Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.com/assets/images/logo.png
Thứ ba - 08/07/2025 07:42 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
53
CN 15 TN C - 5 phút Lời Chúa với Thiếu NhiTin Mừng thánh Lu-ca Lc 10, 25-37
CN 15 TN C - 5 phút Lời Chúa với Thiếu Nhi Tin Mừng thánh Lu-ca Lc 10, 25-37
Chào các em,
Hôm nay, Chúa Nhật thứ 15 Thường Niên năm C, Tin mừng theo thánh Lu-ca.
Bài Tin mừng hôm nay là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật về tình mến Chúa yêu người và về việc thực hành đức yêu người.
Thánh sử Lu-ca thuật: “Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10, 25). Người thông luật, cũng gọi là kinh sư hay luật sĩ, là những người chuyên nghiên cứu Kinh Thánh, nghiên cứu Lề luật để hướng dẫn dân chúng. Những người thông luật cùng với những người Biệt phái, còn gọi là Pha-ri-sêu, phần lớn ác cảm và thù ghét Chúa Giêsu vì Ngài có ảnh hưởng trên dân chúng. Hôm nay cũng vậy, người thông luật “đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người”. bởi theo họ, những người giữ luật là người đạo đức thật. Biết thế, Chúa Giêsu mới hỏi ông: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10, 26-27). Về luật mến Chúa, vị thông luật trích dẫn trong sách Đệ Nhị Luật 6,4-6. Câu này trở thành lời kinh Shema, lời kinh quan trọng đóng vai trò trung tâm của mọi buổi cầu nguyện sáng và tối của người Do thái: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-6). Câu này tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất và phải yêu mến Thiên Chúa hết con người và cuộc sống, nghĩa là yêu Chúa không có mức độ và đặt Ngài trên hết mọi sự.
Về luật yêu người, vị luật sĩ đã trích dẫn trong sách Lê-vi: “Phải yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18). Chúa Giêsu dạy anh hãy đi và làm như thế. Nhưng để xác định người thân cận mình là ai, vị luật sĩ chất vấn lại Chúa Giêsu: “Nhưng ai là người thân cận của tôi” (Lc 10, 29).
Chúa Giêsu đã kể Dụ ngôn Người Sa-ma-ri tốt lành: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10, 30-37).
Các em thân mến,
Chúa Giêsu chọn thầy tư tế và thầy Lê-vi, là những người có địa vị ưu đãi và tình trạng kinh tế khá dồi dào trong xã hội người Do thái, phải sống nhân đạo và bác ái hơn những người khác. Thế nhưng họ không thực thi lòng bác ái với người xấu số. Họ không động lòng trắc ẩn với nạn nhân.
Còn người Sa-ma-ri, người mà dân Do thái coi khinh, không đáng để tiếp xúc… lại “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu chạnh lòng thương đám đông bơ vơ, vất vưởng (Lc 9, 10-17…), “một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương,[…] lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc”. Hành động này diễn tả một tình yêu đích thực, không tính toán, so đo, mặc cả với người mình giúp đỡ: là bạn hay thù, là đồng hương hay người xa lạ; hành động diễn tả một cách vô vị lợi: sẵn sàng bỏ công sức, thời gian, của cải và cả nguy hiểm tính mạng mình để giúp đỡ nạn nhân không đòi báo đáp.
Các em thân mến,
“Hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10, 37). Ngày nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta như thế. hãy yêu thương mọi người. Chung quanh chúng ta, trong cộng đồng, trong gia đình có ai mà chúng ta ngó lơ, bỏ qua? Những ngưởi già? Những người đau yếu, bệnh tật? Những người hay chọc giận hoặc những người ta không ưa?
Các em thân mến,
Như Thánh Gioan tông đồ đã viết “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).
Hãy trở nên những học trò ngoan của Thầy Giê-su các em nhé.