Vòng xoay ký ức


Vòng xoay ký ức
Tác giả: Tiểu Hổ (Cần Thơ)


 
Sam liếc mắt nhanh qua Facebook, trang face hôm nay sao lắm người kỷ niệm: Nào là 20 năm ngày cưới, rồi thôi nôi đầy tháng, thậm chí ảnh đám cưới con… Sam nhìn nhanh về phía trang mình, rồi tắt máy, lần trong ngăn kéo hộc bàn lôi ra cuốn sổ đã bạc màu vì thời gian, phủi phủi lớp bụi bên ngoài, bắt đầu lật từng trang. Sam bất chợt dừng lại ở một trang có một “vết khắc” thật đậm thật sâu, dòng chữ nhảy múa, nhòe nhoẹt…

Lắm khi ngoảnh đầu nhìn lại Sam thấy rùng mình và tự hỏi: Sao mình có thể đi hết cái đoạn đường quá dài và gian khổ ở kiếp làm người! Ngước nhìn lên bức ảnh Thánh Giuse treo trên tường, Sam lại thì thầm lời tạ ơn:

- Cảm ơn Ngài vì đã đồng hành với con… Cảm ơn vì lúc cay đắng nhất đời con, Ngài đã dang tay nâng đỡ. Và chí ít ra là cảm ơn vì đã có một nơi cho con tin tưởng chạy đến đắm mình vào lòng Ngài, khi người đời rắp tâm truy đuổi…

* * *
Ngày ấy, Sam chỉ là cô gái non người trẻ dạ, chẳng lường trước được cái lòng dạ con người! Mà thật, lòng người thì sâu thăm thẳm khó lường, bể sâu còn có thước để đo, còn với con người, đặc biệt là những người rắp tâm hại người khác thì chẳng thể lường được…

Mỗi lúc Sam càng như muốn đi ngược lại cái dòng đang chảy siết của cuộc đời, muốn níu kéo thời gian để lật lại trang tuổi thơ. Nơi đó có những gam màu xanh rờn của cánh đồng lúa non bất tận, hoặc màu vàng óng ả của ngày mùa lúa chín nặng trĩu hạt. Nơi đó có những trò chơi đậm nét dân gian của cái thời trẻ trâu, mà hơn hết là có ngôi thánh đường khắc đậm dấu ấn tuổi thơ. Con Dần, thằng Tí, thằng Tuấn, con Thơm… những đứa bạn một thuở rong ruổi từ đồng áng đến tận mái trường làng, rồi lấp ló dưới tháp chuông nhà thờ với những trò đánh đáo, nhảy dây, tán u hay trốn tìm. Thằng Tuấn thì mê mẩn với tuồng đóng giả làm “Ông Cố Sở”. Nó thuộc nhão mấy câu kinh lúc ông Cố làm lễ, rảnh rảnh nó lôi bọn bạn ra làm giáo dân thưa kinh cho nó làm lễ. Không biết nó lấy đâu ra được miếng vải quần sa-tanh màu đen của bà nó, rồi buộc quấn choàng ngang cổ giống như cái áo choàng của ông Cố. Cái cây chuối mà bà nó xắt ra để băm nhuyễn cho heo hay vịt ăn, nó tranh thủ gỡ lấy cái lõm bên trong, trắng và tròn tròn tựa như cái bánh thánh lúc ông Cố làm lễ hay dâng lên và nói “Này là Mình Ta”. Ước ao lớn nhất đời thằng Tuấn là nó và thằng Tí được làm Ông Cố. Tôi thắc mắc:

- Sao mày thích làm Ông Cố? Mà mắc gì mày phải muốn thằng Tí làm Ông Cố giống mày?

Nó cười cười trả lời:

- Làm Ông Cố được ở cái phòng một mình, được xem ti-vi, nhất là không phải ăn cơm với kho quẹt hoặc nước mắm trong chan cơm như nhà tao… Mà thằng Tí cũng phải làm Ông Cố chung, không thôi có một mình dễ bị người ta ăn hiếp!

Cái thằng “trần gian thật là trần gian”, đã làm Ông Cố mà còn sợ bị ăn hiếp, nó không ăn hiếp người ta thì thôi ai mà dám rớ vào nó! Nói thì nói giỡn vậy thôi, chứ trong bọn bạn tôi, Tuấn là đứa hiền lành nhất. Mà gia đình nhà nó cũng tốt, ba mẹ nó là nông dân, chăm chỉ làm ăn, hễ hết việc nhà thì ai thuê gì cũng làm, từ việc đồng áng cho tới cỏ bờ, chẳng ngại vất vả. Mẹ nó mong ước nó học thành tài rồi đi tu y như ông Cố, giúp đời giúp người. Cả cái làng này nhân đức ông Cố là tỏa sáng nhất, thương yêu chăm sóc từng con chiên. Hễ ai gặp chuyện gì cũng nhào lên kiếm ông Cố, từ việc học hành con cái, đến cảm sổ mũi hay ho xoàng đều lên gặp ông Cố. Ông Cố như là cái “trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế” của làng. Mà thiệt, cái làng nghèo xác nghèo xơ, mỗi ông Cố là giàu vì có người trên tỉnh cho ông Cố cái ti-vi trắng đen. Có ti-vi là có cả thế giới, người ta đá banh ở đâu tận Bờ-ra-xin mà cũng lọt vào cái ti-vi của ông Cố. Lạ thiệt là lạ! Lâu lâu, có người từ trời Tây gửi về thùng thuốc tây, thế là cả làng được hưởng nhờ. Ông Cố là vị cứu tinh của làng, không nhờ ông Cố thì dân làng dốt đến tận tết Công-gô! Từ ngày ông Cố về làng, “ánh sáng văn minh” bắt đầu chiếu rọi trên làng.

Ông tôi hay kể: “Ông Cố có công cõng vác con chữ về cho dân làng, người già con trẻ đều náo nức tham gia lớp học chữ, nhất là người có tuổi, nhờ vậy mà biết tính toán khi bán trái cà trái ớt, nải chuối buồng cau”. Ngôi thánh đường heo hút này, ngày xưa chỉ mở cửa mỗi tuần có một lần vào Chúa nhật, đón ông Cha từ giáo xứ lớn ngoài thành thị vô làm lễ. Làm lễ xong là Cha đi mất, chờ mãi tới tuần sau mới xuất hiện, nhà thờ nhạt nhẽo chả ai thèm đến. Kể từ ngày có ông Cố về, mọi sự thay đổi đến lạ lùng, cửa nhà thờ lúc nào cũng rộng mở, ai muốn đọc kinh viếng Chúa lúc nào thì vào. Ông tôi và các cụ trong làng hễ đi ngang nhà thờ là ghé vào thì thầm, lẩm bẩm gì không biết, một lúc rồi lại đi tiếp. Con nít bọn tôi thì bớt cái trò lập trận đánh nhau ngoài ruộng, ngoài vườn mà hay tụ tập lại bên cái tháp chuông dưới cây xoài Thanh Ca để vui chơi trong Chúa. Chiều đến thì tham dự thánh lễ, mê nhất là đi lễ, vì đi lễ có nhiều lợi ích, đứa nào siêng thì được ông Cố cho xem ti-vi, cho bong bóng, hay kẹo dừa. Thậm chí lúc vui vui ông Cố còn cho chén một bữa no nê, hay có nhà ai đám giỗ đám cưới mang chè xôi biếu ông Cố, là y như rằng mấy đứa siêng đọc kinh giúp lễ được ăn ké. Ngon ơi là ngon! Mà trên hết là ông Cố rất thương yêu bọn chúng tôi. Như thằng Tí và thằng Tuấn, nó siêng đi lễ rồi giúp lễ, trong trường thì học giỏi, bởi nó được ông Cố thương nên cái gì không biết nó lên hỏi ông Cố, mà ông Cố bày cho môn gì là giỏi môn đó. Ông Cố thương nó, nên nó cũng thương ông Cố “hết linh hồn hết trí khôn” vượt trên sức tưởng tượng của bọn tôi. Nó dám trèo tuốt trên đọt cây xoài hái mấy trái xoài chín cây vàng ươm, rồi túm túm trong cái giỏ đệm mang lại biếu ông Cố. Hay nhà mẹ nó nấu chè trôi nước là thể nào nó cũng mang biếu ông Cố. Ra đồng mà bắt được con cá to là mẹ nó xỏ xâu, đưa nó mang chạy một mạch lại nhà thờ rồi gọi ông Cố inh ỏi. Ông Cố thường hay vò vò đầu nó, bọn tôi núp sau tháp chuông chứng kiến hết cái thứ tình cảm thiêng liêng vượt trên tình ruột rà máu mủ mà nó chắt chiu dành riêng để thể hiện với ông Cố.

Một buổi chiều tà, bọn tôi đang đá bóng trước nhà xứ, thằng Tuấn hớt hải chạy đi kêu ông Cố:

- Ông Cố ơi… Ông Cố ơi… ơi… Cứu ông nội con ông Cố ơi!

Ông Cố thoát nhanh theo thằng Tuấn đi về hướng căn chòi trên ruộng phía sau nhà thờ. Ông Tư nằm sóng soài trên bãi cỏ, máu ra lênh láng dọc cẳng chân. Ông Cố nhai vội mấy đọt chuối non, đắp vào vết đứt cầm máu, rồi xốc ông Tư lên vai cõng về nhà xứ. Máu vẫn ra lênh láng, ông Cố lái chiếc tắc ráng chở ông Tư ra trạm xá băng bó vết thương. Cô y tá nói “ông Linh mục” mà chậm chân là máu chảy hết, nguy đến tính mạng ông Tư. Một phen hú hồn! Ông Tư làm cỏ bờ chặt nhầm vào chân, không có ông Cố ở gần là ông Tư chết toi mạng. Từ đó, mang ơn cứu mạng, mỗi lần trồng được trái mướp trái bầu hay trái cam trái quýt, Ông Tư đều sai thằng Tuấn mang biếu ông Cố. Mà không riêng gì ông Tư, nhà nào gặp nạn đều chạy đến ông Cố, xin cầu khấn, xin chỉ dạy phải làm gì. Ai cũng tin rằng ông Cố là món quà quý giá nhất mà Chúa ban cho dân làng.

* * *
Cái ngày xưa nó cứ nhập nhòe trong đầu Sam… Mỗi lần gặp chuyện chẳng vui, Sam lại lần mò giở lại mấy trang đời mốc meo ngày còn lam lũ với mấy đứa bạn, lúc nào hình ảnh thằng Tuấn cũng nhào ra sáng lóe nhất, khuôn mặt hiền hòa và nụ cười tỏa nắng ban mai của nó vẫn còn y sì trong đầu Sam. Bức ảnh Sam chụp lại trong ký ức về thằng Tuấn cứ rõ dần rõ dần trong nỗi nhớ, rồi tới cái đoạn nước mắt cứ trào ngược nghẹn ngào. Sam xếp vội cuốn sổ nhật ký như để chạy trốn thoát khỏi đoạn đó. Đầu óc Sam xây xẩm, mặt mũi tối sầm, nước mắt hoen dần khóe mi. Sam đi ngược về vô thức, trước mắt Sam là cơn mưa mù mịt giông tố nổi lên, buổi chiều nghiệt ngã ập về quay chầm chậm từng giây, khuôn mặt tái mét của thằng Tuấn hiện lên dật dờ. Sam ôm mặt, có một vết khắc sâu lắm đang nhói lên từ lồng ngực…

Buổi chiều định mệnh!

Tiếng thằng Tí vừa gào thét vừa chạy miệng kêu to:

- Ông Cố ơi… Ông Cố ơi… Cứu Thằng Tuấn… Ông Cố ơi, thằng Tuấn chìm rồi… - Tiếng thằng Tí ngày càng khản đi trong nước mắt đầm đìa.

Ông Cố lao nhanh về phía bờ sông trong cơn mưa xối xả… Phóng theo chiếc thuyền bị lật úp, ông Cố đờ người lặn hụp theo nhóm thợ lặn chuyên nghiệp. Sau tám tiếng đồng hồ ngâm người dưới nước, ông Cố ôm gọn xác thằng Tuấn lên, thẩn thờ bước đi như kẻ vô hồn. Ông Cố khóc! Lần đầu tiên trên mặt ông Cố có vệt nước dưới mắt dài ngoằng chảy xuống tận cằm mà không muốn lau. Ba mẹ thằng Tuấn ngất lịm, chết lên chết xuống! Cả nhà thờ khóc tiễn đưa thằng Tuấn. Đáng lý ra thằng Tuấn không chìm, nó biết bơi.

Khi chiếc xuồng bị lật, để cứu thằng Tí nó lấy hết sức bình sinh đẩy thằng Tí vào bờ. Bọn tôi kéo thằng Tí vô được tới bờ thì nó với theo chiếc xuồng… Lặn hụp ngay cây cầu bắc qua sông trước nhà thờ, nước xoáy, trồi lên được vài hơi rồi nó mất hút. Mưa to, nước trút ầm ầm, cả bọn không nhìn thấy gì, cho tới một lúc sau không nhìn thấy nó cả bọn mới gào lên…

Cả bọn khóc lóc thảm thiết kể từ khi người ta đang mò xác nó cho tới lúc hạ nó xuống sâu tận lòng đất. Thằng Tí là đứa khóc nhiều nhất, nó kể lể gọi thằng Tuấn là “Ông Cố Tuấn”, từ nay không còn ai làm lễ cho nó thưa kinh. Trong thánh lễ an táng Tuấn, ông Cố cũng nghẹn ngào. Ai cũng biết ông Cố rất thương nó, ông Cố lo cho nó ăn học, vun vén cho giấc mơ làm “Ông Cố” non xanh của nó. Cả nhà thờ xúc động lau nước mắt. Ông nội nó ngồi thẩn thờ rất lâu. Nỗi đau mất mát này kéo dài và sâu tận lồng ngực…

Sam gấp quyển nhật ký lại nhưng không thể gấp lại cái vòng xoay của ký ức, mãi cho tới khi có tiếng gọi: “Cô Sam… Cô Sam… Có ai hỏi thăm cô kìa!” Thằng Tí!... Khuôn mặt ấy không lẫn vào đâu được, mặc dù mái đầu xanh non năm nào đã thay bằng mái đầu hoa râm. Sam ngỡ ngàng sửng sốt đến không thể nói nên lời. Mười năm rồi còn gì! Kể từ ngày chia tay nhau sướt mướt trường đại học, Sam tình nguyện về tít vùng sâu làm cô giáo làng, Tí rẽ về lối khác với hoài bão mà thằng bạn đã ra đi để lại: Làm “Ông Cố”!

Sam lật tới lật lui tấm thiệp mời “Thánh lễ Truyền chức…”
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...