THI GIÁO LÝ Ngày Tĩnh Huấn Giáo Lý Viên Gp. Ban Mê Thuột 2019


THI GIÁO LÝ
Ngày Tĩnh Huấn Giáo Lý Viên  Gp. Ban Mê Thuột 2019
Nội dung:
Tin mừng thánh Máccô. Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ kinh Phụng Vụ.
* Bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô: Giáo Lý Viên, Chứng Nhân Của Đức Tin
ngày 27.09.2013
Thư Mục Vụ Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 27. 9. 2018


I - LỆNH LÊN ĐƯỜNG
Gồm có 10 câu hỏi trắc nghiệm chung cho 8 đội.
+ Mỗi câu đúng được 20 điểm.
+ Mỗi câu hỏi có 10 giây để trả lời. Trả lời bằng bảng viết.

01. Đấng đưa Chúa Giêsu vào hoang địa là: (Mc 1,12)  
          a. Thần Khí. (Đúng)
          b. Ông Gio-an.
          c. Ma quỷ.
          d. Chúa Cha.
         


02. Ông Đavít vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa, dưới thời: (Mc 2,26)  
          a. Thượng tế Cai-pha.
          b. Thượng tế Hê-li.
          c. Thượng tế Da-ca-ri-a.
          d. Thượng tế A-bi-a-tha. (Đúng)

03. Dụ ngôn Người gieo giống được Chúa Giêsu giảng dạy tại : (Mc 4,1)  
          a. Thành Giê-ru-sa-lem.
          b. Ven Biển Hồ. (Đúng)
          c. Thành Giê-ri-khô.
          d. Thành Sa-ma-ri-a.

04. Theo Thư Mục vụ 2018: Ngày nay, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai gặp nhiều khó khăn trong 
a. Việc làm ăn
          b. Sinh hoạt gia đình
          c. Việc giáo dục con cái
          d. Cả a, b và c đúng. (Đúng)  

05. Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ám và cho nhập vào đàn heo tại: (Mc 5,1)  
          a. Ghê-ra-sa. (Đúng)
          b. Bê-ta-ni-a.
          c. Bết-xai-đa.
          d. Sa-ma-ri-a.

06. Con gì chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa? (Mc 10,25)  
          a. Con rắn.
          b. Con lạc đà. (Đúng)
          c. Con chiên.
          d. Con dê.

07.  Người mù thành Giê-ri-khô tên là: (Mc 10,46)  
          a. Ti-mê.
          b. Ba-ra-ba.
          c. Ba-ti-mê. (Đúng)
          d. Tô-ma.

08.  Theo Đức Thánh Cha: Chúng ta có thể mang lại hoa quả nếu chúng ta:
            a. Yêu mến Chúa Giêsu.
          b. Tin tưởng Chúa Giêsu.
          c. Hiệp nhất với Chúa Giêsu. (Đúng)
          d. Cầu nguyện với Chúa Giêsu.

09. Bà Hêrôđia là vợ của vua: (Mc 6,17)
          a. Phi-líp-phê. (Đúng)
          b. Hê-rô-đê An-ti-pa.
          c. Ác-ríp-pa.
          d. Hê-rô-đê Cả.

10. Ông trưởng hội đường đến xin Chúa Giêsu cứu chữa con gái ông gần chết tên là: (Mc 5,22)
          a. Gia-ô.
          b. Giô-na.
          c. Gio-an.
          d. Gia-ia. (Đúng)

II – CÙNG ĐỒNG HÀNH

Gồm 16 câu hỏi dành cho 8 giáo hạt.
+ Mỗi giáo hạt 2 câu hỏi. Mỗi câu đúng được 20 điểm.
+ Mỗi câu hỏi có 10 giây để trả lời.
+ Mỗi câu hỏi được trả lời 3 lần.



1a. Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai, để làm gì?(Mc 3,14)
          Để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.
1b. Ai đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Chúa Giêsu? (Mc 15,43)
          Ông Giô-xếp.
++++++++++++++++++++++++
2a. Khi nghe người nhà ông trưởng hội đường nói ‘con bé chết rồi’, Chúa Giêsu nói gì với ông ? (Mc 5,35-36)
          “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”
2b. Ông  Phêrô chối Chúa Giêsu tại sân dinh nào? (Mc 14,66-72)
          Sân dinh thượng tế.
++++++++++++++++++++++++++++
3a. Trong phép lạ bánh hoá nhiều lần thứ nhất, sau khi dân chúng ăn no nê, người ta thu lại được bao nhiêu thúng đầy? (Mc 6,43)
          Mười hai thúng đầy.
3b.  Hãy hoàn thành câu : “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ... ... ... .” (Mc 14,62)
          - Ngự giá mây trời mà đến.
++++++++++++++++++++++++++++++
4a. Trong phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai, Chúa Giêsu dùng bao nhiêu chiếc bánh? (Mc 8,5)
          Bảy chiếc bánh.
4b. Lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá là gì ? (Mc 15,34)
          “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”
++++++++++++++++++++++++++++
5a. Ông Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô tại đâu? (Mc 8,27-29)
          Tại Xê-da-rê Phi-líp-phê.
5b. “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà ... ... ... .” (Mc 14,36)
          Làm điều Cha muốn.
++++++++++++++++++++++
6a. Chúa Giêsu nói: “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống”, thì thế nào?(Mc 8,36)
          Thì người ta nào có lợi gì?
6b. Chúa Giêsu bảo các ông hãy đi khắp tứ phương thiên hạ làm gì? (Mc 16,15)
          Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
 +++++++++++++++++++++++++++
7a. Trong cuộc hiển dung, có tiếng phán từ trời thế nào ? (Mc 9,7)
           “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”
7bÔng Si-môn, gốc Ky-rê-nê, là thân phụ của ai ? (Mc 15,21)
          Thân phụ của ông A-lê-xan-đê và Ru-phô.
++++++++++++++++++++++++
8a. Chúa Giêsu bảo người thanh niên giàu có bán tất cả những gì anh có để làm gì ? (Mc 10,21)
          Để cho người nghèo.
8b“Anh ngủ à ? Anh không thức nổi một giờ sao?” Câu này Chúa Giêsu nói với ai ? (Mc 14,37)
          Ông Phê-rô.

 
III – QUA SA MẠC
 
Soạn theo ô chữ với 8 câu hàng ngang và 1 câu từ khóa gồm 8 chữ cái. Mỗi đội được chọn bất kỳ câu hàng ngang nào. Câu trả lời dành cho 8 đội. Mỗi câu đúng được 30 điểm. Câu sai 0 điểm.
* Câu từ khóa được 60 điểm. Mỗi hàng ngang có 1 mẫu tự của câu từ khóa ở ô được tô đậm.
* Câu từ khóa có thể được giải bất cứ thời điểm nào.
* Nếu câu từ khóa được giải cuộc thi vẫn tiếp tục cho hết câu hàng ngang.
* Nếu đội nào giải sai câu từ khóa thì dừng cuộc chơi ở phần này, phần sau vẫn được tiếp tục thi.
Mỗi câu hỏi có 10 giây để trả lời. Trả lời bằng bảng viết.
 
Ô Chữ


Những gợi ý
01. Tại hội đường thành nào, thần ô uế đã kêu lên “Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”? (Mc 1,21-24) Ca-phác-na-um.
02. Theo Bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha, yếu tố thứ nhất: Tái lên đường từ Đức Kitô nghĩa là có sự thân tình với ai? Chúa Giêsu.
03. Ông An-rê làm nghề gì? (Mc 1,16) Đánh cá.
04. Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ Chúa Giêsu để làm gì ? (Mc 16,1) Ướp xác.
05. Theo Thư mục vụ 2018, các gia đình di dân gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới, về mặt gì? Đức tin.
06. Khi nói: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử !” Chúa Giêsu nhắc lại lời dạy của ai ? (Mc 7,10).-sê.
07. Thân phụ của ông Lê-vi tên là gì ? (Mc 2,13-14) An-phê.
08. Chúa Giêsu loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh lần thứ hai, khi Ngài đang băng qua miền nào? (Mc 9,30) Ga-li-lê.

Chủ đề của ô chữ : Đức Giêsu
 
IV – MAU TIẾN BƯỚC
Gồm 16 câu hỏi dành cho 8 giáo hạt.
+ Mỗi giáo hạt 2 câu hỏi.
+ Mỗi câu đúng được 40 điểm.
+ Mỗi câu hỏi có 10 giây để trả lời.
+ Mỗi câu hỏi được trả lời 3 lần.


1a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Bọn lính trao rượu pha gì cho Chúa Giêsu, nhưng Người không uống?(Mc 15,23)
          Pha mộc dược.
1b. Câu hỏi từ Thư Mục vụ: Với những gia đình bị đổ vỡ, chúng ta cần phải làm gì?
          Cảm thông và giúp đỡ.
+++++++++++++++++++++++
2a. Câu hỏi từ Tin Mừng: Chúa Giêsu nói: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm gì nữa? (Mc 9,35)
          Làm người phục vụ mọi người.
2b. Theo Bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha: Trong cuộc sống với lời nói và chứng tá của mình, chúng ta trợ giúp và hướng dẫn nhau tới gặp ai?
          - Chúa Giêsu.
++++++++++++++++++++++++
3a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Ai hỏi Chúa Giêsu : “Ông là vua dân Do-thái sao?” ? (Mc 15,2)
           Ông Phi-la-tô.
3b. Câu hỏi từ Thư Mục vụ : Trong tình hình hiện nay, HĐGM VN xin anh chị em lưu tâm đến những hoàn cảnh nào?
          Các gia đình di dân, những cặp hôn nhân khác đạo, những gia đình bị đổ vỡ.
++++++++++++++++++++++++++
4a. Câu hỏi từ Tin Mừng : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Câu này ai nói với Chúa Giêsu? (Mc 12,32-33)
          Một kinh sư.
4b. Theo Đức Thánh Cha : Là Giáo lý viên có nghĩa là trao ban điều gì?
          - Trao ban chứng từ Đức Tin.
+++++++++++++++++++++
5a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên thế nào? (Mc 12,10)
          Đá tảng góc tường.
5b. Câu hỏi từ Thư Mục vụ : Với những gia đình hôn nhân khác đạo, chúng ta cần đồng hành và nâng đỡ họ, để họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho những ai?
          - Cho mọi người trong gia đình, gia tộc và lối xóm.
++++++++++++++++++++++
6a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Bọn lính đóng đinh Chúa Giêsu vào giờ thứ mấy? (Mc 15,25)
          Giờ thứ ba.
6b. Theo Bài Huấn dụ của Đức Thánh ChaGiáo Hội không lớn lên qua việc tạo ra các người mới nhập đạo. Nhưng lớn lên qua sức hấp dẫn lôi kéo”. Đây là lời trích của ai?
           Đức Thánh Cha Beneđictô XVI.
+++++++++++++++++++++++
7a. Câu hỏi từ Tin Mừng : “Kìa Thầy xem : cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!” Đây là lời ai nói với Chúa Giêsu? (Mc 11,20)
          Ông Phê-rô.
7b. Câu hỏi từ Thư Mục vụ : Ước gì Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cũng thấm vào xương tủy chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể làm gì?
          Làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống của mình.  
++++++++++++++++++++
8a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Khi Chúa Giêsu đi trên biển đến với các môn đệ, các ông đều nhìn thấy Người và hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông điều gì? (Mc 6,50)
           Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!
8b. Theo Bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha: Việc dạy Giáo lý là một cột trụ cho việc gì?
           Giáo dục Đức Tin.
+++++++++++++++++++++

V – VÀO ĐẤT HỨA
Có 8 bộ đề thi, mỗi bộ đề gồm 2 câu hỏi.
+ Mỗi câu hỏi được 50 điểm.
+ Có thể chọn ngôi sao hy vọng cho 1 trong 2 câu hỏi thuộc phần này.
+ Nếu trả lời đúng thì được cộng thêm 50 điểm cho ngôi sao hy vọng.
+ Nếu trả lời sai thì trừ 50 điểm cho ngôi sao hy vọng.
+ Mỗi câu hỏi có 10 giây để trả lời.
+ Mỗi câu hỏi chỉ được trả lời 1 lần.


1a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Trong hoang địa bốn mươi ngày, Chúa Giêsu đối diện với thử thách nào? (Mc 1,13)
          Chịu Xa-tan cám dỗ.
1b. Theo Bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha: Yếu tố thứ ba là tái lên đường từ Đức Kitô, điều này có nghĩa là gì?
          - Không sợ đi với Ngài tới các vùng ngoại ô.
++++++++++++
2a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy làm gì?(Mc 1,15)
          - Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
2b. Câu hỏi từ Thư Mục vụ : “Đạo thánh đã thấm vào xương tủy tôi rồi, làm sao tôi bỏ Đạo được”. Đây là lời của thánh tử đạo nào ?
          - Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu.
+++++++++++++
3a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Hãy hoàn thành câu : “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi : Ông là ... ... ... .”  (Mc 1,24)
          - Đấng Thánh của Thiên Chúa!
3b. Theo Bài Huấn dụ của Đức Thánh ChaTình yêu của Đức Kitô thúc đẩy chúng ta”. Câu này được trích của ai?
          Thánh Phaolô.
++++++++++++++
4a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Khi gặp ông Lê-vi, Chúa Giêsu nói gì với ông? (Mc 2,14)
          - Anh hãy theo tôi.
4b. Câu hỏi từ Thư Mục vụ : Với những người đã li dị và tái hôn, Hội Thánh đối xử thế nào?
          - Yêu thương và quan tâm chăm sóc.
++++++++++++++
5a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Khi sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng, Chúa Giêsu cho phép các ông được mang gì đi đường? (Mc 6,7-9)
          Gậy và dép.
5b. Theo Bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha,  Yếu tố thứ hai: Tái lên đường từ Đức Kitô có nghĩa là bắt chước Ngài trong những việc gì ?
          - Ra khỏi mình và đi gặp gỡ người khác.
+++++++++++++++++
6a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Khi nhìn thấy người bại liệt được thả xuống từ mái nhà, Chúa Giêsu liền nói gì? (Mc 2,5)
          - Này con, con đã được tha tội rồi.
6b. Câu hỏi từ Thư Mục vụ : Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi làm gì ?
          Chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn.
+++++++++++++++
7a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Chúa Giêsu, vừa lên khỏi nước, tiếng từ trời phán thế nào?(Mc 1,11)
          - “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
7b. Trong bài Huấn dụ, Đức Thánh Cha mời gọi hãy đọc cuốn sách ngôn sứ nào?
          - Giô-na.
+++++++++++++++++
8a. Câu hỏi từ Tin Mừng : Câu khởi đầu Tin mừng theo thánh Máccô là gì?(Mc 1,1)
          - Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.
8b. Câu hỏi từ Thư Mục vụ: Dựa vào giáo huấn của Chúa, Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng điều gì?
          - Chung thủy với nhau đến trọn đời.


Nguyễn Thái Hùng
+++++++++++++++++++++

Chúc các bạn có những giây phút vui và bổ ích.



THƯ MỤC VỤ
 
CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
GỞI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA
NGÀY 27. 9. 2018


Anh chị em thân mến,
Chúng tôi, các Giám mục thuộc 26 Giáo phận, tham dự Hội nghị thường niên kỳ II-2018 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho, xin gửi đến anh chị em lời chào thân ái trong Chúa Giêsu Kitô. Qua thư này, chúng tôi xin gửi tới anh chị em một vài thông tin và định hướng mục vụ.
 
1. Ngày 21 tháng 5 năm 2018, Phòng báo chí Tòa Thánh loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Marek Zalewski làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Đức Tổng giám mục Marek Zalewski gia nhập ngành ngoại giao của Tòa Thánh từ năm 1995 và đã phục vụ tại nhiều nhiệm sở khác nhau trên thế giới, trước khi nhận nhiệm vụ tại Singapore và tại Việt Nam.
 
Nhân dịp Hội nghị thường niên kỳ II-2018 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngày 24.09.2018, chúng tôi vui mừng đón tiếp vị tân Đại diện Tòa Thánh. Thay mặt Dân Chúa tại Việt Nam, chúng tôi đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã luôn quan tâm đến đoàn chiên nhỏ bé tại Việt Nam và gửi đại diện của ngài đến đồng hành. Chúng tôi hy vọng sự hiện diện của vị Đại diện Tòa Thánh sẽ góp phần gia tăng sự hiểu biết giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh, củng cố mối hiệp thông của Hội Thánh Việt Nam với Hội Thánh phổ quát, cũng như thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu trên quê hương đất nước chúng ta.
 
2. Như đã trình bày trong Thư Chung 2016, Hội Thánh Việt Nam tập trung vào chủ đề Mục vụ gia đình trong ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm. Trong năm 2018-2019, chúng ta được mời gọi đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Chúng tôi muốn nhắc lại ở đây những nét căn bản trong Thư gửi các gia đình Công giáo năm 2016:
 
Chúa Giêsu một đàng đưa ra lí tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác, Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân, như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi xin anh chị em lưu tâm đến những hoàn cảnh sau:
 
Trước hết là các gia đình di dân: ngày nay vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Vì thế, chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và hy vọng được triển nở giữa những khó khăn thử thách.
 
Kế đến là những cặp hôn nhân khác đạo: trong những gia đình này, có những khó khăn riêng do việc vợ chồng không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình. Vì thế, chúng ta cần đồng hành và nâng đỡ họ, nhất là giúp người phối ngẫu Công giáo trong đời sống đức tin, để họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người trong gia đình, gia tộc và lối xóm.
 
Cuối cùng là những gia đình bị đổ vỡ: dựa vào giáo huấn của Chúa, Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều cặp hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn không thể hòa giải và dẫn tới đổ vỡ. Một số người Công giáo rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế, thay vì lên án và loại trừ, chúng ta cần cảm thông và giúp đỡ họ nơi cộng đoàn đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Đối với những người đã li dị và tái hôn, họ vẫn được Hội Thánh yêu thương và quan tâm chăm sóc với tình mẫu tử.
3. Hội nghị thường niên kỳ II-2018 diễn ra trong Năm Thánh kỷ niệm 30 năm tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Để sống tinh thần của Năm Thánh, chúng tôi đã hành hương về giáo xứ Ba Giồng, nơi tôn kính Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 giáo dân tử đạo. Cha thánh Phêrô Lựu đã dõng dạc trả lời quan án trước công đường: “Đạo thánh đã thấm vào xương tủy tôi rồi, làm sao tôi bỏ Đạo được”. Ước gì Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cũng thấm vào xương tủy chúng ta, nhờ đó có thể làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống của mình. Các Thánh Tử Đạo là những người yêu mến Quê hương và Dân tộc Việt Nam. Trong cuộc hành hương này, chúng tôi cầu nguyện cho Quê hương được bình an, lãnh thổ, lãnh hải được toàn vẹn, nhân phẩm được tôn trọng và đồng bào được hạnh phúc. Xin anh chị em hãy tiếp tục cùng với chúng tôi thân thưa với các ngài:
 
“Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã yêu mến Quê hương, xin cầu cho Đất nước được an vui hạnh phúc và mọi người chung tay xây dựng một thế giới hòa bình. Các ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, xin cầu cho đồng bào mọi giới biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Các ngài đã hi sinh tất cả vì đức tin, xin cầu cho chúng con là con cháu, biết sống và chia sẻ niềm tin của mình, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài, ca tụng Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.”
 
Làm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho
Ngày 27 tháng 9 năm 2018
Hội đồng Giám mục Việt Nam
                    Tổng thư ký                                    Chủ tịch
                 +Phêrô Nguyễn Văn Khảm            +Giuse Nguyễn Chí Linh
                       Giám mục GP. Mỹ Tho              Tổng giám mục TGP. Huế
******************************************************************



BÀI HUẤN DỤ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRONG BUỔI TRIỀU YẾT DÀNH CHO
CÁC GIÁO LÝ VIÊN THAM DỰ ĐẠI HỘI QUỐC TẾ VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
TRONG KHUÔN KHỔ NĂM ĐỨC TIN
CHỦ ĐỀ: GIÁO LÝ VIÊN, CHỨNG NHÂN CỦA ĐỨC TIN
(Vatican, ngày 27-09-2013)

Các Giáo lý viên thân mến,
Chúc Anh chị em một buổi chiều tốt đẹp!

Cha vui mừng vì trong Năm Đức Tin có việc tổ chức cuộc gặp gỡ này cho Anh chị em: Việc dạy Giáo lý là một cột trụ cho việc giáo dục Đức Tin, và người ta cần có các Giáo lý viên tốt! Xin cám ơn Anh chị em vì công tác phục vụ này cho Giáo Hội và trong Giáo Hội. Cho dù nhiều lần công việc này xem ra có vẻ khó khăn, người ta làm việc thật nhiều, người ta dấn thân thật nhiều, nhưng không nhìn thấy các kết quả mong muốn; giáo dục Đức Tin thật là đẹp! Và có lẽ là di sản tốt nhất mà chúng ta có thể trao ban: Đức Tin! Giáo dục trong Đức Tin, để Đức Tin lớn lên. Giúp trẻ em, thanh thiếu niên, các người trẻ, người trưởng thành, biết và luôn yêu mến Chúa Kitô hơn nữa, là một trong những chuyến mạo hiểm giáo dục đẹp nhất, vì người ta xây dựng Giáo Hội!

” Giáo lý viên! Không làm việc với tư cách là Giáo lý viên: điều này không giúp ích gì cả! Tôi làm việc theo tư cách là Giáo lý viên, bởi vì tôi thích dạy . . . Nhưng nếu Bạn không “” Giáo lý viên, thì điều này không ích lợi gì! Bạn sẽ không trở nên phong phú, các Giáo lý viên Nam hay Nữ. Giáo lý viên là một ơn gọi: “là Giáo lý viên”, đó là một ơn gọi, Các Con không làm việc với tư cách là Giáo lý viên. Các Con hãy chú ý cho kỹ, Cha không nói “làm” Giáo lý viên, nhưng “là Giáo lý viên”, bởi vì điều này bao gồm cuộc sống. Người ta hướng dẫn tới gặp gỡ Chúa Giêsu với lời nói và bằng cuộc sống, với chứng tá. Các Con hãy nhớ lại điều mà Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã nói với chúng ta: “Giáo Hội không lớn lên qua việc tạo ra các người mới nhập đạo. Nhưng lớn lên qua sức hấp dẫn lôi kéo”. Và điều lôi kéo hấp dẫn là chứng tá. Và điều này không dễ đâu. Không dễ chút nào! Là Giáo lý viên có nghĩa là trao ban chứng từ Đức Tin; là sống hài hòa trong đời sống riêng của mình. Và điều này không dễ dàng. Không dễ đâu! Chúng ta trợ giúp nhau, chúng ta hướng dẫn nhau tới gặp gỡ Chúa Giêsu qua lời nói và cuộc sống, với chứng tá. Cha thích nhắc lại điều mà Thánh Phanxicô thành Assisi nói với các Thày Dòng của mình: “Anh em hãy luôn rao giảng Phúc Âm và, nếu cần thiết, bằng cả lời nói nữa”. Có lời nói . . . nhưng trước đó là chứng tá: Làm sao người ta nhìn ra trong đời sống của Anh chị em Phúc Âm, người ta có thể đọc được Phúc Âm. Và “” Giáo lý viên đòi hỏi tình yêu, tình yêu Đức Kitô luôn mạnh mẽ hơn, tình yêu với Dân thánh của mình. Và tình yêu này không mua bán được trong các tiệm bán hàng, cũng không mua ở đây tại Roma. Tình yêu này đến từ Đức Kitô! Và đó là món quà của Đức Kitô! Đó là món quà của Đức Kitô! Và nếu đến từ phía Đức Kitô, thì chúng ta phải bắt đầu lại từ Đức Kitô, cả từ tình yêu Ngài ban cho chúng ta. Điều này có nghĩa gì việc khởi đầu lại từ Đức Kitô đối với một Giáo lý viên, cho Các Con, và cả cho Cha nữa, bởi vì Cha cũng là một Giáo lý viên, phải không? Điều này có nghĩa gì?
 
Sau đây Cha sẽ nói về 3 điểm: một, hai và ba, như các Cha Dòng Tên thường làm . . . một, hai và ba!
 
1. Yếu tố thứ nhất: Tái lên đường từ Đức Kitô có nghĩa là có sự thân tình với Chúa Giêsu.
 
Chúa Giêsu nhắn nhủ điều đó với sự nhấn mạnh cho các môn đệ trong Bữa Tối Sau hết, khi Ngài bắt đầu sống ơn huệ cao cả nhất của tình yêu, qua hy tế trên Thập Giá. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho, và nói: Các Con hãy ở lại trong tình yêu của Ta, hãy ở lại gắn bó với Ta, như cành gắn bó với cây nho. Nếu chúng ta hiệp nhất với Ngài, chúng ta có thể mang lại hoa quả, và điều này là sự thân tình với Đức Kitô. Hãy ở lại trong Chúa Giêsu! Đó là việc ở lại, gắn bó với Ngài, ở lại bên trong Ngài, cùng Ngài, khi nói với Ngài: ở lại trong Chúa Giêsu.
 
Việc thứ nhất, với một môn đệ, là ở với Thầy của mình, lắng nghe Ngài, học với Ngài. Và điều này vẫn luôn có giá trị, là hành trình kéo dài suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ lại, bao nhiêu lần trong giáo phận này, hay trong giáo phận khác mà tôi đã giúp, là nhìn thấy sau các giờ lớp tại chủng viện tổ chức cho Giáo lý viên, các Giáo lý viên đi ra và nói: “Tôi có chứng chỉ của Giáo lý viên rồi!”. Điều đó không giúp ích gì, bạn không có gì, bạn mới chỉ đi qua một con đường nhỏ! Ai sẽ giúp bạn? Điều này có giá trị luôn! Không phải là một tước hiệu, nhưng là một thái độ: ở lại với Ngài; và trong tất cả cuộc đời! Đó là ở lại trước mặt Thiên Chúa, để cho mình được hướng dẫn bởi Ngài. Cha hỏi Các Con: Làm sao ở trước mặt Chúa? Khi bạn đến với Chúa, hãy nhìn lên Nhà Tạm, Các Con làm điều gì? Không nói gì … Nhưng Cha nói điều đó, Cha nói, Cha suy nghĩ, Cha suy niệm, Cha lắng nghe … Tốt lắm! Nhưng có đó để cho mình được Chúa nhìn. Hãy để cho Chúa nhìn Các Con. Ngài nhìn chúng ta và điều này là một cách thế cầu nguyện. Nhưng làm sao được? Hãy nhìn lên Nhà Tạm và hãy để Ngài nhìn bạn . . . thật là đơn sơ! Và điều này quan trọng hơn là tước hiệu là Giáo lý viên: đó là một phần của việc “là” Giáo lý viên. Điều này làm nóng con tim, làm nóng lên ngọn lửa của tình bạn với Đức Kitô, làm cho con cảm thấy rằng Ngài thực sự đang nhìn con, Ngài gần con và yêu thương con nhiều. Một trong các lối ra mà Cha đã làm, ở đây tại Roma, trong một Thánh Lễ. Một ông đã đến, còn tương đối trẻ, và đã nói với Cha: “Thưa Cha, rất vui được biết Cha, nhưng tôi không tin gì cả! Tôi không có ơn Đức Tin!”. Ông ta biết rằng đó là một ơn. “Tôi không có ơn Đức Tin! Cha nói gì với tôi?”. “Ông đừng chán nản. Ngài yêu thương Ông lắm. Ông hãy để cho Ngài nhìn Ông! Không gì hơn nữa”. Và Cha nói điều này với Các Con: Các Con hãy để cho Chúa nhìn Các Con! Cha biết rằng với chúng con điều này không phải là đơn giản: nhất là với những ai đã cưới nhau và có con cái, khó để tìm được một thời gian dài để sống trong thinh lặng. Nhưng cám ơn Thiên Chúa, không cần là tất cả phải làm cùng một cách như nhau; trong Giáo Hội có sự khác biệt về ơn gọi và sự khác biệt về hình thức siêu nhiên; điều quan trọng là tìm ra được cách thích hợp để ở với Chúa; và điều này người ta có thể làm được, có thể thực hiện được trong mọi bậc sống. Trong lúc này, mỗi người có thể hỏi mình: làm sao tôi sống việc “” với Chúa Giêsu? Đây là một câu hỏi Cha gợi ra cho Các Con: “Làm sao tôi sống việc “ở lại” với Chúa Giêsu, việc “ở trong” Chúa Giêsu?”.Tôi có những giờ phút trong đó tôi ở lại trước nhan thánh Ngài, trong thinh lặng, tôi để cho Ngài hướng dẫn tôi? Tôi để cho ngọn lửa của Ngài nóng lên trong con tim của tôi? Nếu trong con tim của tôi không có sức nóng của Thiên Chúa? Không có sức nóng của Thiên Chúa, sức nóng của tình yêu của Ngài, của sự dịu hiền của Ngài, như chúng ta có thể, chúng ta là những kẻ tội lỗi khốn cùng, để hun nóng lại con tim của người khác không? Các Con hãy nghĩ tới điều này! 

2. Yếu tố thứ hai: Tái lên đường từ Đức Kitô có nghĩa là bắt chước Ngài trong việc ra khỏi mình và đi gặp gỡ người khác.

Điều này là một kinh nghiệm thật đẹp, và hơi có vẻ mâu thuẫn. Vì sao thế? Bởi vì ai đặt Đức Kitô vào trung tâm của đời sống của mình, thì phải ly tâm ra ngoài! Nếu bạn càng hiệp nhất với Chúa Giêsu và Ngài càng trở nên trung tâm của đời sống của bạn, thì Ngài càng làm cho bạn ra khỏi chính mình, bạn càng ly tâm ra khỏi mình và Bạn mở Bạn ra cho người khác. Đây là sức năng động đích thực của tình yêu, đây là sức chuyển động của chính Thiên Chúa! Thiên Chúa là trung tâm, nhưng Ngài luôn là ơn huệ trao ban chính mình, là mối liên hệ, là sức sống truyền đạt… Như thế chúng ta cũng trở nên chính chúng ta ở lại hiệp nhất với Đức Kitô, Ngài làm cho chúng ta đi vào trong sức năng động của tình yêu này. Ở đâu có sự sống thực trong Đức Kitô, thì có việc mở ra cho người khác, có việc đi ra của chính mình để đi gặp gỡ người khác nhân danh Đức Kitô. Và điều này là công việc của Giáo lý viên: liên tục ra khỏi mình vì tình yêu, để làm chứng cho Chúa Giêsu và nói về Chúa Giêsu, rao giảng Chúa Giêsu. Đó là điều quan trọng bởi vì Chúa làm điều đó: đó chính là Chúa thúc đẩy chúng ta đi ra. Con tim của Giáo lý viên luôn sống sự chuyển động này của “làm – không làm”: hiệp nhất với Chúa Giêsu – gặp gỡ với người khác. Đó là 2 điều: tôi hiệp nhất với Chúa Giêsu và tôi đi ra để gặp gỡ người khác. Nếu thiếu một trong hai sự chuyển động này thì không còn hoạt động nữa, không thể sống được nữa. Đón nhận trong ơn huệ việc rao giảng, và đến lượt mình cống hiến đi như là ơn huệ. Lời nói nhỏ này: ơn huệ. Giáo lý viên ý thức là đã nhận được ơn huệ, ơn huệ của Đức Tin và trao ban nó như ơn huệ cho người khác. Điều này thật đẹp. Và người ta không thi hành cho mình phần trăm nào! Tất cả điều đó mà Giáo lý viên lãnh nhận, họ lãnh nhận, thì họ cho đi! Điều này không phải là việc buôn bán! Không phải là buôn bán! Mà là ơn huệ nguyên tuyền: ơn huệ nhận được và ơn huệ chuyển trao. Giáo lý viên là ở đó, trong cái vòng của ơn huệ. Như thế trong chính bản tính của việc rao giảng: là ơn huệ sinh ra sứ vụ, thúc đẩy luôn ra khỏi chính mình. Thánh Phaolô nói: “Tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy chúng ta”, nhưng cái “thúc đẩy chúng ta” cũng có thể dịch là “chiếm hữu chúng ta“. Vì vậy, tình yêu lôi kéo bạn và sai bạn, đem bạn và trao ban bạn cho người khác. Trong cái căng thẳng này con tim Kitô hữu chuyển động, đặc biệt con tim của Giáo lý viên. Tất cả chúng ta hỏi mình: là như thế con tim của Giáo lý viên đập: hiệp nhất với Chúa Giêsu và gặp gỡ với người khác? Với chuyển động này, người ta nuôi dưỡng trong tương quan với Ngài, nhưng có phải để mang Ngài đến cho người khác và không để giữ Ngài lại với mình phải không? Cha nói với Các Con một điều: Cha không hiểu làm sao một Giáo lý viên có thể ở lại cách vững chắc, mà không có chuyển động này. Cha không hiểu!
 
3. Yếu tố thứ ba luôn nằm trong đường hướng này: tái lên đường từ Đức Kitô điều này có nghĩa là không sợ đi với Ngài tới các vùng ngoại ô.
 
 Ở đây, đến trong tâm trí của tôi câu truyện tiên tri Giôna, một chân dung thực sự rất lý thú, nhất là trong thời đại của những thay đổi và những điều không chắc chắn. Giôna là con người đạo hạnh, với một đời sống bình lặng và có trật tự; điều này đem ông tới việc có những lược đồ rất rõ ràng và phê phán tất cả theo các lược đồ này và tất cả mọi người theo các lược đồ này, trong cách thế cứng nhắc. Ông nhìn tất cả cách rõ ràng, chân lý là đó. Thật cứng nhắc! Vì thế khi Thiên Chúa kêu ông và nói với ông ra đi rao giảng ở Ninive, một thành phố ngoại giáo lớn, Giôna không thấy yên ổn. Đi tới đó! Nhưng tôi có tất cả sự thật ở đây! Ông không thấy yên ổn, Ninive ở ngoài các lược đồ của ông, đi tới ngoại ô của thế giới của ông. Do đó ông trốn tránh, đi sang Tây Ban Nha, trốn đi, lên tầu đi về hướng đó. Các Con hãy đi đọc cuốn sách của tiên tri Giôna! Cuốn sách ngắn, nhưng là một dụ ngôn rất ích lợi để giáo huấn, nhất là cho chúng ta trong Giáo Hội.

Sách này dạy chúng ta điều gì? Dạy chúng ta không nên sợ đi ra khỏi các lược đồ của chúng ta để đi theo Chúa, bởi vì Thiên Chúa luôn đi vượt xa hơn. Nhưng các bạn có biết một điều này không? Thiên Chúa không sợ! Các Con có biết điều này không? Ngài không có sợ! Ngài luôn vượt qua các lược đồ của chúng ta! Thiên Chúa không sợ hãi! Chính Các Con biết điều này, Ngài không sợ hãi! Ngài luôn vượt qua các lược đồ của chúng ta. Thiên Chúa không sợ vùng ngoại ô. Nhưng nếu Các Con đi ra vùng ngoại ô, Các Con sẽ tìm thấy Ngài ở đó. Thiên Chúa luôn trung thành, và có tính tạo dựng. Và tính sáng tạo như cột trụ của việc “” Giáo lý viên. Thiên Chúa có khả năng sáng tạo, Ngài không đóng kín, và vì điều này Ngài không bao giờ cứng nhắc. Thiên Chúa không hề cứng nhắc. Ngài đón tiếp chúng ta, Ngài đến gặp gỡ chúng ta, Ngài hiểu chúng ta. Để trung thành, để có tính cách sáng tạo, cần phải biết thay đổi. Biết thay đổi. Biết thay đổi. Và tại sao tôi phải thay đổi? Đó là để thích ứng tôi với các hoàn cảnh trong đó tôi phải loan báo Tin Mừng. Để ở với Thiên Chúa cần phải biết đi ra, không được sợ đi ra. Nếu một Giáo lý viên để cho mình ảnh hưởng bởi sợ hãi, thì là một người hèn nhát; nếu một Giáo lý viên sống thanh thản, thì họ kết thúc là nên một bức tượng trong bảo tàng viện: và chúng ta có biết bao nhiêu điều như thế. Chúng ta có biết bao điều như thế. Xin vui lòng, không thể là những tượng trong bảo tàng viện! Nếu một Giáo lý viên cứng nhắc, thì trở nên một tờ giấy khô và son sẻ. Cha hỏi Các Con: có ai trong Các Con muốn là người khô cứng, là tượng của bảo tàng viện hoặc son sẻ? Một ai đó có muốn điều này không? [các Giáo lý viên đáp : không!]. Không, phải không? Chắc không? Được rồi! Điều mà Cha sẽ nói bây giờ, thì Cha đã nói biết bao nhiêu lần, nhưng Cha vẫn cảm thấy phải nói điều đó ra. Khi chúng ta là các Kitô Hữu đóng kín trong nhóm chúng ta, trong phong trào của chúng ta, trong giáo xứ của chúng ta, trong môi trường của chúng ta, chúng ta cũng đóng kín và xẩy ra, là điều xẩy ra cho tất cả những người đóng kín; khi một phòng đóng kín, thì bắt đầu có hơi ẩm. Và nếu một người đóng kín trong căn phòng đó, thì sẽ bệnh! Khi một Kitô Hữu đóng kín trong nhóm của mình, trong giáo xứ của mình, trong phong trào của mình, thì họ tự đóng kín mình lại và bị bệnh. (Nếu một Kitô Hữu đóng ra khỏi vào các đường phố), Nếu một Kitô Hữu đóng kín ra khỏi mình, vào các đường phố tới vùng ngoại ô, có thể xẩy ra, điều xẩy ra cho một người nào đó đang đi qua đường phố: một tai nạn xẩy ra. Bao nhiêu lần chúng ta đã nhìn thấy tai nạn ngoài đường. Nhưng Cha nói với Các Con: Cha thích nghìn lần một Giáo Hội bị tai nạn, và không một Giáo Hội đau ốm! Một Giáo Hội, một Giáo lý viên có can đảm liều lĩnh để đi ra, và không phải là một Giáo lý viên học hành, biết tất cả mọi sự, nhưng luôn đóng kín: đó là một người bệnh. Và nhiều lần bị đau đầu . . . .
 
Nhưng hãy chú ý! Chúa Giêsu không nói: hãy đi và hãy thu xếp. Không, Chúa không nói điều đó! Chúa Giêsu nói: Hãy đi, Ta ở cùng Các Con! Đây là vẻ đẹp của chúng ta và sức mạnh của chúng ta: nếu chúng ta ra đi, nếu chúng ta ra khỏi chính mình, mang Tin Mừng với tình yêu, với tinh thần tông đồ, với việc tỏ ra, thì Ngài cùng đi với chúng ta, Ngài đi trước chúng ta – Tôi nói điều này bằng tiếng Tây Ban Nha – ci primerea. Chúa luôn đi trước chúng ta! Như vậy Các Con đã học ý nghĩa của lời này. Và điều này Kinh Thánh nói cho chúng ta, không phải Cha nói điều này ra. Kinh Thánh nói, Chúa nói trong Kinh Thánh: Tôi như hoa hạnh đào. Tại sao thế? Bởi vì đó là chiếc hoa đầu tiên nở ra trong mùa xuân. Ngài luôn đi trước chúng ta! Ngài là người thứ nhất! Điều này thật căn bản với chúng ta: Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta! Khi chúng ta suy nghĩ để đi xa, trong một khu ngoại ô thật xa, và có lẽ chúng ta hơi sợ, trong thực tế, Ngài đã ở đó rồi: Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta trong con tim của người anh chị em của chúng ta, trong xương thịt bị tổn thương của họ, trong đời sống bị đàn áp của họ, trong linh hồn của họ không có Đức Tin. Nhưng Các Con biết một trong các vùng ngoại ô làm cho Cha biết bao đau khổ, những đau khổ Cha cảm thấy được – Cha đã nhìn thấy trong Giáo phận mà Cha cai quản trước đây. Đó là vùng ngoại ô của trẻ con không hề biết làm Dấu Thánh Giá. Ở Buenos Aires có biết bao nhiêu trẻ con không biết làm Dấu Thánh Giá. Đó là một vùng ngoại ô! Cần phải đi tới đó! Và Chúa Giêsu ở đó, Ngài chờ đợi bạn, để giúp cho một trẻ làm Dấu Thánh Giá. Ngài luôn đi trước chúng ta.
 
Các Giáo lý viên thân mến. Luôn tái lên đường từ Đức Kitô! Cha nói với Các Con tiếng “Cám ơn” vì những gì Các Con làm, nhưng nhất là vì Các Con ở trong Giáo hội, trong Dân của Thiên Chúa lữ hành, vì Các Con cùng đi với Dân của Thiên Chúa. Chúng ta hãy ở với Đức Kitô – ở lại trong Đức Kitô – chúng ta hãy tìm cách để là một với Ngài hơn nữa; chúng ta hãy đi theo Ngài, hãy bắt chước Ngài trong chuyển động của tình yêu, trong việc ra đi gặp gỡ con người; và chúng ta hãy đi ra, hãy mở các cửa ra, hãy có sự táo bạo vạch ra các con đường mới cho việc loan báo Tin Mừng. Chớ gì Chúa chúc lành cho Các Con và Đức Mẹ đồng hành với Các Con. Xin cám ơn! Đức Maria là Mẹ chúng con, Đức Maria luôn đem Chúa đến với chúng ta!
 
(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí  Tòa Thánh phổ biến ngày 29-09-2013. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 29-09-2013).
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...