TÒA ÁN HÔN PHỐI và việc THÁO GỠ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO (P4)
CHƯƠNG BỐN
TÒA ÁN HÔN PHỐI
Trong bất cứ một cộng đoàn nhân loại nào, để tạo lập và duy trì trật tự giữa những người sống chung với nhau, họ phải có một cơ cấu tổ chức, cơ cấu tổ chức này có thể thật đơn sơ hay có thể thật phức tạp tùy theo sáng kiến tổ chức và khả năng chấp nhận của mọi người trong cộng đoàn.
Thông thường, cách tổ chức đơn sơ nhất, là cộng đoàn có một người hay một nhóm người lãnh đạo, điều khiển cộng đoàn. Khi một người tự động đứng lên dùng sức mạnh hay khả năng để lãnh đạo, điều khiển cộng đoàn, người ta cho đó là chế độ quân chủ; Khi một người được những người khác trong cộng đoàn chọn lựa để lãnh đạo cộng đoàn, người ta cho đó là chế độ dân chủ.
Trong bất cứ một thể chế nào, để việc lãnh đạo có thể thực hiện được, người ta phải nhận ra ba đặc quyền hàm chứa trong vai trò của người, hay nhóm người lãnh đạo. Ba đặc quyền đó là: Quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.
Quyền lập pháp là quyền làm ra luật. Quyền hành pháp là quyền thực thi, hành xử luật. Quyền tư pháp là quyền phán xét những trường hợp vi phạm luật.
Trong chế độ quân chủ, cả ba loại quyền trên tập trung vào một người: Vua.
Trong chế độ dân chủ, ba loại quyền trên được phân chia ra như sau: quyền lập pháp thuộc về quốc hội; quyền hành pháp thuộc về tổng thống hay thủ tướng; quyền tư pháp thuộc về các tòa án.
Giáo Hội Công Giáo là một xã hội có tổ chức, được lãnh đạo do Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục hiệp thông với Ngài.
Cá nhân hay gia đình là phần tử nhỏ nhất thành lập nên Giáo Hội. Nhiều cá nhân hay nhiều gia đình họp thành một giáo xứ, nhiều giáo xứ họp thành một giáo phận (đứng đầu là một Giám Mục), nhiều giáo phận họp thành một Giáo tỉnh (đứng đầu do một Tổng Giám Mục), nhiều giáo tỉnh họp thành Giáo miền (Hội Đồng Giám Mục), nhiều Giáo miền họp thành Giáo Hội.
Mỗi Giáo phận thể hiện đầy đủ hình ảnh của một xã hội có tổ chức của Giáo Hội. Tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của Giáo Hội, không gì tốt hơn là tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của một Giáo phận.
Vì Giáo Hội được tổ chức theo thể chế phẩm trật, nên quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp được tập trung nơi Giám Mục. Tuy nhiên, vì cứu cánh tối hậu của Giáo Hội là cứu cánh thiêng liêng, là phần rỗi các linh hồn, nên các thứ quyền hành trên không được tập trung cách cứng ngắc và độc đoán như trong thể chế quân chủ: Thường quyền hành pháp được Giám Mục ủy cho Linh Mục Tổng Đại Diện, quyền tư pháp được ủy cho Linh Mục Đại Diện Tư pháp và Giám Mục giữ quyền lập pháp.
Linh Mục Đại Diện Tư pháp là người chịu trách nhiệm về việc thiết lập và điều hành Tòa Án Giáo Phận. Ở đây, chúng ta giới hạn vấn đề trong lãnh vực hôn phối, nên chúng ta sẽ gọi Tòa Án Giáo Phận này là Tòa Án Hôn Phối.
Tòa Án Hôn Phối thường bị chống đối bởi hai nhóm người:
Nhóm thứ nhất gồm những người Công Giáo cực đoan, họ cho rằng không thể có việc tháo gỡ hôn phối trong Giáo Hội, hôn phối giữa những người Công Giáo phải là hôn phối với sự sống chung cho đến hơi thở cuối cùng, không được có một trường hợp ngoại trừ nào.
Nhóm thứ hai gồm những người Công Giáo cấp tiến, họ cho rằng Tòa Án Hôn Phối nên được coi như một di tích còn sót lại của Giáo Hội thời Trung cổ, không nên xử dụng vào các việc có tính cách hiện đại của thế giới văn minh. Còn riêng về vấn đề hôn phối theo sự tiến triển của thời gian, Giáo Hội nên chấp nhận thủ tục và phán quyết của tòa dân sự về vấn đề ly dị, chấp nhận cho những người vì lý do này hay lý do khác, không thể sống chung với người họ đã kết hôn được ly dị, lập gia đình mới với người khác.
Cả hai nhóm người này đều không muốn cho Tòa Án Hôn Phối được thiết lập và hoạt động. Tuy nhiên, trong phần này, chúng ta không bàn tới việc có nên có Tòa Án Hôn Phối hay không, nhưng chúng ta sẽ hiểu về cơ cấu tổ chức, hệ thống điều hành và các nhân sự liên hệ trong việc sinh hoạt của Tòa Án.
Theo nguyên tắc, mỗi Giáo phận đều có một Linh Mục Đại Diện Tư pháp và vì thế đều có một Tòa Án Hôn Phối. Cơ cấu của các Tòa Án Hôn Phối được thiết định như sau:
I. Các cấp Tòa Án trong Giáo Hội.
* Cấp địa phương:
1. Tòa Án Hôn Phối Giáo Phận: Là Tòa Án được thiết lập trong một Giáo phận để phân xử ở Cấp thứ nhất (Đệ nhất cấp) những tranh tụng giữa các tín hữu về vấn đề hôn nhân.
2. Tòa Án Hôn Phối Giáo Tỉnh: Nếu kết quả của việc phân xử nơi Tòa Án Giáo Phận không làm thỏa mãn các đương sự liên hệ, họ có thể chống án lên Tòa Án Giáo Tỉnh. Lần xử thứ hai này nơi Tòa Án Giáo Tỉnh gọi là việc phân xử Cấp thứ hai (Đệ nhị cấp).
Với những đương sự thuộc về Giáo Tỉnh, vụ kiện của họ sẽ được phân xử tại Tòa Án Giáo Tỉnh ở cấp thứ nhất. Nếu kết quả của việc phân xử Cấp thứ nhất tại Tòa Án Giáo Tỉnh chưa thỏa mãn các đương sự, chính Tòa Án Giáo Tỉnh sẽ xử lại ở cấp thứ hai.
3. Tòa Chống Án: được thành lập nơi Giáo Tỉnh, hay tại nhiều nơi, Hội Đồng Giám Mục, với sự đồng ý của Tòa Thánh, thiết lập một hay hai Tòa Chống Án trong Giáo Miền của mình.
Trong trường hợp không có Tòa Chống Án trong Giáo Miền, Tổng Giám Mục có thể xin phép và có sự đồng ý của Tòa Thánh, chỉ định một Tòa Án Hôn Phối Giáo Phận giữ vai trò Tòa Chống Án cho những án văn phán quyết ở cấp thứ nhất từ Tòa Án Giáo Tỉnh.
Tất cả các vụ kiện về hôn phối nơi các Tòa Án Giáo phận hay Giáo tỉnh dù thỏa mãn các đương sự hay không, cũng đều được duyệt xét do Tòa Chống Án. Bản văn mang phán quyết thực sự của một vụ kiện là bản văn phát hành do Tòa Chống Án.
Có thể vì những lý do nào đó, nhiều Giáo phận cùng nhau họp lại để thiết lập một Tòa Án Hôn Phối duy nhất. Tòa Án Hôn Phối này sẽ xử (cấp thứ nhất và cấp thứ hai tất cả các vụ kiện thuộc về lãnh thổ của các Giáo phận liên hệ.
* Cấp Trung Ương (Tòa Thánh).
1. Tòa Thượng Thẩm Roma (Roman Rota): Tòa Thượng Thẩm Roma phán xử.
- Ở đệ nhị cấp, những vụ kiện đã được các Tòa Án sơ cấp thông thường phán xử và đệ trình lên Tòa Thánh bằng kháng cáo hợp pháp.
- Ở đệ tam cấp hay ở cấp kế tiếp, những vụ án đã được chính Tòa Thượng Thẩm này hay bất cứ Tòa Án nào khác phán xử, trừ khi vấn đề đã trở thành quyết tụng.
- Những vụ kiện hộ sự liên can đến các Giám Mục, các Viện Phụ Tổng Quyền, các Viện Phụ Hội Trưởng Chi Dòng và các Bề Trên Tổng Quyền của các Dòng tu thuộc luật Giáo Hoàng.
- Các Giáo phận, những thể nhân hay pháp nhân trong Giáo Hội mà không có Bề trên nào khác ngoài Đức Giáo Hoàng.
- Các vụ kiện dành riêng cho Tòa Thánh, nhưng được Đức Giáo Hoàng giao phó.
2. Tối Cao pháp Viện (Signatura): Tối cao pháp viện phán xử:
- Các thượng tố chống lại các phán quyết của Tòa Thượng thẩm Roma.
- Những thượng tố về thân trạng mà Tòa Thượng Thẩn Roma từ chối tái xét.
- Các khước biện và nghi ngờ chống lại các thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm Rôma vì những hành động của họ khi thi hành chức vụ.
- Những tranh chấp thẩm quyền giữa hai Tòa Án không cùng một tòa kháng cáo.
- Những tranh tụng hành chánh giữa các cơ quan giáo triều và giải quyết những tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan ấy.
TÒA ÁN HÔN PHỐI THÔNG THƯỜNG CẤP GIÁO PHẬN
I. Nhân sự của Tòa Án:
1. Đại Diện Tư Pháp của Giám Mục (Episcopal Judicial Vicar): Phải là một Linh Mục có thanh danh, có bằng Tiến sĩ hay ít là Cử nhân Giáo Luật và không dưới ba mươi tuổi, được chính Giám Mục chỉ định với hạn kỳ. Đại Diện Tư Pháp có thường quyền trong lãnh vực tư pháp như chính Giám Mục và hợp với Giám Mục làm thành Tòa Án của Giáo Phận.
2. Phụ Tá Đại Diện Tư Pháp hay Phó Án Sát (Adjutant Judicial Vicar): Là người trợ giúp cho Đại Diện Tư Pháp. Phụ Tá Đại Diện Tư Pháp cũng có thường quyền trong lãnh vực tư pháp và phải là một Linh Mục có thanh danh, không dưới ba mươi tuổi, có bằng Tiến sĩ hay ít là Cử nhân Giáo Luật, do chính Giám Mục chỉ định với hạn kỳ.
3. Các Thẩm Phán (Judges): Trong Giáo phận, ngoài Giám Mục, Đại Diện Tư Pháp và Phụ tá Đại Diện Tư Pháp có thường quyền về tư pháp do chức vụ (ex offcio), còn có các Linh Mục hay giáo dân được Giám Mục chỉ định làm Thẩm Phán. Những người này phải là những người có thanh danh, có bằng tiến sĩ hay ít là Cử nhân Giáo luật được chỉ định với hạn kỳ.
4. Các Dự Thẩm (Auditors): Một trong số các Thẩm phán có thể được chỉ định làm Dự Thẩm cho một trường hợp tranh tụng. Dự Thẩm có nhiệm vụ thu thập các bằng chứng theo ủy nhiệm của thẩm phán và sau khi thu thập xong giao cho thẩm phán. Dự Thẩm trong nhiều trường hợp cũng có thể tự quyết định những bằng chứng nào cần được thu thập và thu thập theo thể thức nào. Giám Mục cũng có thể chuẩn nhận để giữ chức vụ Dự Thẩm những giáo sĩ hay giáo dân nổi bật về hạnh kiểm, khôn ngoan và học thức.
5. Các Phụ Thẩm (Assessors): Các giáo sĩ hay giáo dân có thanh danh, cũng có thể được chỉ định là Phụ Thẩm; nhất là trong trường hợp Tòa Án với một Thẩm Phán duy nhất, trong trường hợp này hai Phụ Thẩm sẽ được mời để làm cố vấn. Thường những Thẩm Phán khác được chỉ định làm Dự Thẩm.
6. Lục sự (Notaries): Để các văn kiện Tòa Án được chứng thực, mỗi Tòa Án đều có các Lục sự. Lục sự là giáo sĩ hay giáo dân có thanh danh được Giám Mục chỉ định. Lục sự có nhiệm vụ ký nhận, chứng thực tất cả các văn kiện liên hệ, văn kiện nào không có chữ ký của Lục sự thì không có giá trị pháp lý.
7. Chưởng lý (Promotor of Justice): Là người bảo vệ cho công ích. Trong mỗi địa phận, Giám Mục nên chỉ định một giáo sĩ hay giáo dân, có hạnh kiểm tốt, khôn ngoan và học thức để làm Chưởng lý. Chưởng lý phải có Tiến sĩ hay ít là Cử nhân Giáo Luật.
8. Bảo Hệ (Defender of the Bond): Để bảo vệ sự thiêng liêng của những giao ước hôn phối đang được tranh tụng tại tòa án, Giám Mục phải chỉ định một Bảo Hệ. Bảo Hệ có thể là giáo sĩ hay giáo dân, có thanh danh, cẩn trọng và công chính và phải có Tiến sĩ hay ít là Cử nhân Giáo Luật. Bảo hệ phải dẫn ra và trình bày mọi luận cứ chống lại sự vô hiệu hóa hôn nhân.
9. Luật sư (Advocates): Phải là người trưởng thành, có thanh danh và là người Công Giáo (trừ khi Giám Mục cho phép cách khác), phải có bằng Tiến sĩ Giáo Luật hay là một Chuyên viên thật sự và được Đức Giám Mục ưng chuẩn.
10. Người thụ ủy (Procurators): Dù là nguyên đơn hay bị đơn, đều có quyền chọn cho mình một người thụ ủy, người thụ ủy sẽ thay mặt họ trong suốt thời gian tranh tụng.
11. Chuyên gia luật pháp (Juridical experts): Các chuyên gia về luật pháp có thể được chỉ định do Thẩm phán hoặc nếu do nguyên đơn hay bị đơn thì phải được Tòa Án chấp thuận. Những chuyên gia này sẽ trợ giúp trong các việc liên hệ đến sự thẩm định vụ án.
12. Phúc trình viên (Relators): Trong một vụ tranh tụng được trao phó cho một tập đoàn thẩm phán, vị thẩm phán chủ nhiệm sẽ chỉ định một phúc trình viên. Phúc trình viên có nhiệm vụ thẩm định các bằng chứng đã thu thập, phát biểu ý kiến của mình cho các thẩm phán khác và lập biên bản án từ quyết định do tập đoàn các thẩm phán.
(hết Chương Bốn)
Lm. Jos. Bùi Đức Tiến,
Thẩm Phán Tòa Án Hôn Phối,
Tổng Địa Phận Melbourne & Tasmania,
Australia.