Đừng quên mình là con Chúa

Hôm đó, người cha đã rất mừng, mừng vì “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (x.Lc 15, 24).



Chúa Nhật XXIV– TN – C
Đừng quên mình là con Chúa
Tông đồ Gio-an nói: “Thiên Chúa là tình yêu.” Và ngài cho biết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 8-10).
Đúng là vậy. Hơn hai ngàn năm trước đó, Con Thiên Chúa đã đến thế gian. Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1, 14).
Con-của-Người, chính là Đức Giê-su. Sau ba mươi năm sống ẩn dật ở Nazareth, Đức Giê-su đã ra đi rao giảng về một Tin Mừng cứu độ, rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16). Và Ngài còn khẳng định rằng: Thiên Chúa là Đấng “từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”. Người là Đấng “đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
Lời rao giảng cùng với lời khẳng định (nêu trên) đã được Ngài diễn tả rõ ràng bằng những dụ ngôn. Một trong dụ ngôn diển tả rõ nét nhất, đó là “Dụ ngôn người cha nhân hậu”. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.
**
Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại, hôm ấy dụ ngôn đã Đức Giê-su kể như sau: “Một người kia có hai con trai”. Có hai con trai thì quả đúng là hạnh phúc của bất cứ gia đình nào trong xã hội, xưa cũng như nay.
Ấy thế mà… thế mà gia đình của “người kia” lại đã phải đối diện với một nan đề, một nan đề khiến cho hạnh phúc gia đình tan vỡ. Chuyện là thế này, một trong hai người, đó là người con thứ… người con thứ, chẳng biết anh ta mắc chứng gì mà lại yêu sách đòi người cha chia gia tài. Vâng, rất lễ phép, anh ta nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”.
Phần tài sản con được hưởng ư! Tất nhiên là được rồi. Tuy nhiên, việc người con thứ đòi chia quả là không ổn. Tại sao? Thưa, là bởi, Theo luật Do Thái, việc này, mà người đòi lại là “con thứ” trong gia đình, thì quả đó là một hành động hiếm thấy, nếu không muốn nói là phạm luật. (x. Đnl 21, 17). Còn với quan niệm Việt Nam, cũng không ổn. Không ổn vì rất ít khi gia tài được chia khi người cha (lẫn mẹ) còn sống.
Ấy thế mà, người cha (trong dụ ngôn) vẫn không một lời càm ràm. Ông ta làm theo đúng lời thỉnh cầu của người con thứ. Chuyện kể rằng: “người cha đã chia của cải cho hai con”. Được chia gia tài rồi, thì sao nhỉ! Thưa, “ít ngày sau, người con thứ gom tất cả rồi trẩy đi phương xa”.
Đi phương xa là đi buôn chăng! Thưa không, không buôn bán gì cả. Tin Mừng thánh Luca ghi rằng: “Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”.
Sống phóng đãng là sống như thế nào? Thưa, đó là sống bừa bãi, buông thả không tự kiềm chế bản thân mình. Còn phung phí tài sản? Thưa, đó là sử dụng tiền bạc lãng phí, ăn chơi phung phí.
Vâng, theo định nghĩa nêu trên, chúng ta có thể nghĩ rằng, cậu ấm nhà ta có nét ăn chơi cũng không kém cạnh chàng bạch công tử ở miền tây nam bộ, khi xưa.
Sống lối sống như thế thì sao nhỉ! Thưa Kinh Thánh nói: “Đôi chân nó đi vào cõi chết, nó thẳng đường bước tới âm ty” (Cn 5, 5).
Quả thật là vậy. Anh chàng con thứ đã đi-vào-cõi-chết… Làm sao không vào cõi chết cho được khi tài sản được chia chàng ta đã “ăn tiêu hết sạch”! Hết tiền tiêu, rồi trong vùng ấy “lại xảy ra… một nạn đói khủng khiếp” thế có phải là chàng ta thẳng-đường-bước-tới-âm-ty!
Vâng, câu chuyện được kể tiếp rằng: “anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu”. Túng quá hóa liều chăng! Đúng, người con thứ, túng quá hóa liều, nên anh ta đã “liều” đến một trang trại xin “ở đợ cho một người dân trong vùng”. Gọi là liều vì chăn heo là công việc cấm kỵ của người Do Thái. Một công việc “tận cùng”.
Chàng con thứ được nhận vào làm. Chủ của anh ta “sai anh ta ra đồng chăn heo”. Bên đàn heo, trong cơn đói quằn quại, anh ta “ước ao lấy đậu muồng heo ăn nhét cho đầy bụng…” Than ôi! “chẳng ai cho”.
Trong nỗi buồn tủi, chàng con thứ làm gì nhỉ! Phải chăng chàng ta “ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng!” Thưa, đúng vậy. Chàng con thứ “chạnh lòng” nhớ… nhớ lại “bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình (của cha mình, nay…) chỉ còn lại con số không...”
Vâng, chỉ-còn-lại-con-số-không. Thế rồi, chàng ta “hồi tâm và tự nhủ: biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta lại ở đây chết đói!” Trong một cơ thể bắt đầu rên rỉ vì đói khát, chàng ta nghĩ, nghĩ rằng: “Thôi ta đứng lên đi về cùng cha, và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.
Chỉ xin “làm công”, chẳng lẽ cha mình không cho! Và rồi, trong niềm tin vào lòng thương xót của người cha, chàng con thứ đứng lên, chúm môi huýt sáo bài Come Back To Sorrent - Trở về mái nhà xưa: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh. Về đây với mầu gió ngày lang thang. Về đây xác hiu hắt lạnh lùng. Ôi lãng du quay về điêu tàn.”
Vâng, những dòng chữ trên chỉ là sự tưởng tượng của người viết. Với thánh sử Luca, ngài ghi lại rất ngắn gọn: “anh ta đứng lên đi về cùng cha”.
Thế còn người cha! Người cha làm gì sau khi người con thứ bỏ đi phương xa? Thưa, ở nhà, (vẫn theo người viết nghĩ), người cha lặng lẽ: “Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh. Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh. Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về. Đang khóc than trên đường não nề.”
Đúng vậy, có phần chắc, người cha chỉ nghĩ đến đứa con, mong nó bước-nhẹ-về, mà không nghĩ đến hành động trịch thượng trước đây, của nó.
Và, quả thật, người cha đã thấy cậu quý tử “come back - trở về”. Câu chuyện được kể rằng: “anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy…” Ông thấy “giọt mưa đã gieo trên thềm nhà…” Thật vậy, hôm ấy, mưa-đã-gieo-trên-thềm-nhà người cha, gieo không chỉ từng giọt nhưng còn là từng cơn, một “cơn mưa hôn”, mưa hôn của người cha. Hôm ấy, ông ta đã “chạy ra ôm cổ anh ta hôn lấy hôn để”.
Cơn mưa hôn này đã làm cho người con thứ nức nở nghẹn ngào. Người con thứ đã nghẹn ngào thốt lên những lời thống hối: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” (x.Lc 15, 21).
Không! Không đời nào… Con ta vẫn là con ta… Rất nhân hậu và độ lượng, người cha đã ra lệnh cho tôi tớ “mau đem áo đẹp nhất mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi bắt con dê đã vỗ béo làm tiệc để chúng ta ăn mừng.” Hôm đó, người cha đã rất mừng, mừng vì “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (x.Lc 15, 24).
***
Vâng, là một Ki-tô hữu, có phần chắc không ai trong chúng ta lại không hơn một lần nghe đến dụ ngôn này. Một số nhà chú giải Kinh Thánh gọi dụ ngôn này là một “best story” của Tin Mừng thánh Luca. Người viết (nếu không lầm) chính Lm. Tiến Lộc cũng đã đồng ý như thế.
Gọi best story là bởi, qua dụ ngôn này, chúng ta được dạy dỗ rất nhiều điều. Còn nữa, qua dụ ngôn này, mỗi người chúng ta đều có thể thấy một nét phảng phất nào đó chính mình trong câu chuyện.
Chỉ có ba nhân vật (tất nhiên không đề cập đến những người gia nhân trong nhà), nhưng nhân vật nào cũng có thể là chính chúng ta trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời mình.
Đó… đó là lý do chúng ta hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi lòng mình rằng, tôi là ai trong số những nhân vật đã được Đức Giêsu nêu lên trong dụ ngôn!
Là người cha nhân hậu ư! Vâng, có phần chắc là vậy. Và đây là một thách thức lớn đối với chúng ta. Tuy nhiên, thách thức này không phải là không thể vượt qua. Nhà thần học Henri Nouwen nhìn thấy thách thức này nên có lời khuyên: “Luôn phải chiến đấu để được giải thoát khỏi những ‘sự yếu đuối’ cố hữu, thể hiện qua tính cách của hai anh em, hầu có thể trải nghiệm sự tăng trưởng tâm linh mà trở thành người cha hy sinh, sẵn sàng ban cho và sẵn lòng tha thứ” (nguồn: internet).
Hy sinh, sẵn sàng ban cho và sẵn lòng tha thứ là gì nếu không phải là tình yêu thương! Mà, đã là tình yêu thương thì có người cha nào lại không “Yêu thương con cái mình (điều mà) các đấng sinh thành sẵn lòng làm bất cứ giá nào cho chúng”!
Với nhân vật hai người con. Trong một giai đoạn nào đó của đời người, chúng ta có thể trở thành người con thứ, một người con thứ không nhìn thấy gia tài của mình chính là ngôi nhà Giáo Hội, một người con thứ nhìn gia tài Giáo Hội chỉ là một quyển Kinh Thánh xưa như trái đất, coi gia tài Giáo Hội chỉ là những tín điều cổ hũ, lỗi thời, v.v… để rồi với một chút sự bồng bột của tuổi trẻ, với một chút sự kiêu ngạo của nguyên tội Adam và Eva, với một ít gia tài là học vấn và kiến thức thời đại, “trẩy đi phương xa”, tìm đến những miền đất xa lạ nhưng đầy hấp dẫn và quyến rũ, hấp dẫn và quyến rũ trước một cuộc sống tự do, tự do luyến ái, tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính, v.v…
Không… tất cả những sự hấp dẫn và quyến rũ đó chỉ dẫn chúng ta đến “thung lũng âm u của sự chết”. Chúng ta sẽ chết đức bác ái, chết sự bình an, chết sự từ tâm, chết lòng trung tín, chết tính hiền hòa, chết sự đức độ.
Nếu… tay lỡ nhúng chàm… hãy “hồi tâm và hãy nhớ”, gia tài Giáo Hội mà Thiên Chúa đã gửi gắm chính là “sự sống đời đời” và đã được Con Một của Thiên Chúa là Đức Giê-su khẳng định: “Tôi đến là để chiên được sống và sống dồi dào”.
Nếu… tay lỡ nhúng chàm, đừng quên, Đức Giê-su có nói: “Trên trời… ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn”.
Cuối cùng, chúng ta cũng có thể là chính nhân vật người “con cả”, một người con cả sống khép kín trong ngôi nhà Kitô giáo, mặc cảm mình chỉ là kẻ “hầu hạ”, sợ sệt trước những giới răn mà quên rằng, đó chính là sinh lộ, là “đường, là sự thật và là sự sống”.
Là người anh cả ư! Đừng ganh tỵ với những gì người em được hưởng. Người cha (là Đức Giê-su), “chẳng lẽ… lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của (ông ta) sao?” (x.Mt 20, 15).
Cũng đừng oán hờn. Tại sao phải oán hờn người cha về việc “chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè”. Ô hay! Anh hai ơi! cha đã “chia gia tài cho hai con”, nghĩa là “anh hai” cũng đã có đầy đủ, đâu chỉ là một con dê!
Vâng, chúng ta luôn ganh tỵ, luôn oán hờn với ơn phước Chúa ban cho người này nhiều hơn người kia. Đó là điều nguy hiểm, nguy hiểm vì sẽ làm cho chúng ta “quên mất Thiên Chúa là Cha”. Và, điều gì đến sẽ phải đến, chúng ta sẽ không thèm “vào ngôi nhà Giáo Hội”, chúng ta sẽ từ bỏ thân phận mình là con của Chúa.
Nói tắt một lời, dù chúng ta là nhân vật nào trong dụ ngôn, chúng ta cũng đừng quên Thiên Chúa là Cha và mình là con của Chúa. Vâng, đừng quên mình là con Chúa.
Petrus.tran

 
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...