Ngoài Chúa ra… con theo ai bây giờ!
“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
Chúa Nhật XXI – TN – B
Ngoài Chúa ra… con theo ai bây giờ!
Để cho Tin Mừng được loan báo khắp tứ phương thiên hạ, Đức Giê-su đã tuyển chọn mười hai vị môn đệ. Và đây là tên mười hai vị được gọi là Tông Đồ: “đó là Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông An-rê, anh của ông, sau đó là ông Giacôbê con ông Dê-bê-đê và ông Gioan, em của ông; ông Philipphê và ông Bartôlômêô, ông Matthêu người thu thuế và ông Tôma, ông Giacôbê con ông Alphê và ông Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.” (x.Lc 6, 12-16).
Trong mười hai vị tông đồ, có một vị đã được Đức Giê-su trao cho quyền hạn rất cao trọng, đó là ông Phê-rô. Đức Giê-su đã trao cho ông Phê-rô “chìa khóa Nước Trời” cùng với quyền “cầm buộc và tháo cởi”.
Tại Xê-ra-dê Phi-lip-phê, Đức Giê-su đã tuyên bố rằng: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc… Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (x.Mt 16, 17-19).
Hồi ấy, sau lời tuyên bố này, không một ai trong số mười một tông đồ còn lại, phản đối sự việc Đức Giê-su trao quyền cho ông Phê-rô.
Vâng, chẳng có gì để phản đối. Bởi vì, ông Phê-rô xứng đáng được nhận lãnh. Xứng đáng nhận lãnh, vì trong nhóm Mười Hai, ông Phê-rô là người có một niềm tin sắt son vào Đức Giê-su.
Thật vậy. Bỏ qua việc ông Phê-rô “chối Thầy ba lần”, một sự yếu đuối nhất thời, của ông. Thì, niềm tin sắt son vào Đức Giê-su của ông Phê-rô đã được minh chứng rất nhiều lần. Một trong những minh chứng rõ nhất, đó là hôm Đức Giê-su cùng nhóm Mười Hai đến Ca-phác-na-um.
**
Hôm đó, tại nơi đây, Đức Giê-su đã công bố một bài diễn từ. Bài diễn từ nói về “Bánh trường sinh – Bánh hằng sống”. Trước đám đông cử tọa, Ngài tuyên bố rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Đối với chúng ta hôm nay, lời tuyên bố nêu trên, không có gì phải tranh cãi. Nhưng, với người Do Thái thời đó, họ đã “tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”.
Bất chấp những lời tranh luận của họ, Đức Giê-su tiếp tục bài diễn từ, rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (x.Ga 6, 53-55).
Sau khi kết thúc bài diễn từ, một làn sóng phản ứng dữ dội đã nổ ra. Sự phản ứng không chỉ đến từ dân chúng mà còn đến từ một số môn đệ của Đức Giê-su.
Thật vậy, theo lời tường trình của thánh sử Gio-an, “nhiều môn đệ của Người nói: Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (x.Ga 6, 60).
Đúng, đúng là chướng tai với người Do Thái. Đối với người Do Thái, huyết máu là thực phẩm cấm kỵ, luật Lê-vi dạy rằng “bất cứ người nào thuộc nhà Israel… ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó… Không một ai trong các ngươi được ăn huyết” (Lv 17, 10…12).
Luật là vậy. Nhưng Đức Giê-su vẫn không đính chính, không giải thích như Ngài vẫn thường giải thích, sau mỗi lần giảng dạy một điều nào đó, bằng dụ ngôn.
Hôm ấy, dù “biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy”, Đức Giê-su (vẫn) bảo với các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư!”
Tiếp đến, Ngài mở ra một nhãn giới mới, hầu giúp cho người Do Thái hiểu rõ hơn sứ điệp của mình, qua lời nhắn gửi rằng: “Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” Cuối cùng, Đức Giê-su kết luận: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (x.Ga 6, 62-63).
Người Do Thái xưa, có hiểu và tin vào những điều Đức Giê-su nói (nêu trên) không? Có lẽ là không? Vâng, là không. Vì, theo thánh sử Gio-an cho biết: “Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin…” Họ không tin thì họ đâu cần hiểu lời Đức Giê-su nói!
Trong một nỗ lực nhằm giải tỏa sự giằng co giữa việc tin hay không tin, Đức Giê-su nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”
Đáng tiếc thay! Nỗ lực của Đức Giê-su tan biến như bọt xà phòng. Thánh sử Gio-an kể tiếp rằng: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.” (x.Ga 6, 66).
***
“Nhiều môn đệ rút lui.” Những người môn đệ này là ai? Thánh sử Gio-an không cho chúng ta biết. Thế còn “nhóm Mười Hai”, phải chăng cũng rút lui! Hay là, họ “bước đi một bước dây dây lại dừng”! Vâng, đó chỉ là trí tưởng tượng của người viết.
Thực tế là họ không rút lui. Nhóm Mười Hai vẫn ở lại. Và, Đức Giê-su đã hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?”
Nghe thế, nhóm Mười Hai, với hai mươi bốn con mắt nhìn nhau… nhìn nhau trong thinh lặng. Trong thinh lặng, tâm tư các ông cố tìm cho mình một câu trả lời. Và, ai sẽ là người lãnh ấn tiên phong trả lời câu hỏi của Thầy Giê-su?
Vâng, sau vài giây phút, sự thinh lặng bị phá vỡ. Nó bị phá vỡ bởi tiếng nói mạnh mẽ của ông Phê-rô. Hôm ấy, ông Phê-rô mạnh mẽ nói với Thầy Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
Tiếp đến, với niềm tin sắt son của mình, ông Phê-rô trải lòng ra với Thầy Giê-su: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (x.Ga 6, 69).
****
Bài diễn từ của Đức Giê-su là thế đó. Ngày nay, bài diễn từ này vẫn được công bố mỗi giờ, mỗi ngày, trong Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, vị linh mục chủ tế vẫn tiếp tục công bố bài diễn từ, bằng những lời nguyện thiết tha.
Lời nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện. Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con, Mình và Máu Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con.
Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” (trích nguồn: Ủy Ban Phụng Tự Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 2005).
Vâng, đây là “Máu giao ước mới và vĩnh cửu… đổ ra cho chúng ta”. Mà, đổ ra cho chúng ta, thì chẳng phải chúng ta chính là “đối tác của giao ước”, đó sao!
Vì thế, điều thứ nhất và quan trọng nhất, đó là: chúng ta hãy đặt bút ký vào bản giao ước này. Bởi vì đây là một bản giao ước rất quan trọng, quan trọng cho sự sống muôn đời của chúng ta.
Xưa, Thiên Chúa đã mời gọi dân Do Thái làm đối tác trong một bản giao ước, bản giao ước có điều khoản, rằng: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch Ta” (Xh 20, 3). Ông Giô-suê, người lãnh đạo dân Israel, sau khi ông Mô-sê chết, đã hiểu được tầm quan trọng của điều khoản này. Ông đã đưa ra một tối hậu thư cho dân mình rằng: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tùy chọn thần mà thờ…” Về phần ông Giô-suê, ông nói: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA” (x.Gs 24, …15).
Nay, Đức Giê-su cũng đã lập một giao ước… bằng Máu “máu giao ước mới và vĩnh cửu…” cho chúng ta. Ngài cũng đã gửi một bản tối hậu thư cho chúng ta, rằng: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
Tối hậu thư của ông Giô-suê gửi cho dân Do Thái xưa, đã được phúc đáp. Người Do Thái đã phúc đáp rằng: “Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”
Tối hậu thư của Đức Giê-su, chúng ta sẽ phúc đáp! Phải phúc đáp. Bởi vì, khi phúc đáp chính là lúc chúng ta đã làm xong “một bài trắc nghiệm cho lòng tin vào chính Đức Giê-su”.
Và, để có thể làm được bài trắc nghiêm này, trước hết chúng ta hãy tự hỏi: trong đời sống đức tin của mình, chúng ta có chán nản, muốn “rút lui”, muốn rời bỏ Giáo Hội? Chúng ta có tin vào Lời của Chúa và tin vào chính Chúa. Biết rõ Chúa Giê-su là ai và nắm vững lời Ngài truyền dạy?
Khi chúng ta có lời giải đáp cho những câu hỏi nêu trên, nó sẽ giúp chúng ta vững bước trên đường về Nước Trời. Khi chúng ta nhận ra Đức Giê-su là Đấng-Thánh-của-Thiên-Chúa, chúng ta sẽ có lời phúc đáp với Đức Giê-su, rằng: “Ngoài Chúa ra… con theo ai bây giờ!”
Petrus.tran