TÒA ÁN HÔN PHỐI và việc THÁO GỠ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO (P1)
Tập sách này được thực hiện với hai mục đích:
1. Trình bày một lối thoát có thể, cho những người Công Giáo đang bị vướng mắc trong những hoàn cảnh hôn phối tan vỡ không còn hy vọng hàn gắn.
2. Giúp cho những người Công Giáo đang âu lo sống trong các “gia đình thứ hai”, một cách thế có thể, để thực hiện Bí Tích Hôn Phối một lần khác.
GIỚI THIỆU
Tòa Án Công Giáo là Tòa Án thành lập bởi Giáo Hội theo Giáo Luật để phân xử những tranh tụng liên can đến những việc thiêng liêng hay những vấn đề liên hệ với những việc thiêng liêng. (c.1401).
Một trong những sự phân xử này là việc tháo gỡ dây hôn phối giữa những người Công Giáo, nghĩa là “cho phép” hai người sau khi đã thực hiện hôn phối trong nhà thờ được tự do kết hôn một lần nữa dù vợ hay chồng họ vẫn còn sống.
Sẽ có nhiều người không đồng ý với tác giả về đề tựa và nội dung của tập sách này. Điều đó tác giả đã ước đoán và chuẩn bị để chấp nhận. Nhưng trước khi đi sâu vào vấn đề, tác giả mong ước được chia sẻ những khổ tâm, những cay đắng và những chịu đựng với các thành viên của những gia đình tan vỡ, cũng như với phụ huynh và những người thân thuộc của họ, vì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Giáo Hội cũng không bỏ quên họ. Tác giả muốn họ hiểu rằng: Giáo Hội qua hệ thống Tòa Án Hôn Phối có thể giúp đỡ họ giải quyết vấn đề khúc mắc gia đình họ đang có bằng việc tháo gỡ hôn phối họ đang vướng mắc và bận tâm.
Những người không đồng ý với tác giả sẽ có lý do riêng của họ: giả như họ cho rằng việc tháo gỡ hôn phối dù bằng cách nào đi nữa, sẽ làm mất giá trị cao vời của yếu tố vĩnh hôn trong Giáo Hội Công Giáo từ ngàn xưa; họ cũng có thể cho rằng nếu một người “làm” được thì rồi nhiều người cũng sẽ làm được, như thế cuối cùng hôn nhân Công Giáo cũng không khác gì các cuộc hôn nhân khác...
Như chúng ta đang thấy, bên cạnh sự đau khổ về việc gia đình tan vỡ, những người vợ, những người chồng kém may mắn này còn phải chịu đựng thêm những khổ đau khác: mặc cảm thua kém, tội lỗi vì đã không tạo được một gia đình hạnh phúc, vì đã làm mất tình yêu “Chúa định” cho họ trong hôn nhân v.v… Chưa kể những cấm đoán của luật lệ cho những người “phạm luật” và sự xa lánh của những người chung quanh.
Tập sách này trình bày một cách ngắn gọn về cơ cấu tổ chức của Tòa Án, về cách phân xử, về những thủ tục cần thiết cho một vụ tranh tụng hôn nhân. Bên cạnh đó, tác giả cũng thêm một vài chia sẻ thiêng liêng, cũng như ý nghĩa của đời sống hôn phối với các đôi bạn và với những ai đang muốn tìm hiểu thêm về khế ước hôn nhân trước khi thực sự dấn thân vào đời sống gia đình.
Tác giả mong ước được các vị cao niên, trưởng thượng và các nhà chuyên môn góp ý trong phương thức trình bày và nội dung của tập sách này.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Jos. Bùi Đức Tiến,
Thẩm Phán Tòa Án Hôn Phối,
Tổng Địa Phận Melbourne & Tasmania,
Australia.
ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Ngay từ khởi thủy, trong sinh hoạt chung như một cộng đồng xã hội, Giáo Hội đã đóng vai trò hòa giải những xung đột không thể tránh được xảy ra giữa những tín hữu sống chung với nhau. Một trong những loại xung đột đó là loại xung đột liên hệ đến vấn đề hôn phối. Trong thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Corintô đã đề cập đến một trường hợp hôn phối loạn luân (incestuous) và quyết định trục xuất người đàn ông đó ra khỏi cộng đồng Giáo Hội (1Cor 5,1-13).
Trường hợp đã được đề cập này, chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất Giáo Hội đã phải đứng ra hòa giải. Cho nên, năm 314, Công Đồng Chung Ancyra đã ra một đạo luật trừng trị nghiêm khắc những người liên hệ trực tiếp vào những trường hợp hôn phối loạn luân.
Gratian, một luật gia nổi tiếng của Giáo Hội đã lưu lại trong Bộ Luật của ông nhiều trường hợp hôn phối đã được các Đức Giáo Hoàng và các Thánh Giáo Phụ phân xử. Nhiều trường hợp hôn phối cũng đã được các Tòa Án hôn phối giải quyết trong lãnh vực địa phương. Đến thế kỷ XII, đã có những nguyên tắc rõ ràng qui định những giai đoạn cần thiết để phân giải một trường hợp hôn phối tại Tòa Án của Giáo Hội. Tuy nhiên, theo Đức Giáo Hoàng Innocentê III, cho đến năm 1198, nhiều giáo phận vẫn chưa áp dụng những qui luật này.
Năm 1311, Đức Giáo Hoàng Clémentê V, trong sắc lệnh Dispendiosam đã truyền rằng: Các trường hợp hôn phối phải được xét tại Tòa Án một cách đơn giản và mau lẹ, tránh những rườm rà, phức tạp của thủ tục pháp lý (simpliciter et de plano, ac sine strepitu judicii et figura).
Vào thế kỷ thứ XVI, Công Đồng Chung Trentô ấn định rằng các Linh Mục giáo phận (dean) và các Phó Giáo Chủ (archdeacon) từ nay không được tự mình xét các trường hợp hôn phối nữa. Tất cả những trường hợp hôn phối nếu có phải được chấp hành qua một thủ tục pháp lý và Bản Quyền địa phương là người phán quyết kết quả sau cùng của những tranh tụng hôn phối đó.
Dù đã được ấn định phải qua một thủ tục pháp lý, nhưng chính thủ tục pháp lý đó không rõ ràng, cho nên xảy ra quá nhiều lạm dụng, thậm chí có những người đã được tháo gỡ hôn phối tới lần thứ ba, lý do là vì không có người Bảo Hệ (defender of the bond), cũng không có Tòa Kháng Án (Appelate court) để duyệt xét quyết định của các Thẩm Phán.
Hiến Chế Dei miseratione, do Đức Giáo Hoàng Beneđictô XIV ban hành ngày 3/11/1741 chấm dứt tình trạng hỗn loạn này. Hiến Chế qui định rằng mỗi giáo phận phải chỉ định một người Bảo Hệ để bênh vực cho dây hôn phối và chính người Bảo Hệ này phải xét lại quyết định của Tòa Án xét ở cấp thứ nhất quyết định tháo gỡ một trường hợp hôn phối.
Một thế kỷ sau đó, Thánh Bộ Công Đồng phát hành một Bản Dẫn Giải Cum Moneat, giải thích, hướng dẫn áp dụng Hiến Chế Dei miseratione. Một bản dẫn giải khác Causa Matrimoniales được ban hành bốn năm sau, năm 1884, hai bản dẫn giải này có giá trị cho đến khi Bộ Giáo Luật đầu tiên của Giáo Hội ra đời: năm 1917.
Điều luật 1576 của Bộ Giáo Luật 1917 qui định rằng: Một trường hợp hôn phối phải được thẩm định do ba thẩm phán. Tất cả những qui định trái với điều luật này đều phải được bãi bỏ. Những qui định về Cơ cấu thẩm quyền Tòa Án, quyền tố tụng của các nguyên cáo, cách thức thu thập chứng cớ v.v... đều được xác định rõ ràng.
Năm 1936, sau gần 20 năm áp dụng, Tòa Thánh nhận thấy hoạt động của các Tòa Án địa phương đã không đạt được nhiều kết quả. Lý do là vì những qui định của Giáo Luật quá khó khăn, không thực tế.
Ngày 15/8/1936, Tòa Thánh phát hành một bản dẫn giải Provida Mater giải thích 33 điều luật trong Bộ Luật 1917 (từ điều 1960 đến điều 1992) về cơ cấu, thẩm quyền, nhân sự, cách áp dụng luật khi phải phán xử những trường hợp hôn phối để giúp các Thẩm Phán đang làm việc tại các Tòa Án địa phương. Thoạt nhìn qua thì Bản Dẫn Giải khá thực tế, nhưng khi đi vào việc áp dụng thì Bản Dẫn Giải quá cứng nhắc và phức tạp. Như thế, thay vì trợ giúp, Bản Dẫn Giải lại ngăn cản, giới hạn thẩm quyền của các Thẩm Phán tại các Tòa Án địa phương. Cả ngàn những trường hợp hôn phối đã bị bỏ quên vì những khó khăn này.
Giáo Hội tại Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong việc hóa giải các khó khăn này bằng cách trở lại với Sắc Lệnh Dispendiosam (1311): Đơn giản hóa các thủ tục Tòa Án bằng Đạo Luật American Procedural Norms.
Kết quả đã được nhìn thấy rõ ràng: Thập niên 1960, tại Hoa Kỳ có khoảng 5 triệu người công giáo ly dị, nhưng chỉ có khoảng vài trăm trường hợp được giải quyết do Tòa Án Hôn phối. Đến thập niên 1970 (sau khi American Procedural Norms được ban hành), Hoa Kỳ có khoảng 6 triệu người công giáo ly dị mà Tòa Án đã giải quyết được khoảng 30.000 trường hợp.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngày 28/3/1971 đã ban hành Tông Thư Causas Matrimoniales cho toàn thể Giáo Hội. Mặc dù Tông thư không có những qui định đơn giản và quá dễ dãi như American Procedural Norms của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, nhưng cũng đã đơn giản hóa thủ tục Tòa Án Hôn phối của Giáo Hội trong những lãnh vực thẩm quyền, số thẩm phán trong một vụ kiện và đặc biệt là thủ tục ngắn gọn của Tòa Chống Án.
Tông Thư Causas Matrimoniales này đã được đưa vào Bộ Giáo Luật 1983. Tuy nhiên, bên cạnh từ ngữ Tố Tụng, Ủy Ban soạn thảo Bộ Giáo Luật còn nhấn mạnh vai trò mục vụ của các Thẩm Phán khi hành xử năng quyền, thẩm định về các trường hợp hôn phối trong các Tòa Án Hôn Phối địa phương.
CHƯƠNG MỘT
HÔN NHÂN TRONG Ý CHÚA
Trên bất cứ một thiếp mời dự lễ cưới hay tiệc cưới nào, ngoài những chi tiết cần thiết của một thiếp mời với ngày giờ, tên họ của hai người hôn phu và hôn thê, người ta đều thấy có in thêm câu Kinh Thánh: “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”.
Câu Kinh Thánh này được trích từ Phúc âm Thánh Matthêu chương 19. Bối cảnh của câu chuyện xảy ra như sau: Những người Biệt phái đến thử Chúa Giêsu và họ hỏi: “Người ta có được phép ly dị vợ mình, bất cứ vì lý do gì chăng?”. Chúa Giêsu đã trả lời họ bằng đoạn văn trích từ Sách Sáng thế Ký: “Các ông há không đọc thấy rằng, từ đầu tiên Thiên Chúa đã tác tạo nên họ cả nam và nữ ư? và Thiên Chúa phán dạy rằng: Bởi lẽ đó người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắng khít người vợ của mình, và cả hai sẽ nên một huyết nhục. (Stk 1,27; 2,24). Như thế họ không còn phải là hai nhưng là một. Vậy điều gì Thiên Chúa liên kết, con người không được phân ly.”
Theo lịch sử về Kinh Thánh, đoạn văn từ Sách Sáng Thế Ký trên đây đã được viết hàng ngàn năm trước thời Chúa Giêsu. Tác giả đã được Chúa Thánh Thần soi dẫn để diễn tả về hôn nhân của con người trong ý Thiên Chúa quan phòng. Nếu đọc kỹ đoạn văn Cựu Ước này, người ta thấy rằng, đây không phải là một trình thuật về công trình sáng tạo của buổi ban đầu nhưng là một câu chuyện tương tự như các câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu vẫn thường dùng sau này trong Tân Ước. Qua dụ ngôn Cựu Ước này, người ta có thể tìm thấy, suy diễn được mối liên hệ phải có giữa con người và Thiên Chúa, giữa con người và con người.
CON NGƯỜI VÀ THIÊN CHÚA
Nhìn lại đoạn văn trên, chúng ta thấy từ ngữ huyết nhục được dùng để diễn tả một mạng người có xương có thịt và có hơi của sự sống: “Giavê Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất, Người truyền hơi của sự sống vào mũi nó và con người đã trở thành mạng sống.” (Stk 2, 7).
Hành động sáng tạo của Thiên Chúa được trình thuật ở đây là một hành động diễn tả tình yêu: Tình yêu của Thiên Chúa đối với các thụ tạo vừa được tạo dựng, đặc biệt là con người.
Một tình yêu luôn luôn phải được đáp lại bằng một tình yêu. Do đó, tình yêu được coi là ơn gọi đầu tiên của một con người có hơi của sự sống: Hơi của sự sống đây chính là thần khí của Thiên Chúa, là linh hồn nơi con người. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Người muốn chúng ta đáp trả lại tình yêu này.
CON NGƯỜI VÀ CON NGƯỜI
Tiếp tục dụ ngôn, Thiên Chúa phán: “Không tốt, nếu người đàn ông chỉ có một mình, Ta sẽ làm cho nó cái gì trợ giúp tương đối với nó. Và Giavê Thiên Chúa đã nắn ra từ đất mọi thứ dã thú và mọi giống chim trời, và Người dẫn đến cho người đàn ông để xem nó gọi tên chúng làm sao. Con người đã đặt tên cho mọi thú vật và mọi chim trời cùng mọi đã thú.” (Stk 2,18-19). Đặt tên cho một đồ vật hay sinh vật là dấu hiệu của chủ quyền trên đồ vật hay sinh vật ấy. Vì vậy, con người có chủ quyền trên các thụ tạo, các sinh vật khác.
Con người từ đó làm bạn với các sinh vật. Nhưng nơi các sinh vật không có thần khí hay linh hồn (hơi của sự sống từ nơi Thiên Chúa). Con người yêu thương các sinh vật, các sinh vật quyến luyến con người, nhưng các sinh vật không đáp trả lại được tình yêu thương con người trao tặng. “Con người vì vậy vẫn không tìm được sự trợ giúp nào tương đối” (Stk 2,20) nơi các sinh vật, mà chỉ tìm thấy tình yêu và trợ lực nơi một mình Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo.
Động lực chính văn là tình yêu từ nơi Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã giáng xuống trên con người một giấc tê mê và nó đã ngủ thiếp đi. Và Người đã rút lấy một xương sườn của nó, đoạn lấy thịt lấp vào xây thành người đàn bà, đoạn dẫn đến với người đàn ông. Người đàn ông khi nhìn thấy người đàn bà đã thốt lên: Phen này, nàng là xương tôi và thịt tôi, nàng sẽ đội danh là đàn bà vì đã được rút từ đàn ông (Stk 2,21-23).
Người đàn ông đã không đặt tên cho người đàn bà, nhưng gọi người đàn bà bằng chính tên của mình (đội danh). Từ nguyên thủy, người đàn ông đã không có chủ quyền trên người đàn bà như có chủ quyền trên các sinh vật thụ tạo khác. Nàng có xương, thịt và thần khí như xương thịt và thần khí nơi người đàn ông, người đàn ông tìm được sự đáp trả tình yêu và trợ lực nơi người đàn bà, một đáp trả mà ông ta đã không tìm thấy từ các sinh vật thụ tạo khác. Do đó, trong ý của Thiên Chúa, người đàn bà bình đẳng trong mọi lãnh vực với người đàn ông (bởi vì họ có cùng một xương thịt và thần khí).
Sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà, hai sinh vật có thần khí của Thiên Chúa vừa được tạo dựng, diễn tả liên hệ toàn vẹn giữa con người và con người. Hai người không chỉ liên kết trong thần khí, cũng không chỉ liên kết trong xác thịt, nhưng trong toàn thể của một con người được Thiên Chúa sáng tạo, với xương thịt và thần khí. Khía cạnh thân xác (tình dục) của hai người cũng đã được diễn tả: “Cả hai người đều trần truồng, người đàn ông và vợ, nhưng họ không hổ ngươi với nhau.” (Stk 2,25). Qua diễn tả này, người ta hiểu được ý nghĩa tiềm ẩn trong cuộc sống chung của hai người: trao tặng nhau trọn vẹn. Họ có thể xấu hổ ngại ngùng khi trần truồng trước sự hiện diện của mọi người khác, nhưng không xấu hổ, ngại ngùng trước mặt vợ hay chồng mình.
Trong lãnh vực khoa học tâm lý, người ta khám phá ra rằng, con người chỉ tìm được một sự thoải mái hoàn toàn nơi người khác, do người khác. Người khác đây chính là tha nhân chung quanh họ.
Hôn nhân đưa hai người nam và nữ đang yêu thương nhau, đến với nhau, liên kết với nhau ở một mức độ cao nhất, sâu xa nhất. Tình yêu này chính là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Hôn nhân với một tình yêu như thế, có thể được gọi là một cuộc hành trình đi tìm cõi vô tận, vô biên của tình yêu. Thời gian chung sống, không là yếu tố làm cho người đi tìm mệt mỏi, trái lại, càng có thời gian tìm hiểu người mình yêu, càng khám phá ra cái vô tận của tình yêu.
Nếu hai người nam và nữ quan niệm hôn nhân chỉ là làm sao để cử hành một lễ cưới cho trang nghiêm, tổ chức một đám cưới cho linh đình thôi, thì hai người sẽ không đạt được tình yêu này. Các nghi thức, lễ lạc không phải là động lực đưa đến tình yêu, nó không tạo ra được tình yêu. Nghi thức, lễ lạc bên ngoài chỉ là những dấu chỉ có tính cách xã hội, đánh dấu ngày tình yêu chính thức lên đường. Tình yêu đưa hai người đến hôn nhân chứ hôn nhân không thể đưa hai người đến tình yêu.
Thiên Chúa chúc lành cho con người. Người không chúc lành cho một người, nhưng Người chúc lành, trao trách nhiệm cho sự liên kết giữa hai người trong cuộc sống chung: “Và Thiên Chúa chúc lành cho chúng: Hãy sinh sôi, nẩy nở và hãy nên đầy dẫy trên mặt đất. Và hãy làm bá chủ nó, hãy thống trị trên cá biển, chim trời và mọi loài sinh vật. (Stk 2, 28).
BA YẾU TỐ QUAN TRỌNG TRONG HÔN NHÂN
1. Đơn hôn: Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá của từng cá nhân. Thiên Chúa cũng không bắt buộc người này phải lập gia đình với người kia. Tình yêu của người này hướng về người kia chính là tình yêu hướng về chính Thiên Chúa đang hiện diện trong người ấy. Trong cái vô biên của Thiên Chúa, có cái hạn hữu của đời sống con người. Tình yêu hai người hướng về nhau là tình yêu vừa có tính cách thiêng liêng vừa có tính cách nhân loại.
Thiên Chúa hiện hữu sâu thẳm trong tạo vật thụ tạo. Nếu hiểu tình yêu giữa hai người là một trợ lực để giúp hai người nam nữ tìm thấy Thiên Chúa, và yêu thương Thiên Chúa trong nhau, thì trợ giúp này phải là một trợ giúp liên tục không tùy thuộc nơi không gian và không giới hạn trong thời gian. Do đó, tình yêu vợ chồng phải vững chắc trong sự trung thành và chung thủy. Bất cứ một bất tín, bất trung nào đều làm cho tình yêu của hai người và chính hai người: bị tổn thương. Nếu sự bất tín, bất trung chỉ là việc tìm thỏa mãn những đòi hỏi dục tình thì đây là một sự dối trá. Sự liên hệ xác thịt sẽ chỉ là một dối trá, trừ khi sự trao thân cho nhau được coi là một cách thế diễn tả tình yêu trọn vẹn trong hôn nhân, hoàn toàn cho tình yêu, hoàn toàn hòa nhập trong vĩnh cửu của Thiên Chúa với khả năng giới hạn của con người. Tình dục ngoài hôn phối và ngoại tình không được chấp nhận vì nó hàm chứa sự dối trá này.
2. Vĩnh hôn: Có người cho rằng có những người sống chung với nhau không có hôn phối vẫn yêu thương nhau, vẫn có con cái, vẫn trung thành chung thủy với nhau suốt đời và họ có thể lý luận rằng sự trung thành chung thủy của những người này mới là thật sự, vì những người này không bị bó buộc với nhau bằng các nghi lễ, luật lệ rườm rà của con người.
Nếu nhìn sâu xa hơn, người ta có thể nói rằng trong cách sống này (không có hôn phối), hai người là vợ, là chồng vẫn luôn luôn hiểu nhau rằng họ không bị ràng buộc với nhau, họ có tự do của riêng họ, để họ muốn chấm dứt đời sống vợ chồng nào cũng được tùy ý.
Như thế, ngay trong tiềm thức, và ngay từ ban đầu, họ đã không thật sự dấn thân toàn vẹn cho Người họ yêu, họ vẫn có ý rằng khi không thích thì sẵn sàng chấm dứt. Trong tình yêu của họ, họ vẫn yêu họ hơn yêu người yêu. Một tình yêu thật sự, mỗi người đều phải nhận chân một điều là họ đã dấn thân, đã chấp nhận, thì từ chối nhau dù bất cứ trong thời điểm nào, là từ chối chính tình yêu có cho nhau và một tình yêu như thế sao có thể được gọi là tình yêu chân thật? Tình yêu của những người này là tình yêu có điều kiện: Nếu chúng tôi vẫn còn yêu, chúng tôi sẽ tiếp tục sống chung, bằng không… Không thể có tình yêu thật nếu trong tình yêu đó có một giới hạn, bất cứ về phương diện nào. Dù giới hạn đó chỉ xuất hiện cách lờ mờ trong tiềm thức.
Nhiều người muốn yêu chân thật. Nhưng họ luôn luôn lo sợ rằng thời gian sẽ làm nhạt nhòa tình yêu chân thật ấy, họ không muốn bị tổn thương khi mất mát, họ vẫn yêu họ hơn yêu người yêu, vì khi họ mất mát, tổn thương, thì người họ yêu sẽ ra sao?
Quyết định kết hôn với một lo sợ vẩn vơ về sự tan vỡ như một ý tưởng tiên tri, thì lúc nào cũng nằm trong trạng thái hồi hộp, chờ đợi sự việc không hay xảy ra. Khi một khó khăn xuất hiện, họ liền chụp lấy cơ hội, rồi cho rằng sự gì phải đến đã đến. Các vợ chồng trẻ hãy ý thức, vượt qua những tư tưởng thụ động quan niệm rằng những đụng chạm đưa đến tan vỡ đời sống chung, phải xảy ra như một định mệnh. Không, chúng đến từ những thiếu sót, sơ xẩy của hai người trong đời sống chung, và chỉ với một chút cố gắng, hai người sẽ vượt qua dễ dàng.
Không thể giải tích bằng lý luận được, hoàn cảnh một người sau khi gia đình thứ nhất của họ tan vỡ, họ kết hôn lần thứ hai với những lời thề thốt tương tự: Tôi nhận em N. làm vợ, và hứa sẽ yêu thương và kính trọng em mọi ngày trong suốt đời tôi”. Nếu những lời lẽ này đã một lần thề hứa với một người khác, rồi đã không được tôn trọng, thì liệu lần hứa này có đáng tin cậy không?
3. Đón nhận và giáo dục con cái: Tình yêu của Thiên Chúa đã đơm hoa kết quả nơi các thụ tạo qua công trình sáng tạo, trong số các thụ tạo đó có con người. Giờ đây, tình yêu tuyệt vời của hai người trong đời sống hôn phối cũng sẽ lập lại sự đơm hoa kết quả đó. Hai vợ chồng được mời gọi trong tình yêu để cộng tác với Thiên Chúa trong việc tiếp nối sự vô tận của tình yêu sáng tạo.
Cảm giác nào của người cha, người mẹ có thể có, khi ôm đứa con đầu tiên vào lòng? Họ không thể hiểu hay hiểu mà không diễn tả được nguồn ơn vô giá Thiên Chúa đã ban cho họ. Trong tình yêu, họ đã làm được công việc mà nếu không có tình yêu; sự việc không bao giờ xảy ra. Sự việc ngoài khả năng con người bình thường. Qua hình ảnh đứa con, họ nhìn thấy tình yêu vô hình của họ thể hiện cách hữu hình, và tình yêu của họ được con cái họ tiếp nối, có thể tới vô cùng tận.
Qua con cái, hai người vợ chồng yêu thương, kính trọng nhau hơn. Yêu thương kính trọng nhau trong lời mời gọi của Thiên Chúa, qua việc cộng tác vào chương trình sáng tạo, tạo dựng và duy trì công trình này đến vô cùng vô tận.
“Hãy sinh sản đầy dẫy” là một lời chúc lành chứ không phải là một lệnh truyền bắt buộc. Lời chúc lành này không có nghĩa là hai vợ chồng bắt buộc phải có nhiều con cái. Kèm theo lời chúc lành là việc trách nhiệm, bổn phận làm cha mẹ trong lãnh vực giáo dục con cái. Chúa tạo dựng nên con người, Ngài chăm sóc, thương yêu con người thì cha mẹ sau khi sinh sản con cái yêu thương, dưỡng dục là cần yếu, cha mẹ có bổn phận phải chu toàn cách xứng đáng. Cha mẹ phải trả lẽ về trách nhiệm này trước mặt Thiên Chúa, trước mặt nhau, trước gia đình họ thành lập, trước xã hội và cuối cùng, trước những đứa con mà họ đã được trao năng quyền qua việc cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo.
(hết Chương Một)
Lm. Jos. Bùi Đức Tiến,
Thẩm Phán Tòa Án Hôn Phối,
Tổng Địa Phận Melbourne & Tasmania,
Australia.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn