm hồn con người ta bị chững lại như đánh rơi hay mắc nợ chút gì đó trong những phút giây này. Giữa cái mới và cái cũ, cái xa lạ hay gần gũi dường như không có khoảng cách. Mỗi khi trời đất sửa soạn vào thu, tâm hồn ta bỗng dưng cũng dịu lại và có chút gì đó bâng khuâng đến lạ thường. Có lẽ là do những cơn gió thổi nhẹ mang theo chút se se lạnh của tiết trời sang thu, một gam màu ảm đạm gợi lên một nỗi buồn man mác.

Nhìn khung cảnh mùa thu, nhìn những chiếc lá rơi tôi chợt nghĩ về một đời người, vì tạo hóa dựng nên thiên nhiên vạn vật có sự nối kết với nhau. Thế nên tôi đã nhận ra rằng kiếp nhân sinh ví tựa chiếc lá, mới ngày nào đâm chồi nảy lộc cho ra những mầm non tươi tốt, nhưng giờ đây phải úa tàn và rồi không biết khi nào rụng rơi, mới ngày nào còn giải nắng dầm sương để dưỡng cành nuôi cây mà giờ đây phải xa cây lìa cành. Thật là một đời lá mong manh! Ôi! Kiếp người cũng mong manh như vậy đó, khác nào một chiếc lá mùa thu. Cả một đời tần tảo sớm hôm, cả một đời thu gom tích góp và rồi cuối đời cũng phải tay trắng ra đi. Ngồi nhìn chiếc lá ta nhìn ra sự thật quá phủ phàng về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của đời sống con người trên dương thế. Ai rồi cũng sẽ phải đối diện với ngày cùng tháng tận của đời mình.
 
Dù biết rằng nay ta đang sống rồi mai này sẽ chết, nhưng khi phải thực sự đối diện với cái chết, ta vẫn không dễ dàng chấp nhận như một việc vẫn thường xảy ra hay đương nhiên sẽ xảy ra, giống như chiếc lá cố bám lấy cành. Chính vì thế, dù biết thế gian nhiều đau khổ nhiều gian nan và nhiều điều không như ý, nhưng ta vẫn cố bám víu không nỡ rời xa. Dù có mang bệnh nan y, cơ hội chữa khỏi thật mong manh, lại thêm tốn kém và đau đớn, thái độ của con người hầu hết vẫn là “còn nước còn tát”. Quá lo lắng về cái chết. Thế nên, con người dựa vào sự phát triển của khoa học mà cố tìm kiếm mọi phương pháp tạo ra cho mình phương thuốc trường sinh, tìm cho mình sự tái sinh cuộc sống sau cái chết bằng công nghệ tân tiến. Nhưng rồi Dù khoa học có phát triển thế nào? dù con người cố gắng cỡ nào? Thì nó cũng chỉ là một khát vọng mơ hồ không bao giờ được thỏa mãn, tất cả chỉ là công dã tràng, vì một khi mang kiếp phàm nhân thì đều phải chết, hay có thể nói mẫu số chung của đời người là cái chết. Cái chết không trừ bất kể một ai, dù già hay trẻ, dù khỏe mạnh hay đau yếu, dù giàu có hay nghèo hèn… tất cả đều phải trải qua cái chết và không một thứ gì có thể đánh đổi được sự sống. Nó giường như vô vọng và vô nghĩa đối với một kiếp người. Qua đó ta tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi: Ðâu là ý nghĩa cuộc sống? Cuộc đời này rồi sẽ đi về đâu?  Tôi nghĩ rằng đó là vướng mắc không phải của riêng tôi, nhưng là của những ai mang kiếp phàm nhân này, và chỉ có thời gian mới cho ta được lời giải đáp.
 
Qua hình ảnh những chiếc lá xa cành, tôi chợt cảm nghiệm được có một sự hy sinh rất cao cả nào đó, một sự tự hủy, hy sinh vì người mình yêu. Những chiếc lá cho dù xanh hay vàng đã tự chọn cho mình một sự hy sinh để cho cây được sống qua cái rét của mùa đông sắp đến. Lá rất thương cây và không muốn xa lìa cành, nhưng rồi vì yêu vẫn chấp nhận lìa cây và thả mình vào làn gió để về với cội ví tựa một giấc điệp tháng qua. Cuộc đời mỗi người đòi hỏi những sự hy sinh, đòi hỏi những sự mất mát để thể hiện một tình yêu. Đối với những người môn đệ Chúa Kitô, tình yêu đó mang một ý nghĩa lớn lao vô cùng, vì đó là một tình yêu tự hiến: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu thí mạng sống vì người mình yêu”. Chiếc lá đã thể hiện tình yêu với cây bằng cách chấp nhận rụng đi để cây được sống. Tình yêu không có sự hy sinh khác chi những chiếc lá không xa lìa cành, rồi mùa đông khô lạnh ập đến cây và lá sẽ cùng chết vì không đủ dinh dưỡng nuôi cây.

Thật vậy, đời sống của con người như chiếc lá nằm treo mình trên cành, để rồi chỉ một cơn gió thoảng qua cũng đủ làm cho chiếc lá lìa cành, để rồi từ đấy kết thúc một đời lá. Đời người là vậy, có thời sinh ra ắt cũng cũng có ngày ra đi. Tuy số phận của ta không phải do ta quyết định, nhưng nó được sắp đặt trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Vậy nên, ta hãy sống thanh thoát ở đời này để khi ta hoàn tất một đời người, kết thúc một hành trình trần thế, ta nhẹ bước phiêu mình trong thế giới mới, thế giới thanh thoát nhẹ nhàng không còn buồn sầu đau khổ như chiếc lá thả mình cuốn theo làn gió.

Lá rơi không nỡ xa cây nên gởi mình lại bên gốc. Để rồi, lá chờ đợi một quá trình sinh học tạo nguồn dinh dưỡng, góp thân xác tàn úa để trả ơn cho cây. Đời lá ngắn ngũi mà đầy ý nghĩa nhân sinh. Hành trình con người cũng theo quy luật đó, sinh ra từ đất bụi rồi cũng sẽ trở về với bụi đất. Lá ra đi đã để lại một giá trị dinh dưỡng cho đất và làm của ăn nuôi cây. Chúng ta là những tạo vật có linh hồn, có thể xác và vượt trội hơn chiếc lá, nên chúng ta cũng hãy biết học nơi lá: “sống tốt”, “sống vì” và “sống cho” để mai này ra đi cũng không có gì phải nuối tiếc, nhưng để lại cho các thế hệ mai sau một giá trị của cuộc đời. Như Bailey đã từng nói: “Ngày ta sinh ra đời, mọi người cười ta khóc. Hãy sống như thế nào để khi ra đi mọi người khóc ta cười”.

Những chiếc lá rụng rồi nhưng không vô nghĩa, chúng đã rụng xuống để chồi con mọc lên, chúng nằm xuống để tái sinh một sự sống mới. Chuyện của lá cho ta một câu trả lời rằng sự chết chưa hẳn đã kết thúc, nhưng là sự tái sinh đời sống mới. Kitô hữu những người bước theo Chúa, họ luôn tin rằng: chết không phải là hết, nhưng là một cuộc biến đổi từ cuộc sống tự nhiên bước vào cõi siêu nhiên, từ cuộc sống tạm trú để đi đến cõi vĩnh hằng.

Tháng 11 này, Mẹ Giáo Hội mời gọi tất cả các tín hữu đã ly trần, là Giáo Hội đau khổ đang trải qua cuộc thanh luyện cuối cùng để bước vào sự sống đời đời. Đồng thời, chúng ta được kêu mời hướng về Thiên Quốc, là quê hương vĩnh cửu của những ai đã trung tín và bền đổ đến cùng trên hành trình sống và làm chứng cho Tình Yêu. Họ là những người đã ra đi trước nhưng luôn hướng về chúng ta. Họ chính là những hạt lúa mì mà khi xưa chính Thiên Chúa gieo vào trần gian và đã chấp nhận chết đi, thối đi để sinh bông hạt. Tuy số bông hạt trổ sinh khác nhau, nhưng họ đã để lại cho chúng ta nhưng bài học về nghĩa cử cao đẹp, bài học này xuất phát từ một tình yêu, tình yêu cho đi mà không đòi đền đáp. Họ đã để lại cho các thế hệ con cháu nhiều gia tài quý giá, cao quý nhất chính là đức tin, và qua đức tin chúng ta có một lẽ sống, một con đường và một cùng đích để vươn tới trong cuộc đời. Vì thế, trong mối tình hiệp thông chúng ta hãy biết đền đáp ơn nghĩa của các ngài qua tham dự thánh lễ hằng ngày, qua việc cầu nguyện với kinh mân côi. Đồng thời cũng hãy biết sống cho đi để sau này chúng ta cũng được Chúa thưởng công.
      Ứng sinh Chủng viện Phaolô Lê Bảo Tịnh – BMT
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...