Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.com/assets/images/logo.png
Thứ tư - 23/04/2025 10:45 |
Tác giả bài viết: Đức Hữu |
37
Trong suốt 12 năm lãnh đạo Giáo hội Công giáo, dấu ấn mà Đức Thánh Cha Phanxicô để lại chính là làm thay đổi tư duy của Giáo hội. Sự chú tâm của Đức Thánh Cha vào "hiệp hành" thực sự là một hành trình vận động Giáo hội Công giáo theo những cách thức chưa từng có. Mới đây, Đức Thánh Cha đã trực tiếp giám sát hai phiên họp tại Vatican của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về Hiệp hành, vào năm 2023 và 2024, thể hiện mong muốn mời gọi mọi cá nhân trong Giáo hội "cùng bước đi" và tiến về phía trước, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chấp nhận sự bất đồng, hoặc chỉ đơn giản là lắng nghe, hoặc hiện diện . Giờ đây, trong những ngày mà mọi tín hữu trong Giáo Hội Công Giáo đang thương nhớ vị Cha chung, chúng ta cùng tìm hiểu để thấy hoa trái của tính hiệp hành nơi Thượng Hội Đồng Giám mục vừa qua mà Đức Thánh Cha Phanxicô là người khởi xướng qua bài viết “ Đừng đứng ngoài cuộc, hãy trở thành một phần trong đó” của Đức Tổng Giám Mục Carlos Alfonso Azpiroz Costa, O.P. Dưới đây là nội dung.
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VÀ LỜI MỜI GỌI HIỆP HÀNH
Trong suốt 12 năm lãnh đạo Giáo hội Công giáo, dấu ấn mà Đức Thánh Cha Phanxicô để lại chính là làm thay đổi tư duy của Giáo hội. Sự chú tâm của Đức Thánh Cha vào "hiệp hành" thực sự là một hành trình vận động Giáo hội Công giáo theo những cách thức chưa từng có.Mới đây, Đức Thánh Cha đã trực tiếp giám sát hai phiên họp tại Vatican của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về Hiệp hành, vào năm 2023 và 2024, thể hiện mong muốn mời gọi mọi cá nhân trong Giáo hội "cùng bước đi" và tiến về phía trước, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chấp nhận sự bất đồng, hoặc chỉ đơn giản là lắng nghe, hoặc hiện diện[1]. Giờ đây, trong những ngày mà mọi tín hữu trong Giáo Hội Công Giáo đang thương nhớ vị Cha chung, chúng ta cùng tìm hiểu để thấy hoa trái của tính hiệp hành nơi Thượng Hội Đồng Giám mục vừa qua mà Đức Thánh Cha Phanxicô là người khởi xướng qua bài viết “ Đừng đứng ngoài cuộc, hãy trở thành một phần trong đó” của Đức Tổng Giám Mục Carlos Alfonso Azpiroz Costa, O.P. Dưới đây là nội dung. Nhiều tháng đã trôi qua kể từ khi Phiên họp thường kỳ lần thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 khép lại với chủ đề “Hướng tới một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.” Những trải nghiệm đã được suy ngẫm, và trên hết, những hình ảnh ý nghĩa nhất vẫn còn in đậm - những điều cốt lõi còn mãi, vượt lên trên những chuyện vụn vặt hay những điều có thể bị lãng quên. Khoảng cách của thời gian và không gian cho phép tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Giáo hội và tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, đã giúp tôi có cơ hội tham dự Thượng Hội đồng về tính đồng nghị này. Tôi tri ân sự tín nhiệm của các anh em Giám mục trong Hội đồng Giám mục Argentina - những người đã chọn ra một số “Nghị phụ Thượng Hội đồng” - cũng như của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đấng đã xác nhận sự tuyển chọn ấy. Được chiêm ngưỡng công trình của Chúa Thánh Thần - Đấng mà Thánh Basilô Cả đã mô tả như chính sự hòa hợp – mang lại sự bình an sâu xa cho tâm hồn. Những hồi hộp ban đầu - trong từng lần phát biểu hay khi lắng nghe các thành viên khác của Thượng Hội đồng - đã dần lắng xuống, nhường chỗ cho một thái độ trầm lắng, chiêm niệm và tín thác hơn. Tạ ơn Chúa! Nếu hội nghị năm 2023 đặt trọng tâm vào điều mà ta thường gọi là status quaestionis - tức hiện trạng của vấn đề - thì kỳ họp thứ hai đã mang đến một sự tự tin lớn hơn, một tâm hồn và trí tuệ rộng mở hơn, để đưa ra một “lộ trình giải quyết” với những chỉ dẫn cụ thể, có thể trở thành kim chỉ nam cho sứ mạng của Giáo hội trên các châu lục và trong những bối cảnh khác nhau. Các chuyên gia, dù có tham gia vào cả hai kỳ họp hay không, đã và vẫn đang đưa ra những phân tích sâu sắc về Văn kiện Kết quả, bởi lẽ tài liệu này - theo một nghĩa nào đó- chỉ mới là điểm khởi đầu Điều này diễn ra theo một cách tương tự như các Tổng Tu nghị của Dòng Giảng Thuyết, nơi anh em tu sĩ hội họp ba năm một lần (dẫu cho tần suất này đã thay đổi trong suốt hơn tám thế kỷ kể từ khi Dòng được chính thức chuẩn nhận). Ngay khi Tu nghị bắt đầu, lắng nghe những phát biểu đầu tiên trong các ủy ban hay tại các phiên họp toàn thể, ai nấy đều tự hỏi: suy tư sẽ dẫn đến đâu? Kết luận nào sẽ được rút ra từ vô vàn chủ đề đang đặt ra? Đôi khi, có những tu sĩ khẽ thì thầm: “Chúng ta sẽ đi đến đâu?” Một số khác tự hỏi: giữa muôn vàn ý kiến, đề xuất, tranh luận, góc nhìn khác biệt, liệu có thể tìm thấy một hướng đi rõ ràng? Không thể khác được. Mọi vấn đề liên quan đến đời sống của Dòng trên khắp thế giới đều đòi hỏi sự suy tư toàn diện, sự phân định cẩn trọng, và cuối cùng là sự xác định rõ ràng - dù đó là những quy định mang tính pháp lý, những điều khoản của Hiến pháp, hay những khuyến nghị, cảnh báo, gợi ý, lời mời gọi… tất cả đều phản ánh bản chất và sứ mạng của chúng ta. Trong mỗi Tổng Tu nghị, đặc biệt là các Tu nghị “Tổng quyền” ( chắc chắn thể hiện và đòi hỏi tình thần “cùng nhau tiến bước” vốn là đặc tính của tính đồng nghị), chúng ta có rất nhiều thành viên, tất cả rất khác nhau, đến từ những vùng đất rất khác biệt! Chúng ta có thể nói gì mới mà không làm rạn nứt sự hiệp nhất hay “đồng tâm nhất trí” của Dòng trong truyền thống và sự canh tân liên tục của nó (sự đồng tâm nhất trí đích thực của Lời: cùng một lòng một ý hướng về Thiên Chúa)? Dần dà, trong cuộc đối thoại kiên nhẫn, qua việc trình bày các kết luận, cắt tỉa, điều chỉnh hay sửa đổi các bản văn, rồi phê chuẩn, cuối cùng chúng ta lại khám phá ra rằng - thật vậy - Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của sự hài hòa! Chúng ta cũng tái xác tín sự an ủi cần thiết, lời hứa của thánh Đa Minh với các anh em đang thương khóc trước sự ra đi gần kề của ngài: ngài sẽ hữu ích cho họ hơn cả khi còn sống… Và quả thật là như vậy. Hãy để tôi lấy một ví dụ mà tất cả chúng ta đều quen thuộc - từ đời sống địa phương, tỉnh dòng cho đến đời sống chung hay phổ quát - để suy tư, tìm hiểu và chiêm nghiệm về những gì chúng ta đã trải nghiệm trong Hội trường Phaolô VI. Dù vậy, kể từ năm 2021, chúng ta đã có thể cảm nghiệm thực tại ấy theo nhiều cách khác nhau trên bình diện toàn thể Giáo hội. ******
Tôi chưa rời khỏi Dòng, nhưng nếu có một “tâm thư” mà tôi muốn gửi gắm – sau cách hiện hữu và lãnh đạo trong Dòng - thì đó chính là kinh nghiệm lắng nghe một người anh em của chúng ta và sự đóng góp của ngài cho “Thượng Hội đồng về Đồng nghị”. Sự hiện diện và lời giảng dạy của ngài không phải là một sự ngẫu nhiên, cũng không phải kết quả của cuộc rút thăm may rủi, lại càng không phải là sản phẩm của những thỏa hiệp hay nhượng bộ (Theo danh xưng chính thức, ngài không phải là một “Nghị phụ Thượng Hội đồng” mà chỉ đảm nhận vai trò “Trợ tá thiêng liêng” hoặc một chức danh tương tự.) Tôi muốn nhắc đến một người anh em đáng kính của chúng ta, Cha Timothy Radcliffe, OP. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, sự hiện diện và rao giảng (việc giảng thuyết) của cha có thể biểu lộ tất cả những nhịp điệu sâu sắc nhất của cuộc sống và sứ vụ của chúng ta: chiêm niệm (lắng nghe Thiên Chúa và anh em; nhìn thấy họ và dâng (họ) lên Thiên Chúa; với Ngài về con người trong thời đại chúng ta) và thưa chuyện với Chúa về những con người của thời đại chúng ta. Chia sẻ cho tha nhân hoa trái của chiêm niệm ấy (rao giảng, nói với anh em về Thiên Chúa, nói với họ về những điều kỳ diệu mà Ngài đang thực hiện trong cuộc đời họ. Vài tháng sau khi kết thúc phiên họp thứ hai (Thứ Bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024), tôi tin rằng trong các buổi tĩnh tâm trước hai phiên họp (năm 2023 và 2024) cũng như trong 2 bài suy tư của cha trong các phiên họp, mặc dù không trực tiếp tham gia vào một trong số 37 tham luận, những lời của ngài đã gợi mở những điểm then chốt giúp chúng ta hiểu rõ hơn về kho tàng mà hôm nay chúng ta đang nắm giữ và ấp ủ trong lòng: các Kết luận của năm 2023 và Văn kiện Chung kết của năm 2024. Tôi tin rằng các tiêu đề của mỗi “chương” trong Văn kiện Chung kết, cùng với những tham chiếu đến các lần hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh (sự đan xen lời Ngài), đã khơi dậy tinh thần cốt lõi của việc rao giảng ấy. Có thể nói, văn kiện này, theo một cách nào đó, đã được truyền cảm hứng từ chính nhịp điệu của lời rao giảng đó. Nó đã tiếp nhận một cách sắc bén những trực giác mà người anh em của chúng ta đã từng khai triển, như một hạt giống được gieo vào thửa đất mà tôi tin rằng - nhờ công việc của kỳ họp đầu tiên (2023) - đã trở nên màu mỡ hơn trong kỳ họp thứ hai (2024). Với phần nhập đề như vậy, tôi có thể thử phác thảo một số câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra, mà không dám nhận là đầy đủ! Ngược lại, kinh nghiệm tổng hội của Dòng và kinh nghiệm tại Thượng Hội đồng này cho phép tôi bày tỏ đôi điều, hy vọng sẽ hữu ích cho bất cứ ai có lòng kiên nhẫn đọc hoặc lắng nghe tôi. Tôi vẫn còn nhớ - khi ấy tôi còn sống tại Rôma, ở Santa Sabina - bài diễn văn của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong buổi chúc mừng Giáng Sinh gửi đến Giáo triều Rôma vào ngày 22 tháng 12 năm 2005. Ngày này không khó để ghi nhớ: kỷ niệm 789 năm ngày Đức Giáo hoàng Hônôriô III phê chuẩn Dòng Giảng Thuyết. Trong số các chủ đề mà Đức Thánh Cha đã đề cập với Giáo triều, ngài đặc biệt nhấn mạnh đến “Tính thông diễn của Công đồng Vatican II” nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày bế mạc trọng thể của Công đồng (8 tháng 12 năm 1965). Tôi muốn đặc biệt nhắc đến điều mà ngài gọi là “Tính thông diễn của sự canh tân trong sự liên tục, chứ không phải trong đứt gãy.” Đây là một sự đổi mới diễn ra trong sự liên tục của một chủ thể duy nhất - chính Giáo hội mà Chúa đã ban cho chúng ta - một chủ thể lớn lên và phát triển theo dòng thời gian, nhưng vẫn luôn là chính mình: một chủ thể duy nhất của dân Thiên Chúa trên hành trình tiến về phía trước. Đối với nhiều người, Công đồng thực sự mang nghĩa một sự “đứt gãy” với quá khứ, vì nó tạo nên một bước chuyển so với truyền thống trước đó. Một số người hân hoan đón nhận sự thay đổi này, bởi khắp nơi đều tràn ngập tinh thần canh tân; họ đã từ lâu mong chờ một sự đứt gãy toàn diện, xem đó là điều cần thiết và đáng ao ước. Trái lại, những người khác lại tiếc nuối thời kỳ đã qua và lên án Công đồng vì đã gây ra sự đứt gãy ấy. Trong khi đó, huấn quyền hậu Công đồng vẫn tiếp tục kiên trì và hy vọng, đồng hành cùng Giáo hội trong việc suy tư và thực sự tiếp nhận tư tưởng sâu sắc của Công đồng, tức là tinh thần đồng nghị. Tôi tin rằng những lời than trách, được đề cập ngắn gọn ở trên, vẫn còn vang vọng đến ngày nay. Để diễn đạt rõ hơn, tôi xin trích dẫn Tông huấn Gaudete in Domino của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI (ban hành ngày 9 tháng 5 năm 1975, trong Năm Thánh!). Chẳng hạn, ở số 74: “Vậy, ước gì những người con bồn chồn của chúng ta thuộc một số nhóm nhất định biết khước từ những thái quá của lối phê bình có hệ thống và mang tính hủy diệt! Mà không xa rời cái nhìn thực tế, ước gì các cộng đoàn Kitô hữu trở thành những nơi chốn của lòng tin tưởng ngay thẳng và thanh thản, nơi mọi thành viên đều được huấn luyện để nhận ra những khía cạnh tích cực của con người và các biến cố. ‘Đức mến không vui mừng vì điều bất chính, nhưng vui mừng vì sự thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả’ (1 Cr 13,6-7).” Làm sao để bảo vệ mối dây hiệp nhất trong một Giáo hội mang tính đồng nghị và đang trên đường tiến bước? Một lần nữa, tôi xin trích dẫn lời Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong thông điệp đầu tiên của ngài, Ecclesiam suam (số 38). Theo một nghĩa nào đó, đây có thể xem là “chương trình” của triều đại giáo hoàng của ngài, cũng như Redemptor hominis của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1979) hay Tông huấn Evangelii gaudium của Đức Thánh Cha Phanxicô (2013) đối với mỗi vị. Do đó, đối thoại là một cách thực hiện sứ mệnh tông đồ; đó là nghệ thuật giao tiếp thiêng liêng. Các đặc điểm của nó như sau: 1) Trước hết, rõ ràng đối thoại đòi hỏi và giả định tính minh bạch, vì bản chất của nó là sự trao đổi tư tưởng, một lời mời gọi con người vận dụng những khả năng cao quý nhất của mình. Chỉ riêng điều này cũng đủ để xếp đối thoại vào hàng những biểu hiện cao đẹp nhất của hoạt động và văn hóa nhân loại. Yêu cầu nền tảng này cũng thôi thúc lòng nhiệt thành tông đồ nơi chúng ta, mời gọi chúng ta xem xét lại mọi hình thức diễn đạt của mình: liệu chúng có dễ hiểu không? Có phù hợp với quảng đại quần chúng không? Có được chọn lọc cẩn trọng không? 2) Một đặc tính khác là sự hòa nhã, điều mà Đức Kitô đã dạy chúng ta học nơi chính Người: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Đối thoại không kiêu căng, không làm tổn thương, không gây xúc phạm. Uy quyền của đối thoại không nằm ở mệnh lệnh hay sự áp đặt, mà ở chân lý mà nó truyền đạt, trong tình bác ái mà nó lan tỏa, trong mẫu gương mà nó đề xuất. Đối thoại mang tinh thần ôn hòa, tránh mọi hình thức bạo lực, luôn kiên nhẫn và quảng đại. 3) Một yếu tố quan trọng khác là sự tín nhiệm - niềm tin vững chắc vào giá trị của lời nói của chính mình cũng như vào sự sẵn sàng đón nhận từ phía người đối thoại. Đối thoại thúc đẩy sự thân tình và tình bạn, kết hợp các tâm hồn trong sự gắn bó chung với điều Thiện, loại trừ mọi động cơ ích kỷ. 4) Sau cùng, đối thoại đòi hỏi sự khôn ngoan sư phạm, biết quan tâm đến điều kiện tâm lý và luân lý của người nghe (x. Mt 7,6): liệu họ có phải là trẻ nhỏ, là người thô lỗ, là người chưa được chuẩn bị, là người thiếu tin tưởng hay có thái độ thù địch không? Đối thoại luôn tìm cách thấu hiểu sự nhạy cảm của họ, đồng thời khéo léo điều chỉnh và thích ứng cách trình bày, để tránh trở nên khó hiểu hoặc gây khó chịu cho họ. Khi đối thoại được tiến hành theo cách này, sự kết hợp giữa chân lý với bác ái, giữa trí tuệ với tình yêu, sẽ được hiện thực hóa. Đối thoại trong Thánh Thần, trong toàn bộ quá trình hay bước tiến của Thượng Hội Đồng, là phương pháp được đề xuất để tiến hành "đối thoại" một cách hiệu quả nhất. Tôi tin rằng chỉ có đối thoại, với những đặc điểm tương tự, mới là cách phù hợp nhất để bảo vệ mối dây hiệp nhất trong một một Giáo hội đồng nghị đang trên đường đồng nghị. Chính Thiên Chúa đã tự mạc khải qua cuộc “đối thoại” của công trình sáng tạo và cứu độ. Ngày nay, Người mời gọi dân Người tiếp tục bước đi trên con đường ấy. Nếu không, sự phản kháng sẽ trỗi dậy. Cùng năm công bố Tông huấn Gaudete in Domino, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã ban tặng cho Giáo hội Evangelii Nuntiandi, một văn kiện có thể ví như “Thư hay Cẩm nang của Nhà Truyền Giáo” (được công bố vào ngày 8 tháng 12 năm 1975, nhân kỷ niệm 10 năm bế mạc Công đồng Vatican II). Nhìn thực tại theo cách thức của Dòng - nghĩa là từ niềm vui, hay chính xác hơn, niềm vui trong Chúa - thì việc loan báo Tin Mừng chính là biểu hiện rõ ràng và viên mãn nhất của việc chia sẻ cái nhìn ấy. Vậy chúng ta thực hiện điều đó thế nào? Hãy đọc số 76: Giờ đây, chúng ta hãy xem xét chính bản thân người loan báo Tin Mừng. Người ta thường nói rằng thời đại hôm nay đang khao khát sự chân thực. Đặc biệt đối với giới trẻ, người ta nhận thấy họ kinh sợ những điều giả tạo, dối trá, và họ cũng mạnh mẽ hướng về sự thật, sự minh bạch. Những “dấu chỉ thời đại” này đòi hỏi nơi chúng ta một thái độ tỉnh thức. Một cách âm thầm hay công khai, nhưng luôn mãnh liệt, họ đặt câu hỏi với chúng ta: Anh có thực sự tin điều mình loan báo không? Anh có sống điều mình tin không? Anh có thực sự rao giảng điều mình sống không? Ngày nay, hơn bao giờ hết, chứng tá đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc rao giảng đạt được hiệu quả thực sự. Không vòng vo, chúng ta có thể nói rằng, ở một mức độ nào đó, chúng ta chịu trách nhiệm về chính Tin Mừng mà mình loan báo. Chân phước Damian Byrne, OP (Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, 1983–1992), trong thư gửi toàn Dòng về sứ vụ giảng thuyết, đã đặt ra câu hỏi tương tự như Đức Giáo hoàng Montini đã nêu lên với tất cả những ai loan báo Tin Mừng. Cha Damian chất vấn các thành viên của Gia đình Đa Minh về đóng góp cốt lõi của họ cho Giáo hội - điều đã thúc đẩy Thánh Đa Minh khởi xướng công cuộc sáng lập Dòng. Chiêm niệm và chia sẻ hoa trái của chiêm niệm ấy với tha nhân chính là điều định nghĩa và làm nên bản sắc của đời sống cũng như sứ vụ của chúng ta. Mô hình quản trị đặc thù của Dòng vừa đề cao phẩm giá con người, trân trọng những ân huệ, đặc sủng và khả năng của mỗi cá nhân, vừa nhấn mạnh một cách mạnh mẽ tinh thần cộng đoàn, mà không tạo ra sự đối lập vô lý giữa hai yếu tố này. Tại sao? Bởi vì, như được viết trong Sách Hiến pháp và Quy chế của các tu sĩ Dòng Đa Minh, cũng như trong Hiến pháp của các nữ đan sĩ Đa Minh, “khi một điều tốt được tất cả cùng đón nhận, nó sẽ được thúc đẩy nhanh chóng và dễ dàng” (theo lời của Chân phước Humbert de Romans trong Opera de vita regulari, Ed. Berthier I, 72). Đối thoại với Thiên Chúa và đối thoại giữa anh em chính là hai đặc điểm nổi bật, diễn tả cách chúng ta liên hệ và liên kết với nhau. Qua hai hình thức đối thoại này, chúng ta có thể ôm trọn toàn bộ nội dung của Tài liệu Cuối cùng của Thượng Hội đồng! Đây chính là chủ đề cốt lõi, từ đó nhiều vấn đề khác đã được triển khai, xem xét và phân định: sự hoán cải trong các mối tương quan, trong các tiến trình và trong các liên đới. Há chẳng phải đây chính là điều chúng ta đã học được từ niềm vui của Thánh Đa Minh, từ sự tín nhiệm - một niềm vui được sẻ chia - mà ngài dành cho anh em mình để cùng sống và sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng sao? Chúng ta nhận ra điều này cách rõ ràng trên hành trình, trong chính lối sống lữ hành vốn là nét đặc trưng của chúng ta. Chân phước Phaolô thành Venice, một trong những nhân chứng trong án phong thánh của Thánh Đa Minh (Tiến trình Bologna, Nhân chứng VIII), đã kể lại rằng “Thầy Đa Minh thường nói với ngài và những người đồng hành rằng: ‘Hãy bước đi, chúng ta hãy nghĩ đến Đấng Cứu Độ của chúng ta’”. Ngài cũng làm chứng rằng “bất cứ ở đâu, Đa Minh luôn nói về Thiên Chúa hoặc nói với Thiên Chúa”, và ngài thú nhận rằng “chưa bao giờ thấy thầy Đa Minh giận dữ, bồn chồn hay lo lắng, dù vì sự mệt nhọc của hành trình hay vì bất cứ lý do nào khác, nhưng luôn vui tươi trong gian truân và kiên nhẫn trong nghịch cảnh”. Những gì tôi đã trải nghiệm tại Thượng Hội đồng giúp tôi cảm nhận được nhịp hít vào và thở ra của đời sống Dòng trong lòng Giáo Hội. Hít vào và thở ra là hai nhịp của hơi thở. Cũng vậy, tôi có thể nói rằng: chúng ta cần được nuôi dưỡng bởi Giáo Hội, và đồng thời, trong Giáo Hội, trao ban cho Giáo Hội chính hơi thở của Thánh Đa Minh - nền tảng và ý nghĩa của tất cả những gì thuộc về Đa Minh! Trong phiên họp cuối cùng đã dài và có thể nói là khá mệt mỏi - chúng tôi đã bỏ phiếu từng đoạn (số) của Tài liệu Cuối cùng, với số phiếu đạt đủ điều kiện để mỗi đoạn được thông qua (273 phiếu). Khi hoàn tất thủ tục quan trọng này, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng ngài sẽ đón nhận làm của riêng tất cả những gì đã được diễn đạt và phê chuẩn. Điều đó có nghĩa là: ngài sẽ không viết một Tông huấn hậu Thượng Hội đồng của riêng mình (x. Tài liệu Cuối cùng, Phiên họp Khoáng đại thứ 17, Lời chào kết của Đức Giáo Hoàng, thứ Bảy ngày 26 tháng 10 năm 2024). Tiếng vỗ tay kéo dài, vang lên như một sự đồng thanh mạnh mẽ, không chút do dự. Đó không chỉ là dấu hiệu của niềm vui sâu xa vì đã hoàn thành bổn phận, mà còn là một chứng từ sống động trước mắt thế giới - một thế giới đang chìm trong chiến tranh, chia rẽ, rạn nứt và những xung đột phi lý - rằng chính Đức Giáo Hoàng là người đầu tiên thực sự xem trọng tất cả những gì đã được thực hiện trong bốn năm làm việc ở các cấp độ địa phương (giáo phận), quốc gia, lục địa và hoàn vũ. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc ấy. Chúng tôi ra về với sự mãn nguyện vì đã hoàn thành trách nhiệm của mình, nhưng hơn thế nữa, với niềm vui vô biên khi thấy rằng những gì đã được phân định và phê chuẩn cũng chính là điều được Đấng Kế Vị Thánh Phêrô đón nhận làm của riêng. Có lẽ chính lúc ấy, chúng tôi mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của tiến trình đồng nghị: TẤT CẢ, MỘT SỐ, và MỘT NGƯỜI. Giờ đây, chúng ta cần bắt tay thực hiện điều đó, bằng cách hoán cải chính Giáo hội địa phương của chúng ta, với sự tham gia của toàn thể dân Chúa thánh thiện và trung tín. Thượng Hội đồng đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về sự hoán cải mà chúng ta được mời gọi. Tôi muốn tóm tắt điều này một cách rõ ràng và đơn giản. Nhưng đây không phải là một bài diễn văn hoa mỹ, mà là một lời mời gọi sống tinh thần “đồng nghị” một cách nghiêm túc, như Thánh Đa Minh, Thánh Catarina và tất cả các thánh trong Dòng đã sống và rao giảng! Nếu không, chúng ta sẽ chỉ là những “tay súng bắn tỉa buồn bã”. Vì thế, lời mời gọi sau cùng của tôi đến với mọi độc giả của chứng từ này là: ĐỪNG ĐỨNG NGOÀI CUỘC, HÃY TRỞ THÀNH MỘT PHẦN TRONG ĐÓ! Trong tình huynh đệ nơi Đức Kitô, Mẹ Maria và Thánh Đa Minh, chúng ta cùng bước đi, những người hành hương của Niềm Hy Vọng!
Bahía Blanca, ngày 11 tháng 2, Năm Thánh 2025 +Carlos Alfonso AZPIROZ COSTA OP Tổng Giám mục Bahía Blanca