Luật pháp để chữa lành.

Tình yêu chỉ mong chữa lành chứ không là khai trừ, tình yêu làm cho con người xứng đáng làm người.

Luật pháp để trừng trị hay để sửa trị, đó là câu hỏi mang tính người có còn tình thương? Trừng trị là dùng bộ luật để khai trừ phạm nhân, sửa trị là yêu thương, chữa lành đưa về cuộc sống hoàn lương. Chính bởi vậy, trong bất cứ bộ luật nào cũng để tâm tới việc dùng tình yêu mà chữa lành hơn là dùng giáo mác, nhục hình để trừng trị.

Trong bộ luật cổ xưa, bộ luật Hammurabi (1793 – 1750 trước công nguyên) là bộ luật tương đối hoàn chỉnh thời kỳ cổ đại, gồm 282 điều. Trong Luật Hammurabi có nhắc tới 32 trường hợp xử tử hình. Thường là các hình phạt rất khắc nghiệt như dìm, đóng đinh, chém v.v… Trong cổ luật người Sumer “Mắt đền mắt, răng đền răng”, mang nặng tính trừng phạt.

Tính chất tương xứng trong trách nhiệm pháp lý nhấn mạnh nhiều đến tính trừng trị đối nhân hoặc đối vật, mà chưa tạo điều kiện để người vi phạm hoàn lương. Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình phải xử theo luật thời ấy ném đá cho chết. Chúa Giêsu cũng đặt một câu hỏi phải suy nghĩ rất nhiều cho mọi thời đại: “Ai sạch tội ?”. Luật để chữa lành chứ không để giết chết.

Ai sạch tội? Là tội nhân với nhau thì hãy thương nhau mà sửa lỗi cho nhau. Trong lúc sửa lỗi thì cũng giữ phẩm giá cho nhau, nên cũng có nhiều phiên tòa xử tế nhị không công khai. Trong các bộ luật cũng có những điều cấm tra tấn và làm mất phẩm giá của phạm nhân. Đó là hành xử theo cách con người với nhau.

Ai sạch tội? Chẳng ai sạch tội cả, ngoại trừ Con Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng không kết tội. Ngài thương yêu con người tội nhân, làm bất cứ mọi cách để cho nó đừng phạm tội nữa. Sửa chữa lỗi lầm và trả lại phẩm giá con người như dụ ngôn người cha nhân từ.

Tình yêu chỉ mong chữa lành chứ không là khai trừ, tình yêu làm cho con người xứng đáng làm người.

Sửa dạy trong tình yêu đòi hỏi chậm giận và giàu lòng khoan dung. Ngay trong lúc “giận mất khôn” có thể gây nhiều tai hại, hối tiếc. Kềm lòng lại, bình tĩnh là hành vi thuộc tính người, chiến thắng được chính mình. Người phạm nhân đau khổ vì lỗi lầm mình gây ra, sẵn sàng đón nhận lấy tất cả những gì để có thể đền bù, đó cũng là đền bù chịu hy sinh.

Chịu đựng câm lặng như người phụ nữ ngoại tình bị vây quanh bởi nhiều người lên án. Chúa cũng im lặng ngồi xuống viết trên đất. Tha thứ là một chịu đau khổ cùng với tội nhân vì lỗi họ đã phạm. Thương cảm và đau xót cho tội nhân mà chính tội nhân lãnh nhận bao hậu quả. Khoan dung được thể hiện trên thập giá với người trộm lành, Chúa nhân từ đón nhận và tha thứ tội lỗi cho phạm nhân.

“Người công chính cứ việc đánh con và lấy tình thương mà sửa dạy, nhưng dầu thơm kẻ dữ con quyết chẳng cho xức trên đầu; khi chúng làm điều ác, con vẫn luôn cầu nguyện” (Tv 143, 5). Thánh Phaolô cũng viết: “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (Gl 6, 1).

Cần có trái tim nhân lành của Chúa để hòa giải, để chữa lành và làm cho sống. Xin Chúa luôn nâng đỡ và cho con người trái tim nhân hậu của Chúa.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...