Hãy sống “trong tinh thần phục vụ”


Chúa Nhật XXIX – TN – B

Hãy sống “trong tinh thần phục vụ”

Cuộc sống là một chuỗi dài của những khát khao. Một trong những khát khao mà bất cứ ai cũng hơn một lần nghĩ đến, đó là khát khao mình phải làm thế nào để hơn người khác. Mà, thật vậy, người xưa đã từng nói: “Làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông, đông tỉnh, lên đoài, đoài yên”.

Muốn được “hơn người” khác, tưởng như là một khát khao bình thường, bình thường như một cậu học sinh muốn mình luôn được xếp thứ hạng cao hơn các bạn cùng lớp.

Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống, niềm khát khao này không phải lúc nào cũng đem lại bình an, hạnh phúc cho con người. Anh là ai mà đòi hơn tôi chứ! Tôi như thế này sao lại thua anh! Vâng, cứ như thế… cứ như thế… sự ganh tỵ sẽ xảy ra, sự tức tối sẽ nổ bùng, và cuối cùng đó là thù oán.

Mười hai môn đệ của Đức Giê-su, xưa, cũng là những con người có những khát khao riêng cho mình. Trong những khát khao đó, họ cũng đã nung nấu niềm khao khát mình phải được hơn người khác.

Kinh Thánh cho biết, có lần các ông đã tranh cãi nhau “xem ai là người lớn hơn cả”. Và, hôm đó Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh cáo các ông rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

Nghe thì nghe vậy, nhóm Mười Hai các ông dường như vẫn làm ngơ lời cảnh cáo của Đức Giê-su. Vâng, các ông đã làm ngơ… Chuyện kể rằng, chỉ vài hôm sau, hôm Thầy và trò lên Giêrusalem, hai trong số mười hai người môn đệ lại bộc lộ rõ nỗi khát khao riêng tư của mình, khát khao phải hơn người khác. Thế là Đức Giê-su đã phải dạy cho các ông thêm một bài học. Câu chuyện đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô (x.Mc 10, 36-48)

**

Vâng, câu chuyện xảy ra vào hôm Đức Giê-su cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem. Hôm đó, Ngài loan báo với các môn đệ, rằng: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người. Họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (x.Mc 10, 33-34).

Đây là lần thứ ba Đức Giê-su nói đến những gì sẽ xảy ra khi Ngài lên Giê-ru-sa-lem. Dù đã ba lần, nhưng có vẻ như các môn đệ không thấu hiểu những gì Thầy mình loan báo.

Nhớ, với lần loan báo thứ nhất, ông Phê-rô đã “trách” Đức Giê-su và hôm đó Ngài đã lớn tiếng cảnh cáo ông, rằng: “Sa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Lần loan báo thứ hai, thật đáng tiếc! Mười hai người môn đệ không ai hiểu lời loan báo đó. Chuyện kể rằng, các ông không hiểu, nhưng lại sợ không dám hỏi Thầy mình.

Còn hôm nay ư! Phải chăng, các ông hiểu, điển hình là hai ông Gio-an và Gia-cô-bê! Hai ông hiểu: “Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” chính là lúc Thầy mình “được vinh quang” chăng! Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nói đến. Chỉ thấy nói rằng, hai ông “đến gần Đức Giê-su”, đến gần Ngài, hai ông nói lên khát khao của mình, rằng: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.

Vâng, chẳng có gì là xấu. Không xấu vì đó là điều tự nhiên, tự nhiên của một con người. Thế nhưng, với Đức Giê-su, có thể nói rằng, lời cầu xin này đã đem lại cho Ngài nỗi thất vọng, nỗi thất vọng về sự thiếu hiểu biết của các môn đệ mình. Thì đây, ta hãy nghe… nghe điều Đức Giê-su đã trả lời hai ông: “Các anh không biết các anh xin gì!”

Với Đức Giê-su, để được hiện diện cùng Ngài trong vinh quang, đúng, người đó phải có một niềm khát khao, thế nhưng, niềm khát khao đó không phải là niềm khát khao được “ngồi bên hữu, bên tả Thầy”, mà phải là “khát khao nên người công chính”, một niềm khát khao đã được Đức Giê-su gọi là “phúc”… “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”.

Hôm ấy, trong tâm tình của một người muốn đem đến cho mọi người niềm hy vọng, Đức Giê-su nói với hai ông Gio-an và Gia-cô-bê rằng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Nói ra điều này, Đức Giê-su muốn nhắc nhở cho các môn đệ xưa (và cũng là cho chúng ta hôm nay), rằng: sự đau khổ mà Ngài phải chịu, cũng sẽ là sự đau khổ mà hai ông sẽ phải chịu. Và trước đau khổ đó, hai ông có sẵn sàng đón nhận không?

Can đảm thật. Hai ông Gio-an và Gia-cô-bê trả lời, rằng: “Thưa được”.

Tốt. Không được cũng phải được. Bởi vì, hôm ấy, Đức Giê-su có nói: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”.

Còn việc bên ngồi bên tả hay bên hữu ư! Hôm ấy, Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.

Cuối cùng, để cho mười hai môn đệ không còn nhìn nhau bằng ánh mắt “hình viên đạn”, (vì trước đó giữa các ông đã có sự tức tối với nhau cũng chỉ vì nỗi khát khao của hai anh em nhà Dê-bê-dê), Đức Giê-su nói với các ông, rằng: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người”.

***

Đức Giê-su đã đến thế gian, đến thế gian này với hai mục đích. Thứ nhất, đó là “phục vụ”. Và, thứ hai, đó là “hiến mạng sống”. Vâng, hôm ấy, Ngài đã gửi đến các môn đệ thông điệp, rằng: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x.Mc 10, 45).

Theo thói đời, không ít người cho rằng, giá trị của một con người thường được dựa trên quyền lực, địa vị và tiếng tăm… Nhưng, với Đức Giê-su, điều có giá trị và đáng quý nhất đó là người đó hướng tới những người khác và phục vụ.

Chúng ta hãy nghe lại lời Ngài đã nói với các môn đệ: “Giữa kẻ ngồi ăn và người phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (x.Lc 22, 27).

Đức Giê-su đã thực thi đúng như những gì Ngài đã nói. Trong bữa Tiệc Ly, chuyện kể rằng: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (x.Ga 13, 4-5).

Có… có hình ảnh nào nói lên tinh thần phục vụ đẹp như hình ảnh này. Và còn đẹp hơn thế nữa, đó là hình ảnh “Người vác thập giá đến nơi gọi là Núi Sọ, tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá”... Ngài đã chết ở đó... một cái chết “làm giá chuộc muôn người”.

Đức Giê-su, quả là đã không uổng công cho những lời truyền dạy của Ngài. Nhóm Mười Hai các ông đã thực thi đúng lệnh truyền. Và, tông đồ Gia-cô-bê, như một điển hình.

Vâng, một trong hai anh em nhà Dê-bê-đê là Gia-cô-bê đã “nên giống Đức Giê-su”, giống ở chỗ đã dám “chết” như Ngài. Kinh Thánh ghi lại rằng, Gia-cô-bê đã chết bởi bàn tay vua Hê-rô-đê A-gríp-pa. (x. Cv 12, 2).

Tác giả Nguyễn Ngọc Thế, SJ, trong một bài viết, đã có lời chia sẻ: “(Gia-cô-bê) đã sống tinh thần dấn thân dám hy sinh như Đức Giê-su, dám can đảm bỏ tất cả mọi sự, bỏ cả chính mình, để vác thánh giá theo Thầy Giêsu, và cùng chia sẻ chén đắng cùng phép rửa với Thầy Giê-su”. (Nguồn: Internet).

****

Đức Giê-su là Vua muôn vua, nhưng Ngài lại vui lòng xuống thế gian này, hạ mình, như một người phục vụ. Đồng ý đi theo Ngài, Ngài sẽ chuẩn bị cho người đó một đời sống phục vụ giống như Ngài. Càng trở nên giống Đức Giê-su, người ấy sẽ càng sẵn lòng phục vụ người khác.

Là một Ki-tô hữu, có nghĩa là chúng ta “đồng ý đi theo Đức Giê-su”. Thế nên, hãy dành thời gian “suy gẫm” lại những lời Ngài đã truyền dạy, những lời truyền dạy về sự “phục vụ”, nêu trên.

Nói rõ hơn, là một Ki-tô hữu, chúng ta đã sống tinh thần phục vụ như Đức Giê-su đã truyền dạy, hay chưa!

Đừng quên, vào ngày phán xét, Ngài thẩm phán Giê-su sẽ phán xét con người không ngoài công việc nào khác, mà chính là công việc phục vụ.

Ngài thẩm phán Giê-su sẽ hỏi: Xưa Ta đói, các ngươi (có) cho ăn? Ta khát, các ngươi (có) cho uống? Ta là khách lạ, các người (có) tiếp rước? Ta trần truồng, các ngươi (có) cho mặc? Ta đau yếu, các ngươi (có) thăm viếng? Ta ngồi tù, các ngươi (có) hỏi han?

Thưa quý bạn, Đức Giê-su sẽ chỉ hỏi chúng ta như thế. Thế nên, để có câu trả lời trước mặt thẩm phán Giê-su vào ngày phán xét, ngay hôm nay, khi làm việc gì cho cộng đoàn, cho giáo xứ, cho tha nhân, hãy bắt đầu công việc trong tinh thần phục vụ.

Chỉ “trong tinh thần phục vụ”, chúng ta mới có thể trở thành “khí cụ bình an” của Chúa. Chỉ “trong tinh thần phục vụ”, chúng ta mới có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp”.

Chỉ… chỉ trong tinh thần phục vụ, chúng ta mới có thể không ngần ngại “Tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”.

Cuối cùng, chỉ trong tinh thần phục vụ, vào ngày phán xét, chúng ta mới có thể được “thừa hưởng Vương Quốc”, một Vương Quốc mà Đức Giê-su đã hứa ban cho những ai sống một cuộc sống như Ngài, một cuộc sống “phục vụ và hiến mạng” cho muôn người.

Vâng, muốn được thừa hưởng Vương Quốc, chỉ cần có một cuộc sống, một cuộc sống “trong tinh thần phục vụ”.

Petrus.tran

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...