Trên cánh đồng của người M’nông

Sau biến cố 1975, các Cha thừa sai và các nữ tu dòng thánh Phaolô phải rời bỏ vùng đất của người M’nông,

Trên cánh đồng của người M’nông

Sau biến cố 1975, các Cha thừa sai và các nữ tu dòng thánh Phaolô phải rời bỏ vùng đất của người M’nông, còn bà con M’nông cũng phải rời bỏ khu vực tạm trú vì chiến tranh để về lại quê cũ. Cả một đoàn chiên đông đúc tới trên 5 ngàn người tản mác không ai chăn dắt, trong số đó mới chỉ có 200 người đã được lãnh nhận các bí tích khai tâm Ki-tô giáo. Những người đã lãnh nhận bí tích cũng về theo làng của mình, phần ở lại vùng núi rừng Đăk Tik và Quảng Tân chỉ tầm khoảng 90 người, tản mác trong 8 thôn.

Dù sao, tình cảnh cũng không đến nỗi bi đát vì ở giữa bà con vẫn có 4 thầy giảng được đào tạo từ trường giáo phu Kon Tum. Bốn người chia nhau về 4 điểm, cùng với sự góp sức của các giáo lý viên, và vì thế suốt nhiều năm trời không có linh mục, cũng không có nhà thờ, nhưng bà con trong các làng vẫn được nâng đỡ để mạnh dạn bước đi theo Chúa, bất chấp những thăng trầm cuộc sống.

Bap Nhân ở Đăk Nhau, khi Bap Nhân sớm được Chúa gọi về thì mẹ Nhân cùng với anh chị em giáo lý viên đứng ra thay thế.

Bap Xuân (Y Mớt) ở Kiến Đức, có thể đi tới đi lui tới vùng Quảng Tín,

Bap Hương (Điểu Thành) ở giữa bà con vùng Đăk Tik và Quảng Tân,

Bap Sưn ở khu vực gọi là ngã ba Đông Dương, và khi các cánh đồng truyền giáo vào mùa thì đã đưa gia đình tới sống ở vùng Quảng Trực, Đăk Bù So.

Tuy nhiên, gọi là thầy giảng nhưng vẫn phải lo phá rừng làm rẫy như mọi người, cuộc sống khá vất vả, tình thế ban đầu lại rất khó khăn, đời sống đức tin vì thế trải qua một thời gian dài thầm lặng.

Cho tới cuối năm 1992, từ Quảng Tín, chúng tôi đi một vòng như thể để đánh thức các cộng đoàn, tới Quảng Tân rồi Đăk Tik, chúng tôi đã đưa một nhóm thanh niên niên nam nữ về Hố Nai để vừa học nghề mộc, vừa học đạo, rồi cho mở các khóa giáo lý và cầu nguyện tại nhà các nữ tu Phaolô ở Lái Thiêu, đời sống đạo tại Quảng Tân và Đăk Tik bừng sống dậy từ đây.

Nhà Bap Xuân nằm bên hồ Đăk Tik, tháng tháng đón anh chị em về học giáo lý, chia sẻ lời Chúa và cầu nguyện. Khi Bap Xuân dọn nhà về Kiến Đức thì Bap Hương lại mở rộng cửa đón tiếp anh chị em về học giáo lý và cầu nguyện, khóa giáo lý đôi khi kéo dài cả tuần. Nhờ vậy, các anh chị em đã theo học các khóa giáo lý 8 ngày ở Lái Thiêu, khi trở về, với sự hỗ trợ của Bap Xuân cũng như Bap Hương, có thể đứng ra dạy giáo lý, chủ tọa các giờ kinh cộng đoàn, cũng như cử hành phụng vụ lời Chúa.

Khi qui tụ bà con tại nhà mình để cầu nguyện và học hỏi, Bap Hương cũng ao ước sẽ có một ngôi nhà thờ ngay trong thôn 4, và đã dành sẵn một miếng đất 3ha để tương lai dựng nhà thờ, trước mắt cho dựng ngay một ngôi nhà nhỏ ngay cạnh nhà làm chỗ cho bà con cầu nguyện.

Có mặt giữa bà con trong những đêm đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, trong ngôi nhà nguyện âm u nhỏ bé, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu le lói, không đủ cho chúng tôi nhận rõ khuôn mặt của nhau, nhưng lại đủ để nhận diện khuôn mặt của Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta. Để rồi với một con tim lắng nghe, chúng tôi hòa mình vào cuộc đối thoại và gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người.

Trong khi lắng nghe lời Thiên Chúa, con tim chúng tôi như chạm thấu nỗi lòng Thiên Chúa đang ôm ấp những con người đơn sơ bé nhỏ nơi đây, những tấm thân bao năm thấm đẫm ánh mắt của Thiên Chúa đang muốn ôm ấp những đứa con bơ vơ lạc lõng giữa núi rừng và nương rẫy xa xôi này. Trong khi cảm nhận nỗi lòng Thiên Chúa bao năm xót thương con cái mình, tôi lại nghe lòng rộn rã tiếng reo vui vì Thiên Chúa quá yêu con người, đã giăng mắc những điểm hẹn trong tình thương ngàn đời.

Băp Hương, một con người điềm đạm, dáng nhỏ bé và giọng nói nhỏ nhẹ, thương yêu con cái và cũng hết mình vì bà con trong các cộng đoàn. Khi các cánh đồng vào vụ mùa đầu năm 1994 thì anh cũng cùng các anh em đi Quảng Trực, rồi lại đưa các anh chị em mới trở lại về ngay trong nhà mình để dạy giáo lý và giúp cầu nguyện. Một lần như vậy là trên dưới 20 người.

Nhà nghèo, con đông, rồi phải mải miết trên cánh đồng. Một con người với tấm lòng muốn ôm trọn tất cả để hiến dâng tất cả, chẳng kể chi đến bản thân mình. Và một ngày trong năm 2007, anh đã gục ngã trên đường dắt bò từ đồng về nhà, trong khi lòng anh vẫn khao khát khôn nguôi về một ngôi nhà thờ được dựng lên giữa bà con, ngay trên phần đất anh đã sẵn sàng dâng hiến.

Anh đã tiến bước theo tiếng Chúa mời gọi, đi tới trên con đường của Chúa: lòng kiên nhẫn, tận tụy phục vụ bà con trong cảnh đời nghèo khó và lao nhọc, trong tim anh chứa đầy những khuôn mặt và những cái tên! Hành trình đời anh in đậm nét phàm trần nhưng đã mở ra cho anh chân trời hạnh phúc, đưa anh vào vĩnh cửu, trong vòng tay của Thiên Chúa, Đấng đã giang rộng vòng tay đón nhận anh sau những thăng trầm đói no gian khổ mà vẫn vững dạ cậy trông.

Mẹ Hương, một người vợ đảm đang, một người mẹ hiền lành đã đứng ra thay chồng chăm sóc đoàn con. Cũng như chồng, chị chỉ mong ước miếng đất dâng hiến có thể làm xong những thủ tục cần thiết. Cuối cùng, chị đã đạt ước nguyện, miếng đất gia đình dâng hiến đã hoàn tất mọi giấy tờ để bàn giao cho giáo xứ ngay trước ngày chị nhắm mắt lìa đời năm 2012, chị đã yên nghỉ sát ngôi nhà nguyện cạnh nhà đã bao năm chung tiếng nguyện cầu.

Vòng trở lại các bước hình thành của các cộng đoàn vùng Đăk Tik và Quảng Tân cho tới ngày khởi công xây dựng nhà thờ giáo xứ, mang tên gọi Thiên Ân. Có thể nói đây là cả một quãng thời gian dài in đậm dấu ấn của lòng thương xót và bàn tay quan phòng của Thiên Chúa:

Năm 1975, chỉ có 90 người đã được lãnh nhận bí tích rửa tội.

Sau một thời gian thầm lặng vì không có linh mục, không có nhà thờ, cuối năm 1992 khi cánh đồng được khai mở vào vụ mùa mới thì qua năm 1994 đã có gần 200 gia đình với khoảng 700 nhân khẩu, từng bước các ngôi nhà nguyện được dựng lên tại thôn 2 Quảng Tân, rồi thôn 1 và thôn tư Đăk Tik.

Và đầu năm nay 2021, khi khởi công xây dựng nhà thờ giáo xứ, số giáo dân đã là 770 gia đình, bao gồm 2.430 nhân khẩu.

Không phải ngẫu nhiên hay tình cờ mà vùng đất Quảng Tân và Đăk Tik, sau những năm 1975, khi tất cả các cha thừa sai và các nữ tu phải rời bỏ vùng này thì vẫn sót lại 4 thầy giảng người M’nông, để người M’nông tiếp tục được củng cố trong đức tin.

4 con người “coi như được đóng ấn, thậm chí được in nhãn bởi sứ mệnh mang ánh sáng, phúc lành, tạo sức sống, nuôi dưỡng, chữa lành và giải thoát, họ là những người điều dưỡng cho linh hồn, những thầy dạy cho linh hồn… những người đã chọn hòa mình vào với người khác và cho người khác”.

Và cả 4 đã an nghỉ trong Chúa sau khi hoàn tất bổn phận như lòng Chúa mong ước.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...