Yanaoca: Công cuộc truyền giáo trên vùng núi.



Cha Gregorio Young-In Kim, đến từ Hàn Quốc, là một vị thừa sai thuộc Hội truyền giáo Columban. Cha đã làm việc nhiều năm trên vùng núi cao thuộc dãy núi Andes ở Peru. Cha là linh mục chính xứ giáo xứ Yanaoca, thuộc Giáo hạt Sicuani, cách Cuzco, cố đô của người Inca, khoảng hai giờ rưỡi lái xe. Hầu hết cư dân là người Quechua, tên gọi chung cho một số nhóm sắc tộc khác nhau đã có mặt trong vùng trước khi người Tây Ban Nha đặt chân đến.

Ở Yanaoca, những người truyền giáo phải có bộ phổi tốt vì giáo xứ nằm ở độ cao khoảng 3.950 mét so với mực nước biển. Nói chung, cảnh quan cằn cỗi ít cây cối và cỏ xanh hầu như không đủ để chăn nuôi cừu, lạc đà và gia súc. Ở một nơi có độ cao như vậy chỉ có hai mùa: mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 4 và mùa khô từ tháng 5 đến tháng 10, gần như trái ngược so với Việt Nam. Hầu hết công việc đồng áng được thực hiện vào mùa mưa. Người ta gieo trồng hoa màu và có thêm cỏ cho động vật. Sét đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa, mỗi năm giết chết nhiều người và thậm chí cả gia đình.

Trong vùng, có hai ngôn ngữ được sử dụng: tiếng Tây Ban Nha và tiếng Quechua. Khoảng 40% những người sống ở vùng núi này sử dụng tiếng Quechua, ngôn ngữ cổ của người Inca. Ngày nay những người trẻ tuổi sử dụng tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn vì họ biết mình sẽ bị coi thường nếu sử dụng tiếng Quechua. Thật không may, kỳ thị là một thực tế cuộc sống đối với những người dân vùng núi Andes nói ngôn ngữ truyền thống và sự kỳ thị đó khiến cho họ tự ti mặc cảm. Chẳng hạn, thỉnh thoảng khi phải đến cơ quan nhà nước thì họ ít được quan tâm vì họ gặp khó khăn về ngôn ngữ hoặc mù chữ.

Tôn giáo là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống của người dân ở đây. Trước khi người Tây Ban Nha đến vào năm 1531 và công việc truyền giáo bắt đầu, người bản xứ đã có cái mà chúng ta có thể gọi là một tôn giáo tự nhiên. Từ bản chất họ là những người có tôn giáo rất ý thức về mối quan hệ giữa họ với môi trường và đặc biệt là với Pacha Mama tức là Mẹ Trái Đất. Khi họ trở thành Kitô hữu, họ vẫn giữ lại cái cảm thức đó, vì thế đời sống Kitô hữu của họ ngày nay không chỉ được thể hiện bằng một mối quan hệ tích cực với thiên nhiên mà, thật không may, vẫn còn trộn lẫn với một số cổ tục ngoại đạo. Các vị thừa sai ở Yanaoca ý thức được tình tình và hoạt động để dần dần người Kitô hữu có thể giữ lại những giá trị cổ xưa tốt đẹp của họ nhưng loại bỏ những gì là ngoại đạo là mê tín dị đoan. Cách suy nghĩ của người Quechua rất cụ thể: trái đất tạo ra lương thực cho nên họ tôn trọng thiên nhiên. Ngoài ra, họ cũng rất coi trọng việc tôn kính các Thánh. Các buổi lễ và các cuộc rước tượng các Thánh được tổ chức hàng năm tại giáo xứ nhằm đảm bảo cho bản làng được các ngài phù hộ.

Giáo xứ Yanaoca ngày nay bao gồm sáu giáo xứ ban đầu. Giáo xứ có khoảng 50.000 người Công giáo. Cha Kim làm việc với một vị thừa sai khác thuộc dòng Columban, Cha Paul Prendergast, đến từ New Zealand và với hai linh mục phụ tá khác người nước ngoài, hai nữ tu thừa sai dòng Columban và năm nữ tu người Peru.

Ưu tiên hàng đầu của Cha Kim và các vị thừa sai khác là chăm lo đời sống bí tích của nhiều cộng đoàn Kitô hữu. Ưu tiên thứ hai là quan tâm đến các nhu cầu vật chất và giáo dục của người dân. Ví dụ, khoảng 70% người dân trong giáo xứ không biết đọc cho nên các ngài cung cấp các chương trình dạy văn hoá. Các ngài đã mở một Casa del Niño (Nhà dành cho trẻ) - một trung tâm giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên. Các ngài cũng mời các bác sĩ và nha sĩ tình nguyện từ thành phố đến để khám chữa bệnh. Ưu tiên thứ ba là giúp đào tạo tâm linh để củng cố đức tin công giáo.

Liên lạc rất khó khăn tại vùng lãnh thổ Yanoaca. Không có internet, các tổ chức và các cơ quan vẫn còn phụ thuộc vào máy liên lạc vô tuyến hai chiều. Đài phát thanh giáo phận là một công cụ quan trọng đối với các vị thừa sai, giờ đây các ngài cũng có một đài phát thanh giáo xứ nhỏ. Đài phát thanh này là vô cùng quí giá trong một khu vực mà có nhiều người không biết đọc.

Cần phải làm nhiều hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Nhiều người trong số họ chỉ sống còn ở vùng núi, ít được học hành và nghèo đói vì sống dựa vào nền nông nghiệp tự cung tự cấp. Hiện nay các vị thừa sai đang dạy cho những người trẻ tuổi một số kỹ năng; có các khoá đào tạo về cơ khí và máy tính. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi cũng cần phải có lòng tự trọng lớn hơn và lòng tự hào về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử của mình. Bằng cách này, đức tin công giáo của họ sẽ lớn lên khi nhân cách của họ cũng được đào tạo và trưởng thành.

Tác giả: Lm. Alo Connaughton




 
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...