Số phận hay tự do

Bạn có thể tin vào số phận hay không tin. Có một điều chắc chắn, bạn hãy tin, ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù bi đát và thù hằn, giết chóc, sát hại  đến đâu, vẫn có sự thiện ở đó.

Số phận hay tự do

Bạn có thể tin vào số phận hay không tin. Có một điều chắc chắn, bạn hãy tin, ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù bi đát và thù hằn, giết chóc, sát hại  đến đâu, vẫn có sự thiện ở đó. Đọc tiểu thuyết đúng hơn là một tự truyện: “Không số phận” của Nhà văn Do Thái - Hungari, Imre Kertesz, đã đoạt giải Nobel Văn học năm 2002 có thể nhận ra điều tốt lành ngay trong sự dữ với nhãn quan sự thiện.

Ở cửa hàng bánh mì, khi ông còn tuổi mười lăm. Ông được sai ra lấy phiếu để mua bánh mì, biết rằng người bán bánh mì này cắt xén của những người Do Thái nhiều lần. Ông nhận xét: “Có lẽ lão cũng không thoải mái lắm trong khi lừa dối cắt xén của người khác”. Khi nghĩ tốt về người khác dù họ có làm gì xấu ngay trước mắt bạn, bạn vẫn có lý do để nhìn thấy sự thiện nơi họ xuất hiện.

Ngay trước khi cha ông đi lao động cưỡng bức, gia đình có một tài sản giao cho người quản lý, cha ông đánh giá tài sản gia đình theo một nhãn quan: “Chỉ dựa vào lời hứa danh dự, không chỉ trong kinh doanh mà ngay cả các lãnh vực khác trong đời sống”. Có những giá trị còn cao quý hơn vật chất, sao có thể bán rẻ danh dự của mình để giành giật lấy cái điều ta không thể nắm giữ.

Trong ngày chia tay với cha ông sắp đi lao động. Có ông bác dặn ông: “Từ nay cháu sẽ khép lại thời thơ ấu, không còn như trước nữa, số phận người Do Thái đã ngàn năm nó diễn ra như thế, cần chấp nhận và hy sinh”. Có khi ta không tin vào số phận nhưng có một điều chắc chắn, ta không thể không có những giai đoạn khổ đau. Giai đoạn ấy đến lúc nào và thời điểm nào ta và kéo dài bao lâu không biết.

Sống trong thời gian người Đức chiếm đóng, những người Do Thái phải đeo chiếc sao vàng Đavid. Có hai điều xuất hiện trong ý thức hệ xung đột ln nhau: “Kiêu hãnh và tủi hổ”. Nó là một thử thách mà ông không biết cách nào để chọn lựa. Ông nhớ lại cuốn tiểu thuyết giữa người ăn xin và vị hoàng tử. Hai người có khuôn mặt như nhau, giả sử họ đổi vị trí cho nhau. Dù không ổn lắm nhưng cách giả thiết ấy cũng là một giải pháp có thể áp dụng, để chấp nhận mình là người Do Thái đang bị áp lực kỳ thị. Không có chuyện gì mà không có giải pháp khi bạn nhìn nó với nhãn quan tích cực để sống và chấp nhận thực tại.

Tại trại tập trung Auschwitz, ông học được bài học quan trọng trong cuộc đời: “Non scolae sed vitae discimus” – “không học cho nhà trường, mà cho cuộc đời.” Một cuộc đời mà bạn không biết trước điều gì xảy ra cho bạn, nhất là bạn cần biết điều quan trọng, tìm được lẽ sống. Không tìm được lẽ sống, bạn sẽ chết khi biết một thực tại phũ phàng ở trại tập trung, mọi người sẽ chết dưới những ống khói nhà thiêu kia. Bạn hãy làm quen với hoàn cảnh và tìm thấy những điều tốt lành để sống.

Ông được chuyển đến trại lao động trại Bunchenwald. Ở đó, ông đã cảm nghiệm về cái đói hành hạ, không chỉ một ngày mà nhiều ngày. Lắm lúc nằm nghĩ về những ngày trước ở nhà. Có những món đùn đẩy không chịu ăn, những thức ăn bỏ thừa, ông tiếc nuối giá như. Rồi những thứ đói về tình thân thương của bầu khí gia đình, sao không đủ nhẫn nhịn yêu thương, sao không cố gắng tìm an vui nơi gia đình. Rất nhiều cái đói hành hạ ông về tinh thần, tâm lý, và thực phẩm. Phải chấp nhận để nói lên: “Nếu còn có lại một ngày như xưa, sẽ sống hết mình, bằng tất cả yêu thương”. Một sự thực vẫn đang trước mắt, sự tàn tạ thân xác tới rất nhanh, so với cái tuổi của ông chưa tới hai mươi tại trại lao động này. Lúc này ông ý thức về đổ vỡ của một thân xác gầy gò, ốm yếu, ghẻ lở đã từng một thời gần đây thôi, mạnh khoẻ tràn đầy sinh lực.

Điều đau đớn và tệ hại những chiếc giầy gỗ, dính vào lớp bùn đất, cả ngày đêm không muốn tháo rời nó ra, vì nó rách nát, nó không thể xỏ vào nhanh chóng mỗi khi có tiếng còi tập trung, phải mang nó như ông nói “thứ giầy như mọc ra từ thân thể. Đói và lao động nặng nhọc như lần phải vác những bao xi măng lên xe tải, ông lỡ đánh rơi một bao, người cai coi ông như đồ phế thải. Ông bị đánh một trận no đòn, còn phải hót cho bằng hết chỗ xi măng ấy, với lời hưa không còn lần nào như vậy nữa. Ông bị theo sát bởi người cai trong từng lần vác xi măng, và còn bị đì nặng hơn thế nữa, cho những lần kế tiếp, mặc dù chưa tới phiên. Trong tình trạng tồi tệ nhất, bạn vẫn có lý do để sống, ít nhất là tồn tại để sống, chờ qua cơn bão.

Tại bệnh viện trại tập trung, ông được mổ vết thương ở chân, ở cạnh sườn, ít ra cũng được ngủ nghỉ; nhưng đổi lại phải chịu thua bọn chấy rận. Chúng ăn vào vết thương, mới đầu còn chiến đấu với chúng, nhưng rồi cũng mặc chúng rỉa mói. Bài học của ông cứ thản nhiên trong khi phải chịu đựng, nếu cứ càm ràm sẽ chẳng giải quyết được gì.

Ông được vứt lên xe cút kít, kể như rác thải, chuẩn bị đem vứt vào hố. Không biết do số phận hay không, ông được nhặt ra và được đem vào một bệnh viện sạch sẽ hơn, được chăm sóc hơn. C theo cách nhìn về sự thiện của ông, ông khám phá ra những khuôn mặt từ ái nhiều hơn những bộ mặt thù hằn ghen ghét người Do Thái. Ông để ý tới từng khuôn mặt, từng chi tiết chăm sóc bệnh, ông nhận ra sự thiện có ở khắp nơi.

Khi ông đau nặng tại trại trước đây, người bạn tù của ông, Citrom Bandi đã bỏ cả bữa ăn và người tù khác cáng trên đôi tay hai người đưa ông tới bệnh viện. Dù rằng ông đã có hằn thù trong thời gian nổi loạn, ông giận ghét Citrom Bandi, bực tức về những điều người ta dành cho ông, nhưng lòng tốt của con người đã chiến thắng sự thù hằn của ông.

Không rõ từ cái xe cút kít chở xác đến nơi chữa bệnh mới này, họ chăm sóc với mục đích gì, lấy tạng hay không, nhưng dù sao vẫn có sự tốt lành nơi ấy mà ông nhận ra.

Trở về sau khi quân đồng minh chiến thắng. Người nhà vẫn hỏi ông, sau tất cả ông sẽ sống như thế nào? Ông trả lời vẫn sống như cũ, trung thực với những gì đã sống. Quan niệm của ông: “nếu có số phận thì không có tự do và nếu có tự do thì không có số phận”. Phải kể về các trại tập trung như thế nào? Ông sẽ trả lời nơi đó là hạnh phúc. Hạnh phúc vì ở đâu bạn cũng sẽ khám phá ra sự thiện.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...