Chúc Tết Đầu Năm


Chúc Tết Đầu Năm

Chúc Tết Đầu Năm

Tết Nguyên Đán: Nguyên là khởi đầu, đán là buổi sớm, khởi điểm ngày đầu năm mới. Nguyên đán gợi lên hình ảnh về cái Mới. Cái Mới liên tục được vận hành qua chu kỳ một năm. Cái Mới đến và cái Cũ qua đi, dòng lưu chuyển mang sắc thái không ngừng hướng về phía trước. Theo cách nói của Thanh Phaolô: “Quên đi chặng đường đã qua và hướng về phía trước” (Pl 3, 13).

Tống cựu: Ý nghĩa của điểm khởi đầu bao hàm trong đó việc tống cựu, tiễn biệt cái cũ, cái đã qua mà sống giây phút hiện tại của sự khởi đầu. Không chỉ là thời điểm khởi đầu của năm mới mà còn là thực hiện trong mỗi ngày khi bình minh ló dạng, ngày mới đã bắt đầu. Ngày mới, khách đường mới, giũ bỏ những nhọc nhằn, gian nan, buồn sầu, giận hờn, thù ghét ngày qua, mà sống trong niềm vui hạnh phúc. “Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được. Tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô. Dù đạt tới đâu đi nữa, chúng ta cũng cứ hướng ấy mà đi” (Pl 3 :13-14, 16).

Nghinh tân: Đón lấy cái mới, ngày mới, con đường mới. “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”. (Ep 4: 22-24 ).

Cầu chúc: Năm mới với những lời cầu chúc tốt đẹp cho nhau, nhưng việc cầu chúc thôi cũng chưa đủ. Trong sách dân Số Chúa còn dạy cho Môisê: "Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6, 24-26).

Phúc và họa thường đi đôi với nhau và nhiều khi: “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Chúa dạy cho Môisê: Chúc phúc và còn giữ gìn để cái phúc được nên trọn vẹn. “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm.” (Tv 127, 1)

Hái Lộc: Hái lộc đúng nghĩa là một lộc nhỏ từ cây trông nơi chùa hay nhà thờ mang về nhà, còn gọi là rước lộc đầu năm. Theo thông lệ bây giờ, lộc không là những búp cây mà thay vào đó bằng những câu Lời Chúa tại nhà thờ. Nhà chùa thì trái cam, trái quýt mấy thầy đưa cho mang về nhà. Khi đón nhận Lời Chúa như lộc trời ban xuống, người đón nhận cũng được mời gọi làm cho ân lộc đó sinh hoa kết quả qua việc cộng tác con người: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55, 10 -11).

Du Xuân: Con người đến với nhau trong mấy ngày cuối năm và tết đến, cũng có một không gian tự nhiên khác nữa mời gọi: Đến với thiên nhiên, như người anh, người chị của con người luôn cố gắng bảo vệ sự sống con người. Trong bài ca Tạo vật của Thánh Phanxicô ca ngợi: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị chúng tôi, là Mẹ Đất, Chị nâng đỡ, Chị dìu dắt Chị sinh ra bao thứ trái, hoa muôn màu giữa ngàn cỏ dại.”

Tảo mộ: Luôn nhớ tới tổ tiên là nguồn cội, con cháu tề tựu bên ông bà, cha mẹ, khi còn sống cũng như khi đã qua đời. Một niềm vui và hạnh phúc được bên ông bà, cha mẹ để nhắc nhớ đến công ơn sinh thành. Và cứ mỗi mùa Xuân lại càng thấy, ngày xa cha mẹ thật gần, lại thấy lòng chạnh đau. Ngày tết, vui đó và cũng man mác nồi ưu tư đó, chỉ khấn nguyện: “Đêm đêm thắp ngọn đèn trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Rồi khi ông bà, cha mẹ khuất núi: “Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ, Nước chảy vào thương mẹ nhớ cha”.

Một vài điều về tết để nhớ, để thương một đời. Cầu chúc mọi người an lành, tình yêu cuộc sống dư tràn, mọi ơn phước lành. Xin Chúa chúc phúc và giữ gìn.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...