Trải nghiệm từ Bệnh viện Thống Nhất

Bệnh viện Đa Khoa Thống Nhất – Đồng Nai là 1 bệnh viện tuyến cuối chữa các bệnh nhân Covid của tỉnh Đồng Nai.

Thiện nguyện viên: Trải nghiệm từ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất

Mang trong mình tâm thế đi vào tuyến đầu của công cuộc chống dịch, tôi vốn đặt sự sẵn sàng lên hàng đầu để có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì mà các y bác sĩ cần đến trong “trận chiến” này. Giờ đây, khi đã kết thúc 2 kỳ thiện nguyện, tôi mới có giờ ngồi ngẫm nghĩ và muốn để lại chút suy tư như một kỷ niệm trong đợt thiện nguyện vừa qua.

Bệnh viện Đa Khoa Thống Nhất – Đồng Nai là 1 bệnh viện tuyến cuối chữa các bệnh nhân Covid của tỉnh Đồng Nai. Nơi đây có khoảng hơn 230 bác sĩ và các nhân viên chống dịch. Họ là những người ngày ngày tiếp xúc và chăm sóc khoảng 150 bệnh nhân Covid nặng, khả năng tử vong cao. Vì vậy, các nhân viên y tế và bệnh nhân được cách ly hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Có những người trong số họ đã gần 2 tháng không được về nhà, không được gặp gỡ người thân, không được ăn bữa cơm gia đình… Họ vẫn miệt mài với công cuộc chống dịch và vẫn luôn khắc khoải trước sự ra đi của đồng loại bởi con virus quái ác. Đây là một cuộc chiến khó khăn, bởi chúng ta đang chiến đấu với một “đối thủ” vô hình. Do đó, sự chống trả của chúng ta phải dò dẫm từng bước và ta không biết rằng đối thủ có “trúng đòn” hay không?

Gọi là đi tuyến đầu, nhưng công việc của chúng tôi lại không phải là công việc của những người tuyến đầu. Chúng tôi được Bệnh viện Đa Khoa Thống Nhất nhờ giúp họ trong khâu nấu nướng và giúp việc trong Khoa Dinh Dưỡng (nhà bếp) của Bệnh viện. Nhiều bạn trong nhóm cũng như tôi đã tỏ lộ chút sự thất vọng bởi không ngờ được sự dấn thân của mình không như mong đợi (không phải là những chiến sĩ áo xanh, áo trắng nhưng là những chiến sĩ lao công hậu cần). Thế nhưng, tôi nhớ đến lời dặn dò của cha xứ trước khi lên đường là “mình sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà người ta cần đến, dầu đó là việc lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc an ủi bệnh nhân, thậm chí là việc dọn rác hay dọn nhà vệ sinh… cũng là những việc chống dịch và đều là những việc cần trong tuyến đầu.” Vì thế mà không lâu sau khi tiếp xúc công việc, chúng tôi đã mau chóng tìm lại được sự hăng hái ban đầu.


Quả thật công việc nơi đây cũng là việc chống dịch tuyến đầu. Chúng tôi không tiếp xúc với các bệnh nhân nhưng chúng tôi chuẩn bị các suất ăn cho y bác sĩ, nhân viên y tế và các bệnh nhân Covid. Họ đang trực tiếp với con virus quái ác. Chúng tôi chăm sóc sức khỏe cho họ để họ có sức chiến đấu mỗi ngày. Đó cũng là việc chống dịch cần thiết lắm chứ! Hậu phương có vững vàng thì tiền tuyến mới đủ sức mạnh mà chiến đấu chứ!

Khi làm những công việc như thế, chúng tôi thấy mình vẫn đang sát cánh với các y bác sĩ và nhân viên y tế, đồng thời cũng là những người chăm sóc bệnh nhân rất hữu hiệu. Tôi nhớ đến lời dặn dò của thánh Phaolô trong thư thứ I gửi giáo đoàn Côrintô là “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Và ngài còn khích lệ “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu.” (2Cr 6,1).

Cuộc chiến chống dịch không biết khi nào mới kết thúc. Nhưng chúng tôi không bao giờ bi quan mà ngược lại rất lạc quan. Lạc quan vì sự đoàn kết của người Việt, lạc quan vì chúng ta đang làm những việc có ích cho đất nước và cho đồng bào mình, lạc quan vì đã để lại chút niềm hy vọng cho cuộc sống và nhất là lạc quan vì tin rằng Chúa Kitô đang ở tuyến đầu với chúng ta và chắc chắn Sự Sống sẽ chiến thắng. Cầu chúc các “chiến sĩ” đang chiến đấu vẫn luôn tràn đầy ơn Chúa, tràn đầy lòng nhiệt huyết và tràn đầy sức khỏe để “chiến đấu” cho một tương lai tươi sáng và bình yên hơn.

Phó tế Phaolô Phạm Thanh Hà
http://giaophanxuanloc.net

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...