CHÚA-NHẬT IV PS-C (Ga. 10,27-30)
NGHE VÀ THEO CHÚA
Icare cùng với cha là Dédale bị giam lỏng ở đảo Crète, không sao vượt biển được, mới tìm cách bay về quê nhà. Thế là hai cha con lấy lông chim cột lại với nhau, rồi lấy sáp ong chắp vào hai cánh tay thành hai cánh chim mà bay lên trời. Cha bay trước dẫn đường và dặn con cứ bay ở mức độ trung bình không quá thấp cũng không quá cao vì bay thấp hơi nước ở biển sẽ làm cho cánh nặng mà cao quá thì sức nóng mặt trời sẽ làm sáp tan chảy. Nhưng Icare không nghe lời cha, cao hứng bay mỗi lúc mỗi gần mặt trời hơn khiến sáp nóng chảy làm lông rớt hết và rơi tỏm xuống biển Egée. Đang bay phía trước, người cha thử gọi con, nhưng không nghe tiếng con đáp lại, bèn nhìn xuống biển thấy lông chim và xác con nổi lềnh bềnh. Đau đớn người cha hạ cánh vớt xác con đem chôn và nguyền rủa thuật bay của mình, rồi từ bỏ hẳn từ đó.
Người đời sau mỗi khi nghe kể lại câu chuyện này được ghi rõ trong sử sách đều nuối tiếc thèm thuồng vì quá đau thương mà ông Dédale, nhà phát minh, đã không lưu lại kỹ thuật bay như chim của ông cho đời sau. Tuy nhiên, dù không chủ tâm, thế nhưng câu chuyện bay của hai cha con Dédale đã để lại cho hậu thế một bài học quí giá: đó là sự không tin phục và không vâng lời của người con nơi cha mình đã mang lại một hậu quả thảm khốc.
Thật vậy, ở đời tính độc lập tự chủ cộng thêm óc ham tìm tòi sáng tạo là những điều kiện quí giá và cần thiết giúp con người luôn tiến bộ. Nhưng có những lãnh vực, những vấn đề mình chưa nắm vững, chưa am hiểu hơn người khác, mà vì kiêu căng tự mãn, cố chấp ngông cuồng, thì tính tự chủ độc lập của mình sẽ biến thành mù quáng sai lầm chẳng những không lợi cho ai mà còn làm hại bản thân.
Nhất là trong vấn đề tin phục nơi Chúa, nếu mỗi người chúng ta không biết khôn khéo vận dụng tính độc lập tự chủ và óc tìm tòi sáng tạo cách sáng suốt, khiêm tốn mà chỉ thỏa mãn tính kiêu căng hợm hĩnh hay tò mò vô lối thì lối sống đạo của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng như người Do thái ngày xưa khi họ chỉ biết chất vấn, tra khảo Chúa hơn là biết lắng nghe, biết nhìn ra lối sống của Chúa để bắt chước.
Do đó, với tình trạng hỗn loạn về mọi mặt của thời đại ngày nay: nhiều triết thuyết mâu thuẫn nhau ra đời, nhiều phong trào chủ trương sống theo bản tính tự nhiên phát sinh, nhiều khám phá khoa học kỹ thuật đã lật đổ các huyền thoại, mê tín, khiến con người cảm thấy hoang mang nghi ngờ về những giá trị luân lý đạo đức, những niềm tin tôn giáo. Có lẽ, do ảnh hưởng phức tạp này mà nhiều người Công giáo đã cả dám chất vấn Chúa: Ngài là ai đối với tôi hôm nay? Tìm Ngài ở đâu? Ngài có thật hay không? Tất cả những câu hỏi này, trên nguyên tắc xem ra rất hợp lý, nhưng trong thực tế của đức tin thì chúng lại trở thành nghịch lý đáng sợ.
Điều nghịch lý đầu tiên là kiến thức càng tăng thì càng dẫn con người đến sự vô tri vô giác về chân lý. Bởi vì, sự hiểu biết của trí óc con người có giới hạn, mà Thiên Chúa lại vô hình và những mầu nhiệm đức tin vô hạn, làm sao con người đủ khả năng tiếp nhận. Nếu cứ cố chấp đòi hỏi phải hiểu được Thiên Chúa bằng trí óc hạn hẹp của mình thì sẽ dẫn đưa chúng ta đến thảm kịch là chúng ta chẳng hiểu gì cả và càng thắc mắc nghi ngờ thêm. Từ đó có thể đưa ra kết luận: ai học thức càng cao, nếu không có lòng khiêm tốn chân thật, càng trở nên rối đạo, bỏ đạo, trái lại người bình dân mộc mạc, nếu chân thành đơn sơ, càng tin vững và gắn bó với Chúa khăng khít hơn.
Điều nghịch lý thứ hai là trong lãnh vực tôn giáo, ai hay đặt câu hỏi thì không thể nghe được câu trả lời, còn ai nghe được câu trả lời là vì không đặt câu hỏi. Vì khi muốn đặt vấn nạn là đã chuẩn bị phê bình, đánh giá câu trả lời theo định kiến và hiểu biết của họ. Họ chỉ chấp nhận bao lâu họ thấy hòa hợp với những gì họ đã biết. Do đó, họ không thể chấp nhận Đức Kitô có những giải đáp khác với đáp số có sẵn của họ. Trái lại, những ai có khả năng lắng nghe và biết nhìn việc Chúa làm thì họ đã có câu trả lời, đã sống theo chân lý ấy.
Vì thế, khi người Do-thái và cả Gioan hỏi Chúa là ai thì dường như Chúa không muốn trả lời, mà Ngài chỉ bảo họ hãy lắng nghe lời Ngài dạy và hãy nhìn những việc Ngài làm vì chúng đủ khả năng minh chứng Ngài là ai rồi. Nếu họ không tin mà cứ đòi hỏi thêm tức là họ không thuộc đàn chiên của Ngài. Mà chiên đích thực thì không đặt câu hỏi, không phải vì đã biết được giải đáp, mà vì điều đó không cần thiết.
Hôm nay, Chúa cũng kêu mời chúng ta đừng quá ham chất vấn, quá thích tìm tòi phân tích cái mới lạ để rồi giản lược nó thành cái tầm thường vì làm như thế là tự đóng kín mình lại, làm mình không còn tiến bộ được. Hãy biết khiêm tốn lắng nghe, biết mình giới hạn, biết rằng Thiên Chúa là Đấng vô hình, đầy kỳ bí làm sao ta hiểu nổi. Chỉ có một con đường khôn ngoan nhất là nghe và theo Chúa mà thôi.
Lm. Quế Ngọc