Giáo Xứ Thánh Linh cử hành Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi
“Phúc cho ai không mất hy vọng” (Hc 14,2)
Vào lúc 16g00 (4g00 chiều) ngày 27 tháng 7 năm 2025, cộng đoàn Giáo xứ Thánh Linh cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho quý Ông Bà và quý Cụ Cao Niên trong Giáo xứ nhân Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ 5.
Thánh lễ đồng tế do Cha Quản xứ Phêrô Nguyễn Minh Hiển chủ tế cùng với Quý Cha trong Giáo phận, đa số là Quý Cha xuất thân từ Giáo xứ.
Khởi đầu Thánh lễ, Cha chủ tế tóm tắt nguồn gốc ý nghĩa Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi. Ngài ngỏ lời chào cộng đoàn, cách riêng là 82 cụ ông, cụ bà trên 75 tuổi. Trong số đó, có 1 cụ 107 tuổi, thuộc giáo họ Thánh Gia; 1 cụ 105 tuổi, thuộc giáo họ Giuse; 1 cụ 97 tuổi, thuộc giáo họ Lộ Đức. Có 14 cụ từ 90-95 tuổi, 30 cụ từ 80-89 tuổi, 35 cụ từ 75-79 tuổi. Đặc biệt, cộng đoàn chào đón và chúc mừng Cha Antôn Vũ Thanh Lịch vừa tròn 90 tuổi.
Video Bài giảng lễ
Trong bài giảng lễ, Cha Antôn Vũ Thanh Lịch chia sẻ về chủ đề của Năm Thánh Hy Vọng. Hy vọng được định nghĩa như một lời hứa về một tương lai tốt đẹp, với một xác tín rằng chúng ta phải đạt tới điều đó, nhờ ơn Chúa và khả năng của bản thân. Đây là một trong ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến.
Hy vọng giúp chúng ta nhìn thấy những điều tốt đẹp phía trước, dù chỉ là mơ ước. Có hy vọng là có sự thay đổi, thúc đẩy chúng ta vạch ra kế hoạch 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí 100 năm và nỗ lực đạt tới. Hy vọng là động lực để phát triển, để hướng nhìn về tương lai. Sống trong hy vọng là sống lạc quan giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn.
Hôm nay, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi với niềm vui trong Năm Thánh Hy Vọng. Chúng ta không phải là những “người già” mà là “người cao tuổi”. Khác với sự tàn phế, người cao tuổi là những người sống tốt, tích lũy được sự khôn ngoan sau hàng chục năm rèn luyện nhân đức, tử tế, lương thiện. Người cao tuổi không chỉ sống cho bản thân mà còn để lại phúc đức, nền tảng cho con cháu và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Người cao tuổi vẫn là “cây cao bóng cả”, là “cổ thụ” của gia đình và xã hội. Con cháu nhìn vào người cao tuổi để có hy vọng cho tương lai vững chắc dựa vào nền tảng của ông bà.
Cha Antôn nhấn mạnh: Ông bà và người cao tuổi chính là những chứng nhân sống động của niềm hy vọng. Họ đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng vẫn giữ vững niềm tin và truyền lại ngọn lửa đức tin, lòng cậy trông vào Thiên Chúa cho con cháu. Họ chính là kho tàng của ký ức và hy vọng cho Giáo hội và xã hội.
Cha Antôn mời gọi con cháu hãy luôn yêu thương, hiếu thảo và biết ơn công lao của ông bà, cha mẹ. Đồng thời, ngài cũng khuyến khích các cụ cao niên tiếp tục là những chứng nhân sống động của đức tin, là kho tàng quý giá của Giáo xứ, và là ngọn hải đăng của hy vọng cho các thế hệ tương lai.
Cuối Thánh lễ, ông Chủ tịch HĐGX thay lời cộng đoàn và con cháu, chúc mừng Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, Quý Cụ cao niên trong Giáo xứ; đồng thời trao tặng những bó hoa, những phần quà ý nghĩa trong niềm hân hoan. Đây cũng là dịp để cộng đoàn giáo xứ bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những đóng góp quý báu của các cụ, những người đã xây dựng và gìn giữ đức tin trong suốt chặng đường dài, và là biểu tượng của niềm hy vọng bền vững nơi Thiên Chúa.
Thánh lễ cầu nguyện nhân Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi tại Giáo xứ Thánh Linh đã khép lại trong hồng ân và niềm vui của Năm Thánh Hy Vọng. Hôm nay cũng là dịp nhắc nhở mỗi người về bổn phận yêu thương, chăm sóc ông bà cha mẹ, và củng cố tình hiệp nhất trong đại gia đình giáo xứ, cùng nhau hướng về một tương lai tràn đầy hy vọng trong Chúa Kitô. “Phúc cho ai không mất hy vọng” (Hc 14,2).
Bản tin: Vũ Đình Bình
Hình ảnh: Tiến Hùng
Bài giảng lễ
Trước khi chia sẻ đôi tâm tình, tôi xin trước hết cảm ơn cha Quản Xứ đã mời tôi tham dự Thánh lễ này với tư cách là một người niên trưởng 90 tuổi, và mời tôi chia sẻ trong Thánh lễ hôm nay. Nếu tôi là người cao tuổi như các cụ ông, cụ bà thì phải người khác nói về mình; còn tôi là người ở trong tuổi của các cụ, các bà mà lại nói về mình thì có lẽ là không chỉnh lắm chăng? Dù sao đi nữa, Cha Xứ đã có một thiện ý, và tôi xin cảm ơn Ngài.
Thưa ông bà anh chị em,
Chúng ta thường nói tới hy vọng. Hy vọng là gì? Hy vọng là hướng về tương lai, hướng về tương lai tốt đẹp, với một xác tín rằng mình phải đạt tới với ơn của Chúa và khả năng Chúa ban cho mình. Hy vọng là như thế, và vì vậy cho nên hy vọng là một trong ba nhân đức đối thần: tin, cậy và mến. “Cậy” chính là hy vọng đó.
Người Việt Nam chúng ta nói về hy vọng một cách rất khéo: “Còn trời, còn đất, còn non nước, có lẽ ta đâu mãi thế này.” Nghĩa là vượt thắng những thử thách, vượt thắng gian lao hiện tại, không bi quan, không thụ động mà cố gắng tiến tới. Đấy chính là hy vọng. Người Việt Nam chúng ta lại nói: “Sau cơn mưa trời lại sáng,” chứ không ngồi đó mà phàn nàn, mà tin rằng ngày mai sẽ đẹp hơn ngày hôm nay. Đấy cũng là hy vọng.
Người Việt Nam chúng ta cũng nói: “Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai”, tức là hết cái cực thì cái thái hòa nó đến. Cũng có một niềm hy vọng, một niềm tin tưởng vào cực lạc. Người Việt Nam chúng ta nói: “Còn da thì lông mọc, còn chồi thì đẩy cây.” Nghĩa là còn tin vào, giống như chúng ta nói “tre già măng mọc”. Niềm hy vọng cho phép chúng ta nhận ra những hình ảnh đẹp của tương lai.
Có hy vọng thì chúng ta phải nhìn ra phía trước. Có hy vọng, chúng ta phải tưởng tượng ra những cái gì tốt đẹp. Không ai muốn tưởng tượng cái xấu hết, mà đều muốn những điều tốt đẹp. Và muốn thì phải đạt, muốn đạt thì phải có mục tiêu, có phương tiện. Cho nên, niềm hy vọng cho phép chúng ta nhận ra những hình ảnh của tương lai, cho dù là mờ nhạt.
Và cái hy vọng này cũng là dấu chỉ của sự thay đổi. Có hy vọng và đạt hy vọng thì mới có thay đổi. Chúng ta sống trong hy vọng là chúng ta vạch ra những kế hoạch: kế hoạch 5 năm, kế hoạch 10 năm, kế hoạch 20 năm, thậm chí có những cái nhìn 100 năm nữa. Và có cái nhìn 100 năm với hy vọng như thế, và nỗ lực đạt tới. Cho nên, chúng ta sống ở đời này muốn phát triển thì phải có hy vọng.
Hy vọng là hướng nhìn về tương lai. Vì thế mà hy vọng luôn giúp cho chúng ta lạc quan, hối tiến tới phía trước, vượt thắng các thử thách khó khăn. Nói cách khác, sống trong hy vọng là sống mầu nhiệm phục sinh.
Chúa Giêsu vượt thắng mọi đau đớn và cái chết, chịu tuốt trên thập giá để rồi Ngài sống lại vinh quang. Và trong cái đau đớn của Ngài, trong cái tù ngục của Ngài, Chúa luôn nhìn về phía trước, và phía của một người chiến thắng: chiến thắng tội lỗi, chiến thắng hận thù, nhìn đến sự sống lại vinh quang đem lại ơn cứu độ. Ở trên thập giá mà Ngài vẫn nhìn về tương lai, nhìn vào cái kế hoạch mà Thiên Chúa Cha đã vạch ra Ngài sẽ hoàn thành, và Ngài đã nhìn thấy cái sự hoàn thành đó trong sự hy vọng: “Này con xin đến để thực thi ý Cha.” Ngài đến trong một hy vọng như thế, đến để thực hành ý Cha trong hy vọng đạt được Ơn Cứu Độ.
Thưa quý cụ, quý ông, quý bà,
Hôm nay là ngày Giáo hội Hoàn vũ cử hành Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi. Chúng ta nhớ là chúng ta là người cao tuổi chứ không phải người già. Người cao tuổi thì khác, người già thì khác. Người già như là kiểu như là tàn phế rồi. Nhưng mà chúng ta thì là người cao tuổi, có nghĩa là chúng ta sống thời gian.
Và trong cái sống như thế, sống lâu như thế, chúng ta tích lũy những sự khôn ngoan cho đời mình mà mình truyền đạt cái khôn ngoan ấy cho con cháu. Trong thời gian dài 70-80 năm, các cụ luyện nhân đức, các cụ luyện sự sắc sảo, các cụ sống tử tế, các cụ sống lương thiện, các cụ sống để đức cho con, để phúc đức cho con. Đấy cũng là nhằm cái tương lai, nhằm cái tương lai cho con cháu mình. Mình không sống cho mình mà sống cho con cháu, sống cho xã hội, sống cho Giáo hội.
Ngày hôm nay không phải giống như ngày mùng hai Tết. Có lẽ là những bài học chúng ta nghe hôm nay, chúng ta cũng được nghe trong ngày mùng hai Tết. Nhưng mà ngày mùng hai Tết nó nhắc chúng ta cái bổn phận báo hiếu nhiều hơn. Cho nên là chúng ta ra nghĩa trang chúng ta dâng lễ, cầu nguyện, dâng hoa kính nhớ các ngài, nhớ ơn các ngài. Còn ngày hôm nay là ngày chúng ta tôn vinh các cụ cao tuổi.
Chúng ta không nhìn các cụ như là những người tàn phế, không phải là những phế liệu, không phải là những phế nhân, mà chúng ta vẫn là cây cao bóng cả. Chúng ta vẫn là cột trụ của gia đình, của xã hội. Chính chúng ta là những người cống hiến những tư tưởng thâm thúy, những cao kiến, những sáng tạo của chúng ta để giúp cho con cháu của chúng ta nên người, giúp cho xã hội một ngày một tốt hơn, mới mẻ hơn, tình người hơn.
Cho nên hôm nay là ngày cả thế giới tôn vinh, mà cốt yếu là các cụ ông, các cụ bà đang sinh sống với con cháu như là dấu chỉ của hy vọng. Các cụ chính là dấu chỉ của hy vọng. Con cháu nhìn vào các cụ để mà sống cho tương lai. Cha mẹ mình đã như thế, ông bà mình đã như thế, mình phải tiếp nối như cái chuyện tre già thì măng mọc, nhưng mà măng phải mọc trên cái cội rễ là ông bà. Cho nên cội rễ ông bà mà vững vàng, vững chắc, đầy sự sống thì con cháu cũng như thế.
Chúng ta vừa mới nghe ông Abraham, ông cũng sống trong niềm hy vọng lúc ông ấy cả trăm tuổi rồi. Bà Sarah cũng như thế, nhưng ông ấy hy vọng và ông ấy tin tưởng và đã đạt được để trở thành tổ phụ của một dân lớn. Mặc dù Chúa thử thách ông ấy, đề nghị ông ấy giết đứa con của mình mà cái đứa con này là đứa con cầu tự, đứa con ông sinh ra trong tuổi già ông ấy khao khát, thế mà Chúa thử thách phải giết nó đi để tế lễ. Nhưng Chúa chỉ thử thách thôi, và ông ấy sẵn sàng vâng theo ý Chúa, nhưng hy vọng tương lai của mình không phải như vậy, không phải là son sẻ.
Rồi chúng ta nhớ đến ông Mô-sê, khi mà Chúa trao cho ông ấy nhiệm vụ giải phóng dân tộc thì ông có 80 tuổi thôi. Nhưng mà chính trong tuổi 80 đó, ông ấy đủ bản lĩnh để mà hướng dẫn một cái dân cứng đầu cứng cổ. Một dân Israel cứng đầu cứng cổ, than trách Chúa cái này cái khác, ông ấy chịu được và ông ấy đối phó được, hướng dẫn dân của mình một cách rất là tốt.
Rồi chúng ta nghĩ đến bà thân mẫu của tiên tri Samuel cũng sinh con tuổi già mà Samuel trở thành một người cố vấn, một vị tiên tri, một cố vấn cho vua Saul. Rồi chúng ta lại nhớ đến ông Zacharia và bà thánh Elizabeth, họ cũng sống trong niềm hy vọng, và nhờ sống trong niềm hy vọng như thế mà đã được cưu mang ông Gioan Tẩy Giả, tham gia vào kế hoạch cứu độ. Sống trong hy vọng tức là tin tưởng vào quyền năng của Chúa làm được, và Đức Mẹ cũng sống trong niềm hy vọng như thế, hy vọng và tin chắc rằng quyền năng của Thiên Chúa là một quá sức.
Thưa ông bà anh chị em, tất cả các quý vị vừa được cung kính nêu danh đó là những tấm gương hy vọng tiến tới một gia đình nhân loại con cái Thiên Chúa. Giáo hội kính trọng. Hôm nay cả thế giới tôn vinh các cụ ông, cụ bà đang sống như là cột trụ xây dựng một thế giới tốt đẹp, một gia đình mới, một Giáo hội mới.
Chúng ta đừng tưởng là chúng ta làm những cái này làm sao mà xây dựng xã hội, xây dựng Giáo hội. Nhưng mà chúng ta xây dựng Giáo hội, xây dựng xã hội bằng chính cuộc sống gương mẫu, thánh thiện, nhân đức của chúng ta, bằng ý kiến xây dựng của chúng ta, bằng sự nối kết của chúng ta.
Chúng ta là một cột trụ vì kinh nghiệm cao dày trải qua những năm tháng đầy thử thách, quật ngã, có khi là cùng. Chúng ta là cột trụ và phải được cung kính vì là người nêu gương cho con cháu về các nhân đức, về một cuộc sống tử tế, một cuộc sống lương thiện, nhất là về đức tin. Vâng. Nhờ có các cụ sống đức tin như thế này mà có một giáo xứ, có một cộng đồng tín hữu đông đảo như thế này. Không có các cụ làm sao có con cháu ngồi ở đằng sau, ngồi xung quanh đây rất đông. Những người đó là thừa hưởng đức tin của chúng ta, và những người đó được thành công cũng nhờ sự chỉ dẫn và cố vấn của ông bà. Cố vấn của ông bà có thể hướng con cháu đi ra con đường này, đi ra con đường kia, mà nhiều người đã thành công vì đã đi theo sự khôn ngoan của ông bà.
Quý ông bà đã như gương mẫu mực trong cách cư xử, trong hành động khôn ngoan và trong ngôn ngữ đứng đắn, trong việc nối kết và tiến tới thân thương. Và Giáo hội tôn vinh các cụ, các ông, các bà vì là những người đã để lại cho con cháu sự nghiệp tinh thần như là lòng vị tha, tinh thần phục vụ, lòng quảng đại bao dung. Chúng ta cứ nhìn vào các gia đình mà có ông bà mẫu mực là con cháu khác.
Con cháu rất kính trọng và nể sợ ông bà vì ông bà có một cái uy, cái vẻ uy nghi và quyền bính sai khiến con cháu. Con cháu vâng phục mà cái uy tín đó, cái uy nghi đó do cái đời sống thánh thiện của các cụ cộng lại. Giáo hội kính trọng các cụ và sự cống hiến có hiệu quả của quý cụ cho Giáo hội, cho xã hội với những ý kiến cao minh, khôn ngoan, bao quát, thay cho những ý kiến ủng hộ của giới trẻ.
Và Giáo hội và xã hội ghi ơn các cụ ông, các bà đã cống hiến cho xã hội, Giáo hội những người con cháu ưu tú. Có bao nhiêu những con cháu ưu tú, học giỏi, đạt bậc cấp cao, là nhà khoa học, là bác sĩ, là kỹ sư, là những người nổi tiếng, là do các cụ đó.
Thưa ông bà anh chị em và đặc biệt quý cụ, quý ông, quý bà,
Hôm nay chúng ta mừng và cầu nguyện cho các cụ, các ông, các bà. Cao niên chúng ta không phải là phế nhân, chúng ta không phải là phế liệu, chúng ta cũng không phải là những người bị bỏ. Như có nhiều người con đã bỏ cha mẹ mà không nuôi dưỡng cha mẹ. Cho nên ngày hôm nay cũng là ngày nhắc nhở đặc biệt con cháu phải thảo hiếu, phải tôn kính ông bà.
Có nhiều ông bà cao tuổi nhục nhã vì con cái, con dâu, con rể rồi bỏ mặc, rồi gửi vào nhà tế bần, vân vân. Và có nuôi thì nuôi một cách bất đắc dĩ. Cho nên ngày hôm nay người sống, người trẻ tôn kính, tôn vinh và ghi ơn, nhưng mà cũng nhắc nhở bổn phận của chúng ta đừng có như những người mà chúng ta vừa mới nghe ở trong Tin Mừng đó, họ nhân danh một tập tục. Họ nói rằng cái này tôi dâng cho Chúa rồi cho nên tôi không có trách nhiệm dùng cái của này để mà nuôi dưỡng không của họ. Cho nên gọi là “Corban”.
Chúng ta không được phép nhân danh điều này, lấy cớ cái điều kia để chúng ta sống bất hiếu. Những người sống bất hiếu là những người vô phúc. Những người sống bất hiếu là những người không có hy vọng, không có nghị lực phía trước.
Thưa ông bà anh chị em,
Chúng ta có thể vượt được những cái khó khăn, những cái đau khổ, những cái thử thách trong cuộc sống để đi tới một tương lai, một đời sống tốt đẹp hơn. Và chính các cụ, các ông, các bà mà chúng ta mừng chúc hôm nay, đã nêu gương cho chúng ta một niềm hy vọng thay đổi, một niềm hy vọng đổi mới, một niềm hy vọng mà từ hy vọng này nó lại đẩy chúng ta sang một hy vọng khác, một cái mới khác. Từ cái thành tích này của chúng ta là đi tới một cái thành tích khác.
Tất cả chúng ta biết ơn các vị đã gieo niềm hy vọng cho chúng ta. Những người gieo niềm hy vọng cho chúng ta chính là quý cụ, quý ông, quý bà được chúng ta cầu nguyện hôm nay mà chính Giáo hội sáng kiến để cổ vũ một ngày dành cho những người cao tuổi. Người cao tuổi chứ không phải là người già. Người già là người tàn phế, người cao tuổi là người khôn ngoan, là người đạo đức, là người nhìn về tương lai, là người có niềm hy vọng mạnh mẽ. Xin cầu chúc quý ông bà gieo niềm hy vọng cho chúng tôi và cho con cháu.
Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch
Những tin cũ hơn