Người xây tâm hồn


Người xây tâm hồn

Giuse Nguyễn Duy Thế (Phú Thọ)

Nóng. Nóng như đổ lửa. Nóng cháy da, cháy thịt. Nóng như xua đuổi, như hành hạ con người.


Dưới cái nóng như vậy, những đứa trẻ thành phố nhất định sẽ “trốn” trong các trung tâm giải trí, “trốn” trong phòng điều hòa mát lạnh. Ngược lại, tôi cùng đám bạn - những đứa trẻ quê mùa, cục mịch, lại có vẻ can đảm hơn. Chẳng sợ nắng. Chẳng sợ đen. Chỉ sợ không được chơi. Bọn tôi, đứa nào cũng đen như cục than, gầy như que củi. Ấy vậy, mà chúng tôi chẳng bao giờ biết đến viên thuốc là như thế nào.

Nhiều lúc tôi cũng thấy ghét bố mẹ mình. Bố mẹ tôi đôi khi vô lý lắm, không muốn cho tôi đi chơi vào buổi trưa. Trong khi đó, đám bạn tôi lại chẳng phải ngủ trưa bao giờ. Thế là tôi cứ trốn đi chơi. Chơi quay, chơi bi, chơi khăng, đá bóng, đạp ngựa, ú tìm… Mùa nào có trò chơi riêng của mùa ấy. Cứ chạy vào khuôn viên nhà thờ là đẹp nhất: nhiều cây che bóng, rộng rãi mà lại lắm bạn chơi. Chơi trộm như vậy vui đáo để! Tuy trong lòng lo lắng, thấp thỏm vì sợ bố mẹ mà gọi về thì chắc chắn ăn một trận đòn, nhưng trò chơi nó lôi cuốn quá nên tôi quên cả sợ.

Tôi nhớ có lần vừa bước chân xuống giường, rón rén xỏ được đôi dép vào tay (không dám đi dép vào chân vì sợ gây ra tiếng động). Đang tính bò ra cửa để… ù té chạy. Ai ngờ, “E… hèm!”… Đó là dấu hiệu rõ ràng rằng tôi đã bị phát hiện. Như tên trộm bị bắt quả tang, tôi không dám nói gì, lặng lẽ, sợ hãi bò lên giường. Vừa nằm vừa nghĩ: “Bố mẹ chúng nó tốt thật đấy. Chẳng bắt con cái ngủ trưa bao giờ. Ai như bố mẹ mình!”. Bực mình, tôi quyết tâm không ngủ trưa cho biết mặt. Nhưng… tôi lại ngủ lúc nào không biết…

Bước chầm chậm trên con đường rợp bóng cây của nhà xứ sau bao năm du học xa nhà, từng dòng ký ức hiện về… Thầm cảm ơn cha mẹ đã “khó tính”, đã “vô lý” để hôm nay tôi nên người. Tôi để ý mãi mà chẳng có đứa trẻ nào chơi ở khuôn viên nhà thờ. Phải chăng chúng đã tìm được địa điểm nào lý tưởng hơn rồi?

Nhà thờ bây giờ khác xưa quá. Kiến trúc Gothic với tháp cao, nhọn, sừng sững giữa vườn cây đại thụ. Hiện đại xen lẫn cổ kính. Những chiếc cửa vòm xen lẫn cửa đón ánh sáng thật hài hòa. Bước vào nhà thờ, một cảm giác choáng ngợp xuất hiện. Bàn thờ được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Những hàng cột cao kết hợp những tấm kính màu lớn khắc họa những hình ảnh trong Thánh Kinh, làm cho tâm hồn con người cảm thấy lắng đọng, bình an vô cùng. Lại còn có gần chục cái “điều hòa cây”, chắc chắn sẽ làm cho bà con dự lễ và đọc kinh sốt sắng hơn nhiều. Cha xứ “chịu chơi” thật! Tôi mới về nhưng nghe nói nhiều về cha xứ quá. Toàn lời khen thôi! “Ông Cha” này quyết đoán lắm. Ngay khi về nhận xứ, việc làm đầu tiên là thông báo kế hoạch đập bay nhà thờ cũ. Lúc đầu cũng có mấy người không đồng ý, chống đối ra mặt. Thế là ông cha đến nhà từng người, ngồi uống nước, nói chuyện, nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến việc xây nhà thờ. Sau một thời gian, bà con đồng ý hết.

Ra khỏi nhà thờ, nhìn thấy ngay ngôi nhà xứ ba tầng khang trang. Tôi đang tính tham quan một lượt. Chợt có tiếng gọi:

- Con chào cha! Mời cha vào nhà khách uống nước.

Trước thái độ niềm nở của ông Thạch, chánh trương, tôi từ bỏ ý định của mình bước vội theo ông.

Ông Thạch vừa rót nước vừa nói:

- Cha thấy cha xứ con có giỏi không? Mới về chưa đầy 3 năm mà làm thay đổi cả bộ mặt giáo xứ. Nhà thờ to nhất nhì Giáo phận. Mưa, nắng bây giờ không thành vấn đề nữa. Bà con mình đi lễ mát như đi siêu thị (!), lễ xong còn muốn ngồi thêm tí nữa. Có giáo xứ nào được như giáo xứ mình, cha nhỉ!

Ông lại tiếp tục nói như đã học thuộc từ lâu:

- Cha xứ còn trẻ tuổi mà tài ghê cơ!

Chính quyền nể phục ngài lắm. Muốn làm gì, ngài cứ lên gặp là cấp phép liền. Còn về vấn đề ngoại giao thì ngài nhất tỉnh này luôn. Mấy ông đại gia quí ngài lắm. Ăn với họ bữa cơm, uống với họ chén rượu là đủ gạch xây nhà xứ. Đi chơi với họ một buổi là đủ xi măng đổ mái nhà thờ. Xây dựng được như thế này đều nhờ tài ngoại giao của cha xứ. Dân mình chỉ mất công đến làm thôi.

Mãi tôi mới có cơ hội xen vào một câu:

- Cám ơn bác Thạch, nhưng cha xứ mình đi đâu rồi bác nhỉ?

- Ấy, cha không hỏi con cũng quên mất. Lúc trưa ngài đi ăn uống với mấy ông địa chính, giờ vẫn chưa thấy dậy.

Tôi cũng hiểu ra, đi với mấy ông đó thì dậy ngay thế nào được.

- Buổi trưa, mấy đứa trẻ không vào nhà xứ chơi nữa hả ông Thạch?

Tôi hỏi để giải đáp thắc mắc của mình cũng như để câu chuyện được tiếp tục.

- Ối dào, cái bọn trẻ con ấy quậy lắm cha ạ! Chúng làm ầm ĩ cả nhà xứ lên, cha không ngủ trưa được. Có lần chúng còn lấy tay viết lên: “Con trâu sắt” là cục cưng của cha. Thế là cha mắng cho chúng một trận nên thân. Mà còn mấy cây cảnh của cha nữa chứ. Mấy đứa đá bóng, cha sợ nó đá vào cây. Nhất là mấy con công, chim quí, gà rừng…, cha lo chúng sẽ sợ khi có mấy đứa trẻ chơi đùa xung quanh. Thế là cha cấm tiệt luôn.

Đang tiếp tục câu chuyện thì cửa phòng cha xứ mở. Ông Thạch liền chạy đi gọi cha xứ. Một linh mục trẻ, cao to, đĩnh đạc xuất hiện. Cả hai nhìn nhau sững sờ.

- Tùng…

- Cha…

Cả hai reo lên bất ngờ. Thì ra vị linh mục mà tôi tò mò khi cả xứ ca tụng lại chính là Tùng, người chủng sinh học trò của tôi ngày dạy ở chủng viện Việt Nam. Tôi cảm thấy mừng cho giáo xứ:

Họ may mắn vì có một vị cha xứ trẻ, giỏi giang, nhiệt huyết hăng say kiến thiết, xây dựng. Và tôi mừng cho Tùng, nay đã là một linh mục thành công…

Tôi và Tùng ngồi ôn lại kỷ niệm xưa đến cả gần tiếng đồng hồ. Lúc tôi ra về, Tùng nói với theo:

- Tối 6 giờ mời cha vào nhà xứ nhé! Con có bất ngờ cho Cha.

Đúng 6 giờ kém 15 phút, tôi có mặt tại nhà xứ, thấy phòng khách đầy người. Tùng giới thiệu từng người với tôi. Nào là giám đốc công ty xây dựng, nào là giám đốc công ty bất động sản… Toàn những đại gia thôi à!

Thế là bữa tiệc bắt đầu. Tùng liền nói:

- Đây là cha “quê nhà” của chúng ta, là cha giáo, và là thầy của tôi. Cha giáo nghèo lắm các ông ạ! Các ông phải “làm phép túi” cho cha cẩn thận đấy nhé!

Cả phòng cười vui vẻ.

Thì ra đó là bất ngờ của Tùng, “được ăn, được nói, được gói đem về”!

Được một lúc, tôi thấy không khí ngột ngạt quá nên ra ngoài di dạo cho thoáng. Ngó vào nhà thờ, tôi thấy có mấy cụ đang đọc kinh. Nhà thờ to quá nên “nhúm người” ngồi lọt thỏm giữa lòng nhà thờ như ngồi giữa mê cung. Tôi ngồi nhẩm tính xem được bao nhiêu người, tính cả các tượng được gần hai chục. Tự nhiên tôi thấy lo lắng cho tình hình sống đạo của giáo xứ.

Lúc tối, tôi nói với Tùng là tôi muốn dâng lễ. Tùng cười:

- Ngày thường ít người đi lắm cha. Mai mời cha giáo dâng lễ thứ bảy cho đông.

Đang mải suy nghĩ, chợt có tiếng bước chân. Một ông nào đó trong “hội đại gia”, mà tôi cũng quên tên rồi, ra ngoài này châm điếu thuốc. Thấy tôi, ông nói:

- Nhà thờ phải to như vậy mới hoành tráng chứ, cha nhỉ! Bây giờ phải có cha xứ như thế này giáo dân mới khỏe, ai lại như cha già…

Tôi chỉ cười...

Cha già, một vị linh mục đã gắn bó với giáo xứ tôi cả cuộc đời. Hồi đó, chúng tôi suốt ngày chơi trong nhà xứ nên biết rõ lắm. Ngài thường cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, trước tượng Đức Mẹ hàng giờ. Chúng tôi thắc mắc, Ngài cười trả lời:

- Cha cầu nguyện xin Chúa soi sáng để giảng cho các con đấy.

Quả thật, cha đầu tư rất nhiều thời gian cho bài giảng. Có nhiều bài giảng của cha đến giờ tôi vẫn chưa quên. Nhưng ấn tượng nhất là việc ngài ngồi tòa giải tội. Hình ảnh người cha già vừa ngồi tòa vừa cầm chuỗi sao mà ăn sâu vào tâm trí tôi đến vậy. Những lúc không có người xưng tội, tôi thấy cha lần chuỗi để cầu nguyện cho các hối nhân năng đến với bí tích Hòa Giải. Bây giờ, thú thực, tôi vẫn “thèm” nhìn thấy hình ảnh một linh mục như vậy.

Cha già Hiền. Ngài hiền hệt như tên của ngài. Chẳng ai thấy ngài to tiếng với ai bao giờ. Ai cha cũng biết, ai cha cũng thương. Cha biết tính, biết tật từng người. Thế là suốt ngày người ta chạy đến chia sẻ với cha già, xin ý kiến cha già và cả kêu khóc tùm lum cũng với cha già. Ngài đón nhận hết. Lắng nghe, động viên, chia sẻ, hướng dẫn… tất cả, chẳng loại trừ ai.

Khổ một nỗi, hiền cũng là cái tội của ngài. Mấy ông trên cứ bắt bẻ cha suốt. Rước xách hay tổ chức bất cứ hoạt động gì cũng phải xin phép, phải được cấp phép. Thế là cha lại đạp xe đi xin, mà có gần gì đâu, cả gần hai chục cây ấy chứ!

Nhiều lúc chúng tôi tự hỏi nhau: “Ngài làm cha xứ bao nhiêu năm mà nghèo thế không biết! Chẳng thấy xây cất gì”. Suốt ngày tự tay ngài thay mấy tàu lá cọ trên nóc nhà nguyện, sửa vài cây rui dưới nhà giáo lý. Cha xứ gì mà đầu tuần có mấy con tép người ta đem biếu, đến cuối tuần, vẫn chỉ có món ấy. Cha xứ gì mà có gạo là cho người nghèo; có tiền là cho các em học sinh khó khăn; có quà là chia cho thiếu nhi hết.

Chính vì cha già, chính vì “nhân đức” ấy mà biết bao đứa trẻ giống như tôi tự nguyện đi tu, đơn giản vì để được nhiều người quí mến giống như ngài. Cũng chính vì “con người cổ” ấy mà biết bao người khô khan chạy đến với các bí tích; biết bao người lương dân gia nhập đạo mà đến giờ chúng tôi vẫn không biết lý do.

Vậy linh mục như thế nào mới gọi là thành công đây? Xây nhà hay xây tâm hồn? Câu hỏi ấy cứ xuất hiện trong tâm trí tôi suốt cả kỳ nghỉ.

Hôm nay, đã đến ngày phải trở về chủng viện, tôi đã nhận ra: Xây nhà mà không có người thì nhà ấy thành nhà hoang. Xây những tâm hồn thì nhất định sẽ xây được những ngôi nhà. Vậy mà từ trước đến nay, tôi khâm phục và khát khao giống như cha già, nhưng lại làm công tác đào tạo mà không có tấm gương ấy.

Thời tiết bớt nóng hơn do hàng cây cổ thụ (từ ngày cha già trồng), nhưng trong tôi lại thấy nóng hơn. Nóng không phải vì thời tiết, mà nóng vì nhiệt huyết trong tôi. Cái nóng ấy thúc đẩy tôi phải hành động. Cái nóng ấy thúc đẩy tôi phải ra đi để đào tạo những linh mục biết xây dựng những ngôi nhà tâm hồn.

Giuse Nguyễn Duy Thế (Phú Thọ)

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...