Đi tu vì thất tình?


Đi tu vì thất tình?


Như chúng ta đã nhận được thông tin: Cách đây 25 năm (03.12.1993), giáo phận Banmêthuột hân hoan tạ ơn Thiên Chúa đã trao ban hồng ân linh mục cho 4 tân chức. Cha Giuse Bùi Công Chính và cha Giuse Nguyễn Văn Khánh mừng lễ tạ ơn ngày 03.12.2018, cha JB Hà Văn Ánh mừng lễ vào ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm (8.12.2018), còn cha Phêrô Trương Văn Khoa đã lìa thế. Xin ghi lại vài tâm tình cha Giuse Nguyễn Văn Khánh đã giảng trong lễ tạ ơn Ngân Khánh Linh Mục của mình.
 
Có một nhà sư bước lên một chuyến xe đường dài, người ta xếp cho ông ngồi ở hàng ghế đầu vì tôn trọng bậc tu hành. Trên chuyến xe đó cũng có một nhóm bạn trẻ nam nữ đang trên đường đi du lịch, chúng nói huyên thuyên về đủ loại đề tài và dĩ nhiên nhà sư đẹp trai ngồi phía trước cũng lọt vào tầm ngắm của những câu chuyện được bàn tán. Có đứa nói: nhà sư đẹp trai và khôi ngô như vậy mà đi tu thì thật là uổng phí và không hợp tình. Đứa khác lại nói: lý do đi tu như trong trường hợp nầy thì chỉ có vì thất tình. Đứa khác đưa ra ý kiến khác: cũng có thể người ta có lý tưởng cao đẹp nên mới chọn đời sống độc thân. Và giữa chúng phân chia thành hai nhóm bất đồng ý kiến: nhà sư đi tu vì thất tình hay vì lý tưởng nào khác?

Chúng cá độ với nhau: nhóm nào thua thì phải bao một bữa ăn. Chúng cử hai cô gái nhanh miệng lên gặp nhà sư để tim hiểu sự tình. Một cô gái hỏi: Bạch thầy, xin phép hỏi thầy một vài điều có được không? - Thí chủ cứ hỏi. - Có phải nhà tu hành thì không bao giờ nói dối? – A di mô đà Phật, đúng vậy. Vậy, có phải vì thất tình mà Thầy đi tu? - Đúng vậy. Cô gái kia mới hỏi: Vậy cô gái ấy phải rất cao cơ mới làm cho thầy thất tình? – Không có cô nào đá đít thầy cả, thực ra người ta thất tình là đánh mất những tình yêu cao quý như tình mẹ cha, tình huynh đệ, tình bạn bè, làng xóm, đồng bào… vì lòng tham lam ích kỷ của bản thân nên trở nên mù quáng. Thầy đi tu là để thoát tục, giải phóng mình khỏi vòng tục lụy, mới mong tìm lại được những mối tình đã đánh mất và giúp cho chúng sinh tìm được con đường giải thoát khỏi những tham sân si là những thứ làm cho họ thất tình.
 
Người Kitô hữu được mời gọi từ bỏ chính mình để bước theo Chúa Kitô, nghĩa là trở nên giống như Ngài: tâm tư, lời nói và hành động. Người tín hữu có chức tư tế cộng đồng, họ được mời gọi hiến dâng chính mình mỗi ngày, trở nên của lễ sống động và đẹp lòng Thiên Chúa. Người lãnh bí tích truyền chức được mời gọi theo Chúa Giêsu linh mục một cách gần gũi và triệt để hơn, dù con người linh mục vẫn mang những yếu đuối của phận người, như viên ngọc được chứa đựng trong bình sành dễ vỡ. Tuy Chúa Giêsu đã đổ máu ra để ban lại sự công chính cho muôn người, nhưng dấu vết của tội nguyên tổ vẫn còn mãi trong bản tính con người, nên mỗi ngày sống là một cuộc chiến đấu để từ bỏ những thất tình để sống thủy chung với Thiên Chúa và anh em mình.
 
Có người hỏi tôi (cha Giuse) làm linh mục khó nhất là gì, có phải là giảng dạy?- Tôi nghĩ rằng giảng hay làm bí tích cũng khó nhưng chưa thật sự khó, vì có những ‘linh mục giả’ cũng làm được những việc ấy trong một thời gian dài mà không bị phát hiện. Cái khó nhất của linh mục là đọc lời Truyền Phép: “Này là Mình Ta bị nộp vì các con, Này là Máu Ta đổ ra vì các con”. Cái khó ở đây là trở nên của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa, vì phần rỗi anh em, là làm cho Lời Truyền Phép được thực hiện nơi bản thân mình mỗi ngày cho đến trọn đời.
 
Mừng lễ ngân khánh linh mục có hai tâm tình: xin lỗi Chúa và anh em vì chưa tốt đủ và chưa thánh đủ; tạ ơn Chúa và tạ ơn người vì muôn ơn lành và sự cộng tác giúp đỡ cho ơn gọi phát triển và trong công việc mục vụ. Xin mọi người nhớ cầu nguyện cho các linh mục, vì Chúa ban cho ai nhiều thì Chúa cũng đòi lại họ nhiều hơn. Amen.
 
Nguyễn Văn Thiện
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...