Đôi nét về Đức Mẹ trong văn hoá Đạo Mẫu.

khi dùng hình ảnh sao Bắc Đẩu để gọi Mẹ Maria, thì cũng giống như  xưng mẹ là mẹ của các thọ tạo, đẹp nhất, trong trắng nhất, trên hết các vì sao để thắp đèn trời mà tôn vinh Thiên Chúa

Đôi nét về Đức Mẹ trong văn hoá Đạo Mẫu.

Thật là phù hợp với tâm tình của một dân tộc đã sẵn có lòng yêu mến mẹ, các cha thừa sai đã mượn hình ảnh người mẹ này để dẫn đến việc trình bày về Đức Maria, và từ Đức Maria dẫn đến Chúa như thường nói trong từ đạo “per Mariam ad Jesum’.

Trong một số sách của những người tự nhận là vô thần cũng có nhận định: “Còn với Ấn Độ Giáo và Thiên Chúa giáo thì đạo Mẫu cũng không tạo ra bức tường ngăn cách. Hơn thế nữa truyền thống tôn thờ của Đạo Mẫu của người Việt Nam cũng có cái gì đó gần gũi với biểu tượng Đức Mẹ Maria của đạo Thiên Chúa. Do vậy, khi du nhập nó vào nước ta, những người truyền đạo không phải không nhận ra nét tương đồng giữa đạo Mẫu bản địa và Thiên Chúa giáo, lợi dụng nó trong việc truyền đạo”[1].

Văn hoá Việt gọi Mẫu Thượng Thiên là vị sáng tạo bầu trời và làm chủ mây mưa, sấm chớp. Các vị thừa sai dạy về Đức Bà là “Thượng Thiên chi môn”[2] được diễn tả cửa thiên đàng, người nào muốn vào cửa thiên đàng cần sống theo gương Đức Bà đã sống. Tích truyện viết ra nhằm dạy cho các giáo hữu biết : “Rất Thánh Đức Bà, dù mà là mẹ thật Đức Chúa Giêsu, thì cũng là mẹ mày các bổn đạo, yêu dấu như con sinh đẻ ra;vì vậy phải nghe sự Đức Mẹ ta mà năng xem sách này, cho đẹp lòng người, cùng chừa mọi nết xấu, mà bắt chước đẹp lòng đức Chúa Trời hơn hết thiên thần và các thánh”[3].

Hình tượng Mẹ là sinh sôi nảy nở, tích truyện cho hay ngay sự hiếm muộn của ông bà Gioan Kim và Anna, nhờ nhiều lần cầu nguyện của ông bà với Đức Chúa Trời, được nhận lời  cách đặc biệt, ông bà đã sinh ra một người nữ hơn mọi người nữ và hơn cả cac người thánh ở trên trời. Thời bấy giờ, việc cầu tự của dân Việt có một tầm quan trọng hết sức đáng chú ý: Trong ý niệm : “Không con là bất hiếu” của Khổng giáo, người Việt Nam còn pha chút quan niệm không con là quả báo, chính vì vậy gia đình nào cũng mong có con cháu nhiều như là mối phúc. Người ta đi lễ bái, cầu tự, để tránh tiếng chê cười cuả hàng xóm cho là bất hạnh khi không có con. Người con trong gia đình Việt Nam là điều kiện cho cuộc sống, là điều kiện cho hạnh phúc, ra đường người ta thường hỏi nhau: “mấy cháu rồi?” là thế.

Cái thú của một gia đình xưa là có tiếng khóc, tiếng nô đùa của con trẻ, tiếng ho của ông, tiếng giã trầu của bà, giọng nói của cha, tiếng ru của người mẹ, những tiếng ấy đan quyện làm nên mái ấm gia đình. Thiết tưởng rằng, trong niềm tin vào đạo mẫu sẵn có tại xứ An Nam xưa, nhiều người lương hay giáo khi hay biết về Đức Maria chắc hẳn cũng đặt hoa dưới chân Đức Mẹ mà cầu xin. Có những gia đình Bắc Bộ có con khó nuôi, họ còn đem bán con cho Đức Mẹ cho đến năm 13 tuổi thì xin về. Đây cũng là hình thức “bán khoán” mà trong đạo mẫu hay thực hành.

Mẹ có nghĩa là che chở, phù trì:

Việc cầu Mẫu Thượng Thiên cai quản nắng, mây, mưa, sấm, chớp, cũng nhắm vào việc cầu cho nắng thuận mưa hoà ở Văn hoá nông nghiệp xưa kia, trong nước An nam. Đặc tính của người mẹ là che chở phù trì, nên việc cầu mong là lẽ tất nhiên.

Việc cầu bầu gặp phải những trở ngại chính là việc mê tín dị đoan. Khi Đạo Công Giáo vào An Nam không phải là vào khu nhà trống, ảnh hưởng lớn nhất lúc bấy giờ là Phật giáo cùng với Đạo Giáo và Khổng Giáo.

Phật giáo Việt Nam du nhập từ Ấn Độ và Trung quốc vào khoảng thế kỳ 2 sau công nguyên, đạt tới đỉnh cao từ sau Ngô Quyền dành lại chủ quyền cho dân tộc (938) đến trước khi Lê Lợi - Nguyễn Trãi chống quân Minh (1418). Thời gian cực thịnh này cũng là thời gian văn học thiền phát triển, gọi tắt là văn học Thiền Tông thời Lý Trần. Đây là một thời đại mà giới trí thức hầu hết là Phật tử. Khác với Thiền Tông ở Trung Quốc,  Ấn Độ, đạo thiền kết hợp với tín ngưỡng bản địa có tính thần thuật ảnh hưởng của Đạo giáo (biến thể), có những chuyện kể luyện thần thông phép mầu, cứu nhân độ thế. Vào khoảng thế kỷ IX - X Mật Tông được truyền vào, như “cột kinh Đà - la – mi”[4] tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình) là dấu vết. Mật Tông thường pha trộn với tín ngưỡng bản địa, đồng hoá phương thuật của Đạo giáo và phù thuỷ, thực hành việc chữa bệnh trừ tà, mê tín.  Vốn tính suy tư của dân tộc là lối suy tư tổng hợp, nên trong việc thực hành không tránh khỏi những pha lẫn giữa nhiều tôn giáo lớn.

Đây là một việc rất khó với các vị thừa sai và dễ gây hiểu lầm hơn cả. Bởi vì không thể coi tất cả đều là mê tín dị đoan mà gạt bỏ tất cả được. Trong tín ngưỡng có những điều tốt, cũng có khi bị pha lẫn chút ít dị đoan thực hành mê tín hoặc là người giáo hữu quá nhiệt thành với đạo Công Giáo mà gây hiểu lầm. A. de Rhodes ghi lại “Trong tất cả những thành công Chúa ban cho chúng tôi, chúa lại cho chúng tôi hai điều đau đớn, may mà có sức mạnh hơn sức loài người đã nâng đỡ chúng tôi. Thứ nhất, cha Pinh qua đời.. thứ hai là cơn bão táp đã tới từ phía phủ chúa. Vì thấy người Bồ không trở lại năm đó với đoàn tàu chở hàng hoá như thường lệ, chúa cả nghe bên phía địch thù của giáo dân. Những người này không lỡ bỏ dịp vu cáo và làm cho chúa không ti giáo dân nữa. Trong những tội vu khống, có tội này: giáo dân không thờ kính tổ tiên, lại theo đạo man di, vứt bỏ tâm tình biết ơn với tổ tiên, những tâm tình trời đặt trong lòng mọi người.

Sở dĩ có những lời vu khống này là vì có người quá nhiệt thành, không kín đáo, không khôn khéo. Họ muốn bãi bỏ tất cả các lễ nghi thường làm ở xứ này để cầu siêu với vong linh người quá cố. Tôi đã tường thuật nhiều lần trong cuốn Lịch sử Đàng Ngoài. Thực ra, nếu có một vài nghi lễ giáo dân không nên làm vì sợ tội, thì đa số kể như vô thưởng vô phạt và chúng tôi cho là có thể được duy trì mà không phạm tới sự thánh thiện của đạo ta.

Nghe những luận điệu vu cáo đó, trước hết chúa ra lệnh cấm chúng tôi sau đó trừng trị giáo dân. Chúa tryền cho các cha dòng phải rời bỏ các giáo đoàn đã thành lập và rút lui về Hội An, viện cớ để bảo vệ tính mạng cho chúng tôi và sự tự do thi hành chức vụ. Chúng tôi đã tìm cách xoay sở vấn đề, cậy nhờ người con trưởng của chúa có thịnh tình với chúng tôi, xin cho chúng tôi được phép ở lại một trăm ngày để lo đám tang cho cha Pina. Trong khi đó, chúng tôi có thời giờ trình bày với chúa để chúa thay đổi ý định.

Nhưng chúng tôi phải vất vả nhiều hơn để hoãn lệnh bắt giáo dân, công dân của Chúa, phải bỏ hết ảnh, ảnh thánh giá và tràng hạt giáo dân tân tòng treo ở cổ. Chúng tôi không thể nào ngăn được việc thi hành sắc lệnh, nếu Thiên Chúa không sắp đặt cho chúng tôi vị quan cai tỉnh có thịnh tình với chúng tôi. Ông đã giúp đỡ chúng tôi như một giáo dân tốt chúng tôi có thể mong  được. Thế là chúa đình chỉ thi hành sắc lệnh và chúng tôi có đủ thời giờ loan báo cho giáo dân tân tòng giấu hết ảnh và đừng treo tràng hạt ở cổ nữa”[5].

Một công trình hội nhập nữa cần nhắc tới là phạm trù Thiên của người An Nam được cha A. de Rhodes áp dụng để gọi Danh Đức Chúa Trời, hoặc gọi Danh là Thiên Chúa do cha Matteo Ricci áp dụng khi viết cuốn “Thiên Chủ Thực Nghĩa”, năm 1603, tại Bắc Kinh, mà sách Nôm của Maiorica cũng thấy áp dụng như trong sách truyện “Thiên Chúa Thánh Mẫu” đang trích dẫn.[6]

Người tín hữu ngay từ đầu đã được biết và yêu mến Đức Maria, qua việc họ đeo chuỗi tràng hạt làm minh chứng. Lòng yêu mến nhiều khi thái quá làm những người lương dân hiểu đây là một tôn giáo mới theo Tây mà bỏ phong hoá của dân tộc. Nếu bình tâm suy xét trên những trang sách ghi lại thời bấy giờ, mới thấy sự nỗ lực hội nhập văn hoá của các vị thừa sai như thế nào, kh ông phải là âu hoá hoàn toàn..

 Danh Xưng về Đức Maria.

Jeronimo Maiorica là Nhà Truyền giáo người Ý, thông thạo tiếng Hán, có thời gian dài hoạt động ở Trung Quốc. Sang Việt Nam truyền giáo, ngài hội nhập rất nhanh với chữ Nôm, trong khoảng thời gian 1632 đến 1656, ngài đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm. Linh mục Philiphê Bình trong cuốn “Truyện Nước Nam Đàng Ngoài Chí Đàng Trong” cho rằng có sự cộng tác của một vị hoà thượng thành Phao nào đó vào công trình này. Các tác phẩm còn lại hiện nay là 15 cuốn với 4200 trang. Hầu hết các tác phẩm này đang lưu trữ tại Bibliothèque National de Paris; tất cả là tài liệu viết tay, được đưa sang Châu Âu từ thế kỷ thứ 17, không chịu sự san định của Tự Đức. Thiên Chúa Thánh Mẫu truyện gồm 2 cuốn: Quyển thượng, 113 trang và quyển hạ 179 trang, ghi năm 1646. Trong phạm vi nhỏ hẹp của một tiêu đề này, xin trình bày một số nét về danh xưng, trong  Thiên Chúa Thánh Mẫu truyện và việc hội nhập văn hoá trên Đất Việt.

”Maria, danh này có nhiều nghĩa. Một là sao Bắc thần, hai là biển đắng, ba là Chúa, bốn là sáng láng, năm là thày dạy dân”[7].

Sao Bắc Thần:

Các vị thừa sai đầu tiên đến trên đất An Nam, hầu hết bằng con đường biển theo những chiếc tàu thương mại từ Tây sang Đông và ngược lại, người ta gọi con đường này là con đường tơ lụa. Theo sách Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục có chép “Năm nguyên hoà thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông có người phương Tây là Y Nê Khu (Ignatio) đi đường biển lẻn vào giảng đạo Giatô ở các làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ huyện Nam Chân”. Sau đó gần một thế kỷ, xảy ra khi cuộc bách hại tại Nhật, ngày 06 - 1 - 1615, tàu nhổ neo khỏi Ao Môn đi đến Đàng Trong, sau 12 ngày tàu đến Cửa Hàn. Đây là ngày Giáo Hội Việt Nam xem là ngày chính thức  cuộc truyền giáo mở ra tại Việt Nam.

Theo những người đi biển bấy giờ, sao Bắc Đẩu có vai trò rất quan trọng cho họ định hướng vào ban đêm trên biển cả. Những nơi những vị thừa sai đặt chân đến, đa số các dân cư trên bờ cũng là những người sống nghề sông nước hay biển cả. Họ hiểu tầm quan trọng của Sao Bắc Đẩu.

Gọi là sao nhưng chòm sao Bắc Đẩu gồm 7 sao thường gọi là chòm sao Thất Tinh.

Dân gian có câu: “Bắc Đẩu hoành thiên dạ dục lan” , nghĩa là “sao Bắc Đẩu ngang trời đêm đã khuya”. 

Công dụng của sao Bắc Đẩu ngoài việc định hướng còn là chòm sao báo thời gian, trong ca dao có câu : “Bắc thần đã mọc xê xê, chị em thức dậy lo nghề đi buôn”. Xưa kia người đi buôn bán, chủ yếu là đi bộ hoặc chèo ghe, xuồng ra chợ, họ thức dậy từ giữa khuya để kịp phiên chợ sáng, đồng hồ báo thức cho họ là sao Bắc Thần.

Trong văn thơ còn có câu: “Trên chín bệ, chói loà sao Bắc Đẩu, dưới ngai rồng, rực rỡ nét uy nghi”.

Ngoài công dụng định hướng là công năng của các chòm sao dân gian, ngôi sao còn mang theo một ý nghĩa định mệnh của mỗi con người Đông Phương. Người Đông Phương tin rằng : Mỗi người sinh ra trên cuộc đời này đều mang cung mệnh của một vì sao. Cuộc sống thăng trầm cũng theo điềm của mỗi vì sao. Có những vì sao sáng, có những vì sao mờ và có những vì sao tối và đã tắt, nó cũng giống như cuộc đời của con người, có người sống vinh hiển như chòm sao sáng, có những cuộc đời bình thường như những ngôi sao mờ và buồn hơn có những cuộc đời lầm lũi như vì sao tắt và như vì sao chết. Cuộc đời càng thanh thoát, càng đầy phúc thì ngôi sao chiếu mệnh càng sáng. Ngôi sao sáng trên hết vì sao trên vòm trời là chòm sao Bắc Đẩu, thế nên  người ta còn dùng sao Bắc Đẩu tượng trưng cho nhà vua, là vị thần chủ trên các vì sao của bầu trời.

Trong khi dùng hình ảnh sao Bắc Đẩu để gọi Mẹ Maria, thì cũng giống như  xưng mẹ là mẹ của các thọ tạo, đẹp nhất, trong trắng nhất, trên hết các vì sao để thắp đèn trời mà tôn vinh Thiên Chúa. Nếu xét về công năng của sao Bắc thần, Đức Maria được ca tụng là Đấng chỉ lối về trời, Đấng hướng dẫn khi lầm đường lạc lối khi vượt biển trần gian.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

 

[1] Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam, trang 181, chủ biên Ngô Đức Thịnh, NXB Khoa học Xã Hội, Hà Nội 2001.

[2] Thiên Chúa Thánh Mẫu, quyển thượng, Giêrônimô Maiorica thuật. 1646, Tủ sách Hán Nôm Công Giáo.

[3] Thiên Chúa Thánh Mẫu, quyển thượng, Giêrônimô Maiorica thuật. 1646, Tủ sách Hán Nôm Công Giáo.

[4] Từ cột kinh Phật ở Hoa Lư năm 937, Hà Văn Tần, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 76, tháng 7 - 1965.

[5] Hành trình truyền giáo, A. de Rhodes, Hồng Nhuệ dịch, trang 58 - 60, tủ sách đại kết, 1994.

[6]Xem thêm: Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, trang 389, Đường Thi, Tủ sách Đàm Đạo Tôn Giáo, 2000.

 

[7] Thiên Chúa Thánh Mẫu, quyển thượng, Giêrônimô Maiorica thuật. 1646, Tủ sách Hán Nôm Công Giáo.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...