Hãy dám chết ở trong lòng một ít


Chúa Nhật V – MC – B

Hãy dám chết ở trong lòng một ít

Chỉ còn một tuần nữa, Mùa Chay sẽ khép lại. Theo truyền thống, tuần kế tiếp được gọi là tuần thánh. Trong tuần này, cao điểm là “Tam Nhật Thánh” (thứ năm, thứ sáu và thứ bảy), Giáo Hội cử hành mầu nhiệm chính Đức Giê-su đã hoàn tất vào buổi chiều của bữa tiệc Vượt Qua, đó là Mầu nhiệm Thánh Thể. Long trọng hơn nữa, là lễ tưởng niệm cuộc thương khó và tử nạn của Ngài.

Nói về cuộc thương khó và tử nạn của Ngài, chúng ta có thể xem đó như là một bản tuyên ngôn, bản tuyên ngôn về “ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Giê-su Ki-tô”.

Mà đúng vậy, khi nói về sự cứu chuộc, trong một cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do Thái, Đức Giê-su đã tuyên bố, rằng: “như ông Mô-sê đã gương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. (Ga 3, 14-15)

Về sự việc “phải được gương cao”, Đức Giê-su đã nói rất rõ ràng với các môn đệ, tới ba lần, rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Với lần thứ hai, nội dung không khác là bao nhiêu.

Và, lần thứ ba, Ngài đã tuyên bố “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người…” (x.Mc 10, 33-34)

Hồi ấy, khi nói về “cuộc thương khó và tử nạn” của Đức Giê-su, các môn đệ, đặc biệt là tông đồ Phê-rô hết sức ngỡ ngàng, ông ta đã “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”. Ông ta nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”.

Vâng, có thể nói, đó là một lời trách ngay lành. Nhưng, với Đức Giê-su thì không. Ngài đã nói với tông đồ Phê-rô, rằng: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Tư tưởng của Thiên Chúa, đó là: Đức Giê-su phải chịu chết. Điều này đã được Ngài dùng một hình ảnh rất đời thường, như một lời giải thích: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (x.Ga 12, 24)

Và, đúng như lời Đức Giê-su đã nói. Cái chết của Ngài không phải là cái chết “trơ trọi” tại đồi Golgotha, nhưng đã là một cái chết sinh “ơn cứu chuộc chứa chan nơi Ngài”.

Hôm ấy, hôm Đức Giê-su công bố chân lý này, thánh sử Gio-an cho biết, “bấy giờ có tiếng từ trời cao vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa”. Tiếng từ trời vọng xuống đó, đã được Đức Giê-su cho biết, đó là “vì các ngươi”.

Vâng, đúng là “vì các ngươi”, “vì loài người chúng ta”, Đức Giê-su đã chịu chết, chết trên thập giá tại đồi Golgotha, một cái chết để “cứu chuộc mọi người”, đúng như lời Ngài đã phán hứa: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

**

Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Đức Giê-su vẫn mời gọi mỗi chúng ta đến, đến dưới chân cây thập giá, mà nay đã trở thành cây “thánh giá”, nơi đây, Ngài sẽ “kéo chúng ta lên với Ngài”. Mà, đã là một Ki-tô hữu, có ai trong chúng ta lại không được Ngài “kéo lên” nhỉ!

Vâng, Đức Giê-su đã kéo chúng ta lên với Ngài. Được kéo lên với Đức Giê-su, chúng ta sẽ làm gì? Phải chăng là hãy tự hỏi mình rằng: tôi đã tiếp nhận “Mầu nhiệm Vượt Qua”, mầu nhiệm mà Đức Giê-su đã đón nhận?

Nói cách khác, là một Ki-tô hữu, tôi đã tiếp nhận cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giê-su, như là của tôi?

Tiếp nhận cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giê-su, không nhất thiết chúng ta cũng phải “vác thập giá lên Golgotha và chịu chết nơi đó” như Đức Giê-su đã lãnh chịu. Bởi, nếu tất cả chúng ta thực hiện điều này, diện tích đồi Golgotha sẽ không đủ chỗ để chứa những cây thập giá của chúng ta.

Tiếp nhận cuộc “thương khó” của Đức Giê-su, đó là hãy tiếp nhận những điều “khó thương” đã và đang xảy ra chung quanh chúng ta, ngay trong gia đình chúng ta.

Thì đây, điều khó thương trong gia đình chúng ta, ngày nào mà không có! Nhìn ông chồng ngày nào cũng say xỉn, có “khó thương” không kia chứ!

Vâng, rất nhiều… rất nhiều chuyện “khó thương” từ ông bố, từ người mẹ, từ đứa con, từ người hàng xóm đến người bạn đồng nghiệp v.v… đã đem đến cho chúng ta, mà không thể nêu hết ra đây… Chúng ta sẽ ‘tiếp nhận”?

Còn… còn tiếp nhận cuộc “tử nạn” của Đức Giê-su thì sao? Thưa, đó là hãy chết-đi-cho-tội-lỗi của mình, hãy chết đi cái bản ngã của mình. Đó là chết đi cho những dục vọng xấu xa: dâm bôn, phóng đãng. Đó là chết đi cho những cá tính: nóng giận, chia rẽ, hận thù. ghen tuông. Đó là chết đi cho những thái độ thờ trước những bất công, bạo lực. Đó là chết đi sự vô cảm trước những hoàn cảnh bệnh tật, đói nghèo, của tha nhân.

Còn nữa, tiếp nhận cuộc “tử nạn” của Đức Giê-su không nhất thiết phải chết trên thập giá, như Đức Giê-su khi xưa. Với chúng ta hôm nay, chỉ cần… chỉ cần “chết ở trong lòng một ít”, là đủ.

“Chết ở trong lòng một ít” là chết như thế nào? Thưa, đó là, trong một thời đại người ta cổ võ cho chủ nghĩa vô thần, người ta lợi dụng sự độc quyền về truyền thanh, truyền hình, báo chí, sách vở v.v… để ra rả những lời bêu rếu, chửi bới, chê cười, nhạo báng “Đạo Chúa”, thế mà chúng ta không phẫn nộ, không oán giận, vẫn biểu lộ tình yêu thương, sự khoan dung… Vâng, đó chính là chúng ta đã “chết ở trong lòng một ít” vậy.

Trong vai trò là một bác sĩ, một y tá, trước một bệnh nhân, chúng ta không “làm tình làm tội” họ, không đòi hỏi “phong bì phong bao”, chúng ta điều trị họ, săn sóc họ với tất cả lương tâm nghề nghiệp của mình v.v… Đó… đó chính là chúng ta đã “chết ở trong lòng một ít” vậy.

Nói chung, ở bất cứ vai trò gì trong xã hội, nếu chúng ta chịu thiệt thòi chút ít, thiệt thòi tiền bạc, chịu mất mát chút ít, chút ít quyền lợi… vì đức tin. Đó… đó chính là chúng ta đã “chết ở trong lòng một ít” vậy.

Không dám “chết ở trong lòng một ít”, hy sinh cho tha nhân ở đời này, mà chỉ muốn có được một cuộc sống sung túc, một cuộc sống chỉ mình ta, cho mình ta… Vâng, kết quả, có phần chắc, đó là mất đi cuộc sống đời đời. Câu chuyện ông nhà giàu và anh Lazaro, như một điển hình.

Mà, cớ gì chúng ta, là những Ki-tô hữu, lại không “chết ở trong lòng một ít”, vì Danh Đức Giê-su! Đừng quên, Đức Giê-su đã nói: “ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

Đây là một lệnh truyền, một lệnh truyền cho bất cứ ai muốn trở nên môn đệ của Đức Giê-su. Vâng, có quá khó để thực hiện chăng!

Nếu thấy khó, đừng quên, tại vườn Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su cũng đã có chút “khó khăn” khi phải đối diện “Mầu Nhiệm Vượt Qua”. Chuyện được kể rằng: “Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến”. Người đã thổ lộ với các môn đệ mình, rằng: “Tâm hồn Thầy buồn rầu đến chết được”.

Trước thảm cảnh này, Đức Giê-su đã làm gì? Thưa, cầu nguyện, Ngài có lời truyền dạy, rằng: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện… Vì tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn”. Và, quả thật, Đức Giê-su, trong những giây phút đen tối đó, Ngài cầu nguyện liên lỉ. Chúng ta hãy nghe lời nguyện cầu của Ngài: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi thì xin vâng ý Cha” (x.Mt 26, 42)

Chính vì thế, để có thể thực hiện lệnh truyền (nêu trên), không gì tốt hơn là hãy cầu nguyện. Hãy noi gương Đức Giê-su xưa kia “lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khấn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng”.

Đấng-có-quyền-năng, hôm nay, chính là Đức Giêsu Kitô. Một Đức Ki-tô Giê-su “trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người” (x.Dt 5, 9)

Cuối cùng, hãy nhớ lời Đức Giê-su tuyên phán: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”.

Thưa quý Bạn… quý bạn có muốn lời tuyên phán của Đức Giê-su ứng nghiệm nơi cuộc đời mình? Nếu muốn, hãy sống với tâm tình chết-ở-trong-lòng-một-ít.

Vâng, chỉ cần dám “chết ở trong lòng một ít”.

Petrus.tran

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...