SUY GẪM VỀ SỰ CHẾT


SUY GẪM VỀ SỰ CHẾT


Như chúng ta biết, sự hiện hữu của con người ở thế gian này có một giới hạn nhất định, chỉ có Thiên Chúa là vô hạn và vĩnh hằng. Vốn dĩ có sinh ắt sẽ phải có tử, cái chết không loại trừ ai và chắc chắn là như thế. Nói chung mọi người đều phải chết: Không hẳn già yếu mới chết mà ngay cả trẻ em mới sinh cũng có thể chết; không nhất thiết người bệnh nặng mới chết mà có khi kẻ đang khỏe mạnh bình thường cũng chết một cách đột ngột. Cái chết có thể đến bất cứ vào giờ nào trong cuộc đời con người. Có thể nói: Cái chết là quy luật tất yếu của đời người: con người sinh ra là bắt đầu tiến dần về cái chết, ai rồi cũng được thần chết ghé thăm. Đó là một quy luật không thể chối cãi được. Thế nhưng con người ta ham sống và sợ chết, ai cũng lo lắng, sợ hãi trước cái chết. Con người không muốn mình chết, mong muốn được bất tử. Nhưng vấn đề này không nằm trong sự kiểm soát của tôi hay của bạn mà là bởi sự quan phòng của Thiên Chúa. Từ ngàn xưa không ít người luôn đi tìm câu giải đáp cho sự chết: Chết rồi thì sẽ như thế nào? Có thật là sau cái chết sẽ có một sự sống nào khác không? Sự chết có mang lại một giá trị nào đó hay không?

Trước hết, chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống không thể phục hồi của một cơ thể. Tuy nhiên, định nghĩa cho sự chết còn tùy thuộc vào các quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các lĩnh vực liên hệ khác. Trong y học, chết là sự chấm dứt của mọi hoạt động sống như hô hấp trao đổi chất; sự phân chia các tế bào đều được chấm dứt vĩnh viễn.

Nếu chúng ta nhìn dưới quan điểm của chủ nghĩa vô thần: Chết là hết. “Chủ nghĩa vô thần” hay thuyết “vô thần” là một quan điểm khẳng định rằng thần thánh không tồn tại, hoặc phủ nhận “đức tin” vào thần thánh, đồng nghĩa với phi thần luận. Chủ nghĩa vô thần chủ trương phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng ta thường nói: Sự hiện hữu của Thiên Chúa, chứ không nói: sự hiện hữu của các thần minh, bởi vì đối với người Kitô hữu, ngoài Thiên Chúa ra chẳng có ai là Thiên Chúa và chư thần dân ngoại chỉ do tay người thế tạo thành mà thôi. Các Mác nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Còn triết gia Nietzsche quan niệm: “Thượng Đế đã chết”. Vì coi tôn giáo là thuốc phiện, vì cho rằng Thượng Đế đã chết, họ chủ trương lối sống vô thần và chết là hết, không có chi phải bàn cãi, chẳng còn gì sau cái chết. Đó là quy luật, là định mệnh không thay đổi. Có chi phải buồn, có chi phải lo xa, hơi sức đâu mà khắc khoải, có đâu sự sống mai sau. Vì quan niệm đời này đã không được gì thì đời sau cũng chẳng có, vậy tội gì mà không hưởng thụ. Những người như thế sống một cuộc đời chìm nổi, vô vị, sống chỉ biết mình, không biết đến tha nhân, sống cho thỏa lòng những ham muốn, những đòi hỏi, những tham vọng của chính mình.

Đối với quan niệm của Phật giáo, chết không phải là hết hay chấm dứt mọi cảnh khổ đau mà là tiếp tục cho đến khi hoàn toàn giải thoát được hết các ác nghiệp. Luân hồi trả nghiệp không chỉ là quan điểm của Phật giáo mà còn là quan điểm của các tôn giáo khác trước khi Phật giáo ra đời như: Ấn Độ giáo, Bà-la-môn giáo, Cao Đài. Thế nên, chết không phải là hết mà chỉ là sự thay đổi từ tình trạng này sang tình trạng khác.

Những tín đồ Phật giáo khi chứng kiến người thân sắp từ giã cõi trần, họ hay lưu tâm, lo lắng người thân còn nặng nghiệp, nợ chốn dương trần, khó giải thoát. Họ thường hướng người thân trước lúc lâm chung vào những tư tưởng tốt đẹp, thiện lành để người thân sắp biệt ly có thể vãng sanh, tạo nhân lành cho họ tiến tới cảnh siêu thoát, tới cảnh Niết Bàn cực lạc, an vui. Về điểm này, Phật giáo có nét tương đồng với Công giáo. Người sống có thể giúp đỡ người sắp lìa trần hướng thiện, tin tưởng vào tình thương của Chúa, ăn năn sám hối các tội lỗi, bớt cảnh khổ đau, giảm thiểu các hình phạt mà sau khi từ giã cõi đời họ phải đền bù để được chóng hưởng tôn nhan Thiên Chúa, Đấng sẽ ban cho họ hạnh phúc muôn đời.

Tin vào luật nhân quả nên người Phật tử luôn sống vươn lên, hướng thiện, ăn chay tụng niệm, cứu giúp chúng sanh, mong cho mình và mọi người sau này được cứu thoát, đạt cảnh giới, siêu thoát, tiến tới niết bàn, “kiến tánh” để trở “thành Phật”. Giáo lý của Phật giáo về sự chết và về sự tồn tại sau khi chết là một trong những cách giải đáp những thắc mắc sâu xa của con người.

Trên đây là những quan điểm của chủ nghĩa vô thần và Phật giáo, còn trong đời sống văn hoá của một số vùng miền dân tộc thì sao? Tiêu biểu là các dân tộc ở vùng Tây Nguyên họ quan niệm về sự chết như thế nào? Câu trả lời được xác minh qua lời chia sẻ của những già làng vùng tộc người ÊĐê: “djăp mta mnơng mâo mngăt sơ ãi – vạn vật hữu linh”. Người tạo dựng nên họ là “Yang” nghĩa là Thượng Đế. Khi chết thì thân xác họ sẽ về với “Atâo” nghĩa là về với thế giới thần linh, hoặc hoá kiếp vào đứa trẻ mới sinh ra gọi là “yun”. Mỗi lần đưa tiễn ai đó về với “Yang” thì họ tổ chức những lễ nghi rất long trọng. Qua đó chúng ta thấy, người ÊĐê cũng có ý niệm nào đó về sự sống đời sau qua cái chết.

Nhưng với người có niềm tin vào Chúa Kitô. Chính Ngài đã trả lời cho chúng ta: “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11,25b.26). Còn trong sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo câu 194 hỏi: “Khi chết con người sẽ ra sao? Khi chết, linh hồn và thân xác con người sẽ tách rời nhau, thân xác sẽ chịu cảnh hư nát, còn linh hồn sẽ chịu phán xét của Thiên Chúa và chờ ngày kết hợp lại với thân xác được biến đổi, khi Chúa lại đến trong vinh quang.” Con người đã cắt đứt sự sống từ Thiên Chúa ngay sau khi Tổ tông loài người sa ngã. Chính vì mang thân phận tội lỗi mà con người phải chết. Nhưng Thiên Chúa đã không chối bỏ con người, mà lại hứa ban Đấng Cứu Thế là Con một của Ngài là Đức Kitô, để diệt tan sự chết và mở ra sự sống vĩnh cửu. Nhằm phục hồi lại phẩm giá của con người.

Dĩ nhiên, đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là bước vào một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu trong Đức Kitô Phục sinh – Đấng đã chết và sống lại và ban cho nhân loại sự sống vĩnh hằng, nơi con người không bao giờ phải chết nữa. Người Công giáo vẫn dâng lời ca tiếng hát cho người quá cố: “Sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi”. Hoặc ông, bà, anh, chị đã về nhà Cha, hay đã được Chúa gọi về. Chúng ta thấy được cái chết đến rất nhẹ nhàng, như một hành trình trở về ngôi nhà vĩnh hằng. Trong kinh tiền tụng I cầu cho người tín hữu đã qua đời có đề cập: “Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”. Những nhu cầu của thể xác như cơm, áo, gạo, tiền… chi phối chúng ta, làm cho chúng ta quên đi cùng đích cuộc đời là được trở về Nhà Cha trên trời. Quả không sai khi cố nhạc sĩ họ Trịnh viết lên ca khúc “Cát bụi” với những ca từ: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy… Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi… Bao nhiêu năm làm kiếp con người, cho trăm năm vào chết một ngày.” Mặc dù tác giả không có một niềm tin rõ ràng nhưng phần nào cũng thấu cảm được sự hiện hữu ngắn ngủi của đời người.

Trong khi chờ đợi ngày ấy, chúng ta cần phó thác cuộc sống trong tay Chúa Quan Phòng và ưu tiên tìm kiếm Nước Trời như Lời Chúa phán: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?” (Mt 6,31). Nhưng “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Cha ông ta cho rằng chết là cuộc hành trình trở về quê hương đích thực, nên mới có chuyện sinh ký tử quy – sống gởi thác về.

Đúng như thế, lịch phụng vụ của Giáo Hội trong một năm ngoài ngày mồng hai tết còn dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cách đặc biệt cho các bậc tổ tiên đã ly trần. Nhưng điều cốt lõi không chỉ tới tháng 11 mà người Công Giáo mới nhớ tới các ngài. Điểm đặc biệt rằng mỗi một Thánh lễ được dâng thì bấy nhiêu lần Hội Thánh cầu nguyện cho những người quá cố. Qua điểm này, ta thấy được triết lí. Nếu con người sống ở trần gian biết yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, thì khi chết đi những người đã khuất cũng cần chúng ta là những người còn sống nhớ đến họ và cầu nguyện nhiều cho họ. Bởi lẽ, mang thân phận tội lỗi khi chưa được gột rửa tâm hồn thanh sạch thì những kẻ đã chết vẫn chưa được chiêm ngắm tôn nhan Thiên Chúa. Một khi đã chết các ngài sẽ không còn lập công cho chính mình mà phải nhờ những việc lành của những người còn sống làm thay. Các ngài chỉ biết cầu bầu cùng Chúa cho ta sống tốt hơn. Đây chính là mầu nhiệm các thánh cùng thông công trong đạo.

Trong Thánh Kinh, Chúa mặc khải cho chúng ta về sự chết. Con Người sẽ đến như kẻ trộm, không báo trước “Anh em phải đề phòng, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34). Nơi khác Chúa cũng nói: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến… Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,42.44). Vì Chúa vẫn luôn thương yêu chúng ta. Người hằng ban cho chúng ta những tín hiệu báo trước về cái chết mỗi khi chứng kiến một người chết vì bệnh tật hay bị tai nạn xe cộ, để chúng ta kịp thời chuẩn bị. Bằng chứng như: Ngoài chiếc tàu Titanic bị đắm chìm trong biển (Đêm 15.04.1912), thì cách đây không lâu chiếc máy bay xấu số MH370 của hãng Malaysia mất tích đã bốn năm không rõ tung tích của các nạn nhân. Giả như chúng ta có mặt trên máy bay đó, thì chúng ta có tiếp tục vui chơi, ăn uống… mà quên rằng mình sắp chết hay không? Câu hỏi này phù hợp với câu nói của Chúa Giêsu mà Giáo Hội mời gọi các tín hữu suy nghĩ trong Mùa Vọng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34). Đó là một tín hiệu Chúa gửi tới để nhắc ta về cái chết của mỗi người chúng ta. Mỗi khi ta không may bị trơn trượt té ngã… Khi phát hiện ra mấy sợi tóc bạc xuất hiện trên đầu, khi một chiếc răng sâu phát đau phải đi nhổ, khi đôi mắt ngày càng mờ dần phải đi cắt kiếng, tay chân bị thấp khớp sưng tấy lên khiến đi lại khó khăn, hay một cơn đau tim nhẹ xuất hiện… là những tín hiệu cho thấy sức khỏe chúng ta bắt đầu suy yếu và thần chết đang đến gần hơn! Chúng ta không nên bịt tai nhắm mắt trước những tín hiệu ấy, nhưng hãy tìm hiểu ý nghĩa của nó và chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón chờ giờ chết đến bất cứ lúc nào trong cuộc đời mình.

 

Vậy, chúng ta phải có thái độ gì khi chuẩn bị đi qua ngưỡng cửa sự chết? Có lẽ câu trả lời tuyệt vời nhất chúng ta thấy được là qua những dụ ngôn của Chúa Giê su: “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” (Lc 12, 36 – 37). Tỉnh thức là luôn “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” để đón Chúa đến bất cứ vào lúc nào và để luôn trung tín với Chúa (Lc 12,35-48). Hãy luôn cầu nguyện và không được nhàm chán hay nản chí. Cầu nguyện là biểu hiện đức tin một cách mạnh mẽ và sống động. Khi cầu nguyện là chúng ta tự tách lìa mình khỏi các ràng buộc của thế giới vật chất để hướng tới những sự trên trời. Nhất là cầu nguyện còn để xin ơn Chúa trợ giúp, vì xác thịt dễ bị các thú vui nhục dục lôi kéo. Chỉ khi được Chúa giúp sức, chúng ta mới hy vọng sống siêu thóat, khỏi những quyến luyến lạc thú đời này để vươn tới cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Cụ thể, cầu nguyện là năng nhớ đến Chúa, dâng lên Người những lời nguyện tắt kèm theo những việc cụ thể phục vụ tha nhân. Cầu nguyện còn là năng đến nhà thờ dự lễ và rước lễ hằng ngày. Nhờ đó chúng ta sẽ có đủ ơn thánh hoá của Chúa giúp ta nên hoàn thiện noi gương Chúa Cha trên trời hơn. Còn qua dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn thì Chúa cũng muốn cảnh tỉnh chúng ta về cây đèn dầu đức tin của con người phải luôn cháy sáng, để sẵn sàng chờ đón Tân Lang.

Tóm lại, một khi đã nhận ra được cùng đích của con người không phải là những thực tại trần gian mà là thực tại trên quê trời, sự chết sẽ mang một giá trị có ý nghĩa quan trọng đối với người Kitô hữu nói riêng và những người tin vào sự sống đời sau nói chung. Chúng ta phải luôn sẵn sàng đón Chúa với đèn sáng trong tay, trung tín chu toàn cả những điều bé nhỏ; nhất là tích cực đầu tư những nén bạc Chúa trao đi đôi với cầu nguyện. Đừng để những lạc thuyết và lực hút của thế gian gây cho chúng ta ngủ mê, mà quên đi rằng Chúa đã đến âm thầm, Chúa sẽ đến trong vinh quang. Chúa đang đến nhẹ nhàng trong thế giới, trong từng người, từng tập thể. Chúng ta cần tập nghe tiếng bước chân của Chúa… Lúc đó ắt hẳn Ngài sẽ đón rước chúng ta về chung hưởng phúc vinh quang với Ngài.

 
Ứng sinh chủng viện Phaolô Lê Bảo Tịnh - Bmt
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...