TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Phục Sinh -Năm C

“Người phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20, 1-9)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiểu sử Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô

Thứ hai - 21/04/2025 10:57 | Tác giả bài viết: Khánh Ly – WTGPHN |   81
Đức Thánh Cha (ĐTC) Phan-xi-cô là Đức Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ. Ngài sinh ra tại Argentina với tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio.
Tiểu sử Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô

Đức Thánh Cha (ĐTC) Phan-xi-cô là Đức Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ. Ngài sinh ra tại Argentina với tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio. Vị Giám mục Dòng Tên của Tổng Giáo phận Buenos Aires là một nhân vật mà cả châu lục cùng biết đến. Nhưng ngài luôn giữ một lối sống của một mục tử giản dị.

Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô qua đời, hưởng thọ 88 tuổi

Thông điệp vang vọng cuối cùng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: Hoà bình!

Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục của TGP Buenos Aires, tiểu sử của ngài chỉ vỏn vẹn vài dòng. Sống kín tiếng và đơn giản là vậy, ngài vẫn luôn là điểm tựa cho cộng đoàn nhờ những lập trường mạnh mẽ của mình.

Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô sinh ngày 17/12/1936 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Ngài là con trai của một gia đình nhập cư người Ý. Cha ngài, ông Mario, là kế toán ngành đường sắt. Mẹ ngài, bà Regina Sivori, là người nội trợ tận tụy, nuôi dạy năm người con.

Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học, ngài chọn con đường tu trì và gia nhập Đại Chủng viện Giáo phận Villa Devoto. Ngày 11/3/1958, ngài gia nhập tập viện Dòng Tên. Ngài học nhân văn tại Chile và năm 1963 trở về Argentina lấy bằng triết học tại Đại học Colegio de San José ở San Miguel.

Từ năm 1964 đến năm 1965, ngài giảng dạy văn học và tâm lý tại Trường Immaculate Conception ở Santa Fé. Đến năm 1966, ngài tiếp tục dạy những môn này tại trường Colegio del Salvatore ở Buenos Aires. Từ năm 1967 đến năm 1970, ngài học thần học và lấy bằng tại Colegio de San José.

Ngày 13/12/1969, ngài được Đức Tổng Giám mục Ramón José Castellano truyền chức linh mục. Ngài tiếp tục theo học tại Đại học Alcalá de Henares ở Tây Ban Nha (1970–1971). Ngày 22/4/1973, ngài khấn cuối tại Dòng Tên.

Trở về Argentina, ngài làm giám tập tại Villa Barilari ở San Miguel, giáo sư tại Khoa Thần học San Miguel, cố vấn Tỉnh dòng Dòng Tên, đồng thời là Viện trưởng Colegio Máximo của Khoa Triết học và Thần học.

Ngày 31/7/1973, ngài được bổ nhiệm làm Giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina trong 6 năm. Sau đó, ngài trở lại giảng dạy tại đại học. Từ năm 1980 đến năm 1986, ngài tiếp tục làm Viện trưởng Colegio de San José, đồng thời là cha xứ tại San Miguel. Tháng 3/1986, ngài sang Đức hoàn thành luận án tiến sĩ, sau đó, bề trên cử ngài đến làm việc tại Colegio del Salvador ở Buenos Aires. Ngài phục vụ tại nhà thờ Dòng Tên ở Córdoba với vai trò linh hướng và giải tội.

Đức Hồng y Antonio Quarracino, Tổng Giám mục Buenos Aires, là người đã mời gọi ngài làm cộng sự thân tín. Ngày 20/5/1992, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục hiệu tòa Auca, Giám Phụ tá Tổng Giáo phận Buenos Aires. Ngày 27/5, ngài được truyền chức Giám mục tại nhà thờ chính tòa bởi chính Đức Hông y Đức Hồng y Antonio Quarracino. Ngài chọn khẩu hiệu giám mục Miserando atque eligendo (Thương xót và tuyển chọn), trên huy hiệu có biểu tượng IHS của Dòng Tên.

Ngày 21/12/1993, ngài được bổ nhiệm làm Đại diện Tổng quyền của Tổng giáo phận. Đến ngày 3/6/1997, ngài được nâng lên làm Tổng Giám mục phó Buenos Aires. Chưa đầy 9 tháng sau, khi Đức Hồng y Quarracino qua đời, ngài kế nhiệm và trở thành Tổng Giám mục TGP Buenos Aires và là Giám mục đặc trách các tín hữu Công giáo nghi lễ Đông phương tại Argentina.

Ba năm sau, trong Công nghị Hồng y ngày 21/2/2001, Đức Gio-an Phao-lô II phong ngài làm Hồng y, trao tước hiệu San Roberto Bellarmino. Ngài xin các tín hữu không đến Rô-ma mừng lễ tấn phong, mà thay vào đó hãy quyên góp cho người nghèo số tiền định dùng cho chuyến đi.

Tháng 10/2001, ngài được bổ nhiệm làm Tường trình viên chính tại Thượng Hội đồng Giám mục khóa X về thừa tác vụ giám mục. Nhiệm vụ này được giao cho ngài vào phút chót để thay thế Đức Hồng y Edward Michael Egan, Tổng Giám mục New York, vì vụ khủng bố ngày 11/9.

Tại Thượng Hội đồng, ngài đặc biệt nhấn mạnh đến “sứ mạng ngôn sứ của giám mục”, vai trò làm “ngôn sứ công lý”, bổn phận “không ngừng rao giảng” học thuyết xã hội của Giáo hội và “lên tiếng cách trung thực về những vấn đề đức tin và luân lý”.

Năm 2002, với tinh thần khó nghèo, ngài từ chối chức vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina, nhưng 3 năm sau đó, ngài được bầu vào chức vụ này trong hai khóa liên tiếp từ năm 2005-2008. Tháng Tư năm 2005 ngài tham dự Mật viện Hồng y mà Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI được tuyển chọn.

Với cương vị là Tổng Giám mục Buenos Aires – một giáo phận với hơn ba triệu cư dân – ngài đã thiết lập một chương trình truyền giáo dựa trên sự hiệp thông và loan báo Tin mừng. Ngài có bốn mục tiêu chính: hình thành những cộng đoàn cởi mở và tình anh em, nhấn mạnh vai trò lánh đạo của người giáo dân trưởng thành, thúc đẩy những nỗ lực loan báo Tin Mừng cho mọi cư dân của thành phố, và giúp đỡ người nghèo và người bệnh. Ngài yêu cầu các linh mục và giáo dân làm việc cùng nhau. Tháng 9 năm 2009, ngài phát động chiến dịch đoàn kết nhân dịp kỷ niệm 200  năm độc lập của đất nước. 200 tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 2016. Và trên quy mô lục địa, ngài mong đợi nhiều từ tác động của thông điệp của Hội nghị Aparecida năm 2007, đến mức mô tả nó là “Evangelii Nuntiandi của Châu Mỹ Latinh”.

Ngày 13 tháng 03 năm 2013, Ngài được chọn làm Giáo hoàng.

Trong 12 năm triều đại Giáo hoàng của ĐTC Phan-xi-cô, ngài đã mạnh mẽ lên tiếng về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế và quyền của người di cư.

Ngày 24/5/2015, ĐTC Phanxicô đã công bố thông điệp Laudato Si ’: Chăm sóc ngôi nhà chung. Đây là thông điệp đầu tiên của Đức Giáo hoàng hoàn toàn dành để nói về cuộc khủng hoảng của ngôi nhà hành tinh. Qua đó, ngài kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ hành tinh và coi đó là bổn phận đạo đức của con người.

Để canh tân cơ cấu tổ chức của Giáo hội, Đức Thánh Cha đã ban hành Tông hiến Praedicate Evangelium vào Ngày 19/3/2022, lễ thánh Giuse. Tông Hiến mới mang đến cho Giáo triều Roma một cơ cấu có tính truyền giáo hơn để có thể phục vụ các Giáo hội địa phương và việc loan báo Tin Mừng tốt hơn.

Đức Thánh Cha đã thúc đẩy và mở rộng sự tham gia của giáo dân trong các công việc của Giáo hội. Ngài đã tổ chức các hội nghị để lắng nghe ý kiến của mọi thành phần dân Chúa.

Ngài cũng đã thực hiện nhiều chuyến thăm đến các nhà tù và cộng đồng nghèo khó, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Một trong những hành động đáng nhớ là việc mở Cửa Thánh tại nhà tù Rebibbia ở Rome vào năm 2024, mang thông điệp hòa giải đến những người bị giam cầm.

Trong suốt triều đại, Đức Thánh Cha đã đến thăm 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt những quốc gia có cộng đồng Công giáo nhỏ hoặc chịu nhiều thiệt thòi. Ngài cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và hòa giải giữa các quốc gia. Thông điệp hòa bình luôn được ĐTC nhấn mạnh trong hầu hết các thông điệp và diễn văn của ngài.

Ngày 14/2/2025, Đức Thánh Cha phải nhập viện điều trị vì viêm phế quản và trình trạng sức khỏe của ngài dần chuyển biến xấu. Sau 38 ngày điều trị tại bệnh viện, ĐTC trở về Nhà Thánh Marta ở Vatican để hồi phục sức khoẻ.

Vào lúc 7h35, sáng thứ Hai, ngày 21/4/2025, Đức Thánh Cha được Chúa gọi về, hưởng thọ 88 tuổi.

Lược dịch và tổng hợp: Khánh Ly – WTGPHN

Nguồn: Vatican News

Tác giả bài viết: Khánh Ly – WTGPHN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây